Đối đầu Mỹ-Trung là chuyện tất yếu…
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Tôi đến tiểu bang California một chiều nắng ấm cách đây nửa năm, nghe mấy người bạn chê bai ông Trump đủ điều, cho ông Trump khi tranh cử chỉ “mị dân để kiếm phiếu, chứ làm sao ông dám đụng đến Tàu, hàng hóa Tàu tràn ngập thị trường Mỹ làm sao chống Tàu cho được…”.
Vào tháng 11 năm 2017, khi Tổng Thống (TT) Trump được Tập Cận Bình tiếp đón long trọng trên tầm một quốc khách tại cố cung của vua Càn Long, một người bạn ở California lại gửi một email nói rằng “TT Trump bị Tập Cận Bình mua đứt rồi”… Tôi chẳng buồn tranh cãi, đôi khi mất tình bạn.
Văn hóa dân Mỹ cũng có những đặc tính tương tự, đến Texas thì nghe âm điệu của đảng Cộng Hòa, đến Cali thì nghe tông điệu của đảng Dân Chủ. Lưỡng đảng Hoa Kỳ lấy 2 tiểu bang này làm “căn cứ địa” chạy đua vào tòa Tòa Bạch Ốc. Tôi không thuộc đảng nào của Mỹ mà là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) nên TT nào của Mỹ chống Tàu Cộng và Việt Cộng thì tôi ủng hộ.
Trở lại chuyện hai ông Trump-Tập, sau khi được Tập Cận Bình đón tiếp long trọng tại Bắc Kinh mấy ngày trước, liền hôm sau mồng 9/11/2017 đến dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng thì ông Trump đọc bài diễn văn chẳng khác gì “một ly nước lạnh tạt vào mặt Tập Cận Bình”, nội dung có đoạn khích động dân tộc Việt nhìn gương Hai Bà Trưng đánh quân Tàu giành độc lập cách đây mấy ngàn năm.
Thì ra, “Thấy vậy mà không phải vậy!”.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là chuyện phải đến
Bất cứ một người dân Mỹ nào, nếu nghĩ đến quyền lợi nước Mỹ thì hãy nhìn đến những tổn hại mà Tàu Cộng (TC) gây ra cho nước Mỹ thật vô tiền khoáng hậu:
– Về kinh tế, chỉ tính từ năm 2006 đến 2017, mỗi năm Mỹ bị thâm thủng thương mại đối với TC từ 250 tỷ USD trở lên. Năm 2015, Mỹ thâm thủng cao đến 367 tỷ. Với số tiền này đủ để Tập Cận Bình dùng làm “quyền lực mềm” xâm lăng những nước chậm tiến ở châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á… và rõ ràng những nước này đã dần dần lọt vào quỹ đạo chính trị qua “quyền lực mềm” của Tàu Cộng.
– TC luôn dìm giá đồng “Nhân Dân Tệ” để bán hàng phá giá nhằm phá hoại nền sản xuất của các nước tư bản, đó là sự cạnh tranh kinh tế không lành mạnh.
– TC ép những thương gia Mỹ đầu tư tại nước Tàu phải giao “sở hữu trí tuệ” (confidential) của công ty cho TC mới được làm ăn.
– Lấy “confidential” của những công ty tư nhân của Mỹ chưa đủ, TC cho điệp viên đến Mỹ để ăn cắp kỹ thuật quốc phòng, mà hàng năm nhan nhản thấy người Mỹ gốc Tàu ra tòa thụ án về tội đánh cắp “bí mật quốc phòng” của Mỹ để chuyển về Tàu Cộng.
– Đào tạo những đội ngũ “hacker” chuyên nghiệp với trình độ “hack” khá cao, chuyên xâm nhập các máy tính của các cơ quan an ninh của Mỹ để lấy trộm tin tức tình báo và quốc phòng, dữ liệu an ninh quốc gia, cướp đoạt “sở hữu trí tuệ” của những công ty tư nhân, lấy tài liệu đời tư cá nhân của các công ty bảo hiểm v.v..
– Dùng đạo quân thứ 5 của TC để lobby, mua chuộc giới chính trị, thành phần trí thức ở Mỹ và các nước tự do để cổ vũ cho lập trường và tư tưởng Đại Hán của TC như thành lập Viện Khổng Tử, tổ chức chính trị xâm nhập tại nước ngoài nằm dưới sự điều động của Cục II tình báo TC, Mặt trận Thống nhất của TC (United Front) v.v..
– Về quân sự thì cấu kết với những thành phần chủ trương xâm lăng ngoại bang như Putin. Với tư cách hai Ủy Viên Thường Trực, thường dùng diễn đàn Liên Hiệp Quốc để cản trở các nước tây phương can thiệp vào cuộc chiến khủng bố hoặc chiến tranh nhân đạo như ở Syria, Bắc hàn, Iran, v.v..
– Viện trợ, yểm trợ, bao che cho những chế độ bất hảo để gây rối tình hình chính trị thế giới như Bắc Hàn, Iran v.v..
– Tiến hành những cuộc xâm lăng lãnh thổ, lãnh hải một cách vô pháp, bất chấp luật lệ và xem thường phán xét của quốc tế, như xâm lăng Biển Đông…
Tất cả những việc làm này của TC càng ngày càng cho thế giới thấy rõ TC có một chiến lược trường kỳ “tầm ăn dâu”, lấn tới theo kế hoạch “được đằng chân, lân đằng đầu,” càng ngày càng làm xáo trộn trật tự thế giới. Nếu không có biện pháp cứng rắn từ một siêu cường như Mỹ thì chắc chắn một ngày không xa, TC sẽ lũng đoạn cả quả địa cầu, lúc đó thế giới sẽ bị “xiềng xích” dưới sự cai trị độc tài tàn bạo của chủ nghĩa “Đại Hán tân Cộng Sản”.
Không phải TT Donald Trump mà bất cứ tổng thống Mỹ nào không nhìn ra những nguy hiểm tiềm tàng đang xói mòn tiềm lực nước Mỹ thì TT đó thuộc “loại bò sát”. Đã đến lúc siêu cường Mỹ phải đứng lên… Từ Đệ I Thế Chiến, Đệ II Thế Chiến và Chiến Tranh Lạnh, không có nước Mỹ can thiệp thì giờ đây thế giới này ra sao? Trong tương lai không có siêu cường Mỹ chế ngự và đánh bại Tàu Cộng và Nga thì thế giới sẽ đi về đâu?…Dù biết rằng Mỹ không phải là toàn hảo, nhưng lịch sử đã chứng minh nước Mỹ đã chặn đứng và đánh bại hiểm họa độc tài Hitler vào giữa thế kỷ 20, đánh tan độc tài Cộng Sản vào cuối thế kỷ thứ 20, thì chắc chắn Mỹ đập tan ý đồ bá quyền xâm lược TC trong đầu thế kỷ thứ 21.
Thế kỷ thứ 21, chống TC đưa lên hàng “Quốc Sách” của Mỹ
Ngày 18 tháng 12 năm 2017 Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (CLANQG) – National Security Strategy, còn gọi là “Quốc Sách” trong đó có hai điều đáng chú ý nhất so với những CLANQG của các đời TT trước từ sau Chiến Tranh Lạnh năm 1991. Thứ nhất, nêu đích danh TC và Nga là hai nước nguy hiểm hàng đầu đối với an ninh nước Mỹ, CLANQG của Mỹ có đoạn xác quyết: “cường quốc đối thủ thách thức sức mạnh, tầm ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ, đồng thời làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”. Thứ hai, Quốc Sách đưa kinh tế là một bộ phận an ninh trọng yếu của quốc gia, là điều cần thiết để khôi phục sức mạnh Hoa Kỳ, “Quốc Sách” đã nêu rõ: “An ninh Kinh tế là nền tảng”. Và “Hoa Kỳ sẽ không còn làm ngơ trước những hành vi vi phạm, gian lận hoặc xâm lược kinh tế”.
Từ khi đồng Đô-la Mỹ chiếm lĩnh thị trường tiền tệ thế giới từ đồng Bảng Anh Quốc, nước Mỹ luôn luôn giữ vị thế siêu cường, không một quốc gia nào có thể cạnh tranh để thao túng và làm chủ đồng Đô-la. Phe Trục Đức-Ý-Nhật muốn loại Mỹ ra khỏi vị thế siêu cường đã bị đánh bại, Liên Bang Xô Viết muốn tranh ngôi bá chủ với Mỹ cũng bị gục ngã. Giờ đây trước thế kỷ thứ 21, TC đang lăm le muốn soán đoạt ngôi vị siêu cường với Mỹ và dĩ nhiên sẽ cùng chung số phận. Cuộc đọ sức Mỹ-Trung đã bắt đầu từ chiến tranh thương mại, nếu Mỹ không giải quyết dứt khoát mộng bá quyền của TC trên chồng hồ sơ thương mại thì chiến tranh quân sự sẽ xẩy ra để loại TC khỏi tham vọng bá quyền như loại Đức, Nhật, Nga Xô trước đây.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu
Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu từ đầu năm 2018. TT Trump tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm 2017. Sau một năm nghiên cứu, chuẩn bị nhân sự và kế hoạch, Tòa Bạch Ốc đã ra dấu hiệu chiến tranh thương mại ngày 17/01/2018 tại một cuộc hội thảo ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington DC. Tại đó, nhiều chuyên viên nghiên cứu thượng thặng như Tiến sĩ Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại (CSIS), Tiến sĩ Evan Medeiros, Giám đốc Điều hành châu Á – Thái Bình Dương của Eurasia Group v.v.. đều có cùng một nhận định: “Hãy nhìn vào ngôn ngữ của Chiến lược An ninh Quốc gia [của Mỹ]. Hãy chờ đợi một mối quan hệ căng thẳng và nhiều đụng độ. Một số cạnh tranh sẽ là kẻ được, người mất” và quan hệ Mỹ-Trung sẽ căng thẳng va chạm và cạnh tranh liên tục.”
Các nhà nghiên cứu cạnh tranh thương mại trên thế giới nhận định rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ bùng phát trên sáu (6) mặt trận hỗ tương lẫn nhau, tùy theo mức độ đàm phán mà leo thang hay tạm dừng. Nó xẩy ra không như chiến tranh quân sự, mà Mỹ đàm/đánh và đánh/đàm như chiến thuật từng giai đoạn để đạt mục tiêu chiến lược sau cùng.
Mặt trận (1) Đánh thuế hoặc trừng phạt đối với nền công nghệ Trung Cộng. Mặt trận này có thể mở rộng leo thang vô thời hạn và TC sẽ yếu sức theo thời gian.
Mặt trận (2) Trừng phạt nặng về việc TC ăn cắp “sở hữu trí tuệ” của Mỹ. Mặt trận này cũng dễ dàng leo thang, vì “sản phẩm trí tuệ” là mặt hàng vô giá. Có thể phạt 100 tỉ, nhưng có thể là 1000 tỉ, và 10,000 tỉ hoặc hơn nữa.
Mặt trận (3) Đánh thuế nặng hoặc hạn chế đối với thép và nhôm. TC sản xuất thép nhôm chiếm 49% tổng sản lượng thép nhôm trên thế giới. Mỹ là một bạn hàng lớn nhập thép nhôm từ TC .
Mặt trận (4) Hạn chế đầu tư của TC vào nước Mỹ. Đây là trận chiến để ngăn chặn công ty của TC vào Mỹ lấy cớ hợp tác để ăn cắp “sở hữu trí tuệ”. Hạn chế việc này, về lâu về dài thì TC hụt nguồn cung cấp kỹ thuật. Vì hiện nay sự tiến bộ của ngành công nghệ TC là do “ăn cắp kỹ thuật” từ nước ngoài, đặc biệt là từ nước Mỹ.
Mặt trận (5) Cấm các công ty Mỹ bán những mặt hàng tối tân cần thiết cho nền sản xuất TC. Nhiều mặt hàng công nghệ sản xuất ở TC phụ thuộc vào những linh kiện điện tử làm tại công ty Mỹ mà TC không chế tạo được. Nếu Mỹ không cho phép bán các linh kiện điện tử đó cho TC, bắt buộc hàng của TC sẽ phải ngưng sản xuất, công ty TC sẽ đóng cửa.
Mặt trận (6) TC trả đũa về tài chính, thương mại. Một số biện pháp mà TC sẽ trả đũa trong chiến tranh thương mại với Mỹ như cắt giảm du học sinh, giới hạn khách du lịch, đánh thuế cao vào các sản phẩm chăn nuôi, nông nghiệp, máy móc “high tech” nhập từ Mỹ, và 1200 tỷ USD nợ mà TC đang cho Mỹ vay qua công khố phiếu. Khi hai bên đánh qua, đánh lại, sự leo thang chiến tranh thương mại sẽ bùng phát rất nhanh.
Đó là sáu mặt trận chính mà Mỹ sẽ “xa luân chiến” cho đến khi đạt mục tiêu cuối cùng.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khai hỏa mặt trận thứ (3):
Ngày 1/3/2018, trong lúc Phó Thủ Tướng TC, Lưu Hạt, phụ trách Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia, một nhà kinh tế TC tốt nghiệp tại Đại Học Harvard và là cánh tay thân tín của Tập Cận Bình, đang ở Mỹ để truyền đạt lập trường của Tập Cận Bình và tìm cách đàm phán với chính quyền TT Donald Trump nhằm tránh rủi ro chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, thì TT Trump phát nổ mặt trận thương mại thứ (3). Ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 25% vào hàng nhập khẩu thép và 10% về hàng nhập khẩu nhôm vào nước Mỹ. Sắc luật đánh thuế thép và nhôm được ký ngày 8/03 và có hiệu lực ngày 23/03. Về mặt trận thứ (3) này, TC hiện đang là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm gần nửa tổng sản lượng nhôm thép toàn cầu. Với đồng “Nhân Dân Tệ” luôn luôn dìm giá nên các mặt hàng thép nhôm của TC bán ra đều phá giá, làm lũng đoạn thị trường thép nhôm trên thế giới.
Việc đánh thuế cao mặt hàng thép nhôm nhập cảng vào Mỹ cũng làm các nước sản xuất nhôm thép bán vào Mỹ bị ảnh hưởng chung vì Mỹ nhập cảng thép từ TC hằng năm chừng 2 tỉ USD, còn đứng sau cả sự nhập cảng từ Canada, Mexico, Argentina, Brazil, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và các nước Liên Âu (EU). Nhưng đến ngày 23/03/2018 là ngày áp thuế có hiệu lực, thì Tổng Thống Trump tuyên bố tạm thời loại bỏ các nước thành viên EU, Canada, Mexico, Nam Hàn, Australia, Nhật Bản, Argentina và Brazil ra khỏi danh sách bị áp thuế nhôm thép nhập khẩu vào Mỹ. Rõ ràng đây là hình thức tuyên chiến thương mại, quân bạn không “bắn” mà chỉ nhắm vào quân thù là “Chỉ còn lại một nước duy nhất là TC bị áp thuế, điều này cho thấy TT Trump đang nhắm vào Trung cộng là mục tiêu chiến tranh thương mại duy nhất của Mỹ.”
Mặt trận thứ (2) bùng phát
Trong khi mặt trận thứ (3) đang nổ ra, thì Tòa Bạch Ốc tiếp tục mở mặt trận “pháo” số (2). Vào ngày 22/3/2018 lấy lý do là “trả đũa những hành vi Bắc Kinh ăn cắp bí mật công nghệ và thương mại của Mỹ mà Washington cho rằng đã cướp của các công ty Hoa Kỳ hàng tỷ USD thu nhập và làm mất hàng nghìn việc làm” (Fox News 21/03) nên Mỹ đánh thuế ít nhất 50 đến 60 tỷ USD vào hàng trăm mặt hàng từ giày dép, may mặc, đến đồ điện tử tiêu dùng, và hạn chế đối với đầu tư của TC vào Mỹ. Đặc biệt, hạn chế các loại công nghiệp đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm thống trị các lĩnh vực trí tuệ nhân-tạo và công nghệ tự-động… Hành động này của TT Trump nhắm thẳng mục tiêu mà trong lúc tranh cử ông từng tuyên bố “Trung Cộng là kẻ thù kinh tế” và đã “lợi dụng Mỹ nhiều chưa từng có trong lịch sử”.
Đến đây chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ở hai mặt trận (2) và (3) đã bùng nổ.
Mặt trận (6) trả đũa từ TC sẽ leo thang chiến tranh thương mại
Mười (10) ngày sau, vào ngày 2/04, TC trả đũa bằng cách tăng thuế lên 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Mặt trận thứ (6) mở ra. Hàng nhập từ Mỹ bao gồm thịt heo đông lạnh bị tăng thuế 25%, một số thực phẩm khác như các loại hạt, trái cây, gừng và rượu sẽ bị tăng thuế 15%… Tổng số tăng thuế những hàng từ Mỹ lên đến 3 tỷ USD.
Biết mình đang ở thế yếu, một mặt TC xuống nước tuyên tố rằng: “TC khẳng định không mong muốn hai bên nổ ra chiến tranh thương mại” nhưng Bộ Thương mại TC với lối tuyên truyền cố hữu tự hào cho Tàu Cộng vĩ đại nên phải tuyên bố mị dân “TC sẽ không ngồi im để các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích này”.
Mỹ dọa leo thang chiến tranh thương mại ở mặt trận thứ (2)
Ba ngày sau, ngày 5/04, TT Trump tức giận tuyên bố: “Vì TC đã trả đũa một cách không công bằng, tôi chỉ thị cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ xem xét liệu 100 tỷ USD thuế bổ sung có phù hợp với mục 301 và nếu có, xác định các sản phẩm để áp đặt mức thuế đó”. Mục 301 sẽ chú trọng vào những ngành công nghiệp TC hưởng lợi từ kế hoạch “Made in China 2025” vốn muốn thay thế hàng nhập khẩu công nghệ hiện đại bằng các sản phẩm trong nước. Mà sự thay thế này có được là nhờ TC thủ đắc “tài sản trí tuệ” của Mỹ một cách bất hợp pháp qua những đòi hỏi về liên doanh, những qui định cấp phép không công bằng, các thương vụ mua lại các công ty công nghệ Mỹ bằng tiền tài trợ của nhà nước TC, và đánh cắp kỹ thuật một cách lộ liễu.
Cùng với những lời lẽ cứng rắn giận dữ ông Trump tuyên bố từ Tòa Bạch Ốc “Thay vì sửa chữa hành động sai trái của mình, TC lựa chọn gây hại cho nông dân và các nhà sản xuất của chúng ta”
Cuộc khẩu chiến xẩy ra giữ TC-Mỹ cả hai đều hăm dọa cho mình là chiến thắng, không có ai thua, TC cho rằng nếu chiến tranh thương mại xẩy ra thì cả hai đều bị thua lỗ. Đó là cách nói để trấn an 1.4 tỉ dân Tàu. Xét cho cùng, thì Mỹ chỉ sa sút về hàng tiêu dùng bán ở các cửa hàng tạp hóa Walmart, Target, Sear v.v.. Những mặt hàng này mà không nhập từ TC thì có thể nhập từ các nước đang phát triển có công nhân rẻ như Ấn Độ, Đông Nam Á, Nam Mỹ, Châu Phi v.v.. Hiện nay, nếu đến các siêu thị lớn ở Mỹ, ta thấy rất nhiều đồ gia dụng và may mặc Made In Vietnam, Indonesia, Hunduras, v.v.. thay thế cho Made In China trước đây.
TC không phải là nước bán hàng độc quyền, các trung tâm thương mại của Mỹ không mua hàng từ TC thì có thể mua hàng ở các quốc gia khác. Nhưng Mỹ lại là thị trường tiêu thụ béo bở độc quyền đối với TC. Đó là lợi thế to lớn của Mỹ. Chính vì thế mà TT Trump tuyên bố sẽ chiến thắng cuộc chiến thương mại rằng: “Khi nước Mỹ đang mất đi hàng tỷ USD trong giao thương với hầu như mọi nước mà họ có quan hệ làm ăn cùng với Mỹ, chiến tranh thương mại là điều tốt và có thể thắng được dễ dàng”. Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố “Chúng tôi [Mỹ] không sợ chiến tranh thương mại”. Ông khẳng định: “chiến tranh thương mại không phải là mục tiêu của Mỹ, nhưng chúng tôi không sợ điều đó”.
Bên cạnh sáu (6) mặt trận trong cuộc chiến thương mại vừa nêu trên, Mỹ còn có những trận đột kích thương mại rất lợi hại, làm điêu đứng những công ty lớn của TC. Ví dụ như ngày 17/04 vừa rồi, Mỹ lấy cớ công ty điện thoại lớn nhất tại nước Tàu là ZTE có cung cấp kỹ thuật cho Iran nên Mỹ cấm các công ty của Mỹ mua bán giao dịch với ZTE về hardware và software trong bảy (7) năm. Sau khi có lệnh ngưng giao dịch từ Tòa Bạch Ốc, thì công ty ZTE biến mất luôn trên sàn chứng khoán và hầu như ZTE ngưng hoạt động.
TC chỉ mong đàm phán để tránh chiến tranh thương mại
Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bên bờ vực thẳm, nếu Mỹ cứ quần thảo sáu mặt trận thương mại này thì TC sẽ ngã ngựa, nền kinh tế TC sớm muộn sẽ bị phá sản. Tập Cận Bình phải tức tốc đưa Vương Kỳ Sơn trở lại chính trường với vai trò Phó Chủ Tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa để bầy mưu tính kế đàm phán thương mại với Mỹ. Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải đắc lực của Tập trong chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi”, là mưu sĩ đã đưa Tập Cận Bình lên đỉnh cao danh vọng nước Trung Hoa. Với khả năng kinh tế tài chánh và nhiều mưu kế, dù họ Vương đã nghỉ hưu vì tuổi già trong đại hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa tháng 10/2017 vừa rồi, nhưng ngày 17/03/2018 Tập Cận Bình vội vàng đưa Vương Kỳ Sơn trở lại chính trường để đối phó chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trở lại chính trường, Vương Kỳ Sơn hiến kế phải tìm đồng minh thương mại chống Trump và dùng nhiều mũi giáp công làm cho TT Trump nao núng để dễ bề thương thuyết. Do đó:
– Ngày 12 & 13/04 các giới chức thương mại TC đặc trách quốc tế đồng loạt bàn thảo sâu rộng với các phái viên thương mại liên Âu (Pháp, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha) để tìm sự đồng thuận về việc chống lại chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ (theo tin Reuter ngày 17/04).
– Ngày 15/04, Bộ trưởng Ngoại giao TC Vương Nghị, Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn đã đến thăm Nhật Bản. TC tạm thời bỏ qua ân oán lịch sử, hòa hoãn với nước láng giềng Nhật Bản để khỏi bị cô lập.
– Ngày 28/04 Tập Cận Bình gặp mặt không chính thức Thủ Tướng Ấn Độ Modi, tại khách sạn Đông Hồ, thành phố Vũ Hán. Cuộc gặp gỡ được mô tả là thân mật xích lại gần nhau, quên đi những hận thù tranh chấp biên giới. Mục đích là hòa hoãn với Ấn Độ để đàm với Mỹ.
– Trong cùng những thời điểm ấy, TC rút con bài tẩy Kim Jong-un để mặc cả với Mỹ, mời Kim Jong-un đến Bắc Kinh để thương thảo và dùng Kim như là một lá bài để thỏa lòng TT Trump hầu đạt được mức xuống thang cuộc chiến thương mại… Ở điểm này, Tập Cận Bình đã đánh “trúng tim đen” của ông Trump nên ông ta đã có những dòng Tweet “phấn khởi”: “Chiến tranh Triều Tiên sẽ kết thúc”, cảm ơn “bạn tốt” Tập Cận Bình đã giúp đỡ vấn đề này. Nếu không có sự giúp đỡ của ông ấy, muốn Bắc Triều Tiên đồng ý kết nối ngoại giao, “sẽ phải qua một quá trình dài hơn và khó khăn hơn.”
– Đồng thời TC cũng xuống nước làm cho Mỹ gửi phái đoàn đàm phán thương mại đến Bắc Kinh.
Y như ý định, vào ngày 2/5, một phái đoàn hùng hậu của Mỹ đến Bắc Kinh gồm Bộ Trưởng Tài Chánh Steve Mnuchin dẫn đầu, phụ tá là Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow… Phía TC do Phó Thủ Tướng Lưu Hạc cầm đầu phái đoàn đàm phán với nhiều tai to mặt lớn tháp tùng. Sau hai ngày 3 & 4/05 cuộc đàm phán không có kết quả. Phái đoàn Mỹ trở về với một danh sách dài thòng còn chứa đựng nhiều điểm khác biệt.
Sau chuyến đi Bắc Kinh của phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu không có kết quả, Tập Cận Bình thấy không thể để trì hoãn, sợ cuộc chiến leo thang không đảo ngược được, bèn cử Phó Thủ Tướng Lưu Hạc tức tốc đến Washington DC. Đây là chuyến đi Mỹ thứ hai của Lưu Hạc trong vòng ba tháng. Đặc biệt chuyến đi này do kế hoạch của Vương Kỳ Sơn.
Ông Lưu Hạc ra đi trong sự lo lắng không biết có thất bại như lần trước không?
Bất thần ngày 17/05, nghe tin TT Trump tiếp ông Lưu Hạc tại Tào Bạch Ốc, dấu hiệu cho thấy TC đang xuống thang hết mức để ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đó TT Trump cũng có dòng Tweet hứa sẽ giúp cho công ty ZTE ở TC được hoạt động, nghĩa là nới lỏng trận đột kích vào công ty ZTE. Sự xuống thang cả hai bên là dấu hiệu hòa hoãn cuộc chiến thương mại.
Đúng như những tín hiệu báo trước, cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc vào ngày 19/05 được báo chí mô tả là có kết quả: Theo tờ Wall Street Journal, phái đoàn hai bên cùng nhận định các cuộc đàm phán vừa qua đã “mang tính xây dựng”. Mặc dù TC hứa tăng cường mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ, nhưng trong tuyên bố chung không cho biết chi tiết về định lượng sự cam kết của TC. Và phía Mỹ không thành công với mục tiêu yêu cầu TC đồng ý cắt giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại song phương vào năm 2020.
Tuyên bố chung còn nêu rõ phái đoàn thương mại của Mỹ sẽ đến Bắc Kinh để thảo luận chi tiết về việc thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ, mở rộng giao thương hàng hóa xuất khẩu qua TC, giảm hàng rào cản thuế quan, tăng thêm nhập khẩu hàng hóa thực phẩm và năng lượng từ Mỹ để bù vào 200 tỉ USD mà Hoa Kỳ muốn thu hẹp cán cân thương mại giữa hai nước.
Chiến tranh thương mại tạm dừng giữa Mỹ-Trung
Tạm dừng không đồng nghĩa với chấm dứt. Vì sự cạnh tranh giữa Mỹ-TC không đơn thuần về mặt thương mại, mà thật sự là:
Thứ nhất, trong vòng 5 năm qua, TC đã nổi lên như “một đối thủ đáng gờm về ảnh hưởng kinh tế và chính trị, khao khát được lãnh đạo công nghệ, và là một nhà đầu tư toàn cầu lớn”.
Thứ hai, TC muốn thách thức vị trí siêu cường của Mỹ trong thế kỷ thứ 21.
Muốn hai tham vọng đó trở thành mây khói, thì Mỹ phải làm cho kinh tế TC đình đốn, lụn bại, phá sản để 1.4 tỷ dân Tàu phải “chạy gạo” ngày ba bữa, để cho các nước đang bị TC xâm lược như Mông, Hồi, Mãn, Tạng đứng lên giành độc lập từ sự cai trị bạo tàn của Hán Tộc, chứ không thể nào “tiếp tay” như từ trước đến nay để cho kinh tế TC tiếp tục vươn lên.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là cuộc so găng mà Mỹ nắm phần thắng khi so sánh trên tổng sản lượng quốc gia (GDP) của hai nước: Nếu Mỹ không có TC thì GDP của Mỹ chỉ bị ảnh hưởng 0.5%, trái lại TC không có Mỹ sẽ ảnh hưởng 6% GDP. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là bước khởi đầu chứ không phải là bước cuối cùng.
Đằng sau hậu trường Tòa Bạch Ốc trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
Các cố vấn thân cận của TT Trump trong tòa Bạch Ốc đã cảnh báo rằng TC có lịch sử lâu dài về việc hứa sẽ sửa các hoạt động sai lầm về thương mại của họ và mở cửa thị trường cho hàng hóa của Mỹ đi vào, nhưng rồi TC hành xử theo lối “ngựa quen đường cũ” hoặc trì hoãn những việc cần phải sửa đổi. Những cố vấn này đã kêu gọi Tổng thống Trump phải có lập trường cứng rắn nhằm bảo đảm TC phải tuân theo các thay đổi một cách công bằng và tích cực để đạt được mục tiêu mà nước Mỹ muốn.
Nhiều người đang lo ngại TC sẽ dùng trò “trì hoãn chiến”, đợi đến năm 2020 TT Trump không đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2, với những TT khác, TC sẽ dễ dàng mặc cả và qua mặt Mỹ.
Đối phó với những người Cộng Sản không dễ, gian dối và xảo quyệt đã trở thành sách lược của họ vào bất cứ thời buổi nào, họ có thừa những lưu manh xảo trá. Trong khi tính ngay thẳng và sự công bằng đều vắng bóng trong con người Cộng Sản. Lịch sử đã chứng minh, Cộng Sản chưa bao giờ có thiện chí với bất kỳ một hiệp ước nào đã ký kết với quốc tế từ trước đến nay. Họ ký xong chưa ráo mực là vi phạm trắng trợn…
Trong “Quốc Sách” của Mỹ, chúng ta thấy họ đã phân biệt bạn thù rất rõ rệt. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm của những chính khách Hoa Kỳ trong Lưỡng Viện Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc có đủ mưu lược để thực hiện “Quốc Sách” đó hay không? Cầu ơn trên phù hộ cho nước Mỹ được thành công.
Với Việt nam, chắc chúng ta đều biết Tàu Cộng đang xâm lấn đất nước ta với cuộc chiến không có khói súng nhưng rất nguy hiểm. TC như con rắn đang nuốt dần con mồi Việt Nam, hễ con mồi kêu lên thì con rắn tạm ngừng, khi con mồi im lặng thì con rắn nuốt tiếp… Nay con rắn bị con chồn [Mỹ] tấn công buộc rắn phải đối phó.
Đây là cơ hội ngàn vàng để dân tộc Việt Nam thoát Cộng, thoát Trung. Thời cơ thuận lợi đã đến, dân tộc Việt hãy đoàn kết đứng lên giải cứu tổ quốc mình.
Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 4 năm 2018
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)