Sách: Nguyễn Thái Học – Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống

Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Sau đây chương VII, VII, IX và X..

[Bấm vào đây đọc các chương trước]

CHƯƠNG VII

Việt Nam Quốc Dân Đảng

Trong kỳ “Toàn Kỳ Đại Biểu Hội Nghị” ấy, mỗi đại biểu đều đem đem tỏ bày một bản dự thảo riêng của nhóm mình về chương trình, điều lệ của Đảng. Chúng tôi đã phải làm việc suốt hai đêm ròng rã. Kết quả, những ý kiến riêng đã hun đúc lại thành một kỷ cương chung. Trước kia, Đảng chỉ mới là một ý định mơ hồ. Đến bây giờ, mới có đủ một hình thức, một tinh thần rõ rệt.

Đảng lấy tên là “Việt Nam Quốc Dân Đảng” theo đề nghị của anh em Hà Nội. Người vào đảng phải làm lễ phát thệ, theo đề nghị của anh em Thanh Hóa…

Mục đích là liên lạc tất cả các anh em đồng chí, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền Độc Lập cho nước Việt Nam.

Cách tổ chức thì mỗi chi bộ gồm nhiều nhất là mười chín người. Vì theo pháp luật hiện hành, sự hội họp quá mười chín người phải xin phép trước. Mỗi chi bộ chia làm bốn ban: ban Tài Chính, ban Tuyên Truyền, ban Trinh Thám và ban Tổ Chức. Rồi bầu lấy một người chi bộ trưởng và một người đại biểu lên tỉnh bộ. Người trong tỉnh bộ gồm có các đại biểu của chi bộ. Cũng chia bốn ban. Cũng bầu bộ trưởng. Và cũng một người thay mặt cho anh em để dự vào đảng bộ cấp trên. Cấp trên là kỳ bộ, nguyên tắc tổ chức cũng như ở dưới. Rồi mỗi kỳ bộ sẽ cử lên một số đại biểu để họp thành Tổng Bộ. Tổng Bộ, cơ quan tối cao của Đảng, so với các đảng bộ dưới, có thêm ra bốn ban: ban Binh Vụ, ban Ngoại Giao, ban Giám Sát và ban Ám Sát.

Suốt trong thời kỳ Anh Học còn, vì sự tuyên truyền chưa lan được khắp Trung, Nam, nên Tổng Bộ chỉ là Kỳ Bộ miền Bắc tạm quyền công việc. Đã một hồi tại Sài Gòn và mấy tỉnh đường trong, có lập được ít nhiều chi bộ. Nhưng Kỳ Bộ miền Nam chưa hề có cử người về Tổng Bộ. Hai nơi chỉ là cùng nhau liên lạc mà thôi. Tổ chức thì thế, còn chương trình hoạt động thì chia làm ba thời kỳ:

– Thời kỳ thứ nhất là phôi thai, làm trong vòng bí mật.
– Thời kỳ thứ hai là dự bị, làm trong vòng bí mật.
– Thời kỳ thứ ba là phá hoại, tức là đánh đổ đối phương.

Xét ra thì cách tổ chức của Đảng lúc ban đầu hoàn toàn theo lối dân chủ đại nghị. Nó rất giống với cách tổ chức của đảng Tân Việt Cách Mệnh. Kỳ thực thì cả điều lệ lẫn chương trình, phần nhiều là châm chước theo đề nghị của anh Hoàng Văn Tùng (1), đại biểu Thanh Hóa. Anh Tùng vốn là bạn thân của anh Tôn Quang Phiệt, người bên Tân Việt… Hoặc giả đề nghị của anh đã dựa theo đảng cương bên Tân Việt, cũng chưa biết chừng! Cho cả đến lễ phát thệ, anh em “đường ngoài” lúc trước cũng chưa hề nghĩ đến bao giờ.

“Trước giang sơn Tổ Quốc, trước mặt anh em đồng chí, tên tôi là (mỗ), (bao nhiêu) tuổi, thề hy sinh cho Đảng, xin giữ bí mật của Đảng, xin phục tùng mệnh lệnh của Đảng, không được tự do ly Đảng. Nếu sai lời xin chịu tử hình!”

Lời thề ấy đã làm tim tôi bao nhiêu lần hồi hộp, mỗi khi đi chứng kiến sự thành lập một chi bộ gồm có các đồng chí sáu, bảy chục tuổi, đầu tóc bạc phơ! Hay một chi bộ nhà binh, thường là các hạ sĩ quan, trên vai đóng ngà vàng lấp lánh. Bởi vì là một đảng bí mật, nên chúng tôi hết sức tránh việc giấy tờ. Đảng viên không có danh sách. Các kỳ họp cũng không có lập biên bản. Chương trình nghị sự, xong buổi họp rồi đốt đi. Có ai ngờ kín đáo như vậy, mà ngay từ khi đảng chưa thành hình, Ty Mật Thám đã mong manh biết. Kẻ tố cáo đầu tiên, than ôi, lại là một trong những thanh niên trí thức: Nguyễn Quốc Túy tiên sinh!

————-
(1) Anh Tùng bị bắt năm 1929, mất trong Hỏa Lò.

CHƯƠNG VIII

Nguyễn Quốc Túy

Như trên đã nói, hồi ấy, các sinh viên Cao Đẳng thường cùng chúng tôi làm chung nhau mọi việc vận động có màu sắc chính trị. Trong các anh ấy, có một nhóm lấy cụ Nghè Ngô Đức Kế làm lãnh tụ. Trong đám đồ đệ của cụ, có ba anh tỏ ra vẻ sốt sắng nhất: Trần Tiến Vỹ, Nguyễn Quốc Túy, và anh Nguyễn Văn Phùng. Trừ anh Phùng ra, người ta nói bọn kia thường mượn màu ái quốc để mưu đồ cả lợi lẫn danh. Tuy lúc nào cũng bô bô là đi với anh em lao động, nhưng họ đã sống một cuộc đời thật trưởng giả! Đi tất ô tô! Ngủ tất nhà ả đào hay phòng khách sạn! Và ăn thường là ở cao lâu khách hay hàng cơm tây! Ấy là mỗi khi họ đi công căn một tỉnh nào! Tiền đâu mà họ ăn xài lớn vậy? Vì họ không phải con nhà giàu. Họ đã lạm dụng lòng tin, lòng tốt của mọi người. Họ đã ăn chơi bằng những tiền họ đi quyên. Lúc thì quyên giúp anh em trường Bưởi bãi khóa! Lúc thì quyên giúp anh em trường Bách Nghệ đình công. Lúc thì quyên giúp anh Phạm Tất Đắc ở tù vì tội viết và xuất bản cuốn “Chiêu Hồn Nước”. Nhưng người ta không ngờ đến rằng trong đó lại có kẻ hạ mình quá thấp đến địa vị trành, chó!

Tôi còn nhớ trong hồi xảy ra vụ Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phùng thình lình bị bắt. Sau khi được tha, Phùng lên thăm chúng tôi ở Nam Đồng Thư Xã. Khi ra về, Phùng buồn rầu mà nói:

– Các anh phải coi chừng! Mật thám ở ngay bên mình chúng ta đó! Không vào “trong ấy”, không ai có thể tưởng tượng được mực đê tiện của giống người!

Tôi hỏi:

-Ai vậy?

Phùng đáp:

– Nói ra không tiện! Nhưng anh cứ yên lòng, vì không phải ở trong đám các anh.

Lời Phùng nói làm tôi nặng một mối ngờ. Cho mãi đến năm 1929, một hôm ở trong Hỏa Lò, người ta đã gọi lên cho dở coi hồ sơ của mình để mà viết bài tự bênh vực, tôi mới biết rõ ý nghĩa của câu Phùng nói.

Trong hồ sơ, tôi thấy kèm có hai tờ khai của Túy trong năm 1927. Mới đầu năm với cuối năm, mà Túy đổi khác như hai người.

Đầu năm ấy, nhân dân đất Bắc định đón cụ Phan Bội Châu ra chơi. Túy cùng mấy anh em nữa, đưa ô tô vào mời cụ. Ra đến Vinh, mật thám rước cụ quay về và giữ Túy lại hỏi.

Đại khái Túy đáp:

– Ông cử Can dựng lên “Đông Kinh Nghĩa Thục” thật, nhưng bây giờ ông ấy già rồi, vừa nhút nhát, vừa gàn dở! Ông Hoàng Tăng Bí thì có gì! Khi xưa vào nghĩa thục cũng là bị lôi cuốn theo phong trào! Còn bây giờ thì chỉ muốn yên thân! Lại làm thuê cho lão Nguyễn Văn Vĩnh, là người đối với quốc dân mất hết tín nhiệm! Riêng cụ Ngô Đức Kế là tay cách mệnh sáng suốt, lúc nào cũng cương quyết, vững bền, không dễ lấy tiền mà mua chuộc được! Vì vậy chúng tôi năng lui tới nhà cụ, để nghe lời chỉ bảo. Còn các tay chí sĩ khác ở các miền nhà quê, thường vẫn giúp tiền chúng tôi. Các thanh niên đi lại với chúng tôi, đều bị liệt tên vào sổ đen. Thế nhưng nào có chuyện gì! Ngoài sự tập võ Tàu, võ Nam ra, toàn là chuyện phiếm cả!… Tôi không thân với Cơ-lê-măng-ty, vì tôi cho hắn là kẻ muốn lợi dụng lòng ái quốc của chúng tôi để kiếm chác! Còn bọn Nam Đồng Thư Xã cũng chẳng hơn gì!…”

Hùng hồn thay! Trong khi đối đáp ấy, Túy thực đã “mắt xanh chẳng để ai vào!” thực đã “mục không nhất thế!”

Thế mà đến hồi tháng 9, khi bị trục xuất khỏi Bắc Việt, vì cớ hay nhúng tay vào các việc chính trị – nhúng tay trước để mút tay sau! – Túy đã nằn nì với R. mật thám:

– Xin ông cho tôi ở lại! Tôi sẽ xin báo cho ông biết những tin quan trọng lắm kia!

R. cười khẩy, đáp bằng một giọng mỉa mai:

– Quan trọng à? Về qua Vinh anh sẽ khai với quan chánh mật thám Vinh. Ngài còn nhớ anh đấy!

Ấy thế mà khi qua Vinh, Túy cũng khai nữa! Trong các điều quan trọng mà Túy khai, tôi nhớ có câu này: “… Hôm trước đây, người bạn đồng song của tôi là Nguyễn Thái Học, có đến rủ tôi vào một hội kín mà mục đích là dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân. Trong hội kín ấy có cả Nhượng Tống và Phạm Tuấn Tài…”

Về Phùng, chắc Túy cũng không tha! Cho nên Phùng mới phàn nàn với chúng tôi.

Dưới tờ khai của Túy, sở mật thám có chua mấy câu: “Tên Túy này là một tay cáo mật chuyên môn! Mỗi lần ra sở mật thám là một dịp hắn tâu nạp tấn công. Hôm trước bị bắt về việc Hải Phòng, Túy đã cho chúng ta nhiều tin. Và hứa mỗi khi biết chuyện gì nữa sẽ có thư trình sau. Thư ấy sẽ không ký tên, và đánh một chữ “thập” làm dấu.

Cho hay những hạng đê hạ ở đời, dù được việc cho người ta, mà người ta vẫn coi thường, coi rẻ! Cái ấy, tục gọi là “thiên lý tại nhân tâm”.

CHƯƠNG IX

Việc Hải Phòng

Tôi vừa nói đến việc Hải Phòng.

Vào khoảng tháng 8 năm 1927, ở Hải Phòng không hiểu tại vì sao, xảy ra việc Việt, Hoa xung đột. Người ta kéo bè đánh người Tàu ở ngoài phố, rồi đến sấn vào phá phách các cửa hàng.

Có người cho đó là thủ đoạn của nhóm thực dân Pháp. Họ bỏ tiền ra thuê bọn du côn gây sự lôi thôi. Nếu người mình giết kiều dân Tàu ở bên này, thì chính phủ Tàu hoài hơi đâu mà giúp đỡ cho bọn cách mệnh Việt Nam ở bên ấy! Biết cái mưu cay độc ấy, anh em Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí mà Tổng Bộ đặt ở Quảng Châu, liền rải truyền đơn vào đêm 22 tháng 8. Trong truyền đơn nói rõ các tình tệ, cuối cùng khuyên người mình, người Tàu, cùng giống da vàng, không nên mắc mưu mà làm những việc vô ý thức như thế! Trái lại, nên đồng tâm hiệp lực mà tẩy uế chế độ thực dân là mối hại chung! Truyền đơn ấy rải ra, người Hải Phòng bị bắt lung tung. Ng. M. B., một văn sĩ kiêm y sĩ, liền tâu với sở mật thám là có lẽ do anh Phạm Tuấn Tài rải…

Nguyên chúng tôi khi ấy thấy việc Việt, Hoa xung đột cũng sốt ruột. Sợ nó lan lên đến Hà Nội, liền phải tìm phương đối phó. Một mặt, nhờ các anh em du côn lảng vảng canh các phố Khách, nhất là các hiệu ăn. Nếu kẻ nào đến tìm cách sinh sự với người khách, anh em sẽ thẳng tay trừng trị ngay. Một mặt, đến bảo các ông Bang trưởng thông tri cho các người Tàu: “ Nếu gặp người Việt Nam nào sinh sự thì đừng đối đáp lại một cách nóng nảy quá! Tự nhiên sẽ có đồng bào chúng tôi đến can thiệp và hòa giải”. Nhưng còn muốn điều tra cho thật rõ nguyên nhân, chúng tôi liền cắt anh Học và Tài xuống Cảng xem xét tận chỗ. Nhân thể đi tuyên truyền hai hạt Hải Phòng, Hải Dương. Các anh đi hôm 24, về hôm 26. Đến 28 thì mật thám đến khám Nam Đồng Thư Xã và bắt anh Tài đem đi. Đó là kết quả về lời trình của B. B. chỉ quen có Tài, nên không tâu gì về Học. Nếu không, Học cũng bị bắt rồi, còn chi! Nhưng khi giải đến Cảng hỏi, thì họ biết là truyền đơn chẳng rải tự tay Tài. Việc đã xảy ra từ ngày 22, nghĩa là hai ngày trước khi tài có mặt ở đây. Vả lại khi khám Thư Xã cũng không bắt được tang vật gì khả nghi cả. Họ liền tha anh Tài về. Tuy vậy, từ đấy anh cũng bị chú ý nhiều hơn trước. Họ cho việc để anh dạy học ở trường Đỗ Hữu Vị, một trường tập sự của các viên giáo tập, là khá bề lợi hại! Họ rắp tâm đổi anh đi xa hẳn đất Thăng Long.

CHƯƠNG X

Việc Bắc Ninh

Ngoài việc Hải Phòng, hồi ấy còn có một việc nữa là việc Bắc Ninh.

Muốn cho hạ cái khí bất bình của cả một dân tộc đã chứa chất lại bao năm, một số anh em thảo dã, anh hùng ở Bắc Ninh, mưu tính làm một việc khởi nghĩa. Đứng đầu việc ấy là ông Quản Trạc, và giúp sức vào có cả các dư đảng của Hoàng Hoa Thám khi xưa. Anh em chế bom; anh em rèn gươm, dao. Anh em định lấy hai điểm: Bắc Ninh và Đáp Cầu. Nghe chúng tôi ở Hà Nội có ít nhiều đồng chí, anh em liền phái người sang nhờ chúng tôi giúp sức.

Gặp nhau trên gác Nam Đồng, tôi bảo người sứ giả:

– Dù cho lấy được hai nơi ấy nữa, chỉ trong ba hôm, chúng ta sẽ bị đè bẹp: Gần Hà Nội quá!

Sứ giả đáp:

– Phần thua thì cầm chắc, nhưng ít ra nó cũng ảnh hưởng được bằng việc Thái Nguyên.

Tôi nói:

– Dân ta còn yếu lắm! Yếu vì thiếu tổ chức. Hiện nay các đồng chí xa gần đương bắt đầu tổ chức. Đó là một hy vọng. Nếu việc các ông làm mà hỏng, nhóm thực dân tất hạ độc thủ với các nhóm bí mật. Một khi tan rữa, các nhóm ấy gây dựng bao giờ cho lại? Thời chưa đến. Việc các ông làm thấy lợi ít mà hại nhiều.

Sứ giả cười:

– Ông còn trẻ, ông có thể đợi thời! Anh em chúng tôi phần nhiều đứng tuổi cả rồi, không làm ngay, sợ xương mục cũng như cây cỏ!

Biết thế trận gay go, tôi xoay mặt khác:

– Thôi, cũng phải! Thế nhưng việc Thái Nguyên là làm ra từ tay quân đội sẵn súng. Muốn làm được thế, các ông đã tuyên truyền được binh sĩ làm nội ứng chưa?

Sứ giả đáp:

– Ở Bắc Ninh đã được vài ông Đội. Ở Đáp Cầu thì phần nhiều là lính Tây với lính Lê Dương cả. nhưng anh em cũng đã có ít người.

– Vậy phương lược tiến công các ông định ra sao?

– Chúng tôi định đánh ở ngoài vào. Nửa đêm anh em sẽ đem bom ném vào các trại. Và nhân lúc chúng rối loạn không đề phòng, ta sẽ ra tay. Sáng ngày sẽ lấy súng, đạn, đánh Hà Nội!

Tôi mỉm cười.

– Tôi thì không tin như thế. Tôi cho rằng đồn nào nó cũng có lính gác, và có tường, có rào cẩn thận. Trong lúc anh em tiến vào, lính gác sẽ hô: “Muốn sống thì dừng lại!” Không dừng…, chúng bắn. và chúng hô thêm người bắn. Gươm, dao, đòn đoản, chống đòn trường sao được! Anh em sẽ có kẻ quăng cả dao mà chạy! Sáng hôm sau, các báo sẽ đăng là: “Đêm qua hai đồn 15

Nguyễn Thái Học

lính Bắc Ninh và Đáp Cầu suýt mất trộm. May lính gác không ngủ, bắn súng ra thì kẻ trộm ù chạy, quăng lại mấy con dao bây!” Ấy thế! Làm gì có tiếng tăm được bằng việc Thái Nguyên!

Giọng nói hài hước ấy đã làm cho sứ giả mặt nẩy hồng quang! Và cũng làm cho tôi suýt nữa mất đầu! Số là đến khi anh em họp bàn thì đa số quyết nghị là nên đem toàn lực ra giúp anh em bên kia. Tôi và anh Vũ Hiển viện bao nhiêu lý do ra đều vô công hiệu.

Câu hỏi cuối cùng của tôi

– Cố nhiên là chúng ta không sợ chết rồi, nhưng xin hỏi các anh: chúng ta làm việc cốt được việc hay cốt lấy chết?

Một anh trả lời tôi:

– Chúng ta hãy làm lấy chết đã! Sẽ có những người tiến sau ta làm lấy được việc!

Sau một tràng pháo tay, đến một hồi bốn tường im phắc. Tôi và anh Hiển thở dài cúi đầu để anh em cắt việc. Việc của tôi là phải thảo một tờ hịch. Thảo xong, giao xong, tôi nằm trên gác Nam Đồng mà chờ chết!

Nhưng cái chết đã không tới. Vì cái mưu của anh em bên Bắc bị bại lộ, và khắp nơi xảy ra những việc khám nhà, bắt người!

Mấy hôm sau, anh Hiển bảo tôi:

– Anh có biết không? Anh em bên Bắc yêu cầu giết anh với tôi trước khi khởi sự ở Hà Nội.

Từ đấy, anh Hiển không làm việc với chúng tôi nữa. Có lẽ vì thấy anh em nóng nảy quá, có thể gây cho anh cái chết chẳng đành lòng.

Về việc này, một tên thám tử chơi với Anh Học – tên nào? – có hót với chủ rằng: “Việc Bắc Ninh, nếu không có Học ngăn lại, thì đã xảy ra rồi!”

Câu ấy đã hoàn toàn không đúng với sự thực.

[bấm vào đây đọc chương kế tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt