“Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi chúng ta làm chủ nó” (bài 2)
Trần Gia Phụng
Tiếp theo phần 1
4.- Tuyên cáo ngày 4-9-1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc
Như đã viết, vào đầu năm 1958 Trung Quốc chưa phải là thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) nên Trung Quốc không có tiếng nói tại diễn đàn hội nghị Genève về hải phận. Dầu vậy, do sự ra đời của các quy ước về luật biển (UNCLOS) của LHQ ngày 29-4-1958, nhất là Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp, Trung Quốc liền lên tiếng nhằm xác định hải phận của mình. Ngày 4-9-1958, Ban Thường trực của Quốc hội Trung Quốc đã thông qua bản tuyên cáo về hải phận, được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó bản dịch Việt Ngữ như sau:
Tuyên cáo của chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về lãnh hải
(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân
ngày 4 tháng 9 năm 1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.(9)
Mục đích của bản tuyên cáo là xác định hải phận của Trung Quốc. Tuy nhiên nếu đọc kỹ bản tuyên cáo, có một ý được lập lại nguyên văn như nhau trong điều 1 và điều 4 của một bản tuyên cáo ngắn, với lời lẽ xác định chắc chắn, không có gì phải tranh cãi. Đó là “quần đảo Penghu [Bành Hồ], quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.” Sự lập lại nầy rõ ràng là chủ ý của Trung Quốc, khẳng định một số quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và đặt tên là Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha).
Như thế, bản tuyên cáo ngày 4-9-1958 của CHNDTQ có hai chủ điểm:
Thứ nhất xác định lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý.
Thứ hai xác định chủ quyền của Trung Quốc trên một số quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dầu Trung Quốc dư biết qua hội nghị San Francisco năm 1951, rằng quốc tế đã bác khước ý kiến của Liên Xô là giao hai quần đảo nầy cho Trung Quốc, cũng như quốc tế không phản đối lời xác nhận chủ quyền của thủ tướng Trần Văn Hữu về hai quần đảo nầy. (Xin xem lại phần 1).
Cần chú ý là theo luận điệu của Trung Quốc, ghi lại trong bài báo “Paracels Islands Dispute” do Frank Ching đưa ra, đăng trên Far Eastern Economic Review tháng 10-1994, thì vào tháng 6-1956, thứ trưởng Ngoại giao VNDCCH Ung Văn Khiêm đã nói với Li Zhimin, uỷ viên Thường vụ Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc.” (10) Chuyện nầy chỉ do Li Zhimin (phía Trung Quốc) thuật lại, có tính cách phiến diện, không đủ giá trị pháp lý để làm bằng chứng cho một quyết định quan trọng về lãnh thổ của một nước.
Lời của Ung Văn Khiêm không ghi thành văn bản ngoại giao cụ thể và không tồn lưu, vì nếu có, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra nhằm chứng minh cho những đòi hỏi của Trung Quốc. Tuy nhiên, công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 thì không còn cách nào chối bỏ được.
5.- Công hàm ngày 14-9-1958 của VNDCH
Bản tuyên cáo của Trung Quốc đưa đến hai phản ứng khác nhau. Phản ứng chống đối, đương nhiên trong đó có Hoa Kỳ và Đài Loan. Hoa Kỳ và Đài Loan chỉ chống đối về vấn đề chiều rộng của hải phận, không quan tâm đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Phản ứng ủng hộ của khối cộng sản, trong đó có VNDCCH. Sau đây là nguyên văn bản công hàm của nhà nước VNDCCH do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958.
Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Hà nội ngày 14 tháng 9 năm 1958
Trước hết, công hàm ngày 14-9-1958 do Phạm Văn Đồng ký tên, nhưng Phạm Văn Đồng không thể tự ý làm việc nầy một mình vì trong chế độ cộng sản ở Bắc Việt Nam, nhà nước chỉ là cánh tay nối dài của đảng Lao Động (tên của đảng Cộng Sản từ năm 1951), và hoàn toàn do đảng Lao Động điều khiển. Vì vậy công hàm do Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958 chắc chắn phải thông qua Ban bí thư Trung ương đảng và Bộ chính trị đảng Lao Động, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch kiêm tổng bí thư. (Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư năm 1956 sau vụ Cải cách ruộng đất.)
Ban lãnh đạo đảng Lao Động biết rõ hai chủ điểm trong bản tuyên cáo ngày 4-9-1958 của Trung Quốc: Thứ nhất bản tuyên cáo xác định hải phận của CHNDTQ là 12 hải lý. Thứ hai bản tuyên cáo xác định chủ quyền của CHNDTQ đối với một số quần đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn là của Việt Nam.
Dầu biết vậy, công hàm ngày 14-9-1958 của VNDCCH vẫn “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” Viết như thế, có nghĩa là VNDCCH tán thành luôn cả việc “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
Chuyện 12 hải lý là chuyện của Trung Quốc. Phạm Văn Đồng và đảng Lao Động ủng hộ hay không, dân Việt Nam không quan tâm. Tuy nhiên, đối với dân Việt Nam, chuyện Phạm Văn Đồng cùng Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo đảng Lao Động tán thành “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc” là một hành vi phản quốc trắng trợn, đáng lên án còn hơn cả Trần Ích Tắc vào thế kỷ 13 hay bà thái hậu nhà Lê qua cầu viện quân Thanh vào thế kỷ 18.
Vấn đề đặt ra là tại sao thủ tướng VNDCCH làm như vậy? Làm như vậy với mục đích gì? Có thể có hai nguyên nhân khiến cho Bộ chính trị đảng Lao Động quyết định ủng hộ tuyên cáo ngày 4-9-1958 của CHNDTQ:
Thứ nhất, nguyên nhân lịch sử. Từ những ngày đầu tiên mới thành lập năm 1930, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã được đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) giúp đỡ tối đa. Đến cuộc chiến 1946-1954, CSVN thua keo đầu, bị Pháp đuổi chạy từ năm 1946 cho đến năm 1949. Sau khi đảng CSTQ thành công, lập nên nhà nước CHNDTQ năm 1949, Hồ Chí Minh qua Trung Quốc rồi qua Liên Xô cầu viện vào tháng 2-1950. Tại Moscow, lúc đó cũng có mặt Mao Trạch Đông, Stalin đã nói với Hồ Chí Minh: “Chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp chủ yếu là do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn.”(11)
Từ Moscow trở về Bắc Kinh trên cùng một chuyến xe hỏa, Hồ Chí Minh chủ động qua toa xe của Mao Trạch Đông, nói bằng tiếng Trung Quốc với Mao Trạch Đông: “Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến chống Pháp của Việt Nam từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc…… Vì vậy chúng tôi còn muốn yêu cầu Trung Quốc cử cố vấn quân sự các cấp quân đoàn, đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, giúp chúng tôi huấn luyện bộ đội, xây dựng bộ đội và chỉ huy tác chiến.”(11) (Người viết in đậm.) Đảng CSTQ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Nhờ đó, CSVN mới gượng lại được, nhất là từ khi cố vấn Trần Canh (Chen Geng) giúp chiến thắng Đồng Khê và bắt được hai trung tá Pháp tháng 9-1950. Tiếp đó, cố vấn quân sự và chính trị Trung Quốc hướng dẫn từng chiến dịch của CSVN, cho đến trận Điện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954. Chiến dịch ĐBP do sáng kiến của các tướng lãnh Trung Quốc, do quyết định của Quân uỷ trung ương đảng CSTQ, và do viện trợ võ khí nhất là trọng pháo của CSTQ. (12) Thậm chí đào chiến hào tấn công ĐBP cũng do kỹ sư Trung Quốc thực hiện. Những kỹ sư nầy có kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên. (13)
Khi xin CSTQ viện trợ cho CSVN trong chiến tranh 1946-1954, không biết CSVN đã cam kết những gì để trả nợ Trung Quốc, nhưng trên thế giới nầy, không có cái gì là cho không, biếu không, vì “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Phải chăng vì những nợ nần chồng chất trong quá khứ, đã có một cuộc vận động ngầm thúc đẩy, áp lực Hồ Chí Minh và các lãnh tụ đảng LĐ quyết định ký bản công hàm ngày 14-9-1958.
Thứ hai, nguyên nhân thời cuộc. Vào thời điểm năm 1958, CSVN rất lúng túng trong nội bộ khối cộng sản quốc tế. Nguyên trước đó hai năm, từ 14 đến 25-2-1956, tại Moscow, đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX) tổ chức Đại hội lần thứ 20 đảng CSLX. Trung Quốc và Bắc Việt Nam (CSVN) đều cử đại diện tham dự. Vào ngày cuối Đại hội, tân lãnh tụ Liên Xô là Nikita Khrushchev đọc một bài diễn văn kịch liệt tố cáo Joseph Stalin là một tên độc tài tàn ác, phạm nhiều sai lầm trong thế chiến thứ hai cũng như trong chính sách nội trị và ngoại giao. Cũng trong dịp nầy, về bang giao quốc tế, Khrushchev đưa ra chủ trương “sống chung hòa bình” (peaceful coexistence) giữa các nước không cùng chế độ chính trị, hòa hoãn với các nước Tây phương. Trung Quốc chống lại chủ trương nầy. Từ đó, hai bên lời qua tiếng lại, chống đối lẫn nhau càng ngày càng quyết liệt.
Trước sự tranh chấp giữa hai nước cộng sản đàn anh, CSVN rất khó xử, không dám làm mất lòng một hai nước cộng sản lớn, vì CSVN đều đang cần sự giúp đỡ của cả hai Lúc đó CSVN đang chuẩn bị chiến tranh chống lại miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng về chính trị quốc tế, CSVN theo chủ trương của Trung Quốc hơn là theo Liên Xô. Cộng sản VN không chấp nhận chủ trương chung sống hòa bình giữa các nước không cùng chế độ chính trị do Liên Xô đưa ra, vì nếu chấp nhận như thế, Bắc Việt Nam không có lý do gì để tiến đánh miền Nam Việt Nam. Cũng trên lập trường chính trị, CSVN nghiêng về Trung Quốc vì Trung Quốc cương quyết chống Hoa Kỳ bất cứ ở đâu, và vì lúc đó Hoa Kỳ đang giúp Nam Việt Nam, tức là kẻ thù của Bắc Việt Nam.
Nếu CSVN ủng hộ Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Nga-Hoa thì chắc chắn CSVN sẽ làm mất lòng Liên Xô và sẽ không được Liên Xô viện trợ. Vì vậy, nhân cơ hội tuyên cáo ngày 4-9-1958 của CHNDTQ về vấn đề lãnh hải, không liên hệ gì đến cuộc tranh chấp Nga – Hoa, VNDCCH (Bắc Việt Nam) liền công khai lên tiếng ủng hộ Trung Quốc để chứng tỏ VNDCCH sẵn sàng đứng bên cạnh CHNDTQ, nhằm lấy lòng Trung Quốc, mà không sợ bị Liên Xô trách cứ. Cộng sản Việt Nam cần phải lấy lòng Trung Quốc vừa đền ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc trong quá khứ, vừa chuẩn bị tiếp tục xin viện trợ quân sự để tấn công miền Nam Việt Nam trong tương lai.
Vì các lẽ trên, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ trong Bộ chính trị đảng LĐ chuẩn thuận cho PhạmVăn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958, ủng hộ tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc. (Việc tấn công miền Nam được đảng Lao Động quyết định trong Hội nghị Trung ương đảng ngày 13-5-1959, rồi sau đó đưa ra Đại hội III đảng Lao Động từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1960.)
6.- Tuyên cáo của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
Chính vì đã “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958” của Trung Quốc mà CSVN im lặng đồng lõa khi CSTQ xâm lăng Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã chiến đấu anh dũng, nhưng chiến hạm và hỏa lực yếu hơn, Hoàng Sa đành phải thất thủ. Trước hành động bạo ngược của CSTQ, bộ trưởng Ngoại giao chính phủ VNCH đã ra tuyên cáo như sau:
TUYÊN CÁO CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VIỆT NAM CỘNG HÒA
VỀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG CỘNG
TRONG KHU VỰC ĐẢO HOÀNG SA
(Ngày 19.1.1974)
Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt Nam Cộng-Hòa, Trung cộng đã đưa Hải-quân tới khu vực Hoàng-Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam-Tuyền, Quang-Hòa và Duy-Mộng.
Lực lượng Hải-quân Trung-Cộng gồm 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.
Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt-Nam Cộng-Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khỏi khu vực.
Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt-Nam.
Sáng ngày nay, 19.1.1974 hồi 10h20, một hộ-tống hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu vực hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt-Nam Cộng-Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt-Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.
Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.
Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng-Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.
Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo củaTrung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.
Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu.
Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.
(Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa, Số 015/BNG/ TTBC/TT)
Sau đó, chính phủ VNCH ra tuyên cáo xác định chủ quyền của mình trên những quần đảo ngoài khơi bờ biển VNCH:
TUYÊN CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA
VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA TRÊN NHỮNG ĐẢO
Ở NGOÀI KHƠI BỜ BIỂN VIỆT NAM CỘNG HÒA
Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết của một chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.
Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.
Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.
Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.
Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.
Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.
Làm tại Saigon, ngày 14 tháng 2 năm 1974. (14)
7.- Cộng sản Việt Nam ngụy biện
Sau khi CSVN cưỡng chiếm được VNCH (Nam Việt Nam) năm 1975, tỏ ra thân thiện với Liên Xô, Trung Quốc càng ngày càng gây hấn, uy hiếp Việt Nam. Chuyện công hàm năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký tên, ra trước dư luận trở lại. Năm 1977, Phạm Văn Đồng lần đầu tiên công khai biện minh cho hành động của mình như sau: “Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy.” (15)
Trung Quốc tiếp tục đe dọa, rồi tấn công Việt Nam năm 1979, “dạy cho Việt Nam [cộng sản] một bài học.” Phải chăng “bài học” nầy liên hệ đến việc CSVN chạy theo Liên Xô, quay lưng với Trung Quốc, quên những hứa hẹn của Hồ Chí Minh khi năn nỉ Mao Trạch Đông năm 1950.
Tháng 3-1988, Trung Quốc đánh chiếm thêm một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 vốn đã bị nhiều chỉ trích, và cứ mỗi lần Trung Quốc manh động, gây hấn với Việt Nam, thì lại bị dư luận chỉ trích tiếp. Để bào chữa, cuối năm 1992, Nguyễn Mạnh Cầm, uỷ viên Bộ chính trị đảng CSVN, bộ trưởng Ngoại giao của CSVN (từ 1991 đến 2000), đã ngụy biện: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có tuyên bố lúc trước về Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên tinh thần sau: Lúc đó, theo Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh hung hãn của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Việt Nam đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Trung-Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã là một sự ủng hộ rất vĩ đại và trợ giúp vô giá. Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi [ủng hộ Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa] là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho sự đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc.
Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó đã nhắm vào sự đòi hỏi cần thiết lúc bấy giờ để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi. Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (tuyên bố trong một buổi họp báo tại Hà Nội ngày 2/12/1992, được loan tải bởi Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 3/12/1992)” (15) (In đậm do người viết.)
Đúng là theo hiệp định Genève ngày 20-7-1954, các quần đảo phía nam vĩ tuyến 17 do miền Nam Việt Nam quản trị. Dầu thuộc quyền miền Nam Việt Nam, hai quần đảo nầy do ông bà tổ tiên để lại, là của chung của dân tộc Việt Nam, nên CSVN cho rằng hai quần đảo nầy “đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam”, rồi nhượng cho Trung Quốc là quá hẹp hòi, thiển cận và phản quốc.
Cũng nên thêm rằng lúc đó, năm 1958, Hoa Kỳ chỉ giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa phát triển kinh tế, chứ Hoa Kỳ chưa đem quân vào Việt Nam, nên Nguyễn Mạnh Cầm nói rằng “để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi” là hoàn toàn ngụy biện. Chỉ khi CSVN phát động chiến tranh chống miền Nam vào Đại hội III đảng Lao Động (tháng 9 năm 1960) và thành lập Mặt Trận Dân Tốc Giải Phóng Miền Nam (tháng 12-1960), đánh phá miền Nam Việt Nam, thì 5 năm sau Hoa Kỳ mới đem quân vào miền Nam Việt Nam năm 1965.
Như thế, theo lời một uỷ viên Bộ chính trị đảng CSVN tức là một nhân vật cao cấp trong đảng CSVN, chỉ vì cần viện trợ để tiến đánh miền Nam, “mục tiêu cao nhất” của CSVN, mà năm 1958 nhà nước VNDCCH đành bán đứng hai quần đảo do tổ tiên để lại cho Trung Quốc.
Kết luận
Tóm lại, sự bất ổn trên Biển Đông và Thái Bình Dương ngày nay bắt nguồn từ tham vọng về biển cả của CHNDTQ do Mao Trạch Đông đưa ra vào năm 1958: “Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” Tham vọng nầy ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đến Việt Nam. Trung Quốc khó có thể thực hiện tham vọng làm chủ Đông Nam Á, nhưng hiện nay Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam trầm trọng. Khác với những lần trước, lần nầy Trung Quốc đang thực hiện kế hoặch tằm ăn dâu, lấn chiếm Việt Nam từ từ. Chẳng những chiếm đoạt các quần đảo của Việt Nam, Trung Quốc còn dùng sức mạnh để lấn đất, lấn biển, chiếm đoạt ngư trường, tài nguyên Việt Nam, thuê đất ở cao nguyên …
Từ xưa cho đến nay, giới lãnh đạo bá quyền Trung Quốc luôn luôn tìm kiếm thời cơ xâm lăng nước ta. Lần nầy nguồn gốc hiểm họa Trung Quốc chính là đảng CSVN, kẻ đã rước quân Trung Quốc vào Việt Nam, bắt đầu từ việc Hồ Chí Minh năn nỉ Mao Trạch Đông trên chuyến tàu Moscow-Bắc Kinh năm 1950. Cộng sản Việt Nam mang ơn CSTQ quá nặng. Vì vậy, CSVN chẳng những không dám chống lại Trung Quốc, mà còn phải nhịn nhục, nhượng bộ Trung Quốc nhằm trả ơn và tiếp tục bám lấy quyền lực.
Vì vậy, lần nầy muốn chống lại hiểm họa Trung Quốc, trước hết người Việt phải loại bỏ cái nguồn gốc đưa đến hiểm họa, tức phải tranh đấu giải thể chế độ CSVN, tiêu diệt kẻ nội ứng, chấm dứt những cam kết ngầm của CSVN với CSTQ. Nếu không loại bỏ căn nguyên ung nhọt nầy, CSTQ cứ dựa vào những liên hệ bí mật giữa tập đoàn lãnh đạo hai đảng, tiếp tục uy hiếp Việt Nam. Phía CSVN sẽ tiếp tục cúi đầu nhượng bộ Trung Quốc, tạo điều kiện cho Trung Quốc từ từ thâm nhập theo kiểu tằm ăn dâu, chiếm đóng Việt Nam, thì nguy cơ mất nước không còn bao xa.
Còn chuyện “Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó” do Mao Trạch Đông đưa ra, có lẽ mãi mãi là giấc mộng không thành của giới bá quyền Trung Quốc, vì Trung Quốc có thể uy hiếp Việt Nam, đe dọa vịnh Bắc Việt, nhưng ra Thái Bình Dương, Trung Quốc còn lâu mới có thể qua mặt Hoa Kỳ.
(Toronto, Canada)
Trần Gia Phụng