Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (7)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương VII: “TỔNG KHỞI NGHĨA

THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932) 

CHƯƠNG VII: TỔNG KHỞI NGHĨA 

TẤN CÔNG YÊN BÁY

1  

Từ sau hội nghị lịch sử tại Võng La và Mỹ Xá, những vụ xét nhà bắt người tình nghi diễn ra như cơm bữa, sự giao thông liên lạc trở nên chậm trễ khó khăn giữa ba lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đang ở một ngôi chùa trên núi Yên Tử. Sau cuộc thảo luận sôi nổi, ba yếu nhân ấy đồng ý quyết định “TỔNG KHỞI NGHĨA” vào đêm mồng 10 rạng ngày 11 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu lập tức trở lên Phú Thọ, Yên Bái truyền mệnh lệnh này.

Cũng vì vấn đề liên lạc hết sức khó khăn, mệnh lệnh chuyển đến các đồng chí phụ trách miền Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An bị chậm trễ, sự tập hợp Đảng viên các địa phương không thể kịp định kỳ. Họ lập tức cử Đại Biểu tìm gặp Nguyễn Thái Học viện đủ lý do, khẩn khoản yêu cầu dời cuộc TỔNG KHỞI NGHĨA đến ngày 15 tháng 2 năm 1930.

 Từ giã Yên Tử, Phó Đức Chính về Sơn Tây, ở nhà đồng chí Quản Trạng làng Nam An thuộc huyện Tùng Thiện, tiếp được lệnh hoãn ngày TỔNG KHỞI NGHĨA của Nguyễn Thái Học, liền phái liên lạc là Lý Sự (La Hào) sang ngay xã Sơn Dương thông báo với Nguyễn Khắc Nhu.

 Trong những giờ phút nguy hiểm ấy, cán bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương rải truyền đơn khắp nơi, tố cáo VNQDĐ sắp tấn công Bắc Kỳ. Cô Giang cầm tờ truyền đơn trao cho Nguyễn Thái Học xem, Nguyễn Thái Học đập bàn thét to:

 – “Tôi không tin! Vì có thể nào anh em Cộng Sản lại có thể hành động như vậy được!” 

Sơ đồ Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy (10-02-1930)

 

2 

Tờ mờ sáng ngày mồng 10 tháng 2 năm 1930, tức ngày 12 tháng Giêng năm Canh Ngọ, ngày đầu xuân, dân chúng trai thanh gái lịch, rộn rịp du xuân và trẩy hội Đền, Chùa.

Hiệu Kỳ Tổng Khởi Nghĩa ngày 10/02/1930

 Lợi dụng cơ hội thuận tiện ấy, dưới làn mưa phùn gió nhẹ, ấm áp hơi xuân, Chi bộ phụ nữ VNQDĐ gồm 15 người do Nguyễn Thị Bắc tổ chức, phụ trách chuyển vận số vũ khí từ Phú Thọ lên Yên Bái bằng đường Hỏa Xa. Chuyến sớm hoặc chuyến chiều. Các cô trá hình người buôn bán gạo, cám, rau, hoa quả, v.v… gồng gánh những vật kềnh càng như kiếm trường, mã tấu… Còn nam Đảng viên hơn 300 người từ khắp các làng quê tỉnh Phú Thọ, phân tán thành từng nhóm trong tấm áo bông dài, họ dấu súng lục, lựu đạn, dao găm… cũng giả đò làm khách đi lễ Chùa, nhân ngày Hội Đền Nga Quán, cách thành phố Yên Bái độ 3 cây số ngàn. Nhóm xuống ga xe lửa Yên Bái, nhóm xuống ga Văn Phú. Tất cả đều bình an vô sự. Từng nhóm được hướng dẫn di tản vào khu rừng sơn.

 Tại sân ga Yên Bái, Nguyễn Thị Giang đứng đợi sẵn để đón tiếp những đồng chí phụ trách từ Phú Thọ lên. Cô Giang rỉ tai Thanh Giang:

 – “Hình như đại sự của Đảng ta đã bị tiết lộ. Thiếu Tá Le Tacon đã ra lệnh bố trí canh phòng nghiêm mật”.

 Thanh Giang nóng lòng hỏi gặng:

 – “Thế Hà Văn Cấp ra sao?” (1)

 – “Cấp bị tình nghi, Le Tacon ra lệnh giam lỏng, chúng ta mất liên lạc đã từ hai ngày rồi!”, Cô Giang đáp.

 Tiếp Cô Giang hướng dẫn các đồng chí của cô đến rừng Sơn, rồi đi thông báo với các đồng chí lãnh đạo Binh đoàn.

 Bóng chiều đã xế, núi rừng âm u, các đồng chí lãnh đạo cấp dân sự đến nơi hẹn gặp các đồng chí Binh đoàn, do sự giới thiệu của Cô Bắc. Cai Nguyên bắt đầu vào đề:

 – “Tôi muốn anh em hoãn lại tấn công Yên Bái? Vì anh Quản Cần (2) vắng mặt không?”

 Cai Hoằng đứng phắt dậy, rút thanh kiếm đeo dài bên mình ra đáp:

 – “Lệnh Đảng đã ban ra, ai muốn cản trở hãy coi cây sơn này!” Dứt lời, Cai Hoằng liền vung kiếm chém mạnh vào cây sơn đứt làm đôi. Mọi người im lặng, không khí ngột ngạt khó thở.

 Cuộc họp bắt đầu, mọi người đồng thanh tiến cử Cai Hoằng thay thế Quản Cần ngồi ghế chủ tọa. Cai Hoằng nhìn thẳng vào mặt các đồng chí của anh, rồi nói: 

 – “Hiện tình lúc này, chúng ta chỉ có tiến, mà không có thoái, anh em nghĩ có phải thế không?” 

 Mọi người đồng thanh đáp: “Phải”.

 Cai Hoằng tiếp lời:

 – “Súng của chúng ta hiện trong Cơ Binh không có dự trữ, vậy việc đầu tiên để anh em dân sự có súng đầy đủ và để địch không thể kháng cự lâu dài là chúng ta phải đánh chiếm ngay kho vũ khí, để phân phối cho dân quân cách mạng.”

 Cai Hoằng hănh hái lên tiếng:

 – “Tôi tình nguyện sẽ giết cho bằng được Quan Ba Jourdain. Nếu không lấy được đầu nó, tôi sẽ thay đầu tôi cho anh em. Còn anh Thuyết và anh Tính phải lấy cho kỳ được đầu tên Quan Hai Pháp”. 

 Tiếp Ngô Hải Hoằng tức Cai Hoằng phân công:

 – “Anh em quân nhân chúng ta, cứ mỗi người có bổn phận dẫn theo hai đồng chí dân sự. Phá kho súng xong, phải đến ngay khu Hạ Sĩ Quan Pháp và da đen để trợ lực cho toàn thể đồng chí ở đấy, để giết cho bằng hết bọn chúng. Như vậy ta có thể xem việc đánh trại dưới xong, rồi tiến lên đồn Cao”.

 Trại dưới là trại nằm dưới ngọn đồi trong thành phố, còn trại trên, nằm trên ngọn đồi xa thành phố, gọi là đồn Cao do Thiếu Tá Le Tacon chỉ huy.

 Tiếp tục cuộc họp, Cai Hoằng trịnh trọng rút trong túi ra một mảnh giấy gồm 7 điều thuộc Quân Luật, do anh soạn thảo, nghiêm giọng đọc:

 I. Gặp giặc mà lùi  Chém

 2. Cướp đoạt của dân  “

 3. Hãm hiếp phụ nữ  “

 4. Ngầm ý giúp giặc  “

 5. Liên lạc với giặc  “

 6. Tiết lộ bí mật của Đảng “

 7. Bất tuân luật chỉ huy “

 Cuộc họp đến đây giải tán. Mọi người im lặng chờ giờ khởi sự sắp tới. 

3 

Quang cảnh thành phố Yên Bái vào buổi chiều ngày mồng 10 tháng 2 năm 1930 có một điều mà người ta lấy làm lạ! Là rạp chiếu bóng (Cinema) mỗi buổi chiều thường đông đảo và bị quấy phá, nhưng buổi chiều hôm đó lại vắng vẻ im lặng. Ngoài đường phố thì lại đông người qua lại. Một Sĩ quan Pháp hỏi? Viên Thông Ngôn trả lời:

 – “Tại nhân dịp đầu xuân, nên có nhiều người đi lễ Chùa Than”.

 Đến hồi 20 giờ, Đại Úy Gainza từ ngoài phố trở về trại, đã thấy Đội Vinh đợi sẵn, Vinh nói:

 – Xin Đại Úy đừng ăn cơm.

 – Tại Sao?

 – Có thuốc độc.

 Đội Vinh vừa nói vừa run! Tối nay những người Pháp ở trong trại sẽ bị giết hết. Kho đạn sẽ bị cướp phá, cờ cách mạng quân sẽ kéo lên nóc thành.

 – Mày say mèm rồi nói láo chứ gì!

 – Tôi quả không say.

 Giữa lúc đó Trung Úy Espiau tới, hai người bàn nhau: Họ quyết định bỏ bữa cơm, rồi cùng dẫn Đội Vinh vào trình Thiếu Tá Le Tacon. 

 Đội Vinh khai:

 – Tôi trông thấy nhiều người tụ họp với nhau ở rừng sơn dưới chân đồi, mà mỗi người lính của chúng ta đều nhận được chỉ thị của bọn cách mạng.

 Le Tacon hỏi:

 – Chính mắt mày có nhìn thấy đám đông tụ họp ấy không?

 – Tôi không trông thấy, nhưng có Binh Tài là người anh em họ với tôi đã trông thấy và biết rõ tất cả.

 Le Tacon cho Đội Vinh rút lui, rồi giải thích cho hai sĩ quan biết rằng:

 – Chính Binh Tài nó đã đến nói với tôi việc ấy rồi, nhưng tôi tin rằng không có sự thực, chẳng qua Binh Tài nó muốn quan trọng hóa nó đấy thôi!

 Tuy nhiên cả ba người cùng đi xuống chân đồi tới rừng sơn để xem xét tình hình, nhưng chẳng thấy gì hết! Le Tacon nói:

 – Thôi chúng ta về đi ngủ thôi, chẳng có gì đâu! (3) 

4 

Giờ tác chiến sắp đến, các chiến sĩ chia từng nhóm rời rừng Sơn theo hướng dẫn viên tiến tới điểm tập trung. Các đồng chí quân nhân đi trước, dân quân cách mạng theo sau.

 Tin từ trong trại cho biết tình hình yên tĩnh, không có hành động phòng bị nào cả! Cai Hoằng ra hiệu tiến lên! Các chiến sĩ tiến tới bao vây các trại đã được phân công từ trước đợi lệnh.

Tiếng chuông Nhà Thờ điểm đúng một giờ sáng, tiếng súng lệnh bắt đầu nổ: “Đoàng”, phá tan bầu không khí im lặng, sương mù dày đặc bao phủ bầu trời thành Yên Bái, báo hiệu cuộc “Tổng Khởi Nghĩa” bắt đầu.

 – Giết! Giết hết tụi giặc Pháp!

 Tiếng hô to vang dậy của các chiến sĩ cách mạng như sấm sét động trời!

 Kho quân nhu bị phá cửa, lấy súng đạn phân phát đầy đủ cho dân quân cách mạng.

 Một lát sau, Trung Úy Robert, Thượng Sĩ Cunéo, Trung Sĩ Chevalier, Damour, Bouhier đều bị giết chết.

 Đại Úy Jourdain ở phía sâu yếu điểm, hô lệnh tập trung quân, lập tức bị Ngô Hải Hoằng bắn một viên đạn nổ chết ngay. Đại Úy Gainza bị thương ở sườn. Ngoài ra còn có hàng chục sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính bị thương.

 Tiếng reo hò từ các trại vẫn vang lên lẫn tiếng súng “ Đoàng, Đoàng”!

 Báo cáo từ các doanh trại về ban chỉ huy cho biết cách mạng quân hoàn toàn chiến thắng, làm chủ tình hình đồn dưới. Lúc ấy vào 4 giờ sáng ngày 11 tháng 2 năm 1930.

 Đường dây thép, điện thoại cũng bị cách mạng quân cắt đứt, trừ đường Yên Bái – Lao Kai.

 Các nơi hiểm yếu, Cai Hoằng, Cai Nguyên cắt đặt bố trí canh phòng cẩn mật, sửa soạn tiến đánh Đồn Cao.

 Lá cờ VNQDĐ tung bay phất phới khắp mọi nơi trong trại và đường phố.

 Một cuộc họp khẩn được triệu tập ngay tại văn phòng viên chỉ huy Jourdain để thảo kế hoạch tấn công vào Đồn Cao.  

 Thừa thắng, một số chiến sĩ đề nghị nên tấn công ngay Đồn Cao, một số cho rằng dầu sao thì Đồn Cao cũng đã được Le Tacon chuẩn bị đề phòng rồi, nên đợi khi trời sáng rõ hãy tấn công. Cấp chỉ huy chấp thuận đề nghị này.

 6 giờ, trời tảng sáng, Ngô Hải Hoằng ra lệnh tập họp, truyền mọi người trở lại đơn vị chuẩn bị tiến đánh Đồn Cao.

 Đường phố còn ướt đậm sương đêm, nghe tiếng reo hò, dân chúng đổ xô ra, mọi người đều vui mừng hô vang:

 – “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”

 – “Hoan hô Việt Nam Cách Mạng Quân”

 Cách mạng quân tiến đến gần Đồn Cao, thì phi cơ địch từ Hà Nội cũng bay tới, lượn vòng vào thành phố rồi xả súng bắn xuống đầu mọi người như trận mưa bão, trúng cả bộ chỉ huy.

 Một số đề nghị nên tập họp cách mạng quân bao vây quanh Đồn, chờ viện binh Nguyễn Thế Nghiệp; một số khác đề nghị nên tạm rút vào rừng. Trước tình cảnh rối loạn, Cai Thuyết, Cai Hoằng đành thúc thủ, không còn cách nào khôi phục lại trật tự. Đành chấp nhận đề nghị tạm rút vào rừng.

 Sau khi rút lui vào rừng, kiểm điểm lại chỉ còn phân nửa Cách Mạng Quân.

 Nóng lòng trả thù cho bọn Sĩ Quan bị giết, ngay buổi chiều ngày 11.2.1930, thực dân đưa hai chiến sĩ Cai Nguyên, Cai Tính ra bắn chết, không cần đợi ngày đưa ra tòa xử.     

 TẤN CÔNG HƯNG HÓA, LÂM THAO 

 Mặc dầu Hưng Hóa chỉ là một đồn binh Khố Xanh thuộc tỉnh Phú Thọ, nhưng lại là một điểm quân sự rất quan trọng. Nên từ đầu năm 1929, Đảng đã đặc phái một số cán bộ Đảng đến tuyên truyền, thành lập được Binh Đoàn tại đấy, gồm toàn Cai, Đội và Quản, cấp chỉ huy.

 Các võ trang đồng chí ấy nhất đáng đã bị ông Trưởng Ban Binh Vụ “xơi” hết cả rồi! Đảng đã mất hẳn lực lượng trung kiên ấy.

 Nhưng không vì thế mà bỏ dở chương trình “Tổng Khởi Nghĩa”, Nguyễn Khắc Nhu đã huy động toàn thể đảng viên địa phương: Lâm Thao (Phú Thọ), Bất Bạt (Sơn Tây) tập trung lực lượng tấn công địch, mặc dầu không có đại bác, liên thanh!

 Đúng hồi 1 giờ đêm mồng 10 tháng 2, Nguyễn Khắc Nhu có phụ tá là Nguyễn Văn Toại (tức Đồ Thúy) ra lệnh bắc loa chĩa vào đồn kêu gọi binh sĩ hãy quay súng lại giết giặc, trở về với hàng ngũ cách mạng quân để phụng sự Tổ Quốc.

 Sự kêu gọi của Nguyễn Khắc Nhu được đồn trưởng ra lệnh trả lời bằng một loạt súng từ trong đồn bắn ra.

 Nguyễn Khắc Nhu liền ra lệnh cho Cách Mạng quân liệng bom vào công phá đồn và hô xung phong. Công phá luôn mấy tiếng đồng hồ, tuy trong đồn bị thiệt hại nặng nề, nhưng Cách Mạng quân cũng không thể nào tiến được! Mà số bom, đạn, bình phụt lửa cũng gần cạn. Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh tạm lui quân về phía bờ sông, chờ số võ khí sắp tiếp viện tới.

 Khoảnh khắc sau, số vũ khí từ các làng lân cận đã chuyển vận tới. Nguyễn Khắc Nhu nhận thấy tấn công đồn binh Hưng Hóa không có lợi, ông ra lệnh cho cách mạng quân tiến phía phủ lỵ Lâm Thao, lúc ấy vào hồi 3 giờ sáng.

 Tới phủ lỵ Lâm Thao, dân chúng nổi lên hưởng ứng reo hò như sấm động: “Hãy bắt cho bằng được tên quan sâu mọt Đỗ Kim Ngọc! Giết ngay nó đi để trừ hại cho nhân dân”. “Hoan hô VNQDĐ muôn năm!” Nhưng thừa khi nhốn nháo ấy, lại nhân trời còn bóng tối, Tri phủ Đỗ Kim Ngọc cùng lính tráng trong phủ đã thừa cơ hội trốn thoát hết.

 Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh tịch thu súng đạn, thiêu hủy công văn, thượng Đảng Kỳ lên nóc phủ đường, tập họp dân chúng, rồi đăng đàn diễn thuyết, hô hào toàn dân đoàn kết chống thực, phong, hoàn thành sứ mạng cứu quốc và ra lệnh đốt hết phủ đường.

 Vừa dứt lời, thì truy binh từ Phú Thọ, Hưng Hóa kéo tới vây chặt bốn phía. Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh dàn quân ra nghênh chiến, chiến đấu đến cùng. Nguyễn Khắc Nhu bị trọng thương ở nơi chân. Để tránh sự bị rơi vào tay địch, ông đã dùng lựu đạn tự sát, ruột lòi cả ra ngoài mà vẫn không chết được! Địch quân bắt trói để lên trên một cái võng, phái lính giải về đồn binh Hưng Hóa. Thừa khi đi sát bờ sông, ông đã nhảy xuống sông tự trầm, nhưng cũng không thoát.

 Chauvet, phó Công Sứ tỉnh Phú Thọ ra lệnh tạm giam Nguyễn Khắc Nhu vào lô cốt đồn binh Hưng Hóa rồi hỏi:

 – Tại sao ông lại làm loạn?

 – Tôi là dân Việt Nam có bổn phận bảo vệ đất nước Việt Nam. Đó là việc hợp với lẽ phải và nhân đạo, sao lại bảo là làm loạn! Nguyễn Khắc Nhu trả lời.

 Chờ cho Chauvet ra khỏi lô cốt, Nguyễn Khắc Nhu (4) liền đập đầu vào tường đá đến ba lần mới chết được. Cách mạng quân bị bắt hết. Địch bị chết và bị thương hơn 20 tên. (5)

SƠN TÂY

Việc Yên Bái thất bại rồi! Cái hùng tâm của Phó Đức Chính chưa chịu chết! Anh cùng các đồng chí ở Yên Bái thoát vòng vây ra được, lập tức lại đi liên lạc các anh em, thu thập tàn lực, định hạ thành Sơn Tây.

 Thế nhưng “mưu sự tại Nhân thành sự tại Thiên”. Ngày 12, bao nhiêu bom đạn để ở Quảng Húc đều bị chính quyền thực dân khám phá được, rồi sáng ngày 13, Phó Đức Chính, Cai Tân cùng Thanh Giang Nguyễn Văn Khôi đương bàn việc ở nhà một đồng chí là Quản Trạng, xã Nam Man, tổng Cẩm Hương, huyện Tùng Thiện, bị một giáo viên trường tiểu học xã Nam Man có tư thù với Quản Trạng, mật báo với chính quyền Pháp Sơn Tây bắt giải về Hà Nội.

 Để hiểu rõ Phó Đức Chính một cách vô tư, chúng tôi xin trích dịch một đoạn dưới đây của ký giả Louis Roubaud viết về Phó Đức Chính trong cuốn “Việt Nam Tragédie Indochinoise” nguyên văn như sau:

 “Là một thanh niên 23 tuổi, mà tù đày làm ông hao mòn gầy guộc. Thể xác béo mập có trước kia, thật là hiếm trong chủng tộc ông, nên trông ông có vẻ là một người Tầu, nếu ông có khổ người bình thường của người An Nam. Trên khuôn mặt ông biểu hiện sự lầm lì, nhưng lời nói cắt quãng, bỏ nửa lời, có vẻ lo âu huyền bí kia, làm chúng tôi phật lòng luôn luôn với hầu hết những người ở xứ này. Cái vẻ nhìn chân thực, thông minh với tôi, thì ông không có gì là gì trẻ con! Phó Đức Chính không phải là người nhà quê! Ông theo ban trung học và đã làm hành chính cho Pháp với chức cán sự chuyên môn công chính, nhưng ông ta có tâm hồn một người lãnh tụ, khi đảng phái quốc gia bị thiệt thòi một vài Đảng Viên đắc lực nhất, tiếp theo là vụ bắt bớ vào tháng Hai 1929, Phó Đức Chính bị HĐĐH bắt giam, và bị kết án hai năm tù treo, ông là người phụ tá của ông Nguyễn Thái Học rất đắc lực.

 Tuổi trẻ không mấy ưa kiên nhẫn của ông cũng không thể thừa nhận một phong trào cách mạng lâu dài, đi xa hơn, ông ước rất chính đáng về vụ đổ máu đêm mồng 9 rạng ngày mồng 10 tháng 2 năm 1930 một khi chấm dứt đã đem lại hừng đông độc lập. Chính ông cũng sửa soạn kế hoạch chung.

 Ông đã sống những tuần linh động nhất, tay cầm bút hoạch định đường lối tiến quân của cách mạng An Nam trong việc xung phong chiếm đồn Pháp. Cũng vẫn như thế, rồi ông định đánh chiến trận quan trọng nhất do chính ông chỉ huy xung phong tấn công Sơn Tây. Đại tướng đã trải qua một đêm bi thảm rồi chờ đội quân cảm tử Lao Kai, Yên Bái, Hưng Hóa tới.

 Một mình ông đứng trước bức tường thành cổ kính lăng tẩm vua Minh Mạng mà cách đây 40 năm, ông vua ấy định tiến quân, song quân quá ít, và một người chỉ huy già dặn kinh nghiệm, đô đốc Courbet.

 Trước ủy ban hình luật, Phó Đức Chính (6) có một thái độ rất tư cách, tránh được sự khoe mình. Ông chỉ đòi hỏi những trách nhiệm của mình, ông là kẻ duy nhất trong số người bị kết án, ông từ chối ký chống án trước Hội đồng Bảo hộ.” 

 TRÊN CẦU LONG BIÊN 

 Sáng sớm ngày mồng 10 tháng 2 năm 1930, Lương Ngọc Tốn, trưởng ban ám sát của VNQDĐ được tin Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao khởi nghĩa vào tối 10 tháng 2, vội vàng từ Bắc Ninh sang Hà Nội tìm Ký Con để hỏi thăm tin tức, rồi trở liền về Bắc Ninh để cấp báo với Nguyễn Thái Học.

 Để tránh sự phí phạm thời giờ, từ Hà Nội, Lương Ngọc Tốn thuê riêng một chiếc xe hơi kiểu du lịch để trở về Bắc Ninh, xe chạy rất nhanh đến cầu Long Biên về phía gần ga Gia Lâm, lúc ấy vào hồi 12 giờ 15 phút, Đội cảnh sát là Saint Denis đứng gác trên cầu, ra hiệu bắt xe ngừng lại cho y khám. Không một giây phút chần chờ, Lương Ngọc Tốn rút ngay khẩu súng lục bắn trúng tay và đùi Saint Denis. Cảnh sát trên cầu nghe tiếng còi báo động, liền hô nhau đuổi theo. Lương Ngọc Tốn liền bỏ xe hơi cắm đầu chạy theo mé sông Hồng Hà, dân chúng trong phố Ngọc Hà không hiểu gì, thấy cảnh sát hô đuổi cũng xô nhau đuổi theo. Tốn phải móc túi tung giấy bạc lại phía sau cho bọn này nhặt, mới khỏi bị đuổi nữa!

 Được phi báo, Giám Đốc Chính Trị hành chính là Lacombe cũng đích thân đem một đội lính Khố Xanh truy nã.

 Lương Ngọc Tốn chạy đến bến đò Thanh Trì, tên lái đò nhất định không chịu, Tốn phải dí súng vào mang tai tên lái đò, khi ấy y mới chịu chở. Qua được sông Nhĩ, Tốn lại gặp phải bọn Công nhân trong Lò bát Thanh Trì xô nhau ra đuổi. Vạn bất đắc dĩ, Lương Ngọc Tốn phải rút súng bắn ba phát giết chết ba tên, rồi liệng súng xuống sông. Bọn công nhân bắt trói đem nộp cho Chính quyền Thực dân để lĩnh tiền thưởng.     

 NÉM BOM HÀ NỘI 

 Hà Nội chẳng những là Thủ phủ Bắc Việt, mà còn là Thủ phủ cả Đông Dương. Vậy muốn cách mạng ở xứ này, trước hết phải nghĩ ngay đến cách đánh chiếm Hà Nội. Có thể nói rằng “lấy được Hà Nội là lấy được tất cả!” Cho nên ngay từ Tổng Bộ đầu tiên, đã đặc biệt chú ý đến các địa điểm chiến lược và phải cố gắng tuyên truyền vào lớp các Hạ sĩ quan ở trong thành. Và có thể nói là hùng hậu gấp mấy chục lần ở mọi nơi. Nguyên Chi bộ Không quân Bạch Mai có đến 22 đảng viên hầu hết là Cai Đội do Đội Môn tức Trần Văn Môn làm Chi bộ Trưởng. Còn ở hai trại thứ 4 và thứ 9 trong thành và trại binh Khố Xanh, Đồn Thủy, không kể các binh đoàn, chỉ kể nguyên số Cai, Đội, Quản, Đảng đã có đến hơn 200 người là đảng viên cán bộ.   

 Nhưng từ sau ngày mưu phản của Phạm Thành Dương tức đội Dương, thì những đồng chí quân nhân ấy nếu không bị bắt khép án tù thì cũng bị bóc lon, giáng chức đưa đi các đồn lẻ ở Thượng Du làm lính.

 Còn các thường Đảng Viên, như Thư Ký, Giáo Học, Thương Kỹ Nghệ Gia và anh em thợ thuyền, nhưng nếu thiếu các anh em gươm súng thì trong một cuộc cách mạng sắt máu, hỏi làm được việc gì!

 Lực lượng chân chính của cách mạng kể từ ngày Nguyễn Thái Học bị bắt hụt ở Võng La và sau ngày hàng ngàn bom ở Bạch Mai, ở Thái Hà bị khám phá; ở Hà Nội, Đảng chỉ còn lại Đoàn Ám sát là đáng kể thế thôi!

 Đoàn ấy tuy chỉ huy là Nguyễn Khắc Nhu, song lãnh đạo chính là Ký Con Đặng Trần Nghiệp.

 Sau khi chia tay cùng Lương Ngọc Tốn, Ký Con triệu tập 5 đoàn viên trong đội cảm tử là Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Bá Tâm và Nguyễn Quang Triều (7) đều là học sinh trường Bách Nghệ, Hà Nội. Ký Con trao cho mỗi người một số bom, dặn đến đúng hồi 20 giờ phải ném:

20 trái vào nhà riêng Arnoux, chánh Sở Mật thám. (8)

8 trái vào ngục thất Hỏa Lò.

2 trái vào Sở Sen Đầm.

2 trái vào Cảnh Sát Quận I.

2 trái vào Cảnh Sát Quận II

 Và Sau khi làm xong nhiệm vụ, tất cả sẽ về báo cáo công tác tại căn nhà số 24 phố Hàng Giấy. Đồng hồ điểm đúng tiếng thứ 9, Ký Con và 5 đoàn viên khác phụ trách đi cắt giây thép, giây điện thoại trở về đầu tiên, rồi tiếp tục các chiến sĩ ném bom cũng về tới. Chủ nhân số 24 phố Hàng Giấy là ông Đào Tiến Tường mừng quýnh hô gia nhân dọn bàn bày bánh kẹo khao thưởng các chiến sĩ, khoảng khắc sau mọi người đều sửng sốt, nhận ra còn vắng một đoàn viên, đồng chí Nguyễn Bá Tâm.

 Ký Con lập tức phái một đồng chí mở cuộc điều tra, và dưới đây là lời tường thuật lại của Nguyễn Bá Tâm:

 – “… Chắc chắn anh cũng biết, đó chỉ là một chuyện nghi binh, chúng tôi mong làm thế để dân chúng nôn nao và may ra thực dân sợ Hà Nội có biến, không dám đem quân đi đánh các tỉnh… Buổi chiều hôm mồng 10, tôi còn đi học. Hai quả bom gang, tôi vẫn bỏ chơi trong túi, 8 giờ tôi mới đến trước bót Hàng Đậu (quận II) thấy một người vào gõ cửa, tôi ném luôn ngay vào chân nó. Bom nổ nhưng nó lại chạy thoát. Tôi định ném thêm quả nữa, thì một đứa ở đâu chạy lại. Nó chạy mau quá, thành ra vấp vào tay tôi, làm cho bom nổ trong tay! Bàn tay tôi văng đi mất! Tôi cố nhịn đau, chạy lên nằm ở trên cầu, nghĩ thế nào cũng chết, tôi rút dao ra tự tử, nhưng dao cùn quá, đâm mãi cũng không thủng cổ! Bị đau quá! Bấy giờ tôi nằm không yên nữa, đành phải gọi xe kéo tôi vào nhà thương. Chúng nó cắt cụt tay tôi, chữa cho tôi lành. Lành, rồi chúng tra tấn cực kỳ dã man!

 Nghĩ chối mãi, chúng đánh cũng chết, tôi đành nhận là thủ hạ của Ký Con. Chúng hỏi Ký Con ở đâu? Tôi khai anh thường nằm ở các khách sạn, không chỗ ở nhất định. Chúng hỏi Ban Ám sát có những ai? Tôi khai trừ Ký Con ra, tôi chỉ biết Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính chứ chẳng biết ai và cũng chẳng vào chi bộ nào cả…” 

ĐÁP CẦU, PHẢ LẠI 

Sự thực thì về miền Đông Bắc, chỉ có hai địa điểm quân sự quan trọng là Đáp Cầu và Phả Lại. Cả hai nơi, Đảng đã tổ chức từ lâu. Cả hai nơi, các võ trang đồng chí quá khá đông, thế nhưng những võ trang đồng chí ấy đã vì sự phản bội của Phạm Thành Dương tức Đội Dương mà bị bắt hết cả rồi! Còn nguyên các thường đảng viên, Nguyễn Thái Học tính đem toàn lực mà đánh dồn cả vào một nơi “Phả Lại”, họa chăng có được! Một mặt Nguyễn Thái Học ước hẹn với các đồng chí ở Gia Bình, Nam Sách (Hải Dương). Tất cả chia năm đạo quân mà đánh vào. Hẹn đánh là ngày 12 tháng 2. Nhưng đến ngày giờ hẹn, nơi tập trung, thì các đồng chí chẳng thấy Nguyễn Thái Học đâu cả! Mọi người hết sức kinh ngạc, kéo nhau ra về. Mãi hôm sau mới hay tin:

 Bởi mạn ngược đã không theo lệnh, mà đánh trước. Sự đánh sớm ấy gây nên hai hậu quả tai hại:

 1) Việc thất bại ở Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao gieo vào lòng người sự ngờ vực lực lượng cách mạng.

 2) Nhà cầm quyền Pháp ở các địa phương biết việc khởi nghĩa chẳng phải là tin đồn hão, nên tích cực đề phòng.

 Do sự đề phòng ấy mà ngày 11 tháng 2, Công Sứ và Giám Binh tỉnh Hải Dương đem một đại đội lính Khố Xanh đến vây khám xét làng Mỹ Xá thuộc phủ Nam Sách. Cuộc vây khám ấy tuy không bắt được Nguyễn Thái Học và Trần Quang Diệu nhưng chúng đã bắt được đồng chí Vương Khắc Hội, Trương Khắc Thông và một số vũ khí.

 Qua ngày 12, ngày Nguyễn Thái Học ước hẹn với các đồng chí tấn công Phả Lại, thì Công Sứ và Giám Binh tỉnh Hải Dương lại đem lính Khố Xanh đến vây khám làng Hưng Thăng. Nguyễn Thái Học được dân làng bảo vệ, đưa lội qua ao bèo dầy đặc, ẩn tránh trong bụi rậm, rồi được đưa xuống thuyền bơi ra thoát khỏi vòng vây. Chỉ một chút nữa là bị bắt sống.

 Cũng ngày hôm ấy, Công Sứ và Giám Binh tỉnh Bắc Ninh đem lính Khố Xanh về triệt hạ nhà một cán bộ Đảng là Nguyễn Văn Tuyên tức Chánh Tuyên và tưới xăng đốt cả làng Trụ Thôn cùng chợ Kênh Vàng, nơi cách mạng quân từ các địa phương đã kéo về tập hợp, chờ lệnh Nguyễn Thái Học mà không thấy.

 Trở về địa phương, các đồng chí ở tỉnh Bắc Ninh quyết định tấn công vào đồn binh Đáp Cầu vào đêm 18 tháng 2. Nhưng cũng bị chính quyền thực dân phát giác, nên không thành. Và sau đó một số lớn chất nổ còn được phát giác, nhất là ở vùng Bắc Giang, nơi quê hương của Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thị Giang.

 Cũng đêm 18 tháng 2, một cuộc âm mưu tấn công một huyện trong tỉnh Bắc Giang do các đảng viên địa phương chủ mưu, cũng bị phát giác không thành. (9)

ĐỒN BINH KIẾN AN 

 Tại miền xuôi, bộ Tham mưu VNQDĐ chủ trương đánh chiếm đồn binh tỉnh Kiến An, để rồi từ vị trí này sẽ phát động đi đánh chiếm các nơi khác.

 Ngày 13 tháng 2, theo lệnh bộ Tư lệnh khu Hải Quảng, các Đảng Viên VNQDĐ chuẩn bị đánh chiếm đồn binh Kiến An.

 Các lực lượng võ trang được điều động để tấn công các trại binh Pháp, gồm có:

 – Các Đảng Viên thuộc Tỉnh Đảng bộ Kiến An, do cán bộ Hội chỉ huy.

 – Các Đảng Viên công nhân Khu Đảng bộ Hạ Lý (Hải Phòng), phần đông là thợ thuyền, phu phen nhà máy xi măng, do các cán bộ Trần Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Nuôi chỉ huy.

 – Đoàn cảm tử gồm các thanh niên, học sinh thuộc Thành Đảng bộ Hải Phòng, do cán bộ Nguyễn Huy Thọ chỉ huy.

 – Một số khác gồm 50 Đảng Viên được điều động từ mỏ Mao Khê về, do hai cán bộ Nguyễn Văn Đài và Trần Hữu Quyết chỉ huy.

 – Ngoài ra trong các trại binh Pháp đều có Đảng Viên quân nhân, phần đông là Hạ sĩ quan và binh sĩ, do các cán bộ Mai, San, Sửu chỉ huy, chịu trách nhiệm làm nội ứng.

 Theo đúng quyết đề nghị, thời khởi sự đánh úp các đồn binh Pháp ở Kiến An vào đúng hồi 1 giờ đêm, 13 tháng 2, trong đánh ra và ngoài đánh vào.

 13 tháng 2 nhằm ngày 15 tháng Giêng Âm lịch, trong đêm khuya gió lạnh, các chiến sĩ Việt Quốc được võ trang gươm giáo, bom, súng lục, cánh tay đeo “Đảng Hiệu” nửa đỏ nửa vàng, trên có hai dòng chữ đen: “THỀ GIẾT CHẾT GIẶC PHÁP” – “BỎ MÌNH CỨU NƯỚC NAM”, và mang một băng hiệu dài có hàng chữ lớn “VIỆT NAM CÁCH MẠNG QUÂN” bắt chéo trước ngực qua lưng. Mọi người được sắp thành đội ngũ, tản mác đi tới chờ lệnh công phá các đồn binh địch.

 Đối các Đảng Viên cư ngụ tại Kiến An, Hải Phòng thì có thể tới địa điểm tấn công một cách dễ dàng, nhưng riêng đối với các Đảng Viên từ Mao Khê về, thì thật là một vấn đề nan giải.

 Các chiến sĩ được lệnh tập trung tại An Dương, một khu ngoại ô Hải Phòng. Đồng chí Đài được lệnh phải bố trí anh em quanh trại lính Khố Xanh tỉnh Kiến An trước hồi 1 giờ đêm. Khi thấy bên trại Khố Đỏ có tiếng súng nổ, là xung phong công phá. Một đồng chí quân nhân Chánh quản trong trại binh ấy sẽ sẵn sàng mở cổng trại đón tiếp anh em.

 Nhưng làm cách nào để qua được cầu Niệm? Cây cầu nối liền Hải Phòng – Kiến An, hai đầu cầu đều có quân đội và mật thám canh gác, đò ngang cũng bị tập trung tại chân cầu.

 Đồng hồ đã chỉ 10 giờ 30 phút. Trời tối lại mưa phùn gió bấc thổi mạnh làm da thịt tê tái, lạnh buốt thấu xương. Anh em được lệnh cởi quần áo, cùng võ khí cuốn lại, đội lên đầu buộc chặt xuống cằm, chờ lệnh sang sông.

 Hầu hết các chiến sĩ đều biết bơi và mực nước sông cầu Niệm vào mùa ấy cũng chỉ độ hơn hai thước tây.

 Giữa dòng sông, bỗng một tiếng rú phát lên, ôi thôi! Một đồng chí chết đuối rồi! Một đồng chí, anh Đài, liền lặn xuống mò hồi lâu không tìm thấy, mãi khi bơi vào gần đến bờ mới đụng phải, vội đưa lên bờ làm hô hấp cứu cấp, nhưng vô hiệu.

 “Anh Trần Hữu Quyết đã bỏ dở nhiệm vụ của Đảng trao phó, anh đã trở nên người thiên cổ rồi!”

 Lúc bấy giờ là 12 giờ thiếu 10, còn gần 1 giờ nữa để tới địa điểm tập trung. Anh em liền tập trung dùng gươm, đao đào ngay một cái huyệt bên bờ sông làm lễ mặc niệm an táng đồng chí Quyết.

 Bởi nhật kỳ sai biệt, Yên Bái và các nơi khác đã hành động trước rồi, Pháp quân đã thiết quân luật, bố trí đề phòng, cuộc nội ứng cũng như ngoại công không thành. Khi rút lui qua bến cầu Niệm, địch quân đem binh truy kích, nhưng cách mạng quân đã đi xa.     

 PHỤ DỰC, VĨNH BẢO

 1    

Trở về địa phương, các chiến sĩ VNQDĐ chọn hai huyện Phụ Dực, Vĩnh Bảo, vì hai tên tri huyện này rất độc ác và tham tàn.

 Hồi 20 giờ ngày 15 tháng 2, Hòa Quang Huy, Đào Văn Thê (tức giáo Thê) cùng Nguyễn Văn Hộ chỉ huy 40 võ trang đồng chí đến đánh úp huyện lỵ Phụ Dực thuộc tỉnh Thái Bình. Tri huyện là Trương Trọng Hiền trốn thoát, con gái Hiền là Trương Thị Kim 18 tuổi, đem vàng bạc châu báu ra dâng lễ Cách Mạng quân, nhưng tất cả được trao trả lại. Trương Thị Kim cũng được tha, một thiếu nữ xét ra vô tội.

 Tịch thu được 6 khẩu súng trường và một số đạn rồi bắc loa kêu gọi dân chúng đến tập hợp tại huyện đường, giải thích lý do, kể tội thực phong và kêu gọi đoàn kết.

 5 giờ sáng hôm sau, cho thiêu hủy hết hồ sơ công văn, Cách Mạng quân kéo sang bến đò Nghìn, để sẽ hợp quân lại tiến đánh đồn binh Ninh Giang theo chương trình đã được hoạch định. Nhưng đợi mãi không thấy tới, nên tự giải tán.

2

Cũng ngày 15 tháng 2, tại làng Cổ Am, Trần Quang Diệu tập hợp các đồng chí lại bàn rằng: “Nếu nay chúng ta kéo nhau ngay đến đánh chiếm huyện lỵ Vĩnh Bảo, tất Tri huyện Hoàng Gia Mô sẽ thừa cơ lộn xộn chạy trốn mất. Vậy thiết tưởng nên dùng mưu điệu y ra khỏi huyện lỵ mà bắt, thì hay hơn. Nhân tôi có quen với y, nên vẫn thường đi lại, vậy nay tôi lãnh sứ mạng đến báo tin cho y biết là tôi được tin có một số cách mạng quân nổi lên, định đánh chiếm huyện lỵ chúng ta vào chiều hôm nay, thế tất y sẽ đi báo với đồn Ninh Giang. Thừa khi ấy chúng ta chiếm cứ luôn huyện lỵ và phái một số cách mạng quân ra đón đường giết chết y.”

 Được các đồng chí đồng ý, Trần Quang Diệu liền đến mật báo với Tri huyện Hoàng Gia Mô theo đúng kế hoạch đã trù liệu. Mô hốt hoảng vội kêu tài xế đánh xe hơi ra, có hai tên lính cơ đi hầu, lên đồn binh Khố Xanh, Ninh Giang báo cáo xin quân tiếp viện.

 Hoàng Gia Mô đi khỏi, cách mạng quân liền kéo tới chiếm cứ huyện lỵ không gặp một sự kháng cự nào! Đảng Kỳ liền được thượng lên Kỳ Đài, cách mạng quân chia làm 3 toán: 10 người ở lại giữ Huyện, 10 người phục kích ở đầu làng Nam Tạ đón Hoàng Gia Mô, còn 10 người lãnh nhiệm vụ ra ngoài phố huyện, tuyên truyền giải thích cho dân chúng hiểu rõ ý nghĩa của cuộc cách mạng.

 Thể theo lời yêu cầu, trưởng đồn Ninh Giang cấp cho Hoàng Gia Mô 6 lính Khố Xanh, 6 súng trường và một số đạn. Họ Hoàng có ý nghi ngờ, cho hết lính lên xe hơi chở ra huyện, họ Hoàng còn kêu xe tay kéo theo sau xe hơi. Về tới đầu làng Nam Tạ, cách huyện lỵ độ 50 mét, xe hơi chở lính bị ngừng lại, vì đường bị ngáng bằng cây tre chận ngang. Cách mạng quân tràn ra, liệng vào xe hơi một trái tạc đạn, khiến xe hơi lật nhào xuống ruộng, nhưng nhân đêm tối trời, lính và tài xế thừa cơ chạy trốn. Hoàng Gia Mô khi về tới, thấy xe hơi bị lật nhào, đường bị ngáng, biết ngay có biến, liền xuống xe kéo và được trưởng tuần phố huyện là tên Lợi hướng dẫn vào ngay làng Điềm Liêm, phía sau làng Nam Tạ, lấy quần áo vải nâu cho Hoàng Gia Mô thay, rồi đưa họ Hoàng vào ẩn náu trong một đám rơm sau nhà Ký Toản.

 Được vợ Ký Toản mật báo, vào khoảng 6 giờ sáng ngày hôm sau, cách mạng quân kéo tới, bắn một phát súng vào đống rơm, trúng phải đùi huyện Mô, Mô dãy dụa nhưng không chịu ra; liền bị lôi ra trói lại, xỏ đòn tre vào dây lưng da của huyện Mô khiêng về huyện đường để xét xử. Trần Quang Diệu tuyên bố:

 – “Chúng tôi đến đây với mục đích là đánh đuổi thực dân Pháp và tất cả những ai đã cúi đầu theo giặc làm hại đồng bào.

 Tên tri huyện Hoàng Gia Mô là một trong những tên đã hà hiếp tàn nhẫn, bóc lột đồng bào! Là một tay tôi tớ lợi hại của giặc, chắc đồng bào còn nhớ vụ Hoàng Gia Mô đã mưu mô với bọn thực dân mưu toan chiếm 6.000 mẫu ruộng của đồng bào ở bãi Dương Am để làm tư kỷ. Bản thân nó đã có tội với quốc dân rồi! Đến cha ông nhà nó lại còn đắc tội hơn!”.

 Toàn thể đồng chí cũng như đồng bào có mặt tại đấy đồng thanh yêu cầu xử tử Hoàng Gia Mô.

 Vợ Hoàng Gia Mô dốc hết vàng, bạc, châu báu trong tủ sắt ra làm lễ dâng Cách Mạng quân, xin tha tội chết cho chồng, nhưng bị cực lực khước từ. Còn Hoàng Gia Mô thì kêu van:

 – “Đó là tội của ông cha tôi làm, xin các ông tha chết cho tôi, tôi xin làm một công dân để phụng sự cách mạng, và xin dâng hết của cải cũng như ruộng đất cho cách mạng…”

 Hoàng Gia Mô tức thời bị giết chết bằng một phát súng trường, vất xác xuống dòng sông Cầu Mục.

 Người được thực dân đưa về thay thế Hoàng Gia Mô là Cung Đình Vận. Thừa cơ hội, Cung Đình Vận đã khủng bố lương dân một cách vô cùng dã man để vừa lòng quan thầy thực dân, mà vơ vét tiền bạc của nhân dân không biết bao nhiêu mà kể! Thế mà đến khi Cung Đình Vận bị Việt Minh giết chết hồi đảo chính 1945, Việt Minh lại rêu rao ầm ỹ rằng: “Cung Đình Vận là một cán bộ cao cấp của VNQDĐ”. Ôi thật là tuyên truyền xuyên tạc hết chỗ nói!

 Tính từ ngày chính thức thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng cho đến ngày “TỔNG KHỞI NGHĨA”, vỏn vẹn mới được 2 năm và 1 tháng, tổng cộng là 766 ngày. Đương ở trong thời kỳ tổ chức, như vậy là đã đốt giai đoạn hàng chục năm. Hơn nữa, VNQDĐ tổ chức “TỔNG KHỞI NGHĨA” giữa thời thực dân toàn thịnh, bầy lũ chó săn đông đúc như đàn dòi! Cố Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và cố Chủ tịch Ban Lập Pháp Nguyễn Khắc Nhu lại hoạt động cách mạng trong hoàn cảnh tại đào, bị thực dân kết án khuyết tịch 20 năm cấm cố, thế mà tạo nổi một lực lượng khả dĩ tiến hành được cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA”. Thực là một chuyện phi thường, một kỷ lục không tiền khoáng hậu trong lịch sử cách mạng thế giới.  

 Bởi bí quyết nào các vị tiên liệt tiền bối chúng ta đã làm nên được cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA” oai hùng vĩ đại ấy?

 Cái bí quyết ấy phải chăng là “Hành động và Đoàn kết”, hành động liên tục, đoàn kết chặt chẽ, quang minh chính đại, vô vụ lợi, phát xuất do một tư tưởng cao cả, do những con người đảm lược, lúc nào cũng chỉ biết giữ cho lòng mình trong sạch, không bợn một chút nhơ “DANH LỢI”, chỉ biết phụng sự cho lý tưởng cách mạng một cách sáng suốt, nhiệt thành, dũng cảm vô điều kiện.

 Hành động quang minh, lại vô điều kiện, ánh hào quang chiếu rạng vào lòng dân khiến họ bừng tỉnh, thấu đáo bổn phận người dân đối với đồng bào, với Tổ Quốc mến yêu, khiến họ hy sinh tất cả cho cách mạng. Do đó mà lớn mạnh, bất chấp mọi sự ngăn chặn phá hoại, khủng bố của bè lũ thực dân.

Yếu tố ấy lại được thúc đẩy bởi những sự bạo ngược, tham tàn, thối nát, dã man, vô nhân đạo của thực dân và phong kiến nên đã sớm gây thành “Trận bão lửa cách mạng”, lòa sáng trong đêm lịch sử mồng 9 rạng mồng 10 tháng 2 năm 1930, thiêu hủy cái khí thế hung hăng tàn bạo của bè lũ xâm lăng thống trị và làm choáng mắt bọn “cách mạng áo cơm, cơ hội chủ nghĩa”. 

====================

Chú Thích:

(1) Hà Văn Cấp làm bồi cho Thiếu Tá Le Tacon, được Đảng ra lệnh phải hạ sát Le Tacon, khi nghe tiếng súng báo hiệu.

(2) Bộ tham mưu địa phương Yên Bái gồm có 5 quân nhân: Quản Cần, Cai Thịnh, Cai Nguyên, Cai Thuyết và Cai Hoằng.

Không ngờ đến ngày Tổng Khởi Nghĩa thì Quản Cần bị đau tim nặng, phải điều trị tại bệnh viện Lanessan. Khi hay tin cuộc Tổng Khởi Nghĩa bị thất bại Quản Cần đã hộc máu ra mà chết.

(3) Theo tài liệu của ký giả “Louis Rouband trong cuốn Việt Nam Tragédie Indochinoise.”

(4) Nguyễn Khắc Nhu biệt hiệu “Song Khê”, thi đậu đầu xứ, nên người ta gọi là Xứ Nhu. Ông sinh năm Quý Mùi (1883) tại Phủ Lạng Thương thuộc tỉnh Bắc Giang.

 Cảnh nhà nho thanh bạch, cũng như Tú Xương, nhờ được bà hiền phụ tần tảo bán buôn, nên ông được để cả thời giờ hoạt động cho cách mạng. Con trai ông là ký giả Nguyễn Khắc Trạch cũng là Đảng Viên VNQDĐ bị HĐĐH kết án chung thân, năm 1945 bị tử thương trong trận giao phong ác liệt với Việt Cộng ở tỉnh Sơn Tây.

(5) Theo tài liệu của tạp chí “Phụ Nữ Tân Văn” Sài Gòn.

(6) Phó Đức Chính sinh năm 1897 tại làng Đa Ngưu thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tốt Nghiệp trường Cao Đẳng Công Chính, được bổ chức cán sự Công Chính tại tỉnh Savanakhet (Ai Lao) vào đầu năm 1928.

 Là sáng lập viên VNQDĐ. Sau ngày Bazin bị ám sát, Phó Đức Chính bị bắt từ Ai Lao đưa về Hà Nội, bị kết án 2 năm tù treo và bãi chức.

(8) Theo tài liệu của L. Marly, Giám đốc Mật thám Đông Dương, viết trong cuốn “Contribution à l’ histoire des mouvement politique de l’ Indochine Francaise”.

(9) Louis Marty, Giám đốc Mật thám Đông Dương đã viết trong cuốn “Contribution à l’ histoire des mouvements politiques de l’Indochine Francaise” rằng: “VNQDĐ đã có dầy đủ tài liệu về quân lực đóng ở Đông Dương. Các Đảng Viên ghi lực lượng của ta về nhân lực và võ khí. Người ta đã lập bản đồ nơi đóng quân, nơi chứa võ khí và nơi để đạn dược. Cuối cùng nhiều lính pháo thủ đồng lõa với Đảng như những biến cố cho thấy…”

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm vào đây đọc chương kế]

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt