Quân đội Hoa Kỳ: Một quan niệm toàn cầu về hòa bình và an ninh trong thế kỷ 21

Đại tướng Rchard Myer Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ 2001-2005 (hình 2002)

Tướng Richard B. Myers, sinh năm 1942, gia nhập Không Quân Hoa Kỳ năm 1965, đã từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam trước năm 1975. Sau 36 năm chiến đấu và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội Hoa Kỳ, ngày 11 tháng 9 năm 2001, ông được đề bạt giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đội Liên Quân Hoa Kỳ. Ông về hưu ngày 1-10-2005. Đại Tướng Myer cho rằng: “một trăm năm trước đây, những người làm công tác an ninh quốc gia của đất nước ta đã vật lộn với nhiều vấn đề y hệt hoặc rất giống với những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. “Xưa và nay, các cường quốc khu vực có thể đe dọa lợi ích của đất nước chúng ta trong những cuộc xung đột ở nơi xa. Ngày xưa, cũng như bây giờ, xung đột nội bộ xuất phát từ hận thù tôn giáo, kình địch sắc tộc, xung đột bộ lạc, có thể, và thường dẫn tới đổ máu. Và xưa cũng như nay, quân đội Hoa Kỳ vẫn thường có vai trò trong thời điểm quyết định để tái lập hòa bình”. Bài viết này dựa trên bài phát biểu của Tướng Myers tại một buổi họp gần đây ở Viện Brookings tại Washington.
Quân đội Hoa Kỳ: Một quan niệm toàn cầu về hòa bình và an ninh trong thế kỷ 21

Tướng Richard B. Myers

Hãy cùng nhìn lại tháng chín (biến cố 911), khi đất nước bị sốc bởi cuộc tấn công của những kẻ cực đoan. Sau vụ đó, Tổng Thống đã tuyên bố rằng những kẻ cực đoan đã đánh vào “chính trái tim của nền cộng hòa Mỹ”. Và như vẫn thường xảy ra sau những sự kiện như thế thị trường chứng khóan bị sụt giảm. Đương nhiên những động lực cho cuộc tấn công đó một phần là do người khác nhận thức về nước Mỹ và vai trò của chúng ta trên thế giới. Ví dụ, đất nước Philippin đã vướng vào một cuộc xung đột giữa cộng đồng Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo của họ. Và quân đội Hoa Kỳ đã có mặt ở đó để giúp đỡ.

Bây giờ ai đó có thể nghĩ rằng tôi đang nói về tháng 9 năm 2001. Nhưng thực ra tôi đang đề cập tới tháng 9 năm 1901. Vấn đề là ở chỗ có những sự kiện giống nhau trong lịch sử.

Một trăm năm trước đây, cuộc tấn công quá khích mà tôi đã đề cập tới được tiến hành bởi một kẻ chủ trương vô chính phủ căm thù nước Mỹ và tất cả những gì nước Mỹ ủng hộ. Họ đã trút cơn thịnh nộ của mình bằng việc ám sát Tổng thống William McKinley. Tất nhiên là ngày nay có lẽ chúng ta sẽ không gọi họ là một kẻ chủ trương vô chính phủ mà họ sẽ là một kẻ cực đoan hoặc có lẽ là một kẻ khủng bố. Cũng một trăm nước trước, dân tộc ta đã tranh luận về Thuyết Bành Trướng do định mệnh của nước Mỹ, khi mà nước ta thu nạp thêm những lãnh thổ mới như Wake hay Guam hay Hawaii và tất cả những nơi đó đều là lãnh thổ của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên cuộc tranh luận ngày nay là về vai trò của Hoa Kỳ trong toàn cầu hóa.

Năm 1901, các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã phải điều chỉnh để có thể đương đầu được với những thách thức mới. Tổng thống Teddy Roosevelt đã đấu tranh ủng hộ những nỗ lực mà ngày nay chúng ta gọi là cải tổ. Hải Quân Hoa Kỳ khi ấy xếp thứ tư hay thứ năm gì đó trên thế giới. ở Đại Tây Dương lúc đó, Hải quân Đức có 12 chiến hạm so với 8 chiến hạm của Hoa Kỳ. Và để giải quyết vấn đề này, ngài Roosevelt đã đóng thêm 24 chiến hạm lớn. Hạm đội này được gọi là “Hạm Đội Trắng Vĩ đại” và hạ thủy vào năm 1907. Lực lượng bộ binh cũng trải qua những thay đổi tương tự khi họ chuyển sang sử dụng súng trường Enfield. Họ cũng sử dụng lưỡi lê mới bởi vì những lưỡi lê cũ bị cong trong những trận chiến giáp lá cà.

Nhưng điều khiến cho những nỗ lực ấy biến chuyển to lớn không phải là sự thay đổi về vũ khí; mà đó chính là những thay đổi về suy nghĩ và tổ chức. Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời tổng thống Roosevelt, ngài Elihu Root, đã sáng lập Trường Cao đẳng Chiến tranh Quốc Gia tại Pháo Đài McNair nhằm trang bị cho các sĩ quan quân đội sự mẫn cảm để tiên đoán trước các tình huống trong bối cảnh quốc tế mới lúc đó. Ông cũng thành lập bộ phận tham mưu quân đội, để cho quân đội có trong tay một lực lượng chuyên gia kế hoạch nòng cốt. Điều này giúp đảm bảo rằng quân đội có được sự linh hoạt để đương đầu với những thử thách mới của việc chuyển từ một lực lượng hoàn toàn chú trọng vào Hoa Kỳ thành một lực lượng có những mối quan tâm toàn cầu.

Luận điểm của tôi là một trăm năm trước đây, những người làm công tác về an ninh quốc gia của đất nước ta đã vật lộn với nhiều vấn đề y hệt hoặc rất giống với những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. Xưa và nay, các cường quốc khu vực có thể đe dọa lợi ích của đất nước chúng ta trong những cuộc xung đột ở nơi xa. Ngày xưa, cũng như bây giờ, xung đột nội bộ xuất phát từ hận thù tôn giáo, kình địch sắc tộc, xung đột bộ lạc, có thể, và thường dẫn tới đổ máu. Và xưa cũng như nay, quân đội Hoa Kỳ vẫn thường có vai trò trong thời điểm quyết định để tái lập hòa bình.

Nhưng so với một trăm năm trước đây, tôi nghĩ rằng môi trường an ninh trong thế kỷ 21 của chúng ta rất khác biệt do có hai thay đổi sâu sắc. Thứ nhất là sự hiện diện của những chủ thể xuyên quốc gia. Họ cố tình tìm kiếm thánh địa của mình trên lãnh thổ những quốc gia thù địch. Hoặc họ nghiễm nhiên tìm được thánh địa trên lãnh thổ những quốc gia suy yếu hoặc ở những vùng vô chính phủ.

Thay đổi sâu sắc thứ hai là việc tất cả các bên tham chiến giờ đây được tiếp cận với những phương tiện tinh vi hơn rất nhiều. Có lẽ chính sự bùng phát của ngành công nghiệp viễn thông toàn cầu vĩ đại của chúng ta đã cho phép các quốc gia thù địch cũng như những kẻ khủng bố tiếp cận với một kho báu thông tin. Các thị trường vũ khí thời kì hậu Chiến Tranh Lạnh đem lại cho họ nhiều loại vũ khí khác nhau – các loại rada tối tân, những chiếc tàu ngầm hiện đại,v.v…Thật không may, những thị trường này bao gồm cả những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như: vũ khí hóa học, sinh học, chất phóng xạ, vũ khí hạt nhân, và công nghệ để sản xuất và sử dụng chúng. Và sự phổ biến công nghệ cao này làm nổi bật một xu hướng trong chiến tranh có khả năng tác động sâu sắc tới nền an ninh của chúng ta.

Kể từ thời của sử gia Thucydides, tiền đề cho xung đột giữa các quốc gia là việc các nước mạnh hơn có thể đánh bại các nước yếu hơn. Đó đã từng là lẽ thường tình. Điều đó là gần đúng trong khoảng 70% thời gian của hai thế kỷ qua. Nhưng như chúng ta đã trải qua ở Việt Nam, hay như Liên Xô đã trải qua ở Afghanistan, các cường quốc có thể thất bại do sự không tương xứng về mặt lợi ích.

Một vấn đề thứ yếu đối với một nước mạnh có thể là một vấn đề cốt lõi mang tính sống còn đối với một nước yếu hơn. Khi đó, sự chênh lệch về lợi ích này có thể chuyển thành sự chênh lệch về nỗ lực của mỗi bên. Đó là một lý do tại sao một nước yếu có thể chiến thắng những ý đồ sắp đặt của một nước mạnh hơn.

Và từ năm 1980, một nhà khoa học về chính trị đã thông báo rằng xu hướng thành công của những nước yếu hơn trên thực tế đã tăng lên bởi vì những nước này đã giành thắng lợi trong phân nửa thời gian của 20 năm qua.

Và giờ đây nếu bạn cộng thêm các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt vào phương trình này, bạn sẽ có một tình huống trong đó những chủ thể tương đối yếu có thể tiếp cận được sức mạnh hủy diệt kình địch với cái mà những quốc gia hùng mạnh nhất có được. Các chủ thể yếu có thể có khả năng giáng những đòn hủy diệt chưa từng thấy vào một cường quốc. Với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tay, họ có thể đặt những bộ phận lớn của các xã hội trong vòng nguy hiểm.

Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, chúng ta đứng trước nguy cơ xung đột hạt nhân với một siêu cường, nhưng sự răn đe đã kìm chế được nguy cơ đó bởi vì chúng ta đã đặt vào vòng nguy hiểm một thứ gì đó rất quí giá của đối thủ. Về bản chất, đó chính là sự sống của họ.

Ngày nay, nếu một nước yếu là một mạng lưới khủng bố với những khí hủy diệt hàng loạt thì sự răn đe không phải lúc nào cũng có tác dụng. Khi mà họ sẵn sàng liều chết để xúc tiến chương trình của mình thì chúng ta có thể đặt vào vòng nguy hiểm điều quí giá gì của họ đây?

Tình thế tiến thoái lưỡng nan nói trên phản ánh bản chất chưa từng có của môi trường an ninh ngày nay. Và để đương đầu với những thách thức vô cùng to lớn này, gần đây Tổng thống đã công bố một Chiến lược An ninh Quốc gia mới. Nhằm ủng hộ chiến lược đó, tôi xin trình bày với các bạn ba suy nghĩ chung về vai trò của quân đội trong việc góp phần thực hiện chiến lược an ninh quốc gia mới của chúng ta.

Suy tính thứ nhất là quân đội Hoa Kỳ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Tất nhiên chúng ta phải tăng cường an ninh để chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến của đất nước ta. Nhưng trong nhiệm vụ của chúng ta ngày nay, không gì quan trọng hơn việc phòng thủ ngay chính tại đất nước mình. Và đó là lý do tại sao chúng ta đã tiến hành một loạt những thay đổi rất quan trọng trong cách thức mà Tổng thống chỉ đạo chúng ta thực hiện công việc của mình. Chúng ta gọi đó là Kế hoạch Chỉ huy Thống nhất. Đó là cách mà Tổng thống nói “Đây là điều tôi muốn những Bộ Tư lệnh của các anh làm”.

Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta đã làm là thành lập Bộ Tư lệnh miền Bắc Hoa Kỳ. Lực lượng này được thành lập hôm 1/10/2002, tức là mới chỉ hơn một tháng tuổi. Và sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ biết đích xác mình sẽ đi về đâu. Phải mất khoảng một năm để đi tới cái mà chúng ta cho rằng sẽ là năng lực hoạt động đầy đủ của lực lượng này. Chúng ta trao cho nó nhiệm vụ răn đe, ngăn ngừa và đánh bại những cuộc tấn công nhằm vào Hoa Kỳ. Và nếu cần thiết, khi xảy ra một cuộc chiến hay một thiên tai, Bộ Tư lệnh miền Bắc sẽ cung cấp những tài năng và kĩ năng của các lực lượng vũ trang của chúng ta để trợ giúp, và trong hầu hết các trường hợp, là cấp dưới của các nhà chức trách dân sự trong bất kỳ tình huống gay cấn nào.

Luồng thông tin là yếu tố then chốt đối với tính hiệu quả của Bộ Tư lệnh miền Bắc trong việc thực hiện sứ mệnh mà tôi mô tả ở trên. Điều này không chỉ đúng trong Bộ Quốc phòng hay trong Bộ Tư lệnh miền Bắc mới này, mà cũng đúng đối với tất cả các bộ và các cơ quan của Liên bang có dính dáng tới việc bảo vệ an toàn cho chúng ta.

Trong môi trường an ninh mới của mình, chúng ta biết rằng tất cả đều có vai trò nhất định – tôi cho rằng từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Hải quan, các cơ quan tình báo, FBI cho đến tận các cơ quan, ban ngành thực thi pháp luật ở địa phương đều như vậy.

Gần đây, tôi đã có may mắn được xem xét một chương trình mà chúng ta đang thử nghiệm và hi vọng sẽ đưa tới thành công tương đối nhanh chóng. Đó là dự án mà chúng ta gọi là Bảo vệ nước Mỹ và cái tên này nghe có vẻ đơn giản. Nó liên quan đến việc tổng hợp các phương pháp kĩ thuật theo một cách chưa từng được làm, ít ra là trong chính quyền. Đó là một công cụ cộng tác và tương tác trên mạng hứa hẹn rất nhiều trong việc tổng hợp dữ liệu từ những người khác nhau và cho phép mọi người tương tác với những dữ liệu đó. Cấu trúc của công cụ này cho phép việc tập hợp dữ liệu tự do diễn ra cho đến khi nó trở nên quan trọng đối với bạn.

Những loại công cụ như thế này vô cùng quan trọng nếu như chúng ta muốn đạt tới sự nhanh nhẹn và linh hoạt cần thiết để đối phó với nguy cơ khủng bố mà chúng ta đang thấy ngày nay. Các công cụ này sẽ cho phép chúng ta suy nghĩ nhanh hơn đối thủ của mình. Tôi nghĩ rằng trong cuộc chiến ở Afghanistan trước đây chúng ta hoàn toàn tư duy nhanh hơn đối thủ. Tôi nghĩ hiện giờ bạn có thể lập luận rằng chúng ta đang suy nghĩ không đủ nhanh, rằng chúng ta chưa đọc được bên trong những những quyết định của đối thủ khi chúng ta muốn. Chúng ta cần phải đẩy mạnh việc đó.

Một yếu tố phức tạp khác là dòng thông tin này phải hoạt động thật tốt không chỉ bên trong nước Mỹ. Nếu muốn đối phó có hiệu quả với nguy cơ khủng bố nói trên thì đương nhiên chúng ta phải đủ khả năng tương tác với một nền tảng thông tin chung, ít nhất là về mặt cung cấp thông tin.

Tôi coi Bộ Tư lệnh miền Bắc mới của chúng ta là nhân tố xúc tác giúp cho các bộ phận khác của chính phủ phát triển những kĩ thuật chia sẻ thông tin nói trên – giữa một cảnh sát đi tuần tra và phát hiện có điều bất thường, đáng chú ý đang xảy ra, với đội Lính tuần duyên theo dõi tàu thuyền vào các cảng của chúng ta, và với những cá nhân chỉ muốn gọi đến và tường trình một sự việc gì đó. Sẽ phải có một cách quản lý nào đó nhằm tránh làm tràn ngập thông tin trong hệ thống thực thi pháp luật, và đó là điều mà tôi đang cố đề xuất. Đây là những việc mà chúng ta phải làm ngay bây giờ.

Đồng thời, chúng ta cũng phải đảm bảo rằng quân đội của mình sẵn sàng cho ngày mai. Và đó không phải là việc chúng ta có thể để đến ngày mai, đó là việc chúng ta phải làm ngay hôm nay để chuẩn bị cho ngày mai. Vì thế chúng ta đã thực hiện một số thay đổi khác với Kế hoạch Chỉ huy Thống nhất của mình. Chúng ta có một Bộ Tư lệnh ở Norfolk, bang Virginia, gọi là Bộ Tư lệnh các Lực lượng Liên quân, và hiện nay chúng ta giao cho họ nhiệm vụ chủ yếu là cải cách quân đội của chúng ta về mặt diễn tập và thử nghiệm. Và chúng ta đã xóa bỏ một vai trò mà Bộ Tư lệnh này từng có – đó là Tư lệnh Liên minh Tối cao Đại Tây Dương, một Bộ Tư lệnh thuộc NATO. Có một số tranh cãi xung quanh việc này, nhưng dù sao chúng ta cũng đã tiến hành. Và tình hình có lẽ sẽ tiến triển theo hướng Bộ Tư lệnh ở Norfolk nói trên cũng sẽ có một vai trò trong NATO, họ sẽ làm về vấn đề cải cách và khả năng liên kết hoạt động giữa Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Điều này vẫn còn trong giai đoạn đề xuất, nhưng có lẽ tình hình sẽ đi theo hướng đó.

Suy nghĩ thứ hai là về vai trò của quân đội chúng ta ở đây, thế kỷ 21, và vấn đề địa lý. Bạn có thể đặt câu hỏi: liệu quân đội chỉ nên tập trung vào khu vực hay nên mở rộng quan tâm ra toàn cầu? Tôi xin trả lời không do dự là nên mở rộng. Một mặt, chúng ta cần tập trung vào khu vực vì những lợi ích của chúng ta thường nằm ở đây. Đó là nơi chúng ta phải duy trì một năng lực phản ứng cục bộ. Các tư lệnh chiến đấu khu vực – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh châu Âu, Bộ Tư lệnh Trung tâm, và Bộ Tư lệnh miền Nam – có nhiệm vụ giữ vững ổn định, vun đắp quan hệ hợp tác quân sự tốt đẹp giữa các lực lượng, và cung cấp lực lượng phản ứng tức thời trước các cuộc khủng hoảng – từ khủng hoảng nhân đạo đến các cuộc xung đột.

Mặc khác, chúng ta biết rằng có những nguy cơ nhất định vượt ra ngoài biên giới khu vực và lĩnh vực chính trị. Vì thế phản ứng của chúng ta cũng phải vượt ra ngoài những ranh giới ấy. Và điều đó có nghĩa là chúng ta cũng phải có một năng lực phản ứng toàn cầu tương xứng với năng lực phản ứng cục bộ của mình, xét trên hầu hết các khía cạnh thì hiện nay chúng ta chưa có năng lực này. Đây là một vấn đề sẽ còn tiếp tục phát triển.

Chúng ta đã lập ra một Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ mới ở Omaha. Chúng ta vốn đã có một Bộ Tư lệnh Chiến lược ở Omaha, nhưng chúng ta đã trao cho nó một sứ mệnh rất mới bằng việc xóa bỏ Bộ Tư lệnh Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ ở Colorado Springs và sáp nhập hai lực lượng này lại thành một Bộ Tư lệnh hoàn toàn mới. Chúng ta cũng đang xem xét việc giao cho Bộ Tư lệnh này những nhiệm vụ mới chưa từng được phân công trước đây.

Tôi cho rằng các nhiệm vụ này sẽ phản ánh những năng lực toàn cầu mà chúng ta cần có như phòng thủ tên lửa chẳng hạn. Cần xem xét những vấn đề như tấn công tổng thể, các hoạt động thông tin, và xem xét việc tiến hành các hoạt động chỉ huy và kiểm soát, tình báo, giám sát, và do thám trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ trong từng khu vực.

Tôi xin giải thích với các bạn về vấn đề phòng thủ tên lửa. Tình huống giả định là: một tên lửa được phóng đi từ Iraq tới Israel. Iraq tình cờ thuộc phạm vi của một trong các Bộ Tư lệnh khu vực của chúng ta, đó là Bộ Tư lệnh Trung tâm. Còn Israel ngẫu nhiên thuộc phạm vi của Bộ Tư lệnh châu Âu. Thế là ngay lập tức chúng ta có hai Bộ Tư lệnh liên quan, và có lẽ là cả Bộ Tư lệnh Chiến lược nữa.

Những loại sự kiện như thế vốn liên quan đến nhiều Bộ Tư lệnh và về bản chất mang tính toàn cầu nhiều hơn là tính khu vực. Vì thế, để làm tốt công việc, chúng ta cần có một phương pháp tiếp cận toàn cầu đối với cách thức phối hợp trong việc cảnh báo tên lửa, chỉ huy và kiểm soát của mình, cũng như những cấp độ phòng thủ và tấn công mà chúng ta có. Và chúng ta cần có một tư lệnh xem xét vấn đề một cách tổng thể trên phạm vi toàn cầu.

Và đó là một vài ví dụ giải thích điều mà chúng ta đang thảo luận trong việc xây dựng một cái nhìn mang tính toàn cầu hơn về thế giới. Và nó đặc biệt hữu dụng khi nghĩ đến việc đối phó với những kẻ khủng bố bởi vì chúng chẳng tôn trọng bất cứ ranh giới nào. Chúng di chuyển tới lui rất, rất dễ dàng.

Thứ ba là một vấn đề gần đây được bàn bạc rất nhiều. Nó nằm trong chiến lược an ninh quốc gia, và quân đội đóng một vai trò trong vấn đề này. Đó là vấn đề hành động phủ đầu. Đôi lúc bạn tự hỏi không hiểu thực ra người ta đã đọc chiến lược an ninh quốc gia hay chưa, nhất là nếu như bạn lưu ý tới rất nhiều bài báo về vấn đề này.

Bởi vì nếu bạn đã đọc rồi, bạn sẽ nhận ra rằng chiến lược an ninh quốc gia thật sự mô tả việc sử dụng tất cả các công cụ trong sức mạnh của quốc gia để ngăn ngừa một cuộc tấn công. Nó chỉ rõ tại sao vấn đề hành động phủ đầu lại phải bao gồm cả việc tăng cường các nỗ lực chống phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, sử dụng các công cụ ngoại giao và tài chính để ngăn không cho công nghệ của các loại vũ khí này rơi vào tay những kẻ xấu. Và nó cũng bàn về việc đảm bảo rằng các lực lượng quân đội của chúng ta được trang bị đầy đủ để đối phó với một môi trường có các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ bên tham chiến nào muốn sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chấm dứt việc đắn đo suy nghĩ xem liệu mình có khả năng đạt được hiệu quả mong muốn hay không. Chiến lược nêu rõ rằng vấn đề hành động phủ đầu hoàn toàn không cần bao gồm việc sử dụng tấn công quân sự.

Tôi xin nêu lên là khái niệm này thực ra không mới đối với người Mỹ. Trên thực tế, chính Tổng thống Franklin Roosevelt (FDR) đã nói về nó trong những ngày trước trận Trân Châu Cảng, trước khi Hoa Kỳ tham gia vào Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trong một buổi nói chuyện phát thanh với nhân dân của Tổng thống hôm 11/09/1941, FDR đã nói về việc một chiến tàu ngầm của Đức quốc xã trước đó đã tấn công tàu khu trục USS GREER ở gần Iceland. Ông nói với nước Mỹ, “Xin đừng nói rằng: Chúng ta sẽ chỉ phòng thủ nếu như quả ngư lôi đó trúng đích hoặc nếu như thủy thủ đoàn và các hành khách bị chết chìm. Giờ đây đã đến lúc phải chủ động phòng thủ”.

Ngoài ra, luật pháp quốc tế từ lâu đã thừa nhận chính điều mà FDR đã nêu. Một dân tộc không nhất thiết phải đợi đến khi bị tấn công rồi mới hành động. ở vào thời của FDR, chịu đựng cuộc tấn công vô cớ bằng ngư lôi phải hi sinh vài trăm nhân mạng của thủy thủ và dân thường. Đó quả là một bi kịch. Nhưng ngày nay, chịu đựng một đợt tấn công đầu tiên bằng vũ khí hóa học, sinh học, hay phóng xạ, hạt nhân có thể phải hi sinh hàng chục nghìn mạng sống của người dân vô tội, có lẽ còn nhiều hơn thế nữa. Đó là sẽ một thảm cảnh. Vì thế những vấn đề mà chúng ta phải tranh luận là: Chúng ta có thể và có nên chấp nhận nguy cơ này không? Và trong thời đại ngày nay đã hoàn toàn khác trước, liệu một dân tộc tự do có nhất định phải đợi đến khi mối đe dọa đã thực sự hiện hữu rồi mới hành động không? Hay bạn có thể hành động nếu như có một sự kết hợp nào đó giữa khả năng tiềm ẩn và động cơ lộ rõ của một cuộc tấn công mà bạn không cho rằng mình có khả năng ngăn chặn? Tôi nghĩ rằng một cuộc thảo luận rộng mở về những vấn đề như thế này là rất, rất quan trọng và rất, rất bổ ích.

Theo quan điểm của tôi, hầu như bất kỳ cuộc thảo luận nào của chúng ta trong tương lai đều phải tính đến vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt và thay đổi to lớn mà chúng đem lại trong môi trường an ninh của chúng ta. Nếu những kẻ khủng bố hay những quốc gia thù địch ở khu vực có được chúng, họ sẽ đặt xã hội của chúng ta và tất nhiên là cả những xã hội của bạn bè và đồng minh của chúng ta vào vòng nguy hiểm.

Và để góp phần chống lại nguy cơ đó, các Lực lượng Vũ trang của chúng ta đang tăng cường khả năng hoạt động theo một phương thức cố kết chặt chẽ và mang tính toàn cầu. Chúng ta phải có quan điểm toàn cầu đó và đưa năng lực toàn cầu lên ngang tầm với những năng lực cục bộ của mình. Và chúng ta phải bàn về rủi ro – rủi ro của việc hành động, và tất nhiên là cả rủi ro của việc không hành động, và khi nào Hoa Kỳ nên hành động trong việc phòng thủ của chính mình.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt