Dựng Bia Tưởng Niệm Liệt Sĩ VNQDĐ tại Guyane, Nam Mỹ (3)

Cách đây 80 năm, ngày 10-02-1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng chính sức mạnh của dân tộc mình đứng lên Tổng Khởi Nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại hàng ngàn đảng viên ưu tú đã bị bắt và bị đày đi côn đảo… Trong đó có một vùng côn đảo xa xôi tận Nam Mỹ gọi là Guyane thuộc Pháp đã lưu đày biệt xứ 325 chiến sĩ Yên Bái và những anh hùng dân tộc này đã vĩnh viễn nằm xuống chốn rừng sâu Amazon. Nhân dịp 80 năm tưởng niệm ngày Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ (1930-2010)  Phái đoàn VNQDĐ đã thể hiện tưởng niệm Tổng Khởi Nghĩa một cách cụ thể bằng cách đến Guyane, Nam Mỹ để dựng bia tưởng niệm 525 anh hùng dân tộc, trong đó có 325 anh hùng VNQDĐ đã bị lưu đày biệt xứ và vĩnh viễn nằm lại nơi đây….Mời quý vị đọc 5 bài phóng sự đặc biệt của trang nhà https://www.vietquoc.org
Bài 3: Nơi đặt chân đầu tiên của những anh hùng Yên Bái bị lưu đày đến Guyane, Nam Mỹ.

Phái đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng đi dựng bia tưởng niệm
những nhà yêu nước tại Guyane, Nam Mỹ
(Phóng sự đặc biệt – Bài 3)

Lời mở đầu: một loạt bài phóng sự của anh Lê Hoành Sơn, người cùng phái đoàn “dựng bia tưởng niệm 525 nhà yêu nước Việt Nam” tại Guyane, Nam Mỹ, Những anh hùng dân tộc này đã bị lưu đày biệt xứ đến vùng rừng thiêng nước độc của rừng thuộc rặng Amazon tháng 5/1931, đã bỏ mình nơi xứ lạ quê người…79 năm qua họ bị bỏ quên, không một mộ bia, không một nén hương, không một lời cầu nguyện v.v…Ngày 30-01-2010 phái đoàn VNQDĐ đã đến dựng bia tưởng niệm cho các anh hùng Việt Nam đã bỏ mình cho nền độc lập của dân tộc đặc biệt các liệt sĩ VNQDĐ sau cuộc Tổng Khởi Nghiã Yên Bái 10/02/1930 do VNQDĐ lãnh đạo. 

Bài 3: Viếng thăm nơi đặt chân đầu tiên của những anh hùng Yên Bái
bị lưu đày đến Guyane, Nam Mỹ
Ngày thứ Năm (28/01/2010)

Đây cũng là một đại lao khét tiếng dã man của chế độ Thực Dân – Những dãy nhà chúng ta nhìn thấy là nhà tù chuyển tiếp, phiá tay trái bên trong có cổng sắt thì toàn là chuồng cọp, người tù Papillon bị nhốt ở chuồng cọp số 47

28/01/2010 chương trình đi đến Saint-Lauren Du Maroni, vùng giáp ranh với Surinam thuộc địa Hoà Lan, sông Maroni là biên giới giữa hai nước, cửa sông Maroni đổ ra biển Atlantic và đó cũng là bến cảng St-Lauren. Tháng 5/1931 tàu Martinière đã chở 525 chiến sĩ lưu đày biệt xứ người Việt đến bến cảng này sau 44 ngày lênh đênh trên biển cả. Tại đây có Khám Đường Saint- Laurent một nhà lao khét tiếng của chế độ thực dân Pháp, trước cổng có treo bản hiệu lớn Camp De La Transportation (Trại Trung Chuyển), thật ra gọi đây là Trại Trung Chuyển thì không đúng lắm vì trong này có chuồng cọp nhốt người tù Papillon (tác phẩm nỗi tiếng của  Alfred Dreyfus và Henri Charrière). Từ Khám Đường Saint-Lauren sau đó mới chuyển đến những trại tù khổ sai chung thân tận rừng sâu nước độc Amazon tại Guyane. Vậy thì 525 nhà yêu nước Việt Nam trên chiếc tàu Martinière đã đặt chân lên đây đầu tiên (cũng có một số bị chia xuống cảng Cayene). Bây giờ khu này trở thành một nơi du lịch và là khu di tích lịch sử được Unesco thừa nhận vào năm 2008. Khám Đường Saint-Lauren cũng là nơi tập trung của những tù nhân Nhà Lao An Nam sau khi chính phủ thực dân ra lệnh đóng cửa, nhưng phải “biệt xứ” không được về cố hương ở tại Guyane để làm việc, ngày đi làm tối về đây ngủ trong trại. Nếu ai chịu lập gia đình với người đàn bà thổ dân người Guyane mới được ra ngoài sinh sống, vì vậy cho nên ở Saint-Laurent có Làng Đông Dương (Village Chinois), và cách St-Laurent chừng 10 cây số đi về hướng Mana gần biển, có làng Javaihey người da đen gốc Việt Nam, mang họ Việt, trên khuôn mặt vẫn còn những nét đặc thù của người Việt Nam, nhưng không nói được tiếng Việt.

Biểu tình đình công rất lợi hại của người Pháp Guyane, phái đoàn VNQDĐ đi dựng bia tưởng niệm đang thương lượng ở trạm số 2 để đi qua

Trở lại chuyến đi St-Lauren đầy nghịch cảnh mà thích thú! khởi hành lúc 8:00 sáng, xe vừa chạy về hướng đi Saint-Lauren chưa đầy 15 km thì thấy một toán người dân địa phương dùng hai xe vận tải lớn châu đầu vào nhau khóa chặt lưu thông trên xa lộ cùng với những biểu ngữ đòi hỏi một yêu sách gì đó, nội bất xuất ngoại bất nhập, chỉ có xe cứu thương và chửa lửa mới được đi qua. Đó là cách đình công của người Pháp ở Guyane! khoá chặt hết các hệ thống giao thông làm tê liệt sinh hoạt xã hội hầu áp lực với chính quyền khi muốn đòi hỏi một điều gì đối với chính quyền. Lối đình công này rất lợi hại, nếu chính quyền không tìm cách điều đình thì chợ không đông, nhân công không đi làm việc, công chức ở nhà, chính phủ không giải quyết vấn đề hành chánh, ngân hàng không nhân viên giao dịch v.v.. nên chính quyền phải thương lượng giải quyết những yêu sách càng sớm càng tốt.

Dĩ nhiên chúng tôi đi Saint-Lauren cũng chịu chung một số phận, bị chận đường! Nhưng “cùng tất biến, biến tất thông”, một ngày đối với phái đoàn rất là quan trọng. Nhờ sợi dây đeo bản tên mang trên cổ có hình cờ vàng ba sọc đỏ do bác Thanh Sơn làm quà tặng cho các anh em trong đoàn, và nhờ tấm bia khổ nhỏ của VNQDĐ, nên phái đoàn tự xưng là phái đoàn “thiện nguyện” đang thực hiện công tác nhân đạo, các cơ quan truyền thông và truyền hình đang đưa tin đình công thấy lạ đến chụp ảnh phỏng vấn lia lịa, chụp hình luôn cả một tấm bia tưởng niệm các anh hùng VNQDĐ đưa lên đài truyền hình RFO (Reseau France Outer-mer). Và cũng nhờ thế mà phái đoàn được phép qua trạm đình công đầu. Tuy nhiên trạm đầu không phải hết, đụng trạm đình công thứ 2 lớn hơn, phiền toái hơn vì nó nằm trên trục lộ chính của Guyane muốn qua không phải dễ, chúng tôi vẫn dùng chiến thuật cũ, năn nỉ, đưa passport, vé máy bay, thư mời tham dự buổi lễ dựng bia tưởng niệm các nhà yêu nước Việt Nam, nội dung tấm bia, và nói đến mục đích chuyến đi…. Người chủ tịch công đoàn đình công tại trạm đó cũng không có thẩm quyền phải hỏi ý kiến người biểu tình bằng cách đọc thư mời của phái đoàn để lấy ý kiến chung của đoàn biểu tình, sau khi nghe đọc thư mời nhiều tràng vỗ tay hoan nghênh của đồng bào địa phương và họ đồng ý cho đoàn “thiện nguyện” được đi qua. Thế là vô tình lại được Radio và truyền hình RFO đọc quảng cáo mời các con cháu Nhà Lao An Nam đến tham dự buổi lễ tưởng niệm các anh hùng dân tộc vào ngày thứ Bảy 30/01/2010. Chúng tôi trong đoàn ai cũng thầm nghĩ nhờ hồn thiêng sống núi của các cụ phù hộ!

Anh em đang đứng ở cổng sắt khám đường Saint-Lauren nhờ người hướng dẫn chụp tấm hình lưu niệm trước khi rời nơi đây (Ảnh vietquoc.org 28-01-2010: từ trái sang phải Hoàng Linh (chủ xe đò Hoàng) Tổng Bí Thư VNQDĐ Lê Thành Nhân, Bác Thanh Sơn, Chí Linh, Phục Việt), Tâm Thiện và chị Lê Quý An)

Qua trạm đình công này, xe trực chỉ St-Laurent Du Maroni để viếng thăm nhà tù đầu tiên các nhà yêu nước Việt Nam đặt chân xuống vùng lưu đày biệt xứ Guyane. Saint-Lauren cách nhà trọ gần 250 km, đến nơi là gần 12 giờ trưa, đã trễ giờ vào thăm Khám đường Saint-Lauren, phái đoàn chỉ đi thăm bên ngoài và biết tổng quát về Khám Đường Saint-Lauren, phải đợi 3:15 chiều mới mua vé vào được. Thấy quá trễ cho công việc, lại một màn ngoại giao năng nỉ với bà giám đốc điều hành trung tâm du lịch xin bà thông cảm cho hướng dẫn viên mở cửa trình bày cách thức sinh hoạt Khám Đường Saint-Lauren, bà đã chấp nhận đặc biệt cho phái đoàn “thiện nguyện” được vào thăm ngoài giờ  làm việc….. Hướng dẫn viên là một người da đen nói tiếng Anh rất lưu loát, có lương tâm nghề nghiệp, tận tâm với khách đến thăm, tận tình giải thích từng chi tiết…Khám Đường Saint-Lauren là một đại lao với nhiều chuồng cọp, có chỗ xử tử chặt đầu bằng máy chém, nhà ăn và nhà nguyện trước khi hành quyết, cổ máy chém ….và đặc biệt là chuồng cọp số 47 nhốt người tù Papillon. Chắc chắn rằng những nơi gian khổ này các nhà yêu nước Việt Nam đã từng trải qua! Vì trong một chuồng cọp có hình vẽ chiếc tàu Matinière (tàu đã chở 525 nhà yêu nước bị lưu đày đến đây). Nhìn lại thấy những gì ở đây có thì nhà tù Cộng Sản đều có cả mà Việt Cộng lại chế biến tinh vi và độc ác hơn.

Lại một ngày bị đói vì ăn muộn, đi tìm tiệm ăn ở đây cũng khó, phải chạy vòng vòng khắp mấy đường cuối cùng tìm ra một quán ăn còn mở cửa, khi bước vào còn đúng 5 người khách cuối cùng, phái đoàn bắt chuyện làm quen thì may gặp ông xếp lớn của trung tâm du lịch của Khám Đường Saint-Lauren nói tiếng Anh thành thạo. Cũng đưa thư mời, cũng nói mục đích chuyến đi để mong giúp đỡ, đặc biệt khi ghé qua văn phòng du lịch chúng tôi đã trao một tấm bia đồng khổ nhỏ và yêu cầu họ gắn lên tường Khám Đường Saint-Lauren để tưởng niệm các nhà yêu nước Việt Nam đã đặt chân đến đây với nội dung bằng 3 ngôn ngữ Việt-Pháp-Anh:

VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG (V.N.Q.D.Đ)

Đời đời ghi ơn các đồng chí, những anh hùng dân tộc chiến đấu cho nền độc lập Việt Nam,
đã bị lưu đày và bỏ mình nơi đây sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy
ngày 10-02-1930 do V.N.Q.D.Đ lãnh đạo.

Tổ quốc ghi ơn
Đồng bào tưởng nhớ

LE PARTI NATIONALISTE DU VIET-NAM (V.N.Q.D.Đ)

à jamais reconnaissant envers tous ses camarades, héros du peuple,
luttant pour l’Indépendance de la Patrie, exilés à perpétuité et ayant perdu âme et corps en cette terre, après le soulèvement général de la Révolte à Yên-Báy,
le 10 Février 1930, sous la direction du V.N.Q.D.Đ

Toute la Patrie reconnaissante.
Le Peuple entier commémorant.

VIETNAMESE NATIONALIST PARTY (V.N.Q.D.Đ)

Engraved deeply on your comrades’ memory, the heroes of Vietnam,
who made an uprising which was led by the V.N.Q.D.Đ in Yên Báy on February 10, 1930
and sacrificed their lives at Annamite Prison, French Guiana for National Independence

Comrades of Vietnamese Nationalist Party
Vietnamese People Memory

Montsinéry-Tonnegrande,  29-01-2010
Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng
https://www.vietquoc.org

Ông giám đốc du lịch hứa sẽ giúp đỡ tận tình khi nhận được thư chính thức yêu cầu, và người hướng dẫn viên cũng hứa sẽ chụp hình gửi về sau khi tấm bia nhỏ đã gắn lên tường của Khám Đường Saint-Lauren.

Truyền hình và báo chí Pháp phỏng vấn anh Lê Thành Nhân và phái đoàn đi “dựng bia tưởng niệm và tìm lại con cháu những người tù Yêu Nước An Nam” (ảnh vietquoc.org 28-01-2010)

Chắc chắn phải có hồn thiêng của mấy cụ phù hộ, nên sự việc không dừng lại ở đây, với chức vụ giám đốc trung tâm du lịch lớn, quen biết rộng rãi với các cơ quan truyền thông, báo chí. Ông là người da đen gốc Trung Hoa, cảm tình với những người có đạo nghĩa với tiền nhân ông từng nói “Tôi gốc người Hoa, nhưng chưa thấy người Hoa nào làm việc như quý vị là người Việt đang làm”….ông tự động dùng  điện thoại cầm tay gọi liên tục… Độ một giờ sau, phóng viên truyền hình RFO, truyền thanh của Guyane, báo Frence-Guyane đều kéo đến làm cuộc phỏng vấn phái đoàn tại Restaurant trong đó có anh Philippe Tran Van Can, cháu chắt của các cụ Nhà Lao An Nam. Một lần nữa lại truyền hình RFO, báo France-Guyane, Radio Guyane được dịp đưa sự việc này lên công cộng suốt từ thứ Sáu đến cuối tuần. Tờ báo lớn nhất Guyane, France-Guyane đã chạy hàng tít lớn vào ngày thứ Bảy, 30-01-2010: “Sur les trace des déportés Vietnamiens” (Lần theo dấu vết người tù lưu đày Việt Nam), nội dung bài báo gây cảm tình cho nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn.. Một nhà nghiên cứu lịch sử, chủ tịch một hội thiện nguyện Saint-Lauren có biệt danh Papa Gé từng thực hiện hai cuốn phim về Nhà Lao An Nam từ năm 1931-1933 đã gọi điện thoại chia xẻ và ngưỡng mộ việc làm và hứa sẽ tặng hai cuốn phim lịch sử cho phái đoàn.

Trời đã gần tối, anh Philippe Tran Van Can hướng dẫn chúng tôi đến thăm thân nhân gia đình các con cháu Nhà Lao An Nam tại vùng này, phần đông họ sống nghèo nàn với nghề đánh cá, không có cơ hội đến trường, trên khuôn mặt còn nguyên nét người Việt Nam nhưng họ biết rất ít về Việt Nam, không nói được tiếng Việt, văn hóa Việt còn lại chỉ là bàn thờ với những hình ảnh từ bao đời để ghi lại trong tâm khảm của họ những kỷ niệm hằng sâu…một tình cảm xao xuyến trong lòng tôi đối với người yêu nước bị bỏ rơi, một nỗi ám ảnh buồn tủi cho con cháu những người yêu nước bị lưu đày không được đền bù chút gì dù rất nhỏ. Chúng ta phải làm cái gì tốt hơn cho những người đã xả thân cứu nước?

Lê  Hoành Sơn

[Bấm Vào đọc Bài Trước – 2]

(Bấm vào đọc tiếp bài 4)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt