Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (56)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Tháng 5, 1968 hành quân giải toả Mậu Thân Đợt 2 tại Sài Gòn (56)

Thủy Quan Lục Chiến hành quân giải toả Mậu Thân Đợt 2 tại Sài Gòn vào tháng 5, 1968 (56)

Trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân (đợt 1), mặc dầu bị thiệt hại rất nặng nề kể cả về vũ khí lấn nhân mạng, quân CS  Bắc Việt, vào tháng 5/1968, chúng vẫn cố gắng tung ra một cuộc tấn công lần thứ hai vào một vài Tỉnh, Thành phố, đặc biệt là Sài Gòn, Chợ Lớn. Mục tiêu của CS  là dù thắng hay thua, thiệt hại nhiều hay ít, chúng không quan tâm, mà chỉ cốt tạo tiếng vang trong dư luận Quốc Tế là CS vẫn mạnh và đang làm chủ chiến trường, trái hẳn lại với nhận định của Quân Ðội Hoa Kỳ là đang đạt thắng lợi, CS  không còn đủ lực để phát động chiến tranh ở miền Nam nữa.

Các mũi tấn công Mậu Thân đợt 2 của VC (5/1968) tại Sài Gòn

Trước ngày CS tung ra cuộc tấn công đợt hai, các cơ quan tình báo của ta đã không ghi được một tin tức nào, như hồi Tết Mậu Thân, kể cả về phía Quân Ðội Hoa Kỳ. Phải chăng phương cách, tổ chức, làm việc kém hiệu năng, lại thêm yếu tố chủ quan, khinh địch, khiến địch đã có thể đột nhập vào thành phố Sài Gòn một cách dễ dàng, thay vì phải khám phá ra sớm để ngỏ hầu bẻ gãy từ lúc xuất phát. Ở đây cần phải nêu lên vấn đề trách nhiệm, từ cuộc tồng tấn công Mậu Thân đợt 1 đến đợt 2, là các người chịu trách nhiệm về an ninh, tình báo từ cấp cao đến thấp, đã không làm tròn nhiệm vụ giao phó.

Từ đó đáng lẽ ra phải có biện pháp trừng phạt để duy trì kỷ luật trong Quân Ðội, nhưng kết cuộc là “hòa cả làng”, chẳng một ai phải ra trước vành móng ngựa hoặc bị khiển trách, đôi khi lại còn được thăng thưởng thật bất công và vô lý. Cuối cùng là người dân vô tội bị lãnh đủ, quân sĩ phải hy sinh xương máu. Cuộc tấn công đợt 2 được thực hiện bằng hai mũi, một xuất phát từ khu Tam Giác Sắt, tiến qua khu vực Lái Thiêu (Bình Dương) rồi vượt qua sông Sài Gòn (ở khu vực cầu Bình Lợi) để đột nhập vào khu vực kế cận BCH Tiểu Khu Gia Ðịnh và Ðồng Ông Cộ. Mũi thứ hai từ khu rừng Thơm (Quận Ðức Huệ) để tiến vào Chợ Lớn. Lợi dụng đêm tối, cùng sự sơ hở của các đơn vị phòng ngự ngoại vi Thành phố, hai cánh quân CS  đã tiến được vào khá sâu trong khu Chợ Lớn, còn ở Gia Ðịnh, thì gần tới ngã ba cây Thị.

Sáng sớm ngày hôm sau thì Lữ Ðoàn A/TQLC (được cải danh sau khi thành lập Sư Ðoàn TQLC – sau này là Lữ Ðoàn 147/TQLC) được gửi tới để thanh toán địch. Trước đó, BCH Lữ Ðoàn đang trong thời gian nghỉ dưỡng quân sau khi hành quân tại Cần Thơ (Vùng IV) trở về. Bộ Chỉ Huy/Lữ Đoàn (BCH/LĐ) đặt tại tòa nhà hai tầng lầu bỏ trống (chủ nhà bỏ chạy) và cũng là cây xăng ngã ba cây Thị. Trên đỉnh sân thượng, trực thăng có thể đáp xuống.

TĐ1/TQLC đánh dọc theo đường phố xuống gần tới khu sân vận động, mà địch đã chiếm giữ  theo từng

Một binh sĩ Quân Cảnh TQLC cứu dân trong trận Mậu Thân (1968)

nhà. Dân chúng cư ngụ, hầu như đã chạy lánh nạn hết trong đêm qua. TĐ6/TQLC hoạt động tại Ðồng Ông Cộ và khu cầu Băng Ky, sau đó tiếp theo là các trận đánh giành giật từng căn phố với hoàn toàn vũ khí  cơ hữu, không có sự yểm trợ của pháo binh cũng như không quân, trực thăng võ trang. Lý do để tránh sự thiệt hại đến tài sản và sinh mạng của dân chúng còn kẹt lại trong vùng hành quân. Ngoài sự tham dự của LÐA/TQLC còn có đơn vị Biệt Kích Dù hoạt động ở vùng kế cận. Cuộc hành quân này hoàn toàn khác biệt với các cuộc hành quân khác, có lẽ ít xẩy ra trong chiến tranh VN, nó đòi hỏi từ cấp chỉ huy đến binh sĩ phải thông suốt chiến thuật tác chiến trong thành phố. Với sĩ quan TQLC thì đa số đã được theo học lớp căn bản TQLC ở Hoa Kỳ, nên vượt qua được dễ dàng. Do đó chẳng mấy lúc đã đẩy dần VC ra gần ngoại vi thành phố, mà không gặp mấy khó khăn, vì địch vừa thiếu kinh nghiệm và không thông thuộc đường xá.

Chứng minh điều đó là có một đêm, mấy tên VC  đã lù lù tiến thẳng tới BCH Lữ Ðoàn, còn đang lớ ngớ thì bị các binh sĩ bảo vệ bắn hạ ngay tại chỗ. Các tên này không trang bị gì hết ngoài khẩu súng AK với một dây đạn quấn quanh mình, mặc quần xà lỏn, vai đeo chiếc lốp cao su. Có lẽ chúng đã bị lạc đơn vị, đang đi tìm lối ra. Tại Ðồng Ông Cộ, địa thế trống trải hơn và ít nhà, nên đôi khi đã xử dụng được không quân và trực thăng võ trang đánh vào các ổ kháng cự nằm sâu trong lòng đất. Mấy ngày sau TĐ6/TQLC đã làm chủ được khu vực này đẩy VC phải rút dần về hướng cầu Băng Ky để tìm lối thoát qua sông Sài Gòn về hướng Lái Thiêu theo đường cũ.

Cuối cùng dưới sức ép của ta, địch rút dần vào một làng kế cận cầu Băng Ky. Biết rõ ý định muốn thoát chạy về hướng cầu Bình Lợi, nên Lữ Ðoàn đã chỉ thị cho TĐ6/TQLC điều động vây chặt lối ra của chúng. Trong khi đó thì TĐ1/ TQLC đánh vòng qua khép chặt vòng vây. BCH Lữ Ðoàn đã xử dụng loa phát thanh kêu gọi địch trú ẩn trong ấp ra đầu hàng. Một hồi lâu, chắc thấy không còn hy vọng gì thoát thân nên chúng đã bảo nhau từng đợt ra trình diện với vũ khí. Khi đó có một chuyện vui là tôi thấy có một tên VC nhỏ tuổi chạy ra nhưng không có vũ khí, tôi bèn kêu hắn là súng đâu, thì hắn thưa “Dạ, để em vào trong kia lấy ra”, nói xong là hắn chạy đi ngay, và chỉ trong chốc lát hắn mang ra cây AK rồi đưa cho binh sĩ của Lữ Ðoàn.

Tôi thấy thật là đáng thương cho chúng. Hỏi qua thì phần lớn bọn chúng đều là từ ngoài Bắc mới xâm nhập vào, rất trẻ tuổi, vào Bộ Ðội theo nghĩa vụ quân sự. Do đó mà khi bị vây đánh, chúng đã không biết tiến thoái ra làm sao, lớ ngớ như mán ở trong rừng mới ra tỉnh. Về sau điều tra thêm, thì chúng được cấp trên bảo là miền Nam dân chúng đã nổi dậy chiếm chính quyền rồi, chỉ vào tiếp thu thôi.

TQLC ra chiến trận

Sau khi VC  đã ra trình diện hết, tổng cộng khoảng gần 150 tên, có một số bị thương, tôi cho di chuyển chúng về BCH/LÐ để Ban 2 và cứu thương làm việc. Ở đây tôi đã ra lệnh đối xử với chúng tử tế theo quy chế tù binh, cho ăn uống và hút thuốc đầy đủ. Trước khi chuyển giao cho BTL/Biệt Khu Thủ Ðô, tôi đã cho chúng ngồi trên quân xa chạy long vòng trong mấy đường phố, dưới sự hướng dấn và bảo vệ của Quân Cảnh TQLC, Dân chúng hai bên phố đã vẫy tay reo hò ầm ỹ.

Trong khi đó, tại khu vực Chợ Lớn, lực lượng Biệt Ðộng Quân và một TĐ/TQLC hoạt động, cũng đã đẩy lui địch ra khỏi Phú Lâm. Một sự kiện đáng tiếc xẩy ra cùng ngày, một trực thăng võ trang Hoa Kỳ đã tác xạ nhầm vào tòa nhà đang có Bộ Tham Mưu của Biệt Khu Thủ Ðô đang họp, khiến một vài sĩ quan bị tử thương. Hôm đó, sau khi Phái đoàn của Tổng Cục Chiến Tranh Chính trị đến thăm, có sự hiện diện của Trung Tướng Khang, lúc đó vừa giữ  chức Tư Lệnh TQLC, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô kiêm Tổng Trấn Sài Gòn Gia Ðịnh, Tư Lệnh Quân Ðoàn III Vùng 3 Chiến Thuật, và một số sĩ quan đơn vị bạn, trong đó có Trung Tá Ðào bá Phước, Liên Ðoàn Trưởng BÐQ. Khi Phái đoàn trở về, Trung Tướng Khang có bảo tôi có muốn vào Chợ Lớn họp thì đi theo, nhưng vì bận nhiều việc nên tôi không đi. Sau đó thì xẩy ra tai nạn, và Trung Tá Phước bị tử thương.

Sự đầu hàng của VC ở cầu Băng Ky đã chấm dứt trận chiến tại Tiểu Khu Gia Ðịnh và đồng thời cũng kết thúc cuộc tấn công đợt 2 của CS vào Thủ Ðô Sài Gòn. Hơn một tuần lễ giao tranh, sự thiệt hại của Lữ Ðoàn A/TQLC được coi như là nhẹ. Sau trận tấn công đó thì CS  gần như không đủ lực để tiếp tục nữa. Chiến trận từ đó dần dần bớt sôi động, và quân ta hoàn toàn làm chủ chiến trường.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Bài Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt