Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao.

Trang nhà https://www.vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Lời nói đầu” của tác giả.

Lời nói đầu 

Cựu Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa

Trong bối cảnh quốc tế sau thế chiến thứ hai 1939-1945, do ảnh hưởng lớn lao của hai siêu cường Hoa Kỳ với Liên Xô, đã tạo thành khối các quốc gia Tự Do và khối các quốc gia Cộng Sản. Bên cạnh đó là những quốc gia nhỏ về thế lẫn lực, cố ngồi lại với nhau và hình thành khối thứ ba thường gọi là khối Trung Lập.

Trong khung cảnh gia đình, mức thu nhập hằng tháng hằng năm không đủ chi tiêu dù là tối thiểu, phải nhờ đến sự giúp đỡ của thân nhân thân quyến hay bạn bè bằng hữu. Mà khi nhờ vả thì ít hay nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng của người ấy về mặt này mặt khác. Với hình ảnh đó ở cấp bậc quốc gia cũng vậy, còn cộng thêm những phức tạp về chính trị quốc gia quốc tế nữa. Xin nhớ rằng, trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm mà chỉ có vấn đề quyền lợi quốc gia là trên hết. Vì vậy, khi đã vay mượn hay xin xỏ của nước nào, phải chịu ảnh hưởng về những sinh hoạt của nước đó đối với quốc gia mình, thậm chí có những chính sách của họ không liên hệ đến mình mà mình vẫn phải ủng hộ, và khi đã chịu ảnh hưởng thì ý nghĩa của Trung Lập không còn nữa.

Khi nhìn nhận như vậy, rõ ràng là các quốc gia trong khối thứ ba nói trên không có khả năng Trung Lập. Do đó mà sự hình thành của khối thứ ba này chẳng qua là gượng ép, nếu không nói là do sức ép từ thế lực bên ngoài để tăng thêm thế chính trị cho họ. Tôi muốn nói đến một thế đứng chính trị: “hoặc khối Tự Do hoặc khối Cộng Sản”. Còn tuyên bố Trung Lập mà quốc gia chỉ trông vào viện trợ hay trợ giúp nhân đạo để tồn tại, đó là tính chất dối trá trong lãnh đạo đối với đồng bào, và khi lãnh đạo dối trá thì không xứng đáng lãnh đạo đồng bào của họ nữa. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam là một trong những nhóm lãnh đạo đó.

Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đứng hẳn vào khối Tự Do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đó không phải là cách chọn lựa lý tưởng, nhưng khi phải chọn lựa giữa hai điều xấu, ta phải chọn điều xấu ít. Nhưng chịu ảnh hưởng những chính sách của Hoa Kỳ là một việc, mà bản lãnh chính trị của những vị lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa trong việc tận dụng tối đa những chính sách đó vào mục đích tăng thêm hay ít ra cũng phải bảo vệ quyền lực và lợi ích quốc gia, lại là việc khác. Đó là cốt lõi của lãnh đạo.

Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chúng ta kể từ giữa năm 1954, đã lần lượt trong tay các vị: Ông Ngô Đình Diệm, Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Khánh, Kỹ sư Phan Khắc Sửu, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Giáo sư Trần Văn Hương, và Đại Tướng Dương Văn Minh (lần hai). Nhiệt tình của những vị lãnh đạo trên đây đối với quốc gia dân tộc dù nhiệm kỳ của hai vị sau cùng cộng lại chỉ hơn một tuần lễ, đều đáng được ca ngợi, nhưng vị nào đã để lại tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian, xin tùy quí vị quí bạn. Xa hơn nữa là phán xét của lịch sử.

Với quyển sách này, tôi xin ghi lại những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, và những gì mà tôi nghĩ, qua những lệnh và những việc làm đó trong các biến cố chính trị từ năm 1963 đến cuối năm 1966. Rồi năm cuối cùng của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà lãnh đạo nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếm trọn Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, ký ức và tài liệu mà tôi ghi chép lúc đương nhiệm, còn lưu giữ được đôi điều. Vì giới hạn trong phạm vi trách nhiệm nên không có được tính cách tròn vẹn của mỗi biến cố, nhưng hy vọng là nội dung này có khả năng giúp quí vị quí bạn nhận ra những nét trung thực khi lần theo mỗi sự kiện trong từng biến cố.

Cũng xin nói thêm rằng, tôi chưa từng viết văn, cũng không biết viết văn, nên văn chương ở đây rất luộm thuộm. Kính mong quí vị quí bạn vui lòng xem nội dung quyển sách này như là một chuyện kể, nhớ đâu kể đó.

Và bây giờ kính mời quí vị quí bạn vào chuyện kể . . . 

Kính thưa quí vị, 

Trước khi bắt đầu tôi rất đắn đo, vì muốn ghi lại sự kiện trung thực ít nhất cũng là trung thực với tôi về những gì mà tôi biết và những gì mà tôi làm, tất nhiên là khó tránh khỏi những đụng chạm đến quí vị, đặc biệt là với cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, và cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh.

Riêng với cựu Đại Tướng Khiêm và cựu Đại Tướng Viên, là hai vị mà tôi luôn ghi nhớ nghĩa ân. Tôi không có một thân nhân hay một bạn bè nào quen biết khi vào quân ngũ tháng 05/1954. Tháng 11/1961, đang trong trách nhiệm Trưởng Ban hành quân/Phòng 3 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tôi được Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Hậu Giang, cử giữ chức Chánh Văn Phòng. Tháng 10 năm 1965, tôi được Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cử giữ chức Chánh Văn Phòng. Nhờ vậy mà tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều vị Tướng Lãnh, nhiều giới chức trong các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, học hỏi được những căn bản trong tổ chức và quản trị.

Tôi biết có những vị gần như mai danh ẩn tích từ khi đến Hoa Kỳ sau ngày đất nước vào tay cộng sản 30/04/1975, nhưng tôi xin phép được nhắc đến quí vị trong tập sách, và tôi chỉ nói đến quí vị ở khía cạnh quí vị là những vị lãnh đạo Quốc Gia, lãnh đạo Quân Lực, chớ tôi không nói đến những riêng tư của quí vị. Tôi xin tôn trọng phần riêng tư đó. Về những gì tôi viết vào đây, có thể có sự kiện nào đó mà quí vị cho là không chính xác, nhưng theo tôi, tôi thấy đã đủ thận trọng trong cách nhìn của tôi khi viết những trang sách nhỏ này. Biết đâu, có những điều mà tôi nói lên được sự thật liên quan đến quí vị mà nhiều chục năm qua chính quí vị cũng chưa biết đến, và cũng có thể tôi làm sáng tỏ được điều gì đó đối với dư luận dù rằng quí vị cho là có hay không có cũng chẳng sao.

Thế hệ chúng ta đã học nhiều bài học quí báu từ trong lịch sử, và vận dụng vào bổn phận công dân trong trách nhiệm bảo vệ quốc gia. Rồi đây, những thế hệ sau chúng ta, cũng cần đến lịch sử mà thế hệ chúng ta sẽ là một phần quan trọng trong đó, và quí vị là thành phần quan trọng hơn hết trong giai đoạn lịch sử 1954 – 1975.

Lịch sử một dân tộc không thể tự nhiên mà có. Muốn có được lịch sử, tôi nghĩ, sau chặng đường phục vụ quốc gia dân tộc, mỗi người trong bất cứ lãnh vực nào của xã hội, cần viết lại trên giấy trắng mực đen về những hiểu biết xác thực của mình trong từng phạm vi trách nhiệm lúc đương thời, và viết với một trạng thái tâm hồn thật bình thản. Từ đó, những nhà viết sử gom góp lại, chọn lọc, phân tách, đánh giá, và tạo nên những dòng sử qua từng giai đoạn thăng trầm của đất nước. “Tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian”, không phải người này tạo cho người kia, hay ngược lại, mà mỗi người trong xã hội -nhất là những vị giữ chức vụ lãnh đạo- tự tạo cho chính mình qua những nghĩ suy, những phương tiện diễn đạt, và trong những môi trường hành động.

Tôi không dám nghĩ đây là một sử liệu, nhưng tôi cố gắng ghi chép đúng theo trí nhớ của tôi, để các sử gia may ra tham khảo được đôi điều trong khoảng thời gian nghiêng ngã của đất nước, mà thuở đó, quyền lực nằm trong tay quí vị lãnh đạo . So với ấn bản lần 1, lần 2, và lần 3, ấn bản lần 4 này có vài sắp xếp lại về cách trình bày và bổ túc thêm một số chi tiết, vì 1.600 trang giấy học trò mà tôi lén lút viết lại trong thời gian bị giam ở trại tập trung Nam Hà trên đất Bắc, lén lút gởi về gia đình cất giữ, và khi đoàn tụ với gia đình tôi vẫn tiếp tục viết, đến nay tôi đã nhận đầy đủ từ Việt Nam gởi sang. Cùng với những sự kiện mà cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng từ năm 1970 đến năm 1975, và cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1965 đến năm 1975, hai vị cho tôi biết thêm nhân khi vợ chồng tôi đến Virginia hồi đầu tháng 9 năm 2003 và những năm sau đó, thăm hai vị và gia đình. 

Xin quí vị vui lòng, và trân trọng kính chào quí vị. 

Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Viết xong ngày 15 tháng 8 năm 1994. 

Bổ túc lần 1, mùa Thu 1995.

Bổ túc lần 2, mùa Thu 1998.

Bổ túc lần 3, mùa Đông 2001-2002.

Bổ túc lần 4, mùa Đông 2003-2004. 

Bổ túc lần 5, mùa Đông 2005-2006.

Bổ túc lần 6, mùa Xuân 2007.

Bổ túc lần 7, mùa Hè 2009.

Duyệt lại, mùa Đông 2010. 

Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa

(Bấm vào đọc tiếp bài kế)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt