Tình Hình Thế Giới Ảnh Hưởng đến Việt Nam

Toàn văn bài tham luận của đồng chí Nguyễn Hồng Dũng trong ngày Lễ Tưởng Niệm Lần Thứ 85 Anh Hùng Liệt Nữ Yên Báy tại Nam California ngày 14-06-2015

Kính thưa quý vị Lãnh đạo tinh thần các Tôn Giáo.
Kính thưa quý vị Đại diện các Tổ chức, chính Đảng, các Hội đoàn và Đoàn thể,
Kính thưa quý vị Đại diện các cơ quan Truyền thông Báo chí,
Kính thưa quý vị Quan Khách, quý Đồng hương cùng quý Đồng Chí thân mến:

   Xin cám ơn Đ/c Trần Tử Thanh, qua phần trình bày của Đ/c về tình hình Việt Nam hiện tại đang đứng trước mối đe dọa ngoại xâm của Tàu Cộng, trong khi đó thì sự khủng hoảng về thành phần lãnh đạo, kinh tế đến cơn hấp hối với nền văn hóa phá sản, nhân tâm ly tán, tuổi trẻ không tìm thấy tương lai dưới chế độ toàn trị & tham nhũng của Việt Cộng. Một cơ đồ tan hoang như vậy thử hỏi những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng phải trả lời sao với tiền nhân, huống chi những Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, từ những thập niên hai mươi của thế kỷ XX đã khẳng định bước đi cho sự tồn vong của dân tộc thì bây giờ trách nhiệm ấy lại còn canh cánh ngày đêm không chút sao lãng.

 Kính thưa quý vị Quan khách cùng quý Đồng chí,

Thế kỷ XXI đã khiến cho các quốc gia có chiều hướng toàn cầu hóa và vai trò của Việt nam, dù trong một chế độ thiếu dân chủ, tự do nhưng 6 quốc gia trong hiệp hội Asian nhóm họp lần thứ 28 tại Brunei đã phải chấp nhận cho Việt nam trở thành một tân thành viên thứ 7 từ năm 1995. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã không đáp ứng được tình trạng minh bạch về các cách hành xử trong nền kinh tế quốc dân và bảo đảm tính công minh trong ngành tư pháp là mấu chốt trở ngại chính trong sự phát triển đồng bộ của tiêu chuẩn hiệp hội các quốc gia Châu Á.

Khi Việt nam tham gia APEC để khởi đầu bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, nhưng với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của Việt Nam không hề giống với bất cứ quốc gia nào trong tổ chức APEC khiến cho nền kinh tế Việt Nam vốn thô sơ trong sản xuất, lệ thuộc nguyên vật liệu của các quốc gia công nghiệp để tái sản xuất trong cộng đồng kinh tế toàn cầu khiến xã hội phát sanh mấu chốt của nhũng lạm, không đủ sức cạnh tranh mà giá cả ngang bằng thì Việt Nam chỉ là thị trường tiêu thụ hơn là nơi cung cấp cho các quốc gia phát triển.

Trục Hoa Kỳ, Nhật bản, Tân Gia Ba, Úc Đại Lợi và Trục Hoa Kỳ, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á tưởng như là hai mạng lưới quân sự liên minh hơn là tương tác kinh tế khiến cho các quốc gia trong khu vực liên quan được bảo đảm về mặt an ninh ít nhất là phòng bị nếu có một hành động xâm lăng nào từ một đất nước hung hăng khiến cho quyền lợi kinh tế Hoa Kỳ bị tổn thất. Đầu tháng sáu vừa qua, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đến Việt Nam, nhưng với bản chất đu dây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, Việt Cộng cũng không gặt hái được gì ngoài bản văn “Tầm nhìn chiến lược giữa Hà nội và Hoa thịnh đốn”, vì thế công cuộc phòng ngự chung để chống ngoại xâm từ Bắc phương chỉ là một ngoại lệ.

Gần đây sự xuất hiện của Ấn Độ tại Biển Đông đã nói lên tính chất mạnh được yếu thua, khai thác kinh tế của những nước phát triển hơn là bảo hộ như một số người lầm tưởng. Nói chung nhóm chóp bu Cộng Sản Việt Nam vẫn còn thần phục với Tàu Cộng rất nhiều, khiến cho tinh thần chống ngoại xâm hiện tại gặp nhiều gian nguy hơn bất cứ triều đại nào trong dòng lịch sử Việt Nam. Tập Cận Bình tuyên bố “Trung Quốc có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông. Vương Nghị tuyên bố “Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đã hình thành và phát triển qua quá trình lịch sử lâu dài” cho thấy Trung Quốc sẽ quyết giành lấy lãnh thổ khoanh vùng bởi đường Lưỡi Bò bằng mọi giá. Cuộc khủng hoảng Biển Đông không còn giới hạn ở vùng Biển Trường Sa bao gồm Việt Nam và Philippines mà bắt đầu lan rộng tới Indonesia và Úc Châu. Hoa Kỳ khống chế con đuờng chiến lược vận chuyển từ Trung Quốc tới Ấn Đô Dương qua Eo Biển Malacka cũng chỉ lo ngại giao thông hàng hải Hoa Kỳ và Tây Âu ngang qua biển đông và vùng biển Nhật Bàn bị kiểm soát bởi Trung Cộng mà thôi.

Việc Philippines kiện Trung Cộng cho thấy Philippines không thể thương thảo và tương nhượng với Trung Cộng nên chấp nhận chính sách đối đầu. Vai trò của nước Nga qua “niềm tin chiến lược” là vịnh Cam Ranh sẽ khiến Nga sát cánh với Việt Cộng cũng ngắm đến quyền lợi Biển Đông.

Còn Hoa Kỳ thì “Xoay Trục” vào năm 2012 rồi sau đổi thành “Tái Cân Bằng Lực Lượng” để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Á Châu, nhưng tất cả hành trình con thoi giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội cũng chỉ để củng cố quyền lợi của Hoa Kỳ tại Biển Đông hơn là thân thiện với kẻ cựu thù.

Kính thưa quý Quan Khách cùng quý Đồng Chí,

Ảnh hưởng của thế giới đối với Việt nam thì đa dạng bởi địa thế Việt Nam trở thành nút chận Trung Cộng tràn xuống Đông Nam Á và dân số gần 100 triệu người là nơi thị trường tiêu thụ béo bở. Tuy nhiên, Cộng Sản Việt Nam sau 4 thập niên xây dựng đất nước thì kết quả như quý vị đều biết, dù đã nắm quyền kiểm soát nhưng thực hiện một chính sách cai trị độc tài, độc đoán, chủ thuyết xa rời thực tế, kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa quá sức mơ hồ, viễn vông không đem lại thực sự thịnh vượng cho đất nước. Cách quản lý quốc gia kém hiệu quả, thiếu năng lực khiến cho chất xám càng ngày càng mất mát, tài nguyên nằm trong tay các nhà Tư bản ngoại quốc và sự lời lãi không đến phúc lợi người dân mà hầu như nuôi béo những Đảng viên cao cấp trực thuộc, khiến tình trạng tham ô trở thành quốc nạn. Hơn nữa tính chất hèn với giặc, ác với dân, giang sơn đất tổ bị bào mòn, tài nguyên quốc gia bị chia chác nên tầng lớp thanh niên Việt Nam trở thành những lao nô khắp nơi trên thế giới. Do đó, đất nước nếu còn Việt Cộng thống trị thì Việt Nam cũng chỉ là trái độn cho quyền lợi quốc tế hơn là sự tự chủ, tự cường để cùng song hành phát triển.

Kính thưa quý vị,

Từ năm 1927 Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) đã tập hợp một cách hệ thống những người có chung lý tưởng tranh đấu với sứ mệnh dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Muốn thực hiện được điều này một cách thực tế thì VNQDĐ cùng toàn dân quyết thực hiện cuộc đấu tranh toàn diện để không còn chế độ Cộng Sản tại Việt Nam, xây dựng một thể chế Cộng hòa, Tự do, Dân chủ, trên căn bản Dân Tộc theo các giá trị trưyền thống nhân bản, văn hoá, văn minh nhân loại thời đại. Lập trường và đường lối chủ trương của VNQDĐ không thay đổi từ trước đến nay là đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên, nhưng sách lược của Đảng sẽ uyển chuyển để phù hợp với thực tiễn của đất nước và quyền lợi của đại khối quốc dân.

VNQDĐ ra đời trong bối cảnh dân tộc bị đô hộ bởi thuộc địa Pháp qua một số hòa ước của triều đình Huế nên lý tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc là mục tiêu tiến tới, tự lực tự cường làm tinh thần chủ đạo. Do vậy mà hướng đi của VNQDĐ từ khởi thủy là luôn luôn mở rộng sự hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước chung quanh & khu vực, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng như sau này rất phù hợp với tinh thần Hiến chương Liên hiệp Quốc. Chúng ta sẽ cùng toàn dân thiết lập thể chế dân chủ đặt ưu tiên cao cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, hợp tác và đa dạng hóa thị trường cho công nghiệp và hiện đại hóa đất nước, đồng thời tham gia sâu rộng với các tổ chức khu vực như ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Á-Âu (ASEM) v.v. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là mượn lực từ phía ngoài để kích hoạt 90 triệu nhân dân bên trong tiến đến sự phồn vinh, nhưng nội lực vẫn là Dân tộc chủ đạo.

Với nhận thức cụ thể rằng thế giới hiện nay đang phải đối phó với những vấn đề toàn cầu như khủng bố, dịch bịnh, xâm lược biển đảo .v.v.. mà không một nước nào có thể tự đứng ra giải quyết được, Người Đảng viên VNQDĐ sẽ phải thấy rõ rằng sự hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, trong đó việc tranh đấu cho sự vẹn toàn lãnh thổ là một mục tiêu tối thượng. Để đạt được điều này, sứ mạng thiêng liêng và to tát nhất hiện nay là toàn dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước quyết tâm giải thể chế độ Cộng Sản trên quê hương trước và trên hết mới có thể thực hiện được điều mà non sông đang chờ đợi. VNQDĐ đã có Cương lĩnh, chính sách, đường hướng chủ đạo từ khi thành lập Đảng cho những kế sách và phương tiện để có thể giải trừ bất cứ chế độ phi nhân, phi dân tộc trên quê hương Việt nam. Ngày nay, Đảng Cộng Sản đang trên đà phá sản, toàn dân Việt nam mà trong đó VNQDĐ là một phần tích cực sẽ quyết tâm vận chuyển nội lực, trí tuệ và những ảnh hưởng quốc tế để giải trừ một chế độ bất nhân sớm đến ngày thành tựu.

Kính chúc quý Quan khách, quý bậc trưởng thượng và đồng hương luôn chân cứng, đá mềm để hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh chung đến ngày thắng lợi, thân kính chúc quý Đồng chí và gia quyến an lành trong tinh thần đoàn kết.

 

Trân trọng.

  Nguyễn Hồng Dũng

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt