Việt Nam với Giấc mơ Mỹ: Xa hay Gần?

APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng là sự kiện lớn ở Việt Nam với nguyên thủ của các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung , Nhật, Nga… tham dự.
Tôi theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump được phát trên YouTube.
Tôi nghĩ về “Giấc mơ Mỹ”. Tôi không còn trẻ để mơ mộng.
Câu chuyện tôi kể sau đây cùng các bạn là “Giấc mơ Mỹ” đến với tôi và thay đổi trong tôi như thế nào cho đến nay?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Không biết gì về “Giấc mơ Mỹ”.

Chết chóc, đau thương, khó khăn gian khổ là những gì chúng tôi nếm trải. Tôi may mắn học hết phố thông trung học. Nước Mỹ là kẻ thù.

Tôi là một trong số không nhiều thanh niên, lần thứ hai may mắn, được sang Liên Xô cũ học đại học. Chúng tôi được “bao cấp” với học bổng sinh viên bằng lương tối thiểu lúc bấy giờ ở Liên Xô là 60 rúp, đủ ăn, mặc đi xem phim vào cuối tuần.

Khi đó chưa có Internet, “Giấc mơ Mỹ” chưa đến với tôi. Trong các bài giảng kinh tế chính trị thầy giáo cho biết tỷ giá hối đoái 1 đô la Mỹ đổi được 0,8 rúp.

Một số sinh viên ngoại quốc đến từ phương Tây hoặc con nhà giàu có đến từ Syria, Ai Cập… học cùng chúng tôi, mặc quần bò “Levi”s”, hút thuốc lá Marlboro, nhai kẹo “cao su”…, vì họ có đô la Mỹ, được mua “hàng tư bản”tại các cửa hàng quốc tế Intershop. Nước Mỹ là giàu có.

“Nước Mỹ vẫn còn xa”

Tôi về nước, sau tốt nghiệp đại học. Việt Nam đã thống nhất. Mặc dù có “đổi mới”, song kinh tế vẫn nghèo nàn, khó khăn, đặc biệt sau khi hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, trong đó có Liên Xô cũ, sụp đổ năm 1991.

Nhiều thầy, cô giáo đại học giảng về kinh tế chính trị nói về đô la, nhưng chưa từng được “cầm”, chứ đừng nói được “tiêu” đô la thật. Nước Mỹ vẫn còn xa.

Nước Mỹ vẫn còn xa…..

Khi Đảng cộng sản phát động cải cách mở cửa, chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang thị trường, bắt đầu từ khoán trong nông nghiệp rồi đến kế hoạch 2, kế hoạch 3 trong công nghiệp.

Các nhà tư bản bắt đầu mang vốn vào đầu tư, hàng hóa nhiều lên. Kinh tế dễ thở hơn. Tôi cũng bắt đầu thay đổi. Hồi còn sinh viên, chúng tôi được dạy rằng các nhà tư sản “xuất khẩu tư bản” sang nước khác để bóc lột sức lao động và kiếm lợi nhuận mang về “chính quốc”, thì nay nước tôi đang “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư, mà thực chất họ là các nhà tư sản! Nước tôi bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995. Nước Mỹ đã đến gần.

Bill Clinton thăm Việt Nam được dân chúng đón tiếp niềm nỡ

Vào những năm 1990 trong trường đại học được giảng dạy kinh tế học. Cuốn Kinh tế học của cố giáo sư P. Samuelson, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1970, được dịch sang tiếng Việt và được sử dụng chính thức rộng rãi.

Tiếp sau là cuốn Chính sách công của Hoa kỳ, do tiến sĩ Lê Vinh Danh tập hợp được in năm 2001. Đó là những món quà cho giới nghiên cứu và học giả.

Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về kinh tế thị trường, thực ra là kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại. Internet bắt đầu được sử dụng. Nhiều nước tư bản tăng trưởng vượt bậc từ suốt những năm 1970-90 của thế kỷ trước. Người ta nói nước Mỹ vẫn dẫn đầu.

“Giấc mơ Mỹ” dần đến với tôi cụ thể hơn. “Nước Mỹ – miền đất hứa”, “Cái gì nước Mỹ có là cả thế giới muốn” chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền. Thực ra, đó là “niềm tin về tự do cho phép tất cả các công dân của Hoa Kỳ theo đuổi các mục đích của họ trong cuộc sống qua sự làm việc siêng năng và tự ý lựa chọn”. “Giấc mơ Mỹ” là tự do tự cứu lấy mình.

Tôi đã tự hỏi đất nước mình liệu có còn xa “Giấc mơ Mỹ”?

Tôi biết từ khi “bình thường hóa quan hệ” với Mỹ, đã bốn đời tổng thống đến Việt Nam. Bill Clinton – năm 2000, George Bush – năm 2006, Barack Obama – 2016 và Donald Trump – 2017. Họ đều có lý do để đến nước tôi và họ luôn được chào đón. Mỗi lần như vậy “Giấc mơ Mỹ” trong tôi lại sống dậy, nhưng đã thay đổi.

“Giấc mơ của riêng mình”

Năm 2000 đó là “kết thúc hận thù”. Năm 2006 – là “hy vọng Mỹ giúp nước tôi giảm “trũng” về kinh tế trong thế giới phẳng”. Năm 2016 – “Giấc mơ Mỹ” không chỉ là kinh tế cho người dân.

Và năm nay 2017, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, Tổng thống Donald Trump trích câu: “Độc lập vĩnh viễn” – câu nói của Tổng thống thứ hai của nước Mỹ John Adams trước khi từ giã cõi đời.

Sau đó ông nhắc đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt, và nhấn mạnh: “Họ nhắc nhở chúng ta là ai, sứ mệnh của chúng ta là gì”. “Giấc mơ Mỹ” là độc lập.

Tôi hiểu thế giới đang đổi thay mạnh mẽ.

Và từ năm 1997, rồi 2008 các nước Phương Tây lâm vào khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng giảm sút, nợ công cao.

Các thứ chủ nghĩa, trong đó có chủ nghĩa dân túy, dân tộc nở rộ. Tôi biết có nhận xét rằng Tổng thống Donald Trump là “dân túy” khi ông đắc cử năm 2016 với “Nước Mỹ trên hết”, rằng “Nước Mỹ trước hết” về kinh tế. Và có lo ngại rằng “Giấc mơ Mỹ” dưới thời Tổng thống Trump, không còn thúc đẩy dân chủ và nhân quyền như trước kia cho sự khác biệt của thế giới.

Việt Nam đang thay đổi từng ngày với nhịp sống mới thời đại kỹ thu số và mạng toàn cầu

Tôi theo dõi những nhận xét lại toàn cầu hóa và thể chế dân chủ” trong khi Trung Quốc, Việt Nam được “đánh giá cao” với thành tích kinh tế và xóa đói giảm nghèo như những lời “ca ngợi” trong bài diễn văn nêu trên của Tổng thống Trump.

Tôi cũng thấy không ít những lời phân tích còn khác biệt, ngờ vực. Thể chế dân chủ kiểu như Phương Tây sao lại “khủng hoảng”?

Trung Quốc với chế độ đảng toàn trị sao lại có tăng trưởng “thần kỳ”? Liệu đảng cộng sản có lãnh đạo được kinh tế thị trường? Tại sao chế độ toàn trị lại “dẻo dai”?

Những tranh luận kiểu như vậy vẫn sẽ tiếp tục đến khi nào?

Nói chung, tôi đánh giá APEC 2017 là thành công với Việt Nam vì công tác tổ chức và sự hiếu khách của đồng bào tôi. Đây là sự nỗ lực của nhiều người.

Các nguồn lực để tạo thành công có sức người và tiền thuế của dân.

Tôi cố giải nghĩa về chủ đề APEC 2017 “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung”.

Liệu có thể chọn chủ đề khác hơn trong tình hình thế giới và Việt Nam hiện nay?

Tất cả những gì tôi biết về “Giấc mơ Mỹ” là quá trình nhận thức theo thời gian.

Đến năm 2017 này, nhân dịp APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam, tôi tự nhủ: Đã đủ dài trong một đời người để mơ: “Giấc mơ Mỹ”.

Và tự hỏi: Tại sao người Việt chưa định nghĩa được “Giấc mơ” của dân tộc mình một cách rõ ràng?

Tại sao lại khó có “Giấc mơ của riêng mình” đến vậy?

TS Phạm Quý Thọ (Việt Nam)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt