Tiểu sử đồng chí Lê Hưng VNQDĐ

Tiểu sử Đồng Chí Lê Hưng

(1926-2002)  

Lê Hưng (1926-2002)

       

Để nghiêng mình trước linh cữu cố Đ/c Lê Hưng, thân hữu, tang quyến và cán bộ và đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, các thế hệ già trẻ ai nấy đều không khỏi ngậm ngùi thương tiếc .Đồng chí (Đ/c) là một cán bộ Quốc gia thầm lặng, nhưng đầy dũng khí cách mạng, suốt đời đeo đuổi lý tưởng Viết Quốc với phong cách người chiến sĩ đấu tranh cách mạng.

        Giờ ôn lại cuộc đời của Đ/c một cách vắn tắt theo các mốc thời gian và các biến cố lịch sử của tình hình nước Việt Nam từ tuổi trẻ của đồng chí cho đến khi chấm dứt cuộc đời, theo lẽ sinh tử vô thường của tạo hóa.

Đồng chí Lê Hưng tên thật là Lê Văn Tư, sanh năm 1926 (Bính Dần) con trai thứ của hai cụ  Lê Văn Trâm và Trần Thị Đảm. Đồng chí sinh tại làng Phùng Đông, tổng Phùng Thịnh, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đ/c là em ruột của cố Đ/c Lê Văn Niên tức Lê Ninh hoặc Lê Khang. Đ/c Lê Ninh một cán bộ lãnh đạo kiệt xuất Trung Ủy và là sáng lập viên Đệ Tam và Đệ Lục Chiến khu. Đ/c Lê Ninh đã bị Việt Cộng sát hại năm 1947 tại Phú Thọ

       Vào thập niên 20, cao trào cách mạng trong nước sôi sục với nhiều biến động. Những bậc sĩ phu yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh lần lượt bị thực dân Pháp khủng bố, khống chế. Do đó Nam Đồng Thư Xã xuất hiện, để nối tiếp công cuộc cứu quốc. Lớn lên giữa thời buổi tao loạn trong một gia đình cách mạng mà người anh ruột là Lê Ninh  đã tạo cho Đ/c Lê Hưng một ảnh hưởng chính trị sâu rộng và ý thức yêu tổ quốc, dân tộc đậm đà. Năm 1946, tuổi trai với bầu nhiệt huyết, Đ/c đã gia nhập VNQDĐ.

        Với niềm hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ, mang trong người lý tưởng đấu tranh vì dân tộc, giữa thời kỳ mà người Cộng Sản núp dưới chiêu bài Việt Minh, luôn luôn tìm cách sát hại người Quốc gia, để độc quyền chính trị nên Đ/c đã vùng lên như một cơn bão lốc. Cuộc đời hoạt động bôn ba của Đ/c Lê Hưng cùng các Đ/c thuộc thế hệ trẻ vừa chống Cộng vừa chống Thực Dân, tại các chiến khu Việt Bắc (Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Báy, Lào Kay…) Cuộc chiến đấu cực kỳ gian nan vào sinh ra tử nhất là ở chiến khu Phùng Thô (Lai Châu)  đ/c kề vai sát cánh, nằm gai nếm mật cùng với các Đ/c khác trong VNQDĐ cũng như các đảng quốc gia bạn; mà người bạn chiến đấu cận kề của đồng chí là đ/c Hoàng Tích Thông hiện diện hôm nay là một nhân chứng sống.

         Năm 1947. Đ/c cùng một số đồng chí VNQDĐ lánh sang Trung Quốc. Thời kỳ này chính quyền Trung Hoa còn trong tay của Thống Chế Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Tại đấy Đảng bộ VNQDĐ Hải Ngoại được thành lập và Đ/c Lê Hưng được đề cử vào học tại Trường Võ Bị Lục Quân Hoàng Phố cùng với các Đ/c Nguyễn Duy Dị, Nguyễn Văn Hạ v.v….

         Năm 1949, Trung Hoa rơi vào tay Cộng Sản Trung Quốc, Đ/c Lê Hưng cùng với tất cả các đ/c khác theo đường bộ về lại Việt Nam qua ngã Vân Nam, Lào Kay.  Thời gian này quân đội Pháp vẫn còn hiện diện trên chiến trường Đông Dương qua tuyến biên giới Việt Trung. Đ/c về tạm trú tại khu tự trị Bùi Chu, Phát Diệm với Đức Giám Mục Lê Hữu Từ. Đức Giám Mục tổ chức ba tiểu đoàn phòng vệ làm lực lương chủ yếu bảo vệ khu tự trị. Cựu Trung tướng Phạm Xuân Chiểu, Đại Việt Quốc Dân Đảng chỉ huy một tiểu đoàn, Đ/c Lê Hưng chỉ huy một tiểu đoàn. Khi quân Pháp đổ bộ Phát Diệm, mặc dù Đức Giám Mục Lê Hữu Từ  không cho quân Pháp đóng quân trong khu tự trị, nhưng Cộng sản vẫn mượn cớ sự có mặt của Pháp  để kéo đến tấn công giáo khu Bùi Chu, Phát Diệm. Kỳ thực Việt Minh không chủ yếu đánh nhau với Pháp mà là tiêu diệt giáo dân và và các đảng quốc gia đang chiến đấu trong khu tự tri. Đức Giám Mục ra lệnh chiến đấu để tự vệ, tiểu đoàn của Đ/c Lê Hưng xung phong ứng chiến ở tuyến đầu khi CS kéo quân đến vấp phải sức chiến đấu của tiểu đoàn Lê Hưng, chúng bị thất bại nặng nề đành phải ôm hận rút lui! Nhân đấy Đức Giám Mục Lê Hữu Từ đã đề cao tinh thần chiến đấu của VNQDĐ trong cả khu vực Bùi Chu-Phát Diệm, qua đó đã chứng tỏ tài thao lược của một sĩ quan Hoàng Phố Hoàng Phố của Đ/c Lê Hưng.

Tiếp đó Đ/c Lê Hưng đã cùng Đ/ c Trương Khánh Tạo hoạt đông dọc theo các tỉnh miền Trung đi vòng vào Nam hoạt động cùng đồng chí Dương Như Thuấn (Xuân Tùng). Sau năm 1954 đất nước bị chia đôi Đ/c  Lê Hưng định cư hẳn tại miền Nam. Với phong cách sinh hoạt của người chiến sĩ, Đ/c quen lối hoạt động bí mật, Đ/c không lúc nào nghỉ ngơi nhiệm vụ hưng đảng và đấu tranh chống áp bức bất công xã hội.

Vào năm 1960 , Đ/c  cùng các Đ/c Nguyễn Tường Tam , Trương Bảo Sơn, Trương Khánh Tạo vận động đấu tranh chính trị mong xoay đổi tình thế  để bảo vệ nền dân chủ son trẻ của miền Nam, Đ/c phối hợp với các sĩ quan  lực lượng nhảy dù như Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng, Phan Trọng Chinh tạo chính biến 11/11/1960. Vụ đảo chính thất bại Đ/c Lê Hưng và Đ/c Xuân Tùng đều lánh nạn sang Cam-Bốt.

Vào năm 1962 các đồng chí Nguyễn Văn Lực và Chu Tử Kỳ lại vận đồng một chính biến khác do hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom dinh Độc Lập đưa đến việc các Đ/c Chu tử Kỳ và Nguyễn Văn Lực bị truy nã nên Đ/c Chu Tử Kỳ phải trốn sang Cam-Bốt. Không hẹn mà gặp ba đồng chí Chu Tử Kỳ, Xuân Tùng và Lê Hưng đều ôm một mối căm hờn trong nhà tù Cam-Bốt. Từ trong tù Đ/ c Lê Hưng mới hiểu rõ hơn về Đ/c Chu Tử Kỳ hơn và sự kết thân bền chặt giữa hai đồng chí.,

Sau năm 1963 khi trở lại Việt Nam hai Đ/c đã cùng nhau gắn liền mọi hoạt động của VNQDĐ. Đại hội thống nhất  VNQDĐ đầu tiên tại Chiêu Anh Các không thành công, hai Đ/c lập ra Tổng Bộ VNQDĐ Chủ Lực mà Đ/c Lê Hưng là Tổng Bí Thư.  VNQDĐ Chủ Lực chủ trương phát triển mạnh mẽ vào hàng ngũ sinh viên và trí thức trẻ, mưu cầu một sự tập hợp lớp trẻ để mong trẻ trung hóa Đảng. Đ/c Lê Hưng không ngừng nay đây mai đó, liên lạc về tận  các tỉnh thành bộ miền Nam , miền Trung, để xây dựng cơ sở. Năm 1969, Tổng bộ VNQDĐ Chủ Lực đã kết hợp với VNQDĐ Kỳ Bộ Miền Trung tổ chức đại hội tại Sài Gòn thành lập  VNQDĐ Thống Nhất và Đ/c Lê Hưng được suy cử phó chủ tịch Hội Đồng Trung Ương.

Năm 1975. Đ/c Lê Hưng đến định cư tại Hoa kỳ và theo học ngành quản thủ thư viện. Sau khi tốt nghiệp, đ/c đã đi khắp các tiểu bang  Hoa Kỳ, đến Âu châu, liên lạc nối kết các Đ/c cũ, các nhà lãnh đạo, các chính đảng lưu vong hầu tổ chức thành lực lượng chống Cộng chung . Đồng chí đã liên lạc với nhiều đoàn thể, tổ chức, chính đảng kỳ cựu như Đại Việt, Duy Dân, Tân Đại Việt…. Nhưng với tính khiêm tốn và thực tế, Đ/c Lê Hưng vẫn tiếp tục hoạt động bí mật như thói quen trong đời hoạt động  của Đ/c cho VNQDĐ.

Đầu thập niên 1990, theo chương trình HO, nhiều Đ/c đến định cư tại Hoa Kỳ, trong đó có Đ/c Chu Tử Kỳ. Các Đ/c lại tiếp tục lo vận động thống nhất VNQDĐ. Trong đại hội Liên Lhâu 1994, Đ/c Lê Hưng được suy cử Đệ Nhất Bí Thư  Tổng Bộ Chấp Hành.

            Đến nhiệm kỳ thứ hai, tháng 8, 1998 đồng chí Lê Hưng lại được bầu cử chủ tịch Hội Đồng Pháp Quy Trung Ương VNQDĐ cho đến nay.

            Trên 70 tuổi, ngoài vai trò được đoàn thể giao phó, Đ/c Lê Hưng còn được Đảng ủy nhiệm công tác đặc biệt là tu chính, bổ túc và hoàn tất sử  Đảng và viết lại hồi ký về hoạt động của Đảng qua các thời kỳ đầy biến động của lịch sử.

            Ngày 10 tháng 11 năm 2002 vừa qua, Hội Nghị Trù Bị  Trung Ương mở rộng  chuẩn bị cho đại hội  Đảng sắp đến. Đ/c đã về tham dự và đã góp nhiều ý kiến xuất sắc được giới trẻ nhiệt liệt tán thưởng. Trên đường về nhà chẳng may đồng chí đã bị tai nạn giao thông tại thành phố Garden Grove đã vĩnh viễn ra đi. Hồi tưởng lại sự nghiệp cách mạng trong nghẹn ngào xin anh linh đồng chí chứng giám cho chúng tôi được nói sơ lược về tâm tình đồng chí qua những hoạt động đầy hào hùng bi tráng của đồng chí. 

Những ngày còn tại Việt Nam Đ/c Lê Hưng sống rất giản dị, luôn luôn trung thực, thể hiện tình cảm chân thành với anh em cho nên từ già đến trẻ đều quý mến đồng chí.

Đến Hoa Kỳ, Đ/c Lê Hưng vẫn giữ nếp sống giản dị chân thành như cũ, không hề bị ảnh hưởng trước nhu cầu vật chất xứ người. Ngay cả không có người bạn đời vì muốn dùng toàn thời gian để cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Tóm lại Đồng chí Lê Hưng luôn luôn thể hiện tinh thần sống khắt khe nên dễ bị hiểu lầm là người quá cứng cỏi, nhưng thật ra nếu ai sống gần mới rõ được tấm lòng chân thành của đồng chí đối với Đảng với Nước, luôn luôn quý mến anh em, không muốn làm phiền  đến ai và luôn luôn thể hiện tính hòa đồng. Nhất là với thế hệ trẻ, hễ có dịp gặp nhau Đ/c Lê Hưng luôn luôn tìm cách trao đổi với giới trẻ những hiểu biết thấu đáo của Đ/c về Đảng, về con người, về kinh nghiệm đấu tranh cách mạng…. Đ/c luôn luôn hướng giới trẻ với một tâm nguyện “ Tương lai của Tổ Quốc và Dân tộc là của các bạn trẻ. Tuổi trẻ hãy tìm vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, để hiến dâng, phục vụ tổ quốc“  và một điểm đặc biệt khác nữa là – Không bao giờ thỏa hiệp với bọn phi, phản cách mạng, luôn luôn tỏ tấm lòng son sắt với Đảng với nước.

Suốt cuộc đời đấu tranh gian khổ, truân chuyên lưu lạc và dày dặn kinh nghiệm của đồng chí từ Việt Trì Phú Thọ cho đến Yên Báy Lào Cay, từ Thành Đô, Tứ Xuyên cho đến Côn Minh, Vân Nam, Hồng Kông, từ biên giới Việt Trung cho đến Bùi Chu, Phát Diệm qua đến Phnom-Penh, rồi về Sài Gòn , Chợ Lớn đến Hoa Kỳ.

Hôm nay, Đ/c đã vĩnh viễn từ giã anh em, chiến hữu, để về chốn vô cùng:                                                  

Một kiếp phong trần đầy bi tráng

Một tấm gương sáng đáng kính yêu

          Đồng chí Lê Hưng hưởng thọ 76 tuổi, một chiến sĩ cách mạng Quốc gia chân chính, một cán bộ Việt Quốc trung kiên, motä tấm gương đạo đức sáng ngời. Chúng tôi nguyện tiếp tục sự nghiệp vinh quang này và suốt đời noi gương đồng chí.

Xin thiên thu vĩnh biệt đồng chí!

 

(Ban Đảng Sử Việt Nam Quốc Dân Đảng – Đ/c Nguyên Lập sưu tập)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt