Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (37)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 13)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 13)

ĐỆ TAM CHIẾN KHU: CHIẾN KHU VIỆT TRÌ 

1 

Vào trung tuần tháng 9 năm 1945, Nguyễn Đình Phúc được Hoàng Quốc Chính, Vũ Quang Phẩm từ Hà Giang phái về tổ chức chiếm cứ Việt Trì. 

Về Việt Trì, Phúc trọ tại quán cơm đầu cầu Bạch Hạc, do một đồng chí làm chủ là Văn Bịch. Sau một thời gian giao thiệp với quân nhân Nhật Bản bại trận, Nguyễn Đình Phúc đã có một số súng chứa đầy trong 3 cổ quan tài (hòm), thả dấu xuống dòng sông Bạch Hạc. Công tác của Phúc làm bị một thiếu nữ là Thị Bích, khách cùng ở trọ với Phúc dò biết, đi tố cáo với công an CS. Tức thời 4 công an CS là Ký Cải, Ba Mai, Nho Mưu và Bùi Văn Phong đem bè lũ đến vây bắt Nguyễn Đình Phúc đưa đi giam giữ hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng, CS đem về giam trên tầng lầu trụ sở Ủy ban Hành chánh Bạch Hạc cùng hơn 200 nạn nhân khác, mà đa số là quan lại, kỳ hào, địa chủ ở địa phương.  Sau khi giam giữ ít ngày tại đấy, CS tổ chức một đêm kịch ở bên nhà máy giấy tại Việt Trì để thu hút dân chúng đến xem, trong khi đó, CS sẽ ngầm đưa một số nạn nhân đi thủ tiêu, mà trong số đó có Nguyễn Đình Phúc. 

Từ khi Nguyễn Đình Phúc bị CS bắt, các đồng chí hàng ngày vẫn theo dõi, tới đêm mà CS định đem đi thủ tiêu, thì Thanh Bình cùng Nguyễn Trung Tự đem một số đồng chí dùng mưu cứu thoát được Nguyễn Đình Phúc và một số đồng bào bị giam với Phúc. Riêng Phúc được đưa đến chiến khu Vĩnh Yên phụ trách phòng chính trị. 

Cầu Việt Trì bắt qua Sông Lô (hình trước 1954) 

Cho mãi đến tháng 12 năm 1945, Thiếu úy Hanh, Dương Ái tức Quản Ái, Đội Thọ cùng 40 đồng chí võ trang do Thiếu Úy Dương Cáp chỉ huy từ chiến khu Vĩnh Yên bí mật tiến đến Việt Trì, rồi chia làm 4 toán: Một toán đi vòng đường cái nhựa phía sau nhà máy giấy, tiến thẳng vào chiếm Thị Sảnh; một toán đi qua sông tiến đến dốc Cẩm mai phục, chờ toán thứ 3 tới rồi đồng tấn công; một toán đánh chiếm Sở Kiểm Lâm ở bến Gót; một toán đánh chiếm ga xe lửa. Chỉ trong chớp nhoáng đã hoàn toàn chiếm xong Việt Trì, hy sinh mất một chiến sĩ là Hạng. 

Quân chính được tổ chức ngay, Dương Bình (41) được ủy làm Bí thư Tỉnh Đảng bộ, thuộc dưới quyền kiểm soát của chủ nhiệm Vũ Văn Minh tức Mẫn. Cách ít ngày sau, Bảo Ngọc từ chiến khu Vĩnh Yên phái tới thay thế Dương Bình làm Bí thư, Thanh Minh Trưởng ty Công An kiêm Mật vụ, Toan Ánh trưởng phòng Chính trị cục, Kỳ (đen) Trưởng ty Hiến binh, Dương Cáp Tư lệnh Chiến khu. 

 Sau khi mọi cơ cấu tổ chức xong, trường Quân Chính sơ và trung cấp từ Vĩnh Yên được dời tới Việt Trì. Giám đốc học hiệu là Đại úy Vũ Văn Minh, phó giám đốc là Thiếu úy Nguyễn Xuân Kế, giảng viên là Chuẩn úy Ngạn, Trần Văn Lợi và Dương Ty (42). Vài tháng sau trường Quân Chính này càng đông học viên, các huấn luyện viên cũng được tăng cường thêm, do các cán bộ Phan Trọng Vinh, Chuyên, Khoát và Bùi Ngọc Cuông tức Việt Cuông, tức Việt Hùng phụ trách.

Tháng 3 năm 1946, một số chừng 60 “Quốc Gia Thanh Niên Đoàn” từ Hà Nội rút lên Việt Trì, đóng tại nhà Nguyễn Hữu Tiệp bên Bạch Hạc.

Sau khi Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến ra đời, Trung ương Đảng bộ thông tri đi các Khu Đảng bộ ra lệnh đoàn kết chống xâm lăng. Từ cuối tháng 2 năm 1946, Tỉnh Đảng bộ Việt Trì đã tổ chức mấy cuộc nói chuyện về đoàn kết: một cuộc tổ chức tại sân quần đỏ Việt Trì có Đại Biểu CS đến tham dự; một cuộc tổ chức tại đình Bạch Hạc, dân chúng địa phương kéo đến nghe cuộc nói chuyện rất đông đảo, nhiệt liệt loan nghênh.

 Đến cuối tháng 4, tình thế bắt đầu trở nên gay go, bộ Tư Lệnh liền cho mở những cuộc hành quân với tính cách biểu dương lực lượng do Vũ Văn Minh và Dương Cáp chỉ huy.

– Cuộc thứ nhất lên Dĩu Lâm (tiếp giáp An Lão, trụ sở Ủy ban Hành chính CS huyện Hạc Trì) rồi quay về Lâu Thượng, Lâu Hạ, Việt Trì. 

– Cuộc thứ hai di chuyển bằng xe lửa từ Việt Trì lên Phủ Đức quẹo ra Nỗ Lực, buổi chiều trở Việt Trì. 

– Cuộc thứ 3 sang Hòa Loan, chiều trở về Việt Trì. Đến đâu Ban Tuyên truyền Xung phong cũng tổ chức nói chuyện, phân phát báo “Việt Nam” và truyền đơn, được công chúng địa phương nhiệt liệt hoan hô hưởng ứng. 

Tiếp theo đến chiến dịch “Tổ chức an dân”. Lần thứ nhất phá cuộc mít-tinh của CS tổ chức tại xã Minh Nông, cách Việt Trì 5 cây số. Lần thứ 2 phá sào huyệt CS cũng tại xã Minh Nông, biến xã này thành một xã thuần túy Quốc Gia chống Cộng cực đoan, dân chúng tự động xé cờ đỏ sao vàng và bắt cán bộ CS giết chết. 

2 

Sáng ngày 17 tháng 6 năm 1946, tại trung tâm Tỉnh Đảng bộ Việt Trì, tổ chức lễ truy niệm 13 vị Liệt sĩ lên máy chém của thực dân Yên Bái năm 1930. Trước mặt đông đủ các cấp chỉ huy quân, dân, chính, học viên Việt Trì, Bạch Hạc cùng nhân dân các xã thôn lân cận, Trần Trung Dung đứng lên tuyên bố buổi lễ lịch sử theo phần thủ tục. Tiếp đến là lễ thượng Đảng kỳ, dây cờ bị đứt khiến mọi người tái mặt. Cuộc hành lễ vừa xong, thì CS đem quân đến khiêu chiến. QDQ lập tức qua sông Bạch Hạc tiến lên con đê về phía Vĩnh Tường cách Việt Trì 3 cây số dàn quân ứng chiến dưới sự chỉ huy của Tư Lệnh Dương Cáp. Hai bên nổ súng. Sau mấy tiếng đồng hồ, CQ yếu thế phải rút lui.

Từ sáng hôm sau (18-6), ngày cũng như đêm, CQ liên tiếp kéo đến tấn công, nhưng không thu lượm được kết quả nào cả.

Tới ngày 21 tháng 6, CS huy động tất cả lực lượng quân sự từ các nơi đến, gồm có:

– 1 tiểu đoàn lính Thổ

– 1 tiểu đoàn lính Vĩnh Phúc Yên

– 2 tiểu đoàn lính Phú Thọ

– 2 tiểu đoàn lính Sơn Tây (mũ cối)

– 1 tiểu đoàn lính Thái Nguyên.

Tổng cộng là 7 tiểu đoàn, lại thêm một số lớn tự vệ chiến đấu, dân quân, tổng số hơn 3.000 người kéo đến vây hãm Việt Trì.

Theo quân báo của CS thì QDQ ở Việt Trì có tới trên ngàn người. Nhưng sự thực, lực lượng quân sự của VNQDĐ ở chiến khu Việt Trì chỉ có: 

 – Trường Quân Chính                   120 học viên

 – Quốc Gia Thanh Niên đoàn        60 người

 – Quốc Dân Quân                         110 người

 – Cán bộ (biến vi binh)                   66 người

                                                  ——————–

                     Tổng cộng:              356 người

Đêm 21 tháng 6, CQ bắn phá những khu lân cận Việt Trì, bắt đầu tấn công vào Mộ Chu Hạ, đồn ấy VNQDĐ  chỉ có một tiểu đội trấn giữ dưới quyền chỉ huy của Hạ sĩ Kiếm Anh. QDQ chiến đấu một cách rất anh dũng, riêng Kiếm Anh đã ném hết cả hai thùng lựu đạn. Tới sáng thì bị hỏa lực của CQ tập trung quá đông đảo, Kiếm Anh bị một viên đạn bắn xuyên qua mồm, phải cùng tiểu đội rút lui về Bạch Hạc. 5 giờ sáng ngày 22, tiến vào Mộ Chu Hạ, CQ kéo cờ đỏ sao vàng.

Lập tức tất cả các cấp dân, quân, chính tổ chức ngay cuộc phản công. Lần đầu tiên học viên trường Quân Chính cùng Quốc Gia Thanh Niên đoàn tập hợp xuất quân, góp sức với QDQ đặt khẩu trung liên quét vào Mộ Chu Hạ. Đến 9 giờ sáng, CQ phải rút lui khỏi Bồ Sao về một khu đồi cao để chống giữ. Trận này về phía QDQ không một ai bị chết, duy có giáo sư Mai bị thương ở bàn tay trái, là vì thiếu liên lạc, nên bạn đồng đội đã bắn nhầm phải mà thôi.

Dương Cáp cùng Trần Quốc Chính, Nguyễn Văn Hiền (cán bộ trường Quân chính) chỉ huy QDQ truy kích CQ.

CQ huy động thêm viện binh tới, trong số có 8 Pháp quân được phái đến phụ trách điều khiển trọng pháo. Kết quả CQ đại bại. Một trung đội trưởng bị thương, bị bắt và chết vào hồi 24 giờ đêm, chưa kịp khai thác tài liệu; tịch thu một khẩu đại bác 60 ly, bộ đội Hùng Phong (chiến khu Thái Nguyên) do Nông Quốc Hùng chỉ huy bị chết mất quá nửa. Sự thiệt hại về phía QDQ không quá số 10 người, trong số có Tư lệnh Dương Cáp bị một viên đạn xược qua mồm lên tới thái dương, và một viên nằm ở cổ tay trái không ra được; Trần Quốc Chính bị gẫy bả vai bên trái xuyên qua ngực tới lưng; Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Đông (Nhật kiều), một huấn luyện viên trường Quân Chính, bị bắn vỡ một mảng ngực trông thấy xương sườn; Đào Văn Chế bị trúng 7 phát đạn khắp mình và chân; Luân, một cán bộ chết tại trận; Hạ sĩ Kiếm Anh sau trận Mộ Chu Hạ cũng từ trần.

Sau 9 ngày 9 đêm ác chiến, cấp chỉ huy chiến khu Việt Trì xét thấy đã đến lúc phải rút lui để bảo toàn lực lượng, vì Phú Thọ, Vĩnh Yên đã thất thủ, Yên Bái cũng đang bị bao vây, Lao Kai lại ở xa quá, đường giao thông bị địch tàn phá, viện binh không thể kịp, Việt Trì trở nên cô lập. Hơn nữa, tình hình sinh hoạt ngoài dân chúng bị ngừng hẳn từ ngày CQ nổ súng, trong thành phố Việt Trì đã lâm vào cảnh thiếu lương thực không cách giải quyết. Cuộc rút lui được ấn định vào hồi 24 giờ đêm 25 tháng 6 năm 1946.

Từ sớm ngày 25, khẩu súng đại liên 13 ly do hai cán bộ Vương Các Đạo tức Vương Đức và Bùi Ngọc Cuông tức Việt Hùng cùng mấy học viên trường quân chính cầm cự để lui quân về Thành Bộ. Việc lui quân xong xuôi, khẩu đại liên cũng được đưa qua sông Bạch Hạc về thành vào phút chót.

Trưa ngày 25, CQ tấn công dữ dội, nhưng cũng không dám mạo hiểm vượt qua sông.

Sẫm tối ngày 25, QDQ sửa soạn bỏ Bạch Hạc và Việt Trì, lệnh cấm xâm phạm đến tính mạng và tài sản của nhân dân trong lúc lệnh rút lui được ban hành. Đến hồi 24 giờ thì đã rút lui hết dưới sự chỉ huy của Vũ Hồng Khanh tiến về phía Bắc. Cuộc rút lui rất trật tự và êm ả.

Thành Việt Trì đành phải hy sinh đồng chí Việt Hùng và hai học viên trường Quân Chính để điều khiển đại liên cầm cự với địch quân làm kế nghi binh. Đến phút cuối cùng, Việt Hùng cùng mấy đồng chí đẩy đại liên xuống sông, rồi đội lốt thường dân trốn thoát. Trần Quốc Chính tuy bị thương nhưng cũng trốn thoát được, duy có đội Ngạn, Dương Cáp, Nguyễn Văn Đông và Đào Văn Chế vì vết thương quá nặng không thể đi được, bị CS đưa lên bãi tha ma phủ cũ Vĩnh Tường chôn sống, và một số bị giết tại chỗ vất xác xuống sông Hạc Trì.

====================

Ghi chú:

(41) Được ít lâu Dương Bình âm mưu tạo phản nên đã bị đưa về chiến khu Vĩnh Yên lập phiên toàn xét xử, kết án tử hình.

(42) Dương Ty sau đổi về công tác tại chiến khu Vĩnh Yên. Ngày 17. 6.1946, Dương Ty làm phản, đưa một tiểu đội cùng võ khí, trong số có một khẩu trung liên ra đầu hàng VC ở huyện Tam Dương. 

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt