30 năm với Lãnh tụ Cách Mạng Trần Văn Tuyên

Luật sư Trần Văn Tuyên (1913-1976), bị Cộng Sản Việt Nam giết hại trong trại tù cộng sản miền Bắc ngày 26 tháng 10, năm 1976. Để tưởng nhớ ngày giỗ lần thứ 40 của Luật Sư Trần Văn Tuyên, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, nguyên phó Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa, Trưởng khối dân biểu đối lập Hạ Viện VNCH, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, một huynh trưởng Hướng Đạo, trang nhà https://vietquoc.org xin đăng lại quá trình hoạt động của LS Trần Văn Tuyên qua bài viết của cố Đại Tá Bùi Ngọc Lâm, một người thân cận đã sát cánh với ông trong gần 30 năm qua:

Nói tới con người Trần Văn Tuyên, dĩ nhiên người ta phải đề cập tới các thành tích cách mạng, chính trị, ngoại giao, văn hóa và xã hội của vị lãnh tụ cách mạng này. Nhưng tôi tin là trong sử liệu cũng như một số thân hữu đã hoặc sẽ viết lại về ông. Riêng tôi một người hoạt động rất thân cận với ông gần 30 năm, chính tôi đã chứng kiến rất nhiều chuyện lý thú trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng này. Do đó, theo yêu cầu của khối Dân Tộc Phục Quốc, tôi xin lược ghi lại một số kỷ niệm mang màu sắc cách mạng lịch sử ngõ hầu các bạn đọc có thể hiểu thêm một con người suốt đời đã công hiến cho Quốc Gia Dân Tộc chúng ta.

Người viết xin được ghi theo thứ tự thời gian :

Tháng 8 năm 1945 khi Cộng Sản sửa soạn để cướp chính quyền, chúng đã ra lệnh phải giết hết những quan lại địa phương ! Nhưng tại Thanh Miện – Hải Dương, Tri Phủ Trần Văn Tuyên là người không bao giờ nhận bất cứ một lễ vật của Lý Dịch, cũng như nhân dân địa phương, cho nên khi CS ra lệnh cho cán bộ cơ sở phải hành động thì chính những cán bộ CS địa phương này đã bị đức độ của tri phủ Trần Văn Tuyên cảm hóa nên chúng đã mật báo cho ông Tuyên biết trước. Do đó ông Tuyên không những đã không bị giết như ý CS mong muốn mà chính ông Tuyên cùng các chiến sĩ cách mạng Quốc Dân Đảng đã đứng lên cướp chính quyền toàn tỉnh Hải Dương ngày 17.8.1945. Hải Dương là tỉnh lớn và trù phú nhất lúc bấy giờ. Tiếc rằng Quốc Dân Đảng đã không nhất loạt đứng dậy trên toàn quốc nên ngọn lửa cách mạng đã bị CS cướp tay trên, gây cảnh nồì da, xáo thịt gần ½ thế kỷ.

Ngày 6.1.1946, nhà cách mạng Trần Văn Tuyên đã ra ứng cử đại biểu Quốc Hội tại Hà Nội. Ngay khi được tin ông ra tranh cử với tư cách Quốc Dân Đảng, Hồ Chí Minh đã đích thân tới nhà ông Tuyên để thuyết phục ông rút lui ! Thuyết phục không xong, cáo già Hồ Chí Minh đã dọa nạt người chiến sĩ trẻ tuổi này. Cũng không xong ! Câu hỏi để đời lên lớp họ Hồ là ….  “Sao cụ muốn Dân Chủ lại cấm tôi ra phục vụ dân ?….”. Họ Hồ tái mặt ra về và hậu quả là Hànội có 5 ghế đắc cử thì ông Tuyên là thứ 6 ! Cũng vì hành động công khai chống đối này mà chiến sĩ Trần Văn Tuyên suýt bị giết trong vụ Ngũ Xã, nếu không trốn thoát !

Tại Hội Nghị Genève 1954, với tư cách cố vấn phái đoàn Việt Nam Quốc Gia, trong một phiên nhóm kín, Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Quốc Phòng CS đã nói riêng với ông Tuyên như sau …  “Anh Giáp (Đại Tướng Võ Nguyên Giáp) thường tâm sự với tôi là đời anh ấy có một cái hối hận rất lớn đó là để anh Tuyên vào Nam …”. Lời nói này đủ biết là CS sợ con người thông minh, tài trí và đức độ của Trần Văn Tuyên đến mức độ nào rồi. Chúng ta cũng nên biết là Tạ Quang Bửu cùng Trần Văn Tuyên, Võ Thành Minh (người thổi sáo căng lều tuyệt thực bên hồ Léman) là những lãnh tụ Hướng Đạo một thời.

Năm 1960, tuy không dính dáng gì vào cuộc đảo chính của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, nhưng Luật Sư Tuyên vẫn bị bắt giam. Trong nhà giam, ông Ngô Đình Nhu luôn luôn cho người đến thuyết phục LS Tuyên hãy viết thư xin lỗi  Tổng Thống Diệm là sẽ được tha ngay. Nhưng chuyện đó đã không bao giờ xảy ra.

Tuy bị giam oan uổng suốt 3 năm trời và bị mật vụ của ông Nhu tra tấn cực kỳ dã man, đến nỗi một chân gần bị hư, và chỉ được thả sau cách mạng 1.11.1963, nhưng LS Tuyên không bao giờ có thái độ trả thù hay chửi bới chế độ Ngô Đình Diệm. Cử chỉ này được biểu lộ rõ rệt trong một bài diễn văn đọc tại trường Đại Học Đà Lạt năm 1964 nhan đề : “Con đường cách mạng ViệtNam”, khi LS Tuyên nhắc đến tên Ngô Đình Diệm đã gọi nguyên văn : Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thái độ quân tử cao cả này đã khiến cha Lập, Viện Trưởng viện đại học Đà Lạt sau đó đã chạy lên diễn đàn ôm ông Tuyên khóc và nói : “Lần đầu tiên tôi được nghe ngài gọi cụ Diệm là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà không tỏ vẻ thù oán, bởi lẽ sau ngày 1.11.63 người ta thường dùng những từ ngữ không đẹp đối với ông Cụ, nhất là những người bị tù đầy tra tấn…..”

Năm 1965, tình hình chính trị miền Nam lúc này thật rối ren. Xuống đường xảy ra như cơm bữa. Áp lực thành lập chính quyền Dân Sự càng ngày càng gia tăng.

Có 3 người được đề cử để Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu chọn lựa làm Thủ Tướng :

1-Bác sĩ Trần Văn Đỗ được Phật Giáo ủng hộ, các tướng lãnh giữ trung lập.

2-Luật Sư Trần Văn Tuyên, được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu ủng hộ, khối Công Giáo có thiện cảm, nhưng các tướng trẻ và cả 2 khối Phật giáo Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự đều chống đối.

3-Bác sĩ Phan Huy Quát được cả 2 khối Phật Giáo ẤQ và VNQT tích cực ủng hộ. Khối Công Giáo và các đảng phái chính trị không hài lòng. Riêng các ông tướng trẻ thì hoàn toàn đồng ý ! Lý do các tướng đồng ý là vì tướng Nguyễn Văn Thiệu đã tích cực vận động cho ông Quát để Thiệu được làm Tổng Trưởng Quốc Phòng và Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột Thiệu, có cơ hội phát triển đảng Đại Việt Quan Lại của Quát !!

Khi chính phủ Phan Huy Quát được thành lập, quả nhiên Thiệu được đề cử làm Tổng Trưởng Quốc Phòng để rồi sau đó làm bàn đạp leo lên chức vụ chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia sau khi hất Nguyễn Khánh đi lưu vong ! Từ khởi điểm này tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho miền Nam mất vào tay CS.

Một việc khá buồn cười là Phan Huy Quát tuy được đề cử thành lập nội các, nhưng tập hợp được những nhân vật có uy tín và khả năng đâu phải dễ, cho nên Quát đã phải đến năn nỉ LS Tuyên cả chục lần để xin tham gia nội các. Quát năn nỉ đến độ phải nói … “Tôi xin cắp chiếu đến để quỳ lạy anh, mong anh nhận cho chức Phó Thủ Tướng với toàn quyền sắ xếp nội các. Nếu anh không tham gia, chắc chắn tôi khó thành lập được nội các …”

Phút chót vì lý do không muốn có một chính phủ quân phiệt nên LS Tuyên đã nhận lời nhưng chỉ với điều kiện là để ông đi vận động ngoai giao để hóa giải những tuyên truyền đầu độc của CS ngõ hầu dành lại thế chủ động chính trị. Điều kiện này quá dễ dàng với Quát nên ông Thủ Tướng được đề cử này mừng quýnh và đã vái lạy LS Tuyên thật sự !

Sau đó, sau khi đi công du 10 nước Âu-Phi, có 3 vấn đề để đời là :

1) Khi Phó Thủ Tướng, trưởng phái đoàn Trần Văn Tuyên tới yết kiến Tổng Thống Muhammad Houari Boumédienne của xứ Algérie, lúc thảo luận về con người cách mạng chống Pháp thì hết giờ ! Nhưng Tổng Thống Boumedienne đã ra lệnh bãi bỏ mọi cuộc tiếp khách khác để nói chuyện riêng với nhà cách mạng Trần Văn Tuyên, và vị Tổng Thống có thành tích  chống Pháp này đã tuyên bố : …  “Tôi đang tiếp một chiến sĩ cách mạng cùng chí hướng chống Pháp với tôi trước đây chứ không phải tiếp một Phó Thủ Tướng của một nước. Do đó, sẽ không có vấn đề giờ giấc và nghi lễ …”

2) Khi LS Tuyên tới Éthiopie, ông đã được Quốc Vương Hailé Sélassié 1er tiếp kiến. Trong buổi hội kiến này, quốc vương Sélassié đã ngưỡng mộ nhà ngoại giao Trần Văn Tuyên tới độ ra lệnh bãi bỏ hết nghi lễ triều đình để nói chuyện thân hữu với LS Tuyên. Cuộc nói chuyện đã kéo dài tới 3 giờ thay vì chỉ có 30 phút như dự định ! Chưa hết, khi trở về, chính Quốc Vương Sélassié và Hoàng Hậu đã tặng LS Tuyên 2 giỏ quà và đích thân quốc vương và hoàng hậu cầm ra tận sân bay để tiễn chân vị quốc khách số 1 trong lịch sử Éthiopie.

3) Cũng trong chuyếng công du Âu-Phi này, theo sự sắp xếp trước, LS Tuyên sẽ ghé qua La Mã và sẽ được Đức Giáo Hoàng Jean XXIII tiếp trong vòng 15 phút. Tuy nhiên khi LS Tuyên yết kiến đức Giáo Hoàng và nói chuyện riêng với ngài, thì bất thình lình đức Giáo Hoàng đã cho lệnh văn phòng ngài là cuộc nói chuyện riêng với LS Tuyên sẽ không hạn định giờ giấc. Không những thế, khi LS Tuyên ra về, đích thân đức Giáo Hoàng đã tiễn chân ông ra tận ngoài thềm đền thánh Phêrô và chụp chung rất nhiều hình ảnh với LS Tuyên. Đây là một ngoại lệ rất ư là đặc biệt mà theo truyền thống ngoại giao thì chính các vị Quốc Trưởng các nước cũng rất hiếm được đức Giáo Hoàng tiếp kiến ngoài nghi lễ như ngài đã dành cho LS Tuyên, nhất là việc tiễn chân và chụp hàng chục mẫu hình khác nhau với đức Giáo Hoàng.

Sau chuyến công du trở về nước, LS Trần Văn Tuyên đã trả lại cho chính phủ gần 50 ngàn Đô La (giá đô la cách đây 40 năm), một việc mà trong lịch sử VN chưa có phái đoàn nào dư tiền mang về trả cả  mà thường thường là thiếu ! Trên nguyên tắc, trưởng phái đoàn có quyền tiêu riêng như thù lao, tiếp khách, kê khai tốn kém ..v.v. nhưng LS Tuyên đã không thực hiện những việc này để thủ lợi ! trong một bữa cơm gia đình, tôi có hỏi LS Tuyên cảm tưởng về chuyến đi thì ông đã thành thực bày tỏ như sau … “Nếu như chúng ta có 10 phái đoàn như thế này, chúng ta đã thắng cuộc chiến tranh chống CS, vì chúng ta sẽ giành thế chủ động về ngoại giao chứ không phải CS …

Năm 1965, khi các tướng Thiệu, Kỳ ép chính phủ Phan Huy Quát từ chức, trong phiên họp đặc biệt tại dinh Gia Long, LS Tuyên đã yêu cầu phải ghi lời phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu vào biên bản để lịch sử phán xét về tham vọng của các tướng lãnh muốn thiết lập chế độ Quân Phiệt. Thiệu tái mặt vì âm mưu đen tối bị lộ tẩy! Trước đó với tư cách tổng trưởng Quốc Phòng, đã nhờ LS Tuyên là Phó Thủ Tướng đặc trách Kế Hoạch, thiết lập giúp một kế hoạch cải tổ Quốc Phòng và một chiến lược để đánh CS. LS Tuyên đã tận lực thiết lập các kế hoạch trên và tôi cũng là một thành viên giúp LS Tuyên để hoàn tất vấn đề chiến lược này. Nhưng tất cả những tinh hoa trên đã không bao giờ được tướng Nguyễn Văn Thiệu, khi trở thành chủ tịch UBLĐ Quốc Gia và Tổng Thống để ý tới nữa !

Sau này, tháng 4/1971, cơ quan RAND CORPORATION của Hoa Kỳ đến xin các kế hoạch trên. Sau khi thảo luận nhiều ngày, được sự đồng ý của LS Tuyên, tôi đã cho ông BRIAN JENKINS thuộc cơ quan RAND và tiến sĩ KRAMER thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ các kế hoạch này – Tiến sĩ Kramer là con của Dân Biểu Kramer ở Hạ Viện Hoa Kỳ.

Tiếc rằng thời gian đã không cho phép thực hiện đầy đủ  và cuộc Việt Nam hóa chiến tranh đã do những tướng võ biền quân phiệt điều hành nên VNCH đã phải chịu số phận hẩm hiu vào ngày 30.04.1975 !

Cũng trong năm 1965, LS Tuyên được đề cử làm Đại Sứ tại Anh Quốc. Thường thì phải mất 3 tới 6 tháng để nước nhận Ủy Nhiệm thư trả lời thuận hay không? Riêng LS Tuyên chỉ mất có 1 tuần ! Tiếc rằng phút chót Thiệu, Kỳ đổi ý nên đã không thuận cho LS Tuyên lên đường và thay vào đó LS Vương Văn Bắc !

Khi tôi hỏi về việc trên, LS Tuyên đã cười và nói :… ”Câu chuyện buồn cười lắm, một phần vì tôi đã không bỏ túi 50 ngàn đô la sau chuyến công du Phi Châu. Các tướng lãnh xấu hổ vì chúng tiêu nhiều tiền hơn  mà chẳng ích lợi gì ! Nhưng thật sự thì mấy tên tướng võ biền sợ tôi sang Anh Quốc thì không lâu chính phủ của chúng phải đổ – Ngoài ra chúng khó mà chuyển ngân sang Anh Quốc được ! Tôi tiếc là chúng nó không biết nhìn xa. Nên nhớ Anh Quốc là trung tâm ngoại giao và tình báo của cả thế giới. Năm 1954 mình mất ½ nước cũng ở đó mà ra ! Sở dĩ tôi nhận làm Đại Sứ tại Anh Quốc là muốn tìm cho nước mình một giải pháp để tồn tại và cho bọn CS Hà Nội phải thất trận, chứ tôi đâu có ham chức Đại Sứ để hưởng thụ mà Thiệu, Kỳ cấm tôi ! Rồi chú sẽ thấy hậu quả đến với nước mình ….”

Nhắc lại sự kiện trên, tôi đã thấy được lời tiên tri  của nhà cách mạng Trần Văn Tuyên và tiếc thay cho các tướng Thiệu, Kỳ vì xuẩn động, anh hùng cá nhân, mà làm hại đến đại cuộc !

Năm 1971, trong một bữa tiệc cám ơn thân hữu đã vận động giúp ông thắng cử Dân Biểu tại Thủ Đô, LS Tuyên được LS Phạm Kim Vinh cùng báo chí nói là : “chúng tôi đi bầu cho một Mc CORMACK chứ đâu có bầu cho một Dân Biểu thường”. Mc Cormack là chủ tịch Hạ Viện HK lúc đó. Tiếc rằng LS Tuyên đã không phải là Gia Nô cho nên ông không bao giờ làm được Chủ Tịch Hạ Viện dưới chế độ của ông Thiệu.

Trong nhiệm vụ móc nối để lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, tôi đã nói chuyện lâu hơn 3 giờ đồng hồ với Đại Tướng Cao Văn Viên vào ngày 20.07.1974. Đại tướng Viên cho tôi biết là ông rất kính trọng LS Tuyên về mọi phương diện, nhưng chuyện đảo chính thì xin cho ông đứng ngoài, mặc dầu ông sẽ không chống bất cứ ai muốn Đảo Chính Thiệu ! Đem chuyện này về nói với LS Tuyên, tôi thấy ông lặng người đi và nói :….  “thế thì hết rồi, chúng ta sẽ bị làm mồi cho CS…..”

Ngày 10.03.75 Ban Mê Thuột thất thủ LS cho tôi hay là “…Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu trước đây đã cho CS biết hết những bí mật chính trị và quốc phòng của ta từ lâu rồi ! Giáp nó đánh Cao Nguyên là để cô lập Trung và Nam phần. Trong kháng chiến, Giáp đã từng nói là “… ai chiếm được Cao Nguyên người đó sẽ thắng cuộc chiến VN. Bây giờ mất Ban Mê Thuột, chúng ta không lấy lại được thì bàn cờ VN sẽ phải thay đổi …”. Một lần nữa, lời tiên đoán của LS Tuyên đã trở thành sự thật !

Chiều 26.04.75, hai con trai của LS Tuyên là Trần Tử Thanh, Đại Úy An Ninh Quân Đội ở Phú Bổn, và Trần Vọng Quốc, Thượng Sĩ Biệt Động Quân, cầm bức công điện của Bộ Ngoại Giao HK đến gia đình tôi ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa. Nội dung bức công điện này là Bộ Ngoại Giao HK đã giành 46 chỗ cho gia đình LS Tuyên di tản sang HK ! Thanh và Quốc đều nói là : ”chỉ có chú mới hy vọng nói Ba cháu nghe chứ không ai nói được ông lúc này ! Xin chú lên ngay nói dùm với Ba cháu để chúng cháu được đi …”. Tôi đã đến gặp LS Tuyên ngay tức khắc. Đề cập tới chuyện di tản, ông đã quắc mắt nhìn tôi, cái nhìn làm tôi khiếp sợ vì tôi đã ươn hèn không có được cái Dũng Cảm của một người làm cách mạng như ông ! LS Tuyên từ từ nói …  “Tôi tưởng chú phải biết con người của tôi hơn ai hết chứ ? Tôi không phải loại người đi làm bồi cho Mỹ ! Sinh ở đây thì chết cũng phải ở đây. Tôi thách CS giết tôi. Để xem Đồng, Giáp có dám đưa tôi ra xử tử không ? Chú phải nhớ lời lãnh tụ Nguyễn Thái Học nói chứ ? “không thành công thì thành nhân”, vậy là đủ rồi.

Thấy lập trường cương quyết của ông, tôi đành nói “vậy xin anh cho mấy cháu đi”. LS Tuyên nói  “tôi không bao giờ cấm chúng nó. Trưởng thành cả rồi. Đứa nào muốn đi thì đi …”

Tôi ra về và đến thẳng Tòa Đại Sứ Mỹ để xin cho 2 con LS Tuyên di tản. Còn LS Trần Tử Huyền, con trai lớn của LS Tuyên thì tình nguyện ở lại cùng nhiều em để gần gũi người cha suốt đời với Dân với Nước ! Rất tiếc là phút chót điện thoại hư nên 2 con trai của LS Tuyên là Thanh và Quốc đã không di tản được và phải bị giam hơn 15 năm và bị tra tấn tàn bạo ! Dịp này, một lần nữa, chúng ta phải lên án chế độ bất nhân, tàn ác của Hànội .

Ngày 28.04.75, sau khi LS Tuyên đi dự lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống của Đại Tướng Dương Văn Minh trở về, tôi có hỏi về tình hình chung. Ông nói … “Lá bài Trung Lập của Trần Văn Hữu không thành, Pháp đã thất bại. Con cờ Dương Văn Minh chỉ là ngày giờ ! Chuyện lỡ rồi, bàn cờ đã bị xóa, chúng ta đã thua trận ! Chúng ta là nạn nhân của các Siêu Cường vì chúng ta ngu dại ! thật đáng tiếc !….”

Nghe những lời trên, tôi biết chắc là tình thế không còn cơ cứu vãn ! Tôi buồn, và ngày hôm sau, 29.04.75, tôi đến 198, Hồng Thập Tự, căn nhà ông ở thuê từ hơn 25 năm qua, đến để hàn huyên 30 năm theo đuổi con đường cách mạng với ông, một người anh khả kính, một lãnh tụ thiên tài nhưng không có thời nên đành chịu bó tay !!

LỜI KẾT

Nhân ngày giỗ của ông, ngày mà CS Hànội đã phải dùng đến thủ đoạn hèn mạt để diệt trừ một nhà đại cách mạng suốt đời phụng sự cho Dân, cho Nước ! Quả thật ông không thành công nhưng cũng đã thành nhân. Ông đã để lại trang sử vẻ vang nhất bằng lời khai bất hủ trong tù CS : … “Tôi không có tội gì với Tổ Quốc và Nhân Dân Việt Nam cả. Nếu có tội thì đó là tội chống Cộng Sản, chống Thực Dân và Phong Kiến …”

Hình ảnh của ông vẫn làm CS Hànội kinh sợ vì đã không mua chuộc được các con ông, những chiến sĩ Quốc Gia chống Cộng kiên cường nhất, đã không bao giờ biết Đầu Hàng hay Thỏa Hiệp với Cộng Sản.

Còn những ai trong hàng ngũ Quốc Gia từng tìm cách ngăn chặn con đường cách mạng của ông thì giờ đây hẳn đã hối hận, nếu không nói là cúi đầu xấu hổ trước những hành vi ấu trĩ của mình đối với một chiến sĩ cách mạng thật xứng đáng là bậc thày của nhiều người, những người một thời tự cho mình đóng vai trò lãnh đạo quốc gia chúng ta.

Người viết ghi lại vài dòng kỷ niệm vui buồn trên trong thời gian trực tiếp hoạt động với nhà cách mạng Trần Văn Tuyên. Tới nay Âm Dương đôi ngã nhưng tôi vẫn nghĩ là hình ảnh Liệt Sĩ Trần Văn Tuyên không thể nào phai mờ trong trí óc những người đã và đang theo đuổi con đường cách mạng ViệtNam.

Mặt khác, người viết vững tin rằng , tuy CS giết ông nhưng chỉ có thể giết được thể xác ông mà thôi. Riêng linh hồn ông chắc chắn đã được Thượng Đế gọi về Thiên Đàng vì con người cách mạng Trần Văn Tuyên đã thực sự hi sinh bản ngã cho đại cuộc ViệtNam và cho sự văn minh tiến hóa của nhân loại … Do đó tương lai, một tương lai không xa, nước Việt mến yêu sẽ trở về với con đường Vương Đạo, con đường mà Liệt Sĩ Trần Văn Tuyên đã đi tới phút chót trong cuộc đời cách mạng của ông.

Kính cẩn thương tiếc Liệt Sĩ Trần Văn Tuyên

BÙI NGỌC LÂM

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt