Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (28)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Tỉnh Darlac thất thủ ngày 13/3/1975”

Tỉnh Darlac thất thủ ngày 13 tháng 3 năm 1975

Đến ngày 13/03/1975 hai tỉnh Phước Long và Darlac mất vào tay cộng quân

Tết Nguyên Đán đầu năm 1975, quân nhân và công chức nghỉ chiều Ba Mươi Tết và trọn ngày Mồng Một Tết, thay vì nghỉ 3 ngày rưỡi như mọi năm, vì tình hình nghiêm trọng sau khi toàn tỉnh Phước Long vào tay quân cộng sản ngày 7 tháng 1 năm 1975.

Trưa Mồng Hai Tết, nếu như ngày thường thì rất đông sĩ quan nhà xa dùng cơm trưa tại câu lạc bộ Bộ Tổng Tham Mưu. Nhưng bữa ăn trưa hôm nay, chỉ có Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, tôi -lúc bấy giờ là Tham Mưu Trưởng/Tổng Cục Tiếp Vận- và Thiếu Tá Nguyễn Văn Tấn, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Khuyên. Vì dù cho tình hình có thế nào đi nữa, trong mái ấm gia đình vẫn còn hương vị ngày Xuân, nên hầu hết các sĩ quan về nhà dùng cơm với gia đình.

Với nét mặt thật buồn, Trung Tướng Khuyên lên tiếng phá tan sự yên ắng trong khoảng không gian trống rỗng của câu lạc bộ:

“Tôi nghĩ, chắc mình mất nước thật quá anh!

“Tại sao Trung Tướng nghĩ vậy? 

“Anh nghĩ coi, có vấn đề hạ tuổi hoãn dịch trong các tôn giáo để có thêm một số thanh niên nhập ngũ, mà Thủ Tướng trình lên Tổng Thống, rồi Tổng Thống đẩy xuống Thủ Tướng, không vị nào dám nhận trách nhiệm vì sợ đụng chạm đến tôn giáo”.

Ngưng một lúc, ông tiếp với giọng thật nhỏ:

“Đã không đặt vấn đề thì không nói làm chi, mà khi đã thành vần đề thì phải thực hiện đến nơi đến chốn vì là vấn đề quốc gia mà, chớ dở dang như vậy chỉ làm mất uy tín của người lãnh đạo thôi”. 

Khi nêu câu hỏi với Trung Tướng Khuyên là tôi muốn nghe ông giải thích thêm, chớ thật ra thì trong một chừng mực nhất định, tôi hiểu được câu ông nói. Chuyện như thế này: Nhân lễ Giáng Sinh, tối 24 tháng 12 năm 1974, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên tổ chức bữa ăn thật đơn giản ở phòng trên lầu của câu lạc bộ/Bộ Tổng Tham Mưu, với các thực khách sau đây:

Trung Tướng Đồng Văn Khuyên và phu nhân.

Thiếu Tướng Smith, Trưởng Cơ Quan Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Thực chất thì cơ quan này thay thế Bộ Tư Lệnh Viện trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) trong một quyền hạn thu hẹp.

Y sĩ Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh, Cục Trưởng Cục Quân Y.

Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh.

Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng Cục Phó Tổng Cục Tiếp Vận, và phu nhân.

Đại Tá Pelosky, Phụ Tá của Thiếu Tướng Smith về Tiếp Vận.

Tôi, Đại Tá Phạm Bá Hoa, Tham Mưu Trưởng/Tổng Cục Tiếp Vận.

Và Trung Tá Nguyễn Đình Bá, chánh văn phòng của Trung Tướng Đồng Văn Khuyên.

Thiếu Tướng Smith tiết lộ rằng:

“Bộ Quốc Phòng (Pentagon) Hoa Kỳ có kế hoạch với ngân khoản dự trù hơn 300.000.000 (300 triệu) mỹ kim để di tản sang Hoa Kỳ khoảng 40.000 sĩ quan và gia đình, nhưng thời gian thì chưa rõ”.

Những lời nói ngắn ngủi này của một vị Tướng tuy không có hào quang của một nhân vật quyền lực như Thống Tướng William C. Westmoreland trước đây, nhưng là nhân vật tiêu biểu cho tiếng nói của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam chúng ta lúc ấy. Và lời nói này, tôi nghĩ, không có cách hiểu nào khác, ngoài cách hiểu là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của chúng ta sắp kết thúc, và kết thúc với ý nghĩa thua trận! Vì nếu không thua trận thì làm gì có kế hoạch di tản sĩ quan và gia đình sang Hoa Kỳ!

Đột ngột quá chăng? Có thể là với Hoa Kỳ, hay nói chung là với thế giới dân chủ tự do lẫn thế giới cộng sản độc tài, thì không có gì đột ngột cả vì họ là người ngoài cuộc. Có tốt lắm thì họ cũng chỉ nói lời thương hại hoặc lời “phân ưu” trong một bài diễn văn nào đó, cho cái dân tộc bất hạnh này mà thỉnh thoảng họ nói Việt Nam Cộng Hòa là tiền đồn trắc nghiệm chiến tranh ý thức hệ, hoặc chúng ta là tiền đồn chống cộng sản cho họ thôi!

Nhưng với tôi quả là đột ngột, dù tôi có nghe những tin loan tãi đáng buồn trên làn sóng đài phát thanh BBC qua chương trình Việt ngữ! Rất có thể là tôi quá chủ quan khi tin rằng, chiến tranh đang trong giai đoạn khốc liệt nhưng phần đất tự do này không thể vào tay chế độ cộng sản độc tài được. Tại sao tôi chủ quan như vậy? Đơn giản chỉ vì tôi tin rằng cuộc chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta là cuộc chiến đấu có chính nghĩa, mà chính nghĩa thì không thể thua được! Lúc bấy giờ, rõ ràng là tôi không thực tế khi tôi là một trong số rất ít cử tọa ngồi nghe “diễn giả Smith” truyền đạt một câu ngắn ngủi trong bữa ăn đêm Giáng Sinh năm 1974, nó chẳng có ý nghĩa gì về tôn giáo, nhưng rất có ý nghĩa về cuộc chiến tranh mà chúng ta buộc phải lâm trận! 

Tôi hỏi:

“Chẳng lẽ đất nước mình đến hồi mạt vận sao! Có lúc nào Trung Tướng nghĩ như vậy không?

“Không đâu anh. Thật ra có lúc tôi cũng nghĩ như anh, nhưng cuối cùng tôi bác bỏ ý nghĩ đó, vì dù sao thì mình cũng có một quân đội chống cộng sản triệt để mà anh”.

Vì ông nghĩ như vậy, nên khi thấy một việc nhỏ tuy rất tế nhị mà Thủ Tướng với Tổng Thống là hai vị lãnh đạo cao nhất nước với đầy quyền lực trong tay, nhưng không vị nào dám nhận trách nhiệm, nên Trung Tướng Khuyên mới thốt lên câu nói như một lời than bất lực của chính ông, và hàm ý cho số phận một quốc gia: Việt Nam Cộng Hòa!

Cũng trong bữa ăn trưa Mồng Hai Tết này, Trung Tướng Khuyên nhắc tôi ráng điều động và đôn đốc Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận (đồn trú tại Qui Nhơn), vận chuyển hàng tiếp liệu lên Plei Ku chuẩn bị chống trả cuộc tấn công của quân cộng sản thường khi là vào mùa hè.

Đại Tá Bửu Khương, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận, đang thực hiện kế hoạch vận chuyển các loại hàng tiếp liệu loại 1, loại 3, và loại 5, từ Qui Nhơn lên dự trữ ở Plei Ku và Kon Tum. Các loại hàng tiếp liệu trong quân đội do ngành Tiếp Vận quản trị, chia làm 5 loại:

Loại 1, là lương thực thực phẩm cho người và thú vật (quân khuyển = chó trận)

Loại 2, là quân dụng trang bị cho tất cả các đơn vị quân chủng, binh chủng, binh sở, và các cơ quan phòng sở tham mưu, như: quân xa, vũ khí bắn thẳng, vũ khí bắn vòng cầu, xe tăng thiết giáp, xe đào đất ủi đất, chiến hạm, phi cơ, máy móc văn phòng, bàn ghế, ..v..v.. có ghi trong bảng cấp số của từng đơn vị cũng như cơ quan phòng sở. 

Loại 3, là các loại nhiên liệu và các loại dầu mở bôi trơn.

Loại 4, là những gì thuộc về vật liệu xây dựng và vật liệu phòng thủ.

Và loại 5, là các loại bom đạn và chất nổ.

Số lượng dự trữ dự trù cho 20.000 quân trú phòng Plei Ku và Kon Tum chiến đấu trong 30 ngày không cần tiếp tế. Đó là dự trù cho một tình hình tệ hại là không tái tiếp tế được, chớ thật ra trong kế hoạch của Tổng Cục Tiếp Vận có dự liệu khi chiến trận xảy ra thì từ ngày thứ 3, mà trong tham mưu quân sự gọi là ngày N + 2, bắt đầu tái tiếp tế bằng không vận để bổ sung mực độ dự trữ cho lực lượng phòng thủ.

Khi mất Phước Long, Trung Tướng Khuyên ước tính thời gian quân cộng sản mở cuộc tấn công vào Plei Ku và Kon Tum, có thể sớm hơn ước tính của Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu. Vì vậy mà ông cho tăng cường thêm quân xa ra Qui Nhơn để Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận có thêm khả năng vận chuyển. Hằng ngày, từng đoàn quân xa hằng trăm chiếc hạng nhẹ và hạng trung, lăn bánh trên quốc lộ 19 nối liền Qui Nhơn với Plei Ku – Kon Tum, và ngược lại.     

Những ngày sau đó, tôi thường thảo luận với Trung Tướng Đồng Văn Khuyên trong những bữa ăn trưa tại câu lạc bộ, và câu chuyện chỉ xoay quanh nguồn tin từ Thiếu Tướng Smith, hòa trong những tin chiến sự ngày càng nghiêm trọng.

Ban Mê Thuột là thủ phủ Cao Nguyên Miền Trung. Từ đây, theo quốc lộ 14 về hướng Bắc khoảng 170 cây số sẽ đến Plei Ku, một thị trấn đất đỏ ba-dan, và tiếp tục hành trình thêm khoảng 40 cây số nữa sẽ đến Kon Tum, một thị trấn toàn cát trắng. Cũng từ Ban Mê Thuột, theo quốc lộ 14 xuôi hướng Tây Nam, sẽ đến thị trấn Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Long rồi theo quốc lộ 13 về đến Sài Gòn. Nếu từ Ban Mê Thuột, theo quốc lộ 21 về hướng Đông vượt đèo M’Drak sẽ xuống quốc lộ 1, rẽ phải sẽ đến Nha Trang và vào Sài Gòn, còn rẽ trái sẽ ra Tuy Hòa, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, rồi Huế, Quảng trị. Ngay trong thành phố Ban Mê Thuột và phi trường Phụng Dực, có Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, các đơn vị yểm trợ, và Trung Đoàn 53 Bộ Binh đồn trú. Phần còn lại của Sư Đoàn 23 đang bảo vệ Kon Tum và Plei Ku. Ban Mê Thuột trong phạm trách nhiệm yểm trợ của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, và Bộ Chỉ Huy này đồn trú tại bán đảo Cam Ranh, một bán đảo nổi tiếng trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 khi Hạm Đội của Nga chạy trốn sự truy lùng của Hạm Đội Nhật Bản.

Trưa ngày 9 tháng 3 năm 1975, Đại Úy Chỉ Huy Trưởng Kho Đạn ở ngoại ô Ban Mê Thuột điện thoại tôi:

“Thưa Đại Tá, theo lệnh khẩn cấp của Phòng 4/Quân Đoàn II (đồn trú ở Plei Ku), tôi phải cấp phát giải tỏa toàn bộ số đạn dự trữ trong kho vì tình hình rất nghiêm trọng, và có thể sẽ bị quân cộng sản tấn công trong đêm nay. Chúng tôi sẽ cấp phát tối đa cho các đơn vị đồn trú trong và ngoài thị xã theo khả năng mà họ tiếp nhận được. Xin trình Đại Tá rõ”.

“Anh em cố gắng công tác khẩn cấp này và mong anh em hoàn thành nhiệm vụ”.

Sở dĩ Quân Đoàn II ra lệnh trực tiếp là vì các kho dự trữ của ngành Tiếp Vận tại các địa phương chịu sự chỉ huy của hai hệ thống: Dưới quyền của Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận về hành chánh và chuyên môn của ngành, trong khi Quân Đoàn chỉ huy về mặt yểm trợ tác chiến.

Trình Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng Cục Phó Tổng Cục Tiếp Vận xong, tôi liên lạc sang Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu được biết, theo nguồn tin khả tín thì lực lượng cộng sản xuất hiện chung quanh Ban Mê Thuột vào khoảng 2 Sư Đoàn, với một đơn vị Pháo Binh có thể lên đến cấp Sư Đoàn, và chúng có khả năng tấn công trong thời gian sớm nhất, nghĩa là có thể ngay trong đêm nay. Đại Tá Loan và tôi, lo ngại về  các cuộc tấn công của quân cộng sản vào các tỉnh Cao Nguyên trong khi chúng tôi chưa hoàn tất mức độ dự trữ các loại hàng tiếp liệu cho Plei Ku và Kon Tum như lệnh của Trung Tướng Đồng Văn Khuyên ban hành. Trong lúc này, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, được phép của Tổng Thống đã đưa thân phụ của ông sang Tokyo trị ung thư cổ, và Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng Cục Phó, xử lý thường vụ chức vụ Tổng Cục Trưởng.

Sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, khi vào đến văn phòng thì điện thoai reo liên hồi: 

“Đại Tá Hoa tôi nghe”.  

“Lễ đây anh. Tôi mới nghe nói là Ban Mê Thuột bị mất liên lạc hữu tuyến lẫn vô tuyến từ giữa đêm qua. Đâu anh xem lại có phải vậy không?     

Đó là Đại Tá Trần Văn Lễ, Chỉ Huy Trưởng Trường Tiếp Vận, đồn trú trong căn cứ Long Bình, Biên Hòa.

Tôi gọi khắp các cơ quan phòng sở trong Bộ Tổng Tham Mưu, không cơ quan nào liên lạc được với bất cứ cơ quan đơn vị nào ở Ban Mê Thuột cả. Chợt nhớ ra bên Sở Liên Lạc có căn cứ của đơn vị Lôi Hổ trên đó để hoạt động dọc biên giới Việt Nam-Cam Bốt, có thể còn giữ liên lạc được. Và đúng như vậy, Trung Tá Trần Đắc Trân, điện thoại gọi tôi sang để nói chuyện trực tiếp với nhân viên của Sở Liên Lạc trên đó. Trình Đại Tá Loan xong là tôi chạy sang anh Trân ngay. Tôi hỏi:

“Chào anh. Anh đang ở đâu đó?

“Em đang ẩn trú ở đầu phi trường nhỏ trong thành phố Ban Mê Thuột. Chung quanh em tiếng súng nổ dữ lắm và xe tăng của tụi nó (quân cộng sản) đã vào đến cuối sân bay rồi Đại Tá ơi!

“Theo anh thì tụi nó đã vào trung tâm thành phố chưa? 

“Xe tăng của nó tấn công kho đạn đêm qua, và tụi nó tiến vào thành phố rồi. Khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn (23 Bộ Binh) và bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đều có tiếng súng dữ lắm. Em chưa rõ lắm, nhưng em nghĩ là bị tụi nó chiếm hết rồi. Bây giờ em phải rút ra ngoại ô. Chào Đại Tá”. 

“Cám ơn anh, và cầu nguyện cho anh cùng các bạn vượt thoát bình an. Chào anh và các bạn”.  

Trở về Tổng Cục Tiếp Vận trình lại Đại Tá Loan. Đại Tá Loan gọi ra Cam Ranh nói chuyện với Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, nhưng không thu thập được tin tức gì khả quan cả. Bên hệ thống Viba của Hành Chánh và Bưu Điện, cũng không liên lạc được với Ban Mê Thuột.

Tôi gọi lên Quân Đoàn II nói chuyện với Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn, được biết Quân Đoàn II đã cho phi cơ không thám trên không phận ngoại ô Ban Mê Thuột chớ không vào sâu bên trong được vì hỏa lực phòng không của quân cộng sản mạnh lắm, nên những tin tức ghi nhận cũng không giúp được gì cho Quân Đoàn khả dĩ có đủ dữ kiện nhận định tình hình một cách rõ nét, để có phản ứng thích nghi. Trong khi đó, Quân Đoàn II sử dụng phi cơ chiến đấu của Sư Đoàn 2 Không Quân và Sư Đoàn 6 Không Quân, oanh kích dữ dội vào quân cộng sản ven ngoại ô Ban Mê Thuột, nhưng cũng không vào không phận trung tâm thành phố để oanh kích các mục tiêu trong thành phố, do hỏa lực phòng không của địch như những lưới lửa đan chéo cả không phận Ban Mê Thuột.

Sư Đoàn 23 Bộ Binh, có 2 Trung Đoàn hoạt động trên Kon Tum, và 1 Trung Đoàn giữ phi trường Phụng Dực, nên sự chống trả yếu ớt của lực lượng phòng thủ Ban Mê Thuột chỉ gồm những đơn vị yểm trợ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và các đơn vị Địa Phương Quân Nghĩa Quân của Tiểu Khu, trong khi lực lượng tăng viện của Quân Đoàn trực thăng vận xuống giải tỏa, nhưng bị hỏa lực phòng không của cộng sản ngăn chận từ bên ngoài thành phố, không chống nỗi quân cộng sản quá đông tràn ngập chiến trường! Những trận đánh riêng lẽ -vì không có vị chỉ huy thống nhất- chẳng thể nào đảo ngược được tình thế, để rồi đến ngày 13 tháng 3 năm 1975, Ban Mê Thuột  và toàn tỉnh Darlac vào tay quân cộng sản!    

Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, hai tỉnh đã vào tay quân cộng sản!

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt