Hoa Kỳ vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma ảnh hưởng…

19 tháng 10, 2007

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Giữa tuần này, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng đã đến Washington để nhận lãnh huy chương cao quý nhất do Quốc Hội Liên Bang Mỹ trao tặng. Trong thời gian có mặt ở thủ đô của nước Mỹ, Ngài đã được Tổng Thống George W. Bush đón tiếp ở Nhà Trắng, và ngay tức khắc, buổi gặp gỡ cấp cao này gặp sự chống đối mãnh liệt từ phía chính phủ Trung QuốcTại sao Tổng Thống Bush lại quyết định mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ghé thăm Nhà Trắng? Ðiều này sẽ gây ảnh hưởng thế nào cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh? Cuộc tranh đấu cho tự do mà Ðức Ðạt Lai Ma không ngừng nỗ lực thực hiện trong 5 thập kỷ qua sẽ đi đến đâu? Ðó là những điểm đang được giới quan sát chính trị nói đến, và cũng là đề tài chúng tôi đặt ra với vị khách mời tuần này.

Khách mời là Nữ Giáo Sư Tiến Sĩ Merle Goldman của Ðại Học Harvard, một chuyên gia về Trung Quốc, thành viên của Hội Ðồng Quan Hệ Ðối Ngoại Hoa Kỳ. Ba mươi năm trước đây Bà Goldman từng tháp tùng Tổng Thống Mỹ sang Bắc Kinh, trong chuyến đi mở đầu quan hệ giữa hai nước.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Vấn đề Tây Tạng trong quan hệ Washington-Bắc Kinh Nguyễn Khanh: Cám ơn Bà Tiến Sĩ đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ chúng tôi. Tổng Thống Hoa Kỳ đã tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ở Nhà Trắng. Mặc dù ông Bush nói đây là một cuộc gặp gỡ riêng tư, nhưng gặp như thế có phải là điều hay hay không?

Tiến sĩ Merle Goldman: Đây là một vấn đề tế nhị. Trong nhiều năm trời, Chính Phủ của Tổng Thống Bush không chú trọng đến vấn đề nhân quyền ở Hoa Lục, và nếu so sánh, người ta thấy ngay là ông George W. Bush không cứng rắn với Trung Quốc, không lên tiếng bày tỏ quan điểm về nhân quyền một cách mạnh mẽ như người tiền nhiệm là Tổng Thống Bill Clinton, hay như vị Tổng Thống trước nữa là Tổng Thống George Bush, thân phụ của vị Tổng Thống hiện giờ.

Thành ra, một trong những điều Washington muốn thể hiện cho mọi người thấy rằng Hoa Kỳ không quên những gì đang xảy ra ở Hoa Lục bằng cách mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đến gặp Tổng Thống và Tổng Thống George W. Bush đón Ngài ở tại Nhà Trắng.

Việc làm này còn để chứng tỏ rằng Tổng Thống và chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực tranh đấu mà vị lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng đã thể hiện trong 50 năm qua. Riêng với tôi, các việc mà Tổng Thống George W. Bush mới làm quả là một thay đổi thật lớn và không ngờ.

Nguyễn Khanh: Nhưng liệu việc đón tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ở Nhà Trắng có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh không?

Tiến sĩ Merle Goldman: Chắc chắn chuyện này sẽ tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu so sánh giữa hai Chính Quyền Bush và Chính Quyền Clinton, ai cũng thấy ngay rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington bây giờ tốt hơn quan hệ thời ông Clinton rất nhiều.

Hai nước cần có nhau và hợp tác với nhau khá chặt chẽ để giải quyết các vấn đề rất quan trọng ở tầm chiến lược toàn cầu, chẳng hạn như vấn đề hạt nhân Bắc Hàn. Ðó cũng chính là lý do tại sao mãi đến bây giờ, Chính Phủ của ông Bush mới bày tỏ quan điểm rõ rệt về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc.

Nguyễn Khanh: Ngay trong lúc này, Ðại Hội Ðảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc. Theo tin tức Bà nghe được thì chuyện Tây Tạng có được đưa ra thảo luận hay không?

Tiến sĩ Merle Goldman: Theo tôi hiểu thì không. Tôi không tin rằng giới lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Trung Quốc muốn đưa ra trước đại hội những vấn đề có thể gây tranh cãi. Tin tôi nhận được cũng như qua bài diễn văn khai mạc của Ông Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Ðào, người ta thấy rõ mục tiêu của Ðại Hội Ðảng lần này là sự đoàn kết, và Ðảng cần đoàn kết cho thế hệ sau, tức là thế hệ kế tiếp sẽ lãnh đạo Ðảng.

Ai cũng thấy Tây Tạng là một vấn đề rất quan trọng nhưng cũng dễ tạo nên tranh luận, và vì thế đưa một vấn đề tầm cỡ như thế ra trước Ðại Hội là điều không nên làm.

Nguyễn Khanh: Bà Tiến Sĩ mới nói đến thế hệ lãnh đạo mới của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, tức là thế hệ thứ năm. Liệu thế hệ mới sẽ có cái nhìn thân thiện hơn với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng như sẽ giải quyết các tranh chấp đang xảy ra với người dân Tây Tạng hay không?

Tiến sĩ Merle Goldman: Tôi không biết là liệu thế hệ mới trong Ðảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ có cái nhìn khác hơn về trường hợp Tây Tạng hay không, cho dù họ trưởng thành trong một môi trường khác biệt hẳn với thế hệ đàn anh hiện giờ, tức là thế hệ của các ông Hồ Cẩm Ðào, Ôn Gia Bảo.

Ông Hồ Cẩm Ðào, Ôn Gia Bảo đều lớn lên dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, trong khi thế hệ kế tiếp là thế hệ của những người dám chất vấn chính quyền, chất vấn cả quyền uy của Ðảng, dám đặt câu hỏi liệu có thể tiếp tục áp dụng kinh nghiệm mà thế hệ đàn anh của họ đã thu thập được để dẫn dắt đất nước hay không.

Thế hệ thứ năm của Trung Quốc là thế hệ những người trưởng thành trong những năm của thập kỷ 80, vào lúc thời đổi mới và cũng trong thời gian đó, ngay ở Bắc Kinh người ta đã nói với nhau về chuyện đổi mới chính trị.

Thành ra, theo ý riêng của tôi, có thể thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có một cái nhìn thoáng hơn về chính trị, có thể chấp nhận đổi mới ở một mức độ nào đó mà thế hệ lãnh đạo hiện nay vẫn chưa chấp nhận. Nhưng nếu ông hỏi điều đó có chắc sẽ xảy ra hay không, thì tôi không dám quả quyết.

Tôi chỉ biết rằng những nhà lãnh đạo mới của Hoa Lục đã lớn lên trong một môi trường khác biệt hẳn với môi trường đàn anh họ đã sống, họ có trình độ học vấn cao hơn, và hy vọng từ đó, họ có một cái nhìn thoáng hơn về mọi vấn đề, kể cả những vấn đề mà các thế hệ lãnh đạo trước họ không muốn nói đến hay không muốn giải quyết.

Tôi xin đơn cử một thí dụ. Ðến giờ, thế hệ của ông Hồ Cẩm Ðào chỉ nói đến đổi mới chính trị, nhưng chưa thật sự đi vào thực hành. Người ta đang chờ đợi thế hệ thứ 5 sẽ làm điều đó. Làm thế nào, mức độ nhanh hay chậm thì chưa ai có thể nói được.

Quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Nguyễn Khanh: Trong bài diễn văn đọc khi nhận huy chương cao quý nhất do Quốc Hội Mỹ trao tặng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nhắc đi nhắc lại rằng Ngài không có ý đòi độc lập, chứ không có ý gì khác hơn cả…

Tiến sĩ Merle Goldman: Ông nói đúng. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần bảo rằng Ngài chỉ muốn Trung Quốc cho Tây Tạng được rộng quyền tự trị, muốn Trung Quốc bảo tồn văn hóa của dân tộc Ngài, muốn người dân Tây Tạng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, chứ không đòi độc lập, không đòi phải để Tây Tạng tách rời khỏi Hoa Lục.

Nguyễn Khanh: Liệu nhà cầm quyền Trung Quốc có chấp nhận những điều Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đưa ra không?

Tiến sĩ Merle Goldman: Đến bây giờ thì vẫn chưa. Những điểm Ðức Ðạt Lai Lạt Ma mới nói ở Washington là những gì Ngài đã từng nói ở rất nhiều nơi khác và thái độ của giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn là không chấp nhận. Thành ra, tôi không nghĩ là sau khi nghe lời Ngài phát biểu ở Mỹ, Trung Quốc sẽ thay đổi thái độ.

Nguyễn Khanh: Và Bà Tiến Sĩ không nghĩ là chuyện ông Hồ Cẩm Ðào gặp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma sẽ xảy ra?

Tiến sĩ Merle Goldman: Nếu xảy ra thì đó là điều tuyệt diệu!!! Nhưng tôi không nghĩ giới lãnh đạo đương thời Trung Quốc sẽ làm điều này.

Ông Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Ðào đang phải đương đầu với rất nhiều trở ngại gây nên từ chính sách đổi mới kinh tế, và đó là những vấn đề cấp bách hơn mà ông ta phải làm, kể cả chuyện tôi được nghe nói là sẽ thành lập những bộ phận riêng biệt để giải quyết từng vấn đề một.

Riêng với những vấn đề có liên hệ đến chính trị như nhân quyền hay Tây Tạng chẳng hạn, có lẽ nên đợi đén khi thế hệ mới, tức thế hệ thứ năm, lên nắm quyền, lúc đó, mới có thể thấy được sự thay đổi.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Tiến Sĩ Goldman.

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt