Vạch trời một tiếng thét vang

Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Nguyễn Thái Học sinh năm 1902, nhưng theo giấy học bạ của anh thì ghi ngày 1/12/1904. Anh sinh tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phú). Bố của anh là một nông dân chất phác tên Nguyễn Văn Hách. Mẹ là bà Nguyễn Thị Quỳnh, ngoài thời gian làm ruộng còn tranh thủ làm thêm nghề dệt vải, buôn vải ngay tại làng Thổ Tang. Anh là con trai trưởng trong gia đình, các em kế theo là Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Nỉ.
Năm 1906, anh được thân phụ đưa đến thụ giáo Hán văn tại nhà một cụ tú tài trong làng. Năm 1912, trường tiểu học Pháp-Việt được thiết lập tại phủ Vĩnh Tường, anh xếp bút lông để cầm bút sắt. Làn gió Tây bắt đầu thổi vào trong sinh hoạt của người dân bản xứ. Những câu trong sách Thánh hiền như quân tử chi học dã, dĩ vi kỳ thân, tiểu nhân chi học dã, dĩ vi cầm độc – người quân tử học là để làm cho thân mình, kẻ tiểu nhân học là để làm thân trâu ngựa – bắt đầu được thay thế dần bằng chữ quốc ngữ. Nguyễn Thái Học thông minh nên học đến đâu là nhớ đến đó. Những buổi tối khi ngồi dệt vải, bà Quỳnh không thể biết được là con mình đã học những gì? Tiếng Tây sao lạ quá vậy? Đêm đêm dưới ngọn đèn dầu, anh ngồi học.

Ngồi buồn kể chuyện Phăng-xe (Francais)
Ăn trầu nó gọi xí-kê (chiquer) lạ thường
Lơ-li (le lit) chính gọi cái giường
Bát-xa (passage) cái ngõ, con đường xơ-manh (chemin)
Cơ-lu (Clou) đích thực cái đanh
Li-mô-nat-đờ (limonade) nó gọi nước chanh rõ ràng

Hoặc cũng có khi anh cao hứng hát theo điệu lý hành vân:

Se dăng-făng, se dăng-făng
Vu dết jơn jăng
Lơ tăng pát xờ vít
Tờ-ra-vây-lê, pơ-rơ-nê le pen
Ác-bờ-rờ ki pút-xờ, xuốc-ki-um
Pi-e ki run mác-cờ lơ tăng ki xê-cun, xê-cun.

Bà Quỳnh ngừng tay nhìn con trai hỏi:

– Con hát gì mà lạ vậy Học? Đẻ nhớ bài này hát theo điệu hành vân có đúng không?

Anh ngoan ngoãn đáp:

– Thưa đẻ, đúng vậy ạ.

– Thế cái chữ Tây nó nghĩa ra làm sao?

Anh nhìn vào vở và đọc rành mạch:

Chers enfants, chers enfants
Vous êtes jeunes gens, travaillez, prenez la peine
Abre qui pousse, soucre qui coule, pierre qui roule
Marque le temps qui s’ecoule, s’ecoule.

Bà Quỳnh nghe ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Bà không thể nào hiểu nổi. Vừa dứt lời, anh nói:

– Thưa đẻ, tiếng Tây nó nói như thế này: “Các  con thân yêu, các con thân yêu. Các con còn trẻ, hãy làm việc đi, hãy chịu khó. Thời gian qua nhanh. Cây mọc, suối chảy, đá lăn. Đánh dấu thời gian trôi đi thấm thoát, trôi đi thấm thoát”.

Bà Quỳnh nghe con giải đáp, gật gù nói:

– Ừ! Thời gian qua nhanh lắm, như bóng câu vụt qua cửa sổ. Con gắng học cho giỏi để mở mày mở mặt với thiên hạ.

Anh “dạ” thật nhỏ rồi cú xuống học. Tiếng dệt vải vẫn kêu đều đều trong căn nhà. Ngoài vườn bóng trăng đã lên cao, đâu đó có tiếng ếch kêu uôm uôm vọng lại.

Ngoài thời gian cắp sách đến trường, khi trở về nhà là anh dẫn trâu ra đồng. Một buổi chiều mùa thu, nắng vàng úa, trên đường dẫn trâu về nhà thì anh gặp bà mẹ của ông Đội Cấn. Bà cụ ôm chầm lấy anh mà khóc, từ khi con trai mình hy sinh, bà cụ trở nên dở người, khi gặp mọi người thì bà vừa khóc vừa nói thảm thiết:

– Các cậu! Các cậu làm thế nào mà báo thù cho con của già!

Ban đầu anh không hiểu gì cả. Đêm đó, anh trở về nhà hỏi mẹ anh, thì bà Quỳnh nhìn trước nhìn sau kể cho anh nghe cái chết của ông Đội Cấn. Tư tưởng cách mạng đã được nhen nhúm trong tâm hồn anh từ đó. Năm 1917 này vừa diễn ra cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên do con trai của cụ Lương Văn Can là Lương Ngọc Quyến và Trịnh Cấn (tức Đội Cấn) chỉ huy. Cụ Quyến lúc đó bị giam trong ngục Thái Nguyên, thực dân Pháp đã dùng thép nóng dùi bàn chân cụ để buộc xích sắt, nên liệt hẳn một chân. Mặc dù vậy, cụ vẫn liên lạc với viên đội khố xanh Trịnh Cấn, bày mưu cho Trịnh Cấn khởi nghĩa phá ngục Thái Nguyên. Nghĩa binh này làm chủ được tỉnh lỵ Thái Nguyên một tuần (từ 30-8 đến 5-9-1917), dùng lá cờ năm ngôi sao làm quốc kỳ, đặt tên quốc hiệu là Đại Hùng Đế Quốc và công bố hai bài tuyên ngôn do cụ Quyến soạn thảo. Sau thực dân Pháp phản công đàn áp, nghĩa quân không chống cự nổi phải rút lui. Cụ Quyến vì bị liệt nên không rút chạy được, đã yêu cầu Đội Cấn bắn một phát súng vào ngực mình để tìm cái chết. Đội Cấn trên đường rút lui, bị thương ở Pháo Sơn nên tự bắn vào bụng mình mà chết. Cái chết của hai ông dù không được công khai kể ra, dù thực dân Pháp cố tình bưng bít nhưng đã gây xôn xao trong nhân dân.

Nguyễn Thái Học nghe mẹ kể đã rơi nước mắt. Đêm đó, anh không ngủ được. Ý thức làm cách mạng đang cháy dần trong tâm tưởng của anh.

Năm 1921, trường Sư phạm bắt đầu khánh thành tại phố Đỗ Hữu Vị nay là cửa Bắc gần cửa Bắc, Nguyễn Thái Học là một trong số bốn mươi lăm người trúng tuyển.

Rời khỏi quê nhà, Nguyễn Thái Học ra Hà Nội. Không như những học sinh lúc bấy giờ thích ở nội trú, anh xin ở trọ bên ngoài. Bàn chân anh lang thang khắp ba mươi sáu phố thường. Hà Nội lạ lùng quá, mới mẻ quá mà chưa thể nào anh hiểu hết được. Đã có một lần đi qua Hồ Gươm, chính mắt anh đã chứng kiến một sự việc ghê rợn: dưới ách đô hộ của Pháp thì đàn ông đến tuổi mười tám phải nộp tiền thuế sưu, mỗi người ba đồng bạc rồi được cấp cho một cái thẻ gọi là giấy thuế thân. Nếu ai không có giấy này thì bị gọi là lậu đinh, bị phạt rất nặng, có thể bị giam vào nhà lao làm việc khổ sai, mãn hạn còn phải nộp phạt nặng gấp mấy lần tiền thuế. Lính tuần cảnh nếu mỗi tuần không bắt được ai phạm pháp thì bị khiển trách. Chiều hôm ấy, có một người nông dân nghèo, trông anh ta như từ nông thôn lên Hà Nội. Lính tuần cảnh xét giấy anh ta. Không hiểu sao, anh lính lại vò nát giấy thuế thân của người này, rồi bỏ vào miệng định nuốt đi. Anh ta sợ quá vội bóp cổ anh lính không cho nuốt. Anh lính vẫn không nhả ra, người nông dân càng bóp chặt thêm khiến cho anh lính tắt thở mà chết. Chứng kiến cảnh đó, sợ hãi, Nguyễn Thái Học nhanh chân phóng về nhà trọ, anh kể lại cho người bạn thân của mình là Hồ Văn Mịch.

Sau khi nghe hết câu chuyện, Mịch trầm ngâm nói:

– Trong sự việc đó, cả hai người đều là vô tội. Họ đều là nạn nhân của chính sách chó đẻ này.

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp đã nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn tự do bình đẳng về quyền lợi”. Bọn thực dân Pháp đã phản bội lại bản Tuyên ngôn này. Anh có đồng ý vậy không anh Học?

Nguyễn Thái Học đáp:

– Vâng, tôi cũng suy nghĩ như vậy. Qua sự việc mà tôi kể với anh, thì hai người đó là nạn nhân và chúng ta cũng là nạn nhân! Liệu rằng sự học của chúng ta có giúp ích được gì cho quốc dân không?

– Được chứ! Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi. Nhưng thời buổi này chỉ có học thôi thì vẫn chưa đủ đâu! Không lẽ chúng ta học xong để an phận là thầy thông, thầy ký sáng vác ô đi, tối vác về?

– Vậy thì chúng ta phải làm cách mạng.

Anh nói với giọng quả quyết, nghe vậy Hồ Văn Mịch nhíu mày:

– Anh nói khẽ thôi!

Kết thúc những năm học tại trường Sư phạm vào năm 1926, Nguyễn Thái Học không đi nhậm chức mà anh lại xin vào học trường Cao đẳng Thương Mãi Hà Nội. Trong thời kỳ này, Nguyễn Thái Học và Hồ Văn Mịch thường lui tới giao du với nhóm Nam Đồng Thư Xã. Tại đây, ngôi nhà số 6 đường 96 khu Nam Đồng, nay là đường Trúc Bạch (khu Nam Đồng – trước hồ Trúc Bạch) vào cuối năm 1925 có ba thanh niên trí thức yêu nước là Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài và Nhượng Tống đứng ra tổ chức nhóm này. Họ chuyên sáng tác, dịch thuật những tác phẩm như Cách mạng Trung Hoa, Lịch sử Tôn Dật Tiên, Chủ nghĩa Tam dân, v.v… in trên giấy xấu, bán giá bình dân để tuyên truyền trong công chúng. Việc làm này đã gây được cảm tình trong thanh niên. Lui tới Nam Đồng Thư Xã Hà Nội Nguyễn Thái Học, Hồ Văn Mịch còn có Phó Đức Chính, Lưu Văn Phùng và nhiều sinh viên học sinh khác. Họ gặp nhau để bàn luận về tình hình chính trị trong và ngoài nước. Năm 1925, cụ Phan Châu Trinh về nước hăng hái đi diễn thuyết, hô hào quốc dân khắp nơi. Cuộc vận động đòi thả cụ Phan Bội Châu từ Bắc vào Nam cũng như những bài nói của cụ Phan Châu Trinh như Đạo đức luân lý Đông Tây và quân trị, dân trị từ Nam truyền ra Bắc. Trước đó, năm 1924, chàng thanh niên Phạm Hồn Thái đã ném bom giết hụt Toàn quyền Merlin ở Sa Điện (Quảng Châu) đã đánh thức cơn mê ngủ của đồng bào. Trong lúc này vua bù nhìn Khải Định ở Trung Kỳ lo tăng thuế để làm lễ “Tứ tuần đại khánh” và chuẩn bị đón con là Bảo Đại từ Pháp về. Báo chí tiến bộ trong Nam Kỳ lại rộ lên những bài viết vạch tội Khải Định và dịch đăng bức thư Bảy tội đáng chém của cụ Phan Châu Trinh gửi cho Khải Định, hồi sang Pháp. Những tờ báo in bài này dù bị cấm lưu hành, nhưng vẫn dội ảnh hưởng ra Bắc.

Có thể nói, thanh niên Việt Nam của thế hệ này rất thích đọc sách của nhóm Nam Đồng Thư Xã. ngoài ra, còn có thể kể thêm sách của Quan Hải Tùng Thư ở Trung Kỳ do Đào Duy Anh và Trần Thị Như Mân chủ trương. Còn ở Nam Kỳ, ngoài nhóm La Lutte của Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, thì còn có sách của nhóm Nữ Lưu Thư Quán do Phan Thị Bạch Vân chủ trương. Về báo chí chính trị tiến bộ thì có những tờ như L’Argus Indochinois xuất bản tại Hà Nội, tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản ở Huế, tờ Cloche Fêlee bằng Pháp ngữ của Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, v.v… Tất cả những sách báo này và nhất là những lần thảo luận chính trị tại Nam Đồng Thư Xã đã thúc đẩy Nguyễn Thái Học viết hai bức thư gửi cho Varenne – Toàn quyền Đông Dương. Trong hai lá thư này anh yêu cầu:

1/ Quyền tự do mở các trường học không lấy tiền, dành cho dân cùng đinh đến học, nhất là cho thợ thuyền và nông dân.

2/ Quyền tự do mở các bình dân thư xã ở làng cũng như ở các tỉnh công nghệ.

Ngoài ra, anh còn gửi kèm theo dự án giúp đỡ dân nghèo thoát khỏi cảnh bùn lầy nước đọng. Hai lá thư tâm huyết ấy đều không được phúc đáp. Trong lúc Nguyễn Thái Học tin tưởng vào lão già Varenne đã hứa hẹn để viết những dòng chữ cháy bỏng nhiệt tình.

Chưa chịu thất bại, thời gian sau, Nguyễn Thái Học lại gửi đơn đến Thống sứ Bắc Kỳ để xin phép xuất bản nguyệt san lấy tên là Nam Thanh. Mục đích của tờ này là tuyên truyền nâng cao trình độ trí, đức, thể dục cho nhân dân. Khuyến khích họ bỏ thói ham thích hư danh, làm quan lại mà hãy chú trọng vào công nông thương nghiệp. Nhà cầm quyền Pháp không chấp thuận. Hơn thế, những bài báo của anh viết cũng bị Pháp kiểm duyệt xóa bỏ nốt!

Nguyễn Thái Học bắt đầu chán nản, anh nhận thấy việc học của mình không giúp ích được gì cho quốc dân, anh bỏ học và bắt đầu lao vào con đường hoạt động chính trị. Lúc bấy giờ, nhóm Nam Đồng Thư Xã cũng bị những con chó săn của bọn mật thám đánh hơi được ý đồ sâu xa của nhóm này là vận động lòng yêu nước trong công chúng nên ra tay khủng bố. Chúng ra lệnh đóng cửa Nam Đồng Thư Xã và tịch thu tất cả sách của nhóm đã xuất bản.

Sau buổi lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh vừa mất tại Sài Gòn – mà cái chết của nhà ái quốc này đã gây ra làn sóng biểu tình rầm rộ từ Nam chí Bắc, Hồ Văn Mịch đã đứng trang nghiêm ngâm bài thơ Chiêu Hồn Nước của Phạm Tắc Đắc. Tác giả bài thơ này là một học sinh trường trung học Bảo Hộ (Hà Nội) viết năm 17 tuổi. Bài thơ dài 198 câu, được đưa cho nhà in Thanh Niên xuất bản. Sách được in ra vài hôm thì tác giả và viên quản lý nhà in lập tức bị bắt giam. Khi ra tòa án, viên chánh án hỏi Phạm Tắc Đắc: “Ai đã xúi giục mày viết bài thơ này, hay ai đã làm hộ cho mày?”. Ông trả lời cứng cỏi: “Đầu tôi nghĩ. Tay tôi viết. Công việc này hoàn toàn do tôi làm”. Kế đó tòa lại gọi thân sinh của ông ra trước vành móng ngựa để tra hỏi việc này, bố của ông đáp: “Con tôi lúc ở nhà là quyền dạy dỗ của tôi. Nay nó đi học trường Chánh phủ thì việc là của nó, là trách nhiệm của Chánh phủ. Chánh phủ đã nhận giáo dục nó, tại sao còn hỏi tôi?”. Câu trả lời đanh thép ấy đã buộc tòa án câm miệng. Dù chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng tòa vẫn tuyên án Phạm Tắc Đắc, bị tống giam lên Bắc Giang. Giam ở đó được ba tháng, ông lại bị lôi về tống vào Hỏa Lò. Trước khi bài thơ này được in thành sách thì nó đã được truyền tụng trong giới sinh viên học sinh một cách sâu rộng và bí mật. Trong buổi lễ truy điệu cụ Phan, anh Hồ Văn Mịch đã ngâm thống thiết:

Hăm lăm triệu trẻ già trai gái
Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng
Cũng nhà cửa, cũng giang san
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời?
Nghĩ lắm lúc đương cười hóa khóc
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang
Vạch trời thét một tiếng vang
Cho thân tan với giang san nước nhà
Đồng bào hỡi!

Nhiều người đã òa lên khóc. Nguyễn Thái Học mím môi thật chặt. Anh nuốt nước mắt. Sau buổi lễ truy điệu này, anh nói với các đồng chí của mình:

– Chúng ta phải lập một Đảng cách mạng.

Nhượng Tống hỏi lại:

– Hoạt động hợp pháp hay bí mật. Thú thật tôi chỉ là người cầm bút, nên chỉ muốn hoạt động công khai mà thôi.

Anh hỏi lại:

– Mày sợ tù đày à?

Tống không trả lời mà rụt rè đưa ra ý kiến là nên hoạt động theo đường lối bất bạo động của Thánh Gandhi. Nguyễn Thái Học vốn nóng nảy ngoài mặt, nhưng trong lòng rất điềm tĩnh, mưu lược, anh nói:

– Mày ăn phải bả của ông thánh Cam Địa rồi. Làm gì có cách mạng hòa bình. Cách mạng là phải thực hiện bằng vũ lực, sắt máu, chứ không thể ngồi trông đợi vào sự bố thí của kẻ thù được. Thử xem ông Thánh Cam Địa đã đem lại gì cho Ấn Độ chưa?

Tống không đáp lại. Nguyễn Thái Học đứng trầm ngâm, khoanh tay. Tuy da anh đen, cằm nở, môi dày, hàm răng vổ, nhưng anh cũng có giọng ngâm thơ rất gợi cảm. Anh đang ngâm lại đoạn thơ trong Chiêu Hồn Nước mà anh thích:

Hồn trở về mau mau hồn hỡi
Hồn trở về tôi đợi tôi mong
Hồn về tô điểm non sông
Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt
Dân không còn nước mất sao còn?
Hồn hồn nước nước non non
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp hồn

Ngâm xong đoạn thơ này, anh quay sang hỏi  Phạm Tuấn Tài:

– Ý kiến của anh như thế nào anh Tài?

Phạm Tuấn Tài tuy nhỏ hơn Nguyễn Thái Học hai tuổi, nhưng anh được Nguyễn Thái Học yêu mến nhất vì bản lĩnh và rất thông minh. Tài đáp:

– Tôi tán đồng ý kiến của anh. Đã đến lúc chúng ta phải làm cách mạng thôi. Ngòi bút thép không xuyên được qua tim thằng giặc. Chúng ta đánh nó bằng dòng chữ thì nó trả thù bằng đòn tra tấn ở Hỏa Lò, Côn Đảo. Chúng ta còn gì khi nước đã mất nhà đã tan? Tâm sự của tôi được trút vào trong bài thơ này.

Anh ngừng lại và cất giọng đọc bài thơ “Phải tự cường” của anh mới sáng tác:

Trông người lại ngẫm đến ta
Nín đi đứt ruột nói ra nghẹn lời
Than ôi! Cũng một kiếp người
Tủi thân trâu ngựa thiệt đời thông minh
Trâu cày ngựa cỡi
Cũng thông minh tai mắt một phường
Người mắc ách, kẻ giong cương, kỳ quái chưa?
Thà rằng thể phách như trâu ngựa
Khổ nỗi tâm hồn khác cỏ cây
Nhìn giang san khi quắc mắt lúc cau mày
Tưởng nông nổi đắng cay lòng tráng sĩ
Nước đời cay đắng bao nhiêu vị
Giống ươn hèn càn nghĩ lại càng thương
Bảo nhau ta phải tự cường.

Anh đọc dứt bài thơ và nói:

– Phải tự cường anh Học ạ! không thể trông cậy vào lời hứa hẹn của bọn thực dân đâu! Còn Nhượng Tống này, mày là thằng chỉ sống trong mộng và sách vở, đã biết đời là quái gì đâu! Phải nghe theo lời chúng tao, bổn phận của một đứa em nhỏ là phải thế.

Nguyễn Thái Học nói thêm:

-Trong lúc thực dân đem sắt và máu đô hộ Việt Nam, chúng ta không thể nào dùng đường lối khoanh tay đối phó với súng đạn được. Xem các gương Đông Kinh Nghĩa Thục ngày trước thì biết. Một nhóm nhà Nho trong tay không một tấc sắt mà có vô số người bị chém giết, bị tù đày. Nay còn chủ trương hòa bình cách mạng là lại đi vào vết xe cũ, rất uổng công vô ích mà thôi.

Để tránh đi vào “vết xe cũ”, Nguyễn chủ trương tiến hành cách mạng theo phương thức bạo động. Vào tháng 10/1927 Nguyễn Thái Học đã triệu tập một phiên họp với nội dung là nhanh chóng thành lập một Đảng bí mật. Đảng này dùng võ lực để lật đổ chính quyền thực dân phong kiến. Sau đó, thành lập một chính thể cộng hòa để đem lại cơm no áo ấm cho toàn dân. Họ đã họp tại trụ sở của Nam Đồng Thư Xã, với khoảng mười người có mặt. Sau nhiều lần tranh luận, những người có mặt trong phiên họp này đồng ý và tạm gọi tên tổ chức này là Chi bộ Nam Đồng do Nguyễn Thái Học làm Chi bộ trưởng. Có thể nói, Nam Đồng Thư Xã là hạt nhân đầu tiên của VNQD Đảng.

Sau buổi họp này, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của anh tích cực hoạt động, một mặt đi vận động bạn bè quen biết ở Hà Nội, mặt khác đi liên hệ thêm với các nhóm và cá nhân yêu nước ở các địa phương để đoàn kết lực lượng tiến tới thành lập Đảng chính thức. Công việc tiến hành thuận lợi nên chỉ trong thời gian ngắn, nhóm Nam Đồng Thư Xã đã thành lập được 18 chi bộ rải rác trên mười bốn tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ, với số lượng khoảng 200 đảng viên.

Vào những ngày cuối tháng 12/1927, Nguyễn Thái Học đã triệu tập một phiên họp quan trọng tại làng Thể Giáo (Hà Nội) vào ngày 25-12-1927. Vào lúc tám giờ tối, những đảng viên nòng cốt đã có mặt, họ bàn tán sôi nổi về mọi vấn đề liên quan đến sự ra đời của Đảng. Nhượng Tống có mặt trong buổi họp đó, anh đã có cảm tưởng “Vẻ im lặng tôn nghiêm làm cho người ta nghĩ đến những việc thiêng liêng cao cả. Tôi tưởng đâu như hết thảy các vị anh hùng cứu quốc đang đứng ở trên đầu, trên cổ mà chứng giám chúng tôi”. Trong buổi họp này, Nguyễn Thái Học tuyên bố.

– Thưa các đồng chí, mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực để đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên một nước Việt Nam Độc Lập Cộng Hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của họ, đặc biệt là các lân quốc: Ai Lao và Cao Miên. Để làm được điều đó thì chúng ta phải có một chính Đảng, tôi đề nghị gọi tên Đảng là Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Ý kiến của anh đưa ra đã được mọi người nhanh chóng thông qua. Vào lúc mười một giờ khuya đang bàn bạc về Điều lệ Đảng thì Phạm Tuấn Tài đến. Anh đến muộn vì khi bước chân đi thì bị thám tử theo dõi, biết vậy anh phải đi lòng vòng để đánh lạc hướng chúng nên bây giờ mới đến nơi. Tưởng là đã lừa được chúng nhưng không ngờ khi anh vừa vào nhà mới ngồi xuống nghe Nguyễn Thái Học và các đồng chí mình suy tôn Chi bộ Nam Đồng Thư Xã làm “đệ nhất chi bộ” thì có báo động khẩn cấp. Phiên họp tuyên bố tạm ngừng. Tất cả mọi người rút lui. Bọn thám tử theo dõi Phạm Tuấn Tài vẫn bám sát anh nên mới xảy ra cớ sự như thế. Tương kế tựu kế, anh phải lang thang đi một mình cho tới sáng để giữ sự bình an cho các đồng chí của mình.

Mãi đến hai giờ sáng mọi người lại có mặt ở trụ sở của Nam Đồng Thư Xã để tiếp tục bàn bạc công việc đang dang dở. Lần này, Nguyễn Thái Học yêu cầu không ai được ghi chép hoặc giữ lại bất cứ tài liệu gì liên quan đến cuộc họp này cả. Mọi người bắt đầu bằng việc bầu Tổng bộ lâm thời. Sau một hồi tranh luận nhau, cuối cùng mọi người đồng ý biểu quyết Nguyễn Thái Học làm chủ tịch Đảng, phó chủ tịch là Nguyễn Thế Nghiệp và từng người phụ trách như sau: ủy ban tổ chức – Phó Đức Chính; ủy ban tuyên truyền – Nhượng Tống; ủy ban ngoại giao – Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch; ủy ban tài chính – Đặng Đình Điển; ủy ban ám sát – Hoàng Văn Tùng; ủy ban trinh sát – Phạm Tiềm và lúc này chưa có ủy ban binh vụ. Đến năm giờ sáng thì mọi người đã thảo luận xong chương trình cách mạng tổng quát, mà cơ bản là rập khuôn theo Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

Sau đó, mọi người có mặt phải đứng lên tuyên thệ, đặt niềm tin sắt son vào Đảng. Đứng trước những đồng chí của mình, Nguyễn Thái Học nắm chặt tay, đôi mắt sáng rực:

– Trước giang sang Tổ quốc, tôi xin thề tuyệt đối trung thành với Đảng, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đảng, tuyệt đối giữ bí mật công việc của Đảng, tuyệt đối hy sinh cho Đảng. Quyết tâm làm tròn sứ mệnh đã được giao phó, hăng say đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công mỹ mãn. Tuyệt đối hy sinh tất cả cho Nước cho Đảng. Nếu trái với lời thề tôi xin chịu tội tử hình.

Những lời thề rắn rỏi trang nghiêm vang như tiếng kèn cách mạng thúc giục nhiệt huyết mọi người. Họ ý thức từ giây phút thiêng liêng này, họ phải đối đầu với hòn tên mũi đạn, với tra tấn tù đày khi đã quyết một lòng xả thân trong công cuộc đấu tranh chống áp bức.

Lê Minh Quốc

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt