Tập Cận Bình thiết lập một “chế độ Mao không có Mao”

Báo Le Monde, Brice Pedroletti phác họa hình ảnh nước Trung Hoa của Tập Cận Bình sau hai năm nắm hết quyền lực. Được mệnh danh là “Mao tân thời”, chủ tịch Trung Quốc sử dụng chính sách chống tham nhũng làm công cụ thanh trừng đối thủ trong quân đội và trong đảng Cộng sản.

Giấc mơ của Mao Trạch Đông là bắt kịp nước Mỹ vào năm 1970 và để thực hiện mục tiêu này Mao đã thi hành chính sách đại nhảy vọt “điên cuồng” với kết quả mà mọi người đều thấy. Mao thất bại nhưng Tập Cận Bình đã đưa GDP Trung Quốc có thể đuổi kịp Hoa Kỳ. Giấc mơ biến Trung Quốc thành một quốc gia hùng mạnh dường như đang thành hiện thực mặc dù còn đầy rủi ro. Theo giáo sư Willy Lam của Hồng Kông thì ông Tập tự cho mình là “Mao tân thời” : trật tự xã hội của Mao đặt “giai cấp công nông” lên trên đỉnh đã bị Tập thay thế bằng huyền thoại “lãnh đạo anh minh”.

Để thực hiện kế hoạch mà thực chất là để củng cố quyền lực? Tập Cận Bình gom hết mọi chức vụ quan trọng vào trong tay, tổ chức một mạng lưới dư luận viên khuynh đảo hệ thống internet, phương tiện tuyên truyền của thế kỷ, được hệ thống báo chí nhà nước phụ họa theo.

“Chống tham nhũng là chiêu bài để thanh trường đối thủ”

Bên trong đảng, Tập Cận Bình phá bỏ truyền thống bất thành văn “không đụng vào các lãnh đạo cao cấp”. Lấy chiêu bài triệt tham nhũng từ “ruồi đến hổ”, Tập Cận Bình bắt giam một cựu ủy viên thường trực bộ chính trị Chu Vĩnh Khang sau hơn một năm quản chế. Theo nhận định của một chuyên gia Pháp, Jean Philippe Beja, Tập tự tạo hình ảnh một người trong sạch. Như thời Mao, muốn bắt ai thì bắt một cách không do dự để đe dọa rằng không một lãnh đạo nào được an toàn.

Lãnh đạo số một của Hoa lục tuy thiếu tư thế chính đáng, không do Đặng Tiểu Bình chọn lựa như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, nhưng ông không quên lời dạy của Mao: “chính quyền trên đầu mũi súng”. Ngay sau khi lên nắm chức Tổng bí thư, Tập Cận Bình đã đọc một bài tham luận trước các đảng viên cao cấp, phân tích vì sao Liên Xô sụp đổ. Tập nhận mạnh đến vai trò của Hồng quân Liên xô, bị Gorbachev loại qua một bên nên Yeltsin mới thành công làm tan rã Liên Xô.

Để kiểm soát quân đội Trung Quốc, Tập Cận Bình sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để loại trừ những đối thủ từ Từ Tài Hậu đến Cốc Tuấn Sơn. Với chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, uy quyền của Từ Tài Hậu chỉ kém Tập Cận Bình có một cấp. Chính sách chống tham nhũng được họ Tập sử dụng đúng theo thủ đoạn của Mao Trạch Đông ngày trước : “khủng bố có tính toán phối hợp với bạo lực toàn diện”.

“Ban kỷ luật trung ương : toàn quyền sinh sát”

Để thi hành thủ đoạn này, Tập Cận Bình sử dụng cánh tay thép của ông là Ban kỷ luật trung ương mà chỉ nghe đến tên là đủ rét. Ủy ban này có toàn quyền sinh sát, muốn bắt giam cán bộ nào cũng được mà không một ai có quyền đặt vấn đề.

Nếu Tập Cận Bình thành công, theo chuyên gia Elisabeth Economy của tạp chí Foreign Affairs, thì Hoa lục sẽ trở thành một quốc gia độc đảng, trong sạch, đồng nhất, hùng mạnh kinh tế. Một Singapore khổng lồ được nuôi dưỡng bằng chất kích thích.

Tuy nhiên, cũng theo bà Elisabeth Economy, thì chiến lược của họ Tập có nhiều hạn chế. Chủ tịch Trung Quốc đã tạo ra nhiều bất mãn bên trong lẫn bên ngoài. Đàn áp đã làm chế độ mất đi sự hậu thuẫn của đông đảo công dân có tài năng thay vì khuyến khích thành phần này tham gia việc nước. Vì muốn cứu đảng , ông Tập Cận Bình bịt miệng những con người có tinh thần phê phán, những người phổ biến giá trị Tây phương đến nhân dân Trung hoa.

Gây thù chuốc oán

Bên ngoài, những kẻ thù cũ của Mỹ như Việt Nam cũng có khuynh hướng về Washington để đối phó với tham vọng của Bắc Kinh.

Theo Le Monde, Tập Cận Bình đã tự mâu thuẫn khi vừa muốn đem lại cho nhân dân một tương lai tươi sáng nhưng lại không cho người dân hấp thụ văn minh tây phương. Giáo sư Willy Lam lật tẩy đồng chí Mao tân thời : “Tập Cận Bình không có sáng kiến mới, mục tiêu chính của ông ta là thiết lập một chế độ độc tài đúng nghĩa và hiệu quả”.

Hiệp hội đọc sách “Liren” đã gặp bài học đau thương: vì khẩu hiệu “giúp thiếu niên nông thôn trở thành công dân bình thường, hữu dụng và tân tiến” hàng chục thành viên của hiệp hội trong đó có nhà báo của tạp chí Tài Kinh đã bị bắt giam trong tháng 8, gây xôn xao trong giới trí thức Bắc Kinh. Bị áp lực của an ninh, Hiệp hội phải giải tán hồi tháng 9.

Trung Quốc của Tập Cận Bình đáng ngại nhưng vẫn hấp dẫn giới tư bản quốc tế. Điển hình là tin trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos : Tập đoàn khách sạn số một Pháp Accor liên kết với Hoa Trú một đối tác Trung Quốc, đang làm chủ hơn 200,000 phòng hạng sang , để phát triển thị phần chiến lược tại Hoa lục.

Nhật báo kinh tế Pháp cũng dành hai trang để tường thuật và phỏng vấn chuyên gia châu Á về đợt chống tham nhũng hiện nay tại Trung Quốc với nhận định: “tùy tiện ở tính chất và đấu đá nội bộ trong thực chất.”

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt