VNQDĐ trong giòng sử Việt – Thành Lập Đảng

Dưới đây là bài nói về thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng ngày 25-12-1927 với những chú thích và chi tiết đặc biệt.

I- Vài nét chính về tình hình chính trị Việt Nam thời Pháp đô hộ.

Tháng 07 năm 1858 tức năm vua Tự Đức thứ 11, thực dân Pháp đem quân đánh vào Đà Nẵng, hạ thành An Hải và thành Tôn Hải , Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ của thực dân tại Việt Nam. Dưới sự độ hộ của thực dân Pháp, người dân Việt Nam làm thân tôi đòi trâu ngựa phục vụ cho chế độ thực dân. Binh lính Pháp đến đâu thì đốt nhà, cướp của, hiếp dâm phụ nữ…… Thanh niên trai tráng thì bắt đi làm phu đồn điền cao su nơi chốn rừng sâu nước độc, ra đi không có ngày trở về.

Từ khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ tại Việt Nam, nhiều cuộc khởi nghĩa đứng lên đánh Pháp dành lại chủ quyền cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi rời ngai vàng cung điện Huế chạy ra Tân Sở, Quảng Trị lập phong trào Cân Vương; những cuộc khởi nghĩa của các bậc sĩ phu ba miền Nam, Bắc, Trung tự nỗi lên đánh đuổi thực dân Pháp. Những sĩ phu thời bấy giờ mang tinh thần yêu nước, đứng trước cảnh nước mất nhà tan, dân tộc bị đọa đày mà phò vua diệt giặc.

Cho đến khi hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh thì công cuộc chống Pháp cứu nước không còn gò bó trong tinh thần “phò vua giết giặc” nữa, mà cả hai ông đã tìm một sinh lộ mới cho dân tộc với một con đường rộng mở hơn, thông thoáng hơn so với các bậc sĩ phu đồng thời hoặc đi trước.

Phan Chu Trinh

Cụ Phan Chu Trinh, biệt hiệu Tây Hồ (1872-1926) người mở đầu phong trào Duy Tân bằng phương cách hành động như sau: Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ quốc ngữ, dạy kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…

Nhà cách mạng Phan Chu Trinh

Cụ Phan Bội Châu, biệt hiệu Sào Nam (1867-1940) người thành lập phong trào Duy Tân Hội khởi xướng phong trào Đông Du, cụ bôn ba sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản để tìm sự giúp đỡ. Phong trào Đông Du tổ chức đưa thanh niên du học thành tài để trở về cứu nước. Chủ trương của cụ Phan Bội Châu khác với cụ Phan Chu Trinh là dùng võ lực đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước dành lại độc lập dân tộc. Đang bôn ba trên cách mạng, thì vào cuối năm 1925, cụ bị Pháp bắt ở tô giới Thượng Hải Trung Quốc, có nhiều sách sử ghi lại cụ bị Hồ Chí Minh cùng Lâm Đức Thụ bán đứng cho thực dân Pháp (1) để lấy tiến chia đôi. Cụ bị Pháp đưa về Việt Nam xử tội tử hình sau bị dân chúng biểu tình phản đối cho nên Pháp đưa đi giam lỏng tại Bến Ngự, Huế và cụ mất năm 1940.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu (sau này là Chủ Tịch Danh Dự VNQDĐ)

II. Quá trình thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, chi bộ Nam Đồng Thư Xã:

Nam Đồng Thư Xã trở thành chi bộ lãnh đạo đầu tiên của VNQDĐ. Nguyễn Thái Học thứ 2 từ bên phải.

Những biến cố chính trị lớn nhỏ dồn dập như trái bom của nhà chí sĩ Phạm Hồng Thái ném vào toàn quyền Merlin của Pháp ở Sa Điện Trung Quốc năm 1924; toàn quốc tham gia đám tang cụ Phan Chu Trinh năm 1926; những cuộc nỗi dậy đòi ân xá tử hình cho cụ Phan Bội Châu năm 1926; âm mưu khởi loạn của vua Duy Tân….không khí chính trị sôi sục vào những năm 1924, 1925, 1926 Đến cuối năm 1927, một đảng chính trị mới ra đời là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đặc biệt đây là đảng cách mạng có tổ chức, cương lĩnh hành động, với những người trẻ có lòng yêu nước nhiệt thành trong sáng dám hy sinh thân thế, sự nghiệp và hy sinh chính mạng sống của mình cho nền độc lập của dân tộc. Đảng cách mạng này đoạn tuyệt hẵn với quá khứ phong kiến lạc hậu, dám đứng thẳng đánh vào mặt kẻ thù thực dân Pháp. Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời là chính đảng đầu tiên của dân tộc Việt Nam tuyên xưng ngọn cờ tự do dân chủ cho toàn dân.

Đáp ứng vời tình hình sôi động chính trị lúc bấy giờ, cuối năm 1925 ba thanh niên trí thức trẻ là Phạm Tuấn Lâm (giáo viên), Phạm Tuấn Tài (em của Phạm Tuấn Lâm, giáo viên) và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống, nhà báo) đứng ra tổ chức Nam Đồng Thư Xã (NĐTX), trụ sở tại số 6 đường 96, khu Nam Đồng trước hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Mục đích của Nam Đồng Thư Xã là dịch thuật các sách thuộc loại ái quốc của các tư tưởng cách mạng trên thế giới…. Sách được bán với giá bình dân nên được nhiều người mua đọc, đặc biệt Nam Đồng Thư Xã có những thanh niên thường xuyên lui tới đàm luận, bàn thảo vấn đề cách mạng, lòng yêu nước, trong đó có Nguyễn Thái Học (sinh viên trường Cao Đẳng Thương mại); Phó Đức Chính (sinh viên trường Cao Đẳng Công Chánh); Hồ Văn Mịch (sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm); và nhiều thanh niên sinh viên các trường Y khoa, Luật Khoa ….. Ảnh hưởng của NĐTX càng ngày càng rộng lớn, hơn thế nữa những thanh niên thường lui tới NĐTX đã tham gia những cuộc biểu tình chống thực dân Pháp, nên mật thám Pháp theo dõi ráo riết và tịch thu các sách của NĐTX.

Từ cái nôi NĐTX có Nguyễn Thái Học, với bầu máu nóng yêu nước thương nòi, là sinh viên 23 tuổi đã gắn liền thân mệnh mình với quê hương dân tộc ông đã hai lần viết thư gữi cho Toàn Quyền Đông Dương người Pháp là Varenne đòi cải cách xã hội nhưng thực dân Pháp không thèm trả lời. Vào tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập một phiên họp và đưa ra một ý định thành lập một đảng bí mật, dùng võ lực lật đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên một chính thể Cộng Hoà, nhằm đem lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho toàn dân. Ý kiến này được mọi người trong buổi họp nhiệt liệt hoan nghênh và chấp nhận. Để nhanh chóng tiến đến tổ chức một đảng bí mật như đã định, những người hiện diện tự động kết hợp thành một chi bộ gọi là “CHI BỘ NAM ĐỒNG THƯ XÔ do Nguyễn Thái Học làm chi bộ trưởng và các thành viên trong chi bộ gồm có: Hồ Văn Mịch, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Phó Đức Chính, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống, Vũ Huy Chân, Nguyễn Hữu Đạt, Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Trác và Phạm Quang Vân rồi sau đó chia nhau đi tổ chức và vận động tổ chức thành lập Đảng. Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã lớn mạnh thêm với sự tham gia của Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Đỗ Văn Sinh, Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Viên, Hoàng Cân và Lưu Văn Huệ.

III- Đại Hội Đại Biểu lần thứ I, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng:

Đấu tháng 12 năm 1927 một phiên họp được triệu tập và chính trong phiên họp này Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị triệu tập Đại Hội Đại Biểu các tỉnh để chính thức thành lập đảng cách mạng. Phiên họp quyết định:

– Ngày giờ khai mặc đại hội: 20 giờ, ngày 25-12-1927
– Địa điểm Đại Hội: Làng Thể Giáo thuộc thành phố Hà Nội tại nhà đồng chí (2) Lê Thành Vị.
– Thành phần tham dự Đại Hội: Tất cả các đồng chí thuộc chi bộ Nam Đồng Thư Xã và mỗi tỉnh cử một hoặc hai Đại Biểu.
– Ban tổ chức Đại Hội: Nguyễn Thái Học làm trưởng ban, và các thành viên trong chi bộ Nam Đồng Thư Xã chịu trách nhiệm đã giao phó để hoàn thành tổ chức Đại Hội được thành công.

Đúng 20 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1927, 36 đại biểu của 14 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Kiến An, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thanh Hóa.

Mặc dù trong hoàn cảnh nguy hiểm vì mật thám Pháp ráo riết theo dõi, sơ hở một chút là mất mạng và nhất là mất ngay một sự nghiệp cách mạng to lớn cho dân cho nước đang hình thành, ban tổ chức đã ngày đêm cực lực công tác giao phó để hoàn thành trách nhiệm. Trong điều kiện bí mật như thế nhưng một khẩu hiệu trang nghiêm nói lên ngày lịch sử của dân tộc được trang trọng treo ngay trong phòng hội: “NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ I VÀ NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG 25-12-1927”

Trong không khí trang nghiêm, những tấm lòng yêu nước không ngại nguy hiểm cùng nhau thảo luận tìm con đường đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập cho dân tộc, chủ toạ trong đại hội là đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn. Trước hồn thiêng sống núi Đại Hội đã khai mạc và thảo luận một cách nghiêm chỉnh và dân chủ, cuối cùng các đại biểu đều đồng ý:

– Tên đảng: thành lập một đảng cách mạng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng; viết tắt: VNQDĐ. (3)

– Mục đích và tôn chỉ: “Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ thực dân phong kiến, để thành lập một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu dành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc:Ai-Lao và Cao-Mên (Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954, Hoàng Văn Đào tr. 32).

– Về tổ chức: Theo hệ thống hàng dọc từ cơ sở Chi Bộ, Tỉnh Bộ, Kỳ Bộ và trên cùng là Tổng Bộ, cơ quan lãnh đạo tối cao của VNQDĐ. Đại hội bầu ra ban lãnh đạo Tổng Bộ Lâm Thời Kỳ I VNQDĐ lúc 2:30 sáng ngày 26-12-1927 với thành phần như sau:

Chủ tịch: Nguyễn Thái Học
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Thế Nghiệp
Ủy Ban Tổ Chức: Phó Đức Chính (trưởng) – Lê Văn Phúc (phó)
Ủy Ban Tuyên Truyền: Nhượng Tống
Ủy Ban Ngoại Giao: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch
Ủy Ban tài Chánh: Đặng Đình Điển, Đoàn Mạnh Chế
Ủy Ban Giám Sát: Nguyễn Hữu Đạt, Hoàng Trác
Ủy Ban Trinh Sát: Trương Dân Bảo, Phạm Tiềm
Ủy Ban Ám Sát: Hoàng Văn Tùng.
Ủy Ban Binh Vận: ( khiếm khuyết) Tổng Bộ kỳ II: Trần Văn Môn

Đồng thời chi bộ Nam Đồng Thư Xã được suy tôn là “Đệ Nhất Chi Bộ” 

Nguyễn Thái Học: Chủ Tịch Tổng Bộ VNQDĐ

Phó Đức Chính

Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân)

IV- Cương lĩnh VNQDĐ

Một cương lĩnh hành động chiến lược cũng đã được Đại Hội thảo luận và thông qua là cuộc cách mạng của VNQDĐ sẽ được tiến hành qua hai giai đoạn: Giai đoạn cứu nước bằng cách đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước bằng chính sức mạnh của dân tộc, dành chủ quyền độc lập cho tổ quốc. Giai đoạn kiến thiết đất nước bằng cách thực hiện một thể chế Dân Chủ Cộng Hoà xây dựng dân giàu nước mạnh như sau:

1- Giai đoạn cứu nước chia làm ba thời kỳ

– Thời kỳ phôi thai: xây dựng Đảng trong bí mật, thâu nhận đảng viên và hoạt động hoàn toàn bí mật.
– Thời kỳ dự bị: Phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng, lập các công đoàn, nông đoàn, binh đoàn, học sinh, sinh viên, thanh niên đoàn thời kỳ này hoạt động nữa bí mật nữa công khai.
– Thời kỳ hành động: Dùng võ lực đánh đổ thực dân Pháp và bài trừ chế độ phong kiến lạc hậu, lập một chế độ Cộng Hòa Dân Chủ, nhằm mang lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc tiến bộ cho toàn dân.

2 – Giai đoạn kiến thiết đất nước cũng chia làm ba thời kỳ:

– Thời kỳ quân chính: Quân cách mạng chiếm được ở đầu là lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó.
– Thời kỳ huấn chính: Tổ chức các cơ cấu dân cử, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ dân chúng làm quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới, v.v.. trong thời kỳ này áp dụng nguyên tắc “Dĩ Đảng Trị Quốc”.
– Thời kỳ hiến chính: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu Quốc Dân Đại Hội (tức là quốc hội), xây dựng hiến pháp trao trả chính quyền lại cho toàn dân.

Và chuyển giao quyền hành từ “Đệ Nhất Chi Bộ” cho Tổng Bộ Lâm Thời vừa mới bầu cử, và do anh Đỗ Văn Sinh làm chi bộ trưởng thay cho ông Nguyễn Thái Học làm chủ tịch VNQDĐ.

Đại hội bế mạc lúc rạng đông, trong tinh thần rực lửa yêu nước tất cả hội nghị đã quyết tâm với lời thề sắc son “quyết tâm làm tròn sứ mạng đã được trao phó, hăng say đưa sự nghiệp cách mạng thành công mỹ mãn. Tuyệt đối hy sinh tất cả cho tổ quốc cho lý tưởng của Đảng…”

Nhiệm vụ trước mắt của Tổng Bộ kỳ I là thống nhất các tổ chức chính trị để tạo sức mạnh, lúc đó có Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đây là tổ chức tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng họ rất bí mật ngụy trang dưới danh nghĩa “yêu nước”,”độc lập dân tộc”…. và tổ chức thứ hai là liên lạc với Tân Việt Cách Mạng Đảng nhưng hai nỗ lực này không thành công. Bởi vì Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội là một tổ chức bí mật của đảng Cộng Sản Quốc Tế dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thì làm sao họ ngồi chung với những người quốc gia dân tộc chân chính được, họ lấy cớ thật vô lý là đòi tổng bộ thống nhất phải đặt ở nước ngoài (lúc đó Nguyễn Ái Quốc đang ở Tàu) còn VNQDĐ thì đòi đặt tổng bộ ngay trong nước để tổ chức vận động toàn dân đánh Pháp. Tân Việt Cách Mạng Đảng thì không chấp nhận hợp nhất dưới danh xưng VNQDĐ.

V- Đại Hội Tổng Bộ nhiệm Kỳ II:

Được tổ chức vào ngày 01 tháng 7 năm 1928, trong nhiệm kỳ này Nguyễn Thái Học lại được toàn thể đại biểu tín nhiệm làm chủ tịch VNQDĐ và trong đại hội phần công tác có thêm một cơ sở kinh tài lấy tên là Khách Sạn Việt Nam được khai mạc ngày 30 tháng 09, 1928 nằm ngay tại Hà Nội, đây là khách sạn lớn vào bậc nhất đối với người Việt Nam thời bấy giờ. Trong phiên họp Trung Ương ngày 15-09-1928, Tổng Bộ Quyết định cử đồng chí Đặng Đình Điển đại diện VNQDĐ vào Huế gặp cụ Phan Bộ Châu, trao tặng cụ là “Danh Dự Chủ Tịch Đảng” và yêu cầu cụ giúp hai việc thứ nhất là đem uy tín và đạo đức cụ ra thuyết phục các đảng ngồi lại với nhau, và thứ hai yêu cầu cụ giúp đỡ về phương diện ngoại giao, vì cụ quen biết nhiều với các chính khách ngoại quốc trong thời gian bôn ba hải ngoại. Đồng chí Đặng Đình Điển hoàn thành sứ mạng của Đảng giao phó một cách xuất sắc là cụ Phan Bội Châu nhận lời làm Chủ Tịch Danh Dự của VNQDĐ tháng 10/1928 và cụ nhắn lại với Tổng Bộ VNQDĐ: “tôi tuy già yếu thật, nhưng nếu có thể giúp ích gì cho tổ quốc, thì tôi nguyện đem hết sức mình phục tòng mệnh lệnh của Đảng”. Khi chia tay, cụ Phan Bội Châu trao cho lão đồng chí Đặng Đình Điển một danh thiếp với mặt sau có ghi bốn chử “Khã dĩ đoạn kim” để làm mật mã sau này liên lạc giữa Tổng Bộ VNQDĐ và cụ Phan. Sự tham gia của cụ Phan Bội Châu làm uy tín VNQDĐ tăng lên rất cao trong quần chúng và đảng viên vô cùng phấn khởi.

Cũng trong thời gian này, Nguyễn Thế Nghiệp vào Sài Gòn để xây dựng cơ sở, và xuất bản một tạp chí bằng Pháp ngữ, nhan đề là “Revue Economique”.

VI – Đại Hội Tổng Bộ Nhiệm Kỳ III

Ngày 09 tháng 02 năm 1928, theo nội quy đã quy định Nguyên Thái Học triệu tập Đại Hội Toàn Quốc lần thứ ba để bầu Ban Chấp Hành Tổng Bộ mới, trong Đại Hội Này cơ cấu đảng chia làm ba cơ quan độc lập thể hiện tinh thần dân chủ ngay trong sinh hoạt Đảng (checks and balances) kết quả đại Đại Hội Nhiệm Kỳ III như sau:

– Nguyễn Khắc Nhu, biệt hiệu Song Khê đắc cử chủ tịch Ban Lập Pháp, Nguyễn Thái Học đắc cử phó chủ tịch.
– Nguyễn Thế Nghiệp Chủ Tịch Ban Hành Pháp, và cử nhân Lê Xuân Huy phó chủ tịch.

Trong đại hội này, Tổng Bộ được báo cáo là thành lập 120 chi bộ đúng như báo cáo của giám đốc sở mật thám Pháp Đông Dương, Louis Marty là: “vào cuối năm 1928 (1 năm sau thành lập), VNQDĐ đã thành lập được 150 chi bộ và 1500 đảng viên, trong đó có 120 thuộc thành phần quân sự”

Về chủ thuyết đảng: Trong đại hội Đảng không thấy có chương trình bàn đến chủ thuyết và cũng không một lý thuyết gia nào trong VNQDĐ viết ra, nhưng theo nghiên cứu các tài liệu, và theo sự kể lại của các lão đồng chí cùng thời thì Nguyễn Thái Học và các thành viên trong Đệ Nhất Chi Bộ đều là thành phần ảnh hưởng tây học có khuynh hướng đề xướng chủ nghĩa Cộng Hoà của các tư tưởng chính trị tây phương, cũng như ảnh hưởng của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên trong cuộc cách mạng Tân Hợi Trung Hoa năm 1911 (nhưng nhà cách mạng Tôn Dật Tiên cũng ảnh hưởng dân chủ Hoa Kỳ). Các nhà cách mạng VNQDĐ đã đề ra tiêu hướng cho dân tộc là đoạn tuyệt hẳn với quá khứ phong kiến (bài Phong), đánh thực dân Pháp dành độc lập (đã Thực), thành lập một thể chế chính trị Cộng Hòa. Những người sáng lập đã đề xướng ba mục tiêu Dân Tộc Độc lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc. Có người cho đây là Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên, nhưng không đúng như thế, mà đây chính là ba mục tiêu cách mạng mà bất cứ một quốc gia nào cũng hướng tới, đặc biệt là những nước đang bị ách đô hộ của các thế lực thực dân thời bấy giờ. Sau này, học giả Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân cố gắng để viết nên chủ nghĩa của VNQDĐ, nhưng rất tiếc công cuộc chưa thành thì ông bị Cộng Sản Việt Nam thủ tiêu.


Chú thích:

(1) Tài liệu Hồ Chí Minh bán cụ Phan cho Pháp
Từ Thực Dân Đến Cộng Sản – Học giả Hoàng Văn Chí tr. 92-93
Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc – Nhà sử học Tưởng Vĩnh Kính, bản dịch Thượng Huyền tr. 84-85

(2) đồng chí: đồng là cùng, chí là chí hướng là người cùng chí hướng để thực hiện một lý tưởng cao cả cho quê hương dân tộc, VNQDĐ ra đời năm 1927 trước đảng CSVN ba năm đã dùng hai chữ đồng chí để xưng hô với nhau là những người cùng chí hướng cho những mục tiêu cao cả đối với tổ quốc và dân tộc là Đánh Pháp dành độc lập, xây dựng một thể chế tự do dân chủ và mưu cầu phúc lợi cho toàn dân. Nhưng hai chữ đồng chí đó đã bị CSVN lợi dụng và lạm dụng, dùng nó để thực hiện cho lý tưởng đại đồng của Cộng Sản mà họ còn xưng là đồng chí Trung Quốc, đồng chí Liên Sô…. Trong tiến trình thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt nam, đảng CSVN đã dùng những thủ thuật cai trị tàn bạo, những hành động thiếu chân chính để đạt mục tiêu của mình. Khi thực hiện công tác họ gọi nhau là “đồng chí” cho nên hai chữ đồng chí tự nó không còn là danh từ cao qúy nữa mà trở thành một thứ âm thanh ghê rợn, một thứ dị ứng đối với người dân Việt Nam.

(3) Việt Nam Quốc Dân Đảng: Trong cuốn Tự Phán của cụ Phan Bội Châu trang 217 có đề cập: “Cải Tổ Quang Phục Hội (VNQPH) làm Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Cụ viết như sau: “Nguyên trước kia VNQPH từ khi tôi vào ngục Quảng Đông , trải trong thời gian 4 năm đảng nhân ta đã bảy rớt tám rụng, Quang Phục Hội thành ra một bức màn vị để tế trên bàn thờ mà thôi. Đến mùa xuân năm Giáp Tý (1924) này, các ông thanh niên trong nước đến Quảng Đông thì án tạc đạn tại Sa Điện (của chí sĩ Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Merlin của Pháp) người đảng ta cũng nhờ tiếng bom đó mà thêm giá trị, việc đảng mong có hy vọng trung hưng, nên anh em ở Quảng Đông khuyên tôi nên kinh dinh về việc ấy.

Vừa lúc Tưởng Giới Thạch tiên sinh đang làm hiệu trưởng trường Hoàng Phố Quan Quân Học Hiệu, Lý Tề Thâm tiên sinh làm Giám Đốc. Tôi cùng Nguyễn Hải Thần vào yết kiến hai ông ấy, tham quan hiệu trường, lại mưu cả việc đưa học sinh vào học. Tưởng, Lý rất tán thành, tôi mới thương xác với cả thảy đồng chí, thủ tiêu Quang Phục Hội cải tổ làm Việt Nam Quốc Dân Đảng.. Tôi mới khởi xướng một bản Việt Nam Quốc Dân đảng chương trình và Việt Nam Quốc Dân Đảng đảng cương; ấn hành tuyên bố trong anh em và đưa cho người Quốc Dân Đảng Trung Hoa xem…….

Sau khi in xong và trình đảng cương ba tháng thì ông Nguyễn Ái Quốc từ Mạc Tư Khoa sang Quảng Đông và nhiều lần nhắc tôi thay đổi.

Việc ấy sắp đặt xong đến tháng 9 năm 1924 tôi trở về Hàng Châu, còn những chương trình đảng cương của VNQDĐ ửy cho ông Hồ Tùng Mậu tìm cách đưa về trong. Sau tôi về Hàng Châu rồi thì ông Hồ Tùng mậu có đưa về trong nước hay không thì tôi không được biết………”

Và cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ngày 11 tháng 5 năm 1925 tại tô giới Thượng Hải.

Có nhiều người khi đọc Tự Phán của cụ Phan Bội Châu thấy Việt Nam Quốc Dân Đảng của cụ Phan thành lập năm 1924 thì nhầm cho đó là Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học lập cuối năm 1927 sau này. Hai Việt Nam Quốc Dân Đảng này hoàn toàn không có liên hệ gì với nhau cả mặc dù có sự trùng tên. Vì rằng:

– Cụ Phan Bội Châu thành lập VNQDĐ tại Trung Hoa để thay thế Việt Nam Quang Phục Hội đã lụi tàn. Sau đó VNQDĐ giao cho ông Hồ Tùng Mậu, mà ông Hồ Tùng Mậu sau đi theo Hồ Chí Minh thì không lý do gì mà trùng hợp với VNQDĐ thành lập năm 1927 của ông Nguyễn Thái Học.

Còn VNQDĐ của ông Nguyễn Thái Học phát xuất từ Nam Đồng Thư Xã và thành lập ngày 25-12-1927 như đã trình bày rõ ràng chi tiết ở trên.

Hơn thế nữa, rõ ràng những yếu tố quan trọng để thành lập một đảng chính trị: Như thời gian, sự phát xuất lịch sử, cương lĩnh, chương trình hành động của hai Việt Nam Quốc Dân Đảng hoàn toàn khác nhau. Vậy thì Việt Nam Quốc Dân Đảng của cụ Phan ở Trung Hoa năm 1924 và Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập 25-12-1927 của Nguyễn Thái Học không có liên hệ gì với nhau cả. Còn việc cụ Phan Bội Châu nhận làm “Đảng Trưởng Danh Dự VNQDĐ” thì do gặp cụ Đặng Đình Điển mà cụ Phan Bội Châu tham gia đã nói rõ ở trên.

(xin đọc tiếp bài 2, Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ 10-02-1930)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt