Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (36)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 12)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 12)

ĐỆ TAM CHIẾN KHU: CHIẾN KHU PHÚ THỌ

1 

Sau khi chiếm đóng tỉnh Yên Bái được hơn một tháng, Nguyễn Vĩnh tiếp được “Mật Thư” của Vũ Huy Hùng (40), Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, yêu cầu phái quân xuống giúp tay để chiếm Phú Thọ. Nguyễn Vĩnh đặc phái Lê Thanh từ Yên Bái xuống Phú Thọ trước để mở cuộc ngoại giao với Tư Lệnh quân đội Trung Hoa. 

 Ngày 16 tháng 11 năm 1945, Nguyễn Vĩnh đích thân dẫn một Trung đội xuống Phú Thọ. Sau khi nghỉ ngơi, đến quá nửa đêm mới ra liên lạc với Vũ Huy Hùng, rồi chia quân đi chiếm đóng các cơ quan hành chính của CS. 

 Vào hồi 4 giờ sáng thì bắt đầu ngầm đột kích vào bộ chỉ huy quân đội CS. Khi QDQ tiến vào đến giữa đồn, thì bốn bề yên lặng, biết đã lọt vào ổ phục kích của địch, Nguyễn Vĩnh ra lệnh rút lui, nhưng chưa kịp rút lui, thì bốn phía súng đã nổ. Nguyễn Vĩnh phải hô quân tiến đánh một góc trại, chiếm lấy vị trí địch, cướp được một số súng máy, và tất cả tựa vào vị trí địch để chống với địch. 

 Cầm cự được hơn một tiếng đồng hồ, hai QDQ bị tử thương. Mọi người đã nao núng, thì may sao toán quân của Lê Huy từ ngoài tấn công vào, đánh lui một góc trại, địch phải rút cả lên trên đồn bắn xuống. 

 Tuy chiếm được hai góc trại, nhưng QDQ lúc này cũng lâm vào tình thế nguy hiểm vì CQ ở trên lầu cao kiểm soát được các vị trí nên bắn đâu trúng đó, khiến QDQ luôn luôn phải tựa sát vào cạnh hào để tránh.

 Thấy kéo dài bất lợi, mà rút lui cũng khó, Nguyễn Vĩnh chợt nghĩ ra một kế, ngầm cho QDQ quay súng bắn trở lại phía trại binh Trung Hoa đóng. Nghe tiếng súng từ phía đồn CS bắn sang trại binh mình, quân đội Trung Hoa liền cho quay súng lớn bắn sang đồn binh CS.

 Tường đồn bị sạt đổ, CQ phải lùi cả xuống vị trí dưới. Lợi dụng cơ hội, Tư lệnh Nguyễn Vĩnh cho tấn công sang vị trí CQ.

 Sợ quân đội Trung Hoa can thiệp, CQ bèn tự rút lui ra ngoài, thành ra đương bại chuyển thắng. Ngày hôm sau, Liên Đoàn quân đội Trung Hoa phái một trung đội chiếm đóng trại Bảo An Binh không cho CQ vào tỉnh.

Việc giúp Phú Thọ đã xong, ngày 21 tháng 11, Nguyễn Vĩnh và Lê Huy trở về Yên Bái. Lê Thanh được phái ở lại giữ chức Tư Lệnh Chiến Khu. Về quân sự, Lê Thanh rất có tài, tính tình lại bình dị, luôn luôn hòa mình với mọi người nên được đồng chí và toàn thể QDQ rất mến phục. Lê Thanh đã tổ chức được một đoàn “Thiết Huyết Quân”, đầu cạo trọc, quân phục màu xanh, rất dũng cảm. Trái lại, Vũ Huy Hùng tuy là cán bộ Hải Ngoại mới về nhưng lại ôn hòa nhút nhát, lại đi giao thiệp với Tư Lệnh quân đội Trung Hoa nhờ làm trung gian hòa giải trả lại căn cứ cho CQ. QDQ trở về đóng ở vị trí cũ của mình, tức là khu nhà ga xe lửa Phú Thọ. 

2 

Thừa cơ hội, VC ngoại giao cống hiến cho Tư Lệnh bộ Trung Hoa hai thuyền chở đầy giày lính của Pháp, Nhật bỏ lại, cùng một đàn bò hàng trăm con.

Đã mua chuộc được lòng Tư Lệnh Trung Hoa, CQ xin phép cho quân đội mình được ra phố, viện cớ để có cơ hội tiếp xúc QDQ thực hiện mệnh lệnh của Chính Phủ Liên Hiệp kháng chiến kêu gọi “Đại Đoàn Kết”. 

Mỗi khi ra phố, CQ đều mang theo võ khí, trái lại để tránh mọi sự xung đột có thể xảy ra, mỗi khi QDQ ra khỏi đồn binh, theo lệnh cấp chỉ huy, không được phép mang theo võ khí.

Một hôm tại chợ Phú Thọ, CQ cậy có võ khí kiếm cớ gây chuyện với QDQ. Phải tránh để chờ lệnh, khi được phép đánh trả lại thì khí giới lại vận chuyển đến chưa kịp. QDQ bắt buộc phải lấy bát, đĩa, đòn gánh của những bạn hàng bán ở chợ, cùng gạch, đá chống lại CQ. Nhờ sự ủng hộ của đồng bào vận chuyển thêm cho, CQ đã phải bỏ lại 2 xác chết và 2 khẩu súng, xô nhau chạy về thành. Một số chạy lạc, lẫn trốn lên gác máy nước, và vào ẩn núp các nhà dân tại các phố lân cận. Bên QDQ bị thương hai người.

Sau cuộc xô xát ở chợ Phú Thọ, Vũ Huy Hùng bị Tư Lệnh Trung Hoa đe dọa, Hùng phải yêu cầu Trung Ương Đảng bộ đổi Lê Thanh về chiến khu Vĩnh Yên, và xin cử Nguyễn Xuân Mai tức Mai Đen lên thay thế. Từ đấy QDQ giữ nguyên tình trạng thế thủ, không tiến không lùi bước nào.

Ngày 19 tháng 6 năm 1946, CQ cho chuyển 3000 quân từ các nơi đến bao vây Phú Thọ. Thoạt tiên CQ nổ súng ở đồn binh nhà thương, rồi tiếp đến đồn khác. Súng liên tiếp nổ không ngừng khắp tứ phía suốt 8 tiếng đồng hồ. QDQ vẫn im tiếng để chờ lệnh. 

Mãi đến 10 giờ đêm 19 mới được lệnh: nếu CQ phạm đồn binh nào thì đồn ấy mới được nổ súng. Đánh nhau liên tiếp suốt 3 ngày đêm, đạn gần hết mà quân số không quá 300 người, cố ý kéo dài thời gian để chờ viện binh ở Việt Trì, ngờ đâu Việt Trì cũng đang bị CQ bao vây và kịch chiến.

Tới ngày 21, toàn thể QDQ được lệnh rút lui khỏi Phú Thọ xuống Hạ Thạch, rồi chia làm hai toán: một toán rút theo đường cái, một toán đi tắt xuống cánh đồng, tiến về ga Phủ Đức, rồi theo thiết lộ cùng tiến đến chiến khu Việt Trì.

======================================

Ghi chú: 

(40) Vũ Huy Hùng nguyên quán ở làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt