Báo chí vẫn là công cụ của đảng cộng sản Việt Nam
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI, Đề án Quy hoạch báo chí đến năm 2025 là một vấn đề trong chương trình thảo luận. Theo đó, báo chí Việt Nam tiếp tục được nhấn mạnh là công cụ tuyên truyền của đảng, và không cho phép các nhóm lợi ích chi phối báo chí…
Căn bản vẫn là độc tài, độc quyền về báo chí
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương của đảng csVN, cho biết đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản bàn đến quy hoạch cho báo chí. Tuy nhiên, theo nhận định thì những luận điểm trong đề án này không hề khác biệt so với những quan điểm vốn có của đảng Cộng sản Việt Nam đối với các cơ quan truyền thông trong nước.
Nhận định về điều này, tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định:
Phạm Chí Dũng: Họ vẫn nói như trước và từ bao nhiêu năm rồi. Thực chất là không để tư nhân hoá báo chí, vì họ rất sợ tư nhân hoá sẽ dẫn đến đa chiều, đa diện, và dẫn đến đa nguyên, đa đảng. cho nên, một nền chuyên chính báo chí hữu sản chứ không phải một nền chuyên chính báo chí kiểu vô sản là cái mà họ đang cần và họ luôn giữ độc tài, độc quyền về báo chí. Chừng nào họ không ở chân tường thì họ chưa buông báo chí đâu.
Đề án về quy hoạch báo chí cho rằng các cơ quan truyền thông của Việt Nam chưa được tổ chức hợp lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, hoạt động và đi vào hướng giật gân, câu khách.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, blogger từng đoạt giải nhà báo công dân của tổ chức Phóng viên Không biên giới, cho rằng đề án này thể hiện tính bảo thủ và giáo điều của đảng Cộng sản. Theo ông, nó cũng nhằm tái khẳng định lại vai trò kiểm soát của đảng Cộng sản đối với báo chí. Ông nói:
Huỳnh Ngọc Chênh: Thực ra, báo chí lâu nay vẫn nằm trong quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng, tới bây giờ khẳng định lại sự lãnh đạo đó thì để nhắc nhở mọi người rằng đảng vẫn còn tiếp tục nắm báo chí. Chuyện quy hoạch mục đích cũng là sắp xếp cho gọn bộ máy báo chí. Nó nhiều quá, nó lộn quá, bây giờ quy hoạch, sắp xếp lại.
Các nhóm lợi ích chưa đủ mạnh
Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times hồi tháng 11 năm ngoái, cựu tổng biên tập tờ báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế, nhận định rằng báo chí Việt Nam đang phát triển chóng mặt trong vòng 5 năm qua, tới mức giới chức Việt Nam khó kiếm soát. Theo ông, điều đó đã dẫn đến những hệ quả được cho là nghiêm trọng, chẳng hạn như người đọc trẻ tuổi tìm đến những nguồn tin khác, ngoài nguồn tin chính thống của nhà nước. Cũng theo đề án nói trên, ban chấp hành trung ương tái khẳng định việc không để các nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, điều này thực ra không cần nói đến trong đề án vì ở Việt Nam không hề có nhóm lợi ích nào đủ sức gây ảnh hưởng tới giới truyền thông ở quy mô lớn, có chăng chỉ là ảnh hưởng nhỏ, trong một khoảng thời gian nhất định. Ông nói:
Huỳnh Ngọc Chênh: Chưa có tập đoàn nào náo loạn được báo chí hết chưa có doanh nghiệp nào, nhóm lợi ích nào mà lũng loạn báo chí được một cách công khai. Trừ những chuyện lũng đoạn nhỏ mà lũng đoạn nhỏ thì bất cứ tờ báo nào cũng có thể bị. Người ta có thể đưa tiền bằng cách này hoặc bằng cách khác thông qua quảng cáo để đăng được một số thông tin này thông tin khác theo ý người ta.
Ông Phạm Chí Dũng thì cho rằng có sự manh mún phát triển của nhóm lợi ích trong vòng 2-3 năm trở lại đây và nó mang tính chính trị nhiều hơn. Ông nói:
Phạm Chí Dũng: Đó là khái niệm những lợi ích đang chi phối tờ báo, không chỉ vì lí do kinh tế mà cả về lý do chính trị. Tôi nghĩ rằng đó là một trong những hàm ý mà bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam họ đang đề cập tới, đang lo ngại là nhóm lợi ích báo chí và đang lấn sang những câu chuyện về mặt chính trị.
Ông lấy ví dụ về sự ra đời của trang blog Chân Dung Quyền Lực đang làm mưa làm gió trong công luận thời gian gần đây. Trang blog ẩn danh này liên tục đưa tin về những khối tài sản khổng lồ của các vị tai to mặt lớn trong chính quyền Việt Nam, đi kèm với nó là những bằng chứng rõ ràng, khiến người ta khó có thể nghi ngờ tính xác thực của nó.
Ông Phạm Chí Dũng nhận định:
Phạm Chí Dũng: Có thể bằng cách nào đó có thể coi đó là một nhóm quyền lực chi phối báo chí, chi phối mạng xã hội nhưng mà không phải để phục vụ cho mục tiêu tạo ra những diễn đàn dân chủ, phản biện và các ý kiến trái chiều mà để phục vụ cho công cuộc đấu đá lẫn nhau, để tranh giành quyền lực về mặt chính trị.
Đề án này cho thấy một tương lai tăm tối cho báo chí Việt Nam, vốn đã không mấy sáng sủa.
Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2014 của tổ chức Phóng viên Không biên giới cho thấy Việt Nam đứng thứ 174 về tự do báo chí. Báo cáo của tổ chức Freedom House trong năm 2014 cũng cho thấy Việt Nam là một trong những môi trường tồi tệ nhất đối với các nhà báo, nhất là những cây viết tự do không muốn bị sai khiến bởi Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan được cho là tổng biên tập duy nhất của tất cả các cơ quan truyền thông của Nhà nước.
Hải Ninh (RFA)