Năm Cạm bẫy tiềm tàng của Trung Cộng…

Sau khi phát triển nhanh chóng trong gần suốt 40 năm, Trung Cộng hiện ở một bước ngoặt của sự tăng trưởng kinh tế lẫn phát triển xã hội và chính trị. Trong loạt bài tới đây, Tiến sĩ Xue Li sẽ bình luận năm thách thức chủ yếu và cũng là năm cạm bẫy tiềm tàng mà Trung Cộng phải đương đầu hiện nay và mai hậu.

Cạm bẫy tiềm tàng thứ 1 của Trung Cộng: Môi trường  

Nguồn: http://thediplomat.com/2015/11/chinas-potential-pitfalls-1-the-environment/

Ô nhiễm môi trường sinh thái là thách thức lớn nhất mà Trung Cộng phải đương đầu trong giai đoạn phát triển kế tới. Dần dần, ai cũng nhận ra thách thức ấy, mặc dù một số chính quyền địa phương vẫn cương quyết cho rằng phát triển kinh tế phải là mục tiêu tối ưu. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác vốn đã hy sinh vài sự phát triển kinh tế cho lợi ích môi trường.
Theo kinh nghiệm của các nước tiền tiến, khắc phục các rắc rối ô nhiễm và phục hồi môi trường  là khả dĩ nhưng rất đắt đỏ. Điều đó có nghĩa là các rắc rối môi trường  của Trung Cộng, tới một mức độ nào đó, chỉ có thể giải quyết được bằng một sự phát triển kinh tế khác.

Mặc dù Trung Cộng trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế mau chóng lâu dài, nhưng tiến trình kỹ nghệ hóa (the process of industrialisation) vẫn chưa hoàn tất, trong khi sự thành thị hóa thậm chí còn phải tiến xa hơn. Thật vậy, tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Cộng cũng như là mức sử dụng năng lượng mỗi đầu người đều đang gia tăng. Vậy mà, nhà cầm quyền Trung cộng đã cam kết rằng thán khí carbon dioxide sẽ lên tới tột đỉnh vào năm 2030 hoặc thậm chí sớm hơn. (LND: Nói một cách khác, mức thán khí sẽ được hạ giảm đáng kể sau năm 2030). Ngoài ra, Bắc Kinh còn có kế hoạch nâng mức sử dụng nhiêu liệu không có chứa chất hóa thạch lên tới 20 phần trăm của tổng năng lượng sử dụng, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu không có chất hóa thạch trong năm 2013 là 9.6 phần trăm.

Cam kết nêu trên cho thấy nhà cầm quyền Trung cộng vốn đã nhận thức rõ rằng, mặc dù sự điều chỉnh các mức sử dụng năng lượng là khó khăn, nhưng phải được thực hiện. Tuy nhiên, bởi vì hiện chưa có đủ sự nhận thức về rắc rối này, và cũng bởi vì các ích lợi hành chánh chồng chéo nhau, Trung Cộng vẫn cần phải tiến hành các bước khác nhằm củng cố thực hiện các thay đổi với ma trận năng lượng. (LND: Chính quyền các tỉnh tại Hoa lục có một lợi ích kinh tế riêng tư trong sự duy trì các nhà máy điện hoạt động bằng than đá trong phạm vi của tỉnh mình mặc cho các lo ngại về ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp nhà nước do chính quyền cấp tỉnh làm chủ có được một nguồn thu nhập bảo đảm. Ngoài ra, các quan chức chính quyền tỉnh còn có thể đánh thuế lên các nhà máy điện chạy bằng than đá, mà không thể đánh thuế lên các công trình năng lượng khả dĩ tái tạo (renewable sources of energy projects) khác. Thêm vào đó, việc xây dựng các nhà máy điện còn cải thiện mức tăng trưởng kinh tế, một biện pháp quan trọng để nhà cầm quyền trung ương đánh giá các quan chức chính quyền tỉnh).

Trước tiên, Trung Cộng phải kiên quyết hạ giảm tỷ lệ than đá trong tổng mức tiêu thụ năng lượng. Trung Cộng phải hạ

Không khí ô nhiễm như sương mù dày đặc tại Bắc Kinh

giảm tỷ lệ than từ 67.5 phần trăm tổng mức năng lượng tiêu thụ trong năm 2013 xuống còn 40 phần trăm, càng nhanh càng tốt và thời hạn chót là năm 2030. Trung Cộng hiện vốn là quốc gia xả ra khí thải nhà kính (greenhouse gas) nhiều nhất trên thế giới, và chịu trách nhiệm cho việc sử dụng hơn phân nửa than đá toàn cầu. Than đá là nguồn năng lượng chứa nhiều khí độc carbon, các biện pháp hiện nay để làm sạch than chỉ có thể làm thay đổi vấn nạn ô nhiễm. Trong khi đó, sự càng hóa khí độc carbon (carbon sequestration) thì có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm nhưng bị ngăn cấm vì quá tốn kém ngân sách.

Sở dĩ việc hạ giảm tỷ lệ than bị đá khó khăn là vì than rất rẻ. Nhưng cái giá này lại không tính tới tổn phí ô nhiễm môi trường và tới sự thiệt hại sức khỏe con người. Trung Cộng cần phải nhận thức rõ ràng rằng, nếu họ muốn giảm thiểu một cách đáng kể sự ô nhiễm môi trường  bị gây ra bởi sử dụng năng lượng và đạt được một cách hợp lý mục tiêu phát triển bền vững, thì giảm bớt sử dụng than đá là lựa chọn tốt đẹp nhất.

Vậy Trung Cộng có thể dùng nguyên liệu gì để thay thế than đá? Tôi đã nghiên cứu đề tài này trước đây, và có một số các khả năng: khí đốt tự nhiên (natural gas) là hứa hẹn nhất, theo sau là năng lượng nguyên tử, năng lượng nước, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hữu cơ (bio-energy).

Trong tất cả những nhiên liệu có chứa chất hóa thạch, khí đốt tự nhiên là lựa chọn tốt đẹp nhất, hiển nhiên là tốt hơn than đá và cũng được ưa chuộng hơn dầu hỏa. Tỷ lệ khí đốt tự nhiên trong sự tiêu thụ năng lượng của Trung Cộng nên được tăng từ 5.1 phần trăm trong năm 2013 lên tới 30 phần trăm hoặc cao hơn, vượt cao hơn dầu hỏa (hiện chiếm 17.8 phần trăm của tiêu thụ năng lượng trong năm 2013). Trong khi đó năng lượng nguyên tử nên được tăng từ 0.9 phần trăm lên tới 10 phần trăm hoặc hơn trong tổng năng lượng tiêu thụ. Nhiều người phản đối việc sử dụng năng lượng nguyên tử, nhưng có một sự kiện không thể phủ nhận được là sau một cuộc nghiên cứu toàn diện về trình độ kỹ thuật cần thiết, các lo ngại về bảo vệ môi trường, an toàn và các yếu tố kinh tế, thì năng lượng nguyên tử là lựa chọn tốt đẹp đứng hàng thứ nhì chỉ sau khí đốt tự nhiên.

Nước là nguồn năng lượng sạch nhưng hiện chiếm 7.2 phần trăm trong tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Cộng nên không cần phải gia tăng mức sử dụng. Hiện nay, năng lượng gió, mặt trời, hữu cơ kết hợp lại chỉ chiếm 1.5 phần trăm tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Cộng. Đối với một quốc gia sử dụng năng lượng cao như Trung Cộng, khó mà sử dụng ba loại này như ba nguồn năng lượng chính yếu, nhưng năng lượng hữu cơ có tiềm lực phát triển trường kỳ nhất.

Cạm bẫy tiềm tàng thứ 2 của Trung Cộng: Các hạn chế trong mô hình chính trị và kinh tế
Nguồn: http://thediplomat.com/2015/11/chinas-potential-pitfalls-2-the-limitations-of-chinas-political-and-economic-models/

Đã hơn 30 năm kể từ khi Trung Cộng khởi sự các cuộc cải cách và mở cửa nhưng họ vẫn chưa tạo ra được một mô hình chính trị và xã hội cho sự phát triển bền vững.

Về mặt kinh tế, nền kinh tế thị trường nói chung đã tiếp nhận vai trò lãnh đạo, nhưng có một số khiếm khuyết trầm trọng. Chính phủ vẫn can thiệp quá nhiều trong nền kinh tế. Vấn nạn can thiệp không thích đáng trong nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Chỉ cần trưng dẫn hai ví dụ:

Thứ nhất, thị trường chứng khoán bị nhà nước Trung Cộng khuynh đảo một cách trắng trợn. Cụ thể là cách đây mấy tháng nhà nớc đã can thiệp quyết liệt để cứu nguy thị trường. Đáng tiếc thay, hành động này không những không hiệu quả mà còn cung cấp thêm bằng chứng cho những ai ở nước ngoài hồ nghi rằng Trung Cộng thực sự có một nền kinh tế thị trường. May thay, nhà cầm quyền Trung Cộng đã quan tâm điều đó và đang thực hiện các điều chỉnh thích hợp. Sự “hiệu chỉnh” mới đó rất có thể sẽ thích hợp với nhu cầu của một nền kinh tế thị trường hơn.

Thứ nhì, các hạn chế và kỳ thị với khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn còn là một vấn nạn. Các doanh nghiệp tư nhân vốn đã và đang tạo việc làm cho hầu hết lực lượng lao động tại Trung Cộng và chịu trách nhiệm cho đa phần tổng sản lượng nội địa (Gross Domestic Product – GDP). Tuy nhiên, nhiều lãnh vực đầu tư và kinh doanh đã và đang hạn chế, thậm chí ngăn cấm sự tham dự của các doanh nghiệp tư nhân. Tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước (State-Owned Enterprises – SOEs) quá lớn. Các doanh nghiệp nhà nước đa phần hoạt động kém hiệu năng nhưng lại thường được ưu đãi, chẳng hạn như được ban bố vị thế độc quyền và các khoản tài trợ đặc biệt. Sự thiên vị này dẫn tới các điều kiện thị trường bất công, và tới sự phung phí và đảo ngược tương lai tài nguyên kinh tế.

Về mặt chính trị, các giới lãnh tụ tại mọi cấp bậc cầm quyền ở Hoa Lục đều có quá nhiều ảnh hưởng tổng quát trong lãnh vực mà họ quán xuyến. Một sự thay đổi lãnh đạo sẽ tạo ra một loạt những chính sách mới – các thay đổi lớn lao trong việc hoạch định sự phát triển kinh tế, trong hoạch định và kiến thiết thành thị, và trong hệ thống thư lại. Trong khi đó, vấn nạn giám sát bất cập các lãnh tụ tối cao tại mọi cấp bậc đã không được giải quyết triệt để. Thêm vào đó, không có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu sự tăng trưởng của công nợ địa phương. Nếu xét theo các chuẩn mực Âu châu và Hoa Kỳ, thì một số chính quyền địa phương ở Hoa Lục thực ra vốn đã phá sản.

Ổn định xã hội Trung Cộng: Các yếu tố chính trị và kinh tế

Hơn 30 năm qua, nhiều yếu tố đã giúp nhà cầm quyền Trung cộng có thể duy trì được tình trạng ổn định xã hội tổng quát. Có một điều cần được lưu ý, một khoản tiền vốn to lớn đã được tiêu dùng để duy trì sự ổn định ấy. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện đã đối đầu với các giới hạn trong ngân khoản chi tiêu cho sự ổn định xã hội. Chi phí ổn định xã hội vốn đã vượt qua chi phí quân sự và không thể nào tăng thêm nhiều hơn được nữa.

Một yếu tố khác cho sự ổn định xã hội Trung Cộng là nhiều quan chức Trung Cộng đã kết nạp các giới chóp bu chính trị, kinh tế và trí thức. Giới chóp bu chính trị, thì được ban cấp tư cách thành viên của “Quốc hội Nhân dân” hoặc “Ủy ban Cố vấn Quốc hội,” và được mời tham dự các phái đoàn công du ngoại quốc của giới lãnh đạo chính phủ. Giới chóp bu kinh tế thì thường được phép gia nhập Đảng và thậm chí được hưởng các sự chấp thuận và hỗ trợ đặc biệt trong hoạt động thương mại. Đối với giới học giả, thì các phần tử chóp bu được tạo cơ hội tham dự các sinh hoạt chính trị, hoạch định, và làm chính sách, và do đó kiếm được một khoản thu nhập thoải mái. Hầu hết mọi người, đặc biệt là các giới chóp bu, đều lo sợ các vụ hỗn loạn. Một khi các giới chóp bu được chiêu nạp vào hệ thống cầm quyền thông qua những phương thức nêu trên, thì họ thường ủng hộ chính phủ.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong việc gìn giữ sự ổn định xã hội của Trung Cộng là tính hợp pháp chính trị mà sự tăng trưởng kinh tế mang tới (điều mà chúng ta gọi là sự hợp pháp dựa trên Tổng Sản lượng Nội địa GDP). Nhưng sự tăng trưởng kinh tế thì lại có một đặc tính chu kỳ. Nền kinh tế Trung Cộng vốn đã tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều thập niên, tới một thời điểm nào đó sẽ chuyển sang tăng trưởng thấp, không tăng trưởng, rồi tăng trưởng âm. Tất cả các điều kiện này là bình thường trong một nền kinh tế thị trường. Nhưng nếu có các rắc rối kinh tế, thì tất nhiên sẽ có các rắc rối chính trị.

Sự tăng trưởng thấp đột ngột sẽ gây ra nhiều phản ứng dây chuyền khác nhau ở Trung Cộng, từ ngoài xã hội và từ ngay trong nội bộ Đảng và nhà nước. Trường hợp của Liên Sô cho thấy rằng một số cán bộ đảng, nhà nước xuất thân từ các gia đình giàu có luôn tìm kiếm cơ hội để hợp pháp và công khai hóa tài sản cá nhân. Loại thái độ này, rằng tai họa của quốc gia có thể là vận may của vài cán bộ riêng lẻ, trong một số trường hợp có thể thành mối đe dọa cho ổn định của nhà cầm quyền. Cũng có thể có các đe dọa từ bên ngoài Hoa Lục, nếu như Hoa Kỳ hoặc thậm chí Đài Loan quyết định lợi dụng sự tăng trưởng chựng lại của Trung Cộng để kích động quần chúng nổi dậy.

Cạm bẫy tiềm tàng thứ 3 của Trung Cộng: Các giá trị tinh thần nòng cốt
Nguồn: http://thediplomat.com/2015/11/chinas-potential-pitfalls-3-core-values/

Trung Cộng thiếu các giá trị tinh thần nòng cốt; những giá trị mà các quan chức lẫn thường dân tin tưởng rộng rãi, và được phản ảnh qua hành động. Chúng ta có thể hiểu các giá trị nòng cốt này như là một hệ thống những niềm tin văn hóa và chính trị.

Thay vì các giá trị nòng cốt, chúng ta lại thấy “tôn giáo” sùng bái tiền bạc và của cải vật chất được biểu thị ở khắp Hoa Lục. Ví dụ, khi người Tàu đi hành hương tới các chùa trên khắp lãnh thổ, họ thường ném tiền cắc để trợ duyên cho sự cầu khấn. Chúng tôi thấy nhiều cọc bạc cắc trên lưng của những tượng rồng, hoặc ở chân của tượng Đức Phật Di Lặc, và được thảy vào những cái hồ nước. Những đồng bạc cắc lấp lánh này được phản ảnh trong những câu tục ngữ nổi tiếng như: “Có tiền mua tiên cũng được” hoặc “Thần thánh cũng có thể hối lộ được”.

Chúng ta có thể hiểu rằng một hiện tượng như trên có thể xuất hiện tại một giai đoạn nào đó trong nền kinh tế hàng hóa nhưng nó không hề bình thường. Nó phản ảnh sự thiếu niềm tin tôn giáo giữa nhiều người, và quyền lực của tôn giáo thờ phụng tiền bạc và của cải vật chất đã và đang ăn sâu vào tâm lý thực dụng của người Hoa.

Các giá trị tinh thần nòng cốt vượt qua khỏi tôn giáo, dĩ nhiên – chúng phản ảnh những nét đặc trưng văn hóa của một nhóm người. Những nét đặc trưng văn hóa này là nguồn cội gắn kết của nhóm. Về mặt chính trị, các giá trị nòng cốt là nguồn cội căn cước của một quốc gia. Đối với một quốc gia đa sắc tộc, căn cước của một quốc gia có những ẩn ý chính trị: sự khiếm diện của việc hỗ trợ cho một bộ giá trị nòng cốt sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định và thậm chí tới sự hiện hữu của một quốc gia. Một quốc gia như vậy sẽ thiếu vắng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển và thăng tiến. Vì vậy, thiết lập một hệ thống các niềm tin văn hóa và chính trị được chia sẻ với nhau là một rắc rối có tính chất căn cội mà Trung Cộng cần phải giải quyết.

Do thiếu vắng các giá trị nòng cốt, có hai hiện tượng cần được lưu tâm ở Trung Cộng hiện nay. Hiện tượng thứ nhất là người ta có một cảm giác chung là bất mãn. Không cần biết là chúng ta nói về những người tả khuynh, trung dung hoặc hữu khuynh; về những nhà đấu tranh, những người cổ vũ cho nguyên trạng, hoặc những người bảo thủ; về những cán bộ cao cấp, các lãnh đạo trung cấp, các cán bộ quần chúng; về người giàu có, trung lưu, hoặc người nghèo túng – hầu như ai cũng bất mãn với tình trạng xã hội hiện nay và với hoàn cảnh riêng tư. Nhiều người thậm chí còn chán ghét người giàu có và các quan chức chính quyền.

Hiện tượng thứ hai là một cảm giác chung về sự bất an. Các quan chức, giới chủ nhân các doanh nghiệp tiểu và trung, các học giả (đặc biệt là những người trí thức trong các các lãnh vực khoa học nhân văn và xã hội), giới công nhân, giới công nhân di dân, giới nông dân đều cảm giác bất an, mặc dù những lý do thì có khác nhau. Một số người cảm giác bất an về địa ốc, một số vì chức vụ, một số vì những vấn đề mà họ đã bày tỏ nhưng vẫn tồn đọng, một số thì vì bảo hiểm sức khỏe. Rồi những người khác cảm giác bất an về triển vọng của các doanh nghiệp mà họ đang làm ăn, và người khác cảm giác bất an về quyền hạn cư trú trong một thành phố lớn và rắc rối liên hệ về quyền hạn học hành của con em họ trong thành phố đó. Một số cảm giác bất an về đất đai mà họ có quyền canh tác dưới hệ thống trách nhiệm hợp đồng.

Những người này giải quyết nỗi bất an như thế nào? Một số quan chức hoặc doanh nhân bán bất động sản và gửi vợ con ra nước ngoài. Một số người khởi nghiệp đăng bộ công ty của họ ở hải ngoại. Một số nông dân nỗ lực kiếm tối đa các lợi nhuận bằng cách khai thác đất đai mà họ canh tác trong hệ thống trách nhiệm hợp đồng. Đây là tất cả những biểu hiện của cảm giác bất an, và hầu hết mọi người đều quen thuộc với những vấn đề này.

Điều mà ít người hiểu là các nỗi bất an của tầng lớp trung lưu trong các thành phố lớn của Trung Cộng, đặc biệt là ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Một cách điển hình, những người này làm việc cần mẫn trong một thành phố lớn suốt 10 năm qua; họ có nhà cửa và con cái. Họ không còn muốn sống trong những căn nhà cũ ở miền quê. Họ vốn đã trở thành người thành phố, ngoại trừ rắc rối đăng ký hộ khẩu thường trú. Bất thần, một ngày nọ họ phát giác là con cái họ vì vấn đề hộ khẩu nên không thể ghi danh vào một trường mẫu giáo hoặc tiểu học tốt ở địa phương. Thậm chí tệ hơn, con cái họ không thể vào một trường trung học sở tại và vì vậy phải quay về nhà cũ ở nông thôn để thi vào trường trung học. 

Các gia đình này đương đầu với một lựa chọn khó khăn: Họ có thể từ bỏ việc làm ở thành phố và đưa toàn cả gia đình về quê xưa, nhà cũ trong nhiều năm; vợ chồng có thể xa cách nhau trong lúc một người trở về quê sống với con cái; hoặc họ có thể gửi con về sống một mình ở quê nhà để học tập. Lựa chọn khác là cho con đi học ở một trường trung học xoàng xĩnh nào đó trong thành phố và sau đó thì thi vào một trường dạy nghề, từ bỏ chuyện thi vào đại học. Bất kỳ sự lựa chọn nào họ thực hiện cũng đều sẽ có những hậu quả nghiêm trọng.

Các gia đình này cảm giác mâu thuẫn sâu đậm. Quý vị có thể tưởng tượng được nỗi bất mãn; các cảm xúc bất an và thậm chí tức giận mà nỗi bất mãn ấy đưa tới. Những người này không nhiều nhưng điển hình. Họ là chuẩn mực của sự đô thị hóa và là nền tảng của sự ổn định xã hội tại Hoa Lục.

Mức độ bất mãn và bất an không hề hiện hữu trong thập niên 1980. Các vấn đề này trở thành rõ rệt trong thập niên 1990 và bây giờ đã trở nên nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa là xã hội Trung Cộng đã trở bệnh và cần được chữa trị. Nhiều người nói rằng đây là các vấn nạn phát triển, xuất hiện trong giai đoạn phát triển và chỉ có thể được giải quyết bằng sự tăng trưởng kinh tế thêm nữa. 

Nhưng sự phát triển kinh tế sẽ không khắc phục được tình trạng thiếu vắng các giá trị tinh thần nòng cốt.

Cạm bẫy tiềm tàng thứ 4 của Trung Cộng: Các lực lượng ly khai
Nguồn: http://thediplomat.com/2015/11/chinas-potential-pitfalls-4-splittist-forces/

Rắc rối của Trung Cộng với các lực lượng ly khai liên quan tới các giá trị tinh thần nòng cốt, nhưng nó không hẳn là tương tự. Trung Cộng có hai loại lực lượng ly khai: các lực lượng ly khai ngay trên Hoa Lục (những người cổ xúy cho “độc lập của Tân Cương” và “độc lập của Tây Tạng”), và lực lượng ly khai Đài Loan (độc lập của Đài Loan). Chúng ta sẽ bình luận khái quát về mỗi lực lượng ly khai này.

Mỗi khi đề cập tới vấn đề “độc lập của Tây Tạng”, có lẽ chúng ta nghĩ ngay tới các cuộc đàm phán với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một lợi thế của nhà cầm quyền Trung Cộng bởi vì Đức Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh đã có một lịch sử tác động qua lại với nhau khá lâu dài, trải qua nhiều thập niên. Họ hiểu khá rõ đối phương. Các quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma tương đối ôn hòa nếu so với thế hệ trẻ sau này. Ví dụ, Đức Đạt Lai Lạt Ma không hề công khai ủng hộ sự độc lập. Nhưng ngài vốn đã 80 tuổi và vì vậy đang hết thời giờ.

Vấn đề Tân Cương phức tạp hơn. Trong nhiều năm, nhà cầm quyền Trung cộng đã chọn một biện pháp đa phương để giải quyết vấn đề “độc lập của Tân Cương”. Nhà cầm quyền Bắc Kinh kiên quyết tấn công các lực lượng “độc lập Tân Cương”. Họ đã khai triển một “sự phòng thủ nhóm và giải pháp nhóm” nhằm hủy diệt những mầm móng ly khai ngay từ trong trứng nước. Trung Cộng đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn việc các lực lượng “độc lập Tân Cương” lẩn trốn ngang qua biên giới, đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho sự xuất nhập cảnh của những người thường dân. Bắc Kinh đã đầu tư vào việc phát triển kinh tế của Tân Cương nhằm vô hiệu hóa sự trỗi dậy của “ba lực lượng” – cực đoan tôn giáo, ly khai sắc tộc và khủng bố bạo động.

Rắc rối mà chúng ta đương đầu ngày hôm nay là “ba lực lượng” nêu trên đang bành trướng tới các tỉnh khác ngoài Tân Cương và thậm chí vượt qua khỏi biên giới Trung Cộng. Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự tới sự ổn định và phát triển lâu dài của Tân Cương là hành động cực đoan tôn giáo. Các phần tử cực đoan tôn giáo thâm nhập vào nền văn hóa sắc tộc của người Duy Ngô Nhĩ, từ đó gây ảnh hưởng tới đời sống thường nhật và thế giới quan của thường dân. Họ dùng cách này để làm suy yếu chính quyền sở tại.

Cuối cùng, “độc lập của Đài Loan” hẳn nhiên là một thách thức to lớn. Trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu, bang giao ngang eo biển tương đối ổn định và các mối quan hệ kinh tế được củng cố. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông rất có thể sẽ là bà Thái Anh Văn. Lãnh đạo tinh thần của bà Thái là cựu Tổng thống Lý Đăng Huy, người có danh tiếng là cổ xúy cho “độc lập của Đài Loan”. Hồi năm 1999, ông Lý thậm chí còn đề nghị thiết lập mối bang giao “quốc gia với quốc gia” ngõ hầu quản trị các mối quan hệ xuyên eo biển. Bà Thái, với tư cách nghị viên hội đồng, đã đóng góp tích cực vào việc hoạch định thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia và Hội đồng Tái Thống nhất Quốc gia. Sau đó, vào năm 2002, cựu Tổng thống Trần Thủy Biển đề xuất khái niệm “một quốc gia trên mỗi bên Eo biển Đài Loan” và bà Thái, với tư cách chủ tịch Hội đồng Đại lục Sự vụ, đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.

Bà Thái là một người hiểu biết, một nhà tư tưởng chiến lược tin tưởng vào “sự độc lập của Đài Loan”, và những thành tích hoạt động chính trị từ trước tới nay cho thấy là bà sẽ không thua kém tài năng, bản lãnh của các nam đồng nghiệp. Chúng ta không nên giả định rằng bà đã thay đổi lập trường chính trị vì những ngôn từ mà bà phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tổng thống. 

Bất kỳ một cuộc vận động nào cho sự độc lập của Đài Loan cũng đều sẽ vượt qua lằn mức chấp nhận của Đại lục và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh, điều này sẽ phương hại nghiêm trọng tới ngoại thương và hoàn cảnh kinh tế của Trung Cộng.

Cạm bẫy tiềm tàng thứ 5 của Trung Cộng: Hoa Kỳ
Nguồn: thediplomat.com/2015/11/chinas-potential-pitfalls-5-the-united-states/

Cạm bẫy tiềm tàng cuối cùng của Trung Cộng là mối đe dọa tới từ nước ngoài, chủ yếu là từ Hoa Kỳ. Việc tây phương hóa Trung Cộng vẫn là một mục tiêu dài hạn của Mỹ, và mục tiêu trung hạn của việc lôi kéo Trung Cộng vào trật tự mới thế giới hiện nay cũng là một chiến thuật tây phương hóa.

Trong giai đoạn trước mắt, người Mỹ nỗ lực thiết lập một sự hợp tác đôi bên cùng hưởng lợi với người Hoa (win-win cooperation). Nhưng giả sử như Trung Cộng lâm vào một hoàn cảnh khó khăn, Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh các mục tiêu chính sách. Nếu sự trì trệ kinh tế và các cuộc biểu tình khổng lồ xảy ra tại Hoa Lục, thì các thế lực muốn phân hóa Trung Cộng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, và Hoa Kỳ muốn tây phương hóa Trung Cộng (và vô hình chung triệt tiêu năng lực thách thức của Trung Cộng với Mỹ) sẽ thấy rằng mục tiêu ấy trở thành thực tế hơn.

Kể từ khi Bắc Kinh khởi sự chính sách cải cách và mở cửa, thì sách lược chính yếu của Hoa Kỳ là cam kết trước và gắn bó sau. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, sách lược ấy đã có xu thế đảo ngược, gắn bó trước rồi cam kết sau. Vì sự gắn bó trở thành quan trọng hơn, nên vấn đề Biển Đông bây giờ là mốc điểm để Hoa Kỳ theo dõi các xu thế trong chính sách ngoại giao của Trung Cộng. Đồng thời, Hoa Thịnh Đốn ngày càng can dự trực tiếp hơn trong vấn đề Biển Đông. Mỹ bây giờ là một trong các tham dự viên then chốt.

Tuy nhiên, mục tiêu chính yếu của Mỹ hiện nay không phải là ngăn chặn Trung Cộng (như họ từng làm với Liên Sô trong cuộc Chiến tranh Lạnh), mà là duy trì tình trạng cân bằng quyền lực trong khu vực, duy trì tình trạng ổn định của khu vực, và bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ. Ngõ hầu có thể đạt được những điều này, Hoa Kỳ cần phải có một sự thông hiểu tương đối rõ ràng về các mục tiêu chính sách của Trung Cộng ở Biển Đông. Vì thế, Hoa Kỳ cảm thấy khó chấp nhận được các chính sách nhập nhằng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, vì Biển Đông không phải là lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ nên sẽ khó xảy ra một cuộc chiến tranh với Trung Cộng ở đó.

Thật ra, cả Trung Cộng lẫn Hoa Kỳ đều không có ý định gây chiến với nhau ở Biển Đông. Sự bất hòa về Biển Đông thật ra đều đã và đang được đôi bên kiểm soát khá hiệu quả. Bắc Kinh cũng đang điều chỉnh chính sách Biển Đông nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc hoàn thành sách lược thiết lập “Con đường Tơ lụa Hàng hải trong Thế kỷ 21”. Trung Cộng và Hoa Kỳ cần phải duy trì sự thông tin về vấn đề Biển Đông, như vậy họ có thể đạt thêm sự thông hiểu và tránh được các tính toán sai lầm.

Giả sử Trung Cộng có thể ứng phó thành công với năm thách thức mà tôi đã liệt kê trong loạt bài này, thì họ sẽ không bị vấp ngã ở ngưỡng cửa trở thành một quốc gia phát triển. Trung Cộng có thể tiếp tục phát triển cho tới khi trở thành quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu như Bắc Kinh không ứng phó nổi năm thách thức này, thì chúng sẽ trở thành năm cạm bẫy trên con đường thăng tiến của Trung Cộng.

Tùy Nghi Tiến (dịch)

Hình minh họa danlambao.com

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt