Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (15)
Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Xáo Trộn Sau Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” – Đại tướng Khiêm bị hạ chức và lưu vong:
Đại Tướng Khiêm bị cách một chức.
Xin mời trở lại với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm. Sau một tuần bị quản thúc trong một dinh thự tại Đà Lạt, ông và gia đình được Trung Tướng Khánh cho về Sài Gòn. Những ngày tiếp theo, Đại Tướng Khiêm rất buồn và không vào văn phòng làm việc. Buổi sáng và chiều, tôi mang hồ sơ về nhà trình ông giải quyết.
Trung Tướng Khánh ra lệnh Đại Tướng Khiêm bàn giao chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng cho ông, và tôi thì bàn giao hồ sơ của văn phòng Bộ Quốc Phòng cho Trung Tá Nguyễn Khắc Bình (về sau, Trung Tá Bình là Chuẩn Tướng, Đặc Uỷ Trưởng Trung Ương Tình Báo, và Tư Lệnh Cảnh Sát). Trong hồ sơ này có cả hồ sơ 10 kí lô vàng thoi mà tôi nói ở phần cuối của cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964.
Như vậy, Trung Tướng Khánh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực, Thủ Tướng, nay kiêm thêm chức Tổng Trưởng Quốc Phòng. Một mình ông nắm giữ các chức vụ tối quan trọng giống như trường hợp Tổng Thống Ngô Đình Diệm trước ngày bị lật đổ và bị giết chết vậy.
Vào ngày cuối tháng 09/1964, Trung Tướng Khánh điện thoại tôi:
“Anh trình với Đại Tướng Khiêm, 12 giờ trưa nay tôi đến ăn cơm tại nhà Đại Tướng Khiêm”.
“Xin Trung Tướng vui lòng điện thoại với Đại Tướng Khiêm đang có mặt tại nhà, thưa Trung Tướng”.
“Không. Anh về trình đi”. Ra lệnh xong là ông gác ống nói.
Thật khó nghĩ cho tôi, vì hai gia đình đang hờn giận nhau nếu không nói là Trung Tướng Khánh đang “ghìm” Đại Tướng Khiêm, và trường hợp này chẳng khác nào Trung Tướng Khánh lôi tôi vào thế trận giống như tôi đang trở thành thành viên trong nhóm sĩ quan dưới quyền ông vậy.
Tôi đến tư dinh Đại Tướng Khiêm, trình xong, Đại Tướng Khiêm im lặng trong khi bà Khiêm tức giận:
“Tại sao ổng không điện thoại đến đây mà lại nói chuyện với chú?
“Bà phải hỏi ông Khánh sao lại hỏi chú Hoa? Thôi, bà lo cơm cho kịp”.
Đại Tướng Khiêm đỡ lời cho tôi. Nếu Đại Tướng Khiêm không đỡ lời thì tôi chỉ biết trả lời là “Tôi cũng không biết tại sao nữa”.
Phần tôi, mỗi khi có khách đến nhà Đại Tướng Khiêm dùng cơm, tôi lo sắp xếp bàn ăn, tổ chức an ninh, và những gì cần thiết liên quan đến bữa ăn đó. Hôm nay cũng vậy, cộng thêm sự thận trọng cần thiết. Sau khi chỉ định công việc và cách thức xếp bàn ăn cho mấy anh làm việc tại nhà Đại Tướng Khiêm, tôi về văn phòng.
Mưu sát Trung Tướng Khánh.
Khoảng nửa giờ trước giờ ăn, tôi trở lại tư dinh Đại Tướng Khiêm. Như thường lệ, kiểm soát công tác chuẩn bị trong phòng ăn, tôi sang bên cạnh kiểm soát các nhân viên an ninh để biết chắc là công tác đang diễn tiến như dự định. Chợt thấy Trung Tá Luông đi tới đi lui mấy lần, điều mà chưa bao giờ xảy ra vì không liên quan gì đến chức vụ Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Tổng Tư Lệnh của ông cả.
Trung Tá Nguyễn Văn Luông, năm 1958 là Thiếu Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 35 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 12 Khinh Chiến, đồn trú tại Kon Tum. Lúc ấy tôi là Trung Úy, Trưởng ban 3 kiêm Ban 5 bộ chỉ huy Trung Đoàn này. Trong cuộc đảo chánh 01/11/1963, ông là Thiếu Tá Chỉ Huy Phó Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu (lúc chưa cải danh Bộ Tổng Tư Lệnh), ngay sau đó thăng cấp Trung Tá và giữ chức Chỉ Huy Trưởng thay thế Trung Tá Lê Soạn về hưu.
Tôi đến cạnh ông:
“Ô! Trung Tá. Trung Tá có gì cần gặp Đại Tướng hả?
“Không. Không có gì”.
“Không có gì sao Trung Tá đi qua đi lại với vẻ suy tư vậy?
Trung Tá Luông kề tai tôi với giọng ngập ngừng:
“Hôm nay tụi tôi ám sát ông Khánh”.
Tôi rất kinh ngạc về câu nói của ông: “Bằng cách nào?
Ngưng một lúc, ông tiếp:
“Vào bàn ăn độ 5 phút, ông Anh từ trên lầu gọi điện thoại xuống đây (vừa nói ông vừa chỉ điện thoại trên bàn cạnh cửa, sát phòng ăn), lúc đó tôi sang mời ông Khánh qua nghe điện thoại và nói là của Phủ Thủ Tướng gọi. Khi ông ta vừa qua khỏi khung cửa thì anh Yểm câu cổ và đâm chết”.
“Đại Tướng có biết việc này không Trung Tá?
“Không”.
“Vậy là không được. Tôi muốn Trung Tá hủy bỏ dự định này, nếu không, tôi sẽ trình Đại Tướng ngay. Tôi chắc rằng, Đại Tướng không bao giờ đồng ý về một hành động như vậy đâu. Xin Trung Tá hãy hình dung việc gì xảy ra tiếp đó, vì cả tháng nay mỗi khi Trung Tướng Khánh đến đây là y như rằng, tiểu đội cận vệ của Trung Tướng Khánh với vũ khí cầm tay gần như bao quanh nhà này. Chỉ cần tiếng động lạ nào đó trong phòng ăn, là tiểu đội đó nhào vô tức thì, và liệu sự kiện xảy ra có phải là những xác chết -kể cả chúng mình- nằm la liệt ở đây không? Lịch sử sẽ lưu lại những gì cho mai sau, nếu không phải là “tiếng xấu muôn đời” chỉ vì tranh giành quyền lợi mà giết chết lẫn nhau! Hủy bỏ đi Trung Tá”
Trầm ngâm một lúc: “Anh chờ tôi một chút”.
Trung Tá Luông lên lầu và khoảng 5 phút sau, ông lại kề tai tôi với giọng tự nhiên: “Được rồi. Ông Anh đồng ý hủy bỏ việc đó”.
Tư dinh Đại Tướng Khiêm gồm 3 căn nhà số 1, số 2, và số 3 có cửa thông nhau, trong dãy số 4 (của nhiều dãy) trong cư xá trại Trần Hưng Đạo, tức khuôn viên Bộ Tổng Tư Lệnh. Nhà 2 tầng, vách gạch, lầu đúc bê tông, kiến trúc mang dáng vấp Châu Âu, vì do quân đội Pháp xây dựng dùng làm bản doanh bộ tư lệnh quân viễn chinh của họ. Phòng ăn ở căn số 1, ngay cạnh phòng ăn có cửa thông qua căn số 2, nơi có cái bàn dành cho sĩ quan tùy viên trực tại nhà. Trên bàn có máy điện thoại và những vật dụng cần thiết của một văn phòng thu hẹp. Tầng trệt căn này không có người ở. Căn số 3 là gia đình của vợ chồng người em gái của bà Khiêm ở. Em rể của bà là luật sư Bùi Văn Anh, chính là người mà Trung Tá Luông nhận chỉ thị sau khi tôi phản đối vụ mưu sát nói trên. Tôi không trực tiếp nghe luật sư Anh nói về vụ này, mà những gì tôi ghi lại ở đây là do Trung Tá Luông nói với tôi. (Đầu năm 1975, Trung Tá Luông là Đại Tá, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Khu 3 tại Biên Hòa, và anh Lưu Yểm là Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Biên Hòa)
Trước 12 giờ một chút, Trung Tướng Khánh đến cùng với 2 xe Jeep chở đầy nhân viên cận vệ với vũ khí trong tay. Vẫn như hành động trong thời gian gần đây, toán cận vệ có mặt quanh nhà nhưng không anh nào ngồi hay đứng yên một chỗ mà luân chuyển nhau từ vị trí này đến vị trí khác, miễn sao các anh ấy trông thấy được bàn ăn bên trong.
Vì là bữa ăn rất căng thẳng nên tôi không ra vào như lệ thường. Khoảng 10 phút đầu tiên, không khí trong phòng ăn thật yên lặng nếu có đôi mắt bàng quan nào đó nhìn vào. Nhưng, sau đó, lời qua tiếng lại tuy không đến nỗi ồn ào nhưng rõ ràng là bữa ăn đầy sóng gió. Lời lẽ gay gắt qua lại giữa bà Khiêm với Trung Tướng Khánh, cho tôi nhận xét “không cân sức” về phía bà Khiêm trong khi Đại Tướng Khiêm đăm chiêu suy nghĩ hơn là tranh cãi, vì Trung Tướng Khánh đang có trong tay tất cả quyền lực quốc gia, đâu dễ dàng bị thuyết phục cho dù ông bà Khiêm là bạn thân với gia đình ông. Chữ “bạn thân” chẳng qua là thuở chưa có quyền lực đấy thôi, chớ bây giờ thì khác. Khác xa lắm rồi!
Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lưu vong
Khi Trung Tướng Khánh rời phòng ăn với thái độ gần như bình thường, cứ như không có chuyện gì xảy ra cả. Đó là cái lạnh lùng của người có quyền lực đối với “kẻ thù”! Mà liệu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm có phải là kẻ thù của Trung Tướng Nguyễn Khánh hay không? Chính trị, biết đâu mà lường phải không quí vị? Tôi vào phòng ăn:
“Thưa Đại Tướng, điều gì xảy ra mà Trung Tướng Khánh to tiếng vậy Đại Tướng ?
“Ông Khánh “muốn” (hàm chứa ý nghĩa một mệnh lệnh) tôi phải ra ngoại quốc, nếu không thì tánh mạng tôi khó an toàn”.
“Đại Tướng nghĩ sao?
“Tôi quyết định đi. Chú lo thủ tục cho tôi và gia đình tôi càng sớm càng tốt. Chú với chú Châu, nếu được thì cùng đi với gia đình tôi”.
“Tôi sẽ theo Đại Tướng. Còn anh Châu thì tôi sẽ hỏi ý kiến anh ấy và trình Đại Tướng sau, thưa Đại Tướng”.
“Chú Châu” mà Đại Tướng Khiêm nói ở đây là Đại Úy Đặng Văn Châu. Năm 1963, anh là chánh văn phòng tỉnh Vĩnh Long, lúc ấy Trung Tá Lê Văn Phước là Tỉnh Trưởng. Sau cuộc đảo chánh 01/11/1963, Trung Tá Phước bị cách chức và anh Châu cũng mất chức luôn. Sau cuộc đảo chánh 30/01/1964, Đại Tướng Khiêm bảo tôi liên lạc phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tư Lệnh thuyên chuyển anh Châu về văn phòng chúng tôi để thông dịch Anh ngữ cho Đại Tướng Khiêm khi có phóng viên báo chí ngoại quốc phỏng vấn. Đại Tướng Khiêm nói tiếng Anh rất khá, nhưng với báo chí quốc tế nên có thông dịch để có thì giờ suy nghĩ cho câu trả lời.
Khi hỏi ý kiến, anh Châu đồng ý đi. Vậy là số người “lưu vong” có Đại Tướng Khiêm, vợ và hai con ông, tôi, và Đại Úy Châu. Anh Châu sang Bộ Quốc Phòng xin “sự vụ lệnh”, đến Sở Hành Chánh Tài Chánh số 6 lãnh phụ cấp xuất ngoại vì “sự vụ lệnh” ghi “thay mặt chánh phủ sang Anh quốc và Cộng Hòa Liên Bang Đức, cám ơn hai quốc gia này đã giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản”. Lại đến Bộ Ngoại Giao xin “thông hành ngoại giao” và chiếu khán ở tòa đại sứ Anh quốc và Cộng Hòa Liên Bang Đức. Xong, xuống Tổng Nha Hối Đoái và Ngân Hàng để đổi ngoại tệ. Phần phụ cấp bằng tiền Việt Nam đổi được 10 ngàn mỹ kim, và phần tiền Việt Nam mà tôi giữ trong tủ sắt của văn phòng đổi được 10 ngàn mỹ kim nữa. Đó là số tiền dự trữ trong tủ sắt để Đại Tướng cấp phát cho các đơn vị tình báo sử dụng. Trong cuộc “Biểu Dương Lực Lượng” ngày 13/9/1964, tôi mang về nhà và Đại Tướng Khiêm bảo tôi cứ giữ đó. Nay, tôi đưa Đại Úy Châu đi đổi luôn. Đúng lúc mọi thủ tục sẵn sàng thì Trung Tướng Khánh điện thoại tôi:
“Anh không được đi mà chỉ một mình Đại Úy Châu theo Đại Tướng Khiêm”.
Ra lệnh xong là ông gác ống nói ngay. Tôi điện thoại lại thì Thiếu Tá Thịnh, bí thư, anh Thịnh cho biết Thủ Tướng không tiếp chuyện. Thế là tôi không trình bày được gì cả.
Tôi đến trình Đại Tướng Khiêm, Đại Tướng không nói gì nhưng rõ ràng là bà Khiêm không hài lòng. Tôi nhận ra rằng, bà Khiêm không hài lòng không phải vì tôi không được đi, mà không hài lòng chỉ vì bà ngờ tôi “chưa chi đã trở mặt” đây. Tôi áp dụng câu của Đại Tướng Khiêm có lần nói với tôi rằng: “Sự trong sáng không cần phải đính chánh mà thời gian sẽ chứng minh cho mình, tuy có chậm nhưng rất hiệu quả”. Tôi trở về văn phòng.
Hôm sau tôi đến Phủ Thủ Tướng xin gặp Thủ Tướng Khánh, và ông tiếp: “Anh có chuyện gì?
“Thưa Thủ Tướng, tôi không được đi theo Đại Tướng Khiêm trong chuyến đi chưa biết ngày nào trở về. Vậy, tôi xin Thủ Tướng vui lòng cho tôi một số tiền đủ đổi 10 ngàn mỹ kim và một giấy phép để đổi số tiền đó. Số tiền này tôi sẽ trao Đại Tướng Khiêm như là món quà nhỏ để Đại Tướng và gia đình có thêm khoản tiền chi tiêu ở ngoại quốc trong thời gian đầu. Xin thưa với Thủ Tướng rằng, tôi đến đây là tự tôi chớ Đại Tướng Khiêm không hay biết gì về hành động này, thưa Thủ Tướng”.
Không cần suy nghĩ, ông trả lời ngay:
“Được. Tôi cho anh”.
“Xin cám ơn Thủ Tướng”.
Chính tôi đi đổi tiền, và tôi thuật lại Đại Tướng Khiêm nghe khi tôi trao tiền cho ông. Ông rất cảm động:
“Tôi cám ơn chú”.
Chiều ngày 06/10/1964, Đại Tướng Khiêm gọi tôi đến tư dinh của ông. Vào phòng khách, ông mời tôi ngồi, điều mà chưa bao giờ xảy ra mỗi khi tôi đến nhận lệnh ngoại trừ hai lần ra lệnh về đảo chánh. Tự ông, đem bánh ngọt với nước trà ra mời tôi. Tôi hiểu rằng, “sếp” của tôi sắp tâm sự chia tay đây rồi vì ngày mai ông và gia đình rời Việt Nam lưu vong. Năm năm làm việc trực tiếp dưới quyền ông trong trách nhiệm một sĩ quan tham mưu đặc biệt, trong một chừng mực nào đó, tôi hiểu được những cử chỉ cùng những thái độ của ông thể hiện điều ông muốn hoặc ông sắp làm. Xong miếng bánh với hớp trà, ông vào chuyện:
“Tôi cám ơn chú, trong mấy năm qua chú đã làm việc với tất cả nhiệt tình và trung thực. Giờ đây, trước khi rời Việt Nam lưu vong không biết ngày về, tôi muốn nói với chú rằng, nếu chú và những chú khác, còn nhớ đến tôi thì đừng bao giờ làm chính trị, vì làm chính trị ít khi người ta dành lại tình cảm cho bạn bè và đôi khi cũng không còn tình cảm cho thân nhân của họ nữa”.
Tay phải ông gỡ kiến cận xuống và tay trái ông cầm miếng nỉ lau, đó là thói quen mỗi khi ông suy nghĩ. Mang kiến vào, ông lại mời tôi:
“Chú ăn bánh uống trà đi”.
“Vâng. Xin mời Đại Tướng”.
Thái độ của ông làm tôi lúng túng. Tôi nghĩ, không phải ông ngưng lại để mời tôi ăn bánh uống trà, mà là chính ông đang nén lại nỗi xúc động của ông khi ông đang sống trong góc cạnh tình cảm. Đại Tướng Khiêm là mẫu người giàu tình cảm, rất có tình có nghĩa với những quân nhân mà trước kia cùng đơn vị với ông cho dù người đó hiện là sĩ quan hay hạ sĩ quan cũng vậy. Tôi đã nhiều lần chứng kiến hình ảnh lúc ông niềm nở bắt tay những anh hạ sĩ quan cùng phục vụ tại Tiểu Đoàn 3 Việt Nam hằng chục năm trước đó.
Đại Tướng Khiêm tiếp lời:
“Trung Tướng Khánh đã xử sự với tôi như chú thấy đó, thật là không còn chút tình nghĩa gì hết”.
“Có vài vị Tướng Lãnh nêu thắc mắc với tôi rằng: “Tại sao Đại Tướng lại im lìm để Trung Tướng Khánh dùng cả thủ đoạn không tốt với Đại Tướng”. Riêng tôi, tôi thấy Trung Tướng Khánh là mẫu người nhiều tham vọng chính trị, chính với Đại Tướng là người đã góp phần quan trọng đưa Trung Tướng Khánh lên đến tột đỉnh địa vị ngày nay, nhưng Trung Tướng Khánh cứ quả quyết Đại Tướng là người đang tìm cách đẩy ổng ra khỏi những chiếc ghế mà ổng đang ngồi, thưa Đại Tướng”.
“Tôi biết chớ chú. Nhưng tranh giành làm gì!
Trong phòng trở nên yên lặng. Một lúc sau:
“Các sĩ quan do tôi đào tạo là người có khả năng và là người tốt nữa. Chắc chắn chú sẽ được các vị khác sử dụng, và tôi tin là không có gì khó khăn cho chú đâu. Thôi, ngày mai tôi đi, chú ở lại mạnh giỏi. Cho tôi gởi lời thăm thiếm”.
“Thưa Đại Tướng, tôi chân thành cám ơn Đại Tướng đã dìu dắt tôi trong 5 năm qua. Tôi kính chúc Đại Tướng và gia đình được mạnh khỏe và luôn gặp điều may trên đường lưu vong. Kính chào Đại Tướng”.
Tôi đứng thẳng người và chào ông một cách trân trọng như khi tôi chào ông để nhận chức chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh năm 1961 vậy. Đại Tướng Khiêm siết chặt tay tôi thật lâu, và cả hai đều bùi ngùi trong cuộc chia tay này!
Ngày 07/10/1964, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và gia đình rời Việt Nam Cộng Hòa trên chuyến bay của Air France đi Paris để “lưu vong” dưới danh nghĩa thật là vinh dự (!): “Thay mặt chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sang Anh quốc và Đức quốc, cám ơn hai quốc gia đồng minh đã và đang giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản”.
Ngay chiều hôm đó, tôi và gia đình dọn ra khỏi cư xá trong khuôn viên bộ Tổng Tư Lệnh, và sẵn sàng nhận lệnh thuyên chuyển đến đơn vị hay cơ quan nào đó, vì có bao giờ một chánh văn phòng của ông Tướng thất sủng lại tiếp tục phục vụ tại đơn vị cũ đâu, nhất là đơn vị cũ lại là văn phòng Tổng Tư Lệnh.