Ngày 30-04: trong mắt một cựu viên chức CIA, Hoa Kỳ

Cựu nhân viên cao cấp CIA phục vụ tại Việt Nam, Jim Parker

Một thanh niên Mỹ khoác áo quân nhân bước vào cuộc chiến Việt Nam ở độ tuổi 22. Sau 10 năm khói đạn chiến chinh, anh từ giã nơi này trong cương vị một giới chức CIA tự mình di tản hàng trăm người miền Nam chạy nạn vào những ngày cuối, khi Sài Gòn trong cơn “hấp hối.”
Jim Parker nằm trong số những toán lính Mỹ đầu tiên được phái sang Việt Nam và trở thành giới chức sau cùng rời khỏi cuộc chiến sau khi cãi lệnh trên, tự nguyện lưu lại để cứu những nhân viên cấp dưới của mình và gia đình họ thoát khỏi sự trả thù hay giết hại từ phe “thắng cuộc”, cộng sản Bắc Việt.

Như những thanh niên đồng trang lứa trong giai đoạn tiền khởi của cuộc chiến, Parker lên đường sang Việt Nam vào năm 1965, được đưa tới nhận công tác tại khu vực trải dài từ Tây Bắc Sài Gòn ra tận Tây Ninh. Trong suốt 10 năm tham chiến, Parker đã ‘lăn xả’ nhiều nơi, từ khu vực châu thổ Cửu Long cho tới tận vùng Đông Bắc Lào, với nhiệm vụ ngăn cản bước tiến của quân cộng sản ở Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam, nói riêng.

Ông Jim Parker

Ông Jim Parker (cựu giám đốc CIA ở vùng IV Việt Nam Cộng Hòa)

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, ông và vài đồng đội đã lái trực thăng chở 122 người Việt ra chiến hạm USS Vancouver, rồi từ đó tiếp tục đưa họ sang thương thuyền Pioneer Contender để rời khỏi Việt Nam.

Trong đêm 29, trên đường lái chiếc Giang Đỉnh LSD đến cảng Vũng Tàu, ông còn cứu vớt thêm hàng trăm người di tản đang tìm cách trốn chạy trên các thuyền đánh cá nhỏ, đưa họ từ các cửa sông ra Vũng Tàu, trước khi tàu ông chính thức nhổ neo hướng về Philippines rạng sáng ngày 1/5.

Ông cũng chính là tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhan đề “Last Man Out” và “The Vietnam War Its Ownself” ghi lại những hình ảnh về cuộc chiến, về đất nước và con người Việt Nam.

42 năm nhìn lại sự kiện lịch sử 30/4, Parker vẫn còn nhớ như in những thời khắc cuối cùng đó: “Rất hỗn loạn. Tôi nhớ lúc đó đang đứng trên chiếc Pioneer Contender. Đó là con tàu lớn cuối cùng còn neo đậu ở Vũng Tàu. Người di tản được đưa lên tàu ồ ạt. Khi tàu đã quá nặng, thuyền trưởng ra lệnh ngưng và chúng tôi là những người sau cùng rời khỏi Vũng Tàu. Chúng tôi nhổ neo vào sáng sớm. Trước khi tàu nhổ neo, tôi nhìn xung quanh, cảm nhận cảnh tai ương, những tiếng ồn, tiếng gào thét của những người tị nạn cuối cùng tìm cách leo lên chuyến tàu cuối. Mọi thứ chìm trong hỗn loạn. Tôi nghĩ tới những đồng đội của mình.”

Ông Parker kể rằng sáng 28/4, đồng đội của ông lên Sài Gòn để xin phép đưa những nhân viên người Việt di tản. Lúc đó, ông có sẵn 2 trực thăng chờ lệnh. Phòng đại sứ đóng cửa và đại sứ không tiếp ai. Người đồng đội đã trao đổi với phụ tá của đại sứ, giải thích và thuyết phục. Vị phụ tá nói lệnh không cho phép hỗ trợ di tản hoặc bắt đầu di tản. Hết cách, đồng đội của Parker đã thốt lên rằng “Không còn nhiều thời gian nữa”, và người phụ tá bảo “Vậy thì chúc các ông may mắn”.

Chỉ cần có thế, ông Parker và đồng đội lập tức bắt tay vào việc, dùng trực thăng đi vớt người di tản từ nhiều điểm tập trung khác nhau và lần lượt đưa thẳng ra hàng không mẫu hạm USS Vancouver.

Thuyền trưởng chiến hạm khẳng định với Parker rằng “Không có lệnh cho phép di tản” và giải pháp cuối cùng được đưa ra: Parker và đồng đội phải chuyển mọi người sang thương thuyền Pioneer Contender gần đó.

“Tôi đếm có tổng cộng 122 người. Số thống kê của Thủy quân Lục chiến là 117, không đúng. Mọi việc diễn ra một ngày trước khi đại sứ quán Mỹ được di tản,” Parker nói.

Trong tác phẩm của mình, cựu giám đốc CIA phụ trách vùng IV Chiến Thuật VNCH, Jim Parker, đã trải lòng rất nhiều về điều mà ông nói là “Chúng tôi có thể thắng, nhưng Washington DC đã không để cho chúng tôi thắng” trong cuộc chiến Việt Nam.

“Tôi không biết liệu chiến thuật Mỹ đã dùng ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ có đúng hay không. Chiến thuật đúng lẽ ra phải là tiến sang Lào và thiết lập một vị thế ‘ngăn bước quân thù’ để quân cộng sản Bắc Việt không thể tiến vào bên trong Lào và Campuchea. Tôi nghĩ người Mỹ lẽ ra phải chiến đấu trong cuộc chiến này một cách khác. Chúng ta kéo dài cuộc chiến 10 năm và trong thời gian đó, thế giới đã thay đổi. Hiệp định Geneva 1962 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cộng sản Bắc Việt. Chiến thuật chúng ta dùng không đúng,” Parker chia sẻ với VOA Việt ngữ.

Vợ chồng ông Jim Parker và hai người con nuôi Việt Nam

Vợ chồng ông Jim Parker và hai người con nuôi Việt Nam

10 năm thử thách với bom đạn chiến tranh ở một đất nước không chỉ cách trở về địa lý mà còn xa lạ cả về văn hóa lẫn ngôn ngữ là quảng thời gian đầu ‘dấu ấn’ trong cuộc đời Parker, lúc bấy giờ là một thanh niên tràn đầy sức sống và triển vọng tương lai. Nhưng Parker nói ông không hề tiếc nuối thời tuổi trẻ tham chiến tại Việt Nam trong lý tưởng đẩy lùi sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản:

“Tôi từng bị thương ở đó, từng trải qua nhiều đêm sợ hãi. Tôi đã hết sức cật lực và chiến đấu hết mình để ngăn bước cộng sản. Tôi không hối tiếc gì cả. Tôi chưa hề thắc mắc hay lo lắng gì cả, không bao giờ đắn đo về lý do mình tới đó. Tôi nghĩ tôi đã làm đúng khi đứng lên đáp lời kêu gọi của quốc gia. Tôi biết mục đích của tôi đến đó là để hỗ trợ các đồng minh miền Nam Việt Nam. Có điều tôi không hài lòng về kết cục của cuộc chiến.”

Một thời gian dài sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, một số người Mỹ phản chiến vẫn còn bất mãn về cuộc chiến này, nhưng đối với ông Parker và đồng đội, đó là quảng thời gian đáng nhớ nhất, đáng tự hào nhất của họ.

“Giá trị thật sự của việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam là ngăn chủ nghĩa cộng sản thế giới. Chúng tôi đã ‘giữ cương’ 10 năm tại Việt Nam,” ông nói.

Ông Parker hy vọng cuộc chiến Việt Nam sẽ được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho thế hệ trẻ ở Mỹ, để họ hiểu đầy đủ ý nghĩa, nguyên nhân và kết cục của cuộc chiến.

Kể từ sau cuộc chiến, hằng năm đến ngày 30/4, người Việt có người hân hoan đón mừng, có người đau buồn tưởng niệm sự kiện này. Còn người Mỹ, dù chiến tranh Việt Nam đã là một phần trong lịch sử Mỹ, nhưng họ không đánh dấu hay kỷ niệm cuộc chiến này ngoại trừ những bản tin truyền thông hay một vài phim ảnh gợi nhớ.

Ông Parker nói 30/4 cũng nên là dịp để người Mỹ tưởng nhớ một phần của lịch sử, tưởng nhớ những người đã nằm xuống vì lý tưởng, và để ghi dấu sự hiện diện và phát triển của cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ.

Còn đối với bản thân ông, một người lính xông pha nơi chiến trường, kinh nghiệm trong cuộc chiến Việt Nam là kinh nghiệm trưởng thành. “Tôi đã kết bạn và cùng làm việc với người dân Đông Nam Á. Tôi yêu quý cuộc đời mình hơn vì những kinh nghiệm có được từ cuộc chiến Việt Nam,” ông Parker cho biết.

Với thế hệ trẻ Mỹ chưa từng biết đến Việt Nam và cuộc chiến Việt Nam, Parker khuyến khích họ nên sang thăm Việt Nam, không chỉ vì Việt-Mỹ có chung một khúc quanh lịch sử mà còn để cảm nhận rằng người dân Việt Nam là những người bạn chân thành với người dân Mỹ.

Ông hiện vẫn tiếp tục tìm kiếm những cựu nhân viên, những người đã được ông giúp di tản vào những ngày cuối tháng Tư 42 năm trước và mong được bắt nhịp liên lạc với họ từ trang web cá nhân http://www.muleorations.com/.

Vợ chồng ông Parker không có con. Người con trai, con gái đã trưởng thành của họ bây giờ là hai trẻ Việt Nam được họ nhận làm con nuôi từ tấm bé.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, giới chức CIA này nhắn nhủ ông chỉ muốn được mọi người biết đến như một trong những người lính Mỹ đầu tiên đặt chân tới và là người cuối cùng rời khỏi Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

“Tôi rất thích người Việt Nam, rất tôn trọng văn hóa của họ. Những người tới Mỹ tạo dựng lại cuộc sống và tương lai, tôi tự hào góp một phần nhỏ trong hành trình của họ,” ông nói.

Trà My (VOA)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt