Việt Nam “mua” ảnh hưởng ở thủ đô Hoa Kỳ?

Greg Rushford

Hà Nội bị cáo buộc chi tiền lái dư luận Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông và nhân quyền, cũng như trả triệu đôla vận động các chính sách có lợi cho mình.
Một bài phân tích dài của nhà báo điều tra Greg Rushford, các tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ và ý kiến của chuyên gia dường như cho thấy điều này.

Từ tài trợ hội thảo biển Đông…

Trong bài viết đăng tải trên trang web cá nhân hôm 11/7, có tựa đề “Bàn tay giấu kín của Hà Nội giúp hình thành chương trình nghị sự của một viện nghiên cứu ở Washington như thế nào”, ông Rushford viết rằng “kể từ năm 2012, chính phủ Việt Nam đã chi cho CSIS [Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế] hơn 450 nghìn đôla để tổ chức các hội thảo thường niên về Biển Đông”. Nhà báo này dẫn các tài liệu có được để đưa ra con số trên.

Tuy nhiên, trong danh sách các chính phủ tài trợ, đăng công khai trên trang web của cơ quan nghiên cứu này, VOA Việt Ngữ không thấy tên của Việt Nam. Còn ở trong phần các tổ chức tài trợ từ 5 nghìn tới gần 200 nghìn đôla, có tên Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), “lò” đào tạo các cán bộ đối ngoại, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong danh sách này, cũng có thể thấy một số cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc.

Hội nghị biển Đông lần thứ 7 do CSIS tổ chức luôn có các diễn giả Việt Nam và Học viện Ngoại giao Việt Nam là nhà tài trợ chính của hội nghị năm ngoái.

Hội nghị biển Đông lần thứ 7 do CSIS tổ chức luôn có các diễn giả Việt Nam và Học viện Ngoại giao Việt Nam là nhà tài trợ chính của hội nghị năm ngoái

Ký giả điều tra từng làm việc tại Quốc hội Mỹ cho rằng “các mối liên hệ giữa chính phủ Việt Nam và CSIS bắt đầu từ ngày 25/4/2012”, khi đôi bên ký biên bản ghi nhớ, và người Việt ký vào thỏa thuận, theo nhà báo Rushford, là “ông Nguyễn Vũ Tùng, Phó đại sứ Việt Nam ở Washington”, người sau này trở thành giám đốc DAV.

VOA nhiều lần liên lạc với ông Tùng qua email và điện thoại để xin bình luận về vấn đề này nhưng không thể gặp được vị giám đốc của DAV cũng như trả lời từ ông.

Dẫn các tài liệu “mật” của tổ chức nghiên cứu quốc tế có tiếng ở thủ đô Hoa Kỳ, ký giả tự nhận “có mối quan tâm đặc biệt với châu Á” này còn đề cập tới sự “giằng co” giữa phía Việt Nam, mà “đại diện hiện nay”, theo ông Rushford, là tiến sĩ Trần Trường Thủy, nhân viên của DAV đồng thời là Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, với CSIS về chuyện mời đại sứ Trung Cộng lên tiếng tại hội thảo vào tháng Bảy năm ngoái mà “không tham vấn” với phía Hà Nội. Khi đó, vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước đang nóng, sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.

Trả lời VOA tiếng Việt, giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc khẳng định rằng ông đã thấy những trao đổi về sự phản đối của phía Việt Nam. Ông nói thêm: “DAV tài trợ cho hội nghị Biển Đông để đưa quan điểm của họ ra công chúng nhằm cạnh tranh với sự tuyên truyền và các nỗ lực thông tin của Trung Quốc”.

Giám đốc quỹ nghiên cứu biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam Trần Trường Thủy (đầu tiên từ phải) là một diễn giả của hội nghị biển Đông của CSIS.

Giám đốc quỹ nghiên cứu biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam Trần Trường Thủy (đầu tiên từ phải) là một diễn giả của hội nghị biển Đông của CSIS.

​Mặc dù giáo sư Thayer nói ông không được biết chính xác nguyên nhân phản đối của DVA nhưng nhà báo Rushford cho VOA biết “những người cấp trên của ông Thủy ở Hà Nội phản đối việc trả tiền để ‘tuyên truyền’ cho Trung Quốc.”

Chuyên gia quốc phòng hàng đầu của khu vực châu Á -Thái Bình Dương đánh giá tiếp: “Việt Nam muốn các học giả quốc tế ‘dạy’ cho các học giả Trung Quốc tại hội thảo – đó là cách gây ảnh hưởng một cách khéo léo và gián tiếp”.

DAV, theo giáo sư Thayer, “muốn thu hút những học giả chỉ trích Trung Quốc về hành vi của nước này ở biển Đông khi không công nhận luật lệ quốc tế”.

VOA Việt Ngữ cũng liên hệ với CSIS để hỏi về “khoản tiền lớn trên cũng như sự can thiệp của Việt Nam vào việc tổ chức hội thảo Biển Đông” cũng như việc lựa chọn diễn giả nhưng không nhận được trả lời.

Logo trên cửa vào chính của CSIS - Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế - ở Washington. Đây là tòa nhà mới của CSIS có giá trị khoảng 1 triệu USD, theo New York Times. Tờ báo này cho biết Việt Nam là một trong những chính phủ nước ngoài đóng góp tài chính cho trung tâm nghiên cứu này.

Logo trên cửa vào chính của CSIS – Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế – ở Washington. Đây là tòa nhà mới của CSIS có giá trị khoảng 1 triệu USD, theo New York Times. Tờ báo này cho biết Việt Nam là một trong những chính phủ nước ngoài đóng góp tài chính cho trung tâm nghiên cứu này.

Còn trong bài viết của mình, ông Rushford cho biết đã đề nghị ông John Hamre, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc Điều hành của trung tâm nghiên cứu này, bình luận nhưng không nhận được trả lời.

Một bài viết của tờ New York Times (NYT) đăng ngày 6/9/2014 cho rằng các tổ chức nghiên cứu của Mỹ ở Washington DC như CSIS ban đầu được thành lập từ những nguồn tiền của các nhà hảo tâm để đảm bảo tính độc lập cho các nghiên cứu, nhưng hiện nay họ đang nhận tài trợ từ các chính phủ nước ngoài và ít nhiều bị chi phối bởi người bảo trợ mà “trong nhiều trường hợp muốn gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Trả lời VOA Việt Ngữ, nhà nghiên cứu cao cấp của CSIS, ông Murray Hiebert, phủ nhận bất kỳ sự ảnh hưởng của nguồn tài trợ nước ngoài đối với tổ chức của ông. Ông nói rằng trung tâm của ông nhận sự đóng góp tài chính từ nhiều nguồn và chỉ nhận tiền từ các chính phủ qua các hợp đồng chính thức. Chuyên gia về Đông Nam Á này nói: “Chúng tôi độc lập và có quyết định riêng của mình trong các vấn đề chính sách”.

tới chi tiền vận động hành lang

Không chỉ có CSIS, nhà báo Rushford nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Việt Nam còn chi tiền cho Podesta Group, một trong những công ty vận động hành lang hàng đầu ở Washington DC. Đây được cho là nhóm vận động chính sách cho chính phủ Việt Nam liên quan tới việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, giúp Hà Nội tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các chuyến thăm của nguyên thủ hai nước.

Quảng bá của Podesta trên trang web của công ty vận động hành lang được cho là đã giúp chính phủ Việt Nam có được ủng hộ trong giới lập pháp Mỹ thông qua việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương vào tháng 5/2016.

Quảng bá của Podesta trên trang web của công ty vận động hành lang được cho là đã giúp chính phủ Việt Nam có được ủng hộ trong giới lập pháp Mỹ thông qua việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương vào tháng 5/2016.

Theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, chính quyền Hà Nội đã trả cho Podesta hơn một triệu đôla trong vòng 5 năm qua để vận động giới lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ. Đó là khoảng thời gian nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam đã tới thăm Nhà Trắng, trong đó có chuyến đi được coi là lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 cũng như chuyến công du Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đáng chú ý là ông Nguyễn Vũ Tùng, nhà ngoại giao mà ông Rushford cho là từng ký tài trợ cho CSIS, cũng xuất hiện trên văn bản hợp tác với Podesta Group vào cuối năm 2013.

Theo tài liệu mà VOA tiếng Việt có trong tay, gần nhất, trong thỏa thuận giữa hai phía từ ngày 1/4 tới 30/6 năm nay, Việt Nam chuyển cho Podesta tổng cộng 90 nghìn đôla, tức 30 nghìn đôla mỗi tháng, để công ty vận động hành lang này “nghiên cứu và đánh giá các vấn đề quan tâm [đối với Hà Nội]; tư vấn các chính sách của Mỹ [mà Việt Nam] quan tâm, các hoạt động tại Quốc hội và nhánh hành pháp cũng như các diễn biến trên chính trường Mỹ nói chung”.

Trong tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, Podesta cũng tư vấn cho Việt Nam về việc “củng cố quan hệ với chính phủ Mỹ” và “hỗ trợ truyền tải các vấn đề ưu tiên trong quan hệ song phương Việt – Mỹ tới các đối tượng phù hợp ở Hoa Kỳ, trong đó có quốc hội, nhánh hành pháp, truyền thông và cộng đồng [nghiên cứu và lập] chính sách”.

Theo nội dung các thỏa thuận mà VOA tiếng Việt có được, khi được phía Hà Nội yêu cầu, “các cuộc gặp với thành viên quốc hội [Mỹ], các nhân viên của họ cũng như các quan chức nhánh hành pháp cũng có thể được sắp xếp”.

Hợp đồng này được ký hôm 5/4, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị chuyến thăm tới Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào cuối tháng Năm. 

Trước đó, đầu năm 2017, lúc ông Trump mới nhậm chức, Hà Nội cũng ký một thỏa thuận kéo dài ba tháng tới cuối tháng Ba với Podesta, trả cho công ty này 90 nghìn đôla, theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ.

Ông Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Trump kể từ khi tỷ phú bất động sản này lên lãnh đạo Hoa Kỳ. Trước đó, ông cũng nằm trong số ít các quan chức cấp cao của các nước đầu tiên điện đàm với ông Trump sau khi ông Trump đắc cử.

Phân tích các tài liệu đăng ký với Bộ Tư Pháp Mỹ, VOA tiếng Việt thấy rằng trước Podesta, Việt Nam đã ký hợp đồng tư vấn với công ty khác như Parven Pomper Schuyler hay Hill and Knowlton, nhằm củng cố quan hệ Việt – Mỹ.

… rồi “diệt” vấn đề nhân quyền?

Nhân quyền lâu nay vẫn là chủ đề mà Việt Nam và Mỹ còn khác biệt, và quan chức Hoa Kỳ từng nhiều lần nói với VOA Việt Ngữ rằng cải thiện vấn đề này là điều sống còn để làm sâu đậm mối bang giao song phương.

Các công ty vận động hành lang cũng đang được Việt Nam trả tiền để gây ảnh hưởng trong vấn đề này, theo nhà báo Rushford. Trong khi đó, dân biểu Chris Smith nói rằng Podesta nhận tiền của chính phủ Việt Nam và tìm cách “tiêu diệt” các dự luật nhân quyền liên quan tới quốc gia Đông Nam Á này.

Dân biểu Chris Smith, cáo buộc Podesta vận động hành lang để chặn dự luật nhân quyền Việt Nam mà ông tài trợ.

Dân biểu Chris Smith, cáo buộc Podesta vận động hành lang để chặn dự luật nhân quyền Việt Nam mà ông tài trợ.

Thành viên quốc hội đảng Cộng hoà và là người bảo trợ cho Đạo luật Nhân Quyền Việt Nam cho VOA tiếng Việt biết rằng “những công ty này thường xuyên tìm cách tiêu diệt những đạo luật tốt mà khách hàng của họ cho là có vấn đề – và sau đó tiền họ bỏ túi còn các chính phủ như Việt Nam, Trung Quốc và một số các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới thì lại giam giữ những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.”

Podesta không trả lời câu hỏi của VOA, đề nghị bình luận về tuyên bố này của dân biểu Smith cũng như việc công ty này tìm cách vận động các chính sách có lợi cho Việt Nam.

Theo nhận định của Betsy Woodruff cho trang tin Daily Beast, sự vận động hành lang này có hiệu quả đến mức, ngay cả khi Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm tới Hà Nội tháng 5/2016, dù các nhà tranh đấu dân chủ bị chính quyền Hà Nội ngăn cản tới gặp ông, vẫn khen ngợi tiến bộ mà Việt Nam đạt được về vấn đề nhân quyền.

 

Chính phủ Việt Nam trả tiền để có được sự ủng hộ cho nghị trình của họ ở Washington, theo nhà báo Rushford, thì không có gì sai trái, nhưng ông cho rằng đồng tiền mà họ tung ra làm cho các cơ quan nghiên cứu như CSIS “từ chối nói về nhân quyền”, một vấn đề quan trọng trong nền dân chủ Mỹ.

VOA nhiều lần gửi câu hỏi tới phụ trách truyền thông của CSIS, Andrew Schwartz, xin bình luận về nhận xét của nhà báo Rushford nhưng không nhận được trả lời.

VOA Việt Ngữ đã tìm hiểu trên trang web của trung tâm này và thấy rằng nhân quyền Việt Nam, một trong vấn đề mà các nhà phân tích CSIS cho là “gai góc nhất trong quan hệ Việt – Mỹ”, ít khi được đề cập trong các bài phân tích của viện này.

Các tổ chức quốc tế thúc đẩy quyền tự do biểu đạt lâu nay vẫn cáo buộc Việt Nam “bịt miệng” những tiếng nói bất đồng, nhưng Hà Nội từng nhiều lần tuyên bố chỉ bắt giữ những ai vi phạm pháp luật.

Theo Greg Rushford (phóng viên VOA)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt