Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (24)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Khủng hoảng miền Trung – 1966, Biến loạn miền Trung chấm dứt, tướng Thi lưu vong sang Hoa Kỳ”

Trở lại tình hình Miền Trung 

Dưới quyền của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, các thành phần Cảnh Sát và An Ninh Quân Đội lần lượt bắt giữ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trung Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, và Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận. Riêng Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân đã theo lệnh về Sài Gòn họp và bị giữ từ hạ tuần tháng 4/1966. Ngoài ra, lực lượng an ninh còn bắt giữ nhiều người nữa, trong số đó có Đại Tá Đàm Quang Yêu, Tư Lệnh Quân Đoàn Trần Hưng Đạo của phía chống đối, và bác sĩ Mẫn, Thị trưởng Đà Nẵng.

Song song với công tác bắt giữ một số nhân vật, là công tác bổ nhiệm các nhân vật khác thay thế: (1) Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I. (2) Đại Tá Ngô Quang Trưởng, nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. (3) Đại Tá Phan Hòa Hiệp, nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh. (4) Trung Tá Lê Chí Cường, đang là Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu, nhận chức Thị Trưởng Đà Nẵng.

Tiếp đó là nhiều chức vụ trưởng cơ quan đơn vị tại Đà Nẵng và Huế đã tích cực tham gia lực lượng chống đối trung ương, đều bị thay thế.

Một quyết định đãi ngộ dành cho những sĩ quan được xem là có công được ban hành không văn bản, mà chỉ bằng điện thoại do văn phòng tôi phụ trách chuyển đến vị Tư Lệnh Nhẩy Dù, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, và Chỉ Huy Trưởng binh chủng Thiết Giáp. Rằng, những sĩ quan do các vị Tư Lệnh và Chỉ Huy Trưởng chọn và đề nghị lên Tổng Tham mưu Trưởng, sẽ được du lịch Hong Kong một tuần lễ. “Sự vụ lệnh” do Bộ Quốc Phòng cấp với lý do “công vụ đặc biệt”. Với lý do như vậy, các sĩ quan sẽ được ngân sách quốc phòng đài thọ tiền vé phi cơ khứ hồi cùng với khoản tiền trên căn bản tiền công tác ngoại quốc mỗi ngày nhân lên cho 7 ngày. Ngoài ra, vị trưởng đoàn được cấp thêm một khoản nữa gọi là phụ cấp ngoại giao.

Có tất cả 4 danh sách và mỗi danh sách gồm 7 sĩ quan. Được quyền đưa vợ tháp tùng và trường hợp này thì Bộ Quốc Phòng chỉ đài thọ tiền vé phi cơ mà thôi. Danh sách khi được Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng duyệt y (thật ra Trung Tướng Viên không thêm bớt một sĩ quan nào) thì văn phòng chúng tôi làm mọi việc và mang tay lên Bộ Quốc Phòng trao cho chánh văn phòng. Tiếp đó là ông Tổng Trưởng ra lệnh cho Tổng Giám Đốc Tài Chánh và Thanh Tra Quân Phí làm thủ tục ngay. Nghĩa là thủ tục rất nhanh chóng. Hai vị Tư Lệnh Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đứng đầu danh sách của binh chủng.

Đầu tháng 7 năm 1966, Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, gọi tôi vào văn phòng và ra lệnh:    

“Chú mời các vị trong Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt về họp trong hai ngày 8 và 9 (7/1966) tại phòng họp số 2 (tức phòng họp Tân Sinh Nông Thôn). Chú liên lạc với An Ninh Quân Đội tổ chức thu băng để làm biên bản. Không một ai được vào phòng khi đang họp. Chú lo thức ăn trưa tại chỗ”.     

“Thưa Trung Tướng, về an ninh phòng họp có cần tổ chức đặc biệt hay như thường lệ?        

“Không cần đặc biệt lắm đâu, tùy chú xem tình hình mà thích ứng. Chú mời các vị Tướng bị giữ vào phòng bên cạnh, chú phải luôn luôn có mặt tại chỗ và lo ăn sáng ăn trưa cho các ổng. Chú lần lượt mời từng vị vào phòng họp của Hội Đồng mỗi khi tôi thông báo”.

Thành phần Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt, không phải là thành phần của Hội Đồng Quân Lực, vì chỉ gồm các Tướng Lãnh mà thôi.

 Ngày họp, bàn ghế trong phòng họp được xếp theo hình chữ U, đáy chữ U là bàn của chủ tọa đoàn, gồm: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Trung Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Linh quang Viên trong chức vụ Thư Ký của Hội Đồng, phụ trách đọc các bản cáo trạng. Còn trên đầu chữ U có bục gỗ dành cho vị Tướng “bị cáo”, tạm gọi là “vành móng ngựa”. Bên góc trái cuối phòng họp có cái phòng nhỏ được thiết trí máy thu băng và máy khuếch đại âm thanh. Chỉ có chuyên viên truyền tin và sĩ quan An Ninh được ra vào phòng này. Trước cửa có Quân Cảnh gác. Phía sau lưng phòng họp là một phòng khá rộng dành cho 5 vị Tướng “bị cáo” ngồi chờ đến lượt, đồng thời cũng là nơi mà văn phòng tôi lo ăn sáng ăn trưa cho quí vị ấy. Tôi được ra vào phòng họp lẫn phòng thu băng.

Tướng Nguyễn Văn Thiệu (giữa) và Nguyễn Cao Kỳ (trái) trong một cuộc họp báo về Biến Loạn Miền Trung (1966)

Buổi họp bắt đầu. Trung Tướng Thiệu, rồi Thiếu Tướng Kỳ, trình bày lý do với các vị Tướng Lãnh thành viên của Hội Đồng, cũng là cách cung cấp cho các thành viên nắm được nguyên nhân và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong hai ngày họp này. Khi phòng họp sẵn sàng, theo lệnh Trung Tướng Viên, tôi mời Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi vào trước và hướng dẫn đến bục gỗ. Ông bước vào “vành móng ngựa” với thái độ thản nhiên như một vị chủ tọa đã từng đứng lên bục gỗ này để ban huấn thị vậy. Trung Tướng Thiệu:

“Hôm nay, Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt họp để nghe Trung Tướng trình bày về những việc làm của Trung Tướng trong thời gian xáo trộn chính trị tại Miền Trung, vì có những điều mà Hội Đồng chưa biết chắc là Trung Tướng có phải đã hành động như thế hay không, để Hội Đồng có quyết định không lầm lẫn. Mong rằng, Trung Tướng cho biết sự thật”.     

Sau đó, Trung Tướng Linh Quang Viên, với tư cách Thư Ký của Hội Đồng đã đọc bản cáo trạng với từng lời tuyên bố cũng như những hành động của Trung Tướng Thi trong thời gian nói trên. Đọc xong, Trung Tướng Thiệu mời Trung Tướng Thi biện minh về những lời cáo trạng vừa nêu.

Trung Tướng Thi, vẫn bình thản tự nhiên, và nói một cách mạnh mẽ rằng:

 “Bây giờ tôi có nói như thế nào đi nữa thì quí vị cũng không tin tôi, do đó mà tôi không có điều gì để trình bày với quí vị. Quí vị quyết định như thế nào thì tùy quí vị”.

Trung Tướng Thi dùng chữ rất hay. Ông nói “quí vị quyết định thế nào là tùy quí vị” chớ ông không nói “quí vị quyết định thế nào thì tôi thi hành thế ấy”.

Thiếu Tướng Vĩnh Lộc -Tư Lệnh Quân Đoàn II- nói gần như tha thiết với Trung Tướng Thi là nên trình bày sự thật để anh em trong Hội Đồng hiểu rõ được sự việc. Trung Tướng Thi vẫn giữ nguyên câu nói của ông vừa rồi, và ông xin ra khỏi phòng họp.

Có thể thừa nhận là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi có dũng khí của người làm Tướng, điều mà không phải vị Tướng nào cũng có được như ông. Nhưng cũng có thể là ông thấy không có cách nào để biện minh nên thà tỏ ra cứng rắn vẫn hơn chăng? Theo tôi, Trung Tướng Thi quả là có dũng khí của vị Tướng.

Vị kế tiếp là Trung Tướng Tôn Thất Đính. Rất dễ dàng trông thấy Trung Tướng Đính có cố gắng bình tỉnh nhưng ông đã không nén được nỗi lo âu trên nét mặt khi bước vào “vành móng ngựa”. Trung Tướng Thiệu cũng nói những lời như đã nói với Trung Tướng Thi, và rồi Trung Tướng Viên đọc cáo trạng của ông. Trung Tướng Đính dần dần lấy lại sự bình tỉnh, rồi bắt đầu ồn ào với những lời biện minh, nhưng là biện minh một cách gượng gạo nên không đủ lý lẽ để xóa bỏ được câu cáo trạng nào cả.  

Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao là vị thứ ba vào “vành móng ngựa”. Tiếp đến Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, và sau cùng là Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận. Trung Tướng Thiệu và Trung Tướng Viên (Linh Quang Viên), theo điệp khúc như đã đối với Trung Tướng Thi, Trung Tướng Đính, nghĩa là một vị giới thiệu mục đích buổi họp và vị kia thì kê khai những “tội” của từng vị bị cáo. Bản cáo trạng của Trung Tướng Thi, Trung Tướng Đính, và Chuẩn Tướng Nhuận rất dài, vì các vị này chống đối trung ương từ đầu, còn cáo trạng của Thiếu Tướng Cao với Thiếu Tướng Chuân thì ngắn thôi, vì không chống nhưng cũng không làm tròn nhiệm vụ trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I. Thiếu Tướng Cao với Thiếu Tướng Chuân khá bình tỉnh khi biện minh và biện minh ngắn gọn, trong khi Chuẩn Tướng Nhuận khóc sướt mướt với những lời trình bày toàn kêu oan, chỉ vì ông một lòng lo giải quyết tình hình xáo trộn tại Huế.

Lúc bấy giờ tôi được lệnh cho phát lại đoạn băng thu cuộc đàm thoại giữa Chuẩn Tướng Nhuận (tại Huế) với vị Thượng Tọa tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn). Trong đoạn băng đó có lời của Chuẩn Tướng Nhuận rằng: “….. Thưa Thầy, con quyết tâm đấu tranh đến khi nào ba tên Thiệu, Kỳ, Có từ chức mới thôi …..”. Nghe xong, Chuẩn Tướng Nhuận òa khóc.

Thật lòng mà nói, tôi không hiểu tiếng khóc của ông có nghĩa là thú nhận lời của ông, hay đó lại là nước mắt kêu oan chỉ vì ông muốn lợi dụng những vị lãnh đạo Phật Giáo để giải quyết tình hình, chớ những lời đó không phải là thật lòng? Cho dù là như thế nào đi nữa, rõ ràng là phong cách của Chuẩn Tướng Nhuận không xứng đáng với cấp bậc mà Trung Tướng Nguyễn Khánh, với chức năng Quốc Trưởng trao gắn cho ông một năm trước đó.  

Ngày hôm sau, Hội Đồng Kỷ Luật thảo luận gần như suốt ngày để đạt đến một kết luận thống nhất, kết luận đó trở thành “bản án” và bản án này làm cho “một loạt những vì sao rơi rụng”. Bản án trừng phạt mỗi vị “60 ngày trọng cấm” và giải ngũ bắt buộc. Riêng Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận bị giáng xuống cấp Đại Tá, và giải ngũ. Trong khi thảo luận, Trung Tướng Cao văn Viên và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, có nhắc lại lời viết của Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao trong một phúc trình trình lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau vụ thất bại trận Ấp Bắc (Mỹ Tho) đầu năm 1963. Lời viết đó là “……. Khi tôi (tức Thiếu Tướng Cao) giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tôi đã từng trăm trận trăm thắng ……” Và đối với Chuẩn Tướng Nhuận, Thiếu Tướng Kỳ cho là chỉ xứng đáng làm một Thượng Sĩ thôi. 

Hình phạt “trọng cấm” là hình phạt cao nhất đối với sĩ quan mà quy chế qui định. Thông thường một sĩ quan khi bị phạt một lần hay nhiều lần cộng lại lên đến 60 ngày trọng cấm thì bị giải ngũ, vì xem như sĩ quan đó có thành tích xấu, không xứng đáng là sĩ quan nữa. Hình phạt nhẹ hơn là hình phạt “khinh cấm”.

Một tuần sau ngày họp nói trên, một biên bản được hoàn thành với 157 trang đánh máy quay ronéo một mặt, cở 21×27 phân, bìa màu xanh, được mang tay đến các vị thành viên của Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt. Xem xong, phải hoàn lại Cục An Ninh Quân Đội. Riêng tôi được “tặng” một bản ngoài số bản quay ronéo, nhưng cuối cùng tôi phải đốt một phần cùng với nhiều tập tài liệu mà tôi đã ghi chép từ tháng 8 năm 1963. Khi tôi vào tù, nhà tôi bị lục soát một tuần lễ nên ban đêm vợ tôi đã lén đốt một phần nữa. Và phần còn lại thì bị quân cộng sản lục soát khám xét, chúng xé từng mảnh hoặc vứt từng trang tung toé khắp nhà. Sau cuộc lục soát này, vợ tôi lượm lại từng trang từng mảnh cho vào bao, đến khi tôi ra tù mới góp nhặt dán lại, cũng bổ túc được một số chi tiết khi tôi lén lút viết lại và lần lượt nhờ người mang qua Mỹ. Phần viết lại này được 1600 trang giấy học trò.  

“Cuộc khủng hoảng miền Trung” kết thúc bằng bản án nói trên, nhưng với nét nhìn chung cuộc thì các vị Tướng Lãnh lãnh đạo quốc gia đã phải chấp nhận tiến đến xây dựng cơ cấu dân chủ, mà bước đầu là bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào hạ tuần tháng 9/1966, Như vậy:

Theo quí vị quí bạn, “ai thắng và ai thua” trong cuộc khủng hoảng này?

Và cuộc khủng hoảng gần 3 tháng qua, phải chăng là một thử thách khả năng và bản lãnh của các vị Tướng Lãnh trong trách nhiệm lãnh đạo quốc gia thời chiến? Nếu là thử thách, theo quí vị quí bạn, thì các vị ấy như thế nào?

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Bài Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt