Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của châu Âu ? – Từ Thiên An Môn đến bức tường Berlin

Dân Đức đập bức tường Bá Linh

Đứng đầu ở châu Á, Trung Cộng đã học hỏi kinh nghiệm gì từ những kẻ thù như Nhật Bản để hội nhập vào thế giới tư bản? Và khi phong trào dân chủ bùng dậy ở Trung Cộng và Đông Âu, vì sao Bắc Kinh đàn áp đẫm máu thay vì theo giải pháp cởi mở dung hòa của lãnh đạo Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”?

“Từ Thiên An Môn đến bức tường Berlin”, ba sử gia Pháp sẽ trả lời các câu hỏi này.

Vào năm 1968, chỉ 23 năm sau khi bại trận và lãnh hai quả bom nguyên tử ngày 06/08/1945 ở Hiroshima và ngày 09/08/1945ở Nagasaki, Nhật Bản vươn lên hàng cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, Trung Cộng của Mao Trạch Đông chưa vượt qua được sai lầm của chính sách “Đại nhảy vọt” làm cho 45 triệu người tử vong, thì lao vào cuộc “Cách mạng Văn hóa” cũng do họ Mao phát động. Hàng hàng lớp lớp trí thức, văn nhân, nghệ sĩ, cán bộ bị sỉ nhục, người bị cải tạo lao động, kẻ bị tử hình.

Đó là toàn cảnh của hai quốc gia mạnh nhất châu Á thời bấy giờ trong thời chiến tranh lạnh tại châu Âu. Trong khi đó, tuy sa lầy tại Đông Dương, Hoa Kỳ viện trợ và mở cửa thị trường cho các nước và vùng lãnh thổ châu Á khác được trở thành tiểu long như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông.

Theo sử gia Philip Golub, từ năm 1968, khi thấy Nhật Bản thành công, Trung Cộng dò dẫm “hội nhập” vào trào lưu châu Á mà không bắt chước mô hình châu Âu. Bắc Kinh đã chọn đúng thời cơ. Thu nhập bình quân của người Trung Cộng từ 250 đô la mỗi năm vào năm 1968 đã tăng lên 15.000 đô la trong năm 2016, tuy chỉ bằng một phần ba thu nhập của dân Đài Loan, nhưng nhân với số đông dân cư, Trung Cộng đoạt vị thế đại cường thứ hai của Nhật Bản.

Nhà sử học Pierre Glossier phân tích biến chuyển chiến lược này:

“Khúc quanh lịch sử là kể từ 1990 khi xuất khẩu của Nhật Bản bắt đầu chuyển hướng về châu Á nhiều hơn là bán hàng sang Mỹ. Nhiều báo cáo trong thập niên 1990 nhấn mạnh đến hiện tượng “tập trung vào châu Á”, có nghĩa là phần lớn trao đổi mậu dịch ở châu Á là do các nước trong vùng buôn bán với nhau.

Cho dù Hoa Kỳ vẫn bị nhập siêu khá lớn với châu Á nhưng thâm thủng thương mại không gia tăng một cách nghiêm trọng. Hoa Kỳ tiếp tục là động lực, là đầu máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Á châu. Câu hỏi đặt ra giờ đây là liệu Trung Cộng có sẽ trở thành một động cơ tăng trưởng của khu vực giúp cho kinh tế Á châu lẫn kinh tế của Trung Cộng phát triển hay không ?”

Kỹ nghệ học và kinh nghiệm Nhật Bản

Cùng nhận định, giáo sư Hugues Tertrais cho biết vì lý do gì mà Bắc Kinh noi gương Tokyo? Yếu tố chiến tranh lạnh phân chia chiến tuyến ý thức hệ không ngờ là một động cơ thuận lợi cho tâm lý muốn ganh đua tại châu Á:

“Điều tôi muốn nhấn mạnh là trong suốt thời kỳ đó, xuất hiện một yếu tố đặc thù của châu Á: đó là có sự ganh đua giữa một bên là các nước tư bản rất hung hãn như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và phe bên kia là cộng sản như Trung Cộng, cũng hung hăng không thua gì, tuy mỗi phe hung hăng một kiểu.

Xung khắc giữa hai bên diễn ra trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Tình trạng cạnh tranh này đã khuyến khích, đã phát sinh một mô hình phát triển theo kiểu Nhật Bản: Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, lập kế hoạch kèm theo một chính sách bảo hộ mậu dịch với một dạng chạy đua tăng trưởng như mũi tên lúc nào cũng đi lên. Mô hình này hấp dẫn đến mức các chế độ cộng sản trong vùng như Trung Cộng cuối cùng phải bắt chước và lĩnh hội”.

Phải lưu ý là vào buổi đầu đổi mới ở Trung Cộng với chính sách tư bản Nhà nước, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với các chuyên gia và kỹ nghệ gia Nhật Bản những người đóng vai trò kiểu mẫu cho Trung Cộng noi gương, theo Philip Golub.

Còn theo sử gia Pierre Glossier, Trung Cộng không chỉ “bắt chước” mà còn “theo dấu chân khai phá” của Nhật. Cụ thể, trong hai năm 1978, 1979, sau khi dẹp được nhóm “tứ nhân bang”, Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, Trung Cộng cũng tìm hiểu, học hỏi và ngưỡng mộ các chuyên gia kinh tế Hungary. Trung Cộng đưa các nhà kinh tế của họ đi khắp thế giới quan sát, học hỏi các mô hình có thể mang về áp dụng một cách hiệu quả nhất. Trước Trung Cộng, từ thập niên 1960, Nhật Bản cũng đã áp dụng phương thức này, cho nhân tài đi khắp thế giới để học tập cái hay, cái giỏi của xứ người đem về thực hiện canh tân đất nước.

Công thức Singapore

Đường lối mà Đặng Tiểu Bình đặt tên là “kinh tế thị trường theo kiểu Trung Cộng” trên thực tế là bản sao của Singapore, theo sử gia Hugues Tertrais. Mô hình phối hợp “hiệu quả kinh tế với ổn định chính trị” là công thức của ông Lý Quang Diệu mà ông Đặng Tiểu Bình rất ngưỡng mộ và trao đổi thường xuyên. Trung Cộng nhờ đến kỹ thuật, công nghệ học của Nhật nhưng không theo chế độ dân chủ của Nhật.

Đến năm 1989 thì xã hội Trung Cộng bế tắc. Các chế độ cộng sản Đông Âu từ Liên Xô, Ba Lan cho đến Đông Đức cũng bị khủng hoảng. Khi phong trào công nhân, sinh viên tranh đấu đòi quyền sống và dân chủ bùng lên tại Trung Cộng thì Đặng Tiểu Bình và phe bảo thủ chọn biện pháp bảo vệ Đảng thay vì hoà hợp cùng khát vọng tự do của người dân và nhất là tương lai của thế hệ trẻ. Những nhà lãnh đạo được sinh viên mến mộ như Hồ Diệu Bang bị thất sủng, Triệu Tử Dương bị cách chức và quản thúc.

Phương pháp Đặng Tiểu Bình

Vì sao Trung Cộng tắm máu mà Đông Âu hoà bình ? So sánh vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn vào mùa xuân 1989 với biến cố bức tường Berlin vào mùa đông cùng năm, sử gia Pierre Glossier phân tích:

“Về vai trò của châu Á và yếu tố Á châu khi chiến tranh lạnh kết thúc, chúng ta có thể bàn về khía cạnh cơ cấu của châu lục này.

Vào năm 1989, trước khi xảy ra biến cố Đông Âu, khi được hỏi đâu là những hiểm họa lớn nhất đe dọa Tây phương thì Hoa Kỳ không cho đó là Liên Xô. Trái lại, Nhật Bản bị Mỹ xem là đối tượng đáng gờm nhất.

Cho đến khi xảy ra phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh dẫn đến cuộc thảm sát không chỉ diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn mà còn xảy ra trên khắp lãnh thổ Trung Cộng, thì lúc đó Tây phương mới sững sờ. Tuy số nạn nhân không nhiều so với cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, nhưng Thiên An Môn đã gây ấn tượng mạnh cho giới lãnh đạo cộng sản Đông Âu và Tây phương.

Hoa Kỳ lúc đó không muốn đổ thêm dầu vào lửa, thổi luồng gió mạnh vào đám than hồng dân chủ đang âm ỉ chống các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Lý do thứ nhất là Mỹ sợ tái diễn kịch bản Budapest năm 1956, khi phong trào dân chủ nổi dậy tại Hungary, kéo dài một thời gian, là bị Liên Xô xua quân đàn áp trong biển máu. Lý do thứ hai là sợ cũng như trường hợp Thiên An Môn, Liên Xô sẽ đàn áp ngay tức khắc trong biển máu. Do vậy, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George H. Bush tỏ ra rất thận trọng.

Mặt khác, giới lãnh đạo Đông Âu cũng như các nhà hoạt động dân chủ đều bị phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh gây ấn tượng. Một số chế độ thuộc loại “cứng” như Đông Đức chưa bao giờ lại có nhiều trao đổi “thường trực” với chính quyền Trung Cộng như thế. Do vậy, khi huy động cuộc xuống đường đòi dân chủ tại Leipzig, ban tổ chức đã hết sức thận trọng trước trách nhiệm vô cùng to lớn vì họ sợ bị đàn áp như ở Thiên An Môn. Đó là lý do vì sao người dân Đông Đức xuống đường rất cẩn trọng, thể hiện tính chất bất bạo động, tính chất ôn hoà của phong trào dân chủ tại Đông Âu trong năm 1989 vì không ai muốn khiêu khích để dẫn đến đàn áp kiểu Thiên An Môn.

Mikhail Gorbachev cũng bị Thiên An Môn mê hoặc, ghi dấu ấn qua chuyến viếng thăm của ông tại Bắc Kinh, đúng vào thời điểm xảy ra phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh và do vậy chương trình công du của ông phải rút ngắn. Sinh viên Trung Cộng tới vấn ý nhà lãnh đạo Liên Xô, hỏi làm cách nào để cải cách, canh tân Trung Cộng như Liên Xô với chính sách Perestroika và Glasnos.

Khi cách mạng Đông Âu nổi lên, Mikhail Gorbachev không bật đèn xanh cho các chế độ Cộng sản đàn áp cũng vì lãnh đạo Liên Xô thiên về giải pháp đối thoại, đàm phán ôn hoà. Điều cần chú ý là sau khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo Trung Cộng tự khen là họ đã chọn phương án tốt nhất, biện pháp đàn áp để bảo vệ chế độ: Trung Cộng ổn định, kinh tế phát triển trong khi Liên Xô và sau này, từ năm 1991, là Liên Bang Nga, bị chao đảo”.

Theo sử gia Hugues Tertrais, lý do cốt lõi thúc đẩy phe bảo thủ tại Trung Cộng đưa binh sĩ từ Nội Mông về trấn áp sinh viên Bắc Kinh là vì họ sợ ảnh hưởng của phong trào Đoàn Kết và chủ trương hoà giải dân tộc tại Ba Lan lây lan làm sụp đổ chế độ:

“Nói chung thì Trung Cộng và Liên Xô có cùng một vấn nạn nhưng cách giải quyết khác nhau. Liệu hai biến cố có tương quan nhân quả với nhau hay không ? Đó là câu hỏi lớn.

Theo tôi, vào năm 1989, giới lãnh đạo Trung Cộng đã quyết định đàn áp trong khi tại Đông Âu, Ba Lan tổ chức bầu cử dân chủ. Bởi vậy Bắc Kinh e rằng phong trào dân chủ sẽ lây lan. Biết đâu Trung Cộng đã đi theo mô hình chính trị Ba Lan và làm thay đổi lịch sử Trung Cộng.

Cùng là một vấn nạn nhưng cách giải quyết khác nhau. Châu Á chọn con đường đàn áp, bạo lực trong khi châu Âu thiên về dân chủ cho dù ở Liên bang Nga, phải chờ nhiều năm nữa mới có thể phán xét hiệu quả”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu một đại cường được xem là “ổn định” theo kiểu Trung Cộng có cơ may thay thế Hoa Kỳ hay không ?

Theo RFI (Tú Anh thực hiện)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt