Quyền xử dụng internet và việc làm trái đạo lý: Những chọn lựa và thách thức

Bài phát biểu của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói về tự do Internet và an ninh là một thách thức của cách mạng tự do dân chủ hiện nay.

Quyền sử dụng internet và việc làm trái đạo lý: Những chọn lựa và thách thức

trong một thế giới nối mạng

Bài phát biểu của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton trước cử tọa sinh viên tại Trường đại học George Washington
Washington DC, ngày 15/02/2011

Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang nói chuyện về tự do Internet

Cám ơn quý vị và xin chào. Thật là thú vị, hôm nay một lần nữa tôi có dịp trở lại khuôn viên của Trường đại học George Washington, nơi mà cách nay hơn 20 năm tôi đã có mặt để làm một số công việc khác nhau. Đặc biệt tôi chân thành cám ơn ông Knapp, chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Lerman, Hiệu trưởng trường, bởi vì đây là một cơ hội lớn để tôi trình bày về một vấn đề quan trọng, rất đáng cho công dân và các chính phủ các nơi lưu tâm. Và có lẽ hôm nay trong phần trình bày này, chúng ta có thể bắt đầu một cuộc tranh luận quyết liệt để đáp ứng những nhu cầu mà chúng ta đã tận mắt thấy qua hệ thống truyền hình trong thời gian vừa qua.

Chỉ vừa qua khỏi nửa đêm ngày 28 tháng Giêng thì toàn bộ internet tại Ai Cập bị cắt. Trong bốn ngày trước đó, hàng trăm ngàn người dân Ai Cập đã xuống đường tuần hành đòi phải có một Chính phủ mới. Và cả thế giới, qua Tivi, máy tính xách tay, cùng các loại điện thoại di động và điện thoại “thông minh” đã theo dõi theo từng bước đi của các sự kiện. Những hình ảnh, các đoạn videos từ Ai Cập tràn ngập các trang mạng. Trên trang Facebook và Twitter, các ký giả liên tục đưa lên các bài tường thuật tại chỗ. Những người biểu tình phối hợp và kết nối những bước kế tiếp. Người dân thuộc đủ mọi tầng lớp, tuổi tác đã chia sẻ với nhau những hy vọng cũng như những nỗi lo sợ trong cái thời khắc quan trọng này của lịch sử nước họ.

Hàng triệu người khắp năm châu đồng thanh đáp trả: “Các bạn không cô đơn chúng tôi cùng sát cánh với các bạn”. Thế là chính phủ liền ngắt cầu dao điện: mạng điện thoại di động bị cắt; sóng truyền hình bị nhiễu và hầu như toàn thể mọi người không vào được mạng internet. Chính phủ không muốn người dân trao đổi với nhau và cũng không muốn báo chí đưa tin. Và đương nhiên là cũng không muốn thế giới dõi theo.

Những biến cố ở Ai Cập làm cho chúng ta nhớ đến cuộc biểu tình ở Iran trước đó 18 tháng, khi người dân xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Những người biểu tình khi đó cũng đã sử dụng đến các trang mạng để tổ chức nhau lại. Một đoạn video quay được bằng điện thoại cầm tay cho thấy một cô gái trẻ tên Nadia bị lực lượng dân quân giết chết, và chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, đoạn video ấy đã được loan truyền rộng rãi và được nhiều người xem.

Nhà cầm quyền Iran cũng sử dụng công nghệ. Lực lượng Vệ binh Cách mạng rình rập các thành viên của Phong trào Xanh bằng cách theo dõi hồ sơ cá nhân trên mạng. Cũng giống như trường hợp Ai Cập, Chính phủ nhất loạt cắt mạng internet và điện thoại di động một thời gian. Chỉ sau khi nhà cầm quyền lùng bắt tại gia, tấn công ký túc xá các trường đại học, bắt bớ hàng loạt, tra tấn và bắn vào đám đông, thì cuộc biểu tình mới chấm dứt.

Tuy nhiên, đoạn kết ở Ai Cập lại khác. Những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục mặc dầu mạng internet bi cắt. Người dân tổ chức xuống đường bằng cách phân phát tờ rơi, truyền miệng, sử dụng modem không cố định và máy fax để liên hệ với thế giới. Sau năm ngày, Chính phủ nới lỏng kiểm soát và Ai Cập lại được nối mạng với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên Chính phủ vẫn muốn kiểm soát người biểu tình bằng cách ra lệnh cho các công ty điện thoại di động gởi các mẩu tin nhắn với nội dung ủng hộ Chính phủ và bắt bớ các Bloggers và những ai kêu gọi biểu tình trên mạng internet. Thế nhưng 18 ngày sau khi có các cuộc biểu tình phản đối thì Chính phủ sụp và Tổng thống thì từ chức.

Những gì đã xảy ra tại Ai Cập và Iran, mà ở nước này một lần nữa lại có bạo lực để trấn áp những người biểu tình đòi các quyền tự do căn bản, khiến ta cần phải chú ý nhiều hơn là chuyện sử dụng internet. Trong cả hai vụ, ở Ai Cập và ở Iran, người dân biểu tình chỉ vì họ vô cùng thất vọng với những điều kiện sống về mặt kinh tế và chính trị của họ. Họ nổi dậy, tuần hành và hô to các khẩu hiệu và nhà cầm quyền theo dõi họ, ngăn chặn và bắt họ. Mạng internet chẳng hề làm chuyện này mà chính con người làm ra cả. Tại cả hai quốc gia này, cách thức người dân và nhà cầm quyền sử dụng mạng internet phản ánh quyền năng của công nghệ kết nối, với một bên là công cụ thúc đẩy tiến trình thay đổi chính trị, xã hội, kinh tế và bên kia là phương tiện trù dập, ngăn chặn ước vọng đổi thay này.

Hiện nay có những luồng ý kiến khác nhau đang tranh cãi xem mạng internet có tác dụng để giải phóng hay là một công cụ dùng để đàn áp. Nhưng tôi cho rằng tranh luận này là lạc đề. Không phải người dân Ai Cập có được cảm hứng chỉ vì họ sử dụng mạng Twitter để thông tin với nhau, mà là họ đồng cảm với nhau và kiên trì đòi hỏi một tương lai xán lạn hơn. Iran không đáng sợ vì việc nhà cầm quyền sử dụng trang mạng Facebook để theo dõi và bắt bớ các thành viên đối lập. Iran thật sự đáng sợ bởi vì Chính phủ nước này thường xuyên vi phạm nhân quyền.

Nói thế có nghĩa là phẩm giá đã gây ra những hành động này để chúng trở thành nguồn cảm hứng cho chúng ta hoặc khiến chúng ta thấy bị xúc phạm, đó là sự ý thức về nhân phẩm, về những quyền làm người xuất sinh từ nhân phẩm đó và những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho cái nhân phẩm đó. Và cũng chính những phẩm giá này đã thúc đẩy chúng ta hướng về con đường phía trước. Hiện nay có 2 tỷ người nối mạng, tức là gần một phần ba nhân loại. Chúng ta reo hò từ mọi chân trời góc bể, từ khắp nơi đang sống dưới các chính thể khác nhau và theo mọi hệ thống tín ngưỡng khác nhau. Và càng ngày chúng ta càng cần đến mạng internet khi cần dắt dẫn những nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của mình.

Mạng internet đã trở thành một không gian chung cho thế kỷ XXI – thành quảng trường của thế giới, thành lớp học, chợ búa, tiệm café và phòng trà của thế giới. Chúng ta định hướng và được định hướng qua những gì đang xảy ra nơi quảng trường ấy, tất cả 2 tỷ người đang sử dụng nó và con số đang tăng dần. Và điều này đem đến cho chúng ta một thách thức. Để duy trì một hệ thống mạng có thể đem lại tiện ích tối đa cho thế giới, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh bàn thảo những nguyên tắc sẽ dẫn dắt chúng ta, những luật chơi nào cần tồn tại và không nên tồn tại và tại sao lại như vậy, những thái độ nào cần được khuyến khích hoặc cần ngăn cản và làm những điều đó như thế nào.

Mục đích không phải là bảo người ta cách sử dụng mạng internet như kiểu bảo người ta cách thức sử dụng, tụ tập tại quảng trường, dù đó là quảng trường Tahrir hay quảng trường Times. Giá trị của những không gian này có được từ những hoạt động mà người ta theo đuổi, từ việc tổ chức biểu tình cho đến bán rau quả, cho tới chuyện ngồi trò chuyện riêng tư với nhau. Những khoảng không gian này cung cấp cho chúng ta cái mặt bằng cởi mở và mạng internet cũng làm những chuyện như vậy. Internet chẳng phục vụ cho nhu cầu của riêng ai và nó cũng chẳng khi nào làm điều đó. Nhưng nếu người dân từ khắp nơi trên thế giới đều nối mạng hằng ngày và có được những kinh nghiệm quý báu thì chúng ta cần chia sẻ với nhau một tầm nhìn đủ sức dắt dẫn chúng ta.

Cách đây một năm tôi có đưa ra một khởi điểm cho tầm nhìn đó bằng cách kêu gọi thế giới quan tâm hơn nữa đối với quyền tự do sử dụng internet, bảo vệ nhân quyền trên mạng internet cũng như ở xã hội bên ngoài mạng internet. Quyền cho các cá nhân được tự do bảy tỏ các quan điểm, các kiến nghị gửi đến lãnh đạo, quyền được thờ phụng theo niềm tin của mình – đó là những quyền phổ cập cho dù chúng được bày tỏ tại một quảng trường hay trên một trang Blog cá nhân. Quyền tự do hội họp và lập hội cũng áp dụng với không gian mạng. Ở thời đại ngày nay, người ta dễ dàng đến với nhau qua mạng để cùng đeo đuổi những quyền lợi chung cũng giống như việc làm đó trong nhà thờ hay tại một nơi hội họp của dân lao động.

Kết hợp lại tất cả những quyền tự do bày tỏ chính kiến, hội họp và giao tiếp trên mạng, tôi xin gọi là quyền tự do kết nối. Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do này đối với người dân ở bất cứ nơi nào trên thế giới và chúng tôi cũng kêu gọi các quốc gia khác hãy làm như vậy. Bởi vì chúng tôi muốn người dân có cơ hội thực thi quyền lợi này. Chúng tôi cũng ủng hộ việc nới rộng hơn mạng internet để có thêm người sử dụng. Và để đạt tiện ích tối đa, mạng internet phải hoạt động tốt, đều và chúng tôi ủng hộ một hệ thống mạng đa chiều như hệ thống mà chúng ta đang có ngày hôm nay, là một hệ thống đang chạy rất tốt cho dù có những trắc trở ở những khâu mạng khác nhau, cách biệt về biên giới, hay quốc gia.

Trong thời gian tới đây, người dân ở khắp nơi vẫn tiếp tục sử dụng mạng internet để giải quyết một số vấn đề và tiết lộ những vụ tham nhũng: từ việc người dân Nga sử dụng mạng internet để dò tìm các vụ cháy rừng và lập ra những đội cứu hỏa thiện nguyện, cho đến những trẻ em ở Syria sử dụng trang mạng Facebook để công khai những vụ thầy giáo hành hạ học trò; và những cuộc vận động trên mạng tại Trung Quốc để giúp phụ huynh tìm kiếm con em mất tích.

Cùng lúc đó, mạng internet cũng bị ngăn trở bằng hàng vạn cách khác nhau. Ở Trung Quốc, Chính phủ kiểm duyệt nội dung và chuyển yêu cầu kết nối vào những trang mạng không có thật. Ở Miến Điện, những website cung cấp thông tin độc lập đều bị đánh phá các kiểu. Ở Cuba, Chính phủ cố gắng xây dựng một mạng internet riêng cho mình và không cho phép công dân mình kết nối với mạng bên ngoài. Ở Việt Nam, các Bloggers chỉ trích Nhà nước đều bị bắt hay trù dập. Ở Iran, nhà cầm quyền ngăn chặn các website đối lập, theo dõi các trao đổi trên mạng và đánh cắp các thông tin cá nhân để tiện việc truy lùng.

Những động thái này phản ánh một tình trạng phức tạp và manh động, và chắc chắn sẽ trên đà gia tăng trong những năm tới khi có thêm nhiều người được nối mạng. Sự chọn lựa của chúng ta hôm nay sẽ định hướng cho internet trong tương lai. Các doanh nghiệp sẽ phải chọn có nên và bằng cách nào xâm nhập thị trường khi mà internet bị giới hạn. Người ta sẽ phải chọn lựa cách giao tiếp trên mạng như thế nào, chia sẻ những thông tin gì và với ai, nêu lên những ý kiến gì và bằng cách nào. Chính phủ sẽ phải chọn cách cư xử đúng mực để bảo vệ quyền bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội.

Đối với Hoa Kỳ, sự chọn lựa rất rõ ràng. Dưới lăng kính của quyền tự do sử dụng internet, chúng tôi đặt mình về phía công khai. Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng mở rộng internet có những thách thức. Việc này cần đến những luật chơi căn bản nhất để chống lại những việc làm sai trái và có hại. Và quyền tự do sử dụng internet cũng có những áp lực của nó, cũng như tất cả những quyền tự do khác. Nhưng chúng tôi tin rằng những tiện ích luôn vượt trội lên trên hết.

Và hôm nay, tôi muốn trao đổi về những thử thách khác mà chúng ta phải đối mặt khi phải bảo vệ và bảo đảm một hệ thống mạng internet tự do và rộng mở. Bây giờ, tôi là người đầu tiên xin nói rằng, không phải tôi hoặc Chính phủ Hoa Kỳ có tất cả các câu trả lời. Chúng tôi không chắc rằng mình có tất cả các câu hỏi. Nhưng chúng tôi cam kết với việc đặt ra những câu hỏi, để có thể đưa đến một cuộc đối thoại và không chỉ bảo vệ những nguyên tắc căn bản phổ thông nhất mà còn có quyền lợi của người dân chúng tôi và các đối tác.

Thử thách đầu tiên là đạt được cả hai sự tự do và an ninh. Sự tự do và an ninh thường được xem là hai vấn đề ngang nhau nhưng đối nghịch; Càng có cái này thì sẽ đánh mất dần cái kia. Thật ra tôi tin rằng cả hai đều bổ sung cho nhau. Không có an ninh thì sự tự do sẽ dễ đổ vỡ. Không có sự tự do thì an ninh là kềm kẹp, đàn áp. Thử thách ở chỗ là làm sao có được đủ an ninh để hưởng đầy đủ tự do, nhưng không quá nhiều hay quá ít để gây phương hại đến tự do.

Tìm kiếm một biện pháp thích hợp cho internet thật là quan trọng, bởi vì phẩm chất đem đến cho internet một lực phát triển chóng mặt – sự giao mở, sự ảnh hưởng đồng bộ, và tốc độ – cũng có thể đem đến những tai họa khôn lường. Bọn khủng bố và các thành phần cực đoan sử dụng internet để chiêu mộ thành viên và lên kế hoạch tấn công. Bọn buôn người sử dụng internet để dụ dỗ lôi kéo nạn nhân vào con đường nô lệ. Bọn chụp ảnh ấu dâm sử dụng internet để khai thác bóc lột trẻ em. Tin tặc (Hackers) đột nhập vào tài khoản, hệ thống di động và email cá nhân.

Do đó chúng ta cần có những chiến lược hữu hiệu để đối đầu với những đe dọa này và thêm nữa mà không ảnh hưởng đến sự mở rộng của internet. Hoa Kỳ nỗ lực truy lùng trên mạng để bắt những kẻ phạm tội hình sự và bọn khủng bố. Chúng tôi cũng đầu tư vào hệ thống an ninh mạng quốc gia, cả hai là để phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu tác hại. Chúng tôi cũng đang hợp tác với nhiều quốc gia để chống bọn tội phạm mạng. Hoa Kỳ cũng đầu tư giúp một số quốc gia khác tăng cường lực lượng an ninh mạng. Chúng tôi cũng ký vào Công ước Budapest về Tội phạm Mạng, là công ước đề ra những bước mà các quốc gia phải cam kết rằng không để bọn tội phạm và khủng bố lạm dụng internet trong khi vẫn bảo vệ quyền tự do của công dân mình.

Bằng mọi nỗ lực để ngăn ngừa những cuộc tấn công hoặc bắt bọn tội phạm, chúng tôi vẫn duy trì cam kết đối với nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn các hoạt động khủng bố và tội phạm mạng, cũng như bên ngoài xã hội, và trong cả hai trường hợp, chúng tôi cam kết theo đuổi những mục tiêu này phù hợp với luật pháp và giá trị của chúng tôi.

Ngày nay có những kẻ hành xử trái ngược. Vấn đề an ninh chỉ là cái cớ để người ta trù dập, tước đoạt các quyền tự do. Bây giờ, những trò này chẳng còn mới lạ trong thời đại kỹ thuật số nữa nhưng nó đem lại cho những Chính phủ này có được những kỹ thuật mới để truy lùng và bắt các nhà đấu tranh nhân quyền. Những Chính phủ giam cầm bắt bớ Bloggers, săm soi vào các hoạt động ôn hòa của công dân mình và giới hạn quyền tự do sử dụng internet thường là những Chính phủ muốn tìm kiếm sự an toàn cho mình. Thật ra, họ muốn thật đấy và muốn cho mình. Nhưng họ đi sai con đường. Những kẻ trù dập quyền tự do sử dụng internet có thể tiếp tục làm như vậy chỉ được một thời gian nữa thôi, những không thể mãi mãi được.

Mối thử thách thứ hai là phải bảo đảm cả hai sự minh bạch và bảo mật. Cái hay của mạng internet ở chỗ là việc đưa thông tin các kiểu một cách nhanh chóng đã tạo ra sự minh bạch. Và cái hay nữa là mặc dầu mạng internet là sân chơi chung cho tất cả, nhưng cũng là sân chơi cho mỗi cá nhân trong việc trao đổi với nhau. Và để sân chơi này được tiếp tục, chúng ta phải bảo mật được sự trao đổi giữa cá nhân với nhau trên mạng. Mỗi cá nhân hay tổ chức đều cần có sự bảo mật tuyệt đối trong giao tiếp hay công việc. Trong công việc làm ăn, người ta cần bảo mật các mẫu đối thoại trước khi tung ra các sản phẩm mới. Các nhà báo cần phải bảo mật các nguồn cung cấp thông tin để tránh bị lộ diện hay bị công chúng để ý. Và Chính phủ cũng cần đến sự bảo mật trong công việc giao thiệp trên mạng, cũng như bên ngoài xã hôi. Mặc dầu sự hiện hữu của kỹ thuật kết nối có thể gây khó khăn cho sự bảo mật, nhưng nhu cầu này vẫn không thay đổi.

Bây giờ tôi biết rằng việc bảo mật các thông tin của Chính phủ đang là một đề tài bàn cãi sôi nổi trong suốt vài tháng qua, thông qua bàn tay của Wikileaks, nhưng nhìn dưới nhiều góc cạnh, thì chẳng đáng bàn tí nào. Trên căn bản, vụ tiết lộ của nhóm Wikileaks là một hành động ăn cắp. Các thông tin của Chính phủ đã bị đánh cắp tương tự như cách người ta lén đánh cắp hồ sơ từ bên trong cặp hồ sơ vậy. Có người cho rằng hành động này có thể chấp nhận được bởi vì lẽ ra Chính phủ phải có trách nhiệm điều hành tất cả mọi công việc như thế nào để bàn dân thiên hạ biết rõ mười mươi. Tôi xin phép không đồng ý về điểm này. Hoa Kỳ không thể nào vừa phải bảo toàn an ninh cho công dân mình và vừa đề cao giá trị nhân quyền nếu phải công khai hóa tất cả đường đi nước bước của mọi nỗ lực.

Nếu không bảo mật được thông tin thì Chính phủ sẽ không thể nào làm được việc.

Chẳng hạn như việc thương lượng với các nước thành viên trong khối Xô Viết cũ về vấn đề bảo toàn nguyên liệu hạt nhân. Việc bảo mật hồ sơ này sẽ khiến cho bọn tội phạm hoặc khủng bố khó lòng sở đắc được những nguyên liệu này để gây họa. Hoặc là hãy xem xét nội dung những hồ sơ mà Wikileaks đã tung ra. Không cần phải tìm hiểu xem những hồ sơ giả này là giả hay thật, chúng ta thấy rằng có rất nhiều hồ sơ do Wikileaks tiết lộ có liên quan đến việc vận động nhân quyền trên khắp thế giới. Các nhà ngoại giao của chúng ta có một mối liên hệ chặt chẽ với các nhà đấu tranh, nhà báo và người dân lên tiếng phản đối các Chính phủ độc tài. Đó là công việc đầy nguy hiểm. Việc Wikileaks tiết lộ những hồ sơ này sẽ gây nguy hại cho họ.

Đối với những công việc như thế này, việc bảo mật là cần thiết, nhất là trong thời đại internet toàn cầu, khi mà chỉ cần một cú trỏ con chuột thì tức khắc những thông tin nguy hiểm sẽ được nhanh chóng chuyền tay khắp thế giới. Đương nhiên là Chính phủ cần phải minh bạch trong công việc. Chúng tôi được người dân tin tưởng giao phó trách nhiệm điều hành quốc gia và sự tin tưởng đó phải được thể hiện đúng nghĩa. Do đó chúng tôi cũng phải thận trọng khi giữ kín công việc và thường xuyên xem xét nguyên tắc làm việc để giữ phép tắc nghiêm minh. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi có luật lệ là dân chúng phải biết việc làm của Chính phủ và Chính phủ của Tổng Thống Obama có sáng kiến đưa các thông tin của Chính phủ lên mạng, khuyến khích người dân tham gia và tăng tính phổ cập và minh bạch của Chính phủ.

Chính phủ Hoa Kỳ phải có khả năng bảo vệ đất nước, và để giữ gìn sự tự do của người dân và ủng hộ các quyền làm người và quyền tự do của con người trên thế giới, thì cần phải có sự cân bằng giữa công chúng và cái gì không nên đem ra công chúng.

Cái cán cân lúc nào cũng nghiêng về tính công khai nhưng nghiêng hẳn thì hoàn toàn không có lợi cho ai cả. Tôi xin nói rõ, vụ tiết lộ của Wikileaks bắt đầu bằng một hành động ăn cắp, tương tự như kiểu người ta đánh cắp nó từ cặp hồ sơ vậy. Sự thật là chúng tôi không chỉ trích việc Wikileaks sử dụng internet. Qua vụ này, chúng tôi không hề thay đổi lập trường của mình về quyền tự do sử dụng internet.

Và một lời cuối đối với vấn đề này: Có những nguồn tin cho rằng, ngay sau vụ Wikileaks, Chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp vào một số công ty để ép họ từ chối dịch vụ cho Wikileaks. Không phải vậy đâu. Một số nhà chính trị gia và học giả đã kêu gọi các công ty nên tránh liên hệ với Wikileaks, trong khi một số khác thì chỉ trích cách làm của họ. Công chức nhà nước là một phần của hệ thống công quyền, nhưng luôn có một lằn ranh rõ ràng giữa việc nêu ý kiến và ép buộc người ta. Những quyết định do các công ty này đưa ra có thể là do họ có những nguyên tắc và chính sách riêng đối với vụ Wikileaks và Chính phủ Obama không có liên can đến vấn đề này.

Một thử thách thứ ba là bảo đảm quyền bày tỏ ý kiến trong khi vẫn tạo chỗ đứng cho sự bao dung và đúng đắn. Tôi không cần nói ra thì quý thính giả ở đây thừa biết rằng mạng internet là nơi chấp chứa đủ loại trên đời: sự giả dối, đụng chạm, phá phách, sáng kiến, sự thật và cái đẹp.

Sự quy tụ nhiều ý kiến và ý tưởng đã đem lại cho internet tính công khai và cũng phản ánh được sự đa dạng của con người. Trên mạng, ai cũng có tiếng nói của mình. Và bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền bảo vệ quyền bảy tỏ ý kiến cho mọi người. Nhưng những gì chúng ta nói ra đều có hậu quả của nó. Những lời lẽ thù hận và phỉ báng có thể làm căng thẳng, gây chia rẽ và đưa đến xung đột. Trên mạng, sức mạnh này lại được nhân lên gấp bội. Những lời tuyên bố vung vít thường được khuyếch đại lên và không thể rút lại được. Và đương nhiên, mạng internet cũng là nơi giúp tạo sự cảm thông, kết nối và hiểu biết lẫn nhau.

Cũng có người cho rằng, để khuyến khích sự bao dung, thì Chính phủ nên dập tắt những ý kiến đầy thù hận. Chúng tôi tin rằng nếu tìm cách kiềm chế ý tưởng của lời phát biểu thì chỉ chuốc lấy thất bại và thường thì trở thành cái cớ cho những vụ vi phạm quyền bày tỏ ý kiến.

Thật ra, lịch sử cũng đã chứng minh rằng câu trả lời tốt nhất đối với những loại phát biểu như vậy là người ta cần phải lên tiếng nhiều hơn nữa. Người ta có thể và nên lên tiếng chống lại sự hẹp hòi và thù hận. Bằng cách đưa ra ý kiến để tranh luận, những lời lẽ chí tình sẽ được lắng nghe, trong khi những ý tưởng gian dối thì sẽ tàn lụi dần đi; tuy sẽ không tan biến ngay nhưng sớm muộn gì cũng vậy thôi.

Bây giờ, phương hướng này không nhất thiết ngay lập tức bác bỏ những ý tưởng thù hận hoặc thuyết phục những kẻ ngu ngốc phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. Nhưng chúng ta đã xác định rằng trong một xã hội thì phương hướng giải quyết theo cách này vẫn có hiệu quả, hơn hẳn bất cứ cách giải quyết nào khác. Rút bài xuống, kiểm duyệt nội dung, bắt bớ kẻ lên tiếng – những hành động này đàn áp tiếng nói, nhưng không hề đả động gì đến những ý tưởng căn bản. Làm như thế chỉ đẩy người ta ra ngoài lề, trong khi việc kết tội họ lại càng bị đào sâu hơn, không thay đổi được gì cả.

Mùa hè năm ngoái, bà Hannah Rosenthal, Đặc sứ Hoa Kỳ về Giám sát và Chống Bài-Do Thái, đã tổ chức một chuyến đi Dachau và Auschwitz với một phái đoàn gồm tu sĩ và các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Hoa Kỳ. Nhiều người trong số họ trước đây đã từng chối bỏ các vụ thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ II và họ cũng chưa bao giờ lên án việc chối bỏ những vụ thảm sát này. Nhưng sau khi viếng thăm những trại tập trung, họ đã bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận của mình. Và chuyến đi đó đã có tác động mạnh. Họ cầu nguyện với nhau, và họ đưa ra những thông điệp hòa bình, và nhiều trong số đó đã được viết bằng tiếng Ả Rập trong quyển lưu niệm. Sau chuyến đi, họ đã đưa ra một tuyên bố rằng họ đã viết và cùng ký tên thẳng thừng lên án việc chối bỏ các vụ thảm sát người Do Thái và các hình thức bài Do Thái.

Hình thức tụ hội các ý kiến rõ ràng là có hiệu quả. Rõ ràng là các nhà lãnh đạo Hồi giáo này chưa hề bị bắt vì chính kiến của mình hoặc bị buộc phải giữ im lặng. Nơi thờ phụng của họ không bị đóng cửa. Nhà nước cũng không dùng vũ lực để khuất phục họ. Những người khác thì kêu gọi, thuyết phục họ. Và lên tiếng một cách ôn hòa về những lời giảng của họ.

Chiếu theo luật lệ quốc gia và những cam kết quốc tế, Hoa Kỳ có đặt ra một số giới hạn trong vấn đề phát biểu. Chúng tôi có luật để xử lý những lời phỉ báng và vu cáo làm mất danh dự kẻ khác, và những lời phát biểu xúi giục bạo động. Nhưng chúng tôi thực thi những luật lệ này rất rõ ràng, minh bạch và người dân có quyền khiếu nại về cách thức áp dụng. Và chúng tôi cũng không hạn chế những lời phát biểu mà ngay cả khi số đông cảm thấy bị xúc phạm. Nhìn lại lịch sử có nhiều thứ từng bị cấm đoán mà bây giờ nhìn lại chúng ta thấy là hoàn toàn sai. Người dân bị phạt chỉ vì không tuân lệnh Vua, hoặc là gợi ý rằng mọi người sinh ra ở trên đời phải được bình đẳng như nhau, bất kể là sắc dân, phái tính hoặc tôn giáo. Những khắt khe đã phản ánh quan điểm vào thời buổi đó, và hiện nay những khắt khe đó dù đã có biến đổi, vẫn hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng khi nói đến vấn đề phát ngôn trên mạng, Hoa Kỳ vẫn theo đuổi các nguyên tắc ứng xử trong thời đại này. Chúng tôi thiết tha kêu gọi người dân hãy thận trọng với lời phát ngôn, phải biết mức độ nguy hại và ảnh hưởng của những lời phát ngôn trên mạng. Ngay trong quốc gia này, đã từng xảy ra những câu chuyện bắt nạt kẻ khác rồi đưa đến những hậu quả thương tâm. Những người như chúng tôi trong chính phủ cần phải làm gương, giữ gìn lời ăn tiếng nói. Sự lãnh đạo còn có ý nghĩa là cho phép người dân có quyền lựa chọn, chứ không phải là can thiệp và không cho người ta quyền lựa chọn. Chúng tôi bảo đảm quyền được nói với đầy đủ pháp luật và chúng tôi cũng kêu gọi sự kiềm chế để tránh thù hận.

Bây giờ, không dễ gì mà có thể đạt được cả ba nguyên tắc này một cách dễ dàng. Nó sẽ tạo ra căng thẳng, và cũng tạo ra nhiều thách thức. Nhưng chúng ta không cần phải chọn lựa cái nào. Quyền Tự do và vấn đề An Ninh, Minh bạch và Bảo mật, Tự do phát biểu và sự Khoan dung – Tất cả những thứ này tạo thành một xã hội tự do, vững chắc và cởi mở cũng như một hệ thống mạng internet an toàn, tự do và công khai, nhân quyền được tôn trọng, chắc sẽ là nền tảng đưa đến phát triển, giàu mạnh về lâu về dài.

Hiện nay có một số quốc gia đang tiến hành một cách xử lý khác. Họ hạn chế quyền tự do sử dụng internet, và tìm cách dựng lên những bức tường che chắn giữa các hoạt động khác nhau – trao đổi về kinh tế, thảo luận về chính trị, bày tỏ quan điểm tôn giáo và giao tiếp xã hội. Họ muốn giữ cái mà họ mong muốn và ngăn chặn cái mà họ không thích. Nhưng điều này không dễ dàng chút nào. Những website tìm kiếm thông tin giúp kết nối cơ sở làm ăn với khách hàng mới, nhưng đồng thời cũng thu hút người sử dụng bởi vì những website này giúp sắp xếp tin tức và thông tin. Các trang mạng xã hội không chỉ là nơi mà bạn bè trao đổi với nhau hình ảnh mà họ còn trao đổi với nhau những quan điểm chính trị và những quan tâm về xã hội hoặc là giúp người ta tiếp cận với những cơ hội công việc.

Những “bức tường” được dựng lên để ngăn chặn internet, các nội dung chính trị, hoặc ngăn cấm nhiều hạng mục trong quyền bày tỏ ý kiến, hoặc chỉ cho phép một vài kiểu tụ tập ôn hòa nhưng lại cấm đoán những kiểu khác, hoặc trù dập người dân lên tiếng. Những loại “bức tường” này thật ra dựng lên rất dễ dàng nhưng duy trì rất khó. Không phải bởi vì cái khó không thể bó cái khôn, người ta có thể tìm cách vượt tường lửa được, mà là vì không hề có một mạng internet riêng cho kinh tế, hoặc riêng cho xã hội hoặc riêng cho chính trị, mà chỉ có một mà thôi. Và việc duy trì những bức tường chắn với mong muốn thay đổi sự thật này sẽ phải trả một cái giá về Đạo đức, Chính trị và Kinh tế. Có những quốc gia có thể chi trả nổi những cái giá này một thời gian, nhưng tôi tin rằng đó là việc làm không khả thi về lâu dài. Người ta sẽ phải trả một cái giá nếu chỉ tìm cách mở rộng internet cho công việc buôn bán làm ăn nhưng lại đóng chặt đối với quyền tự do bày tỏ ý kiến – đó là cái giá đối với hệ thống giáo dục, sự ổn định chính trị, tính năng động xã hội và tiềm năng kinh tế.

Khi những quốc gia tìm cách ngăn chặn tự do internet, thì họ đã tự đặt cho mình một giới hạn về tương lai của nền kinh tế. Giới trẻ không có thể tiếp xúc được với những trao đổi và tranh luận ở thế giới bên ngoài, hoặc không có cơ hội cọ xát với những câu hỏi khác nhau, sẽ khiến cho họ chỉ loanh quanh lẩn quẩn với lề lối làm việc cũ rích và hạn chế nảy sinh sáng kiến. Và việc ngăn cấm người dân lên tiếng chỉ trích quan chức chỉ khiến cho Chính phủ đó dễ rơi vào vòng tham nhũng, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế về lâu dài. Tự do tư tưởng và một sân chơi công bằng chính là quy luật thúc đẩy một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi tuần rồi Hội đồng Thương mại Âu-Mỹ, một nhóm gồm 70 công ty, đã ra một bản tuyên bố chung về tự do internet. Nếu bạn đầu tư vào những quốc gia có sự kiểm duyệt gắt gao và những chính sách theo dõi chặt chẽ, thì trang website của bạn có thể bị đóng bất cứ lúc nào mà không cần báo trước, máy chủ của bạn bị Nhà nước đột nhập đánh phá, thiết kế của bạn bị đánh cắp, hoặc nhân viên của bạn bị đe dọa bắt bớ hoặc bạn bị trục xuất vì không chấp hành một cái lệnh có động cơ chính trị. Cái rủi ro sau cùng và đối với nhân phẩm của bạn chắc chắn không thể so sánh được với cái lợi làm ăn đem lại, nhất là nếu đem so với cơ hội làm ăn ở những nơi khác.

Hiện nay người ta nói đến một số trường hợp, đặc biệt là Trung Quốc, được xem là ngoại lệ, là nơi mà mức độ kiểm duyệt internet rất gắt gao và kinh tế phát triển mạnh. Dễ hiểu thôi, bởi vì vẫn có nhiều công ty nhắm mắt làm ngơ, sẵn sàng chịu đấm ăn xôi, miễn là kiếm được tiền. Chính phủ có thể thành công trong việc kiểm soát từng phần internet trong một giai đoạn ngắn hoặc trung, nhưng những sự hạn chế này về lâu dài sẽ khiến cho quốc gia trả một giá đắt, vì nó sẽ ảnh hưởng lên sự phát triển kinh tế.

Còn có cái giá về chính trị nữa. Hãy nhìn vào truờng hợp của Tunisia, ở đây các hoạt động kinh tế trên mạng là một phần quan trọng trong công việc làm ăn với Âu Châu, trong khi Nhà nước lại kiểm quyệt gắt gao các vấn đề khác, giống như tại Trung Quốc và Iran. Nhà nước Tunisia đã thất bại trong việc duy trì một hệ thống internet kinh tế tách biệt với mọi thứ khác. Người dân, đặc biệt là giới trẻ đã tìm ra cách kết nối, đến với nhau để chia sẻ những ưu tư, nhọc nhằn, và việc này đã giúp giới trẻ Tunisia làm nên cuộc cách mạng vừa qua.

Ở Syria cũng vậy, Chính phủ đang làm những chuyện trái ngược nhau. Chỉ mới tuần rồi, họ chấm dứt ngăn chặn trang mạng xã hội Facebook và YouTube lần đầu tiên trong ba năm nay, và hôm qua họ lại tuyên phạt một cô gái tội làm gián điệp với 5 năm tù ở chỉ vì bày tỏ chính kiến của mình trên trang Blog cá nhân.

Chuyện này cũng vậy, không thể biện hộ được. Không thể có được nhu cầu về một sân chơi để bày tỏ ý kiến nếu người sử dụng lại bị bỏ tù. Chúng tôi tin rằng những Chính phủ nào tìm cách dựng lên các bức tường lửa cho dù là ngăn lọc hay kiểm duyệt nội dung, hay tấn công đánh phá những ai thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng, thì Chính phủ đó sẽ tự đóng khung mình mà thôi. Họ sẽ tự đặt mình vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan của các nhà độc tài và sẽ phải chọn lựa giữa việc hạ bức tường xuống hoặc phải trả cái giá đắt cho chỗ đứng của mình, có nghĩa là khi đến nước cùng rồi thì ra sức ngăn chặn các luồng thông tin và đàn áp dân chúng bằng mọi giá, tức là đánh mất đi cơ hội để lắng nghe những ý kiến đóng góp và sinh mạng oan uổng của một số người.

Tôi đề nghị các nước ở năm châu hãy cùng chúng tôi đánh cược vào một cuộc chơi cho phép người dân tự do internet rộng rãi, vì nó nhất định sẽ đem đến một quốc gia hưng thịnh. Nguyên gốc của cuộc chơi mà Hoa Kỳ liên tục mở rộng trong suốt hơn 200 năm qua, đã cho phép xã hội tiến triển không ngừng, theo đó luật lệ được làm nền tảng cho công lý và hòa bình và sáng kiến trong mọi ngành nghề được nở rộ. Đây không phải là đánh cược vào máy vi tính và điện thoại di động, mà một cuộc đánh cược vào chính quần chúng nhân dân. Cùng với các đối tác khắp năm châu, chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta đang cùng đặt cược để đem lại những quyền phổ cập cho con người, là động cơ thúc đẩy để xã hội mở rộng, chúng ta quyết giữ cho internet mở rộng đến tất cả mọi người. Và như thế sẽ đặt viên gạch lót đường để chúng ta cùng chia sẻ sự thăng tiến và thịnh vượng. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đề cao việc phát triển internet ở bất cứ nơi nào mà quyền con người được tôn trọng và rộng mở cho mọi sáng kiến và phát triển đa dạng, đủ vững mạnh để người dân đặt niềm tin vào, và đủ tin cậy để xác minh công việc làm của họ.

Trong những năm vừa qua, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của nhiều liên kết giữa các quốc gia trên toàn cầu, các công ty, các tổ chức dân sự và các nhà đấu tranh thời đại điện tử tìm cách thăng tiến các mục tiêu này. Chúng tôi có nhiều đối tác mạnh trên khắp thế giới và chúng tôi cũng rất phấn khởi qua việc làm mới đây của Sáng Kiến Mạng Toàn Cầu (Global Network Iniative) vì qua đó sẽ giúp các công ty, các trí thức và các tổ chức Từ thiện phi chính phủ (NGOs) ngồi lại làm việc với nhau để giải quyết các thử thách mà chúng ta đang đối mặt hàng ngày như làm sao giải quyết khi một Chính phủ đưa ra yêu cầu kiểm duyệt hoặc là quyết định xem có nên hay không sang nhượng các kỹ thuật mà người ta có thể dùng để vi phạm nhân quyền hoặc là làm sao giải quyết vấn đề bảo mật trong phạm vi của việc sử dụng lưu trữ thông tin hoàn toàn trên mạng. Chúng tôi cần đến những đối tác mạnh, có nguyên tắc, có quyết tâm đề cao quyền tự do internet để cùng nhau thăng tiến mục đích chung này.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng để công việc có ý nghĩa, thì quyền tự do trên mạng phải được đưa vào thế giới thực tiễn. Đó là lý do tại sao chúng tôi hiện đang cùng làm việc với Mạng lưới các tổ chức Xã hội dân sự 2 để kết nối với các tổ chức NGOs và nhắm vào vấn đề kỹ thuật và huấn nghệ để nhân rộng tầm ảnh hưởng.

Chúng tôi cũng cam kết tiếp tục đối thoại với mọi thành phần trên thế giới. Tuần rồi, có lẽ quý vị có nghe là chúng tôi đã cho phổ biến trang Twitter bằng tiếng Ả Rập và Farsi, thêm vào những ngôn ngữ mà chúng tôi đã có như tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Chúng tôi sẽ đưa ra những trang tương tự bằng tiếng Trung, tiếng Nga và Hindi. Điều này sẽ cho phép chúng tôi có những luồng trao đổi hai chiều, thực tiễn với những người được kết nối mà chưa bị Chính phủ họ ngăn cản.

Cam kết của chúng tôi đối với quyền tự do internet là cam kết đối với quyền tự do của con người và lời nói của chúng tôi đi đôi với hành động. Giám sát và đáp lại những đe dọa đối với quyền tự do internet đã trở thành những công việc hàng ngày của các nhà ngoại giao chúng tôi và của các chuyên gia. Họ đang theo đuổi mục tiêu vì quyền tự do internet tại các tòa đại sứ, văn phòng đại diện khắp nơi trên thế giới. Hoa Kỳ đang hỗ trợ người dân tại nơi có chế độ kiểm duyệt internet tìm cách “vượt tường lửa”, đi trước các nhà kiểm duyệt, tin tặc, và những kẻ côn đồ chuyên tìm cách đánh đập, bắt bớ những người dám lên tiếng trên mạng.

Trong khi chúng tôi rất rõ ràng trong việc bảo đảm và ủng hộ các quyền tự do, thì sự vi phạm muôn vẻ đối với những quyền này ngày càng gia tăng. Tôi biết có người chỉ trích rằng tại sao chúng tôi không đổ tiền đầu tư vào một kỹ thuật cao siêu, nhưng chúng tôi tin rằng không hề có một giải pháp toàn hảo trong cuộc chiến chống trù dập internet. Không dễ dàng gì đâu (cười). Các bạn trẻ bên dưới kia, hãy nghĩ cách dùm đi (cười). Và theo đó, chúng tôi chọn hướng giải quyết một cách bao quát và đầy tính sáng tạo, là cách giải quyết phù hợp phương thức ngoại giao và kỹ thuật sẵn có, bảo đảm một hệ thống chạy đều và hỗ trợ trực tiếp cho những ai đang phải đương đầu với khó khăn.

Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã bỏ ra $20 triệu đô để trợ cấp cho các cuộc thi, thông qua một tiến trình công khai, bao gồm các chuyên gia thẩm định việc làm của một nhóm chuyên gia kỹ thuật và các nhà đấu tranh làm việc cật lực để tìm ra phương pháp chống vi phạm tự do internet. Năm nay chúng tôi sẽ cấp thêm $25 triệu đô để tiếp tục công việc này. Chúng tôi đang tiến hành theo phương thức đầu tư hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp về kỹ thuật, công cụ và huấn nghệ và tính thích nghi vì ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng phương tiện di động. Chúng tôi luôn lắng nghe, đối thoại với các nhà đấu tranh thời đại internet để tìm hiểu xem họ cần giúp đỡ gì và cách giải quyết đa phương của chúng tôi có nghĩa là chúng tôi sẵn sàng thích nghi với những sự đe dọa mà các nhà đấu tranh đang đối diện. Chúng tôi ủng hộ công cụ đa phương vì nếu các Chính phủ độc tài tìm ra cách đánh phá, thì ngay tức khắc đã có sẵn một nguồn khác thay thế. Và chúng tôi đầu tư vào những kỹ thuật tối tân nhất bởi vì chúng tôi biết rằng các Chính phủ độc tài luôn tìm cách nâng cao kỹ thuật đàn áp và chúng tôi muốn đi trước họ.

Cũng giống vậy, chúng tôi đang đi đầu trong việc đẩy mạnh vấn đề an ninh mạng và sang kiến mạng, giúp nâng cao khả năng ở các quốc gia đang phát triển, đi tiên phong trong việc phát triển các tiêu chuẩn điều hành công khai và nâng cao sự hợp tác để đáp trả các mối đe dọa an ninh mạng. Hôm qua ông Thứ trưởng Quốc phòng William J. Lynn III cũng đã có bài phát biểu về vấn đề này rồi. Tất cả những nỗ lực trong một thập niên qua là để xây dựng một hệ thống mạng công khai, an toàn và đáng tin cậy. Và trong những năm sắp tới đây, Chính phủ sẽ hoàn tất một chiến lược quốc tế về không gian mạng, tạo tiền đề dẫn dắt chúng ta tiếp tục công việc vào tương lai.

Đây là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của chúng tôi, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong những năm sắp tới. Đó là tại sao tôi lập ra Văn phòng Điều phối các vấn đề Không gian mạng (Ofice of the Coordinator for Cyber Issues), để nâng cấp an ninh mạng và các vấn đề khác và tạo sự phối hợp với các cơ quan của Bộ Ngoại giao cũng như các ban bộ khác. Tôi chỉ định ông Christopher Painter, một cựu Giám đốc đặc trách an ninh mạng tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cũng là một chuyên gia trong ngành này, để cầm đầu cơ quan này.

Chúng ta đã chứng kiến con số người sử dụng internet gia tăng không ngừng trong suốt 10 năm qua. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu. Trong vòng 20 năm tới, sẽ có hơn 5 tỷ người sử dụng internet. Họ là những người sẽ quyết định tương lai.

Như vậy chúng ta đang chơi một trò chơi kéo dài. Không giống như những gì đang xảy ra trên mạng, những tiến triển trong lĩnh vực này sẽ đo đếm bằng năm, chứ không phải bằng giây phút. Con đường mà chúng ta đang đi hôm nay sẽ xác định xem người theo chúng ta có cơ hội nếm trải sự tự do, an toàn và phát đạt của một hệ thống mạng rộng mở hay không.

Trong khi chúng ta đang hướng về phía trước, hãy nhớ rằng quyền tự do internet không chỉ là một hoạt động mạng nào đó, mà là chuyện làm sao để internet mãi là không gian mà nơi tất cả các hoạt động đủ kiểu diễn ra, từ bé đến lớn, từ to đến nhỏ, cho đến công việc bình thường nhất mà người ta làm hàng ngày.

Chúng ta muốn hệ thống internet luôn rộng mở để những người biểu tình sử dụng các trang mạng xã hội tổ chức biểu tình ở Ai Cập; để các cô cậu sinh viên ở nội trú gởi về nhà những hình ảnh học tập sinh hoạt; để các Luật sư ở Việt Nam viết Blog tố cáo tham nhũng; để các em học sinh bị bắt nạt ở Hoa Kỳ tìm kiếm sự cảm thông và ủng hộ trên mạng; để các nhà doanh nghiệp nhỏ ở Kenya sử dụng điện thoại di động để quản lý thu nhập; để các nhà triết học ở Trung Quốc có thể đọc các bài tham luận cho học trò mình nghe; để các khoa học gia ở Ba Tây có thể chia sẻ các dữ liệu nghiên cứu với các đồng nghiệp ở nước ngoài; và để hàng tỷ hàng tỷ kết nối giữa những người thân với nhau, để xem tin, để làm việc và để trao đổi với nhau trong cuộc sống hằng ngày.

Quyền tự do internet là việc bảo đảm cái không gian để những hoạt động, công việc này được diễn ra êm đẹp, không phải chỉ cho các cô cậu học sinh hôm nay, mà là còn cho các thế hệ mai sau. Đây là một thử thách to lớn của thời đại chúng ta. Chúng ta bị lôi cuốn vào một nỗ lực đấu tranh chống lại những kẻ ngăn chặn chúng ta, những kẻ muốn đánh gục và trù dập, để bắt họ phải đối diện và chấp nhận thực tiễn. Nhân danh cuộc chiến này chúng tôi ghi công của các bạn. Đó là một cuộc đấu tranh vì nhân quyền, là một cuộc đấu tranh cho quyền tự do của con người, là một cuộc đấu tranh vì nhân phẩm.

Chân thành cám ơn các bạn (tiếng vỗ tay)

Lê Minh chuyển ngữ (1)


(1) Nhằm đáp ứng kịp thời một bản dịch ra tiếng Việt, người dịch có lời xin lỗi bạn đọc về những chỗ dịch chưa thật chuẩn hoặc chưa thật hết ý, đối với bài diễn văn khá dài và cách diễn đạt khá bóng bẩy, đa nghĩa của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ. BVN được sự ủy thác của dịch giả, có hiệu đính được một phần, nhưng vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt