Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (38)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập II (1950-1975)/ Năm 1954: Ra trường cấp Thiếu Úy Quân Đội Quốc Gia Việt Nam – Chiến đấu trên đất Bắc 1954(38)

Chiến đấu trên đất Bắc năm 1954 (38)

Trước khi ra trường một tháng, các Ðại Ðội ngành khinh binh kể cả hai Trung Ðội nặng của Ðại Ðội 6 lên tàu thủy ra miền Bắc thực tập. Phần lớn các Ðại Ðội khinh binh đi ra Vát Cháy thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt) số còn lại ở Ðồ Sơn thuộc tỉnh Kiến An, Hải Phòng, nơi nghỉ mát của miền Bắc, có bãi biển đẹp như ở Nha Trang vậy. Tại đây, chúng tôi thường đi tập ở vùng núi Ðá Vôi. Vào các ngày nghỉ, chúng tôi thường đi tắm biển, hoặc ra Hải Phòng dạo phố. Sau một tháng thực tập, chúng tôi được máy bay trở về Sàigon và chuẩn bị thi ra trường. Các môn thi đều nằm trong chương trình học tập theo từng ngành và thi gần một tuần lễ. Các khóa sinh thi đậu được mang cấp bậc Thiếu Úy, còn bị rớt i thì mang cấp bậc Chuẩn Úy, Thượng Sĩ hoặc Trung Sĩ.

Việc thi đậu cũng quan trọng, nếu bị ra Chuẩn Úy thì khó lên Thiếu Úy và không có thời gian ấn định, còn trái lại thì cứ hai năm là tự động lên cấp Trung Úy, nếu không vi phạm những kỷ luật nghiêm trọng.

Kể từ sau khóa 5 Thủ Đức trở đi, khi ra trường chỉ còn mang cấp bậc Chuẩn Úy mà thôi. Kết quả thi ra trường, tính theo số điểm, tôi đã được xếp vào loại trên một trăm (từ 1 đến 99) trên tổng số một ngàn khóa sinh tốt nghiệp. Ðể đánh dấu ngày ra trường (1/06/1954), đã có một cuộc diễn hành chung cho hai khóa tốt nghiệp, khóa 10 Sĩ Quan Ðà Lạt và khóa 4 Sĩ Quan Thủ Ðức tại đường Hàm Nghi (Charner Saigon ), sau đó thì trở về Trường dùng tiệc liên hoan. Ngày kế tiếp thì nhà trường đọc quyết nghị bổ nhiệm các tân sĩ quan về ba quân khu.

Ở miền Bắc gọi là Ðệ Tam Quân Khu, miền Trung Đệ Nhị Quân Khu và miền Nam là Đệ Tứ Quân Khu. Khi đó thì Ðệ Tam Quân Khu là hắc búa hơn cả, vì trận chiến đang rất sôi động, hơn nữa trận đánh tại Ðiện Biên Phủ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất.

Tôi và phần lớn các sĩ quan sinh trưởng ở miền Bắc đều được bổ nhiệm về miền Bắc. Lý do quen phong thổ và địa thế, đồng thời cũng gần gia đình. Nhưng riêng một số anh em chúng tôi, 15 người, mỗi Quân khu 5 người, được chọn để tiếp tục học thêm gần một tháng trời tại Trung Tâm Pháo Binh Phú Lợi ở Tỉnh Bình Dương.

Ở đây, chúng tôi chuyên học tập xử dụng súng cối 42 ly, loại súng có thể gắn trên xe. Ở đây không còn là khóa sinh nữa mà là sĩ quan nên được đối xử quân cách hơn, về ăn uống cũng như chổ ở đều có binh sĩ săn sóc giúp đỡ. Hết khóa học, tôi và bốn bạn khác trở ra miền Bắc.

Súng cối 81 ly

Ðơn vị của tôi là Ðại Ðội Trọng Pháo 753, một đơn vị độc lập về quản trị hành chánh, đặt dưới quyền chỉ huy và điều động của Phân Khu (Sous Secteur ) đóng ở xã Bần Yên Nhân thuộc tỉnh Hải Dương, giáp ranh với hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Lúc đầu tôi trình diện tại hậu cứ Ðại Ðội ở tỉnh lỵ Kiến An. Ở đây có xe đưa tôi tới đơn vị. Lúc đó Đại Đội Trưởng là Thiếu Úy Huỳnh thanh Xuân tốt nghiệp khóa 9 Ðalạt. Ông ta người Nam, tính tình dễ chịu. Tôi được cử giữ nhiệm vụ Trung Ðội Trưởng súng cối 81 ly kiêm ÐÐ phó gồm có ba Trung Ðội, 1 Trung Ðội súng cối 81 ly (4 khẩu) 1 Trung Ðội súng không dật 57 ly (4 khẩu) và 1 Trung Ðội Ðại Liên 30 (4 khẩu).

Sau đó tôi và ĐĐT sang trình diện Thiếu Tá người Pháp Chỉ huy Phân Khu. Ðại Ðội đóng quân ngay trong đồn của trại Phân Khu. Riêng buổi cơm chiều thì ăn tại Câu lạc Bộ cùng với các sĩ quan Pháp. ÐÐ Trọng Pháo 753, những ngày trước khi tôi có mặt, thường được tăng phái yểm trợ hành quân cho Tiểu Ðoàn quân đội VN (Bataillon Vietnamienne) do toàn các sĩ quan VN chỉ huy.

Tình hình chiến sự tại vùng đồng bằng Bắc Việt đang ở trong thời kỳ rất nặng nề và căng thẳng. Nhiều Tiểu Ðoàn khinh quân mới thành lập đã bị đánh tan. Cuộc hòa đàm tại Genève (Thụy Sỹ) đang bước vào giai đoạn chót có phần thiệt thòi cho Pháp và phía Quốc Gia, vì kết quả trận đánh ở Ðiện Biên Phủ đã nghiêng về phía VMCS. Tướng chỉ huy Pháp De Castries đã bị bắt làm tù binh và toàn căn cứ đã đầu hàng sau mấy tháng chiến đấu khốc liệt. Số tử thương và bị thương của cả hai bên đã tổn thất rất cao. Gần một tháng trời tôi ở đơn vị không có cuộc hành quân nào cả vì đơn vị đang trong thời kỳ củng cố và bổ sung quân số sau các thiệt hại vừa qua. Một số binh sĩ đã đào ngũ, tinh thần binh sĩ bị giao động và hoang mang. Nhưng rồi cái gì đến thì phải đến, sáng ngày 20/07/1954, tôi thấy binh sĩ của Phân khu thổi kèn inh ỏi và nhộn nhịp mừng lệnh ngừng chiến. Tôi cảm thấy hoang mang không hiểu tình hình sẽ đi về đâu. Dĩ nhiên, những sĩ quan người Pháp, nhất là nhưng người Bắc Phi thuộc địa của Pháp, họ vui thích vì không biết chiến đấu hy sinh cho ai nên họ vui mừng là cái chắc. Tôi thông cảm với họ, khi cùng vui nâng cốc rượu hòa bình đã đến, chết chóc không còn nữa. Sau đó thì chúng tôi được hiểu rõ là Hiệp Ước Genève đã được ký kết (20/07/1954), trong đó tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam thành hai miền, lấy Vĩ tuyến 17, dùng sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Bình làm ranh giới. VMCS ngự trị tại miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, quân đội Pháp và phía Quốc Gia ở miền Nam. Trong hai năm sẽ có tổng tuyển cử giữa hai miền, quân đội Pháp rút về nước. Ðược tin đó những quân nhân sinh ở miền Bắc rất hoang mang và xúc động, sẽ không biết phải ứng xử ra sao, nên ở lại hay đi vì bao nhiêu vấn đề gây cấn như nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả, gia đình họ hàng… Do đó trong Ðại Ðội lại có thêm một số binh sĩ đào ngũ. Trong khi đó, những ngôi làng ở gần doanh trại, bọn VMCS cho các cô con gái ra đầu làng kêu gọi binh sĩ bỏ ngũ trở về với gia đình xóm làng.

Di chuyển vào Nam tìm tự do 9/1954

Nửa tháng sau thì Ðại Ðội của tôi được lệnh di chuyển về hậu cứ ở Kiến An để chuẩn bị đáp tàu thủy vào Nam. Số binh sĩ và gia đình quyết tâm vào Nam của ĐĐ chỉ còn lại chừng 50 người. Riêng tôi vì ở hoàn cảnh độc thân, gia đình lại ở ngoài vùng kháng chiến, ngoài ra còn mang nặng trên mình danh nghĩa VNQDĐ, một đảng Quốc Gia chân chính, đã từng chống lại VMCS suốt Ðệ Tam Chiến Khu trước ngày kháng chiến toàn quốc xảy ra, nên dĩ nhiên tôi phải ra đi, gần như lưu vong vậy, nhưng là lưu vong trên đất nước mình.

Trước khi lên đường vào Nam, tôi có gặp họ hàng bên ngoại và có khuyên tôi nên ở lại, vì gia đình xa cách sắp trở về, nhưng tôi đã không đồng ý vì họ có hiểu hoàn cảnh của tôi đâu, hơn nữa người Mẹ thân yêu nhất của tôi đã qua đời, còn gì để vương vấn nữa. Anh em ruột thịt thì ai có phận nấy rồi, nếu tôi có ở lại thì chỉ thêm phiền hà cho gia đình thôi, nên ra đi là con đường đúng đắn nhất. Sau đó thì tất cả đã rõ CS là gì, khi miền Bắc hoàn toàn dưới quyền cai trị của chúng. Kết quả là Hiệp Ðịnh Genève 1954 đã khiến cho hàng triệu đồng bào miền Bắc phải rời bỏ tất cả để vào Nam sinh sống hầu để lánh nạn CS. Một ngày trước khi xuống tàu vào Nam, tôi và hai Hạ Sĩ Quan thân tín dùng xe chạy về Hà Nội thăm phố phường lần cuối cùng vì nghĩ rằng ngày trở lại còn xa lắm, đồng thời tạt vào hiệu chả cá Ông Lao Vọng ở phố Mã Mây thưởng thức một lần cuối cùng.

Ngày còn nhỏ đi học, Bố tôi thường đưa tôi tới đây, nên tôi rất thích món ăn này. Trên đường trở vế Hải Phòng, thỉnh thoảng ở dọc đường số 5, xuất hiện một số phụ nữ ra cản đường kêu gọi ở lại miền Bắc. Trước trò trình diễn rẻ tiền đó, tôi ra lệnh cho tài xế tăng tốc độ tiến tới khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy vào bên lề đường. Trên cùng tàu vào Nam, có tiểu Ðoàn 4 Bộ Binh Việt Nam. Sau hai ngày di chuyển thì tàu đáp vào bãi biển Nha Trang, Ðại Ðội của chúng tôi cùng với Tiểu Ðoàn 4 di chuyển bằng quân xa tới đóng quân tại quận Vạn Ninh phía bắc Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây ĐĐ tạm đóng quân trong một ngôi chùa Tàu khá rộng, nằm gần bờ biển. Những ngày tháng ở đây, đơn vị được tăng cường thêm quân số và huấn luyện. Chẳng mấy chốc, đơn vị khởi đầu một cái Tết xa miền Bắc trong cảnh buồn vui lẫn lộn.

Ðêm 30 Tết, rạng ngày mồng Một, anh em chúng tôi, một số sĩ quan đã uống say mèm đến nỗi nằm lăn ra như chết.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt