ASEAN HỮU DANH VÔ THỰC TRÊN BÀN CỜ ĐÔNG NAM Á

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, ASEAN thành hình vào năm 1967 với các sáng-lập-viên Indonesia, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Gia Ba được Brunei gia nhập năm 1984.
Từ năm 1995 đến 1999 Hiệp hội lần lượt thu nhận Việt Nam, Lào, Myanmar, Cambodia. ASEAN bao phủ một vùng đất 4.4 triệu km2, chiếm 3% diện tích địa cầu; 625 triệu người, bằng 8.8% tổng số nhân loại.
Năm 2015, ASEAN có GDP hơn 2,800 tỉ USD, đứng hạng 6 sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức Quốc.

ASEAN phỏng theo mô hình Liên Âu, nhưng, chưa trở thành một thế lực kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao như mong đợi do các trở ngại khó vượt.

ASEAN lo sợ Chủ nghĩa Cộng sản bành trướng nên hợp tác với Hoa Kỳ khi Hà Nội theo chỉ thị của Mạc Tư Khoa đã đe dọa Thái Lan năm 1979.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, ASEAN bị áp lực của Tây Phương mà phải thu nhận các quốc gia có mối quan hệ nhiều hay ít với chủ nghĩa cộng sản.

Kể từ đó, đường lối “đèn nhà ai nấy rạng” khiến ASEAN đoàn kết giả tạo, chia rẽ thực sự.

Tình hình Đông Nam Á tệ hơn khi Bắc Kinh sử dụng những huyền thoại lịch sử, chiến lược quốc phòng, lợi ích kinh tế để cưỡng đoạt Biển Nam Trung Hoa và khống chế ASEAN.

Trong bài giảng dạy tại Đại học Tokyo, Chuyên gia Bill Hayton trích dẫn Bạch thư của Trung Quốc công bố hồi tháng 5-2015 về chiến lược quân sự đã xác định kẻ thù mà Trung Quốc phải đối phó gồm có “chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quốc, chủ nghĩa tân-can-thiệp (neo-interventionism)”. Và tuyên bố ưu tiên quân sự hàng đầu “Bảo vệ sự thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển của Trung Quốc”.

Vì thế, Bắc Kinh chỉ tập trung vào bảo vệ Biển Nam Trung Hoa như một phần lãnh thổ vốn có của Trung Quốc.

Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển, PCA, hồi tháng 7-2016 trong vụ Manila kiện Bắc Kinh liên quan đến Biển Nam Trung Hoa như một sự thất bại toàn diện đối với Trung Quốc cả pháp lý lẫn hành động.

Kiểu ngoại giao thông minh và tốn kém của Obama đã chẳng thuyết phục được ASEAN công khai lên án Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, UNCLOS, ngoại trừ Tân Gia Ba.

Obama ghi bàn thắng về pháp lý cho Tập Cận Bình trên Biển Nam Trung Hoa càng khiến giới nón sắt Trung Quốc coi trời bằng vung.

Nền Trật tự Cấp tiến Toàn cầu trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama đã giúp Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân, thăm dò dầu khí trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế Việt Nam, xây 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa mà 3 có phi đạo và cầu tàu quân sự, biến Nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành các cứ điểm quân sự hùng hậu nhất trên Biển Đông Nam Á.

Do đó, Bắc Kinh thiết lập được ưu thế chiến lược trên Biển Nam Trung Hoa. 

Nương theo đà thắng lợi, Bắc Kinh tung ra các gói viện trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng làm ASEAN nhũn như con chi chi nên càng khuyến khích Trung Quốc tăng cường biện pháp bành trướng, bá quyền trên Biển Nam Trung Hoa. 

Tổng thống Phi Luật Tân, Rodrigo Duterte phải lột lưỡi tán tụng Trung Quốc và đe doạ sẽ xét lại bang giao với Mỹ.

Hayton cho rằng chính sách ngoại giao hoặc đối đầu sẽ không làm giảm động cơ núp đàng sau hành vi của Trung Quốc. Do đó, cộng đồng quốc tế cần lột trần việc Bắc Kinh lạm dụng các bằng chứng lịch sử không tương hợp với UNCLOS để chèn ép láng giềng.

Tuy chưa công bố Chính sách Châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump đã bố trí 2 Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm tại Biển Đông Á, tăng cường chiến cụ và vũ khí tối tân nhất tới Châu Á.

Pháp đang điều động HKMH nguyên tử duy nhất tới CA-TBD. Từ tháng 5 đến tháng 8, Khu trục hạm (HKMH) Trực thăng JS Izumo, lớn nhất của Nhật Bản sẽ thăm Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Indonesia và tập trận chung với Hải quân Hoa Kỳ, Ấn Độ trên Ấn Độ Dương sau khi ghé Sri Lanka. Anh Quốc đã phái một phân đội chiến đấu cơ tối tân bay vào Biển Đông.

Tuy nhiên, tư duy của các nước Đông Nam Á chưa theo kịp với tình thế mới vì vẫn ôm mộng đi dây để thủ lợi bất chấp  Hoa Kỳ cần ASEAN phối hợp hành động mà không cho phép lợi dụng.

Duterte chất vấn Đại sứ Mỹ, Sung Kim: “Tại sao Hoa Kỳ không điều động Hạm đội 7 đến ngăn chặn Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa”.

Lẽ ra Manila và Hà Nội phải trực tiếp bảo vệ các thực thể địa lý đã tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa như Việt Nam Cộng Hoà từng làm khi Trung Cộng xâm phạm Hoàng Sa năm 1974 dù cho Hà Nội đồng loã với Bắc Kinh. Như thế, vụ Manila kiện Bắc Kinh ra PCA sẽ tác động mạnh hơn. 

Manila từng đuổi Mỹ khỏi căn cứ Hải quân Subic Bay và căn cứ Không quân Clark Field năm 1991 lại trách cứ Hoa Kỳ nên Đại sứ Kim không trả lời Duterte.

Bắc Kinh lăm le xây đảo nhân tạo tại Bãi cạn Scarborough cách Phi Luật Tân 241 km, cách Trung Quốc 643 km.

Bắc Kinh đã quân-sự-hoá Biển Nam Trung Hoa với các cứ điểm quân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa có khả năng phòng thủ lẫn tấn công. Nhóm đảo Trường Sa cách Trung Quốc 805 km có thể chứa 72 chiến đấu cơ và máy bay quân sự cở lớn.

Thế mà, hôm 31-03-2017, Phát ngôn viên quốc phòng Trung Quốc, Vũ Quân tuyên bố: “Chẳng có chuyện đảo nhân tạo mà chỉ những cao ốc dân sự được bố phòng”.

Nguyên Trưởng ban Biên giới (1995-2004) Trần Công Trục biện minh về mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc trong bài “Ứng phó chiến lược biên giới mềm: “thoát Trung” hay phải vượt lên chính mình?” trên báo Giáo Dục 1 tháng 4 năm 2017.

Trục viết”: “Theo tôi chúng ta không nên đặt vấn đề “thoát Trung”, chưa bao giờ Dân tộc Việt Nam này biết “thần phục” Trung Quốc”.

Xưa Nho giáo, Khổng giáo như một sợi dây vô hình cột Việt Nam vào Trung Hoa. Nay, chủ nghĩa Mác-Lê trói CSVN vào Trung Quốc qua 16 chữ vàng và 4 tốt. Dân tộc Việt Nam bị dìm trong bóng tối triền miên.

Cương lĩnh Đảng Lao Động Việt Nam (1951-1975) “Lấy Chủ nghĩa Mác-Lê Nin và Tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam hành động”. Sau 1975, Hà Nội mới gượng ép đem Tư tưởng Hồ Chí Minh thay thế.

Hành động lệ thuộc tuyệt đối nhất là thần phục về chủ thuyết và tư tưởng.

Đại Hàn bác bỏ triệt để học thuyết Mác-Lê mới trở nên cường thịnh và khoa học kỹ thuật vào nhóm hàng đầu thế giới. Bắc Triều Tiên đói rét lạc hậu do đi ngược chiều tiến hoá của nhân loại chưa đủ làm Trục sáng mắt hay sao?

Trục hô hào: “Công nghệ nào lạc hậu của Trung Quốc, hàng hóa nào độc hại của Trung Quốc chúng ta có quyền và có khả năng từ chối. Nguồn nguyên liệu hay thị trường của chúng ta thì chính chúng ta phải chủ động mở rộng”.

Thực tế, Bắc Kinh không cho phép mà Hà Nội cũng chẳng dám nên rác và người từ Trung Quốc cứ tràn ngập Việt Nam. Bao nhiêu dự án trọng điểm quốc gia đều lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc.

Mọi lập luận của Trần Công Trục bị chi phối bởi sự hàm ân Trung Quốc đã tận tình giúp Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị tuyệt đối.

Chiến tranh và hoà bình là hai mặt luân chuyển trong mối quan hệ quốc tế. Vì thế, sợ chiến tranh mà nhượng bộ sẽ bị thiệt hại do chiến tranh không hoặc có tiếng súng đem tới.

Chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ hoà bình đang diễn ra trên Biển Đông Nam Á.

Liệu các quốc gia liên quan có đóng đúng vai trò hay chưa?

Đại Dương

Tài liệu tham khảo:

– China’s South China Sea ambitions require a diplomatic response (Asia times)
– Trump administration alienates Asia hands, at America’s peril (Nikkei)
– What does China really want in the South China Sea? (Bill Hayton)
– HOW AND WHY CHINA IS BUILDING ISLANDS IN THE SOUTH CHINA SEA (Newsweek)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt