TC thủ tiêu nguồn tin CIA, phá hoạt động gián điệp Mỹ từ 2010 đến 2012

Bắc Kinh đã tiêu diệt hoặc bỏ tù hàng chục đầu mối tin tức địa phương cho các điệp viên CIA từ năm 2010-2012, gây tê liệt hoàn toàn hoạt động tình báo của Mỹ ở Trung Cộng.
Báo New York Times ngày 20/5 dẫn lời nhiều nhân viên tình báo Mỹ đương nhiệm hoặc đã về hưu cho biết chiến dịch trấn áp gián điệp này của Bắc Kinh bắt đầu từ năm 2010 và kéo dài trong 2 năm, nhưng nó gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động tình báo Mỹ những năm sau đó.

Ngay cả nội bộ những cơ quan hành pháp Mỹ cũng xảy ra chia rẽ vì chuyện này. Họ cho rằng bên trong CIA có nội gián, hoặc Trung Cộng đã có thể xâm nhập hệ thống tin tức bảo mật của CIA dùng để liên lạc với các đầu mối tin tức ở Trung Cộng. Đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. CIA và FBI cũng từ chối bình luận về tin tức mà NYT đăng tải.

Tieu diet 20 gian diep CIA, Trung Quoc lam te liet tinh bao My hinh anh 1
Binh sĩ Trung Cộng canh gác trước Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: NYT.

Tiêu diệt ngay trước mặt

3 nhân viên Mỹ nói với tờ NewYork Times rằng rằng một trong những đầu mối bất thình lình bị bắn chết ngay trước mặt người đồng nghiệp CIA của ông bên trong sân của một toà nhà chính phủ. Sự ra tay táo tợn này như lời đe doạ tới những người đang làm việc cho CIA.

Một số người khác thì bị bắt bỏ tù vì nhiều lý do khác nhau. Hai cựu nhân viên cao cấp Mỹ cho biết Trung Cộng đã tiêu diệt hoặc cầm tù khoảng 18-20 đầu mối tin tức của CIA tại nước này.

Sự mất mát “tài sản” tình báo tại Trung Cộng với số lượng lớn được các nhân viên Mỹ so sánh như sự thiệt hại tương tự thời Chiến tranh Lạnh, khi hai điệp viên phản bội đầy tai tiếng của CIA và FBI là Aldrich Ames và Robert Hanssen tiết lộ tin tức về hoạt động tình báo của Mỹ cho Moscow trong nhiều năm.

Tuy nhiên, sự việc cũng cho thấy Trung Cộng khá thành công trong việc phá vỡ những nỗ lực thu thập tình báo hòng đánh cắp các bí mật của nước này. CIA xem hoạt động gián điệp tại Trung Cộng là một trong những ưu tiên rất cao, nhưng hệ thống an ninh dày đặc tại đây gây ra nhiều khó khăn để một điệp viên phương Tây có thể khai triển mạng lưới đầu mối.

Dấu hiệu rắc rối xuất hiện lần đầu vào năm 2010. Khi đó, chất lượng tin tức của CIA về nội bộ chính phủ Trung Cộng được đánh giá là rất tốt. 4 cựu nhân viên Mỹ nói đây là kết quả của việc chiêu mộ được người từ sâu bên trong bộ máy của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự chất lượng này đi xuống đã kể cho đến cuối năm 2010. Đến đầu năm 2011, các nhân viên tình báo cao cấp phát hiện ra vấn đề rằng những nguồn cấp tin quan trọng nhất của họ đều đang dần dần biến mất.

Khi đó, FBI và CIA đều tiến hành các cuộc điều tra phản gián ngay tại hai cơ quan này. Từ một văn phòng bí mật ở bắc Virginia, các nhà điều tra phân tích kỹ lưỡng từng chiến dịch mà họ thực hiện ở Bắc Kinh. “Chiến dịch săn chuột”.

Khi ngày càng nhiều nguồn tin ở Trung Cộng biến mất, sự cấp bách của vấn đề trở thành gánh nặng với đội điều tra. Họ gần như nghiên cứu toàn bộ nhân viên ở Đại sứ quán Mỹ bất kể cấp bậc cao hay thấp. 

Một số người cho rằng Trung Cộng có thể đã bẻ khoá mật mã để xâm nhập vào hệ thống mà CIA dùng liên lạc với các đầu mối. Một số khác tin rằng trong CIA có kẻ phản bội, một giả thiết mà nhiều người thoạt đầu còn chần chừ để tin.

Trong lúc đó, chính quyền Obama gây sức ép rằng vì sao tin tức tình báo về Trung Cộng bỗng nhiên bị chậm lại.

Việc tìm kiếm kẻ phản bội trong CIA đã khoanh vùng được một số thành phần khả nghi. Nhóm điều tra chú trọng nhất vào một người Mỹ gốc Hoa tại CIA. Ông này đã nghỉ việc không lâu trước khi các đầu mối của điệp viên CIA bị mất tích hoặc bị tiêu diệt.

Một nhân viên Mỹ nói người đàn ông trên có quyền tiếp cận với tin tức về các nguồn cấp tin của CIA tại Trung Cộng, có tất cả dấu hiệu gây ra mối đe doạ theo đánh giá của nhóm điều tra.

Sau khi rời CIA, ông này chuyển đến sống tại một quốc gia châu Á và làm kinh doanh. Một số người cho rằng đây là cách cơ quan tình báo Trung Cộng đã sắp xếp để trả công.

Nhóm điều tra của CIA thậm chí đã gặp trực tiếp và chất vấn ông này về những chuyện như vì sao nghỉ việc ở CIA hoặc lý do chuyển sang đất nước châu Á trên để sinh sống. Tuy nhiên, họ không tìm thấy bằng chứng nào đủ thuyết phục để có thể bắt giữ đối tượng tình nghi.

Đến năm 2013, FBI và CIA đánh giá Trung Cộng đã thành công trong việc bịt kín các đầu mối rò rỉ tin tức cho gián điệp Mỹ, dù họ vẫn chưa thể biết rõ bằng cách nào.

Tuy nhiên, giờ đây CIA đang nỗ lực xây dựng lại mạng lưới nguồn cấp tin ở Trung Cộng, một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và rất tốn kém.

Theo New York Time

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt