Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (35)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 11)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 11)

ĐỆ TAM CHIẾN KHU: CHIẾN KHU YÊN BÁI 

Vào cuối tháng 10 năm 1945, Nguyễn Vĩnh được phái lên Yên Bái. Bắt tay vào việc, Nguyễn Vĩnh ngoại giao với quân đội Trung Hoa, mướn căn nhà của Hiển, một nhân viên hỏa xa ngay gần ga xe lửa, lập trụ sở công khai. Phụ tá Nguyễn Vĩnh có Lê Huy được mật phái liên lạc với cấp chỉ huy Bảo An Binh, nhưng Bảo An Binh đã ngả theo CS.

 Nhân mượn được một số khí giới của quân đội Trung Hoa, Nguyễn Vĩnh, Lê Huy cùng một số cán bộ địa phương bèn mặc giả quân phục Trung Hoa đi tuần đêm, rồi lẻn vào trại Bảo An Binh thuyết phục cấp chỉ huy. 

 Đến hồi 4 giờ sáng ngày 26 tháng 10 năm 1945, một mặt ngầm thông tin cho quân đội Trung Hoa biết, một mặt chia đóng các ngả đường chặn tước khí giới của toán quân tuần tiễu CS, rồi ngầm phái quân tiến chiếm Dinh Chủ tịch Chính phủ.

 Tuy hành động bí mật, nhưng Tỉnh Đảng bộ CS cũng dò biết, họ sợ quân đội Trung Hoa can thiệp nên vội cùng bộ đội rút lui lên Bái Dương, rồi dùng thuyền sang sông. Khi quân đội VQ kéo sang đến trụ sở Tỉnh Đảng bộ CS thì đã không còn thấy một bóng người.

Vị trí tỉnh Yên Bái

Công việc chiếm đóng tỉnh Yên Bái diễn ra trong vòng im lặng. Sáng ngày 27 tháng 10, mặt trời đã lên cao, nhân dân thành Yên Bái, khi nhìn lên các vị trí thấy lá cờ khác mới biết là đã có sự thay đổi chủ. Nhân dân rất ngạc nhiên, sau được biết là VNQDĐ đã chiếm được tỉnh, thì tự nhiên lấy làm vui mừng, hoan nghênh nhiệt liệt. Muôn người như một, họ làm sao mà quên được Nguyễn Thái Học cùng các Liệt sĩ đã bị thực dân hành hình ở trên mảnh đất này hồi năm 1930. Họ sẵn niềm tin và ngưỡng mộ từ trước.

 Sau khi đã chiếm xong Yên Bái, Nguyễn Vĩnh cho mời nhân dân hội lại nói chuyện, yêu cầu nhân dân cử người đại diện làm Chủ tịch Tỉnh Chính phủ. Thái Văn Phúc được toàn thể nhân dân cử giữ chức ấy. 

 Vũ Nguyên Hải giữ chức Chủ tịch Tỉnh Đảng bộ, Nguyễn Vĩnh giữ chức vụ Tư lệnh Chiến Khu, Nguyễn Duy Dỵ Chính trị vụ, Quang giữ chức An ninh, Phạm Sinh Liên lạc và Tuyên huấn, Liễu giữ chức Kinh tài.

 Công tác được xúc tiến, đầu tiên là mở các khóa huấn luyện chính trị Đảng vụ cho quân đội do Nguyễn Duy Dỵ phụ trách. Tổ chức các vị trí phòng thủ gần Đồi Cao do Quản Đương chỉ huy. Trại Lê Dương do Lê Huy chỉ huy. Gò Chùa do Quản Hiệp chỉ huy. Mỗi vị trí đóng một trung đội, còn tập trung cả ở Tư lệnh bộ để hàng ngày huấn luyện chính trị. Mãn khóa 4 tháng lại ra thay để các toán ngoài về học. 

2

 Sau ngày chiếm đóng Yên Bái được một tháng, thì nhận được mật thư của Vũ Huy Hùng, chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ Phú Thọ, yêu cầu cho quân xuống giúp sức để chiếm Phú Thọ.

 Sau khi đem quân đội đánh chiếm tỉnh Phú Thọ xong trở về Yên Bái thì CS liền mở một mặt trận bao vây Yên Bái, và từ đó Đồn Cao và trại Lê Dương luôn luôn bị các đội đột kích của CS tới tấn công. Song mỗi lần như vậy là quân đội CS lại bị thất bại nặng nề. Tuy vậy, tỉnh Yên Bái ở trong tình trạng thiếu yên tĩnh. Quản Đương sau khi hai lần bị địch tấn công, sợ nên cáo ốm, Nguyễn Duy Dỵ được cử thay chỉ huy Đồn Cao.

 Được tin là thay đổi chỉ huy Đồn Cao, Cộng quân (CQ) cho là các cuộc tấn công của mình có ảnh hưởng, bèn dồn quân ở Phú Thọ, Nghĩa Lộ phối hợp với quân Yên Bái mở mặt trận tấn công đại quy mô vào Yên Bái.

 Cuối tháng 11 năm 1945, Cộng quân chia ra làm hai cánh; một tiến đánh Đồn Cao, một tiến đánh trại Lê Dương.

 Đồn Cao, một vị trí rộng trên 2 cây số chu vi, quân số đóng tại đồn này có 20 người với 2 chỉ huy là Nguyễn Duy Dỵ và Cai Nghi (38). Trại binh này được xây cất từ năm 1912, trước đây lính Cờ Đen có đóng, sau đến Pháp sửa sang lại, nên trong đồn sẵn sàng nhà cửa. Khi quân đội Pháp rút lui, thì quân Nhật đóng. Đến khi quân đội Trung Hoa sang giải giới, binh sĩ Nhật rút về Hà Nội, quân đội Trung Hoa chiếm đóng Đồn Cao. Khi VNQDĐ chiếm được chính quyền, thì quân đội Trung Hoa giao lại, lùi ra đóng ngoài ga Yên Bái.

 Vào hồi 21 giờ, Đồn Cao được mật báo CQ đến tấn công đồn bằng hai tiểu đoàn địa phương quân. Tự xét nếu giải quân ra 4 mặt, thì trận tuyến quá rộng, hỏa lực mỏng khó chống đỡ nổi. Nguyễn Duy Dỵ cho lệnh dàn quân có một mặt từ Bái Dương xuống, còn mặt sau sông thì chỉ chia ra hai vọng gác đặt trên gác cao mà thôi. Công việc xếp đặt vừa xong, vào hồi 24 giờ thấy 4 mặt hò reo, đạn nổ như mưa rào. CQ từ mặt Bái Dương ồ ạt tiến tới. QDQ đợi địch tới gần mới nổ súng, nên mỗi loạt súng nổ là có một số CQ ngã gục xuống chân hào. Đôi bên cầm cự cho đến 7 giờ sáng, CQ mới rút lui về các vị trí cách đồn chừng 400 thước.

 Mặt trận trại Lê Dương cũng đã được tin, chuẩn bị sẵn sàng những vị trí phòng thủ. Trại này không được tổ chức kỹ càng cho lắm, do đó CQ vừa nổ súng thì đã đột kích tiến tới sát đồn. Đã dự định kế hoạch trước, tiền tuyến vẫn chống cự với CQ, còn quân trong đồn lùi về Bảo Sơn, trận địa của CQ bắn theo quay súng nhằm thẳng nóc trại quân đội Trung Hoa. Quân đội Trung Hoa tưởng CQ tấn công mình, tức giận cử một liên đội đến đánh thẳng vào sườn CS.

Bị quân đội Trung Hoa tiến đánh một cách bất ngờ, CQ thất bại nặng nề phải rút lui, rồi tập trung quân lính đánh Đồn Cao.

Trường Lục quân nguyên trước được tổ chức ở chiến khu Lao Kai, sau nhận thấy địa thế ở Yên Bái thuận tiện hơn, nên Chủ tịch Tỉnh Đảng bộ Vũ Nguyên Hải điều đình với Trung ương cho chuyển xuống Yên Bái. 

Sau hai ngày trại Lê Dương bị tấn công thì Hiệu trưởng trường Lục quân dẫn các học viên và giáo viên xuống tới Yên Bái, và được Bộ Tư Lệnh tạm thời nhường trại Lê Dương để nghỉ ngơi, đợi đánh bại CQ mặt Đồi Cao, rồi sẽ giao cho trường này, vì đồn đó mới có đủ tiện nghi.

 Nghe thấy Đồn Cao đủ tiện nghi, các giáo viên và học viên đến xem lấy làm ưng ý, tự xin đảm nhiệm, và ngay ngày hôm đó Đồn Cao được chuyển giao cho trường Lục quân. 

3 

Nhận Đồn Cao được 2 ngày, Hiệu trưởng và các giáo viên nhận thấy cần phải tấn công diệt quân đội CS thì học viên mới có thì giờ luyện tập, nên Cao Hùng (39), Hiệu trưởng trường Lục Quân, xuống bàn định kế hoạch phối hợp phân công tấn công Cộng quân.

Bốn giờ sáng ngày hôm sau, Tư lệnh Nguyễn Vĩnh và Nguyễn Duy Dỵ dẫn một đại đội QDQ vòng theo ngả Bái Dương tấn công, còn học viên do chính Hiệu trưởng Cao Hùng cùng các giáo viên chỉ huy tiến thẳng vào mặt trận địch.

 Năm giờ sáng, QDQ chạm phòng tuyến đầu tiên của địch, lập tức đánh thẳng vào trong lúc thảng thốt bất ngờ. Trận tuyến CQ tan vỡ lui về bộ chỉ huy. Được thắng lợi, QDQ liền truy kích. Bộ chỉ huy địch thấy tiền tuyến bị vỡ, lập tức quay lại để đối phó. Giữa lúc đó, đã lén đưa học viên vào giáp vị trí địch xung phong tiến lên. CQ hai bề thụ địch một cách bất ngờ, cả trung đoàn địch bỏ lại một số võ khí, lùi lên Nga Quán rồi rút qua sông.

 Trận này chiếm được một số võ khí, Tư lệnh Nguyễn Vĩnh vui lòng nhường lại hết cho trường Lục quân. Về sự thiệt hại: 1 giáo viên (người Nhật) là Thành và 1 học viên là Di bị thiệt mạng cùng 2 QDQ bị thương. 

Sau trận phản công thắng lợi đó, Nguyễn Vĩnh tin tưởng vào trường Lục quân, quyết định liên lạc với chiến khu Lao Kai tiến đánh Nghĩa Lộ để mở rộng phạm vi kiểm soát.

Vào trung tuần tháng 12 năm 1945, được lệnh của Tư lệnh bộ Đệ Tam Chiến Khu, Nguyễn Vĩnh thân cầm quân lên Lao Kai phối hợp với đạo quân Yên Bình Xã do Triệu Quốc Lộc chỉ huy tiến đánh Nghĩa Lộ; đồng thời cho lệnh Nguyễn Duy Dỵ chuẩn bị đợi lệnh tiếp viện.

Trước hết Nguyễn Vĩnh kéo quân đánh đồn binh Pháp ở Than Uyên, Văn Bàn, Tú Lệ, rồi đánh xuống Nghĩa Lộ. Khi quân đội tới Bản Hốc cách Yên Bái 82 cây số, thì nhận được lệnh Trung ương Đảng bộ bảo phải đình chỉ cuộc chiến đấu, vì đã ký bản Thỏa hiệp hợp tác với CS. Nguyễn Vĩnh ra lệnh ngưng tiến, đóng quân lại Bản Hốc.

 Bằng cứ vào sự hợp tác, ngờ đâu CS huy động lực lượng quân sự ở Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trên 5000 người đến đánh QDQ ngay tại Bản Hốc.

 Một trận đánh rất lớn, kết quả CQ bị tổn thất nặng nề phải rút lui.

 Sau trận Bản Hốc, Hoàng Quang Đạt tiến quân ra đóng ở ga Trại Hút. Trong khi ấy CS đem quân vào đốt hết nhà cửa phố phường thóc lúa ở Yên Bình Xã, nơi quê hương của Hoàng Quang Đạt.

 Được cấp báo, Hoàng Quang Đạt phải rút quân từ Trại Hút về Yên Bình Xã đồn trú, cấp tốc ra lệnh cấy lúa để cung ứng quân lương, vì số lương thực dự trữ đã bị CQ đốt hết.

 Đến đầu tháng Giêng năm 1946, Tỉnh Đảng bộ Yên Bái nhận được lệnh của Trung ương do Trúc Thành mang tới, cho biết Trung ương đã ký Thỏa ước với CS. Hai bên bất khả xâm phạm nhau và phải cho rút lui quân đội từ Nghĩa Lộ về, nếu trái lệnh sẽ phải chịu mọi hậu quả. Được lệnh, Chủ tịch Tỉnh Đảng bộ đề nghị đặc phái Nguyễn Duy Dỵ ngày đêm đưa lệnh của Trung ương vào Nghĩa Lộ yêu cầu rút quân.

 Từ đó đôi bên ngừng nổ súng, việc đi lại tự do, và cách mấy hôm sau có phái đoàn của chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến do Trần Văn Giàu (CS) và Lê Khang (VNQDĐ) làm Đại Biểu đi kinh lý các tỉnh để giải thích về sự hợp tác ấy. 

4 

Trước tình thế hòa hoãn ấy, chiến khu Yên Bái phát triển mạnh bằng tuyên truyền. Cán bộ được tung ra khắp các làng mạc giải thích lập trường của Đảng, vạch rõ đường lối chủ trương của CS ở tương lai, làm cho dân chúng hoài nghi Việt Minh Cộng Sản (VMCS), khiến các cán bộ CS luôn luôn đứng vào thế bị động.

 Mặc dầu có thỏa hiệp giữa hai đảng là một lẽ, nhưng QDQ Yên Bái vẫn tích cực đề phòng. Vào cuối tháng 3 năm 1946, CQ bốn mặt kéo đến tấn công Yên Bái. Trung đoàn địa phương uy hiếp đồn Cao và trại Lê Dương, trung đoàn Thái Nguyên tiến đến công phá Gò Chùa bằng hai mặt: một mặt do đại đội quyết tử chiếm đồn điền Blanc tấn công sang Gò Chùa, còn chủ lực trung đoàn thì từ chùa Bách Lẫm tiến sang.

Bị tấn công cả hai mặt, Gò Chùa nao núng, Quản Hiệp lo sợ, nửa đêm bỏ đồn Gò Chùa cho Cai Nghi, tự vào cầu cứu. Tư lệnh Nguyễn Vĩnh lập tức phái Nguyễn Duy Dỵ bí mật dẫn một tiểu đội ra thay thế Quản Hiệp cố thủ đồn Gò Chùa, lệnh cho bằng giá nào cũng đổi.

Vị trí đồn Gò Chùa có thể nói rằng Gò Chùa mà mất thì tỉnh Yên Bái coi như đã mất. Vì Gò Chùa là một vị trí cao nhất ở ngay đầu tỉnh. Đứng trên Gò Chùa, trong kiểm soát được toàn tỉnh, ngoài kiểm soát được một quãng đường trên hai công lộ từ Bách Lẫm sang, lại còn kiểm soát được tất cả các gò thấp bao quanh tỉnh Yên Bái.

 Nếu chiếm được Gò Chùa, CS sẽ kiểm soát và uy hiếp được tất cả các vị trí quân sự tỉnh Yên Bái. Bởi vậy trong đêm hôm đó, đại đội xung phong CS xung kích vào đồn Gò Chùa.

 Tiểu đội của Nguyễn Duy Dỵ tiến tới Gò Chùa gặp toán tiên phong của toán quân xung phong địch, đôi bên nổ súng. Trong khi ấy Nguyễn Duy Dỵ vừa tới giữa cầu, thành ra bị nằm giữa cả hai hỏa lực: Địch và QDQ.

 Đang ở vào một tình thế hiểm nghèo, chợt một quả lựu đạn ném rơi bên cạnh, không chậm giây phút, Dỵ chụp ngay lấy ném trả lại, trái lựu đạn nổ tung ngay trên đầu kẻ điều khiển khẩu tiểu liên, khiến kẻ ấy bị chết bắn sang một bên đường; đại đội CS không rõ QDQ nhiều ít thế nào, vội tháo lui.

 Suốt ngày đêm không ngớt tiếng súng, QDQ vẫn kiên tâm cố thủ trong khi Tư lệnh Nguyễn Vĩnh đợi sự giải quyết của Trung ương Hà Nội. Cho đến ngày hôm thứ năm, thấy CQ vẫn đánh và thêm bích kích pháo bắn sang Gò Chùa. Tính riêng một đêm thứ năm, Gò Chùa đã nhận được hơn 100 trái đạn, đến nỗi QDQ không thổi nấu cơm được! Bộ Tư Lệnh phải nắm cơm phái liên lạc đưa đến tiếp tế cho đồn Gò Chùa.

 Không thể chờ được mãi, Tư lệnh Nguyễn Vĩnh vào hội ý với Hiệu trưởng trường Lục Quân là Cao Hùng. Sau khi đã quyết định kế hoạch, Nguyễn Vĩnh ra mật lệnh cho Trưởng đồn Gò Chùa, một mặt chuẩn bị quân đội chờ đúng 3 giờ sáng ngày hôm sau ngầm đưa quân sang phản công Cộng quân.

 Trong khi đó, Cao Hùng đích thân dẫn học viên đi vòng ngả Bái Dương tiến đánh vào vị trí đồn Blanc. Nghe tiếng súng mặt Bái Dương nổ, Gò Chùa quay súng bắn rát sang vị trí Bách Lẫm, và bên sông toán quân của Tư lệnh Nguyễn Vĩnh tiến qua vị trí Gò Chùa đánh thốc vào vị trí đồn Blanc. Bị hai cánh quân dồn đánh, CQ không cầm cự nổi, phải rút quân vào trong đồn cố thủ.

 CQ rút vào trong đồn lấy điểm tựa là lũy tre bao quanh đồn điền, QDQ dựa vào các vị trí sẵn có của định tấn công. Đứng trên đồi cao, Nguyễn Duy Dỵ cho súng máy bắn vào trong đồn điền Blanc, khiến CQ bị chết hại rất nhiều. Vào hồi 18 giờ, CQ biết không thể cầm cự nổi, bèn tháo lui ra phía sau đồn điền, lội qua hồ đi trốn. Ở trên Gò Chùa trông thấy rõ, cho nổ súng truy kích, nhiều CQ bị trúng đạn chết dưới hồ, còn lại một số vì làn đạn, người nọ níu người kia thụt vào chỗ sâu bị chết.

 CQ ở chùa Bách Lẫm thấy đại đội đóng ở đồn điền Blanc bị tấn công, muốn đem quân cứu viện, nhưng bị vị trí Gò Chùa bắn rát quá không thể tiến được.

 Sau trận này, quân đội CS kinh sợ, vội rút sang cả Âu Lâu để chuẩn bị lại hàng ngũ. 

=======================================

Ghi chú:

(38) Cai Nghi  Yên Bái, không phải là Phạm Đức Nghi ở Yên Bình Xã.

(39) Là một Thiếu úy trong bộ Tham mưu quân đội viễn chinh Nhật Bản.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt