Bàn quanh về chuyện vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn…đâu là đâu ?

Bắc Hàn phóng hoả tiễn liên lục địa

Nguyên tử Bắc Hàn: Trung Cộng bị mắc bẫy

Từ lâu, Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ để Bình Nhưỡng phát triển nguyên tử. Liệu hiện nay, các lãnh đạo Trung Cộng còn có khả năng thuyết phục được chế độ Kim Jong Un? Đây là câu hỏi được tuần báo l’Obs đặt ra trong bài viết: “Trung Cộng bị mắc bẫy” trong vấn đề nguyên tử Bắc Hàn.

Để thể hiện quan hệ bằng hữu với Bắc Hàn, các lãnh đạo Trung Cộng thường so sánh “như răng với môi”, cụm từ được Mao Trạch Đông sử dụng. Thế nhưng, từ khi Kim Jong Un trở thành lãnh đạo trẻ của Bắc Hàn, “răng với môi” không còn giữ vững nữa. Trung Cộng xích sang một bên để Hoa Kỳ đối đầu với những đe doạ nguyên tử, hoả tiễn đạn đạo của Bình Nhưỡng. Những lời kêu gọi kiềm chế, đàm phán hoà bình trên bán đảo Triều Tiên của Trung Cộng có gì đó thể hiện sự bất lực của chính quyền Bắc Kinh.

Kim Nhật Thành, nhà sáng lập chế độ Bắc Hàn hiện nay, tự cho mình là thủ lĩnh cách mạng châu Á thật sự, và coi Mao Trạch Đông là một lão già, đồng thời quấy nhiễu Mao để có được công nghệ nguyên tử của Trung Cộng. Cuối cùng, chính Liên Xô lại là nhà cung cấp đầu tiên những lò phản ứng cho Bình Nhưỡng. Sau đó, Kim Jong Il khiến các nước bảo trợ bực mình vì cho tiến hành những vũ thử nguyên tử đầu tiên, nhờ trợ giúp của Pakistan. Cùng thời điểm đó, Trung Cộng ký hiệp định không phổ biến nguyên tử và dè chừng một cường quốc nguyên tử ngay sân sau. Nhưng chính lãnh đạo Bắc Hàn hiện nay, Kim Jong Un, mới là người ngày càng trở nên khó bảo.

Tại sao Trung Cộng tỏ ra bất lực để thuyết phục chư hầu của mình đến như vậy? L’Obs cho rằng nguyên nhân nằm

Kim Nhật Thành (1912-1994) – lãnh tụ Đỏ Bắc Hàn (1948-1994)

trong khẩu hiệu cho thấy chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng: “Không chiến tranh, không có bất ổn định, không vũ khí nguyên tử”. Trong ba ưu tiên của Trung Cộng, điều quan trọng nhất là loại bỏ mọi nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự. Ưu tiên thứ hai là cảnh báo mọi rủi ro rình rập, ví dụ bằng mọi giá tránh thay đổi chế độ. Chỉ ở điểm cuối cùng, người ta thấy lo ngại trong việc chống phổ biến nguyên tử.

Điều quan trọng đối với Bắc Kinh là chế độ Bình Nhưỡng vững chắc, chứ không phải ngăn cản nước láng giềng có vũ khí nguyên tử. Chính vì thế, phải cưng nựng Bình Nhưỡng như một đứa trẻ nhõng nhẽo để đưa Bắc Hàn trên con đường phồn thịnh như Bắc Kinh làm được.

Dù trên nguyên tắc, Bắc Kinh tỏ ra phản đối việc Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử, nhưng trong thâm tâm, Trung Cộng thích nghi với việc này. Thế nhưng, từ 2012-2013, tinh thần lạc quan của chính quyền Trung Cộng bị sụp đổ một phần khi tướng Jang Song Taek, đồng thời là chú dượng của Kim Jong Un, bị hành hình. Đây là gáo nước lạnh cho Bắc Kinh vì ông Jang là nhà đối thoại được Bắc Kinh ưu tiên và là nhà vô địch cho một cuộc cải cách theo mô hình Trung Cộng.

Khi lên cầm quyền, thay vì đến thăm Bình Nhưỡng như truyền thống, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình chọn sang thăm Seoul. Năm 2015, tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye được mời tham dự kỷ niệm chiến thắng Đệ II Thế Chiến tại Bắc Kinh. Trong dịp này, đặc phái viên của Bắc Hàn thậm chí không được Tập Cận Bình giành cho một buổi nói chuyện. Sau nhiệm kỳ 5 năm của chủ tịch Tập, lãnh đạo hai nước vẫn chưa từng gặp nhau.

Từ đầu 2017, Bình Nhưỡng chuyển sang chỉ trích Bắc Kinh khi Trung Cộng quyết định phê chuẩn các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Những cuộc khẩu chiến gần đây giữa Kim Jong Un và Donald Trump được ngoại trưởng Vương Nghị bình luận có phần hài hước trước Quốc Hội Trung Cộng là “Hoa Kỳ và Bắc Hàn như hai con tầu đang lao thẳng vào nhau. Và, trong vai trò là nhà bẻ ghi, có Trung Cộng, đang cố gắng một cách vô vọng tránh vụ va chạm”.

Bắc Hàn-Hoa Kỳ: Canh bài nguyên tử

Vẫn liên quan đến vấn đề nguyên tử Bắc Hàn, tuần báo Courrier international, trích bài viết của The Atlantic, cho rằng những lời đe dọa “biển lửa và căm hờn” của tổng thống Mỹ nếu Bình Nhưỡng tiếp tục hành vi khiêu khích chẳng có gì đáng tin tưởng. Với The Atlantic, thái độ này lại rất nguy hiểm trước một nhà lãnh đạo như Kim Jong Un, vừa không tin được vừa khó lường.

Bắc Hàn, cường quốc nguyên tử mới

Ngày 15/08/2017, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tuyên bố “tạm ngừng” kế hoạch bắn hoả tiễn đến gần đảo Guam của Mỹ, nằm ngoài khơi Thái Bình Dương và sẽ “quan sát thêm thái độ ngu xuẩn và ngớ ngẩn của người Mỹ”. Theo nhật báo Le Monde (17/08/2017), quyết định này làm giảm hẳn căng thẳng trong khu vực, nhưng cũng cho thấy một thực tế : “Bắc Hàn gia nhập nhóm các cường quốc nguyên tử” trên thế giới.

Sau 5 vụ thử nguyên tử từ năm 2006, trong đó có hai vụ diễn ra trong năm 2016, Bắc Hàn không còn nằm ở “ngưỡng” sở hữu nguyên tử, mà đã trở thành một nước nguyên tử được trang bị khả năng hoả tiễn đạn đạo. Giới chuyên gia phương Tây bất đồng về số lượng đầu đạn mà Bình Nhưỡng có thật sự (khoảng 60 theo báo cáo mới nhất của Cơ quan tình báo quân sự Mỹ, DIA, hoặc 20 theo một số chuyên gia khác) và về khả năng hoạt động của các hoả tiễn. Nhưng tất cả đều nhất trí về “sự phát triển đáng báo động” trong những tiến bộ đạt được của Bắc Hàn.

Chính điều này làm thay đổi cán cân. “Giờ không còn chuyện phi nguyên tử hoá bán đảo Triều Tiên mà là vấn đề ngăn chặn”, theo nhận định của phụ tá giám đốc Bruno Tertrais, thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược, mà “phải sống chung với thực tế chiến lược mới này”.

Dù khả năng còn hạn chế, Bắc Hàn gia nhập câu lạc bộ các cường quốc nguyên tử, gồm 5 nước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ( Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Trung Cộng) thêm Israel, Ấn Độ và Pakistan. Điều này cũng tác động sâu sắc đến hiệp định không phổ biến vũ khí nguyên tử năm 1968 mà Bình Nhưỡng rút khỏi vào năm 2003. Theo chuyên gia người Pháp về bán đảo Triều Tiên, Juliette Morillot, “quyết tâm của chế độ Bình Nhưỡng, dù bị giễu cợt, đã không được các cường quốc đánh giá nghiêm túc, cho nên đã không thực hiện một chính sách phối hợp, mỗi nước hành xử theo lợi ích riêng ở trong vùng”.

Tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn bắt đầu từ thập niên 1950. Lúc đầu được Liên Xô giúp đỡ, sau đó đến lượt Trung Cộng, chương trình nguyên tử bí mật của Bình Nhưỡng còn nhận được sự giúp đỡ của Abdul Qadeer Khan, cha đẻ của bom nguyên tử ở Pakistan. Khi mạng lưới của nhà khoa học này bị phá vỡ năm 2004, người ta phát hiện Abdul Qadeer Khan đã đến Bắc Hàn khoảng 10 lần, chủ yếu là để bán thiết kế máy quay ly tâm làm giầu uranium. Trên lĩnh vực hoả tiễn đạn đạo, Bắc Hàn còn hợp tác với Iran.

Nếu như Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo Bắc Hàn hiện nay, muốn dùng vũ khí nguyên tử để đổi lấy viện trợ quốc tế, Kim Jong Un lại muốn biến nguyên tử thành trụ cột củng cố quyền lực của mình, thậm chí còn được ghi vào Hiến Pháp. Với Kim Jong Un, đây là bùa hộ mệnh cho sự sống còn của chế độ và là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng thủ khỏi một cuộc tấn công của Mỹ, đồng thời “phải tỏ ra nguy hiểm nhất có thể để đảm bảo an toàn cho chính mình”, theo nhận định của Barthélemy Courmont, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) tại Pháp.

Chế độ Bắc Hàn muốn được đối xử ngang hàng với Hoa Kỳ trong một cuộc đối thoại trực tiếp để đi đến một thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như một hiệp ước không tấn công với Mỹ, trong đó có điều khoản được tiếp tục chương trình nguyên tử dân sự. Thế nhưng, với Washington, những yêu sách của Bình Nhưỡng là không chấp nhận được.

Dù có bị gây áp lực cực độ, không có chuyện chế độ Kim Jong Un từ bỏ chương trình nguyên tử, được cho là “cách phòng thủ chính đáng trước mối đe dọa thực sự và rõ ràng từ Hoa Kỳ”. Hiện giờ, ưu tiên đối với cộng đồng quốc tế là tránh để Bình Nhưỡng phổ biến vũ khí nguyên tử bằng cách chuyển giao công nghệ nguyên tử cho các nước khác hay các đối tượng khác.

Đây cũng chính là nhận định của bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh của Barack Obama, trong một bài viết trên tờ New York Times, khi nêu lên chính sách “ngăn chặn”, theo đó Hoa Kỳ “có thể” chấp nhận vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn như đã từng làm với Liên Xô, nhưng không chấp nhận việc phổ biến.

Thế nhưng, thách thức vẫn còn trước mắt. Bất chấp những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong những năm vừa qua, Bắc Hàn vẫn có nhiều khách hàng quân sự ở Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á.

Bắc Hàn : “Không có giải pháp ngoại giao lẫn xung đột quân sự”

Căng thẳng mới chỉ tạm thời lắng xuống trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực khi Kim Jong Un tuyên bố “tạm ngừng” kế hoạch bắn bốn hoả tiễn đến gần đảo Guam của Mỹ.

Trả lời nhật báo Le Monde, nhà sử học Pháp François Godement, chuyên gia về Trung Cộng và quan hệ quốc tế ở châu Á, nhận định “trong ngắn hạn, không có giải pháp ngoại giao vì biện pháp này không ngăn cản được chế độ Kim Jong Un. Khi Bắc Hàn nói sẽ thử hoả tiễn hay nguyên tử, họ sẽ làm”.

Tổng hợp tin tức báo chí

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt