Người Thương Binh VNCH Tự Thiêu
Người thương binh Việt Nam Cộng Hoà, một thời chiến đấu hy sinh một phần thân thể cho tự do dân chủ, rồi mất nước, các anh bị vùi dập trên một tấm thân thương tật lê lết trong cuộc sống cùng cực… hôm nay anh đã tự thiêu, một hành động đáng ngưỡng mộ nói lên sự hy sinh cuối cùng của anh tố cáo chế độ Cộng Sản độc tài.
Chuyện về anh thương binh tự thiêu
Văn Quang
Vào buổi sáng sớm tinh mơ ngày thứ ba 29 tháng 7 -2008 vừa qua, tôi nhận được cú điện thoại của anh Trần Văn Giáo (người mà anh em Thương phế binh (TPB) vẫn gọi là “Trưởng Làng” TPB Thủ Đức). Anh vẫn có giọng nói điềm tĩnh, nhưng sáng nay đầy tức tưởi:
– Anh ơi, đêm qua có một anh em mình tự thiêu.
(Anh Nguyễn Văn Báu, thương binh Việt Nam Cộng Hòa khi còn sống cụt hai chân)
Tôi hiểu ba tiếng “anh em mình” ở đây có nghĩa là một anh thương binh VNCH nào đó. Tôi chưa kịp hỏi thêm, anh Giáo đã tiếp:
– Hiện nay đang nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy.
– Tình hình thế nào rồi?
– Rất nguy hiểm, chắc khó qua khỏi.
Trong đầu tôi bị ám ảnh bởi hai tiếng “tự thiêu”, chắc là có điều gì bất mãn nên tôi hỏi ngay:
– Lý do nào anh ấy… tự thiêu? Có phản đối điều gì không?
– Không phản đối ai cả, chỉ vì cái nghèo và bệnh tật của mình. Không muốn làm khổ vợ con. Bây giờ gia đình anh ấy chưa có tiền đóng tiền bệnh viện.
Việc này trong khả năng chúng tôi có thể lo được, song tôi chưa rõ số tiền của độc giả và đồng đội ở nước ngoài gửi tặng, anh Giáo còn giữ bao nhiêu vì từ Tết tới nay đã chi nhiều rồi. Tuy nhiên tôi vẫn trấn an:
– Anh yên tâm, mình sẽ lo cho anh ấy. Tôi sẽ lên bệnh viện ngay bây giờ.
Anh Giáo nói có một số anh em đang ở đây, nếu muốn đi, sẽ cùng đi luôn.
Lúc này tôi mới nhớ ra rằng chưa biết tên người tự thiêu là ai. Thật ra là ai thì cũng thế thôi, nhưng điều cần biết vẫn cứ phải biết:
– Anh ấy tên là gì nhỉ?
– Anh Nguyễn Văn Báu, thương binh cụt hai chân. Ở Bình Hưng Hòa. Anh xem trong danh sách những kỳ tặng quà vừa rồi có tên đấy, anh ấy được tặng một triệu đồng.
Trong khi chờ các anh em đến gặp, tôi mang danh sách ra tìm tên người tự thiêu. Chúng tôi thường phải có những địa chỉ rất cụ thể để tìm nhau cho dễ và tránh thất lạc nếu có gửi quà thì đích thân anh em mang đến.
Người tự thiêu là Nguyễn Văn Báu, trước đây là Binh 2, của Tiểu đoàn 52, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân. Anh bị thương tại mặt trận Bình Long- An Lộc năm 1972. Địa chỉ hiện nay là nhà thuê ở số 15, Đường 19A, Tổ 69, Khu Phố 4, Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân, TP. Sài Gòn. Điện thoại là số gọi nhờ nhà hàng xóm số 08- 4087517.
Nửa giờ sau, anh Giáo cùng vài anh em thương binh đến nhà tôi. Hôm đó tôi có dự định gặp một số anh em để bàn về vài việc phải làm. Nên có cả Đoàn Dự và Hàm Anh cùng đến.
Đến bệnh viện để được chờ…
Hai chiếc xe gắn máy ba bánh, loại xe dành cho người tàn tật, của anh TB Tân Lưu Thạnh và Nguyễn Văn Đẹp đậu sẵn trước cầu thang chung cư. Nguyễn Văn Đẹp vẫy tôi:
– Anh đi xe này với em nhá.
Anh Đẹp, chúng tôi thường gọi đùa là Robinson, vì khi giã từ quân ngũ tháng 4 năm 1975, về thành phố, không một mảnh đất dung thân, ở đâu cũng bị đuổi, anh liền mang gia đình ra sống giữa cái cù lao của dòng sông Sài Gòn. Trên đường đi Thủ Đức có thể nhìn thấy khu cù lao này chơ vơ giữa ngã ba sông. Nơi không có làng xã nào dính vô, đồng nghĩa với không có địa chỉ, không có hộ khẩu, và cũng chẳng có chứng minh nhân dân… Trong người anh chỉ có mỗi cái Thẻ Căn Cước Quân Nhân chứng nhận anh là… người. (Tôi đã có lần tường trình với bạn đọc trong loạt bài này). Anh sống cùng gia đình như giữa hoang đảo. Nhưng hai năm gần đây, vì cần đất làm khu giải trí hay công nghiệp gì đó nên người ta “đền bù” cho anh một số tiền rồi đưa gia đình anh “lên bờ”.
Tôi leo lên chiếc xe ba bánh, lần đầu tiên tôi được đi trên chiếc xe gắn máy ba bánh của người tàn tật. Loại xe đặc biệt nên hai chiếc ống nhún rất tốt làm chiếc xe lắc tới lắc lui, ngồi phía sau nghiêng ngả giữa lòng thành phố đầy những lô cốt. Chúng tôi đến bệnh viện Chợ Rẫy trong không khí lộn xộn, hàng chục khu linh tinh đầy rẫy những người bệnh, người đưa bệnh, người chờ được khám bệnh… Kẻ nằm, người ngồi ngay tại chân cầu thang, trải miếng vải hay cái chiếu, túm tụm quanh các vỉa hè… dưới con mắt lạnh lùng của các bác bảo vệ. Hầu hết những người đó là từ các tỉnh thành lân cận đến để… được chờ đợi. Nếu không biết trước chỗ nằm của người bệnh, khó tìm ra.
Một anh thương binh đêm qua đã từng tới đây, hướng dẫn chúng tôi gặp hai người con anh Báu. Người con trai lớn là Nguyễn Thành Tâm, sinh năm 1979 đã có vợ và hai con, làm nghề đạp xích lô. Người con gái út là Nguyễn Thanh Hiếu, sinh năm 1983, làm công nhân của công ty may Đại Quang cũng đã có 2 con. Còn một người chị nữa, chồng chết, đang đi bán vé số. Bà vợ anh Báu bị tai nạn đứt gân nhượng chân nên không đến bệnh viện được. Nhìn nét mặt hai người con anh Báu như vẫn còn thất thần, đau đớn vì tai nạn kinh hoàng đêm trước của bố, người con trai nước mắt lưng tròng, kể:
– Nhà em là nhà đi thuê, ở xóm lao động nghèo sau nghĩa trang Bình Hưng Hòa mà mỗi tháng phải trả một triệu hai. Mới đây chủ nhà lại đòi tăng lên triệu rưởi. Dưới nhà chật, chỉ đủ để hai chiếc xe đạp, xe gắn máy cũ. Chúng em ngủ trên gác xép. Bố em cụt hai chân nên trải chiếu nằm dưới nhà cho tiện. Gần một tháng vừa qua bố em bị bệnh tai biến, hai chân lại đau nhức và nhất là sạn thận hành hạ. Ông nằm rên suốt ngày mà cố giấu con cháu. Ông đau lắm, chúng em biết, đang cố chạy tiền đưa ông đi chữa bệnh.
Tôi nói ngay:
– Sao anh không cho chúng tôi biết?
(Người con trai và con gái đang đợi tại nhà thương đem xác anh Báu về)
Người con trai lắc đầu:
– Các bác, các anh còn giúp nhiều người khác, làm sao cúng em dám xin thêm, các bác giúp mấy lần đã làm gia đình em biết ơn lắm rồi. Có mấy chú thỉnh thoảng cũng đến cho, nhưng bạn thương binh cũ của bố em có ai làm ra tiền đâu. Các chú cũng chỉ bớt xén cho vài ba chục thôi.
Thật sự lúc này tôi có cảm tưởng như mình có lỗi với gia đình anh, dù biết rằng đó là điều tôi không thể với tới được. Những người thương binh đứng bên tôi cúi đầu, dường như họ cùng chung một ý nghĩ như tôi. Chỉ bởi một ý nghĩ “nếu mình biết trước mà giúp đỡ, chắc tai nạn đã không xảy ra”.
Hai chiếc chân cụt quẫy đạp trong đống lửa
Người con trai anh Báu kể tiếp:
– Đêm 27 tháng 7, vào khoảng 12 giờ, hàng xóm la lên có người cháy. Lúc đó gia đình em ở trên lầu mới đổ xô xuống. Một người đang cháy bùng bùng trong khoảng đất trống nhỏ trước cửa nhà. Khi nhìn thấy hai chiếc chân cụt quẫy đạp giữa đống lửa, lúc ấy gia đình em mới biết đó là bố em. Mọi người nhào vô cứu, nhưng ông đã cháy gần như 90% rồi. Tuy vậy, vẫn còn có thể dập tắt ngọn lửa được. Gọi xe cứu thương đưa ông vào bệnh viện. Nhưng theo bác sĩ cho biết thì không hy vọng gì cứu sống. Toàn thân ông cháy đen. Ông tưới xăng lên người, nhưng sợ cháy nhà, con cháu lại phải thường cho người ta, nên bò ra miếng đất trống trước cửa tự thiêu.
Hai người con lặng lẽ khóc. Cô con gái út sụt sùi:
– Hàng ngày bố cháu thường phải bò chứ có đi được đâu. Ông cố giấu mọi bệnh tật, mọi nỗi đau. Chỉ có lũ trẻ là biết ông nội đau, ông rên rỉ. Khi nào có mấy chú là “lính cũ” đến chơi là lúc bố cháu tươi tỉnh, lại râm ran nói về những chuyện chiến đấu, chuyện chung sống với anh em ngày xưa. Các chú ra về là bố cháu lại bó gối ngồi trước cửa nhìn trời!
Là công nhân nên cô gái nói năng có phần trôi chảy và có vẻ như cô con gái út thông cảm với tâm trạng bố mình nhiều hơn cả.
Tôi nói với anh Giáo mang hai trăm đô la Mỹ, đổi thành tiền VN đi nộp tiền “viện phí”. Người con trai kể:
– Trước khi vào bệnh viện, họ đòi ba triệu, chúng em chỉ mới vay muợn được một nửa, họ cho nằm, nhưng báo trước sẽ phải nộp sáu triệu.
Số tiền hai trăm đô la đổi được hơn ba triệu, vừa đủ cho khoản phải nộp đầu tiên. Thôi thì đến đâu lo đến đấy vậy.
Đợi mãi, mười giờ rưỡi sáng mới cho thăm bệnh. Anh Báu còn nằm trong khoa “săn sóc đặc biệt”, người con trai đưa tôi lên lầu 4. Nhưng cánh của song sắt vẫn đóng chặt. Một chị to béo ngồi canh cửa, chỉ những người có giấy chứng nhận nuôi bệnh mới được vào. Trong trường hợp của anh Báu thì người nuôi bệnh cũng chỉ được đứng ngoài nhìn qua khung kính. Tôi đã “lỉnh” được vào trong khu cửa sắt, nhưng rồi chị to béo gác cửa cũng lôi tôi ra. Tôi đi bài ca con cá: “Chị vui lòng cho tôi vào nhìn mặt anh bạn già của tôi một vài phút thôi”. Vẻ mặt chị gác cửa trở nên dữ dằn: “Không được”. Thấy tôi đứng tần ngần chị nạt: “Có đi không thì bảo”. Tôi vẫn đứng đó, bởi đứng ngoài khung cửa sắt vẫn là quyền của tôi. Chị lườm tôi, tôi vẫn “ngây thơ” nhìn chị, chẳng buồn cãi lý sự với những người như thế làm gì, còn đầy rẫy những nhân viên trong những cơ quan có tí quyền hành còn ngang ngược hơn. Tôi nghĩ giá mà có cái thẻ nhà báo thì may ra “thuyết phục” được chị này. Nhưng tôi chả là cái “thá” gì ở đây, đành quay xuống dưới nhà cùng anh em ra về vậy.
6 triệu một cái xác
Buổi chiều, khoảng 4 giờ, tôi lại nhận được tin báo: “Anh Báu mất rồi”. Đó là điều chúng tôi cũng đã tính đến từ trước. Người con của anh Báu đã nói, nếu bố cháu mất, phải có đủ sáu triệu nộp cho bệnh viện mới được mang xác về. Đó là quy định của bệnh viện. Một anh thương binh bàn:
– Thì cứ nói bố tôi đã tự thiêu vì không có tiền chữa bệnh, nhà tôi không có đủ tiền. Nếu không cho mang về thì chúng tôi xin “biếu” bệnh viện cái xác đó vậy.
Lời bàn có lý, nhưng đó chỉ là “nước cờ liều”, chúng tôi không nỡ nào để việc đó xảy ra. Bệnh viện cứ đòi, tất nhiên chúng tôi phải lo để mang được thi hài anh Báu về với gia đình.
Cho nên ngay buổi trưa hôm đó chúng tôi đã cùng nhau ngồi lại bàn bạc với nhau về số tiền mà độc giả của Tuần Báo Thời Báo ở Canada chuyển về giúp đỡ TPB và người nghèo. 200 đô Canada đã được trả “viện phí”, chúng tôi đồng ý trích thêm 300 nữa để gia đình anh Báu có thể lo hậu sự.
Rất may, khi biết gia đình nạn nhân quá nghèo, bệnh viện đã bớt cho 3 triệu. Số tiền còn lại mua áo quan, thuê mướn dịch vụ tang lễ cũng là tạm đủ cho lúc ban đầu. Lúc này mới thấy được sự giúp đỡ của độc giả và đồng đội ở nước ngoài giá trị đến như thế nào.
Bên quan tài người đồng đội
(Thương binh VNCH cụt hai chân, người chống nạn đền tiễn đưa thương binh tự thiêu)
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi lại cùng nhau đến từ biệt người bạn đồng đội. Nhà anh ở tuốt sau nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tôi ngồi sau xe Anh TB Trần Văn Bảo, một chân gỗ, chuyên chạy xe ôm. Hàm Anh lại nhảy lên chiếc xe 3 bánh của Rô Bin Sơn Nguyễn Văn Đẹp.
Khi chúng tôi đến nơi thì chiếc rạp đã được dựng lên ngay mặt đường hẻm. Chừng hai chục anh em TPB đã có mặt, chỉ cần nhìn những chiếc xe lăn, xe ba bánh xếp hàng bên dãy rào tre là đủ biết đám tang này… đặc biệt như thế nào. Người què, người cụt, người đui cùng ngồi lặng lẽ quanh hai chiếc bàn tròn mới thuê. Thấy chúng tôi đến họ đứng cả dậy. Sợi dây ân tình của chúng tôi đã bắt nguồn từ lâu. Có anh cụt cả hai dò đang ngồi trên những chiếc ghế nhựa cũng lồm cồm tìm cách đứng lên. Tôi ôm từng anh em lâu ngày mới có dịp gặp lại.
Sau đó tôi và anh Giáo vào chia buồn cùng gia đình người quá cố. Gian nhà chật hẹp, chỉ vừa đủ chỗ đặt cái quan tài ngay cửa ra vào và hai người đứng hai bên. Vợ anh Báu khóc nức nở, không thể nói lời cảm tạ. Tôi nói ngay:
– Toàn bộ số tiền giúp gia đình hôm nay là của độc giả các báo ở nước ngoài và anh em đồng đội ở Canada, ỡ Mỹ, ở Úc… gửi về. Tôi sẽ chuyển lời cảm ơn của gia đình chị đến với những ân nhân của chúng ta. Còn chúng tôi rất ân hận vì đã không biết rõ hoàn cảnh gia đình ta nên không giúp kịp thời, để chuyện này xảy ra, chúng tôi ân hận lắm.
Tôi và anh Giáo đến trước bàn thờ, thắp hương, nhìn hình ảnh người đồng đội của chúng tôi vừa nằm xuống. Bỗng dưng tôi có cảm tưởng như đó là cái chết của một người “anh hùng”, không khác là bao với những cái chết của những vị tướng lãnh đã tuẫn tiết vào những này 30-4-1975. Cuộc sống của người Thương Binh này kéo dài hơn 30 năm trong muôn điều khốn khó, bệnh tật, đau đớn. Nỗi khổ ấy liệu có ai biết, ai thông cảm, ai nhớ tới? Họ âm thầm chịu đựng và rồi cũng tự kết liễu đời mình, không muốn làm phiền cho con cháu. Chọn một chỗ để chết không liên lụy tới ai. Cái chết quả là dũng cảm.
Ngay cả những người sống quanh anh có lẽ cũng quên anh là một thương phế binh, chỉ biết anh là “ông lão cụt chân”. Khi Hàm Anh hỏi:
– Vậy chính quyền địa phương có biết anh là Thương Binh và có giúp đỡ gì gia đình chị không?
Vợ anh Báu lắc đầu:
– Chẳng biết họ có biết hay không, nhưng họ… nhiều việc quá nên không giúp đỡ gì bao giờ.
– Thế gia đình chị có được ghi vào “diện” gia đình nghèo khó không?
Lại lắc đầu, chị Báu hạ thấp giọng:
– Không thấy ai nói gì cả. Có lẽ những gia đình được chính quyền ở địa phương quan tâm là những gia đình chính sách, vợ con, con cháu cán bộ, thương binh liệt sĩ “bên này” thôi…
Thật ra đây cũng là chủ trương chung ở tất cả các địa phương chứ chẳng riêng gì ở một nơi đông dân cư như TP. Sài Gòn.
Vẫn giữ đúng “lễ nghi quân cách”
(Vẫn theo những nghi lễ quân cách tiễn đưa người hy sinh)
Những anh em thương binh khác cũng lần lượt, hai người một cặp, vào thắp hương cho đồng đội quá cố. Người què leo lên ghế, người chống nạng thắp nhang. Cuối cùng là một động tác từ biệt, chào kính vẫn còn giữ đúng “Lễ nghi quân cách”. Họ giơ tay ngang mặt chào theo kiểu “nhà binh”, rất trang nghiêm và trên nét mặt của mỗi người đều hiện rõ một vẻ tự hào, như cái gạch nối không bao giờ hết của một truyền thống ăn vào mạch máu, chảy từ trong đáy sâu tâm khảm. Chính từ những thái độ này mà nghĩa tình đồng đội càng thêm gắn bó.
Khi quay ra, tôi thấy trên bàn có một chiếc bì thư, anh Ký (người lính nhảy dù cụt tay lái xe ôm) cho biết, đó là bì thư để anh em đến viếng có bao nhiêu thì cứ việc bỏ vào đó, không ghi tên, cũng không biết ai đi viếng bao nhiêu.
Tôi hỏi một anh TB cụt một chân ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ:
– Vậy anh để bao nhiêu?
Anh gãi đầu có vẻ bẽn lẽn:
– Tối hôm qua em bán vé số được sáu chục. Chúng em ăn cơm rồi còn ba chục em để vào bì thư. Hy vọng sáng nay bán được kha khá, em để luôn. Nhưng hồi này xăng lên giá nên cũng “hẻo” lắm, chưa thêm được đồng nào.
Tôi nói với anh em, lần này để chúng tôi lo phần hậu sự, nhưng anh em nhất định không nghe, họ nói đó là tấm lòng của mỗi người, không thể thiếu được. Chiếc bì thư lại được đưa đến cho gia đình anh Báu. Người con trai anh tiết lộ riêng với tôi là được bảy trăm hai mươi hai ngàn. Tôi thật sự xúc động vì cái “hai ngàn lẻ” đó. Của ai? Không biết. Nhưng tấm lòng quá lớn.
Hai giờ chiều ngày 31-7-2008 tức ngày 22 tháng 6 năm Mậu Tý, chúng tôi đến đưa anh Nguyễn Văn Báu về nơi an nghỉ cuối cùng. Những chiếc nạng, những chiếc xe lăn, xe 3 bánh, người cụt hai dò di chuyển trên hai chiếc ghế gỗ… lặng lẽ trên con đường nhựa đầy những ổ gà, ổ voi, mấp mô. Từ nhà anh ra nghĩa trang Bình Hưng Hòa gần lắm, anh được hỏa táng lần thứ hai. Tôi không biết có phải tôi vừa đưa tiễn một người “anh hùng thầm lặng” hay không? Điều đó hoàn toàn không cần thiết đối với anh, , cả cuộc đời chưa bao giờ anh nghĩ tới hai tiếng này, nhưng sự thật trong cuộc sống và cái chết là như thế.
Xin vĩnh biệt người đồng đội dũng cảm.
Văn Quang
Ngày 3 tháng 8, 2008