Vì sao Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông

Tiến sĩ Ian Ralby, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tổ chức cố vấn an ninh I.R. Consilium, đã có bài viết lý giải tại sao Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông trên trang OpedSpace. Dưới đây là lược dịch bài viết của ông. 

Hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử USS Ronald Reagan trên đường hướng tới Biển Đông.

Căng thẳng ở Biển Đông có thể khiến các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bên nghĩ đến chiến tranh. Khi Trung Quốc tìm cách khẳng định sự kiểm soát đối với các quần đảo và các vùng biển tranh chấp, nước này có thể muốn chặn các tàu chiến và máy bay quân quân sự của Mỹ đi qua Biển Đông. Điều này là không thể chấp nhận được đối với Mỹ, vốn cho rằng nước này có quyền hợp pháp khi đi qua những vùng biển như vậy. 

Rõ ràng Biển Đông là một khu vực xung đột và tranh cãi, nhưng không thể dùng trực giác để hiểu được các lợi ích và vai trò của Mỹ trong khu vực. Vấn đề tập trung vào các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và đảo Đài Loan. Các nỗ lực nhằm kiểm soát các vùng biển tranh chấp ngày càng trở nên căng thẳng và các tàu đã suýt va chạm trong những cuộc đối đầu gần đây. 

Hãng tin BBC ngày 15/10 đưa tin, có vẻ như Mỹ đang diễn tập cho chiến tranh với Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột. 

Hầu hết các vấn đề được đề cập đến liên quan tới tranh chấp Biển Đông là vấn đề lãnh thổ, quyền đánh bắt, quyền khai thác khoảng sản và kiểm soát các tuyến vận tải biển. Do giá trị kinh tế của những quyền lợi này, sẽ là dễ hiểu khi các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không ngại sử dụng vũ lực, đặc biệt là khi các tuyên bố chủ quyền lại liên quan tới các vấn đề lịch sử, niềm tự hào và bản sắc dân tộc. 

Nhưng tại sao Mỹ, vốn đang đối mặt với các chiến dịch có nguy cơ mở rộng tại Đông Âu và Trung Đông, lại sẵn sàng tham gia một cuộc chiến hải quân với một trong những đối thủ gần nhất xét về nguồn lực kinh tế và sức mạnh quân sự? 

Câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi trên liên quan tới một loạt các lý lẽ khác nhau, nhưng một trong những điều quan trọng nhất lại nhận được ít sự chú ý. Lý do đơn giản là, nếu Trung Quốc giành được các vùng lãnh thổ tranh chấp, Bắc Kinh có thể chặn các tàu hải quân và máy bay của Mỹ tiếp cận hầu hết Biển Đông. 

Có nhiều lý do tại sao Mỹ không muốn Trung Quốc thành công trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác nhau. Sự bá quyền của Trung Quốc trên khắp Biển Đông sẽ là một thất bại lớn trong chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nó cũng gia tăng đáng kể lãnh thổ hàng hải và sự tiếp cận các ngư trường và tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc. 

Một điều thậm chí còn tồi tệ hơn sự bá quyền của Trung Quốc là nước này có thể chiến thắng trong các tranh chấp lãnh thổ bằng sự bắt nạt, thù địch và vũ lực. 

Mỹ thường tập trung nhiều hơn vào tiến trình giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hơn là kết quả. 

Mỹ đang hối thúc Trung Quốc tuân thủ các tình trình giải quyết tranh chấp của Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS) – hiệp ước rộng lớn nhất từng được thông qua và là công cụ cơ bản về luật biển quốc tế. Mỹ không tham gia UNCLOS còn Trung Quốc thì có. 

Mỹ công nhận UNCLOS là luật quốc tế thông thường nhưng lại không thừa nhận quyền tài phán của Tòa án quốc tế về Luật Biển, vốn có thể được kêu gọi để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hàng hải tại Biển Đông. 

Theo UNCLOS, mỗi quốc gia ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Các quốc gia có toàn quyền khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sinh vật bên trong EEZ. 

Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới cách hiểu khác nhau về các quy định cơ bản của UNCLOS. 

Theo cách hiểu của Trung Quốc về UNCLOS, Trung Quốc cho rằng các tàu chiến hoặc máy bay quân sự nước ngoài không được tư do đi qua EEZ của họ. Bắc Kinh đã cố gắng ngăn chặn các tàu hải quân, trong đó có một tàu của Ấn Độ, đi qua vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là thuộc EEZ của mình nếu nước này giành được các lãnh thổ tranh chấp và áp dụng quyền sở hữu pháp lý đối với các quần đảo ở Biển Đông. 

Bắc Kinh còn khẳng định rằng các hoạt động quân sự, các chuyến bay giám sát, khảo sát thủy văn và các hoạt động khác của Mỹ tại các khu vực mà Trung Quốc tự nhận thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình là vi phạm UNCLOS. 

Hồi tháng 9, một vụ chạm trán ở cực ly gần giữa một máy bay chiến đấu Trung Quốc và một máy bay trinh sát hải quân của Mỹ đã cho thấy rõ rằng Trung Quốc đang tìm cách khẳng định chủ quyền đối với các khu vực mà Bắc Kinh tự nhận là vùng đặc quyền kinh tế của mình quanh các quần đảo tranh chấp. 

Mỹ cho rằng không có sự hạn chế nào đối với các tàu quân sự hoặc máy bay quân sự bên trong các EEZ. Trung Quốc lại khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. 

Vì vậy, nếu Trung Quốc giành các lãnh thổ tranh chấp, Mỹ phải được Trung Quốc cho phép mới được cho các tàu hải quân  hoặc máy bay quân sự đi qua hầu hết Biển Đông. Từ quan điểm chiến lược này, Mỹ không thể chấp nhận việc mất quyền tự do di chuyển đó qua điểm quá cảnh quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 

Sự di chuyển tự do của các tàu chiến và máy bay quân sự qua Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ và Washington có thể sẵn sàng tham chiến để bảo vệ điều đó. Nhìn ở nhiều góc độ, vấn đề này thực chất có ý nghĩa sống còn đối với các lợi ích của Mỹ hơn là tình hình tại Ukraine hay sự nổi lên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông. Đó là lý do tại sao Mỹ có thể sẵn sàng tiến tới chiến tranh vì chuyện diễn giải một công ước quốc tế mà nước này không ký kết.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt