10 hiểu lầm về kinh tế Trung Cộng!
The nation’s meteoric rise has been accompanied by growing misinformation about its economy and its power (một quốc gia lên nhanh như diều gặp gió được kèm theo những sự hướng dẫn sai lầm về kinh tế và sức mạnh của họ), đây là lời mở đầu của Derek Scissors báo Forbes.com
Mười hiểu lầm về kinh tế Trung Quốc-Ten Myths About China
Derek Scissors, 03.18.10, 04:25 AM EDT – Forbes.com
Kinh tế Trung Quốc có thể vẫn tăng trưởng mạnh dù khủng hoảng kinh tế xảy ra. Nhưng có một điều còn gia tăng mạnh hơn, đó là những hiểu lầm về nền kinh tế Trung Quốc. Có thể là do những dữ liệu kinh tế không đáng tin cậy từ phía Trung Quốc, cũng có thể là sự hiểu lầm từ chính bản thân Mỹ và các nền kinh tế khác. Nhưng dù thế nào, ẩn sau những từ “thập kỷ Trung Quốc”, “thế kỷ Trung Quốc” mà chúng ta nghe thấy hàng ngày, có một số điều vẫn đang bị hiểu sai về nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Thực tế là, Trung Quốc có thể chưa hẳn là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thoát khỏi khủng hoảng, không phải nguyên nhân bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế Mỹ, và còn xa mới được gọi bằng cái tên quốc gia cắt giảm lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới.
Những ngày này, vị thế kinh tế của Mỹ cũng được nhìn nhận có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế Trung Quốc hơn so với bình thường. Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp mà các thử thách về chính sách, ví dụ như làm thế nào để Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế, càng dễ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ trở nên nản lòng hơn. Sẽ rất khó khăn để Mỹ tránh được những “cạm bẫy” mở ra nếu như chỉ thay đổi chính sách một cách hời hợt, ví dụ như những chính sách về tỷ giá, cắt giảm khí thải nhà kính… để đuổi theo kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này thực sự đang có những đóng góp đáng kể góp phần củng cố tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sai lầm 1: Trung Quốc hiện là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Sự thật: Trung Quốc đã gộp một phần tăng trưởng của các quốc gia còn lại trên thế giới vào tăng trưởng của mình.
Cách thức chuẩn mà các nhà lãnh đạo kinh tế Trung Quốc đang thực hiện nhằm xác định quốc gia nào đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu là lấy tất cả chỉ số tăng trưởng GDP của các quốc gia, gộp chung lại và kiểm tra xem quốc gia nào đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP thế giới. Thế nhưng đây không hẳn là cách tính toán xác thực.
Nếu một quốc gia thành công trong việc áp chế các điều kiện thương mại và trích ra được một phần lớn hơn nguồn lợi nhuận tài chính từ các mối quan hệ với các đối tác của mình, GDP của quốc gia đó sẽ tăng lên mạnh mẽ trong khi GDP của các đối tác thương mại kia giảm đi hoặc nếu có thể, chỉ tăng lên một cách rất chậm chạp. Chính vì thế, nó sẽ gây ra sự hiểu lầm rằng quốc gia này dẫn đầu tăng trưởng thế giới trong khi thực chất, nền kinh tế của nước đó đang tự làm giàu dựa trên mồ hôi nước mắt của những nền kinh tế còn lại trên thế giới.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần gây ra những hiểu nhầm trong tính toán, đó là GDP bao gồm cả thương mại. Thặng dư thương mại được tính vào GDP trong khi thâm hụt thương mại thì bị trừ đi. Trung Quốc có mức thặng dư thương mại với hầu hết các nền kinh tế toàn cầu. Việc này đồng nghĩa với các nền kinh tế còn lại trên toàn thế giới phải chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nếu hiểu theo cách này, Trung Quốc không hề đóng góp gì vào GDP thế giới cả, cho dù hoạt động kinh tế của quốc gia này thể hiện rằng Trung Quốc đang đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Kinh tế Trung Quốc quả thực đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế toàn cầu. Trong vòng một thập kỷ qua, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành nhân tố lớn nhất tác động tới sự cạnh tranh toàn cầu. Về mặt chính sách, hàng hóa Trung Quốc góp phần duy trì giá cả tiêu dùng ở mức ổn định, qua đó góp phần kiểm soát nguy cơ lạm phát tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính đã làm thay đổi điều này. Nếu như trước đây, nguồn cung từ Trung Quốc giúp đáp ứng một phần nhu cầu thế giới thì nay, khi mà nhu cầu thế giới vẫn còn yếu ớt sau khủng hoảng, nó lại là một nhân tố gây ra nhiều tác động tiêu cực. Chỉ khi chính bản thân Trung Quốc phát triển kinh tế nội địa, tăng cường nhu cầu tiêu dùng hàng hóa từ các quốc gia còn lại trên thế giới thì khi đó, Trung Quốc mới thực sự trở thành đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sai lầm 2: Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 10 năm tới.
Sự thật: Có những lý do cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua kinh tế Mỹ.
Một trong những yếu tố mà dự đoán này dựa vào là các báo cáo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua và báo cáo tăng trưởng kinh tế Mỹ 3 năm gần đây. Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả là nếu kinh tế Mỹ duy trì mức tăng trưởng như những năm 2007 – 2009 thì việc tính toán dựa trên GDP sẽ là một vấn đề khó khăn. Khi Mỹ tập trung vào việc củng cố chính sách như: cắt giảm thâm hụt ngân sách, ổn định lãi suất cho vay cơ bản, mở rộng thương mại, giảm thiểu sự điều chỉnh của chính phủ… Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua được Mỹ, ít nhất là trong 10 tới 15 năm nữa. Trung Quốc những năm 1949 – 1978 khác xa với Trung Quốc những năm 1979 – 2009 và rõ ràng, Trung Quốc những năm 2010 – 2040 sẽ còn nhiều thay đổi khác biệt hơn nữa. Ít nhất là trong vấn đề dân số cũng như các vấn đề về ô nhiễm và các ngành công nghiệp nặng. Vì thế, đây sẽ là một sai lầm cơ bản khi ghép 30 năm trước với 30 năm sau, đặc biệt là với một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh như Trung Quốc.
Sai lầm 3: Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2010.
Sự thật: Kinh tế Trung Quốc có thể đã vượt qua Nhật Bản từ vài năm trước đây.
Tất cả những lời bàn luận về kinh tế Trung Quốc, trong đó bao gồm cả nhận định trên, đều có phần nhạt nhẽo. Không thiếu những báo cáo mà sản lượng hàng hóa đã được tiêu thụ lại bao gồm hàng triệu mặt hàng chưa được bán ra; hay con số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại bao gồm cả những khoản đầu tư trong nước. Số liệu GDP, FDI và một số chỉ số kinh tế khác của chính phủ không thống nhất với số liệu của địa phương, số liệu của địa phương cũng không thống nhất với con số mà các cấp chính quyền thấp hơn trong khu vực đã tổng hợp.
Bằng chứng cho các tuyên bố về kinh tế Trung Quốc có thể không thực sự đáng tin cậy, nhưng thực tế là, đã có một số minh chứng cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể đã vượt qua Nhật Bản từ vài năm trước. Năm 2004, Trung Quốc đã chỉ đạo việc điều tra dân số toàn quốc và phát hiện ra rằng tăng trưởng kinh tế thực tăng lên tới 17% so với con số đã được tuyên bố trước đó, đặc biệt là sự mở rộng của mảng dịch vụ. Cuối năm 2009, Trung Quốc tuyên bố điều chỉnh GDP năm 2008 tăng lên 4,5% nhờ vào sự gia tăng tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ. Trung Quốc còn tỏ ý cho thấy, tăng trưởng GDP những tháng đầu năm 2009 có thể sẽ cũng được điều chỉnh tăng lên như vậy.
Mặc dù không có nhiều lý do để tin rằng ngay lúc này Trung Quốc đã có được những số liệu trên bởi việc đo lường tăng trưởng khu vực dịch vụ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, viễn cảnh từ sự điều tra dân số toàn quốc cho thấy kinh tế Trung Quốc qua mỗi năm có nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng lớn hơn so với những gì mà chính phủ nước này đã tuyên bố trước đó. Điều nay cho thấy, ít nhất kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản từ trước năm 2007. Còn nếu sử dụng khái niệm về ngang giá sức mua hay sức mua tương đương (Purchasing Power Parity) thì có thể kết luận kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản từ những năm 1990. Và như những gì mà giới truyền thông vẫn tung hô, quả thực có những thời điểm kinh tế Trung Quốc đã vượt lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sai lầm 4: Trung Quốc là chủ nợ của Mỹ.
Sự thật: Nếu Trung Quốc có khả năng gây ra những tác động tài chính tới Mỹ, ít nhất cũng chưa phải là vào lúc này.
Chính phủ Mỹ đang phải đối mặt và sẽ còn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách, điều sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Mỹ trong thập kỷ tới. Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng 800 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và một số lượng tương đối lớn giá trị tài sản tính bằng đồng đôla Mỹ ở nhiều hình thức khác. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc đã cung cấp một lượng tiền không nhỏ để Mỹ tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách của mình. Thế nhưng nếu hiểu theo cách truyền thống rằng Mỹ thực sự cần tới Trung Quốc để có tiền thì lại là không đúng. Một phần là vì, do sự nhảy vọt về giá trị thâm hụt nên việc mua bán trái phiếu Trung Quốc trở nên không còn thích đáng.
Tổng lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc mua vào năm 2009 giảm xuống dưới con số 100 tỷ USD, trong khi thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ cùng thời gian này tăng lên ngưỡng kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD. Tất nhiên, vào thời điểm này lãi suất cho vay thương mại cũng thấp hơn hồi cuối năm 2008, khi mà Trung Quốc đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ có tổng giá trị gần bằng một nửa thâm hụt ngân sách liên bang. Như vậy, chính phủ Trung Quốc chỉ nắm giữ lượng trái phiếu bằng khoảng 7% tổng giá trị nợ công của chính phủ Mỹ. Thêm vào đó, nguyên nhân khiến Trung Quốc quyết định mua thêm trái phiếu chính phủ Mỹ chỉ là vì Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác khi mà Trung Quốc đang nắm giữ một lượng tiền lớn từ nguồn thặng dư thương mại so với các quốc gia khác trên thế giới cũng như tác động từ chính sách neo giá đồng nhân dân tệ so với đồng đôla Mỹ.
Điều này sẽ khiến Trung Quốc ngồi trên một lượng lớn đôla Mỹ và kinh tế Mỹ là nơi duy nhất đủ lớn, đủ ổn định để “hút” lượng đôla Mỹ dư thừa của Bắc Kinh. Như vậy, không phải là Trung Quốc đang cho vay, mà chính xác hơn, Trung Quốc đang phải đầu tư vào kênh đầu tư duy nhất mà mình có thể lựa chọn. Hơn nữa, Trung Quốc đang cố gắng buộc chặt đồng nhân dân tệ với đồng đôla Mỹ, vì vậy việc tự đưa kinh tế của mình gần gũi hơn với kinh tế Mỹ là lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc. Và theo đó, cách hiểu tài chính Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc đã không còn đúng nữa.
Sai lầm 5: Trung Quốc và Mỹ phụ thuộc nhau một cách mạnh mẽ. Mối quan hệ Trung – Mỹ đã hình thành.
Sự thật: Trung Quốc phụ thuộc Mỹ nhiều hơn là Mỹ phụ thuộc Trung Quốc.
Việc Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ là sự thật, nhưng nó không hẳn giống với suy nghĩ thông thường của nhiều người. Đúng là xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ đã tăng mạnh. Năm 2008, nhu cầu của thị trường Mỹ chiếm tới 7,4% GDP Trung Quốc, thế nhưng con số này đã giảm dần trong năm 2009. Kể từ năm 1998, Trung Quốc hướng mạnh vào xuất khẩu, đặc biệt là khi nhu cầu thế giới tăng mạnh hồi năm 2006. Vì đầu tư mạnh vào lĩnh vực này nên lượng hàng hóa Trung Quốc sản xuất ra lớn hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa quốc gia này tiêu thụ. Nếu không nhằm vào đầu ra thông qua xuất khẩu, chắc chắn “khủng hoảng thừa” sẽ dẫn tới giảm phát kinh tế và phá hoại sức tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc. Nếu như Mỹ chủ trương mở cửa thương mại, kinh tế Trung Quốc vốn dựa vào xuất khẩu chắc chắn sẽ còn tăng trưởng, trong khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ – nếu gia tăng – sẽ bóp chết cách thức tăng trưởng kinh tế này.
Mối tương quan trên cũng đúng đối với thị trường tài chính. Nếu không có được lượng lớn dự trữ ngoại hối bằng đồng đôla Mỹ cũng như trái phiếu chính phủ Mỹ, tỷ giá hối đoái và cơ chế thanh toán của Trung Quốc sẽ không thể hoạt động. Trung Quốc thu được lợi từ người tiêu dùng Mỹ nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống kinh tế thế giới do Mỹ đứng đầu. Trong khi đó, về phía Mỹ, Trung Quốc chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp các mặt hàng tiêu dùng với mức giá rẻ nhất. Nếu không có Trung Quốc, hàng hóa của Mỹ có thể sẽ cao hơn, nhưng không thực sự tăng lên quá nhiều.
Quan niệm Mỹ cần Trung Quốc để tài trợ cho thâm hụt ngân sách rõ ràng không hợp lý. Đơn giản là vì giá trị thâm hụt ngân sách Mỹ quá lớn và vì thế lượng tiền Trung Quốc tài trợ cho Mỹ chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho quốc gia này. Hơn thế nữa, lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ có vẻ sẽ không ảnh hưởng tới lãi suất cho vay của Mỹ. Do đó, có thể kết luận rằng: Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ để tiếp tục phát triển trong khi Mỹ cộng tác với Trung Quốc chỉ bởi vì những lợi ích mà quốc gia này nhận được.
Sai lầm 6: Tỷ giá hối đoái được kiểm soát bởi Chính phủ Trung Quốc đang là yếu tố trọng tâm của kinh tế toàn cầu.
Sự thật: Tỷ giá hối đoái Trung Quốc đang áp dụng chỉ đơn thuần là một trong những dấu hiệu của một vấn đề khác lớn hơn.
Tỷ giá hối đoái hiểu đơn thuần là giá của một đồng tiền này với một loại tiền khác. Khi tỷ giá hối đoái thay đổi, cung và cầu – trong trường hợp này là xuất khẩu và nhập khẩu – cũng sẽ thay đổi theo. Tuy nhiên, có những lúc tỷ giá hối đoái không thực sự là nguyên nhân chính dẫn tới sự thay đổi xuất nhập khẩu. Một ví dụ dễ thấy là trường hợp đồng nhân dân tệ và đôla Mỹ. Từ tháng 7/2005 tới tháng 6/2008, đồng nhân dân tệ tăng 20% so với đồng đôla Mỹ nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng lên gần 50%. Trong trường hợp này, tác động từ sự thay đổi tỷ giá không gây ra nhiều ảnh hưởng bằng các yếu tố khác từ chính bản thân hai nước Trung – Mỹ.
Về phía Mỹ, chính việc duy trì lãi suất cho vay cơ bản và tình trạng thâm hụt ngân sách chứ không phải đồng nhân dân tệ thấp mới là những nguyên nhân gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ được neo giá với đôla Mỹ tác động tới tất cả các đối tác thương mại của Trung Quốc, không riêng gì Mỹ.
Thực tế, chính sự can thiệp quá sâu của chính phủ Trung Quốc vào nền kinh tế mới là yếu tố đáng lo ngại. Vì lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các điều luật hạn chế cạnh tranh, cung cấp vốn dưới dạng tín dụng và trợ cấp giá năng lượng. Trong khi đó, các công ty tư nhân Trung Quốc không hề được hưởng điều này. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa do các doanh nghiệp nhà nước sản xuất thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu bởi phần lớn chi phí sản xuất được hỗ trợ bởi cả chính phủ trung ương và chính quyền địa phương.
Nói tóm lại, chính sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc thông qua các hình thức tài trợ đã kiềm chế tiêu dùng nội địa, đặc biệt là với các mặt hàng nhập khẩu. Và đây mới là nhân tố chính kinh tế toàn cầu nên quan tâm tới thay vì chỉ tập trung vào đồng nhân dân tệ thấp.
Sai lầm 7: Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện cải cách thị trường, cho dù quá trình này có thể tạm dừng lại vì khủng hoảng tài chính.
Sự thật: Cải cách thị trường Trung Quốc đã chậm dần lại từ năm 2002 và hoàn toàn ngừng hẳn vào năm 2005.
Những năm 1980, thế giới được chứng kiến sự bứt phá trong cải cách thị trường Trung Quốc. Nhưng sau khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, chính phủ Trung Quốc bắt đầu can thiệp sâu hơn vào thị trường. Quy định pháp luật buộc hầu hết các doanh nghiệp cốt lõi trong các lĩnh vực kinh tế đều phải nằm dưới sự quản lý của chính phủ và do đó, quyền tự quyết của các doanh nghiệp này bị mất đi. Bên cạnh đó, chính phủ thực hiện quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế thông qua hệ thống tài chính.
Chính phủ cũng nắm trong tay các định chế tài chính, những tổ chức cấp tín dụng theo sự ưu tiên của chính phủ. Không khó để hiểu rằng chính các doanh nghiệp nhà nước lớn chứ không phải các công ty tư nhân sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi xin vay vốn từ các định chế tài chính này. Vấn đề tự do hóa giá cả tiêu dùng trong nền kinh tế lại càng khó khăn hơn khi quyền can thiệp của chính phủ vào các vấn đề lương thực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và năng lượng vẫn còn quá lớn. Kết quả cuối cùng là sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bị gói gọn lại trong cuộc chiến chính trị giữa chính các doanh nghiệp nhà nước.
Tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 17 doanh nghiệp nhà nước gần như độc quyền cung cấp và phân phối sản phẩm các ngành công nghiệp dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu, than, gas, năng lượng, viễn thông và thuốc lá. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, luật chống độc quyền chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài chứ không hề được áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Sai lầm 8: Kinh tế Trung Quốc đang dần cân bằng nhờ việc đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.
Sự thật: Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh đầu tư thay vì hướng tới tiêu dùng nội địa.
Thặng dư thương mại Trung Quốc năm 2009 giảm xuống 100 tỷ USD. Báo cáo của chính phủ Mỹ cũng cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng giảm đi, mặc dù mức giảm không lớn. Điều này là đúng khi coi nó là một sự kiện đáng hoan nghênh, nhưng lại là sai nếu coi đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang thay đổi. Thặng dư thương mại Trung Quốc giảm đi do xuất khẩu giảm mạnh hơn nhập khẩu. Nói cách khác, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc giảm đi nhưng nhu cầu thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc còn giảm mạnh hơn, đặc biệt là sau khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra.
Tiêu dùng của Trung Quốc trước thời điểm khủng hoảng kinh tế bùng nổ có vẻ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng thực tế, từ năm 2003 tới 2007, tiêu dùng nội địa bắt đầu giảm dần do đầu tư tăng mạnh và nhanh hơn. Giai đoạn năm 2008 – 2009 cũng không có nhiều thay đổi. Vai trò của đầu tư vẫn lớn hơn nhiều so với tiêu dùng. Tính tới năm 2009, giá trị đầu tư cố định tăng lên gấp đôi so với doanh thu bán lẻ, chiếm ít nhất 67% GDP trong nước và vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Trong khi đó, sự tăng trưởng chóng mặt của đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đang ngày càng tăng thêm nguy cơ khủng hoảng thừa của nền kinh tế nước này. Đến lượt mình, nó sẽ tiếp tục gây thêm sức ép lên xuất khẩu Trung Quốc trong năm 2010 và những năm sắp tới.
Sai lầm 9: Lượng khí thải nhà kính Trung Quốc thải ra hàng năm tương đương với Mỹ.
Sự thật: Lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc lớn hơn Mỹ tới 25% và khoảng cách này đang ngày càng mở rộng.
Các nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính vốn không được thường xuyên nhắc tới như một chủ đề đáng lưu tâm khi đề cập tới kinh tế Trung Quốc, nhưng thực tế, vấn đề này nên nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Bởi câu chuyện về việc cắt giảm khí thải nhà kính chính là nói về cách thức phát triển của kinh tế Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ là kích thước của nền kinh tế nước này.
Năm 2006, hầu hết các cơ quan quản lý đều xếp Trung Quốc và Mỹ ngang hàng về lượng khí nhà kính mà hai nền kinh tế thải ra. Tuy nhiên, ba năm sau đó là giai đoạn mà công nghiệp Trung Quốc có nhiều bước chuyển mạnh mẽ. Từ cuối năm 2007 tới nửa đầu năm 2008, lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc đã tăng lên 10% so với Mỹ. Trong vòng 18 tháng sau đó, cùng thời điểm với khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang càn quét qua nhiều quốc gia, chính sách kích thích kinh tế khổng lồ cùng với định hướng sản xuất chú trọng vào công nghiệp nặng tiếp tục khiến tốc độ tăng trưởng khí thải nhà kính của Trung Quốc tăng mạnh. Kết quả là, tính đến hết năm 2009, lượng khí thải nhà kính mà Trung Quốc thải ra hoàn toàn có khả năng tăng lên tới 25% so với lượng khí thải nhà kính của Mỹ.
Tất cả các câu hỏi chưa có đáp án về những thông số của kinh tế Trung Quốc cũng được đặt ra cho ngành môi trường của quốc gia này. Và hẳn nhiên trong số đó, lượng khí thải nhà kính thực tế mà Trung Quốc thải ra hàng năm cũng là một con số chưa hẳn đã chính xác.
Sai lầm 10: Trung Quốc đã có một chương trình quốc gia về việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính một cách bền vững.
Sự thật: Lượng khí thải nhà kính thực tế vẫn sẽ tăng mạnh trong vòng một thập kỷ tới.
Trung Quốc thực tế không hề cam kết sẽ cắt giảm khí thải nhà kính mà chỉ cam kết cắt giảm một phần lượng khí thải CO2 trên GDP, tức là việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính được Trung Quốc tính toán dựa trên kích thước nền kinh tế. Trong khi đó, GDP lại được tính toán với nhiều cách điều chỉnh lạm phát cũng như điều chỉnh tiền tệ khác nhau. Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới nảy sinh khi bàn bạc tới việc thực hiện cắt giảm khí thải nhà kính.
Ví dụ, năm 2005, lượng khí thải nhà kính xấp xỉ 5,43 tỷ tấn, tương đương với 2,95 tấn CO2 trên mỗi 10.000 nhân dân tệ của GDP. Trung Quốc đã cam kết sẽ cắt giảm con số này xuống khoảng 40% tới 45%, tức là đưa lượng khí thải nhà kính xuống còn khoảng 1,75 tấn CO2 trên mỗi 10.000 nhân dân tệ của GDP. Từ năm 2000 tới năm 1009, lượng GDP của Trung Quốc tăng lên 3,7 lần. Nếu tốc độ này được duy trì cho 10 năm tới, GDP Trung Quốc sẽ đạt khoảng 135 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2019. Và nếu vẫn sử dụng cách tính toán cách tính toán như trên, lượng khí thải nhà kính mà Trung Quốc thải ra sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2005, đạt khoảng 23 tỷ tấn.
Mỹ nên làm gì ngay lúc này?
Kinh tế Mỹ có được một nền tảng cơ bản cho sự tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn so với kinh tế Trung Quốc. Để duy trì được vị trí đứng đầu thế giới, Mỹ nên chú trọng tới các chính sách về lợi thế công nghệ, tự nhiên và con người thay vì củng cố lợi ích từ sự can thiệp của chính phủ. Việc thực hiện các chính sách thương mại song phương và đa phương một cách rõ ràng, toàn diện và cởi mở chính là biện pháp tốt nhất để giúp kinh tế Mỹ phát triển cũng như đảm bảo được vị thế của kinh tế Mỹ đối với các nền kinh tế còn lại trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Những cuộc đàm phán trong thời gian này nên tập trung vào mục tiêu hàng đầu là cắt giảm khủng hưởng thừa của kinh tế Trung Quốc. Chính sách tỷ giá đôla – tệ lúc này vẫn chỉ xếp ở hàng thứ hai so với vấn đề vừa nêu ở trên.
Những hiểu nhầm về kinh tế Trung Quốc dẫn tới những sai lầm trong chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại cũng như những chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Việc có được một cái nhìn chính xác là bước đầu tiên nhưng cũng là bước quan trọng trước nhất để giúp Mỹ giải quyết được những thách thức thực tế mà quốc gia này đang phải đối mặt.
Thu Hiền dịch