Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (47)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ  Năm (1950-1954)/Chương II: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG GIỮA HAI GỌNG KÌM THỰC DÂN-CỘNG SẢN” 

Thiên Thứ Năm (1950-1954)

Chương II: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG GIỮA HAI GỌNG KÌM THỰC DÂN-CỘNG SẢN” 

ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC NẠN PHÂN HÓA BẮT ĐẦU 

Thượng tuần tháng 7 năm 1950, các yếu nhân VNQDĐ đã có mặt đông đủ ở Hà Nội. Một Đại Hội Đại Biểu toàn quốc được triệu tập tại số nhà 2, phố Phạm Hồng Thái.

 Thành phần hội nghị gồm có: Mỗi tỉnh Bắc Việt 1 Đại Biểu, Trung và Nam Việt mỗi phần 2 Đại Biểu, Hải ngoại 2 Đại Biểu.

 Phiên họp ngày đầu, Đỗ Đình Đạo được cử làm chủ tọa hội nghị, thuyết trình viên là Cung Đình Quỳ (thay mặt Nguyễn Văn Chấn bị ốm).

 Sau khi thông qua báo cáo cùng một loạt chất vấn gay cấn với Tổng Thư Ký Vũ Hồng Khanh, rồi chương trình nghị sự mới được đề ra, và chấm dứt công tác của ban chấp hành cũ, chương trình nghị sự gồm có:

 – Danh xưng của Đảng

 – Bầu Ban chấp hành ủy viên mới

 – Ấn định chương trình hoạt động của Đảng.

Đến đây An Sinh được cử làm chủ tọa hội nghị. Vấn đề danh xưng của Đảng được đưa ra thảo luận.

 Đỗ Đình Đạo đề nghị đổi là “Quốc Dân Đảng Việt Nam”.

 An Sinh xin giữ danh hiệu cũ “Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Viện lẽ rằng danh hiệu cũ đã thành danh hiệu lịch sử, và chính không phải nó làm hư, mà là đảng viên của giai đoạn làm xấu nó.

 Đến khi lấy biểu quyết, danh hiệu “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG” được đa số tuyệt đối tán thành.

 Sang ngày thứ hai, Vũ Hồng Khanh cùng hai Đại Biểu Trung Việt vắng mặt, cho rằng nội bộ thiếu thiện chí xây dựng.

 Ngày thứ ba, nhiều Đại Biểu địa phương và cả hai Đại Biểu Hải ngoại cũng đều vắng mặt.

 Tiếp đến ngày thứ tư, mặc dầu vắng mặt một số đông Đại Biểu, hội nghị vẫn tiếp tục làm việc, bầu ban chấp hành Trung Ương Lâm Thời. Ngô Thúc Địch được cử làm Bí Thư Trưởng.

 Cách ít ngày, một số cán bộ đứng ngoài tổ chức Ngô Thúc Địch hợp nhau đến nhà Vũ Hồng Khanh chất vấn rồi tổ chức một Đại Hội quyết định yêu cầu Vũ Hồng Khanh tạm đảm nhiệm Đảng vụ từ giờ phút đó, với nhiệm vụ xúc tiến cùng các đồng chí trong toàn quốc để lập Trung Ương Đảng bộ chính thức và phủ nhận Trung Ương Đảng bộ do Ngô Thúc Địch lãnh đạo. 

 Để xúc tiến công tác Đảng vụ, tiếp sau đó ít ngày, Thị bộ Hà Nội được thành lập, Nguyễn Đình Đa được bầu làm Chủ Nhiệm rồi Khu bộ và các Chi bộ các tỉnh được tổ chức lại, phát triển thêm Đảng viên và hoạt động mạnh nhất là các Chi bộ Vĩnh Phúc Yên, Kiến An, Phát Diệm (Ninh Bình).

 Đầu năm 1951, nhận thấy tình hình thế giới biến chuyển nghiêm trọng, Trung Ương Đảng bộ Lâm Thời được tổ chức thành lập. Vũ Hồng Khanh được bầu làm Tổng Thư Ký.

 Từ đó VNQDĐ có hai Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng bộ, công khai đối chọi nhau, thi đua phát triển đảng viên và mọi công tác khác. Nạn phân hóa phát sinh bắt đầu từ đấy.

 Xét thấy nội bộ chia rẽ, rất có hại cho công tác cũng như thanh danh của Đảng, một số đảng viên tên tuổi đứng ra liên lạc, thăm dò ý kiến để dung hòa cả hai nhóm, suốt mấy kỳ hội nghị vận động thống nhất đảng kéo dài đến mấy tháng, nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được thống nhất.

 Tháng 7 năm 1951, Vũ Hồng Khanh tuyên bố với tư cách cá nhân ra làm Bộ Trưởng Thanh Niên trong Chính Phủ Nguyễn Văn Tâm. Trung Ương Lâm Thời tự giải tán, vì xét thấy họ Vũ tham gia chính quyền lúc ấy là không phù hợp với đường lối của Đảng.

 Sau khi họ Vũ ra tham chính, cách vài ba tháng sau, một số đồng chí của họ Vũ tại cố đô Thăng Long, trụ sở đặt tại đường Hồ Xuân Hương (Jabouille) cũ, rải truyền đơn phản đối Chính Phủ về một vấn đề phi pháp nào đó.

 Nguyễn Đình Thái, (1) Giám Đốc Công An, dẫn một số mật thám Pháp đến vây trụ sở số 12 đường Hồ Xuân Hương, khám xét tịch thu tài liệu chất đầy 2 xe bò đưa về nha Công An. Hôm ấy là ngày mở lớp huấn luyện cán bộ, số người dự lớp có trên 30 người, được tin cấp báo đều chạy thoát, duy có Nguyễn Văn Thụ vì chậm chạp nên bị bắt giam. 

Một cán bộ Đảng viết cho Bộ Trưởng Vũ Hồng Khanh yêu cầu can thiệp nội vụ. Họ Vũ viết thư trả lời cho Nguyễn Văn Lực, xin trích một câu chính trong bức thư, nguyên văn như sau:

 – “… Từ nay trở đi, tôi không muốn biết gì đến công việc Đảng nữa! Và đừng có hỏi han gì nữa!…”

 Nguyễn Văn Lực trao bức thư cho Nguyễn Văn Chấn. Sau khi đọc xong bức thư, Chấn Đen rất buồn rầu, nói với ông Lực rằng:

 – “Thằng Vũ nó đã thế này, thì mình phải viết thư chửi cho nó mấy câu…”

 Và cũng từ đó cho đến trước khi họ Ngô Đình thất vị. Nguyễn Văn Lực với Vũ Hồng Khanh không còn gặp mặt nhau nữa. (2)

 Ngô Thúc Địch cũng tham chính với chức Phó Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Văn Tâm, rồi bị các đồng chí trong nhóm của Ngô rải truyền đơn phản đối và khai trừ. Kết quả Ngô Thúc Địch (3) phải từ chức, những người chủ mưu trong vụ rải truyền đơn, kẻ bị bắt, người bị truy nã và rồi tổ chức cũng chìm luôn.

 Sau khi Trung Ương Lâm Thời Vũ Hồng Khanh tự giải tán, một số thanh niên Đảng viên tự đứng ra thành lập “ Cán Bộ Đoàn” để tiếp tục công tác đảng vụ.

 Một số các vị lão thành: Hoàng Văn Đào, Nguyễn Văn Lực, Lê Văn Giáp, Nguyễn Văn Chấn cũng tập hợp nhau thành một tổ chức để tạm đảm nhiệm công tác Trung Ương Lâm Thời.

 Đầu năm 1953, lão đồng chí Bạch Vân, trưởng cán bộ đoàn từ Hà Nội vào Sài Gòn cùng Phạm Thái và Phan Ngô thành lập một cơ quan Chỉ Đạo Lâm Thời để tiến tới Trung Ương Đảng bộ chính thức, Nguyễn Văn Chấn được mời làm cố vấn.

 Ủy ban vận động Đại Hội bầu Trung Ương Đảng bộ hoạt động được ít tháng thì biến cố lịch sử quan trọng đến vận mạng Việt Nam đã xảy ra! Hội nghị Quốc Tế họp ở Thuỵ Sĩ bàn về đình chiến Đông Dương. Dư luận chia đôi đất nước Việt Nam đã được loan truyền từ cuối năm 1953, khiến nhân dân Việt Nam hết sức hoang mang lo sợ, nhất là hàng ngũ cách mạng Quốc Gia.

——————

Ghi Chú: 

(1) Nguyễn Đình Thái, con nuôi Nguyễn Văn Tâm, Thủ Tướng Chính Phủ hồi bấy giờ.

(2) Theo lời tường thuật của ông Nguyễn Văn Lực.

(3) Ngô Thúc Địch sinh năm Bính Dần (1897) tại làng La Khê, tỉnh Hà Đông, là một nho gia, cả ba anh em Ngô Thúc Địch đều thi đậu Cử Nhân khoa Ất Mão 1915.

Sau khi thi đậu Cử Nhân, Ngô Thúc Địch mới bắt đầu tự học Pháp Văn, thi đậu Brevet Elémentaire, rồi vào trường Cao Đẳng Pháp Chính (Ecole de droit et administatif). Sau khi tốt nghiệp, được bổ chức Tham Tá Hành Chính.

Ngô Thúc Địch vốn người thông minh, hiền hậu và có đức, gia nhập VNQDĐ từ đầu năm 1928, do Hoàng Văn Đào giới thiệu vào Chi bộ Thanh Hóa. Bị bắt giam về vụ án Bazin đầu năm 1929, bị Hội Đồng Đề Hình kết án 2 năm tù treo. Tạ thế tại Hà Nội vào năm 1954.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt