Việt Nam và những thành phố bị bao vây

Đã vài lần, ngày chủ nhật đi qua trong nước Việt Nam với tâm trạng thấp thỏm của những người có cảm tình với việc xuống đường chống Trung Quốc áp bức ngư dân và xâm lấn biển đảo.

Công an chìm CSVN trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc hôm 21/8/2011 ở Hà Nội

Saigon rồi đến Hà Nội, lần lượt những động thái yêu nước bị trấn áp dã man và thù địch đến mức khó tin, đã diễn ra. Thậm chí, sự thù địch đó được đẩy mạnh đến mức người dân buộc phải hiểu rằng trước khi gõ được cánh cửa Trung Quốc, họ phải bước qua được một hàng phòng vệ mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những buổi sáng chủ nhật ở các thành phố lớn, đặc biệt là Saigon – Hà Nội… không khí nghẹt thở như những thành phố bị chiếm đóng. Các thanh rào chắn hàng hàng lớp lớp trung kiên chặn đứng bất kỳ suy nghĩ nào muốn đến gần làm phiền Tòa tổng lãnh sự và Đại sứ quán Trung Quốc.

Tại Saigon, các nhóm đặc nhiệm chống khủng bố được trang bị dùi cui, nón sắt có kiếng che rầm rập liên tiếp diễu qua từng tiểu đội từ sáng sớm. Các con đường thơ mộng của thành phố rơi vào tình trạng bị khủng bố tinh thần cao độ bởi lớp lớp an ninh chìm. Các quán cafe bị hăm dọa, bị sách nhiễu nếu có những nhóm sinh viên tụ tập. Thậm chí, một chủ quán ở khu vực Hồ Con Rùa kể lại rằng khi anh ta phản ứng về việc một công an chìm đến ra lệnh không bán cafe cho những nhóm thanh niên-sinh viên sáng chủ nhật, nhân vật này đã lạnh lùng chỉ mặt nói rằng “muốn yên thân làm ăn thì đừng có lý sự, nếu không đừng có trách”.

Tại Hà Nội cũng không khá hơn. Các quán cafe tụ tập người ngồi buổi sáng gần khu vực “nhạy cảm” đều bị công an đến yêu cầu giải tán không lý do. Không những vậy, những người yêu nước còn bị chụp hình, quay phim một cách sống sượng. Ngày 18-9, thậm chí các nữ sinh trung học có mặt ở gần khu vực bờ Hồ cũng bị bắt cóc vô cớ, buộc viết tường trình, trấn áp tinh thần ngay tại công an Tràng Tiền.

Người yêu nước Việt Nam đang sống trong một vòng vây câm lặng và lạnh lùng không khác gì thời của những thành phố bị kẻ đô hộ chiếm đóng. Người thì bị trục xuất ra khỏi nước, người thì bị hăm dọa đuổi khỏi nơi cư trú, người thì bị đuổi học, đuổi việc, người thì bị công an hoặc lưu manh côn đồ biệt phái đến tận nhà hăm dọa, thậm chí ra tay hành hung như trường hợp blogger Nguyễn Tiến Nam ở Hà Nội và blogger Huỳnh Công Thuận ở Saigon.

Không khác gì các khu ghetto thời Phát-xít Đức dành cho người Do Thái, những người yêu nước vẫn tụ tập theo dõi, bàn tán lời phát biểu của Nguyễn Chí Vịnh, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang… để hiểu vể số phận đất nước mình và sinh mệnh chính trị của bản thân mình trong nay mai. Chỉ khác biệt, nếu người Do Thái được nhận dạng bằng chiếc băng tay có ngôi sao David, còn người Việt yêu nước thì bị nhận dạng với chiếc áo và những khẩu hiệu chống TQ, chống đường lưỡi bò phi lý.  Riêng sự chà đạp và phỉ báng thì ngang nhau.

Tính mị dân của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các tuyên bố bảo vệ chủ quyền song song với sự nịnh bợ luồn cúi ra mặt trước Bắc Kinh từ Hà Nội lại làm cho những người yêu nước cảm nhận thêm về những vòng vây đang siết chặt: Vòng vây lừa dối bán nước vì quyền lợi của 15 nhân vật Bộ chính trị và vòng vây xiềng xích của ngụy quyền Cộng sản Việt Nam.

Trong những vòng vây đó, rõ ràng có những người Việt Nam đang thất vọng và nhụt chí. Nhưng cũng có những cơn giận âm ỉ bùng cháy lan tỏa khắp nơi. Lịch sử đang để lại những chứng cứ rất rõ. Để bày tỏ lòng yêu nước và bảo vệ tổ quốc, người dân giờ đây phải lặng lẽ dán truyền đơn HS-TS-VN, rồi lại nghĩ đến cách vượt vòng vây mặc áo mưa đi trong chiều tối hô chủ quyền.

Ngụy quyền Cộng sản Việt Nam đang dùng bạo lực bao vây tương lai của một dân tộc. Bao vây lòng yêu nước. Bao vây tổ quốc để trục lợi. Nhưng điều đó sẽ không thể giữ lâu. Việt Nam với những thành phố bị bao vây sẽ sớm đến ngày phá tung xiềng xích và điểm mặt những kẻ tư lợi, tham quyền, bán nước, hèn hạ không bao lâu nữa. Ngày đó sẽ đến.

Phan Nguyễn Việt Đăng (Saigon)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt