Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (16)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1: Chiến đấu trong chiến khu Việt Nam Quốc Dân Đảng (16)
D. CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG (16)
Hai ngày, hai đêm qua đi bình yên. Đến ngày thứ ba, đoàn quân tiến vào làng Yên Kỳ. Làng này tương đối đông dân cư hơn. Chúng tôi được bô lão trong làng tiếp đón nồng hậu và ra lệnh cho dân làng nắm cơm thết đãi. Sáng sớm hôm sau, trước khi lên đường, đại diện làng cho biết là sẽ có cơm thết đãi, nhưng chờ mãi không thấy, nên đoàn quân bỏ lên đường. Vừa xuất quân thì từ xa, hướng trước mặt Đình, tại một cao điểm VMCS đã nã súng liên hồi vào đình Yên Kỳ. VNQDQ, cán bộ và gia đình chạy tránh đạn, có nhiều người bị thương kêu la inh ỏi.
Khi đó, khóa sinh chúng tôi đang bố trí ở một ngọn đồi kế cận, nghe tiếng sùng nổ, tức thì giáo quan Nhật điều động chúng tôi án ngữ ngọn đồi nổ súng bắn trả lại và tiếng súng địch êm ngay. Kết quả có mấy anh VNQDĐ bị thương phải nằm lại tại đó. Anh Đạt, vệ sĩ của ông Vũ Hồng Khanh cũng bị thương nhẹ. Theo tôi nghĩ, ban chỉ huy cuộc rút lui đã quá khinh địch, lại tỏ ra kém hiểu biết về mặt quân sự. Hôm đó nếu không có khóa sinh dưới quyền chỉ huy của các giáo quan Nhật thì tình hình có lẽ còn bi đát hơn nhiều. Các sĩ quan của Trường, như các ông Minh, Vinh, Xuân, tuy là sĩ quan quân đội Pháp nhưng có lẽ chưa bao giờ ra trận, nên đã thụ động chẳng biết làm gì hơn. Có nhiều người đã nghi ngờ dân làng Yên Kỳ hoàn toàn theo VMCS, đề nghị ông Vũ cảnh giác, nhưng ông không tin.
Sau khi bị trận phục kích này, mọi người đều hối hả chạy vứt bỏ lại các đồ đạc không kịp mang theo. Từ Yên Kỳ lên Yên Bái, khóa sinh được làm đội quân tiên phong, dưới sự chỉ huy của ông Niên, giáo quan Nhật. Kiểm điểm lại nhân số trước khi di chuyển, có anh Minh QGTNĐ, con chim sơn ca của Đoàn (hát rất hay) bị thất lạc. Dưới sự chỉ huy của ông Niên, chúng tôi tiến quân rất nhanh. Ông này tay cầm địa bàn, hướng dẫn chúng tôi và đoàn quân trên những con đường rừng, gồ ghề, khúc khuỷu.
Có người cho biết là con dường đó trước kia, dân buôn thuốc phiện lậu sử dụng di chuyển tránh tai mắt của các nhân viên quan thuế. Một ngày nữa lại trôi qua trong yên tĩnh. Đêm đó, chúng tôi ngủ ngay ở hai bên dọc đường, luôn luôn cảnh giác đề phòng mọi bất trắc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Khổ nỗi đêm đó trời lại mưa tầm tã, thành thử chẳng có ai ngủ được. Bụng lại đói vì cả ngày đi trong rừng không kiếm được cái gì để ăn. Thân thể mỏi rã rời. Đây là lần đầu tiên trải qua cảnh rút lui trong chiến bại, hiểu thấu sự gian truân, thiệt hại như thế nào. Sau đó còn xẩy ra nhiều cuộc rút lui tương tự còn bi đát hơn nhiều.
Ngày hôm sau, đoàn quân lại tiếp tục lên đường, mặc dù đói mệt. Nếu ngừng lại sẽ có nhiều bất trắc có thể xẩy ra vì VMCS có đủ thời gian điều quân truy kích, Trên đường di chuyển, gặp toàn cảnh vườn không nhà trống, có lẽ dân trong vùng đã được VMCS thông báo trước. Nhưng rồi một chuyện đáng tiếc đã xẩy ra. Nguyên do vì mệt và khát nước, một cán bộ đảng viên là anh Đội Sửu (hạ sĩ quan Pháp) Trưởng Ty An Ninh Tỉnh Phú Thọ, đã vào một nhà dân, chặt một cây mía mà chủ nhà không có mặt. Anh đem ra, chia cho vợ con ăn cho đỡ khát.
Khi ông Vũ đi tới bắt gặp, không hiểu anh Sửu đã trình bày ra sao, làm cho ông Vũ tức giận rút súng bắn chết ngay tại chỗ. Sự việc xẩy ra quá nhanh không ai kịp can thiệp. Đươc biết, có mấy cán bộ bạn thân của anh Sửu rất bất bình, định phản ứng, nhưng có người cản lại. Tôi nhận thấy sau đó có nhiều người tỏ ra bất mãn về hành động thiếu suy nghĩ của ông Vũ là một lãnh tụ Đảng. Mặc dù kỷ luật của Đảng, của đoàn quân khi rút lui cần phải duy trì chặt chẽ không được xâm phạm của dân.
Sau đó đoàn quân cũng tự ghép vào kỷ luật hơn trên đoạn đường dài, bụng đói, dạ khát. Chiều tối, đoàn quân tới một làng ở gần Hào Gia, chỉ còn cách Thị xã Yên Bái 5, 6 cây số. Cũng như những nơi đã đi qua, dân làng đã bỏ đi hết. Tại đây ông Vũ và ban Lãnh đạo cho phép chúng tôi được xử dụng các thức ăn của dân chúng để lại với điều kiện phải đền bù bằng tiền bạc để tại chỗ cho khổ chủ. Phải cảnh giác về thuốc độc trong thức ăn và nước uống. Trong những nhà của cán bộ VMCS, có cờ, bảng, khẩu hiệu dùng đi biểu tình, chứng tỏ là nhà viên chức CS lãnh đạo của làng này thì chiếm đóng, xử dụng phương tiện, ăn uống thoải mái, không phải trả tiền bạc.
Trước khi đóng quân nghỉ, lệnh bố trí thật nghiêm ngặt, vì dự đoán VMCS đang dương một cái bẫy lớn để tiêu diệt toàn bộ. Tùy theo từng bộ phận, kẻ xay thóc, người giã gạo, người mổ lợn, gà, nấu ăn tưng bừng, bù lại những ngày đói khát, đồng thời lấy lại sức khỏe, chuẩn bị chiến đấu vào ngày hôm sau. Trong cuộc chạm súng tại đình làng Yên Kỳ, thừa lúc lộn xộn, hai cán bộ VMCS đã chốn thoát khỏi đoàn quân.
Tại Yên Bái lúc này cũng đang bị VMCS bao vây, chắc chắn chúng bố trí trận đánh, ngăn chận không cho đoàn quân của QDĐ vào tỉnh lỵ. Đêm đó chúng tôi được no nê, ngon lành không có gì xẩy ra cả. Sự im lăng không có gì phản ứng của VMCS làm chúng tôi phân vân tự hỏi, không biết chúng có âm mưu gì đây. Sự liên lạc với Yên Bái không thực hiện được vì máy móc truyền tin không có. Hôm sau, vào lúc gần trưa, bộ phận tiền phương của chúng tôi đã gặp tỉnh lộ Yên Bái – Tuyên Quang chắn ngang. Chúng tôi tính vượt qua đường lộ, thì một loạt đạn từ ngọn đồi phía trước bắn về phía chúng tôi. May mắn là không ai bị thương, vì đã cảnh giác khi di chuyển ra chỗ trống. Các giáo quan Nhật phản ứng ngay, ra lệnh nhanh chóng khai triển đội hình chuẩn bị xung phong tấn công lên đồi. Sau một loạt đạn bắn yểm trợ, chúng tôi lao lên với tiến xung phong vang dội lẫn tiếng súng nổ. Địch kháng cự yếu ớt, sau vài phút giao tranh rồi bỏ chạy. Chúng tôi chiếm cứ ngọn đồi, chế ngự con đường từ ngã ba quốc lộ đi Tuyên Quang
Ở địa thế thuận lợi này, trước đó địch có thể quan sát dễ dàng trong Thị xã Yên Bái và dùng súng lớn bắn vào Tỉnh. Sau khi làm chủ tình hình khu vực, vấn đề di chuyển vào Thị xã không mấy khó khăn, chỉ còn e ngại địch ở bên kia sông Hồng bắn qua (con sông chạy song song với Quốc lộ 1, Thị xã Yên Bái nằm ở tả ngạn con sông). Cũng từ ngọn đồi chiến thuật đó, chúng tôi nhìn thấy lá cờ bay phất phới trên đỉnh đồi Chùa. Ngọn đồi này án ngữ lối vào Thị xã, vì khoảng cách quá xa, chúng tôi không phân biệt rõ lá cờ thuộc bên nào. Có anh nhất quyết cho là cờ VMCS, chỉ khác sao trắng, sao vàng, để lâu, cũ màu, khó phân biệt từ xa. Nỗi lo âu đến với chúng tôi, nếu Yên Bái rơi vào tay CS thì thật là nguy hiểm. Muốn tới Lào Kay phải đi vòng phía tay mặt Thị xã, băng qua đồi núi, thung lũng hẹp rất dễ bị phục kích. Rồi còn vấn đề lương thực, đạn dược. Về sau Bộ Chỉ Huy quyết định cử người đi liên lạc xem tình hình thực hư ra sao. Tiếng súng nổ vẫn vang lên từng lúc, dội lên từ bên kia sông.
Ở phía Thị xã, vào khoảng một giờ đồng hồ, cán bộ đi liên lạc trở về cho biết là VNQDĐ vẫn còn trấn giữ Tỉnh lỵ. Khi biết tin như vậy, mọi người thở phào nhẹ nhõm và chuẩn bị tiến vào Thị xã, dưới sự yểm trợ hỏa lực của đơn vị đóng trên đồi Chùa. Muốn vào Thị xã, chúng tôi phải băng qua một cây cầu sát trên Quốc lộ 1, dài khoảng 50 thước, bắt qua một con rạch từ hồ Tháp Bà chảy ra sông Hồng. Do đó, mà phần lớn đã tìm cách lội qua, vì được các chân cầu che khuất tầm quan sát của địch. Một số chúng tôi liều mạng phóng qua cầu, trong khi khẩu đai liên ở trên đồi Chùa liên tục bắn yểm trợ, làm tê liệtđịch.
Kết quả sau vài tiếng đồng hồ, đoàn quân đã vào được Yên Bái an toàn, chỉ có vài người bị thương nhẹ không đáng kể. QGTNĐ có anh Ngạn và anh Giáp bị thương vào đầu gối do mảnh đạn súng cối 60 ly của địch rơi nổ trên cầu. Đó là ngày 29/6/1946. Tính ra cuộc rút lui từ bỏ Việt Trì lên tới Yên Bái mất gần một tuần lễ.
Thị xã rất nhộn nhịp tiếp đón đoàn quân mới tới. Dân chúng đều có cảm tình, ủng hộ VNQDĐ, vì nơi đó khi xưa là chiến tích của VNQDĐ khởi nghĩa chống Thực dân Pháp. Tuy nhiên trong tình hình này, tất cả cán bộ và dân địa phương đều tỏ vẻ lo âu, vì sự rút lui bỏ Việt Trì, Phú Thọ, có thể tương lai gần sẽ tới lượt rút bỏ Yên Bái. Thị xã cũng đang bị VMCS bao vây, tấn công hơn một tháng rồi, nhưng vì địa thế hiểm trở, khó khăn nên chúng chưa làm gì được. Giống như các Tỉnh vừa mất, Yên Bái cũng cùng trong một tình trạng, kinh tế càng ngày càng suy sụp vì dân bên ngoài Tỉnh không vào được, Các đường tiếp tế thực phẩm đều bị VMCS chặn hết. Dân và quân phải ăn cơm độn bắp.
Về mặt quân sự, Đệ Tam Chiến Khu VNQDĐ ngày càng bị thu hẹp, và Yên Bái trở thành tiền tuyến. Về chính trị lòng dân hoang mang. Do đó Ban Lãnh đạo quyết định cho rời một số cơ sở không cần thiết lên Lào Kay, cùng một số cán bộ, Quốc Dân Quân, Trường Võ Bị Lục Quân.
Chúng tôi, khóa sinh trường Quân Chính Việt Trì được sáp nhập vào Trường Lục Quân theo học khóa C. Trường Lục Quân Yên Bái tên là Trần Quốc Tuấn được thành lập vào những ngày đầu của Đệ Tam Chiến khu. Trường đang có hai khóa: A và B. Khóa A chuẩn bị sắp tới ngày mãn khóa sau 6 tháng học tập. Trường hoàn toàn do các giáo quan Nhật điều khiển. Ông Hùng (tên Việt) Hiệu Trưởng, ông Dân, hiệu phó (sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhật) còn lại là Đại úy, Trung úy và Hạ sĩ quan. Sau ngày bại trận, đầu hàng Đồng Minh, họ đã từ bỏ hàng ngũ theo sang giúp QDĐ. Dưới sự huấn luyện nghiêm khắc của họ, các khóa sinh đã trở thành những cán bộ có khả năng, nhất là các khóa sinh đều có trình độ văn hóa cao và có lý tưởng Quốc Gia vững chắc. Một số sau này đã nắm giữ rất nhiều vai trò quan trọng trong chính thể Quốc Gia miền Nam Việt Nam. Về chính trị nắm những chức vị: Bộ trưởng, Đại sứ, Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu như các anh Nguyễn tất Ứng, Ngô tôn Đạt, Đinh trịnh Chính v.v.. Về quân sự tới cấp Tá, Tướng như Trung Tướng Phạm xuân Chiểu còn cấp Tá thì có khá nhiều. Tại Yên Bái, ngoài lực lượng Quốc Dân Quân…. trường Lục quân là một lực lượng đáng kể, đã giúp cho Ban Quân sự Tỉnh về mặt an ninh và phòng thủ rất nhiều. Ngoài những giờ học về lý thuyết tại trường, hầu hết thời gian thực hành đều ở ngoài chiến trường. Trong những ngày đầu trường mới thành lập, khóa sinh chỉ được trang bị có một nửa vũ khí thật, còn lại là súng gỗ. Rồi sau mỗi lần học tập ở xa ngoài Thị xã, đụng độ với VMCS trở về, mỗi khóa sinh lại mang về một ít vũ khí chiến lợi phẩm. Do đó, mỗi lần VMCS chạm súng với trường Lục Quân Yên Bái là chúng bỏ chạy. Cũng vì thế VMCS bao vây, tấn công cả tháng mà Thị xã Yên Bái vẫn đứng vững. Trụ lại Yên Bái được vài ngày, chúng tôi lên đường đi Lào Kay, cách xa khoảng 6, 7 chục cây số. Lần này, chúng tôi không di chuyển bằng đường bộ mà bằng hỏa xa.
Con đường sắt Yên Bái-Lào Kay vẫn được VNQDĐ bảo vệ duy trì với mục đích giao thông, tiếp tế lương thực cho Thị xã Yên Bái, dù VMCS vẫn tìm cách phá hoại. Trước ngày đoàn quân Vĩnh Yên, Việt Trì tới Yên Bái, Tỉnh Đảng Bộ Lào Kay đã huy động một số lực lượng và lương thực, do ông Triệu quốc Lộc (mang hàm Đại Tá) nguyên là Hạ sĩ quan quân đội Pháp thuộc sắc tộc Thổ (Tày) đảm trách. Theo dư luận, ông Lộc là một cấp chỉ huy can trường, được các cấp dưới quyền và dân chúng trong khu vực do ông cai quản kính nể và phục tùng. Đoàn tàu này chở lương thực và VNQDQ xuất phát từ ga Bảo Hà di chuyển rất chậm, vừa đi vừa sửa chữa những đoạn đường bị VMCS tháo gỡ. Ngày chúng tôi tiến vào Yên Bái cũng là ngày con tàu ì ạch tiến vào sân ga. Chính ra, mục tiêu của đoàn tàu này đi cứu viện Phú Thọ và Việt Trì. Đoàn tàu lại di chuyển trở về Lào Kay với sự tăng cường lực lượng bảo vệ và kéo thêm toa, hành trình được bình an vô sự. Tới Lào Kay, khóa sinh trường Lục quân được tạm trú tại một căn cứ, trại của quân đội Pháp để lại. Chúng tôi được chuẩn bị để lên Thị trấn Sapa tiếp tục học tập.
Thị trấn Sapa ở trên một địa thế rất cao khoảng 1700 thước so với mặt biển, nên có khí hậu rất tốt, mát mẻ hơn so với Lào Kay khí hậu quá khắc nghiệt. Sapa có khoảng cách với Lào Kay chừng 30 cây số, có đường trải nhựa, có thể di chuyển bằng xe hơi hoặc xe ngựa. Trong thời Pháp thuộc, Sapa là nơi nghỉ mát của người Pháp, tương tự như Đà Lạt của cao nguyên Trung phần. Trong khi đó Lào Kay, khí hậu và nước uống rất độc. Nằm trong một địa thế không rộng lắm, chung quanh được bao bọc bởi rừng núi nên thời tiết vào mùa Hè rất oi ả, nóng bức, ngược lại cũng rất lạnh khi mùa Đông tới.