Khôi nguyên Nobel Hoà Bình Lưu Hiểu Ba: Chuyện tình vượt lên trên lao tù

Chuyện tình của ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà đã trải qua những năm tháng ở trại cải tạo lao động, nhà tù và quản thúc tại gia

Phóng viên BBC Celia Hatton nhìn lại tình yêu của ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, khôi nguyên Nobel Hòa bình, người vừa qua đời ở tuổi 61 vì ung thư gan.

Họ đã phải tranh đấu mới được kết hôn với nhau.

Nhưng ngay cả khi nhà cầm quyền Bắc Kinh cho họ kết hôn, vẫn còn những vấn đề.

Chiếc máy ảnh được dự định chụp ảnh cưới cho cặp đôi bỗng nhiên không hoạt động. Giấy chứng nhận kết hôn tại Trung Quốc sẽ không được đóng dấu trừ khi có dán ảnh cặp đôi.

Vì vậy, ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà đối phó bằng cách ghép ảnh chụp của mỗi người. Chuyện xảy ra năm 1996.

Kết hôn là chiến thắng nhỏ cho họ. Nhờ vậy mà bà Lưu Hà có quyền đến thăm chồng mới cưới bị cầm giữ tại trại cải tạo lao động ở miền đông bắc Trung Quốc.

Mỗi tháng, bà phải vượt quãng đường đi về 1.600 km từ Bắc Kinh để thăm chồng.

Bà viết trong một bài thơ:

“Trên chuyến tàu đến trại tập trung
Em thổn thức
Nhưng vẫn không thể nắm lấy tay anh.”

Tiệc cưới của họ diễn ra ở canteen của trại cải tạo.

Theo những thông tin thu thập được, dù bị nhà cầm quyền Cộng Sản liên tục gây trở ngại, tình cảm của ông bà Lưu vẫn không bị chia cắt.

Cặp đôi này chỉ được sống cùng nhau trong những khoảng thời gian ngắt quãng, khi ông Lưu ra tù vào khám.

Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà luôn ở bên nhau chỉ trừ khi họ bị buộc phải xa cách.

Từng là tác giả và giáo sư đại học, ông Lưu Hiểu Ba trở nên một nhà hoạt động nổi tiếng chống nhà cầm quyền Trung Cộng

Ông Lưu Hiểu Ba là một giáo sư được yêu thích, thường được mời đi nói chuyện và nghiên cứu ở nước ngoài.

Vào mùa xuân năm 1989, ông đang ở New York khi nghe tin các cuộc biểu tình vì dân chủ đang diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn. Ông ngay lập tức trở về Trung Quốc.

Ông cũng là người giúp thương thuyết với các binh lính Trung Quốc để nhiều sinh viên được rời khỏi Quảng trường an toàn.

Cho tới nay vẫn chưa rõ bao nhiêu người đã bị lực lượng chính phủ giết hai vào tháng Sáu năm 1989, nhưng hầu hết đều đồng ý là con số tử vong có thể đã cao hơn nhiều nếu không có ông Lưu Hiểu Ba.

Điều đó cũng chẳng làm thay đổi gì đối với chính phủ Trung Quốc.

Sau sự kiện Thiên An Môn, ông bị giữ tại một trại giam giữ bí mật. Ông bị lưu tại đây gần 20 tháng.

Khi được thả, ông hầu như trắng tay, mất hết mọi thứ kể cả công việc dạy học danh giá và nhà cửa.

Rồi khi đó, ông kết nối được với người đã trở thành ánh sáng cuộc đời ông: một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết – bà Lưu Hà.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà được nhiều người tại Trung Quốc và nước ngoài biết đến

“Tôi tìm thấy mọi vẻ đẹp thế giới ở người phụ nữ này,” ông được cho là đã nói như vậy với một người bạn.

Trẻ hơn ông sáu tuổi, bà được xem là một nhà thơ có tài. Bạn thân của bà, nhà văn Lưu Tích Vũ, cho biết khi đó bà luôn cười khúc khích. Bà Lưu Hà cũng nổi tiếng là người có tửu lượng cao. Bà có khả năng hạ gục bạn bè trên bàn rượu. Ôông Lưu Hiểu Ba thì có thể ăn rất nhiều nhưng lại chỉ uống Coca-Cola.

Bà Lưu Hà sinh ra trong một gia đình danh giá. Bà là con gái của một viên chức ngân hàng cao cấp. Bà được hy vọng sẽ trở thành cán bộ nhà nước nhưng bà đã từ bỏ cuộc sống ổn định đó để trở thành nhà văn.

Mặc những khó khăn, cha mẹ bà Lưu Hà ủng hộ mối tình của bà với ông Lưu Hiểu Ba bất chấp những rắc rối chính trị mà ông phải chịu.

“Ai đó ngồi tù, cuộc sống của gia đình họ cũng chấm dứt”

Trong thời gian đầu, họ cố gắng tạo cho mình một cuộc sống như những người bình thường khác. Ông Lưu chuyển tới căn hộ của bà không xa Quảng trường Thiên An Môn và họ bắt đầu cuộc sống chung.

Ông thường xuyên bị lực lượng an ninh theo dõi, giám sát, và họ gây áp lực buộc ông không được viết về sự cần thiết phải có dân chủ, buộc ông ngưng chỉ trích nhà nước độc đảng của Trung Quốc.

“Quý vị phải hiểu rằng: nếu chính phủ đàn áp một ai đó, điều đầu tiên họ cố làm là quấy rối cuộc sống riêng tư của người đó,” một người bạn của họ, Martin Lưu Thiên Kỳ, nói.

“Họ sẽ chia rẽ hai vợ chồng. Nếu một người ngồi tù thì cuộc sống gia đình của họ cũng chấm dứt.”

Hai vợ chồng ông bà không bao giờ thực sự nghĩ tới chuyện có con, ông Thiên Kỳ nói.

“Một lần tôi hỏi ông, ‘Này, tại sao anh không có con với chị Lưu Hà?'” ông Thiên Kỳ kể tiếp.

“Lưu Hiểu Ba trả lời tôi: ‘Tôi không muốn có một người con trai hay con gái để chúng thấy cha của chúng bị cảnh sát bắt đi.’

“Ông đã nói với tôi như vậy. Đó là lý do tại sao họ đã không có con.”

“Em không bao giờ có một ngày bình yên kể từ khi em đến với anh”

Khi ông Lưu Hiểu Ba bị án tù cuối cùng, án 11 năm, ông Thiên Kỳ thường nói chuyện với bà Hà, và bà luôn khóc trên điện thoại.

“Tất nhiên bà yêu ông ấy và bà sẵn sàng làm mọi thứ cho ông,” ông Thiên Kỳ giải thích. “Thỉnh thoảng bà phàn nàn. Không phải là phàn nàn nhưng bà vẫn nói với ông: ‘Em chẳng bao giờ có một ngày bình yên từ khi em đến với anh.’

“Mà đúng là như vậy. Nó không có nghĩa là bà muốn rời bỏ ông. Bà chỉ muốn nhấn mạnh là tình yêu của họ đã trải qua những khó khăn như thế nào và nó đã tồn tại.”

Thậm chí khi ông Lưu Hiểu Ba được thả ra khỏi nhà tù, họ cũng ít khi được yên thân.

“Vì ông viết nhiều bài báo chỉ trích xã hội nên nhiều người kém may mắn tới nhà gặp ông,” ông Thiên Kỳ nhớ lại.

“Ông thậm chí không quen biết họ. Họ gõ cửa nhà ông, bấm chuông và nói ‘xin hãy giúp tôi, chuyện bất công đã xảy ra với tôi’. Và hầu như ông luôn giúp những người này.”

Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà (năm 2002) chỉ được sống bên nhau một thời gian rất ngắn khi ông được ra khỏi tù

Mọi thứ thay đổi khi ông Lưu Hiểu Ba giúp viết và lưu truyền Hiến chương 08, tài liệu kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng tại Trung Quốc và nhà cầm quyền Cộng Sản đã bỏ tù ông.

Bà Lưu Hà luôn tránh những bình luận chính trị của ông Lưu Hiểu Ba nhưng bà nói với nhà làm phim Ngải Hiểu Minh rằng bà biết Hiến chương sẽ gây ra rắc rối.

“Tôi đã nhìn trước thấy chuyện đó rồi sẽ tới,” bà giải thích. “Từ khi bản sơ thảo đầu tiên của Hiến chương 08 xuất hiện ở nhà tôi, tới khi ông Lưu Hiểu Ba lao vào sửa lại nó, tôi chỉ biết là một điều khủng khiếp sẽ xảy ra.”

Trước khi Hiến chương 08 được chính thức công bố, ông Lưu Hiểu Ba đã bị bắt đi. Tại phiên xử ông gần một năm sau đó, ông bị kết án tội tìm cách lật đổ nhà cầm quyền Cộng Sản.

Trong tuyên bố công khai cuối cùng của ông tại tòa năm 2009, ông kết thúc với lời nói với vợ mình.

Ông nói: “Trong suốt những năm tháng này anh sống không có tự do, tình yêu của chúng ta đầy cay đắng vì hoàn cảnh áp đặt từ bên ngoài nhưng trong khi anh nếm trải điều đó thì tình yêu vẫn không có giới hạn.

“Anh sẽ ngồi trong nhà tù có thực trong khi em chờ đợi trong nhà ngục vô hình của trái tim. Tình yêu của em là ánh mặt trời sẽ vượt qua những bức tường cao vọi và xuyên qua những song sắt cửa sổ nhà tù của anh, ve vuốt trên từng làn da anh và làm ấm nóng mọi tế bào trên cơ thể anh, cho phép anh luôn gìn giữ sự bình yên, rộng mở và điểm sáng trong trái tim anh, và lấp đầy từng giây từng phút trong tù của anh với những điều có ý nghĩa.

“Ngược lại, tình yêu của anh dành cho em lại đầy nuối tiếc và ân hận mà đôi khi nó làm anh lê bước trước sức nặng của nó.”

Không rõ ông Lưu Hiểu Ba biết được bao nhiêu về điều kiện sống của bà LưuHà sau khi ông ngồi tù án tù cuối.

Sau khi ông được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010, bà bị quản thúc tại gia rất ngặt nghèo trong căn hộ bé nhỏ tại Bắc Kinh.

Trả lời phỏng vấn của BBC năm 2010, bà Lưu Hà nói rằng bà không thể nói cho chồng nghe chuyện mình bị quản thúc tại nhà.

“Chúng tôi không được phép nói về điều này. Dù sao, tôi nghĩ rằng ông ấy có thể thấu hiểu tình cảnh của tôi. Tôi chỉ nói với ông ấy, “Em sống trong cảnh ngộ giống như anh…”

Ông Lưu Hiểu Ba bị bệnh ung thư khi ở trong tù

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt