Dư luận quốc tế và quốc nội về tình hình biển Đông

Dư luận báo chí quốc tế về biển trong những ngày vừa qua sau hội nghị ARF tại Hà Nội. Trang nhà Việt Quốc đưa bài để qúy độc giả nhận định…những bài báo này không phản ảnh lập trường của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên muốn có nhiều nguồn tin để tìm hiểu và nhận định, thì đây nguồn tài liệu cần thiết để tìm hiểu trước những biển chuyển quan trọng của biển Đông liên quan trực tiếp đến đến tình hình chính trị Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng…

Sự áp đặt nguy hiểm của Trung Quốc

Patrick Cronin và Paul Giarra (1/08/2010)

* Patrick M. Cronin là Cố vấn Cấp cao và là Giám đốc chương trình An ninh châu Á tại Trung tâm An ninh của Hoa Kỳ; Paul S. Giarra là Chủ tịch chương trình Chiến lược và Chuyển đổi Toàn cầu.

vvv
Ô. Patrick Cronin

Một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán đang tạo dựng học thuyết Monroe của riêng mình áp đặt lên các vùng biển châu Á.

Quyền lực đang tăng lên mạnh mẽ của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề gây lo ngại.

Một quốc gia khôn ngoan và tư lợi

Suốt một thời gian dài ở Mỹ đã có sự ủng hộ về mặt chính sách của cả hai đảng trong việc nhấn mạnh sự hợp tác đồng thời giảm thiểu sự cạnh tranh với Trung Quốc. Tổng thống Obama, người đã nói rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ định hình nên thế kỉ 21, cũng tán thành chủ trương này. Nhưng ở phạm vi rộng, người ta cũng cho rằng một nước Trung Hoa đang trỗi dậy trở lại sẽ trở thành một quốc gia khôn ngoan và tư lợi.

Thực vậy, sự quyết đoán về mặt quân sự và ngoại giao gần đây của Trung Quốc mà rõ ràng được thể hiện ra với sự tự tin thái quá đang tạo nên sự e ngại, đặc biệt đối với vấn đề tự do trên biển.

Theo logic thì giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ muốn giai đoạn yên lặng được kéo dài chứ không phải là lôi kéo sự chú ý tới việc tăng cường từng bước lực lượng vũ trang. Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc đã tập trung vào sức mạnh lục địa, và thái độ nhiệt thành, “chúng ta hãy cùng kinh doanh” của Trung Quốc đã đạt được thành công trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng khi Trung Quốc trở nên có ảnh hưởng hơn, nước này tất yếu cũng trở nên quả quyết hơn trong vấn đề ngoại giao. Sự quả quyết này thể hiện rõ hơn hết trong sức mạnh hải quân của nó, và điều đó thúc đẩy nhiều người đặt câu hỏi: liệu có phải giờ đây Trung Quốc đang trở nên liều lĩnh hơn, đặc biệt là trong vấn đề biển Đông.


Bốn quan điểm cho thấy bản chất


Hãy cùng xét đến bốn quan điểm tách biệt mà trên bề mặt dường như không quan hệ với nhau song cả bốn quan điểm lại chỉ rõ những mong muốn đầy tham vọng của Trung Quốc – nếu không muốn nói là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” trên thực tế – trên các hải trình thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương:

– Giáo sư Wang Jisi, một trong những học giả tài năng bậc nhất của Trung Quốc khi làm việc với Hoa Kỳ đã viết rằng khả năng bùng nổ xung đột giữa các nước lớn trong vùng có thể phụ thuộc vào vai trò của hai lực lượng hải quân [tức hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc – người dịch];

– Một học giả hàng đầu khác, giáo sư Shen Dingli của Đại học Phúc Đán, đã phân tích logic trong khẳng định chính thức gần đây rằng biển Nam Trung Hoa (biển Đông) là “lợi ích cốt lõi” của Trung Hoa khi ông viết rằng, “Khi Mỹ cân nhắc quan điểm về việc triển khai hàng không mẫu hạm hạt nhân ở Hoàng Hải, rất gần Trung Hoa, hà cớ gì Trung Hoa lại không nên có cùng cảm giác giống như Mỹ đã có khi Liên Xô triển khai giàn hoả tiễn ở Cuba?” [vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, kết quả của sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô đứng đầu 2 khối ý thức hệ thời đó – người dịch]

– Một sinh viên Trung Quốc thuộc chương trình trao đổi học giả hiện đang tham gia một chương trình nghiên cứu chuyên sâu mang tên Washington, gần đây đặt câu hỏi liệu xung đột có tất yếu diễn ra giữa một nước Trung Hoa đang trỗi dậy và một nước Mỹ đang suy yếu hay không;

– Và một trong những nhân vật thuộc hàng cao cấp nhất trong bộ máy hoạch định chính sách của chính quyền Hồ Cẩm Đào gần đây đã có hành động vẫy tay về phía một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và nói, “Tôi biết các ông sẽ làm gì,” trong một chỉ dấu rõ ràng về việc can dự ngoại giao của Hoa Kỳ với một nước láng giềng.

Nếu xét riêng biệt thì bất Kỳ quan điểm nào trong số này cũng có thể bị loại bỏ. Nhưng điều quan ngại là ở chỗ: đó là bộ phận tạo nên một khuynh hướng các tuyên bố của Trung Quốc vượt ra ngoài giới hạn của sự ngạo mạn. Liệu chúng ta có thể giải thích như thế nào về việc Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Bình Nhưỡng trong vụ Bắc Hàn đánh chìm chiến hạm của hải quân Nam Hàn đợt mùa xuân vừa rồi? Trung Quốc cũng chỉ trích một cuộc tập trận trong vùng đã được lên kế hoạch giữa Mỹ và Nam Hàn nhằm gửi tới Bắc Hàn một lời cảnh báo rằng sự gây hấn hung hăng của nước này phải gánh chịu hậu quả.

Ngày càng trở nên rõ ràng rằng Bắc Kinh có thể đã hiểu sai về một chuỗi các phản ứng quốc tế có phần tiêu cực nhưng chắc chắn là với tinh thần hoan nghênh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và sự kết hợp các hành động hải quân hung hăng cùng với các tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc thể hiện một chỉ dấu báo động: sự quyết đoán của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ đang tăng nhanh cùng với sự thịnh vượng về kinh tế và sự phát triển sức mạnh được thừa nhận của Trung Quốc.

Thái độ không dễ chịu một cách có chủ đích của Bắc Kinh dường như đưa đến quan niệm rằng Trung Quốc sẽ không tham gia vào Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu (Global Commons), rằng Tây Thái Bình Dương sẽ không rộng cửa cho tất cả, mà thay vào đó càng ngày càng trở thành một bộ phận thuộc tầm ảnh hưởng riêng biệt của Trung Quốc.

Thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề biển Nam Trung Hoa (biển Đông) đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Vùng biển này gần đây đã được Trung Quốc xác định là một “lợi ích cốt lõi” – cụm từ cũng được Trung Quốc dùng khi nói tới Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương.


Không muốn Chia sẻ lợi ích toàn cầu


Trong diễn trình này, Trung Quốc thực tế đang loại bỏ các quan niệm quốc tế về Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu – những vấn đề về hàng hải, hàng không, không gian, lĩnh vực dữ liệu điện toán toàn cầu bao gồm hệ thống trao đổi qua lại của một thế giới toàn cầu hoá. Bởi Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu giúp tạo nên trật tự quốc tế dựa trên cơ sở quyền tiếp cận gần như là không loại trừ cho bất Kỳ nước nào, bộ nguyên tắc luật pháp và quyền tự do lưu thông, cho nên việc Trung Quốc thách thức những nguyên tắc này đã tạo nên những cú tấn công trực tiếp vào nước Mỹ.

Quả thực là Trung Quốc dường như xem xét các chia sẻ lợi ích toàn cầu theo một kiểu cách độc đoán cho riêng mình. Đối với một khu vực nhất định nào đó, người Trung Quốc mong muốn hoặc là thống trị hoặc các nước khác không được phép can thiệp.

Trên thực tế, theo cái nhìn của Trung Quốc thì chẳng có gì là “các chia sẻ lợi ích chung.” Việc Trung Quốc coi biển Nam Trung Hoa (biển Đông) như một “mối quan tâm cốt lõi” là một cố gắng áp đặt các giới hạn mà họ tuyên-bố-là-của-Trung-Quốc lên trên năng lực của cộng đồng quốc tế hòng sử dụng luật pháp quốc tế để đòi hỏi các quyền lợi cho mình.

Trung Quốc có hai kiểu tuyên bố bị xem là tuỳ tiện: một khẳng định rằng các vùng biển thuộc chủ quyền Trung Hoa mở rộng tới hầu khắp biển Nam Trung Hoa (biển Đông), và tuyên bố gần đây hơn cho rằng họ có quyền kiểm soát các hoạt động hàng hải và nghiên cứu, cấm đánh bắt cá và các nguồn lợi đáy biển bên trong vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones – EEZ). Nếu không bị thách thức, thủ đoạn lấn dần từng bước ngày càng quyết đoán của Trung Quốc sẽ đem lại những rủi ro cho luật pháp quốc tế, bởi luật pháp quốc tế được xây dựng dựa trên các chuẩn mực.

Ngược lại, học thuyết ngoại giao và quân sự từ trước tới giờ của Mỹ thể hiện rất rõ rằng các lực lượng hải quân – bao gồm cả của Trung Quốc – hoàn toàn có quyền hoạt động trên các vùng biển khơi, thậm chí bao gồm cả các vùng lãnh hải của các quốc gia khác. Để hỗ trợ cho học thuyết này, Washington đã nỗ lực thiết lập một chương trình đối thoại mạnh mẽ và cởi mở với quân đội Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc xem các hoạt động của Mỹ bên trong chuỗi đảo thứ nhất như là sự động chạm đến chủ quyền của mình, bởi Trung Quốc diễn giải Công ước Liên hợp quốc về Luật biển rằng chủ quyền của Trung Quốc mở rộng ra trong giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) (đang còn tranh cãi) của nước này.

Việc Trung Quốc kết hợp chiến lược về pháp luật quốc tế của mình với sức mạnh hải quân đang nói lên rằng: không giống như các bên khác đòi yêu sách đối với vùng biển Nam Trung Hoa (biển Đông), Trung Quốc hỗ trợ cho lời nói của mình bằng sức mạnh quân sự.

Hải quân Mỹ hiện vẫn thực sự là lực lượng hải quân mạnh nhất và duy nhất trên thế giới, và là chỗ dựa và sức mạnh cho Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu, một hệ thống giao thương tự do và sự tiếp cận không giới hạn trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Thực chất, trong quan điểm khác biệt của mình, dường như Trung Quốc lại có mục tiêu khác đối với sự tiếp cận này: một sự tiếp cận giới hạn đối với các nước khác và một sự tiếp cận đặc quyền dành cho Trung Quốc.

Trong khi đó, chiến lược bất đối xứng của Trung Quốc từ chối thương lượng về lãnh thổ và phản đối quyền tiếp cận này đem lại kết quả là một sự bố phòng ngày càng lớn mạnh có chức năng tiêu diệt lực lượng Hải quân, với một hệ thống tên lửa chống tàu với năng lực ngày càng cao và các loại vũ khí khác. Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra tiền lệ cho sự tiếp cận hạn chế trong giới hạn của chính nó và sự tự do bị thu giảm dành cho lĩnh vực hàng hải.

Mỹ sẽ cần phải có một tiến độ thích hợp để phát triển các chiến lược, năng lực và khả năng tương tác với các đồng minh và đối tác trong vùng. Một sự nhấn mạnh tương đương ở tầm mức quốc tế về quyền tiếp cận được đảm bảo đối với Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu sẽ lưu ý rằng cộng đồng quốc tế trông đợi một hệ thống dựa trên bộ luật ứng xử, và không phải là một hệ thống dựa trên việc sử dụng tuỳ tiện sức mạnh và các tuyên bố về quyền sở hữu. Sự tự do của Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu cung cấp một sự hợp lí cho việc hợp tác ngày càng lớn hơn giữa các nước có cùng mối quan tâm bao gồm việc hỗ trợ cho lực lượng hải quân của các bên đối tác và các lực lượng không quân trong vùng.

Cùng lúc, Hoa Kỳ nên tiếp tục hợp tác hải quân và không quân với các đối tác trong vùng. Các giải pháp bao gồm quyền tự do cho các nhiệm vụ hàng hải, các hoạt động diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm, phối hợp phòng thủ tên lửa, và các nhiệm vụ phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo và ứng phó với thảm hoạ thiên tai cũng như chống cướp biển.

Trên hết, trong khi Bắc Kinh sẽ mong muốn đặt ra điều kiện rằng nó đơn giản khẳng định học thuyết Monroe của chính nó, thì một lực lượng hải quân và không quân mạnh đi kèm với các đồng minh và đối tác là một trong những lời nhắc nhở hữu hiệu nhất rằng sự tương thuận chỉ là giả tạo, và rằng các tuyến đường vận chuyển trên biển đối với vùng Đông Á là những Chia sẻ lợi ích chung phải được bảo đảm quyền tiếp cận cho tất cả các bên.

Một số ý kiến có thể phản bác rằng các hành động quả quyết là mánh lới mà phái cứng rắn trong quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) sử dụng để giành ảnh hưởng. Xu hướng thiên về hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc sẽ nói lên điều khác. Mỹ và các đồng minh nên thúc đẩy và hỗ trợ một môi trường pháp lí và an ninh để thuyết phục Trung Quốc lựa chọn sự hợp tác hơn là đối đầu và liều lĩnh. Bắc Kinh cần được nhắc nhở rằng tất cả các bên đều sẵn sàng cho sự đối thoại hữu ích và hoan nghênh các cơ hội hợp tác ý nghĩa với Trung Quốc, nhưng hành vi gây hấn sẽ gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ, bức tường thành cần thiết cho các thảo luận hiệu quả.

Tóm lại, nói chuyện với Trung Quốc, xây dựng khu vực, bảo vệ Hoa Kỳ và sức mạnh không gian và hàng hải gắn liền. Đó là các mối lợi ích của tất cả mọi người.


Lê Nguyên Long dịch từ The Diplomat


Hoa Kỳ thay đổi chính sách ở Đông Nam Á

Ngọc Trân, thông tín viên RFA (03/08/2010)

Qua các tuyên bố của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 7 vừa qua cũng như tham dự hội nghị Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN tại Việt Nam, ngoài các phát biểu được nhiều người quan tâm như: nêu lên ý kiến giúp các nước trong khu vực giải quyết về vấn đề Biển Đông, có lẽ chúng ta còn nhận thấy có sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ dành cho Đông Nam Á qua phát biểu của bà Clinton.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á đã thay đổi ra sao? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu thêm.


Chương mới trong quan hệ Mỹ – Đông Nam Á


Quan hệ giữa Hoa Kỳ với Đông Nam Á đã thay đổi, có lẽ bắt đầu kể từ tháng 7 năm ngoái, trong chuyến viếng thăm của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đến Đông Nam Á và tham dự Diễn đàn An ninh Khu vực ở Thái Lan, nơi đó bà đã tuyên bố với các nước ASEAN rằng: “Chúng tôi trở lại”.

Tuyên bố này của bà Clinton có thể sẽ đi vào lịch sử ngoại giao của nước Mỹ bởi vì đây là một tín hiệu cho thấy, rõ ràng là Mỹ đang tìm cách thách thức sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Và tuyên bố này có lẽ cũng với mục đích đáp trả lại các mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc, có khả năng gây bất ổn lớn trong khu vực, nhất là trên Biển Đông.

Việc Ngoại trưởng Mỹ tham gia vào Diễn đàn Khu vực ASEAN kể từ năm ngoái, đã nói lên tầm quan trọng của ASEAN đối với Hoa Kỳ. Ngoài việc tham gia vào các cuộc họp quan trọng của ASEAN, trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, bà Clinton cũng đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với các nước Đông Nam Á, đây là hiệp ước tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ mới giữa ASEAN và Mỹ, cũng như đảo ngược chính sách của chính phủ tiền nhiệm trước đây đối với ASEAN.

Cũng xin nhắc thêm để thính giả hiểu, dưới thời Tổng thống George W. Bush, do Hoa Kỳ bận rộn với chủ nghĩa khủng bố, và hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, cho nên khu vực Đông Nam Á gần như đã bị bỏ quên. Bà Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã không quan tâm nhiều đến khu vực này. Bà Rice đã vài lần không tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, cho nên khi bà Hillary Clinton tham dự các cuộc họp với khối ASEAN kể từ hồi năm ngoái, có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước Đông Nam Á.

Qua việc ký hiệp ước nói trên và tuyên bố sẽ trở lại Đông Nam Á, Hoa Kỳ muốn nhắn nhủ rằng, họ sẽ ở bên cạnh các nước ASEAN để đương đầu với các thử thách mà hai bên sẽ phải đối mặt.

Sau chuyến thăm của bà Clinton, ngày 16 tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama cũng đã đến Singapore tham dự Hội nghị Các lãnh đạo (Leaders Meeting) Hoa Kỳ và ASEAN. Đây là lần đầu tiên ông Obama gặp lãnh đạo của mười nước Đông Nam Á, và hai bên cũng đã thảo luận các cam kết cụ thể của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho khu vực này. Sự xuất hiện của Tổng thống Obama tại Hội nghị Các lãnh đạo ASEAN – Mỹ, cho thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á ngày càng rõ hơn.

Tăng cường quan hệ hơn nữa


Và mới đây, trong chuyến đi của bà Clinton đến Việt Nam, để tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN cũng với mục đích củng cố và gia tăng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á. Khi được hỏi về quan hệ chiến lược giữa Mỹ và ASEAN cho hiện tại và tương lai, bà Clinton cho biết như sau:

“Tại Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN năm ngoái, tôi đã thông báo Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á và đã cam kết sẽ làm việc với các nước ASEAN để nâng cao lợi ích và các giá trị mà chúng ta chia sẻ. Kể từ đó, chúng ta đã đạt được nhiều tiến triển và hôm nay tôi xin nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với từng nước thành viên ASEAN để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các quốc gia”.

Hoa Kỳ quyết định tăng cường hợp tác với các nước Asean có lẽ do hai bên đều được lợi trong mối quan hệ hợp tác này, ASEAN được lợi qua việc hợp tác với một siêu cường thế giới, do Hoa Kỳ có thể giúp các nước Đông Nam Á cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ cũng được nhiều lợi thế khi tham gia với các đối tác đa dạng dưới một tổ chức như ASEAN, ở một khu vực giàu tài nguyên và có nhiều tiềm năng phát triển, cho dù vẫn còn phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường. Bà Clinton nói tiếp:

Hoa Kỳ cam kết làm việc với các bạn để đem lại hòa bình, thịnh vượng, an ninh và cơ hội nhiều hơn cho tất cả mọi người dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Người dân Mỹ nhận ra rằng khu vực này quan trọng đối với tất cả các nước châu Á, với Mỹ và quan trọng đối với thế giới, và chúng ta cũng biết rằng chúng ta có nhiều mục tiêu cùng chia sẻ. Chúng tôi muốn Đông Nam Á giữ vững kinh tế mạnh mẽ và độc lập. Chúng tôi tin rằng người dân Đông Nam Á được quyền hưởng hòa bình, ổn định khu vực và quyền con người, và chúng tôi sẽ làm việc với các bạn để cải thiện cơ hội kinh tế và giáo dục để thanh niên có cơ hội cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu.

Ngày nay, khoảng cách giữa các dân tộc và các quốc gia bị thu hẹp lại. Chúng tôi nhận thấy chúng ta đoàn kết xung quanh các mối quan tâm chung và chúng tôi thấy rằng công nghệ mới cho chúng ta nhiều cơ hội làm việc hơn trong quan hệ đối tác và hợp tác với nhau”.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời cam kết của bà Clinton dành cho các nước Đông Nam Á như sau:“Hoa Kỳ cam kết làm việc với các bạn để đem lại hòa bình, thịnh vượng, an ninh và cơ hội nhiều hơn cho tất cả mọi người dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để làm được điều đó, chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng tôi mong được làm việc với các bạn”.

Nam Dương (Indonesia) đệ trình Liên Hiệp Quốc  về biển Đông

Số 480/POL-703/VII/10 BẢN LƯỢC DỊCH KHÔNG CHÍNH THỨC

Ngày 8 tháng 7, 2010
Kính gửi ngài Ban Ki-moon Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc
Fax. 212-963-2155
Bản sao gửi:
Vụ Đại Dương và Luật Biển, Phòng Luật pháp- Liên Hiệp Quốc
(Division on Ocean Affairs and Law of the Sea-DOALOS, Office of Legal Affairs- United Nations)


Phái bộ Thường trực của Cộng hòa Nam Dương tại Liên Hiệp Quốc kính gửi lời chào trân trọng tới Ngài Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và xin Ngài lưu ý tới bản luân lưu của Phái bộ Thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Quốc số CML/17/2009 đề ngày 7 tháng Năm 2009, đặc biệt là bản đồ đính kèm diễn tả cái gọi là “quyền bất khả tranh cãi của Trung Quốc trên các hòn đảo tại biển Nam Hải cùng vùng biển quanh chúng, và quyền sở hữu và phán quyết trên vùng biển đó cũng như đáy biển và vùng đất dưới đáy biển”. Chúng tôi hân hạnh trình bày như sau:


1) Nam Dương không là một quốc gia tranh giành quyền sở hữu tại biển Nam Hải, và do đó, đã đóng một vai trò không bênh ai nhưng năng nổ trong việc tạo lập các biện pháp gây lòng tin giữa các quốc gia đòi chủ quyền và tạo lập một không khí hòa bình qua nhiều buổi làm việc về vấn đề biển Nam Hải từ năm 1990. Cụ thể cố gắng này đã trải đường cho việc chấp nhận “Tuyên ngôn về cách Hành xử của các bên về biển Nam Hải” (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea) vào năm 2002;


2) Nam Dương cũng đã theo dõi sát sao các tranh luận về bản đồ trên mà nhiều người cũng gọi là “bản đồ của chín lằn chấm”. Cho tới nay chưa có một lời giải thích nào về căn bản pháp lý, phương pháp vẽ, và nguyên trạng của những lằn chấm rời rạc này. Hình như những lằn chấm rời rạc đó vẽ vùng biển quanh các các địa hình nhỏ trên mặt nước đang được tranh giành trong biển Nam Hải. Không kể tới ai làm chủ những địa hình đó, Nam Dương xin nhân cơ hội này lưu ý tới lập trường của Cộng hòa nhân dân Trung Quốc về các vấn đề liên quan tới vùng biển quanh các hòn đảo nhỏ và bãi đá trên biển, như đã chứng tỏ qua các tuyên bố sau:

a. Phát ngôn của ngài Đại sứ Chen Jinghua, Trưởng phái đoàn Cộng hòa nhân dân Trung Quốc tại Cuộc họp thứ 15 của Cơ quyền Quốc tế về Đáy Biển (Internaltional Seabed Authority-ISBA) tại Kingston, Jamaica tháng Sáu 2009, đặc biệt nhắc rằng “Tuyên bố sở hữu vùng kinh tế đặc quyền và vùng bờ đại lục lấy bãi đá […] làm địa điểm, gây những quan tâm quan trọng của Công ước và của cộng đồng quốc tế”. Ngài Đại sứ còn nhắc tiếp lời phát biểu của Đại sứ Arvid Prado của Malta là “nếu đặc quyền 200 dặm quanh các hòn đảo nhỏ không người ở được lập ra thì việc quản lý của quốc tế trên vùng biển ngoài pham vị phán xét của các quốc gia sẽ bị vô hiệu hóa nghiêm trọng”.

b. Phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc tại hội nghị thứ19 của các Quốc gia thành viên của Luật Biển (State Parties on the Law of the Sea-SPLOS) họp ngày 22-26 tháng Sáu tại New York, khẳng định lại rằng “theo Điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea-UNCLOS), các bãi đá tự nó không giúp cho người có thể sinh sống hoặc có đời sống kinh tế sẽ không phải là vùng đặc quyền hoặc bờ đại lục”.


3) Theo chiều hướng đó, phát ngôn của các đại diện khả kính của Cộng hòa nhân dân Trung Quốc cũng áp dụng vào trường hợp ở biển Nam Hải và vì thế chỉ đương nhiên đúng đắn khi coi những điểm đất đá nhỏ xa xôi trong biển Nam Hải là không xứng đáng có vùng kinh tế đặc quyền hoặc bờ đại lục riêng của chúng. Cho phép dùng các bãi đá không người ở, bãi san hô và đảo san hô giữa đại dương biệt lập với đất liền làm điểm mốc để tạo lập sở hữu một vùng biển là gây quan ngại cho nguyên tắc căn bản của Công ước và xâm phạm tới quyền lợi chính đáng của cộng đồng quốc tế.


4) Vì thế, đúng như các phát ngôn đó (của Trung Quốc), cái gọi là “bản đồ của chín lằn chấm” trong văn bản luân lưu số CML/17/2009, rõ ràng là thiếu căn bản pháp lý quốc tế và hầu như làm xáo trộn UNCLOS 1982.

Phái bộ thường trực của Cộng hòa Nam Dương vinh dự yêu cầu ngài Tổng thư ký chuyển giao ghi chú này tới toàn thể các thành viên của Ủy ban giới hạn bờ Đại Lục (Commission on the Limits of the Continental Shelf—CLCS) và mọi quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cùng là toàn thể thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Nhân dịp này Phái bộ thường trực của Cộng hòa Nam Dương xin một lần nữa gửi lòng trân trọng sâu đậm nhất tới Ngài Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.


New York, 8 tháng 7, 2010

Phái bộ thường trực của nước Cộng hòa Nam Dương

KÝ TÊN và ĐÓNG DẤU

Phùng Liên Đoàn phỏng dịch

Trung Quốc, tuần trăng mật với ASEAN đã kết thúc?

GREG TORODE (SOUTH CHINA MORNING POST) 10/08/2010

rpdt
Tàu Trung Cộng tập trận bắn đạn thật ngay sau khi Mỹ & Nam Hàn tập trận ở biển Nhật Bản

Cuộc phục kích của Mỹ, liên quan đến khu vực Biển Đông đang tranh chấp, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vừa qua đã đánh dấu một sự chuyển tông lớn trong quan hệ Mỹ – Trung.

Việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton “lội qua” Biển Đông trong hội nghị ARF tại Hà Nội, các tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận trên biển Nhật Bản bất chấp phản đối của Trung Quốc đã đẩy căng thẳng lên một nấc thang mới.

Điều đã xảy ra ở Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt. Khi bà Clinton tuyên bố việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giờ nằm trong “lợi ích quốc gia” của Mỹ và là “một ưu tiên ngoại giao” của nước này, bà không chỉ nhắc tới mối lo ngại của Mỹ trước khả năng bá chủ trên biển của Trung Quốc. Tuyên bố này còn cho thấy Washington đã nắm bắt một cơ hội lịch sử.

Nhiều tháng nay, phản ứng đồng loạt ở Đông Á trước những tuyên bố đòi chủ quyền quá trớn của Trung Quốc đã được Washington chú ý theo dõi, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã vạch ra những con đường để tái cam kết với khu vực này. Được cảnh báo bởi điệp khúc rằng Mỹ là một cường quốc đang suy yếu, giới chức nước này đã bắt đầu nói đến sự cần thiết phải xác nhận ưu tiên chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Và việc Trung Quốc liên tiếp đòi chủ quyền trên toàn khu vực Biển Đông – bằng chứng là việc họ bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam, quấy nhiễu tàu chiến Mỹ và hải quân các nước khác, cũng như đe dọa các tập đoàn dầu khí quốc tế phải chấm dứt các hợp đồng khai thác với Việt Nam – đã tạo ra cơ hội có một không hai cho Mỹ.

Động thái của Mỹ không chỉ làm hài lòng những đối thủ của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn nhằm trấn an các  tác nhân lớn hơn trong khu vực, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia bằng việc gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc. Trong suốt gần 15 năm qua, Washington đã đứng ngoài những căng thẳng tại Biển Đông, khu vực nhiều tài nguyên và có vị trí chiến lược, nối Đông Á với Trung Đông và châu Âu. Các đặc phái viên của Mỹ đôi khi nhắc nhở cần giải quyết hòa bình song không đứng về bên nào trong các tranh chấp này.

TCJM
Tàu chiến John McCain viếng thăm Đà Nẵng

Nhưng tuyên bố của bà Clinton đã thay đổi tất cả. Bà đã đưa Mỹ lên vị trí tiền tuyến trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc – cái mà Bắc Kinh gần đây gọi là “lợi ích cốt lõi” của mình, cụm từ ngoại giao vốn dùng để chỉ tính nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.

Đầu năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu trong một diễn đàn an ninh tại Singapore rằng Washington phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm hăm dọa các công ty dầu khí của Mỹ tham gia các hợp đồng hợp pháp trong khu vực này. Đến lượt mình, bà Clinton đã đưa ra bình luận tại ARF cũng như trong các cuộc gặp song phương và các thông cáo báo chí. Trong khi đó, các quan chức dưới quyền bà cũng đã thông báo với báo chí Mỹ để họ không bỏ sót diễn biến này.

Trong khi khẳng định giữ vững lập trường không đứng về bên nào, bà Clinton nói rõ rằng Washington muốn thúc đẩy đối thoại đa phương nhằm tìm giải pháp – một thách thức trực tiếp tới Trung Quốc vì nước này đã dùng nhiều cách, kín đáo nhưng mạnh mẽ, nhằm ngăn chặn ASEAN đưa vấn đề này ra thảo luận, và muốn giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán song phương, giữa Trung Quốc với nước có tranh chấp.

Bà Clinton khẳng định: “Mỹ ủng hộ một tiến trình ngoại giao đa phương có sự tham gia của tất cả các bên tranh chấp nhằm giải quyết vấn đề mà không bị ép buộc. Chúng tôi phản đối bất cứ bên nào sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Đúng một năm về trước, Trung Quốc được xem là tác nhân gây chia rẽ ASEAN, khi từng thành viên trong hiệp hội này đều đặt quan hệ của mình với Trung Quốc lên trên sự thống nhất trong ASEAN. Sự dè dặt này vẫn còn thấy rõ chỉ vài giờ trước khi bà Clinton xuất hiện. Trước thềm hội nghị ARF, trong cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng ngoại giao ASEAN với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, chỉ Philippines nêu vấn đề Biển Đông. Sự e dè đó là kiểu truyền thống của ASEAN. Các tuyên bố và cuộc gặp chính thức thường ôn hòa nhất có thể. Một quan sát viên ngoại giao nhận xét: “Rõ ràng họ đều đang chờ đợi sự an toàn trong tập thể”.

Sự xuất hiện của bà Clinton dường như đã tạo ra cảm giác an toàn, khi bà thể hiện một quan điểm cứng rắn mới. 11 thành viên đã sẵn sàng lên tiếng, trong đó có cả Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất – cũng như Indonesia, EU, Australia và Nhật Bản. Những gì diễn ra sau đó quả là một cuộc vật lộn hiếm thấy. Ngoại trưởng Dương bày tỏ tức giận, bởi mọi diễn biến hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của Trung Quốc.

Hơn một năm qua, các diễn biến ngoại giao, chính trị và quân sự đã khiến Trung Quốc ngày càng quan ngại. Giới chức quân sự Việt Nam đã được mời thăm tàu ngầm của Mỹ tại Hawaii. Việt Nam cũng cho phép các tàu chiến Mỹ được sửa chữa tại các cảng biển của mình. Vừa qua, Việt Nam còn ký hợp đồng với một đồng minh thời chiến tranh Lạnh nhằm mua sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo.

Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày càng công khai với Quốc hội Mỹ về sự cần thiết phải khẳng định quyền tự do đi lại của Mỹ trên vùng biển quốc tế bất chấp quan ngại của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc cho rằng phần lớn Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của mình, Mỹ và các nước khác nhấn mạnh đây vẫn là hải phận quốc tế, vì vậy các hoạt động quân sự bình thường, trong đó có hoạt động do thám, đều được phép.

Căng thẳng đã biến thành cuộc đấu khẩu khi ông Gates phát biểu tại Singapore trước các thính giả trong đó có các quan chức cấp cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), rằng “Mỹ không coi đó là ‘một cái hồ của Trung Quốc’, chúng tôi có quyền qua lại bình thường tại vùng biển này”. Một quan chức PLA bực tức đáp lại: “Xin lỗi, sự do thám của Mỹ không phải là đi lại bình thường. Mối lo ngại của Trung Quốc không thể bị xem nhẹ”.

Liệu Washington có xem nhẹ các mối quan ngại này hay không thì còn phải chờ xem. Nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ coi các sự kiện ở Hà Nội vừa qua là một sự khiêu khích lớn. Cũng có một nhận thức ngày càng rõ rệt trong khu vực, đó là yếu tố biển rất quan trọng đối với các tham vọng của Trung Quốc về khả năng “phòng thủ biển xa”, theo đó hải quân nước này có thể hoạt động ở ngoài khơi xa, vì đây là một cửa ngõ duy nhất dẫn tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Một điều rõ ràng là Mỹ đang chuẩn bị để tham gia vào một trong những vấn đề gai góc nhất của khu vực – một thay đổi chính sách có thể không hề dễ. Còn đối với Trung Quốc, tuần trăng mật với ASEAN đã kết thúc.

Quốc Thái (trích dịch)

Cuộc chơi quyền lực ở Biển Đông

GEOFF DYER (FINANCIAL TIMES) 12/08/2010

vkbd
Trung Cộng trang bị vũ khí làm chủ biển Đông (ảnh minh họa)

Khi sự hoài nghi ngày một gia tăng tại Đông Nam Á về những dụng ý của Trung Quốc ở Biển Đông, sự hiện diện của Mỹ đích thực là một nhà hoà giải tự nhiên.

Người ta từng chứng kiến việc Trung Quốc với mạng lưới đường sắt mới được thiết lập ở các vùng nội địa xa xôi hay khắp nơi là công xưởng. Giữa bối cảnh “nhà nhà làm thép, người người làm thép”, khái niệm nhận dạng mới về một quốc gia đã được tôi luyện trong một đất nước muốn nắm giữ vị trí hàng đầu trong thế giới.

Giờ đây, trong bối cảnh hiện tại, ở nhiều phần châu Á, người ta đang chứng kiến một cuộc đua không chỉ có Trung Quốc mà cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia đều đầu tư mạnh vào hải quân, xây dựng những hạm đội biển khơi mới để nắm giữ các đại dương. Chính sách ngoại giao khu vực – nơi Mỹ từng chiếm ưu thế thời hậu chiến – ngày một quan ngại về một sự cân bằng quyền lực mỏng manh.

Nổi lên trong đó là tuyên bố nóng hổi tại Hà Nội vào cuối tháng trước của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Tại một cuộc gặp khu vực, bà nói, Mỹ sẵn sàng hành động như một nhà trung gian trong các cuộc đối thoại về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước liên quan.

Nhiều đảo ở Biển Đông tuy có thể không giàu tài nguyên nhưng lại ở vị trí gần gũi với các tuyến đường biển quan trọng trong lộ trình hàng hải thế giới, nên đóng vai trò chiến lược lớn. Vì thế, bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Clinton được coi là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến ngoại giao sẽ định dạng châu Á trong vài thập niên tới – cuộc tranh giành giữa Mỹ và Trung Quốc để trở thành tiếng nói chủ chốt.

HKMH
Hàng Không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington co mặt tại biển Đông, tập trận với Nam Hàn và ghé thăm Việt Nam chận đứng bành trướng của Trung Cộng

Phát biểu của bà Clinton có hai mục đích. Một là nhấn mạnh rằng, trong ngoại giao châu Á, Mỹ đã trở lại. Thời kỳ cầm quyền của George W. Bush, một số chính phủ châu Á đã cảm thấy Mỹ đã mất đi lợi ích trong khu vực.

Hơn thế nữa, bài phát biểu là một thông điệp gửi tới khu vực về một Trung Quốc với sự trỗi dậy khó phủ nhận. Kể từ vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3, Washington đã “tận dụng” việc Bắc Kinh miễn cưỡng chỉ trích Triều Tiên để thúc đẩy quan hệ với Seoul và tạo ra chỗ trống trong quan hệ Trung – Hàn. Khi sự hoài nghi ngày một gia tăng tại Đông Nam Á về những dụng ý của Trung Quốc ở Biển Đông, sự hiện diện của Mỹ đích thực là một nhà hoà giải tự nhiên.

Phác thảo rõ ràng chiến lược này không còn là điều mới mẻ. Nhưng chính quyền của Obama cũng không ngừng “tận dụng” khoảng thời gian đã mất. Trong thập niên qua hay nhiều hơn thế, Trung Quốc đã chiếm mất tấm bản đồ ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á. Những cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq lại trở thành món quà chiến lược với Bắc Kinh. Trong khi Mỹ mải mê truy lùng al-Qaeda và vũ khí huỷ diệt, Trung Quốc đã giải quyết các tranh chấp biên giới với nước láng giềng từ Nga ở phía bắc đến Việt Nam ở phía nam (mặc dù không gồm Ấn Độ).

Một thập niên tăng trưởng hai con số đã giúp Trung Quốc tạo ra thay đổi trong trục kinh tế của châu Á, Bắc Kinh thiết lập đường ống dẫn tới Trung Á, đầu tư vào các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Myanmar, Indonesia và Philippines, hỗ trợ tài chính cho xây dựng những hải cảng mới tại Ấn Độ Dương.

Trung Quốc cũng vui vẻ tiếp cận với Mỹ về các vấn đề kinh tế, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và tích trữ trái phiếu Mỹ, nhưng Bắc Kinh cũng không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự. Hơn cả việc chuẩn bị cho một cuộc chiến với Mỹ, các nhà hoạch định Trung Quốc cuối cùng còn muốn “hất cẳng” Mỹ ra khỏi các vị trí mà nước này chiếm ưu thế tại vùng biển châu Á bằng việc phát triển hàng loạt hệ thống tên lửa mà họ mô tả là những vũ khí “chống tiếp cận”.

Trong năm ngoái, sự “gây hấn” của Trung Quốc tại châu Á đã làm nảy sinh vấn đề, ít nhất là tại Biển Đông – nơi nhiều quốc gia châu Á coi là “phong vũ biểu” về cách “đối đãi” của Trung Quốc đối với họ.

Giữa lúc căng thẳng gia tăng, Trung Quốc lại đưa ra tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ giống như Đài Loan và Tây Tạng. Ngay lập tức, các nước châu Á, đặc biệt là những quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đặc biệt thận trọng theo dõi động thái của Trung Quốc và mong muốn Mỹ “tái lập” vị thế. Thậm chí cả Lý Quang Diệu của Singapore – người trong thập niên trước từng nhiều lần ca ngợi Bắc Kinh, năm ngoái đã thúc giục Mỹ duy trì thế “siêu cường” của Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh hiện tại, quả bóng quyền lực đang ở sân của Trung Quốc hay Mỹ? Nếu Trung Quốc ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ trong khu vực thì sẽ phải đối đầu với nguy cơ khiến các nước láng giềng lo ngại mà đứng về phía Mỹ. Các quốc gia châu Á càng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc lại càng bất an về sức mạnh của nước này. Còn với Mỹ, đất nước đang oằn mình với gánh nặng thâm hụt ngân sách, gánh nặng nợ nần khổng lồ và sự suy giảm rõ ràng vì cuộc khủng hoảng tài chính, cuộc tái tạo cân bằng sức mạnh ở châu Á cũng là một thách thức.

Thuỵ Phương (Theo FT)

Dùng biện pháp quân sự, Trung Quốc sẽ tự cô lập mình

MINH ANH – PHƯƠNG LOAN 06/08/2010

Trung Quốc sẽ phải đấu dịu sau đó, nếu không thì khó có thể ai chơi với Trung Quốc được. Bối cảnh hiện nay tạo cho Việt Nam một thời cơ hiếm có để giành được sự ủng hộ của thế giới bên ngoài và hậu thuẫn của nhân dân trong nước – Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận định.


Giáo sư Ngô Vĩnh Long, hiện đang giảng dạy lịch sử tại ĐH Maine. Ông vừa trở về từ Hội thảo Hè tại Philadelphia, bàn về tranh chấp Biển Đông và an ninh con người.

Phía sau những động thái khiêu khích của Trung Quốc

– Được biết, tại hội thảo Hè tại Philadelphia năm nay, các nhà nghiên cứu đặt vấn đề về vai trò của Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực. Quan điểm của các học giả liên quan đến vai trò của các nước lớn trong vấn đề an ninh khu vực như thế nào?

Hội thảo Hè vừa rồi được tổ chức là vì nhiều học giả người Việt đang ở nước ngoài nhận thấy là Trung Quốc càng ngày càng đe dọa an ninh của các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như Bắc Á, chứ không chỉ đối với riêng vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc cố tình khiêu khích Mỹ để uy hiếp các nước khác trong khu vực. Năm 2008, Trung Quốc đòi chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, và để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Tây Thái Bình Dương đến phía tây quần đảo Hawaii. Sau khi Mỹ từ chối thì tàu hải quân Trung Quốc đã gây sự với tàu Mỹ 2 lần vào năm 2009.

Sau đó, vì Mỹ và các nước lớn khác không có thái độ cương quyết đối với những hành động khiêu khích và những yêu sách vô lý vừa đề cập ở trên, Trung Quốc đã liên tục uy hiếp Việt Nam và một số nước khác trong khu vực Biển Đông như cấm đánh cá, bắt thuyền đánh cá và ngư dân…

Đặc biệt, tháng 4/2010, Trung Quốc đã đưa các chiến thuyền hiện đại nhất thuộc cả 3 hạm đội hải quân của họ (hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải) xuống vùng Trường Sa tập trận gần 3 tuần.

Và mới đây, hải quân Trung Quốc lại tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng đã tuyên bố với riêng với hai viên chức cao cấp Mỹ vào cuối tháng 3/2010 rằng Biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tức là cũng ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương; và vì thế Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng hay thỏa hiệp ở đây, tuy Trung Quốc vẫn thường nói là sẽ thương lượng song phương với từng nước ở Đông Nam Á.

Rõ ràng, trước thái độ khiêu khích như thế hầu như trên toàn bộ Tây Thái Bình Dương, nếu Mỹ và các nước lớn khác không cùng nhau tỏ thái độ cương quyết với Trung Quốc thì nước này trên thực tế đã uy hiếp được các nước nhỏ trong vùng cũng như sẽ càng ngày càng gây thêm mất an ninh cho khu vực.

– Phía sau những động thái khiêu khích mà ông đề cập ở trên là gì?

Phải thấy rằng, đối tượng chính của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng, là Hoa Kỳ. Trung Quốc đã cố tình thách thức, nếu không nói là gây hấn, để mong Mỹ, trong lúc phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, phải có thái độ nhũn nhặn với Trung Quốc, nếu không nói là có thể nhượng bộ những đòi hỏi của Trung Quốc không những trong khu vực Tây Thái Bình Dương hay Biển Đông mà còn trong các lĩnh vực kinh tế – tài chính nữa.

Nếu làm được việc này, không những Trung Quốc hù dọa được các nước khác trong khu vực mà cũng còn lấy điểm với dân chúng họ bằng cách dấy lên lòng tự hào dân tộc.

Riêng tại khu vực Biển Đông, đối tượng chính của Trung Quốc là Việt Nam vì Việt Nam là nước “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc, có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong vùng và có tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh có thể làm áp lực Chính phủ Hà Nội tỏ thái độ nhân nhượng trên biển cũng như trên đất liền thì Trung Quốc có thể ít nhất là trung lập hóa được các nước khác vì họ không có lợi ích nhiều như Việt Nam trong việc tranh chấp với Trung Quốc.

Không ai dại gì đưa đầu ra nếu nước bị mất mát nhiều nhất không dám đấu tranh cho quyền lợi của chính mình. Do đó, Trung Quốc đã rất khôn khéo trong việc hù dọa và chỉ chủ yếu đánh bắt ngư dân Việt Nam.


Bước chuyển chính sách của Hoa Kỳ


– Nhưng có vẻ ý đồ trên đã không thành công khi tại Diễn đàn ARF do Việt Nam chủ trì tại Hà Nội vừa qua, người ta chứng kiến Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra tuyên bố mạnh mẽ và dứt khoát về tranh chấp Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về các động thái mới này?

Trước sự thách đố cố tình của Trung Quốc đối với Mỹ để hù dọa các nước khác trong khu vực, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố công khai là họ muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm.

Nhưng việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” và việc sử dụng những chiến thuyền từ cả ba hạm đội để diễn tập tại khu vực gần quần đảo Trường Sa là những giọt nước tràn ly.

Mỹ không thể nhân nhượng mãi vì như thế sẽ làm cho Mỹ mất uy tín không những ở Châu Á Thái Bình Dương mà còn nhiều nơi khác nữa. Trung Quốc được thể sẽ tiếp tục nói là Mỹ chỉ là “con hổ giấy.”

Do đó, ngày 5/6/2010, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La họp ở Singapore, trước sự hiện diện của nhiều nhân vật từ gần 30 quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã chỉ trích Trung Quốc trực diện (tuy không nói tên) là Mỹ “phản đối mọi hành động hù dọa đối với các công ty Mỹ hoặc bất cứ nước nào đang hoạt động kinh tế chính đáng” ở khu vực Biển Đông. Ông Gates nhắc lại vài lần là cần phải có các đối thoại và cố gắng đa phương để giải quyết các tranh chấp trong khu vực Biển Đông một cách hòa bình và trong khuôn khổ luật quốc tế.

Tại cuộc họp cấp ngoại trưởng cuối tháng 7 tại Hà Nội, bà Hillary Clinton đã khẳng định Mỹ có “quyền lợi quốc gia” trong việc tự do lưu thông hàng hải và hàng không và hứa sẽ giúp điều phối các thương lượng giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Trước đó bà đã phát biểu tại cuộc họp các ngoại trưởng nói trên là vấn đề tranh chấp trong khu vực biển chiến lược này là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” (“leading diplomatic priority). Nhưng giờ đây, nó đã trở thành một vấn đề “an ninh mấu chốt cho khu vực” (“pivotal to regional security).

Trước sự đe dọa và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc, trong những tháng qua, Hoa Kỳ đã có bước chuyển chính sách đối phó với Trung Quốc. Có thể nói, đây là một thắng lợi lớn về ngoại giao của ASEAN.

“Trung Quốc chỉ có thể quậy Biển Đông nổi sóng thời gian ngắn”

– Tuy nhiên, người ta có cảm giác, chính sự can dự lớn hơn của các nước lớn với vấn đề Biển Đông dường như lại đang đẩy tình hình thêm căng thẳng, khi Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông, và báo chí nước này đồng loạt lên tiếng chỉ trích Mỹ và các nước nhỏ trong khu vực đã lôi kéo sự can dự của Mỹ. Bình luận của ông?

Hoa Kỳ vẫn xem Biển Đông
thuộc về quyền lợi quốc gia

cho
Ông Derek Chollet – Phó trưởng ban kế hoạch của ngoại trưởng Hoa Kỳ

Chiều thứ Năm tại Washington, một số giới chức cao cấp của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã giải trình về chuyến đi châu Á mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Tham gia buổi giải trình có các nhà báo và các chuyên viên quan tâm. Lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông vẫn là trọng tâm của nhiều câu hỏi.

Buổi giải trình hôm thứ Năm do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức

Mở đầu buổi giải trình, ông Vali Nasr, Cố vấn của ông Richard Holbrooke, Đại sứ tại Pakistan và Afghanistan, cho biết về chuyến đi dự hội nghị Kabul của bà Clinton:

“Chuyến đi một ngày do chính phủ Afghanistan tổ chức nhằm quy tụ sự chú ý của quốc tế đối với vấn đề an ninh và quản lý công quyền của chính phủ Afghanistan. Hội nghị diễn ra tốt đẹp và bà Ngoại trưởng cũng nhân dịp này có những cuộc gặp gỡ song phương với Ngoại trưởng của Ấn Độ và Anh.”

Bà Mary Beth Goodman, một cố vấn khác của Đại sứ Holbrooke cho biết về chuyến đi tại Pakistan:

“Đây là cuộc họp cấp cao và là kết quả của một công trình làm việc đến từ 13 nhóm công tác khác nhau; bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng, năng lượng, y tế, khoa học công nghệ, phụ nữ, nước uống. Ngoài ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định thương mại quan trọng giữa Afghanistan và Pakistan, một hiệp định đã được đàm phán từ mấy chục năm qua.”

Về chuyến đi tại Nam Triều Tiên, ông Derek Chollet, Phó Trưởng Ban Kế hoạch của Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Clinton đã có những cuộc họp chiến lược tại Seoul:

“Tại đây bà đã được sự tiếp tay của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Liên quân, và Thứ trưởng Ngoại giao William Burns.”

Với một thành phần hùng hậu như vậy Hoa Kỳ muốn chứng tỏ coi trọng vấn đề an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nam Triều Tiên như thế nào. Đặc biệt, bà là Ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên đến tận vùng phi quân sự giữa hai miền Nam Bắc để cho thấy quyết tâm của Hoa Kỳ muốn có quan hệ mạnh mẽ với Nam Triều Tiên, nhất là sau sự kiện của tàu Cheonan bị chìm. Một sự kiện đặc biệt khác là bà Clinton loan báo thêm các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên và trong những ngày tới đây, một giới chức của Hoa Kỳ sẽ đến Nam Triều Tiên để bàn thêm với các giới chức Nam Triều Tiên về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi liệu các biện pháp trừng phạt thêm đối với Bắc Triều Tiên mà bà Clinton loan báo có phải là Hoa Kỳ bây giờ coi nhẹ cuộc đàm phán 6 bên và sẽ có hành động đơn phương với Bắc Triều Tiên hay không, ông Chollet cho biết:

“Chúng ta cần đặt lời loan báo này trong bối cảnh một chiến lược rộng lớn hơn. Về cơ bản có ba phần. Thứ nhất, Hoa Kỳ muốn tiếp tục giao tiếp với các đồng minh để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên; thứ hai, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên luôn luôn vững mạnh, Hoa Kỳ ủng hộ sư an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nam Triều Tiên; và thứ ba, Hoa Kỳ sẽ dùng mọi công cụ có thể để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên.”

Về chuyến đi Hà Nội, ông Chollet cho biết:

“Tại đây, về mặt song phương, bà kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong khi gặp Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam bà nhấn mạnh kể từ nay hai nước sẽ cố gắng tìm cách nâng quan hệ lên một tầm mới. Ngoài ra bà cũng nêu quan tâm của Hoa Kỳ về tự do chính trị và nhân quyền.”

Và phần kế tiếp trong chương trình của bà Clinton tại Hà Nội là hội nghị ASEAN như đã được báo chí quốc tế nói tới.

Trong hội nghị này Hoa Kỳ muốn chứng tỏ chính phủ Obama coi trọng vai trò của ASEAN tại châu Á Thái Bình Dương và mong có sự giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đa phương. Bà loan báo Hoa Kỳ sẽ mở một phái bộ thường trực với ASEAN tại Jakarta, Tổng thống Obama sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhì trong vài tháng sắp tới, riêng cá nhân bà sẽ trở lại Hà Nội vào mùa Thu để dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Về lập trường của Hoa Kỳ tại Biển Đông, ông Chollet nhắc lại bà Ngoại trưởng Clinton đã đưa ra một “chính sách được định nghĩa nhiều hơn”, cơ bản là Hoa Kỳ xem là quyền lợi quốc gia khi thấy khu vực tiếp tục có hòa bình và ổn định, tự do giao thông trên biển và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong tinh thần đó, Hoa Kỳ ủng hộ những giải pháp ngoại giao tập thể do các phe tranh chấp đưa ra, mà không dẫn đến va chạm.

Một câu hỏi khác được đặt ra là Trung Quốc đã tiếp tay Hoa Kỳ để giúp đỡ Afghanistan và Pakistan. Vậy thì lập trường mới của Hoa Kỳ tại Biển Đông có làm Trung Quốc bực tức đến độ gây khó khăn cho Hoa Kỳ tại Afghanistan và Pakistan hay không?

Ông Chollet trả lời là trong nhiều lần họp, các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ như Ngoại trưởng Clinton, Đặc sứ Holbrooke vẫn trao đổi với các giới chức của Trung Quốc để làm thế nào hai bên có thể hợp tác tốt hơn trong vấn đề Afghanistan và Pakistan. Hoa Kỳ có nhiều lợi ích chung với Trung Quốc và đôi bên vẫn hợp tác để đạt các lợi ích chung đó.

Về tin tức nói rằng Trung Quốc cho là Hoa Kỳ đang làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp, ông Chollet nói:

“Tôi cũng có đọc tin này qua báo chí nhưng tôi nghĩ rằng phản ứng đó của Trung Quốc cũng không làm Hoa Kỳ chuyển hướng với các nguyên tắc đã đề ra ở Hà Nội.”

Ông Nguyễn Ngọc Bích, một người tham dự buổi giải trình này cho biết:

“Thực sự thì không có nhiều chi tiết được tiết lộ so với những bài báo mà chúng ta đã được đọc về chuyện đó. Chỉ thấy là bây giờ có một sự chuyển hướng khá rõ ràng từ phía Hoa Kỳ qua những lời phát biểu của bà Clinton, qua hành động của Mỹ trên Hoàng Hải. Riêng buổi nói chuyện hôm nay thì không có gì mới mẻ lắm.”

Anh Phạm Văn Lẫm, một sinh viên đang thực tập tại Quốc hội Hoa Kỳ cho biết:

“Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đóng khung vào lập trường xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình. Đây nhất định là một sự thay đổi chính sách. Nhưng tiếc là các diễn giả đã không đi vào chi tiết về con đường kế tiếp mà Hoa Kỳ có là gì để thực hiện chính sách mới đó. Tôi thấy hơi buồn nhưng cũng vẫn quan tâm.”

Mỹ điều chỉnh chính sách biển Đông
Nguyễn Ngọc Trường

Các tuyên bố mới đây của giới lãnh đạo quân sự Mỹ cho thấy Mỹ chủ trương dính líu tích cực vào vấn đề biển Đông.

Một năm đã trôi qua kể từ khi người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố “Mỹ đang trở lại Đông Nam Á” và đặt bút ký Hiệp ước Hợp tác Hữu nghị Đông Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ còn nhận xét rằng bà rất ghét “sự thiếu nhất quán”. Lời lẽ này rõ ràng ngầm phê phán chính sách của chính quyền tiền nhiệm tại châu Á. Những sự kiện đó diễn ra khi Ngoại trưởng Mỹ dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tạo ra cột mốc lịch sử về sự tái can dự của Mỹ vào công việc của Đông Nam Á kể từ Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Đông Nam Á đang trải qua nghịch cảnh: Hợp tác toàn diện trên bờ, xung đột và căng thẳng trên biển. Giữa lúc Đông Nam Á chịu sự cọ xát mạnh mẽ của các cường lực, các nỗ lực của Mỹ khôi phục ảnh hưởng và tạo thế cân bằng quyền lực mới được nhiều bên liên quan chú ý theo dõi. Hơn nữa, nó kích thích trí tưởng tượng của giới hoạch định chính sách Đông Nam Á phần nào bị làm cho tê liệt mấy năm qua. Hồi đầu tháng 6 vừa rồi, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, trong bài phát biểu tại Kuala Lumper, đã hoan nghênh vai trò của Nga và Mỹ đối với công việc của Đông Nam Á, nói rằng Mỹ là một phần không thể tách rời trong trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi vị thế địa lý trải rộng của Nga tạo điều kiện cho họ giữ một vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề của một khu vực rộng lớn hơn. Mục tiêu của chủ trương mà Thủ tướng Malaysia nêu lên không gì khác hơn là thúc đẩy cơ chế ASEAN+7, ARF với việc tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Cộng đồng châu Âu.

Ở Mỹ từ hơn một năm qua diễn ra cuộc tranh luận quan điểm trong chính quyền, quốc hội và giới học giả, với hai trường phái “can dự tích cực” và “tránh can dự” vào công việc Đông Nam Á và biển Đông. Cốt lõi của cuộc tranh luận này thực ra là chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó Mỹ đối sách thế nào trước sự lớn mạnh vượt trội của Trung Quốc đang thách thức vai trò của Mỹ tại một khu vực mà cả hai nước lớn đều tuyên bố có những mối liên hệ truyền thống.Chính quyền Bush ít can dự và thiếu một chính sách nhất quán; chính sách đối với Trung Quốc chi phối chính sách Mỹ tại Đông Nam Á. Đối với vấn đề biển Đông, chính quyền Bush triệt để trung lập và không can dự, chỉ nhấn mạnh mối quan tâm về tự do hàng hải.

Từ sự kiện các tàu thuyền Trung Quốc bao vây tàu nghiên cứu hải quân Mỹ Impeccable tháng 3/2009 ngoài khơi biển Đông, Trung Quốc nhiều lần đòi Mỹ ngừng hoạt động trong vùng mà Trung Quốc khẳng định thuộc đặc quyền Trung Quốc, ngừng việc trinh sát các hoạt động của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Tam Á (Hải Nam), nơi hạm đội tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc thường xuyên ra vào. Từ cuối tháng 4 năm nay, Trung Quốc bắt đầu mô tả biển Đông như một trong các mối quan tâm chủ đạo, thuộc loại “lợi ích cốt lõi” bên cạnh Đài Loan và Tây Tạng. Nếu Mỹ chấp nhận “lợi ích cốt lõi” này sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ bị đẩy ra khỏi vùng biển Đông Nam Á. Đáp lại các đòi hỏi như vậy của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ – từ Bộ trưởng quốc phòng, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho đến các hạm trưởng Mỹ ghé thăm khu vực, liên tiếp khẳng định Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, có các mối liên hệ lâu đời đối với châu Á và sẽ tiếp tục là một cường quốc ở khu vực.

Ngày 5/6 vừa rồi, tại cuộc Đối thoại an ninh khu vực Shangri-La 2010 (Singapore), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nêu nhiều nội dung quan trọng về biển Đông. Ông Gates nhấn mạnh: “Mỹ đặc biệt coi trọng các khu vực hàng hải chung vì an ninh, thương mại và tự do đi lại. Trong lĩnh vực này, biển Đông là nơi đang gây ngày càng nhiều quan ngại… Vùng biển này không chỉ quan trọng đối với các nước trực tiếp có vùng lãnh hải giáp ranh, mà với tất cả các quốc gia có lợi ích an ninh và kinh tế tại châu Á.  Chính sách của Mỹ là rõ ràng: Việc duy trì ổn định, tự do hàng hải, phát triển kinh tế một cách tự do và không bị cản trở có ý nghĩa cốt yếu. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng chúng tôi phản đối sử dụng vũ lực và các hành động cản trở tự do hàng hải.  Chúng tôi chống lại mọi hành động nhằm hù dọa các công ty Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đang có hoạt động kinh tế chính đáng tại khu vực này. Tất cả các bên cần hợp tác giải quyết các khác biệt thông qua nỗ lực hòa bình, đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuyên bố Ứng xử biển Đông 2002 là một bước quan trọng theo hướng này và chúng tôi hy vọng việc thực hiện toàn diện thỏa thuận này sẽ tiếp tục”. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ còn đề cập đến việc “xây dựng khả năng đối tác. Bởi vì việc chia sẻ trách nhiệm an ninh tại châu Á đòi hỏi sự cần thiết rằng tất cả các quốc gia có đủ năng lực trong đó có đủ phương tiện không chỉ để bảo vệ lãnh thổ của mình mà còn góp phần đảm bảo an ninh tại khu vực”.

Ngày 7/6, tại cuộc họp báo tổ chức ở Hà Nội sau cuộc Đối thoại lần thứ ba về chính trị, an ninh, quốc phòng Mỹ-Việt, Đô đốc Robert F.Willard, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ tại Thái Bình Dương, đề cập đến nhiều quan điểm mà Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nêu lên tại Shangri La 2010.

Hàng loạt tuyên bố chính sách của giới lãnh đạo quân sự Mỹ thể hiện những điều chỉnh quan trọng trong lập trường của chính phủ Mỹ về biển Đông. Quan điểm “dính líu tích cực” xem ra đã chiếm thế thượng phong trong giới hoạch định chính sách Mỹ.Người ta đã thấy sự phân vai trong chính quyền Mỹ: Giới chính trị, kinh tế, ngoại giao tiếp tục quan hệ cộng sinh Mỹ-Trung; giới quân sự nỗ lực tái cân bằng lực lượng và kiềm chế, dù điều này có trả giá bằng sự căng thẳng trong quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước lớn.

Có mấy điểm mới đáng chý ý trong chính sách của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mang vấn đề biển Đông ra nói công khai ở một hội nghị an ninh khu vực, bất đồng với các lập trường của Trung Quốc về vấn đề này. Trong khi khẳng định tiếp tục trung lập trong tranh chấp chủ quyền, Mỹ “phản đối” việc sử dụng vũ lực và “chống lại” việc cản trở các công ty Mỹ cũng như các nước khác hoạt động chính đáng tại vùng biển này. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh đến quyền của các quốc gia trong vùng biển này được phát triển kinh tế mà không bị ngăn cản, đồng thời khẳng định Mỹ cũng có những quyền lợi kinh tế ở vùng này. Trong một sự kiện khác, Đô đốc Partick Walsh, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, trả lời phỏng vấn của báo Asahi Shimbun ngày 18/6, bày tỏ quan ngại về thái độ của Trung Quốc tại biển Đông và nhận xét rằng chỉ riêng năm 2009, Trung Quốc đã bắt 433 ngư dân Việt Nam trong các vùng biển mà hai bên còn đang tranh chấp chủ quyền.

Sự điều chỉnh lập trường Mỹ về biển Đông nằm trong chiến lược chung của chính quyền Mỹ đối phó với thách thức mới từ sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc, trước hết là lực lượng hải quân và pháo binh chiến lược (tên lửa), tại châu  Á-Thái Bình Dương. Nó phản ánh mâu thuẫn tăng lên trong quan hệ quân sự Mỹ-Trung. Phía Trung Quốc tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi Đông Á, trong đó có biển Đông Nam Á. Mỹ chủ trương kiềm chế Trung Quốc và chống lại việc Trung Quốc thách thức vai trò chủ đạo của Mỹ ở khu vực này.

Các nước lớn vẫn thường thỏa hiệp. Nhưng ở thời điểm này, khả năng thỏa hiệp xung quanh vấn đề biển Đông không nhiều. Mỹ chẳng những không ngừng hoạt động ở biển Đông mà tại biển Hoàng Hải ở Đông Bắc Á, Mỹ còn nhân sự kiện tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh đắm mà tổ chức các cuộc tập trận hải quân Mỹ-Hàn trên quy mô lớn. Theo Mạng Hoàn Cầu,  Trung Quốc có lý do để quan ngại về cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn  diễn ra vào cuối tháng 6/2010 vì nó được tiến hành ngay tại Hoàng Hải, khu vực cửa ngõ của Bắc Kinh, cách bờ biển Trung Quốc 200km. Tin tức cho hay, tàu sân bay USS George Washington có thể tham gia cuộc tập trận này. Tàu sân bay này mang theo máy bay chiến đấu và hệ thống cảnh báo tiên tiến nhất, bán kính tác chiến của hệ thống cảnh báo “Eagle Eye E-2C” trên tháp chỉ huy vào khoảng 2.000-3.000 km. Theo mạng tin nói trên của Trung Quốc, nếu vào Hoàng Hải, tàu sân bay Mỹ có thể “quan sát các cơ sở hải quân chủ chốt và năng lực chiến đấu của Trung Quốc rõ như trong lòng bàn tay”.

Sự dính líu tích cực của Mỹ sẽ tác động đến tất cả các nước giáp biển Đông. Các nước nhỏ và vừa thuộc vùng biển này tùy vào vị trí địa-chiến lược của mình mà điều chỉnh chính sách phù hợp đối với sự can dự mới của các nước lớn. Đồng thời thách thức chính là động lực thúc đẩy việc tìm kiếm các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh của các quốc gia biển Đông.

Mỹ-Trung: Cộng sinh kinh tế,đối địch quân sự

Kết quả hai ngày Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung thể hiện tính cộng sinh kinh tế, đối địch quân sự của quan hệ hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Tại Bắc Kinh trong hai ngày 24-25/5 vừa rồi, Mỹ và Trung Quốc tiến hành cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế (S&ED) về ba loại vấn đề: Đối thoại chiến lược cấp bộ trưởng ngoại giao; đối thoại kinh tế cấp bộ trưởng tài chính; đối thoại quân sự cấp tư lệnh Mỹ Thái Bình dương và phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc.

Nổi lên mấy đặc điểm: Thứ nhất, trước đây, các cuộc đối thoại Trung-Mỹ thường tập trung vào những vấn đề song phương như thương mại và đồng NDT, Đài Loan, Tây Tạng hay nhân quyền. Hiện giờ, hai bên tăng cường trao đổi những vấn đề toàn cầu, như Iran, Bắc Triều Tiên, phối hợp hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Dưới thời Tổng thống Bush, Bộ trưởng tài chính Mỹ trong các cuộc gặp thường thuyết giảng về các vấn đề vĩ mô, nay hai bên đã đạt thế cân bằng trong đối thoại. Lần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã ra một tuyên bố đơn phương, cam kết Mỹ sẽ thực hiện kỷ luật ngân sách, một khi tăng trưởng kinh tế được bảo đảm. Trong khi đó, bà Clinton kêu gọi Trung Quốc nên tăng cường đầu tư nội địa, thay vì chỉ tập trung đầu tư vào tín phiếu và các công ty Mỹ.

Cuộc đối thoại không đạt được tiến bộ về việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT). Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định Trung Quốc kiên quyết duy trì cuộc cải cách đồng NDT theo nhịp độ riêng, bất chấp việc Mỹ cho rằng Bắc Kinh chủ trương Kỳm giá đồng NDT thấp, khiến nền kinh tế Mỹ mất khả năng cạnh tranh. Có tin, Mỹ âm thầm vận động tạo sức ép quốc tế đối với Trung Quốc về vấn đề NDT; còn trước đó, Trung Quốc đã nói riêng với phía Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá NDT trước Hội nghị G-20 tháng 6 tới.

Các văn kiện ký kết nhân dịp này bao gồm một bản ghi nhớ (MOU) thỏa thuận khung về quan hệ đối tác trong lĩnh vực môi trường, cơ chế ủng hộ hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Một MOU khác là văn kiện về vấn đề an toàn của lò phản ứng hạt nhân Westinghouse AP1000, do một công ty của Mỹ thiết kế và sẽ được ứng dụng trong các nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí về một kế hoạch hợp tác nghiên cứu khí đốt đá phiến – một loại khí đốt tự nhiên sản xuất từ đá phiến, đồng thời đạt được các thỏa thuận cho vay tín dụng để mua thiết bị y tế, cáp viễn thông và nhiều thiết bị khác của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Các bộ y tế của hai nước cũng ký một MOU liên quan Chương trình Hợp tác về các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và xuất hiện trở lại.

Thứ hai, cuộc Đối thoại không mang lại các kết quả đột phá như Mỹ mong đợi. Thay vào đó, hai bên thỏa thuận những vấn đề thứ cấp. Hai bên thông báo những thỏa thuận hợp tác về ngân hàng, quy định thị trường tài chính và phát triển nguồn năng lượng thay thế.

Bên lề cuộc Đối thoại, Ngoại trưởng Hillary Clinton và bà Liu Yandong, Ủy viên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, thỏa thuận trong 4 năm tới, sẽ có 100.000 sinh viên Mỹ du học tại Trung Quốc, tăng hơn 25% so với hiện nay. Bắc Kinh sẽ tham gia kế hoạch này bằng việc dành 10.000 học bổng cho các sinh viên Mỹ muốn học tập tại Trung Quốc bằng tiếng Trung. Hai phía cũng nhất trí sẽ tăng cường các trao đổi hàng năm trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ và thể thao.

Thứ ba, nâng đối thoại quân sự lên cấp cao hơn. Bên lề cuộc Đối thoại lần này, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương Robert Willard đã gặp Phó Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc Mã Hiểu Thiên. Phía Mỹ còn có Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, ông Wallace Gregson, tham dự.

Đây là hội đàm quân sự đầu tiên giữa hai nước, kể từ khi Bắc Kinh cắt đứt đối thoại, vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đầu năm nay. Một nội dung chính của cuộc đối thoại này là căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Mỹ, với 28.000 quân trên bán đảo, đã thể hiện sự ủng hộ toàn diện đối với Hàn Quốc, đồng thời thúc giục Trung Quốc gây áp lực với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Bắc Kinh nhắc lại tuyên bố kêu gọi tất cả các bên “bình tĩnh và kiềm chế”.

Đối thoại quân sự cấp cao lần này là nỗ lực của Trung Quốc nâng cấp đối thoại quân sự Trung-Mỹ, nhưng chưa rõ nó có thành một phần của cơ chế S&ED hay không. Năm ngoái, sau S&ED, hai nước có đối thoại cấp thấp hơn giữa các quan chức quân sự hai nước. Giới ngoại giao Mỹ tỏ ra hài lòng về cuộc gặp giữa Đô đốc Willard và Tướng Mã Hiểu Thiên, song cũng thận trọng cho rằng còn quá sớm để nói quan hệ quân sự Mỹ-Trung trở lại bình thường.

Trong hội đàm, Tướng Mã Hiểu Thiên nhận định rằng các thương vụ vũ khí của Mỹ với Đài Loan vẫn là trở ngại lớn nhất cho các mối quan hệ quân sự Bắc Kinh – Washington.

Theo ông Mã, các thương vụ vũ khí, các vụ do thám thường xuyên tàu chiến và máy bay trên vùng lãnh hải và không phận của các khu vực kinh tế độc quyền của Trung Quốc, và một số đạo luật vẫn là những trở ngại đầu tiên đối với sự ổn định quan hệ quân sự Mỹ – Trung. Trung Quốc chỉ trích Mỹ lưỡng lự trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm công nghệ mũi nhọn và kêu gọi Washington đơn giản hóa luật đầu tư nước ngoài vốn bị Trung Quốc chỉ trích là gây phương hại cho các công ty của Trung Quốc.

Vẫn cần theo dõi, lần này hai bên trao đổi hoặc thỏa hiệp về các “lợi ích cốt lõi” như thế nào. Để đổi lại nhân nhượng kinh tế từ phía Trung Quốc, Bắc Kinh yêu cầu Mỹ đáp ứng những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, ngày 12/4, nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an ninh hạt nhân tại Washington, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gặp Tổng thống Obama đưa ra đề nghị năm điểm, kêu gọi tôn trọng “các lợi ích cốt lõi”, cũng như các quan tâm chính của nhau và đảm bảo phát triển bền vững, lành mạnh quan hệ Trung – Mỹ. Tổng thống Obama cam kết tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Đài Loan và Tây Tạng được xem là loại “lợi ích cốt lõi” này. Cuối tháng 4 vừa rồi, Trung Quốc còn đưa thêm biển Đông, cùng sự hiện diện của hải quân Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, vào quan niệm “lợi ích cốt lõi”.

Nhưng những vấn đề Trung Quốc xác định là “cốt lõi” thực ra lại là những lợi ích quan trọng chiến lược đối với của Mỹ.

Mỹ đau đầu trước chiến lược biển của Trung Quốc

Các hành động biểu dương sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên đại dương tiếp tục gây đau đầu cho giới hoạch định chính sách Mỹ và các đồng minh. Tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada bày tỏ quan ngại về sự phô diễn quân sự của Trung Quốc đang tăng lên. Phát biểu trên Nhật báo Phố Wall, ông này nói: “Tôi sẽ không sử dụng từ đe dọa – nhưng chắc chắn chúng ta cần phải xem xét một cách cẩn thận về các kho vũ khí hạt nhân và khả năng của hải quân Trung Quốc”. Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Okada đã phản đối Bắc Kinh về “hành vi gây cản trở” của một chiếc tàu khảo sát Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, sau khi tàu này đuổi một tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang tiến hành khảo sát biển trong phạm vi khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là lần thứ ba Trung Quốc có hành động như vậy trong vòng một tháng. Ngày 10 và 21/4, một đội tàu của Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako của Nhật Bản, khu vực giàu khoáng sản đang tranh chấp. Mỗi lần đi qua, các máy bay trực thăng của Trung Quốc lượn vòng gần các tàu khu trục Nhật Bản.

Một mục tiêu chiến lược của hải quân Trung Quốc là kiểm soát nhóm đảo tranh chấp ngoài khơi của Trung Quốc, tạo thành một vành đai an ninh quốc phòng mới bên ngoài. Tài liệu Nghiên cứu Quốc phòng bốn năm một lần của Lầu Năm Góc 2010 nhận xét: “Sự chuyển đổi quân sự của Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các vai trò, nhiệm vụ, và khả năng mới để hỗ trợ lợi ích gia tăng trong khu vực và lợi ích toàn cầu của họ”.

Tướng Trương Hoa Trần, Phó chỉ huy Hạm đội Đông Hải, nói với Tân Hoa xã: “Chúng tôi đang đi từ phòng thủ ven biển cho tới phòng thủ ngoài khơi. Do việc mở rộng các lợi ích kinh tế của đất nước, hải quân muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến đường vận chuyển của đất nước cũng như bảo đảm sự an toàn trên các tuyến hàng hải chính”.

Hai thập kỷ gia tăng chi tiêu lên tới hai con số đã giúp hải quân Trung Quốc phát triển nhanh chóng với việc 225.000 quân của Hải quân Trung Quốc được tổ chức thành ba hạm đội và được trang bị 260 tàu, gồm 75 “tàu chiến quan trọng” với hơn 60 tàu ngầm. Sự phát triển còn bao gồm các kế hoạch triển khai 2 tàu sân bay vào năm 2015. Hải quân Trung Quốc sử dụng mạng lưới phát triển quốc tế ở các cảng được gọi là “chuỗi hạt ngọc trai” với các căn cứ cố định nằm dọc các bờ biển Ấn Độ Dương và các tuyến hàng hải đến eo biển chiến lược Malacca. Bắc Kinh cũng đang tích cực đàm phán với một số nước châu Phi để sử dụng các cảng thường xuyên. Trung Quốc hiện đang đàm phán để sử dụng một căn cứ mới ở Iran .

Tình hình khiến giới hoạch định chính sách quân sự Washinhton phải đưa ra các quyết định cứng rắn. Gần đây, Mỹ đã chuyển thêm một số tàu ngầm hạt nhân từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương giúp theo dõi lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc.

Mỹ cần tham gia với Bắc Kinh trong mọi cơ hội để thúc đẩy tính minh bạch và hợp tác, trong khi duy trì sự ngăn chặn đáng tin cậy ở châu Á. Và đó là lý do một đô đốc và một quan chức cao cấp Bộ quốc phòng Mỹ đã có mặt trong hai ngày hoạt động nhộn nhịp của S&ED tại Bắc Kinh vừa qua.

Nguyễn Nguyên

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt