Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (22)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương VII: “ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 1)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG VII: ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHỐNG XÂM LĂNG  (phần 1)

Quân đội Pháp đã tái chiếm được Nam Việt và Nam Trung Việt, chiến thuyền chở quân đội đã rục rịch tiến ra vịnh Bắc Việt. Đứng trên lập trường dân tộc, Tổ Quốc là trên hết. Khối Quốc gia bắt buộc gạt bỏ mọi chính kiến bất đồng, đoàn kết với VM CS để chống xâm lăng.

Ngày 23 tháng 10 năm 1945, một bản thỏa hiệp đầu tiên được ký kết giữa Hồ Chí Minh với Nguyễn Hải Thần.  Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Long được mời tham gia chính phủ. Đến ngày 2.11 thì cụ Nguyễn Hải Thần tuyên bố xé bỏ thỏa hiệp ấỵ

Ngày 8.11, cụ Nguyễn Hải Thần tuyên bố trên tờ báo “Đồng Minh” đòi Hồ Chí Minh phải tôn trọng “Lời thề long trọng dưới lá cờ VNCMĐMH ở Liễu Châu hồi cuối năm 1943”, Hồ Chí Minh trả lời xin thảo luận lại.

Quốc Dân Đảng không đồng ý, liên tục đả kích chính sách của chính phủ. Họ Hồ bắt buộc phải mở những cuộc hội đàm với Quốc Dân Đảng, nhưng không mang lại một kết quả nào.

Cách ít ngày sau cuộc hội đàm giữa hai bên lại bắt đầu tiếp diễn. Cụ Hồ tuyên bố: “Các đảng phái đã đoàn kết, tổng tuyển cử Quốc hội được ấn định vào ngày 23 tháng 12 năm 1945.”

Ngày 11 tháng 11 năm 1945, ông Hồ Chí Minh công khai tuyên bố “Đông Dương Cộng Sản Đảng tự ý giải tán”, mà không nói rõ lý do. Sự thực thì đảng CS vẫn tồn tại và vẫn phát triển mạnh, số đảng viên CS năm 1945 chưa đầy 5.000 đến cuối năm 1946 đã lên tới gần 20.000. Hình thức hoạt động công khai của ĐDCSĐ từ đấy trở đi, ẩn núp dưới chiêu bài “Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác”, không ngoài mục đích làm yên lòng bọn tướng lãnh Vân Nam.

Ngày 19 tháng 11, Tiêu Văn lấy danh nghĩa là Trưởng phòng Chính trị Đệ Tứ Chiến Khu đứng tổ chức một hội nghị, mời lãnh tụ QDĐ, cụ Nguyễn Hải Thần và lãnh tụ VC. Lại một cuộc thỏa hiệp ra đời: 3 đoàn thể trên đã đồng ý thành lập một chính phủ Liên Hiệp, chấp thuận một chính sách chung, quân đội của nhau không được dùng tới khí giới để giải quyết những vụ bất hòa, và chấm dứt các cuộc công kích trên báo chí, v.v… Cuối cùng, quyết định thành lập một quân đoàn để đưa vào Nam Bộ cùng đồng bào kháng chiến.

Ngày mồng 3 tháng 12, một bức thư ngỏ gửi cho dân chúng, chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Không thấy có lợi trong việc thành lập một chính phủ mới bây giờ, vì ngày tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong ba tuần tới”. 

Cuộc tổng tuyển cử, CS đã xếp đặt từ lâu, những ứng cử viên đã được lựa chọn cẩn thận, mà nay chỉ còn ba tuần lễ, thì khối quốc gia làm sao sửa soạn cho kịp! Khối quốc gia tăng cường hoạt động, đả phá kịch liệt mưu toan bịp bợm của CS.

Ngày 19 tháng 12, Hồ Chí Minh bằng lòng hoãn cuộc tổng tuyển cử đến ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1946 với lý do để có đủ thì giờ tuyển lựa nhân tài.

Ngày 22 tháng 12 năm 1945, ông Hồ Chí Minh nhượng bộ, dành 70 ghế trong số 350 ghế, tại Quốc hội cho khối Quốc Gia. Quốc Dân Đảng 50 ghế, phe cụ Nguyễn Hải Thần 20 ghế. (1) Viện lý do rằng vì ít thì giờ, khối Quốc Gia sửa soạn không kịp.

Một bản tuyên ngôn “Đoàn Kết” được công bố, cùng nhau thỏa thuận rằng ngay khi Quốc Hội họp, Chính Phủ Lâm Thời phải từ chức để thành lập Chính Phủ Kháng Chiến.

Trước ngày tổng tuyển cử, quân đội Trung Hoa đã cố tình làm cho tình hình rối ren thêm, vì họ hay rằng Sainteny và Hồ Chí Minh đã có những cuộc tiếp xúc bí mật liên tiếp, đẩy họ ra khỏi Bắc Vĩ Tuyến 16. Họ đã tìm được cớ gây chuyện, là quân đội của Tướng Leclerc đã ngược đãi người Trung Hoa ở Chợ Lớn (Nam Bộ). Họ đã gây một phong trào bài Pháp ở Hà Nội.

Ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1946, cuộc tổng tuyển cử được tiến hành trong bầu không khí hòa hoãn, dĩ nhiên là VC bắt buộc dân chúng phải bầu cho những người do VC đưa ra, và cũng chỉ những người đó mới có tên trong danh sách ứng cử viên, mà dân chúng đã bắt buộc phải học thuộc lòng từ trước.

Nhờ cuộc tổng tuyển cử này, CS đã khoác được bộ áo dân chủ, và ngay từ sau ngày đoạt được chính quyền, tất cả hoạt động của CS đều cố gắng để mong được Đồng Minh thừa nhận, nhưng ngoại trừ Nga Sô, Anh hoàn toàn đứng về phe với Pháp; còn Hoa Kỳ lúc đầu ủng hộ CS về sau mới nhận thấy là Cộng Sản, nên làm lơ. 

CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP 

 Ngày tổng tuyển cử Quốc Hội (9.1.46), Hồ Chí Minh tuyên bố với P. M. Dessinges, phóng viên báo Kháng Chiến: “Chúng tôi không ghét nước Pháp với dân tộc Pháp, chúng tôi rất khâm phục họ, chúng tôi không muốn dứt bỏ những mối liên lạc đã ràng buộc chặt chẽ giữa hai dân tộc.”

Trong vụ xung đột Pháp-Hoa về giấy bạc 500 đồng, ngày 10.11.1945, cảnh sát VM bảo vệ người Pháp.

Ngày 12.1, Hồ Chí Minh trong một bài diễn văn nói rằng, phải phân biệt người Pháp dân chủ với người Pháp thực dân.

Ngày 14.1, trong một tiệc trà thết đãi báo chí Trung Hoa, Hồ Chí Minh tuyên bố rằng ông muốn kết chặt tình hữu nghị Việt-Pháp.

 Ngày 18.1, Đài phát thanh Bạch Mai ca tụng văn hóa Pháp.

Ngày 20.1, tờ báo của VM bằng Pháp văn “La République” đề nghị phải thương lượng với Pháp.

Từ ngày 11.2, Hồ Chí Minh và Sainteny giao thiệp mật thiết. Thỏa hiệp Việt-Pháp hoàn toàn do Hồ Chí Minh và Jean Sainteny soạn thảo ra, không có một đảng phái Quốc Gia nào hay biết, vì họ chống Pháp kịch liệt. Hai người thảo luận từng câu từng chữ, nhiều cuộc cải vả về danh từ “Độc Lập”. Sau cùng Hồ Chí Minh chịu thương thuyết với Sainteny trên căn bản độc lập, nhưng nằm trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp.

Ngày 18.1, Sainteny vào Sài Gòn, lúc đó Leclerc tạm giữ chức Cao Ủy Đông Dương. Leclerc đã đánh điện về Pháp: “Muốn đi đến thỏa thuận phải dùng ngay tiếng độc lập.” Những điểm chính của thỏa hiệp cũng được đánh điện về cho Đô đốc D’Argenlieu ở Ba Lê để ông này trình bày với chính phủ. Leclerc ra lệnh cho Sainteny tiếp tục thảo luận, và phải đạt tới thỏa hiệp vào đầu tháng Ba tới.

Vấn đề thời gian lúc đó rất cần thiết, các chiến cụ đã được chuẩn bị. Leclerc muốn rằng khi ông tới Hà Nội, một chính phủ phải ra mắt ông, và không muốn để Hồ Chí Minh phải trở lại chiến khu tuyên chiến với Pháp.

Ngày 19 tháng Giêng, Sainteny trở ra Hà Nội. Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh bị phản đối kịch liệt ngay ở Tổng Bộ Việt Minh. Theo họ thì thương lượng với Pháp chỉ là phản bội lời thề độc lập, phản bội nhân dân.

Một cuộc biểu tình lớn do nhóm “Thiết Thực” tổ chức vào ngày 19 tháng Hai, đòi quyền hành lại cho Bảo Đại.

Trong cuộc gặp Hồ Chí Minh, Sainteny nhấn mạnh “Thỏa hiệp sắp tới phải do một chính phủ gồm đủ đại diện đảng phái chính trị Việt Nam.”  

Hồ Chí Minh bị đặt vào tình trạng khó xử, họ Hồ không muốn chịu trách nhiệm, nên đã trả lời với Sainteny rằng: “Có thể Bảo Đại đứng ra ký kết thỏa hiệp với Pháp.” Hồ Chí Minh muốn trút bớt trách nhiệm cho phe đối lập và chấm dứt các cuộc tấn công của phe nàỵ

Vào hồi 7 giờ sáng, Hồ Chí Minh lại tìm Vĩnh Thụy tại nhà riêng (2) ở Đại lộ Gambetta, và nói với Cố vấn Vĩnh Thụy rằng: Tình trạng trở nên nguy ngập, với tính cách Cộng Sản, Việt Minh không thể đem lại độc lập cho Việt Nam được, vì các cường quốc không tin, ông muốn trao quyền lại cho Vĩnh Thụy, còn ông sẽ giữ Cố vấn Tối cao. Vĩnh Thụy trả lời để suy nghĩ.

Hồi 13 giờ, ông Hồ Chí Minh lại tới nhà Vĩnh Thụỵ. Vĩnh Thụy e ngại VM lợi dụng sự thay đổi chức Chủ tịch để trở ra chiến khu chống lại chính phủ. Nhưng Hồ Chí Minh cam đoan với Vĩnh Thụy rằng Vĩnh Thụy được tự do chọn người để lập chính phủ và VM cũng sẵn sàng tham gia. 

Vì Tổng Bộ ĐDCSĐ không đồng ý, nên đến hồi 19 giờ, Hồ Chí Minh lại thân đến nhà Vĩnh Thụy trả lời cho Vĩnh Thụy biết rằng Hồ Chí Minh không chịu nhượng bộ và cương quyết đứng ra đảm đương lấy trách nhiệm.

Xét những điều kiện của Sainteny lại phù hợp với kế hoạch của Tiêu Văn là mở rộng thành phần chính phủ để có chữ ký của phe Quốc Gia đối lập. Hồ Chí Minh đích thân đến thăm Tiêu Văn, yêu cầu gây áp lực với khối Quốc Gia, để các đảng phái Quốc Gia liên đới chịu trách nhiệm với CS Việt Nam về thỏa hiệp sắp được ký kết với Pháp và cũng không có thể tấn công chính phủ họ Hồ được nữa! Đấy cũng là lý do chính khiến Hồ Chí Minh ở lại chính quyền.

Ngày 24 tháng 2, tại Sứ quán Trung Hoa với sự hiện diện của Tiêu Văn, một thỏa hiệp về chính phủ Liên Hiệp được ký kết. Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần vẫn giữ chức Chánh, Phó Chủ tịch, còn 10 Bộ trưởng thì CS và DCĐ giữ 4 bộ, QDĐ và phe Nguyễn Hải Thần (VNCMĐMH) giữ 4 bộ, còn 2 bộ quan trọng là Nội vụ và Quốc phòng được trao cho các nhân sĩ không đảng phái.

Ngày mồng 2 tháng 3, quốc hội triệu tập họp tại Nhà Hát Lớn. Quốc hội chấp thuận sự tham dự 70 Đại Biểu của khối Quốc Gia và chấp thuận cho Chính Phủ Lâm Thời từ chức, chấp thuận thành phần Chính Phủ Kháng Chiến, và ủy ông Hồ Chí Minh đứng ra lập chính phủ. Quốc Hội còn chấp thuận thành phần ban Cố vấn do Vĩnh Thụy làm Chủ tịch; đồng thời chấp nhận một Ủy Ban Kháng Chiến gồm 9 Ủy viên mà Chủ tịch là Võ Nguyên Giáp, phó Chủ tịch là Vũ Hồng Khanh. Một Ủy ban Dự thảo Hiến pháp và một Ủy ban Thường trực Quốc Hội cũng được thành lập gồm 15 Ủy viên, hoàn toàn trong tay Việt Minh Cộng Sản mà Chủ tịch Ủy ban là nhà học giả Nguyễn Văn Tố.

Chính phủ được thành lập (3) ngay buổi tối hôm ấỵ. Chính phủ nhóm họp phiên đầu tiên ngày mồng 4 tháng 3 năm 1946, quyết nghị:

– Gìn giữ sinh mệnh và tài sản của công dân Việt Nam và các người ngoại quốc cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam.

– Duy trì tình hữu nghị với các nước Đồng Minh, nhất là đối với Trung Hoa Dân Quốc.

– Công dân Việt Nam không thù hằn gì công dân Pháp, nhưng công dân Việt Nam hết sức chống lại chế độ thực dân, và cương quyết giữ vững độc lập. Chính phủ Việt Nam chỉ nhận điều đình với Chính phủ Pháp theo nguyên tắc “Dân Tộc Tự Quyết” đúng với Hiến Chương Đại Tây Dương. 

QUÂN ĐỘI PHÁP TIẾN VÀO BẮC VIỆT

Ngày 22 tháng 2 năm 1946, Leclerc phái Trung tá Repiton đến Trùng Khánh yêu cầu phải có một quyết định sớm. Các nhà ngoại giao ở Trùng Khánh cố làm việc để sửa đổi hiệp ước.

Ngày 26, Repiton Preneuf tới Thủ đô Trung Hoa, cuộc thương thuyết đã bước vào giai đoạn kết thúc, chỉ còn những điểm chi tiết cần được giải quyết. Bộ ngoại giao Pháp cho Meyrier toàn quyền giải quyết vấn đề này. 

 Cũng ngày 26 tháng 2, tại Hà Nội, một bản thông cáo được công bố: “Ngày 25 tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội đàm với Jean Sainteny để tính chuyện mở cuộc thương thuyết chính thức…”. Ông Hồ lại nhắc một lần nữa: “Việt Nam là một nước độc lập cần phải hợp tác với các nước bạn.”

Sainteny cũng cho hay: “Nước Pháp thỏa thuận nhận rằng, Việt Nam có một chính phủ, một quốc hội, một quân đội và một nền hành chính riêng biệt trong khối Liên Hiệp Pháp”. Hai người đã trao đổi quan điểm về vấn đề đại diện Việt Nam ở ngoại quốc, và đồng ý rằng phải tạo bầu không khí hòa hoãn, trước khi mở những cuộc thương thuyết; đồng thời phải đình chỉ ngay cả trên các bãi chiến trường.

Ngày 28 tháng 2, Hiệp ước Pháp-Hoa được ký kết. Để Trung Hoa thừa nhận chủ quyền Pháp tại Đông Dương,  Pháp đã bỏ Tô Giới ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông, hoàn lại Quảng Châu Văn, bán đường thiết lộ Vân Nam, sửa đổi quy chế người Trung Hoa ở Đông Dương, khu miễn thuế ở Hải Phòng, chuyên chở được miễn thuế hàng hóa khi qua Bắc Việt. Đặc biệt là hiệp ước đó quy định rằng, quân đội Pháp sẽ thế quân đội Trung Hoa hiện đóng ở bắc Đông Dương từ ngày mồng 1 đến 15 tháng Ba, và chậm nhất là ngày 31. Một thỏa hiệp giữa hai bộ tham mưu giải quyết vấn đề thủ tục.

Nhưng thỏa hiệp này chỉ giải quyết vấn đề nguyên tắc, và chỉ liên can tới Tưởng Thống Chế và Bộ trưởng bộ Ngoại giao Trung Hoa. Về phía Pháp, Đại tướng Salan được gọi về Hà Nội để thi hành thỏa hiệp trên. Đại tá Crépin, bạn của Leclerc và là người hiểu biết rất nhiều về Trung Hoa cùng với Trung tá Repiton Preneuf và Đại tướng Chin Têh Sun, Thứ trưởng bộ Tác chiến kiêm Thị trưởng Bắc Kinh là những người bắt tay vào việc thực hành thỏa hiệp.

Hồi 11 giờ ngày mồng 1 tháng Ba, người ta thỏa thuận về những căn bản do Crépin đề nghị. Repiton Preneuf điện về cho Leclerc: “Đã có thỏa thuận, hạm đội có thể lên đường.” Nhưng vào lúc 22 giờ tức là giờ ấn định để ký thỏa hiệp, Crépin chỉ thấy có thuộc viên mà thôi. Trùng Khánh cho rằng chỉ chấp thuận việc rút quân về nếu Đại tướng Marc Arthur cho phép. Tuy nhiên việc thay thế được tiến hành. Về thực tế, bộ Tham mưu Trung Hoa không muốn rời bỏ Bắc Việt một cách mau lẹ như vậy. 

HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 6.3.1946 

 

Văn Bản Hiệp Định Sơ Bộ 6/3/1946 ký giữa Sainteny và Hồ Chí Minh

Sau khi nhận được điện tín của Repiton Preneuf, ngày mồng 1 tháng 3, Leclerc ra lệnh cho toàn thể hạm đội lên đường, không quân đặt trong tình trạng sẵn sàng (nếu cần) thực hiện ý định trung lập hóa Hà Nội. Cuộc hành quân “Bentré” được tổ chức, nếu ngày mồng 6 tháng 3, các nhà ngoại giao, các chính khách không thỏa thuận, chiến tranh chắc chắn khó tránh.

Hà Nội náo động, đáng lẽ Quốc Hội được triệu tập vào mồng 3 tháng 3, nhưng Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập ngay vào ngày mồng 2 tháng 3. Chưa đầy 5 tiếng đồng hồ mọi việc đã được giải quyết.

Tại Hà Nội, đối với các tướng tá Trung Hoa, những cuộc tranh luận không đem lại một kết quả nào! Lư Hán về Trùng Khánh, Tướng Chu Phúc Thành tạm thay thế chỉ huy, nhưng tham mưu trưởng của Lư Hán là Ma Ing tuyên bố ông không biết tới các cuộc thương thuyết quân sự ở Trùng Khánh, và ông chỉ nhận được những chỉ thị dự bị có cuộc thương thuyết mà thôi. Nếu quân đội Pháp đổ bộ, Trung Hoa bắt buộc phải bắn.

Đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 3, trong suốt 7 tiếng đồng hồ, từ hồi 21 giờ đến 4 giờ sáng, Đại tướng Salan, Trung tá Repiton Preneuf, Đại tá Lecomte đã thương lượng với các Tướng Trung Hoa: Chao, Ma Ing, Chen Chang, các tướng này cho rằng họ không thể nào hành động như người Anh ở Nam Việt; nếu họ để người Pháp đổ bộ, họ sẽ làm cho người Việt giận mà thôi, và người Trung Hoa ở Bắc Việt sẽ bị ngược đãi tàn sát.

Một cảm giác nặng nề bao trùm ngày mồng 5 tháng 3. Buổi sáng Bộ Tham mưu Trung Hoa ở Hà Nội định nhượng bộ thì Ho Ying Chen lại đánh điện ra lệnh cho quân đội Trung Hoa không bằng lòng cho quân đội Pháp đổ bộ. Do đó phải ký thỏa hiệp với Hồ Chí Minh bằng bất cứ giá nào! Tuy nhiên đến hồi 17 giờ, hội nghị Pháp-Hoa lại nhóm họp với các nhân vật ngày hôm trước.

Các tướng lãnh Pháp báo cho các tướng lãnh Trung Hoa hay tin hạm đội Pháp đã tiến vào Bắc Việt. Nếu ngày hôm sau mà thỏa hiệp chưa được ký kết, chiến tranh tất sẽ xảy ra, các vị tướng lãnh Trung Hoa ở Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm trước chính phủ Trùng Khánh và trước dư luận Quốc Tế. Tình trạng căng thẳng, có thể nào các vị tướng lãnh Trung Hoa lại nhất định không theo mệnh lệnh của Trùng Khánh không?

Tướng Chao khuyên Salan nên thảo luận với Hồ Chí Minh, và đồng thời ông chạy ngay lại nhà Hồ Chí Minh.  Thấy Tướng Chao đến vào lúc 21 giờ, họ Hồ hết sức ngạc nhiên. Tướng Chao nói với Hồ Chí Minh: “Tại sao các ông không thảo luận với quân Pháp? Quân đội họ tới, các ông sẽ phải lao mình vào chiến tranh!”

Hồ Chí Minh không hiểu gì về sự thay đổi thái độ của các tướng lãnh Trung Hoa cả! Hồ Chí Minh lên tiếng phản đối người Trung Hoa đã xen vào nội bộ Việt Nam.

Tướng Chao ra về, tin tưởng rằng thỏa hiệp Việt-Pháp sắp thành và ông cho các tướng lãnh Pháp hay, là ông sẽ ra lệnh cho Trung đoàn đóng ở Hải Phòng không được nổ súng. Nhưng thỏa hiệp Việt-Pháp vẫn chưa có. Đến quá nửa đêm những cuộc mặc cả lại đi đến chỗ bế tắc, Sainteny, Pignon ra về, yêu cầu Hồ Chí Minh hãy suy nghĩ kỹ, ngày mai có lẽ quá muộn, vì quân đội Pháp đã tiến tới Vịnh Bắc Việt.

Sáng sớm hôm sau, Hoàng Minh Giám lại nhà Sainteny và báo tin rằng: “Hồ Chí Minh đã chấp nhận những điều kiện của Pháp.” Hai bên thỏa thuận hội đàm vào buổi trưa để soạn thảo văn kiện và chính thức ký kết vào hồi 16 giờ.

Tại Hải Phòng, từ sáng sớm ngày mồng 6 tháng 3, hạm đội Pháp tiến vào cửa Cấm. Hạm đội đó tản ra và các tàu nhỏ đã tiến tới chỗ đậu. Tướng Valluy ở trên chiếc Triomphant, đinh ninh tưởng rằng mọi việc đã xong xuôi. Có ngờ đâu Tướng Wang Hu Huan người Mãn Châu chỉ huy khu vực Hải Phòng lại lấy cớ rằng chưa chính thức nhận được tin về thỏa hiệp Pháp-Hoa nên ông ra lệnh nổ súng.

Lúc bấy giờ vào hồi 8 giờ rưỡi sáng, đại bác Trung Hoa bắt đầu nổ. Tàu LCI phát hỏa, nhưng tàu Triomphant vẫn tiếp tục dẫn đầu hạm đội tiến vào, mặc dầu bị pháo kích. Một viên đạn trái phá trúng tàu Triomphant nổ tung phòng thuốc, làm thiệt mạng 24 người.

Đến hơn 20 phút sau, được lệnh của Leclerc, Valluy cho nổ súng bắn trả lại. Kho đạn dược của quân đội Trung Hoa bị cháy. Đôi bên bắn nhau dữ dội. Sau cùng Pháp phải giao thiệp với các tướng lãnh Trung Hoa. Đến hồi 11 giờ tiếng súng mới ngưng nổ.

Trong thành phố Hải Phòng, cán bộ VC hô hào dân chúng treo cờ kỷ niệm lễ chiến thắng của Việt-Hoa, gây xúc động trong quần chúng rất mạnh, nhất là giới Hoa kiều ở Hà Nội.

Tại Hà Nội, vào hồi 9 giờ sáng, Tòa Cao ủy Pháp đã tiếp nhận được tin này. Vào lúc 12 giờ rưỡi, Sainteny và Pignon thảo luận với Hồ Chí Minh và Hoàng Minh Giám.

Thỏa hiệp hoàn toàn do Hồ Chí Minh và Jean Sainteny soạn thảo ra, không có một đảng phái quốc gia nào hay biết! Vì họ chống Pháp kịch liệt; còn Hồ Chí Minh thì thân Pháp, bởi hai điều lợi sau đây:

– Chính phủ của ông đã có một cường quốc công nhận;

– Có đủ thì giờ và phương tiện để tổ chức đạo quân hùng mạnh.

Ký thỏa hiệp Việt-Pháp, Hồ Chí Minh dư biết thế nào cũng bị dân chúng cho là phản bội, VM sẽ mất uy tín, nên thế nào cũng phải lôi kéo một lãnh tụ phe đối lập để quốc dân thấy rằng, phe quốc gia cũng chấp thuận. Hơn nữa, theo ý kiến của Pháp, thỏa hiệp thế nào cũng phải có chữ ký của phe đối lập, tức “Quốc Dân Đảng”.

Trước giờ ký thỏa hiệp, Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ, duy khiếm diệm có một Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: ông Nguyễn Tường Tam, mà tìm đâu cũng không thấy. Hồ Chí Minh phái người đi mời ông Vũ Hồng Khanh, họ Vũ chỉ là phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến mà thôi, có liên hệ gì đến Hội đồng Bộ trưởng. Trước hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra vấn đề và lý do phải ký thỏa hiệp với Pháp. Rồi yêu cầu Hội đồng cử một vị đại diện để cùng Chủ tịch Chính phủ ký thỏa hiệp; nhưng không một vị Bộ trưởng nào chịu nhận trách nhiệm. Cuối cùng Hồ Chí Minh đề nghị giải pháp là Hội Đồng bỏ thăm kín để cử một vị đại diện. Kết quả khi mở thăm thì có 3 thăm trắng, còn các thăm khác đều ghi tên Vũ Hồng Khanh; ba lá thăm trắng là những lá thăm của Vũ Hồng Khanh, Chu Bá Phượng và Trương Đình Tri.

Đến 16 giờ, tại biệt thự của Tổng Giám đốc Ngân Khố,với sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh, Hoàng Minh Giám và các quan sát viên Anh, Mỹ, Trung Hoa cùng Đại Biểu của Pháp là Louis Caput, (5) Đại tướng Salan, Léon Pignon, Jean Sainteny.

Hiệp định được long trọng ký kết: Jean Sainteny đại diện cho Pháp. Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh đại diện cho Việt Nam.

Ký xong hiệp định, Sainteny nói với Hồ Chí Minh:

 – “Tôi rất mừng người ta đã tránh được chiến tranh.”

Hồ Chí Minh trả lời:

– “Tôi lấy làm buồn, vì thực tế, các ông là người thắng cuộc. Các ông cũng nên biết rằng, tôi muốn hơn thế này… Nhưng tôi tự nghĩ người ta không thể nào có tất cả những điều mong muốn trong một ngày được!” 

========================

Chú Thích

(1) Như đã trình bày ở Chương II, VNCMĐMH chỉ là một mặt trận bao gồm các thành phần: Vô đảng phái, VNQDĐ, VNPQĐMH và VNĐLĐMH. Vậy cụ Nguyễn Hải Thần chỉ là một cá nhân trong thành phần thuộc về “Vô đảng phái” mà thôi trong Tổ chức VNCMĐMH, chứ không thể “VNCMĐMH” là một đoàn thể riêng của cụ Nguyễn Hải Thần được!

Khi từ Trung Hoa trở về nước thì VNCMĐMH coi như không còn nữa! Cụ Nguyễn Hải Thần đóng vai lãnh tụ “Đại Việt Quốc Xã” mà ĐVQX lại không phải là một thành phần trong tổ chức VNCMĐMH.

Nói rằng dành 20 ghế Quốc Hội cho VNCMĐMH là không đúng; bởi VNQDĐ, VNPQĐMH và VNĐLĐMH đều đứng về cương vị đảng mình, hoạt động riêng rẽ cả rồi! Cho nên chúng tôi phải hạ bút viết là “dành 20 ghế Quốc Hội cho phe cụ Nguyễn Hải Thần.”

(2) Là công thự của Đốc lý cũ, nay dành cho Cố vấn Vĩnh Thụy ở.

(3) Cố vấn Chính phủ: Vĩnh Thụy (Trung Lập)

     Chủ tịch Chính phủ: Hồ Chí Minh (CS)

     Phó Chủ Tịch: Nguyễn Hải Thần (VNCMĐMH)

     Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam (QDĐ)

     Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (Trung lập)

     Kinh tế: Chu Bá Phượng (QDĐ)

     Tài chính: Lê Văn Hiến (CS)

     Quốc phòng: Phan Anh (Trung lập)

     Y tế: Trương Đình Tri (VNCMĐMH)

     Giáo dục: Đặng Thái Mai (CS)

     Tư pháp: Vũ Đình Hòe (DCĐ)

     Công chính: Trần Đăng Khoa (DCĐ)

     Canh Nông: Bồ Xuân Luật (VNCMĐMH)

[Bấm vào đây đọc chương trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt