Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (57)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Sau mậu thân 1968, TQLC Hành quân phối hợp Vùng IV (57)

Sau biến cố Mậu Thân, TQLC Hành quân diệt Việt Cộng ở Vùng IV (57)

Sau biến cố Tết Mậu Thân đợt 1 và 2, Lữ Ðoàn A/TQLC (LĐ A)được điều động xuống Cần Thơ (Vùng IV) thay thế cho Lữ Ðoàn B đang hành quân ở ngoại vi Cần Thơ, khi VC  tấn công đợt 2 vào Thành phố và chúng tôi mới tới nơi, những dấu vết của cuộc tấn công vẫn còn lộ rõ. Sau bàn giao nhiệm vụ, LÐ A hành quân lục soát vùng Cờ Ðỏ ở phía tây Phi trường Cần Thơ. Khu vực này địa thế cũng khá phức tạp, thường là nơi ẩn trú cùng xuất phát tấn công vào các xã, ấp chung quanh Tỉnh lỵ.

Trong cuộc tấn công Mậu Thân đợt 2 (tháng 5/1968) địch cũng từ hướng đó len lỏi đột nhập vào Thành phố và ngược lại cũng vậy. Tiếp theo cuộc hành quân đó, thì LÐ A di chuyển tới hoạt động tại quận Phong Ðiền nằm ở phía tây quận Cái Răng chừng 20 cây số. Tại đây các đơn vị của LÐA vượt qua sông Cái Răng để lục soát các ấp đang bị VC  chiếm giữ.  Trong một cuộc tiến quân vào một bờ ấp, TĐ 6/TQLC đã đụng độ với địch khiến Ðại Úy Nguyễn Xuân Phúc Tiểu Đòan Trưởng bị thương ở ngực, nhưng may mắn thoát chết vì không đúng chỗ nguy hiểm, và Trung Úy Cổ Tấn Tinh Châu (em) bị tử thương.

Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương TMT của LĐA/TQLC được điều động tạm thay thế chức vụ TĐT/TĐ6/TQLC. Kết quả hành quân cũng đã đạt được thắng lợi vừa phải. Sau đó Lữ Đoàn A (LĐA) rút ra quận Cái Răng và hành quân tảo thanh khu vực phía đông Tỉnh lộ 4 xuống tới xã Cái Tắc và quận Phụng Hiệp. Ở đó địa thế ngập nước nên tiến quân gặp nhiều khó khăn. Tại phía nam quận Cái Răng, TĐ5/TQLC dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Nhã đã chạm địch thu được nhiều vũ khí. Còn ở khu vực Phụng Hiệp, có gặp lực lượng địa phương, du kích chống trả, nhưng không đáng kể. Tỉnh lộ 4 trở lại an ninh hoàn toàn tránh khỏi nạn phá đường, đắp mô vào ban đêm.

Những ngày tháng đầu năm 1969, LÐA được tăng phái cho Sư Ðoàn 18 BB. Bộ Tư Lệnh đóng tại Tỉnh Long Khánh. LÐA hành quân trong Mật Khu Mây Tào (nằm ở phía đông bắc Tỉnh lỵ) giữa đường tới Tỉnh Bình Tuy. Cùng tham dự có một Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 18, Trung đoàn Trưởng không ai xa lạ là Trung Tá Trần văn Nhựt. Sau thời gian phục vụ ở phòng Tùy viên Quân Sự ở Phi luật Tân trở về nước, ông làm việc ở Bộ Quốc Phòng (Tướng Nguyễn Hữu Có) với chức vụ Phụ tá Ðổng Lý do Ðại Tá Nguyễn đình Vinh đảm trách. Nhưng rồi trong việc tranh dành quyền lực, Trung Tướng Có đang công tác tại Hải ngoại thì bị ngừng chức và không cho trở về nước. Các sỹ quan thân cận của Tướng Có, trong đó có Trung Tá Nhựt, bị cất chức thuyên chuyển đi xa (Ðại Tá Vinh ra Quân Đoàn I), riêng Trung Tá Nhựt bị đưa ra quận Hàm Tân (Tỉnh Bình Tuy) giam lỏng. Sau tìm hiểu, thì phe cánh Tướng Có được gán cho âm mưu đảo chính.

Bị quản thúc tại Hàm Tân một thời gian (hằng ngày đi tắm biển, bắt cua, mò ốc) thì được thuyên chuyển về Sư Ðoàn 18 của Tướng Ðỗ Kế Giai làm tư lệnh và được giao chức vụ Chỉ huy Trưởng Trung tâm huấn luyện Sư Ðoàn 18 BB, rồi tiếp theo là Trung đoàn Trưởng của một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 18 BB.

Ngoài Trung Ðoàn Sư Ðoàn 18, Lữ Ðoàn A/TQLC còn phối hợp với lực lượng của Quân Ðội Úc đóng tại tỉnh Phước Tuy sẽ hành quân từ phía tây nam của núi Mây Tào. Khu vực này, VC  thường dựa vào chân núi để trú ẩn, hoạt động đánh phá các vùng lân cận ba tỉnh Long Khánh, Bình Tuy, và Phước Tuy, đồng thời uy hiếp Quốc Lộ 1.

Tình hình địa thế rất thuận lợi cho địch vì rừng cây rậm rạp và giáp ranh với Rừng Lá. Trong cuộc hành quân  lục soát, các đơn vị của TQLC đã khám phá ra một số thực phẩm thu dấu trong các lùm cây, chừng như để tiếp tế cho VC từ các toán khai thác gỗ vì muốn được yên thân. Sau này được biết thì chủ nhân khai thác thuộc người nhà của Tướng Trần Thiện Khiêm (đang làm Thủ Tướng VNCH). Do đó mà có ít nhiều tin tức đã bị tiết lộ, và địch đã tránh né di chuyển đi nơi khác, khiến cuộc hành quân không đạt được mục tiêu mong muốn, ngoài khám phá một vài hầm cất giấu lương thực.

Một điều là hành quân trong các tháng mùa khô, vấn đề nước uống rất nan giải, phải tiếp tế, vì các suối đều khô cạn, hạn chế nhiều mọi hoạt động. Hành quân  chấm dứt, LĐA/TQLC lại được BTL Quân Ðoàn III của Tướng Ðố cao Trí (sau khi làm Ðại Sứ ở Nam Hàn được TT Thiệu gọi về) chuyển đến khu vực nằm giữa quận Trảng Bàng và Tỉnh lỵ Tây Ninh. Tại đây LĐA có nhiệm vụ hành quân  truy lùng địch hoạt động trong đồn điền cao su Dầu Tiếng, một địa điểm kế cận quận lỵ Dầu Tiếng nơi mà thời kỳ tôi làm TĐT/TĐ2/TQLC đã hành quân sau trận đụng độ thất bại của Sư Ðoàn 5 BB do Ðại Tá Thuần làm tư lệnh.

Các đơn vị đều có kinh nghiệm hoạt động trong rừng cao xu, nên mọi cuộc tiến quân đều không gặp khó khăn. Vào thời gian nửa chừng, trong một cuộc tấn công đêm vào một làng ven đồn điền, có thiết giáp yểm trợ, TĐ1/TQLC do Thiếu Tá Trí chỉ huy đã đụng độ VC và gây cho chúng thiệt hại khá nặng về nhân mạng và vũ khí. Sau trận đánh, Tướng Đỗ Cao Trí có đến tận nơi quan sát trận địa và ngỏ lời khen. Từ đó, Tướng Trí thông cảm hơn với Binh chủng TQLC, nhất là trước đó TĐ4/TQLC do Thiếu Tá Vượng làm TĐT hoạt động sao đó, đã làm ông ta không bằng lòng lắm. Tướng Trí tới cuối năm 1970, trong một cuộc thăm viếng các đơn vị, ông đã tử thương cùng với viên cố vấn Hoa Kỳ bởi tai nạn trực thăng.

Phối Hợp hành quân với Hải Quân tại Vùng 4

Sau các cuộc hành quân tại Quân Ðoàn III, LĐA/TQLC được lệnh di chuyển xuống Quân Ðoàn IV để thay thế cho LĐB/TQLC đang hành quân tại tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). LĐA di chuyển bằng quân xa tới Rạch Giá, rồi được tàu Hải Quân chở vào vùng hành quân tại địa điểm nằm trên hai bên bờ kinh Cán Gáo, ở giữa Rạch Giá và quận Thới Bình (Cà Mâu An Xuyên). LÐA/TQLC trên đường tới BCH/LĐB, đồng thời cũng là BCH Lực Lượng Thủy Bộ, được vô sự.

Trước ngày LĐA tới thì LĐB cũng đã đụng độ với VC nhưng không nặng lắm. Lực lượng Thủy Bộ mới thành lập trước đó ít lâu, gồm một vài tàu chỉ huy và yểm trợ cùng một  số tàu chở quân, có thể di chuyển trên sông ngòi. Ngoài phương tiện chuyên chở này, có một BCH Lực Lượng Thủy Bộ được tổ chức bởi một số sĩ quan thuộc hai binh chủng (Hải Quân & TQLC). Vị Tư Lệnh do Hải Quân đảm trách, Lữ Đoàn Trưởng TQLC làm Tư Lệnh Phó. Chức vụ Tham Mưu Trưởng do Hải Quân phụ trách có sự phối hợp của Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn TQLC. Trên lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế ngoài trận địa, thì Lữ Đoàn TQLC hầu như phụ trách gần hết, kể cả về mặt chiến thuật lẫn bố trí phòng thủ khi đóng quân.

Đại tá TQLC/VNCH Hoàng Tích Thông, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn A / TQLC

Từ ngày hành quân Vùng IV cho tới sang Campuchia năm 1970, qua hai sĩ quan hải quân chỉ huy lực lượng Thủy Bộ, Ðại Tá Hùng và Ðại Tá Thông (Hải Quân) đều diễn tiến tốt đẹp không có chuyện gì xẩy ra cả. Tất cả đều do sự hiểu biết, thông cảm và kính trọng lẫn nhau giữa các cấp chỉ huy mà thôi. Tại chiếc tàu chỉ huy, tôi gặp Ðại Tá Hùng và Thiếu Tá Tâm Tham Mưu Trưởng trao đổi về tình hình trong khu vực, Ðại Tá Hùng là một sĩ quan tương đối trẻ, tư cách, nhã nhặn và đứng đắn, cho nên mới gặp lần đầu, tôi đã cảm thấy gần gũi hơn, kể cả các sĩ quan hải quân khác đều rất vui vẻ khi gặp Lữ Đoàn A/TQLC. Trong số này có vài sĩ quan đã cùng chúng tôi hành quân tại Cà Mâu, từng chở chúng tôi đi từ chỗ này đến chỗ khác để đổ hoặc bốc quân. Do đó sự phối hợp rất chặt chẽ giữa  hai bên suốt cuộc hành quân tại khu vực Kinh Cán Gáo cũng như về sau đó. Tình hình được biết, thì sau cuộc đụng độ vừa phải với LĐB/TQLC thì trở lại yên tĩnh. Có lẽ VC đã rút về tỉnh Cà Mâu.

Còn về địa thế, hai bên Kinh tương đối trống trải, dễ quan sát, nhưng cây cối mọc lúp xúp vì ruộng vườn lâu ngày không có người trông coi. Dân chúng trong vùng thưa thớt, thỉnh thoảng có vài căn nhà lá tụm lại với nhau, bao quanh bởi các hàng dừa và cây cau. Sau khi bố trí, BCH/LĐA ở kế cận bờ Kinh và gần sát với chiếc tàu chỉ huy của Ðại Tá Hùng (để dễ liên lạc ngày và đêm, tuy rằng có máy vô tuyến), phát quang những trở ngại chung quanh BCH/LĐ để đơn vị phòng vệ có xạ trường tốt. Pháo Binh thì được LĐB/TQLC chuyển giao một Pháo Ðội 105 ly (6 khẩu). Ngoài sự yểm trợ này, còn có hỏa lực của Hải Quân trợ lực khi hành quân gần bờ Kinh cũng như lúc phòng thủ ban đêm. Khi mọi sự đã sắp xếp tương đối đâu vào đó, thì LĐA/TQLC mở các cuộc hành quân  truy lùng địch trong vùng ấn định, nằm trong tầm yểm trợ của Pháo binh, nghĩa là không quá 10 cây số.

Trong thời gian bộ binh hoạt động xa con Kinh thì Hải Quân xử dụng tàu tuần tiễu trên Kinh. Vùng hành quân  là vùng tiếp giáp giữa  hai Tỉnh, lại không có một đồn bót của hai bên của tỉnh nào trấn đóng nên địch xử dụng làm nơi ẩn trú cũng như tập trung xuất phát đánh phá vào các ấp, xã hoặc các đồn trại của hai bên. Trường hợp bị phản kích hoặc hành quân tảo thanh thì chúng lại rút về phía bên kia ranh giới an toàn. Nhưng với lực lượng của Sư Ðoàn 21 BB cũng như Tổng Trừ Bị, thì chúng bắt buộc phải rút vào rừng sâu để tránh né.

TQLC hành quân đổ bộ trực thăng

Trường hợp này cũng đã xẩy ra với LĐA/TQLC có khi liên tục mở các cuộc hành quân  lục soát, nhưng kết quả không gặp một đơn vị nào của địch, trừ mấy tên du kích địa phương bắn quấy rối rồi bỏ chạy. Hành quân  khoảng nửa tháng thì chấm dứt và lực lượng Thủy Bộ di chuyển về hoạt động tại vùng phía nam các xã Vị Thanh, Hỏa Lựu (Tỉnh Chương Thiện) kế cận sông Cái Lơ.

Vùng này khoảng khoát hơn, các ruộng vườn có dân chúng trông nom nên cũng đỡ rậm rạp. Việc bố trí đoàn tàu và Lữ Đoàn TQLC không có gì thay đổi, có nghĩa là đoàn tàu vẫn làm nhiệm vụ tuần tiễu trên sông và chở quân đổ bộ lên hai bên bờ khi có nhu cầu. Chiếc tàu chỉ huy vẫn  nằm một chỗ, kế cận BCH/LĐ/TQLC. Hàng ngày mỗi buổi sáng, Tư Lệnh Thủy Bộ xuống tàu tới BCH/LĐ nghe thuyết trình về tình hình và kế hoạch hoạt động trong ngày. Còn khi nào cần có sự tham khảo với vị Tư Lệnh, thì tôi hoặc Tham Mưu Trưởng lên tàu gặp. Cũng như hoạt động tại Kinh Cán Gáo, thường ngày vẫn  cho các TĐ hoạt động truy lùng địch cả hai bên sông.

Tại khu vực này có nhiều xóm nhà khoảng 5, 10 căn, bao quanh bởi các mương, trên bờ trồng chuối, nên mỗi khi gần tới những địa điểm này là gặp du kích ẩn nấp bắn ra rồi bỏ chạy. Trong thời gian hành quân, VC thì không gặp, nhưng hàng ngày đều có binh sĩ bị thương tích vì mìn bẩy, một điều đã làm cho binh sĩ mất tinh thần, vì không biết lúc nào sẽ  đến phiên họ. Về chuyện này, tôi cũng đã có trình bày với Chuẩn Tướng Nguyễn vĩnh Nghi, Tư Lệnh Sư Ðoàn 21, khi ông ta tới thăm dơn vị. Tôi nửa đùa nửa thật ví TQLC như chiếc xe ủi mìn. Như vậy ta thấy rằng việc xử dụng lực lượng Tổng Trừ Bị rất bừa bãi, hình như thượng cấp có quan niệm là có quân là phải xử dụng, để không sinh ra hư hỏng. Ðồng ý, nhưng phải cho đúng chỗ phù hợp với tình hình chính xác. Ðối với các đơn vị được tăng phái, thì dĩ nhiên là họ phải xử dụng hết mức, dù rằng không cần thiết mấy. Chứng minh rõ ràng là các tháng trước ngày 30/4/1975, các lực lượng Tổng Trừ Bị đã bị chôn chân một chỗ, đến lúc cần thì không đủ thời gian để chuyển quân, và nếu có tới được thì mọi sự cũng đã rồi, và ở trong một tư thế rất khó khăn để phản công địch.

Trong thời gian hành quân  nhằm vào những ngày Tết Âm Lịch, nên phái đoàn Tổng Thống Thiệu đã tới thăm BTL Thủy Bộ. Sau đó ít lâu, đoàn tàu của Ðại Tá Hùng trở về Cần Thơ, và tiếp theo thì lực lượng Thủy Bộ do Ðại Tá Thông (Hải Quân) chỉ huy, di chuyển tới Châu Ðốc cùng với LĐB/TQLC hành quân vượt biên giới sang Campuchia. Còn LĐA/TQLC, một thời gian sau đó cũng được lệnh của BTL Quân Ðoàn IV (Trung Tướng Ngô Dzu) lên đường tới Châu Ðốc để được tàu Hải Quân chuyên trở sang Neak Leung, Campuchia thay thế cho LĐB/TQLC đang hành quân ở đó.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt