17 tháng 6 Tưởng niệm ngày Tang Yên Báy 13 Anh hùng dân tộc VNQDĐ Vị Quốc Vong Thân:

Hội Ái Hữu Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn tưởng niệm Ngày Tang Yên Báy 17/06

13 Liệt sĩ Yên Báy

Nguyễn Thái Học
Phó Đức Chính
Bùi Tư Toàn
Bùi Văn Chuẩn
Nguyễn An
Hà Văn Lạo (25 tuổi)
Đào Văn Nhít
Ngô Văn Du
Nguyễn Đức Thịnh
Nguyễn Văn Tiềm
Đỗ Văn Sứ
Bùi Văn Cửu
Nguyễn Như Liên (20 tuổi, sinh viên bí danh Ngọc Tỉnh)

NHỮNG ANH HÙNG DÂN TỘC TUẪN QUỐC

Thương tiếc các vị Anh hùng dân tộc vị quốc vong thân, trong số các bài thơ ca, có bài thơ “Ngày Tang Yên Bái” được in trong sách giáo khoa tiểu học thời bấy giờ:
Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than
Từ lưng trời sương trắng rủ màn tang
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Bái đang u sầu và lặng lẽ
Giữa mấy hàng gươm sáng tỏa hào quang
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ
Vài cụ già đầu bạc, lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: “Ới, con ơi!”
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời
Nhưng chỉ trong giây lát vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường
Éo le thay! Muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình quí mến
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến
Sau cái nhìn chào non nước bi ai
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

NHỮNG ĐOÁ HOA MÁU ĐẦU THẾ KỶ 20:

Anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học là một sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại Hà Nội. Ông thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, chủ trương bạo động chống Pháp, được sự tham gia đông đảo của giới thanh niên. Cuộc tổng khởi nghĩa năm 1930 bị thất bại, ông cùng 12 đồng chí bước lên máy chém ở Yên Bái. Trước khi chết ông bình tĩnh nhìn dân chúng, mỉm cười rồi hô to: “Việt Nam Muôn Năm”.

English: Hero Nguyen Thai Hoc: Nguyen was a student of Business College of Hanoi. He founded the Vietmese Nationalist Party who used violence to fight the French. The party gained broad support from Vietnamese youths. The failure of the party’s rising up in arms in 1930 brought Hoc and his 12 comrades to the decap machine at Yen Bai. Before the death, Nguyen Thai Hoc calmly looked at his people, smiled and shouted “Vietnam For Ever”.

France: Le héro Nguyên Thai Hoc: Nguyên Thai Hoc fut un étudiant de l’Ecole de Commerce de Hà Nôi. Il fonda le Parti Nationaliste Niêtnamien qui utilisa la violence pour combattre les français. Le parti gagna un large soutien des jeunes viêtnamiens. L’échec du soulèvement armé de 1930 eut pour résultat la décapitation de Hoc et de ses 12 compagnons à Yên Bai. Avant de mourir, Nguyên Thai Hoc regarda tranquillement son peuple en souriant et cria “Le Viêt-Nam pour toujours”.

NGUYỄN THÁI HỌC và CÁC ĐỒNG CHÍ TRƯỚC GIỜ BỊ PHÁP HÀNH QUYẾT.

Trong đề lao Yên Báy các tù nhân bị nhốt chung một gian nhà. Cai Công đao phủ, dáng lùn tịt, mặt lúc nào cũng tây tấy, mò đến bên các tù nhân. Trước Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính thì Công dừng lại. Cử chỉ rất lạ, đã từng giật máy chém, chém bao nhiêu người, cai Công chưa làm thế bao giờ. Hắn cảm thấy như có gì cào cấu trong ruột, mồ hôi rịn ướt trên da mặt sẫm từng vệt tàn nhang, tay chân nhức nhối như dòi bò. Hắn đã nốc bao nhiêu rượu để có quên cảm giác ghê rợn. Tự dưng hắn quỳ phục xuống trước mặt Nguyễn Thái Học, khóc rưng rức. Hắn nói:

– Mong các ông xá tội cho. Các ông chết trẻ sẽ thiêng lắm. Tôi biết tôi trọng tội, nhưng vì miếng cơm manh áo, tôi phải làm theo phận sự. Xin các ông mở lượng hải hà khoan lượng.

Nguyễn Thái Học khuyên:

– Ông Cai Công ạ! Nghề này thất đức lắm. Ông nên giải nghệ đi. Nếu có thiêng liêng thật, chúng tôi cũng không thèm chấp với ông đâu. Ông cũng chỉ là cái máy bên cái máy chém. Giải nghệ đi kẻo tội lỗi chất chồng tội lỗi, xuống âm phủ Diêm Vương cũng không chấp nhận ông đâu!

Cai Công ấp úng nói: “vâng”, và cứ thế quỳ trước Nguyễn Thái Học đến tận lúc bọn cai nhà lao lục tục thúc giục tù nhân ra pháp trường.

5 giờ 5 phút ngày 17 tháng 6 năm 1930, bốn trăm cảnh binh, cảnh sát, mật thám và Lê Dương đã giăng ra bảo vệ khu hành quyết tù nhân. Không cho bất cứ ai lọt vào trừ những người làm phận sự. Pháp trường dựng ở bãi lính tập, trước khu nhà thờ, có hàng cây bàng và cây báng súng bao quanh. Đối diện với mấy ngôi nhà gạch mới xây.

Chiếc máy chém đen sì được đặt trên bãi cỏ. Nó vừa có chức năng chém người lại có chức năng dọa người. Lưỡi máy chém xám xịt được kéo lên theo rãnh trượt. Tử tù phải nằm trên một tấm ván, cổ bị gông lại. Chỉ cần giật nút hãm là lưỡi dao rơi tự do phập xuống. Ai yếu bóng vía chỉ trông hoặc nghe tiếng phập nhanh như thái chuối là đủ chết ngất hoặc vãi nước đái ra quần. Trong mọi cách hành hình thì đây là cách hành hình “văn minh man rợ” nhất. Nó lạnh lùng khủng bố tinh thần. Nó trấn áp, nó tra tấn thần kinh con người.

Trên đoạn đường trải đá bên cạnh pháp trường là dăm bảy chiếc xe bò chờ sẵn để chở xác người đi chôn.

Bãi bên, xếp 15 chiếc quan tài. Thấy lạ, nhà báo Louis Roubaud hỏi viên chánh cẩm:

– Sao xử chém 13 người mà lại có những 15 quan tài?

Hắn trả lời:

– Để đề phòng có người sợ quá vỡ tim mà chết tại chỗ! Tình huống này rất dễ xảy ra.

Lần lượt 13 anh hùng dân tộc lên đoạn đầu đài. Tất cả đều bình thản bước tới theo danh sách được gọi tên. Tất cả đều khước từ cố đạo rửa tội. Trước khi lưỡi dao máy chém phập xuống, ai cũng hô to: ”Việt Nam vạn tuế!”. Tiếng hô khản đặc đủ vang tới tường nhà thờ dội ra đường phố Yên Báy. Dòng máu phun trào từ cổ mỗi người đã đứt lìa, tia máu bắn xa hàng chục mét.

Nguyễn Thái Học phải đứng đó để chứng kiến lần lượt từng người văng đầu trên máy chém. Phó Đức Chính là người thứ 12 lên đoạn đầu đài. Cố đạo Méchet hỏi anh: “Cậu chết trẻ vậy có ân hận không?”. Phó Đức Chính trả lời thản nhiên: “Ở đời, mong làm lấy một việc lớn mà việc ấy không thành thì chết có gì ân hận”! Anh nói lớn: “Cho ta nằm ngửa để ta nhìn lưỡi dao tội ác của người Pháp”. Nhiều người ngoảnh mặt đi không dám ngó. Nhiều người lấy khăn lén lau nước mắt.

Đến lượt Nguyễn Thái Học. Anh ngậm điếu xì gà thật to. Gọi đến tên, anh phì điếu thuốc ra khỏi miệng, thong thả bước tới máy chém. Anh đọc câu thơ bằng tiếng Pháp:

Mourir pour sa patrie
C’est le sort le plus beau
La plus digne d’envie

(Chết cho đất nước của mình

Là cái chết đẹp nhất
Thanh thản tuyệt vời nhất)
Anh hô lớn: “Việt Nam vạn tuế! Việt Nam vạn tuế!”

Chiếc gông đã khớp vào cổ anh. Tiếng hô: “Việt Nam…” bị đứt đoạn. Đầu anh văng ra, cơ miệng anh theo quán tính còn mấp máy một thoáng.

Phía dân chúng đứng xem bỗng vang lên tiếng hô: “Đả đảo thực dân Pháp dã man!”. Những tiếng phụ họa “đả đảo, đả đảo” ầm ầm, buộc đám cảnh binh phải dùng tới dùi cui.

Viên công sứ De Bottini giơ tay xem đồng hồ. Đầu Nguyễn Thái Học rơi khỏi cổ lúc 5 giờ 35 phút, ngày 17 tháng 6 năm 1930 tức 21 tháng 5, năm Canh Ngọ.

Các Anh hùng dân tộc của Việt Nam thân xác và máu họ đã thấm vào lòng đất mẹ, để tên tuổi đi vào lịch sử và trường tồn với thời gian. 86 năm đã qua, lòng người dân Việt luôn ghi nhớ đến công ơn của những đoá hoa máu của đầu thế thế kỷ 20 đã vị quốc vong thân vì chữ Độc lập, Tự Do và Hạnh Phúc.

Một nén hương lòng tưởng nhớ những Anh hùng dân tộc đã chết để quê hương và dân tộc trường tồn.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt