122 nước ủng hộ điều tra độc lập về đại dịch “Virus Vũ Hán” – Mỹ hăm dọa rút ra khỏi WHO!
Theo Guardian: Tại hội nghị trực tuyến của Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới (WHA) diễn ra tuần này, 122 quốc gia tham dự đã ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về đại dịch “Virus Vũ Hán”. Vậy đây là những quốc gia nào?
Theo trang web của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), dự thảo nghị quyết được ủng hộ bởi các quốc gia ở khắp 5 châu.
Tại châu Âu có các nước Belarus, Iceland, Monaco, Na Uy, Albania, Montenegro, Bắc Macedonia, Cộng hòa Moldova, Liên bang Nga, San Marino, Ukraine, Liên minh châu Âu với 27 quốc gia thành viên và Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Ở Châu Mỹ là Canada, Cộng hòa Dominica, Mexico, El Salvador, Guatemala, Guyana, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Paraguay, Peru.
Châu Đại Dương có Úc và New Zealand.
Châu Á có các nước Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Maldives, Jordan, Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia.
Châu Phi có nhóm các quốc gia châu Phi với 54 quốc gia thành viên như Algeria, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia, Libya, Ai Cập… cùng 2 quốc gia ngoài nhóm là Tunisia và Djibouti.
WHA sẽ chỉ đưa bản dự thảo nghị quyết đề xuất mở cuộc điều tra độc lập về đại dịch “Virus Vũ Hán”, do Úc và EU khởi xướng, ra bàn thảo trong ngày 19-5 với điều kiện nhận được sự ủng hộ của 2/3 trong số 194 thành viên WHO, tức ít nhất 129 nước.
120 nước – trong đó có Anh, Indonesia, Nhật Bản, Nga, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ – ủng hộ đề xuất của Úc và EU mở cuộc điều tra độc lập về đại dịch “Virus Vũ Hán”.
Đề cập đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Thủ tướng Úc, Morrison khẳng định Australia ủng hộ và cũng là nhà tài trợ cho tổ chức này. “Nhưng cũng như bất kỳ tổ chức nào khác, WHO có thể rút ra bài học về cách bệnh dịch này bắt đầu. Người đứng đầu phải hiểu những gì đang xảy ra và sự minh bạch xung quanh những vấn đề đó. Không có gì bất thường về đề xuất điều tra của chúng tôi”, ông Morrison nói thêm.
Khi được hỏi về phản ứng của Trung Cộng, ông Morrison nói rằng “đó là vấn đề của họ”. “Australia sẽ làm vì lợi ích của chúng tôi, vì lợi ích toàn cầu và tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các động thái để đảm bảo một cuộc điều tra độc lập đúng đắn về những gì đã xảy ra”, Thủ tướng Australia cho hay.
“Virus Vũ Hán” đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 3.1 triệu người nhiễm và hơn 217,000 người tử vong. Chính phủ Australia đang kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc, cách SARS-nCoV-2 (Coronavirus chủng mới) lây lan cũng như phản ứng ban đầu của Trung Cộng với đại dịch.
Mỹ đe dọa vĩnh viễn ngừng đóng góp cho WHO (theo Reuters, RFI)
Trong lúc đó, chính quyền Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực lên Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Reuters cho hay, hôm qua, từ Nhà Trắng, tổng thống Trump ra tối hậu thư, đe dọa sẽ cắt bỏ vĩnh viễn các đóng góp của Hoa Kỳ cho WHO, nếu định chế này không tiến hành “cải thiện” cơ bản, Washington thậm chí sẽ xem xét việc rút ra khỏi định chế y tế của Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Mỹ một lần nữa gọi WHO là “con rối trong tay Trung Cộng”.
Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche cho biết thêm về ngày đầu tiên của hội nghị toàn thể thường niên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới :
“Thách thức đầu tiên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trong hội nghị này, không phải là về mặt chính trị, mà là về mặt kỹ thuật. Làm thế nào tổ chức được một cuộc họp đại hội đồng từ xa, với 194 thành viên qua cầu truyền hình. Có thể là đã có nhiều trục trặc về kết nối, nhưng rốt cuộc tất cả mọi người hoặc gần như vậy đã phát biểu ý kiến. Trong số những người phát biểu đầu tiên có chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình phát biểu cam đoan là Bắc Kinh hoàn toàn minh bạch trong cuộc khủng hoảng này.
Ngay sau đó, bộ trưởng Y Tế Hoa Kỳ Alex Azar đã bác bỏ tuyên bố của chủ tịch Trung Cộng. Ông nói: ‘‘Ít nhất đã có một quốc gia thành viên không đếm xỉa gì đến nghĩa vụ minh bạch, và đã cố tình che giấu bệnh dịch. Các hậu quả đối với toàn thế giới thật là kinh khủng. Điều này không bao giờ được phép tái diễn’’.
Nếu như nhiều nước chia sẻ quan điểm hoài nghi của Hoa Kỳ, thì ít có người sẵn sàng đi theo Washington trong chiến lược đối đầu với Bắc Kinh và Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Hơn nữa, trong lúc mà Bắc Kinh tham gia vào các kêu gọi để một loại vaccine trở thành tài sản chung của thế giới. Có nghĩa là có thể đến được với tất cả mọi người. Hiện tại một văn bản liên quan đến chủ đề này đang còn đợi được thảo luận. Văn bản này cũng yêu cầu đánh giá về cách thức mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới quản lý cuộc khủng hoảng này. Lãnh đạo WHO nhắc lại là việc đánh giá này sẽ chỉ diễn ra sau khi đại dịch chấm dứt”.