Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (23)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 2: Từ tháng 11-1946 đến 02-1948. NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (23)
B – NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (23)
Sau khi VNQDĐ thất bại trong việc đánh chiếm Thị xã Lai Châu, thì hai cánh quân của ông Lộc và ông Dzị rút về đóng tai các ngọn núi cao, án ngữ không cho Pháp quân hoạt động ra ngoài. Cánh quân ông Lộc đóng tại các Bản Yào San, Mù San, Mù si Sán, còn cánh quân ông Dzị tại các Bản Soàn Thầu, Tả Trùng Phùng. Tư Lệnh Bộ do ông Triệu Việt Hưng chỉ huy với tước hiệu Sư Trưởng đóng tại Sập Nhị Lầu. Khi chúng tôi rời Bản Hoang Thiền ở Trung Hoa về Sập Nhị Lầu, thì trận tấn công vào Lai Châu đã chấm dứt từ lâu. Kể từ đó cả hai bên, Pháp quân và VNQDĐ không còn có trận đánh lớn nào xẩy ra, ngoại trừ các trận đụng độ nho nhỏ của các toán tiền thám. Thời gian này, ông Triệu quốc Lộc và gia đình chạy sang sinh sống ở Huyện Mường Là (Trung Hoa). Cánh quân của ông chỉ huy được giao phó cho hai ông Hoàng quốc Đạt và Phạm đức Nghi. Riêng ông Nghi, sau này dưới thời Chính phủ Bảo Đại, đã gia nhập Ngự Lâm Quân với cấp bậc Đại Úy.
Trở lại tháng 11/1946, khi VNQDĐ rút khỏi Lào Kay vào Bát Xát, Mường Hum, thì khoảng mấy hôm sau VMCS mới dám tiến vào. Cũng như ở Yên Bái, các cán bộ, đảng viên bị mắc kẹt trong Thị Xã và các thành phần thân VNQDĐ đã bị chúng mang đi biệt tích. Có tin là một số đảng viên và khóa sinh trường Lục Quân Yên Bái trong đó có cả QGTNĐ bỏ về Hà Nội bị VMCS bắt khi chạy ra khỏi Thị Xã, số phận ra sao không rõ, nhưng về sau này không ai gặp lại nữa. Như vậy là chỉ trong mấy tháng trời, Đệ Tam Chiến Khu từ Vĩnh Yên lên tới Lào Kay đã rơi vào tay VMCS, vì VNQDĐ chỉ có làm chủ Thị Xã nên dưới sự bao vây về kinh tế và quân sự, trở nên cô lập, không được yểm trợ về tinh thần và vật chất của dân chúng và bạn Đồng Minh thì sự thất bại ắt hẳn phải xẩy ra. Kinh nghiệm này lại được tái diễn dưới thời Pháp, Bảo Đại, Mỹ, VNCH.
Khi VMCS chiếm được Lào Kay thì cũng là thời gian giữa Pháp và VMCS ở Hà Nội và nơi khác có Pháp đóng quân, đã xẩy ra nhiều đụng chạm, gây nên tình hình rất căng thẳng. Tại Lạng Sơn, Hải Phòng vào cuối tháng 11/1946 hai bên đã xẩy ra đụng độ, nguyên do Pháp ngăn trở không cho VMCS nhập vũ khí, đạn dược vào cửa cảng Hải Phòng, phong tỏa biên giới Trung Việt ở vùng Lạng Sơn. Kết quả là hai Tỉnh lỵ trên đã bị Pháp quân chiếm đóng. VMCS phản kháng và đòi Pháp trả lại, nhưng Pháp cũng lờ đi. Tại Hà Nội cũng vậy, sự xích mích đụng độ hàng ngày xẩy ra giữa Pháp quân, Pháp kiều và VMCS. Cả hai bên đã có một số bị tử thương nên tình hình lại càng thêm nghiêm trọng, chỉ đợi thuận lợi là bùng nổ. Phái đoàn Pháp và VMCS gặp nhau nhiều lần nhưng không giải quyết được gì cả.
Chiến tranh không thể nào tránh khỏi, VMCS đã ra lệnh cho dân chúng Thủ Đô tản cư, các cơ sở quan trọng của Chính Phủ rời ra vùng ngoại thành. Các ngã đường quan trọng trong Thành phố được bố trí cẩn thận, có hàng rào cản bao quanh, ngăn chặn các ngã đường từ trong thành Hà Nội, địa điểm đóng quân của Pháp đi ra ngoài. Các khu vực ở của Pháp kiều cũng bị phong tỏa.
Phía quân đội Pháp cũng vậy, chúng ra lệnh cho quân lính luôn ở trong tình trạng báo động và đề phòng tối đa. Trên đài phát thanh, báo chí, hai bên đều đổ lỗi cho nhau với những lời lẽ rất thậm tệ. Cuối cùng, thì chiến tranh phải xẩy ra.
Vào đêm 19/12/1946, VMCS ra lệnh cho Tự Vệ Thành tấn công vào khu vực đóng quân của Pháp. Nhưng yếu tố bất ngờ không đạt được, vì trước đó vào lúc chiều tối, Pháp quân đã được tin báo về cuộc tấn công của VMCS nên đã bố trí đề phòng. Do đó, khi Thủ Đô chìm vào bóng tối, Tự Vệ Thành tung ra cuộc tấn công thì đã gặp ngay sức kháng cự của quân đội Pháp đóng giữ trong Thành. Trận chiến tiếp diễn đến gần sáng, thì lực lượng Tự Vệ Thành của VMCS phải rút về những vị trí chiến thuật cố thủ. Trong trận đánh mở màn bất phân thắng bại, cả hai bên đều có một số thiệt hại, kể cả Pháp kiều và dân chúng cư ngụ trong khu vực chạm súng. Sáng ra thì hầu hết các Tỉnh,Thành từ Bắc tới vĩ tuyến 16 có quân đội Pháp đóng, đều bị đồng loạt tấn công.
Ngày 19/12/1946, Chính Phủ VMCS tuyên cáo ngày kháng chiến toàn quốc. Tại các nơi khác, Pháp quân chỉ trong vòng một tuần đến nửa tháng là làm chủ tình hình một cách dễ dàng. Cũng dễ hiểu, khi đó lực lượng võ trang của VMCS còn trang bị nghèo nàn, quân số ít ỏi, mặc dù tinh thần chống Pháp rất cao. Trong khi đó thì quân Pháp trang bị hiện đại, tổ chức hoàn bị. Tuy nhiên tại Thủ Đô thì chúng đã vấp phải tinh thần chiến đấu kiên cường của lực lượng tự vệ và dân chúng Thủ Đô.
Các trận đánh xẩy ra từng phố phường, nhà cửa, kéo dài đến hơn hai tháng trời mới chấm dứt, và quân Pháp đã phải trả một giá khá đắt. Để trả thù, sau khi đánh chiếm được Thủ Đô Hà Nội, chúng đã giết hại rất nhiều người mà chúng đã bắt giữ được, và cũng kể từ ngày 19/12/1946 trở đi, nhân dân toàn miền Bắc VN lâm vào cảnh loạn ly, gia đình tan nát, của cải, tài sản bị thiêu hủy trong chủ chương, chính sách vườn không nhà trống của VMCS suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Hơn nữa, với chủ chương độc quyền yêu nước, nên sau khi chiến tranh bùng nổ thì các thành phần chúng nghi ngờ chống đối đều bị gán cho là phản động, phản quốc, rồi bị chúng bắt và thủ tiêu dần. Trong đó các đảng viên các đảng cách mạng Quốc Gia mà tên tuổi đã bị lộ cũng cùng chung số phận. Do đó, phần lớn dân chúng là trí thức và tôn giáo, có tinh thần Quốc Gia, Dân tộc đã phải từ bỏ kháng chiến về sống trong khu vực Pháp chiếm đóng để tránh VMCS kềm kẹp và tìm cách tiêu diệt. Cái thế bất lợi cho người Quốc Gia, nhưng không còn cách nào khác là muốn tồn tại để chờ đánh ván bài khác.
Cuộc chiến vài năm đầu có đem lại cho thực dân Pháp nhiều thắng lợi, dồn VMCS về những khu vực rừng núi. Nhưng với lối đánh du kích, Pháp quân cũng không thể nào làm chủ hết lãnh thổ vì quân số chỉ có hạn. Do đó, dần dà Pháp phải thu hẹp lại và chiến tranh kéo dài cho dến ngày Pháp phải ký bản Thỏa Hiệp Đình Chiến Genève ngày 20/7/1954, giao trọn miền Bắc cho VMCS.
Trong khi chiến tranh Việt Pháp xẩy ra thì cũng là ngày VNQDĐ từ Lào Kay vào tấn công Thị Xã Lai Châu mà quân Pháp đã chiếm đóng từ trước ngày có thỏa ước sơ bộ 6/3/1946. Còn VMCS chiếm được Lào Kay, rồi một tháng sau xẩy ra ngày kháng chiến toàn quốc. Lực lượng còn ít và tổn thất sau những ngày tấn công vào Yên Bái, Lào Kay, chúng cần chấn chỉnh, tổ chức lại hàng ngũ, củng cố chính quyền địa phương nên VMCS chỉ tiến vào Sapa và Bát Xát là ngừng lại. Chúng thừa hiểu là Pháp quân đóng ở Thị Xã Lai Châu và VNQDĐ rút vào Phòng Thô. Chủ chương chiến lược, chiến thuật của VMCS là cho phòng thủ, án ngữ tuyến Sapa-Mường Hum-Bát Xát không cho Pháp quân từ Lai Châu đánh ra, và điều tốt hơn hết là để Pháp và VNQDĐ thanh toán lẫn nhau. Còn Pháp thì chỉ cần giữ chặt Lai Châu, một cửa ngõ sang Trung Hoa qua ngả Mường Là và đường sang thượng Lào. Chúng có muốn đánh chiếm Lào Kay cũng khó mà thực hiện được, vì quân số còn ít, địa thế hiểm trở, hơn nữa còn có lực lượng VNQDĐ án ngữ ở trước mặt. Do đó, tốt hơn hết là đợi thời cơ thuận lợi. Vì thế mà VNQDĐ không thể đánh chiếm được Lai Châu, một địa điểm chiến lược mà Pháp quân không thể bỏ mất được. Còn tại sao Pháp quân ở lại Lai Châu, sau khi chiến tranh Việt Pháp xẩy ra, chúng không tung hết lực lượng ra tiêu diệt VNQDĐ chiếm trọn khu vực Phòng Thô mà cứ để cuộc chiến day dứt kéo dài cả năm.
Lý do theo tôi hiểu là Pháp quân không đủ quân số, khu vực VNQDĐ chiếm giữ không mấy quan trọng về chiến lược, mặc dù là ở sát nách với biên giới Trung Hoa, nhưng lại không có đường giao thông thuận lợi. Hai bên biên giới chỉ là núi rừng trùng điệp. Hơn nữa, Pháp quân cũng biết rõ là VNQDĐ, lực lượng không hùng hậu, tiếp tế không còn từ Trung Hoa Quốc Dân Đảng, người bạn đồng minh của VNQDĐ đã bị Pháp o bế rồi, nên làm ngơ không dính vào chuyện giữa hai bên. Chúng cho rằng đến một lúc nào đó nếu cần, chúng chỉ mở một cuộc tấn công càn quét quy mô là xong. Ước tính của chúng như thế, cho nên chúng mở trận chiến giữa VNQDĐ và Pháp và chấm dứt vào đầu năm 1948.