Hoa Kỳ huy động tổng lực quân sự và kinh tế chống Tàu Cộng

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản. Ảnh 29/06/2019.

phỏng vấn ông Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne, Paris về việc Mỹ dốc toàn lực chống Trung Cộng tại Biển Đông:

Lần đầu tiên, kể từ năm 2011, một bộ trưởng Quốc Phòng Tàu Cộng đích thân đến dự Diễn đàn An ninh Shangri-La tại Singapore, diễn ra từ ngày 31/05 – 02/06/2019. Sự kiện này cho thấy Bắc Kinh đang “điều chỉnh lại” chiến lược đối ngoại quân sự và an ninh vào đúng thời điểm Mỹ tiếp tục điều chỉnh chiến lược tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ngay tại Diễn đàn Shangri-La, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan chỉ đích danh Tàu Cộng gặm nhấm chủ quyền của các nước láng giềng, quân sự hóa nhiều đảo đá mà nước này kiểm soát ở vùng Biển Đông. Hoa Kỳ chỉ trích chủ tịch Tập Cận Bình đã nuốt lời hứa năm 2015 với tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama.

Trước Diễn đàn Shangri-La, Hoa Kỳ công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, với Tàu Cộng trong tầm ngắm và là chủ đích. Trước đó vài ngày, một ủy ban hỗn hợp thượng nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa đã trình dự thảo luật trừng phạt Tàu Cộng do các hành động xâm lăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong khi đó, chính quyền tổng thống Donald Trump tiếp tục dồn dập gây sức ép đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại và kỹ thuật công nghệ.

Trên quy mô quốc tế, Mỹ đã vận động được nhiều quốc gia bạn bè và đồng minh, có lợi ích trong khu vực, gia nhập chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và bảo đảm an ninh ở Biển Đông, biển Hoa Đông thuộc vùng Thái Bình Dương.

Phải chăng Mỹ đang dồn lực trên mọi mặt để đối phó và cô lập Tàu Cộng? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với chuyên gia Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne, Paris.

RFI: Đầu tháng 06/2019, Hoa Kỳ thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, dường như trực tiếp nhắm vào Tàu Cộng. Đâu là những điểm chính của chiến lược này?

Mathieu Duchâtel: Trước hết, đó là cách định dạng lại điều mà mọi người hiện giờ đều biết, đó là cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” và được chính quyền tổng thống Donald Trump sử dụng đúng nghĩa. Điều này đánh dấu sự khác biệt với chính quyền tiền nhiệm Obama. Theo quan điểm của tôi, có rất ít điểm thực sự mới trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương lần này, nhưng cũng có một số điểm nổi bật.

Trước hết, đó là tầm quan trọng của việc ủng hộ tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông. Tiếp theo, đó là vai trò quan trọng của các đối tác lớn của Mỹ ở trong vùng, trong đó có vai trò của Ấn Độ trong tầm nhìn chiến lược xoay trục sang châu Á so với những chiến lược trước đây.

Điểm thứ ba, đó là một chiến lược, không chỉ liên quan đến vấn đề sức mạnh hải quân và an ninh hàng hải theo đúng nghĩa quân sự, mà còn là lời đáp trả của Mỹ trước những sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải của Tàu Cộng ở những nước láng giềng dọc vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua Con Đường Tơ Lụa trên biển. Tại đây, Hoa Kỳ, cùng với các nước đối tác, đang tìm cách cưỡng lại sự cạnh tranh với Tàu Cộng về mặt xây dựng cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng chính trị.

RFI: Vài ngày trước khi thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, một ủy ban hỗn hợp thượng nghị sĩ Mỹ, Dân Chủ và Cộng Hòa, đã trình bày một dự thảo luật trừng phạt Tàu Cộng vì những hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hai sự kiện này có mối quan hệ như thế nào?

M. Duchâtel: Phía Quốc Hội Mỹ khởi xướng nhiều dự án liên quan đến Tàu Cộng và vấn đề ở Tân Cương. Mỹ hiện có một chính sách rất cứng rắn đối với Tàu Cộng mà người ta vẫn nhắc đến sự “cạnh tranh chiến lược”, theo cụm từ mới đang được dùng. Có rất nhiều yếu tố cho chính sách này, trong đó yếu tố dễ nhận thấy nhất, dĩ nhiên là thuế quan, sau đó là những gì liên quan đến cạnh tranh kỹ thuật công nghệ.

Tiến tới trừng phạt Tàu Cộng về những hành động ở Biển Đông, với tôi, điều này có vẻ khó. Nhưng trái lại, chúng ta thấy rõ là dưới chính quyền tổng thống Trump, điều mà được tổ chức chặt chẽ hơn so với thời Obama, đó chính là những chuyến tuần tra vì tự do hàng hải, hiện trở thành hoạt động thường kỳ trong chiến lược đáp trả của Washington đối với việc Bắc Kinh cho xây dựng và bồi đắp đảo nhân tạo, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Cần phải nhắc lại là những chuyến tuần tra này không chỉ giới hạn ở quần đảo Trường Sa, mà cũng thường xuyên được tiến hành ở quần đảo Hoàng Sa, quanh đảo Phú Lâm (Woody).

Phải nói là Hoa Kỳ hiện diện mạnh mẽ ở trong vùng. Tôi nghĩ rằng còn có một điểm mới phù hợp với lợi ích của Washington, đó là một số đối tác của Mỹ đã điều động đến hiện diện ở Biển Đông, như một số nước châu Âu, Úc hay Nhật Bản.

Theo tôi, trừng phạt Bắc Kinh do các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trong vùng biển xung quanh nước này, không phải là điểm nổi bật, quan trọng nhất. Điều thực sự quan trọng, trước hết đó là sự hiện diện hải quân, tiếp theo là sự huy động để hình thành được một liên minh quốc tế quanh sáng kiến cần có một lực lượng hải quân thường trực trong vùng biển này để ngăn cản xảy ra thêm một vụ “thay đổi nguyên trạng”.

Chúng ta không thể buộc Tàu Cộng lùi bước ở quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa vì đó là chủ đích “chuyện đã rồi” từ phía Tàu Cộng. Ngược lại, việc hải quân hiện diện thường xuyên nhắm đến hai mục đích: Thứ nhất, bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế; thứ hai, điều mà tôi cho là còn quan trọng hơn, đó là tạo điều kiện để không xảy ra thêm một kiểu “việc đã rồi” như trên.

RFI: Song song với hành động quân sự, Washington không ngừng gia tăng sức ép tối đa đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại. Khi tung ra cả hai kiểu đòn tấn công như vậy, Mỹ nhắm đến mục đích gì?

M. Duchâtel: Có một câu hỏi thực sự về tham vọng chiến lược lâu dài của chính quyền Donald Trump. Theo tôi, có thể diễn giải theo hai khả năng nhưng không biết đâu là chiến lược thực sự.

Khả năng thứ nhất: Buộc Tàu Cộng chấp nhận một thỏa thuận lớn. Thỏa thuận này làm thay đổi bản chất mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Tàu Cộng, với những điều khoản đáng tin cậy, đặc biệt liên quan đến vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ. Đây liệu có phải là điều mà chính quyền Trump tìm kiếm không? Và Hoa Vi là một bài trắc nghiệm. Tôi cho rằng khả năng này ít xảy ra.

Khả năng thứ hai: Đó chỉ đơn thuần là logic cạnh tranh chiến lược với mục tiêu, theo quan niệm của Mỹ, là thay đổi mạnh nhất cán cân lực lượng giữa Mỹ và Tàu Cộng với một cuộc chiến đang diễn ra liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số tương lai và cuộc chạy đua về kỹ thuật công nghệ. Vì thế, các doanh nghiệp công nghệ của Tàu Cộng bị nhắm đến. Và nếu trường hợp này là đúng, chúng ta sẽ kiểm chứng được điều này qua số phận được dành cho tập đoàn Hoa Vi.

Hẳn mọi người còn nhớ rằng công ty ZTE của Tàu Cộng cũng từng là nạn nhân của các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến ZTE bị điêu đứng trước khi được chính quyền Trump rút khỏi danh sách cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Liệu Hoa Vi có thể được loại khỏi danh sách này trong vòng vài tháng nữa không? Với tôi, đó là ít có khả năng xảy ra nhất. Nhưng chính quyền Trump vẫn có thói quen gây bất ngờ. Có lẽ Hoa Vi phải tiếp tục nằm trên danh sách này vì đây sẽ là một dấu hiệu cho thấy mục tiêu thực sự của chính quyền Mỹ là không cần đạt được thỏa thuận, mà thực ra là gây thiệt hại nhiều nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao của Tàu Cộng và giành chiến thắng trong cuộc đua này. Dù sao, phải nói rằng Hoa Kỳ có lợi thế hơn Tàu Cộng.

RFI: Vậy Tàu Cộng có thể phản công như thế nào?

M. Duchâtel: Tàu Cộng cũng có những giải pháp gây hại cho đối thủ. Nhưng tôi cho rằng nếu nói đến leo thang thì Hoa Kỳ vẫn có nhiều lựa chọn hơn để gây phương hại bởi vì vẫn còn hơn 100 tỉ đô la hàng hóa Tàu Cộng vẫn chưa được liệt thêm vào danh sách thuế ở mức 20%.

Vấn đề hiện nay xoay quanh các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Giả sử nếu Tàu Cộng muốn tiến xa hơn bằng cách sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, đô la của nước này hoặc thao túng đồng nhân dân tệ hoặc thậm chí sử dụng những biện pháp phi thương mại, phi kinh tế, đơn cử một số trường hợp được nêu trong các báo cáo, theo đó các doanh nghiệp Mỹ tại Tàu Cộng trở thành nạn nhân của các đợt tăng cường thanh tra thuế, khó tiếp cận với các nhà cung cấp… Tóm lại, Tàu Cộng có rất nhiều thủ thuật khiến các doanh nghiệp Mỹ phải suy nghĩ. Nhưng để nói đến leo thang và ai làm chủ tình hình leo thang, tôi nghĩ rằng hiện vẫn là Hoa Kỳ.

RFI: Trước sự cạnh tranh Mỹ-Trung, các quốc gia Đông Nam Á phải đối diện với những thách thức gì, vì có nhiều ý kiến cho rằng những nước này có nguy cơ phải chọn một trong hai?

M. Duchâtel: Đúng thế, rất khó để duy trì được một sự trung lập thực sự. Ở đây nẩy sinh ra câu hỏi theo nghĩa mở cửa và cơ hội. Người ta vẫn nhắc đến chiến lược của tổng thống Trump là nhằm thay đổi dây chuyền cung ứng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Cần phải nhớ rằng Hoa Kỳ có một đòn bẩy quan trọng, đó là thị trường nội địa khổng lồ của nước này. Nếu các doanh nghiệp Mỹ rời Tàu Cộng, họ có thể chuyển sang nơi khác, như vùng Đông Nam Á và Ấn Độ, vẫn thường được nhắc đến. Câu hỏi thực sự được đặt ra hiện nay: Liệu tình hình có đi xa hơn, theo kiểu logic đối đầu không? Ai là người sẽ được hưởng lợi từ cuộc đối đầu này và từ thị trường nội địa Mỹ to lớn? Tôi cho rằng các nước Đông Nam Á có cơ hội.

Tiếp theo, những nước này duy trì cân bằng thương mại với Mỹ và với Tàu Cộng như thế nào? Theo tôi, họ sẽ làm được. Vấn đề được đặt ra hiện nay thiên về chính trị, ví dụ về quốc phòng và an ninh, hoặc về xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, như trường hợp ở châu Âu hiện nay. Liệu có thể vừa chọn sử dụng thiết bị của Hoa Vi, vừa duy trì được mối quan hệ đồng minh. Tóm lại, có rất nhiều câu hỏi như vậy được nêu lên. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu nhìn vào tầm quan trọng của nền kinh tế Tàu Cộng đối với các nước Đông Nam Á, họ sẽ tìm cách để không hoàn toàn thiên về bên nào.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt