Tự do Tôn Giáo xưa và nay

 Tôn giáo vốn là niềm tin của con người vào các giá trị siêu nhiên, cũng như những đạo lý, lễ nghi liên quan đến niềm tin đó. Về phương diện lý luận, chúng ta coi tôi giáo như một hệ thống quan điểm tư tưởng triết học. Lịch sử tôn giáo luôn thăng trầm bởi các chế độ chính trị. Nhưng xưa nay, tôn giáo không chỉ xuất thế, mà còn nhập thế để cứu đời vậy. Theo dòng thời gian, chúng ta sẽ thấy được điều đó.

Cuối đời Đông Hán bên Trung Quốc, triều đình đã trở nên thối nát và suy vong. Dân tình đói khổ, chư hầu nổi lên khắp nơi, mở đầu là cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng làm rung chuyển đất nước. Các lãnh tụ Khăn Vàng cũng đồng thời là tín đồ của Đạo Lão (Một Tôn giáo lớn).  Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, các chư hầu khác cũng lần lượt bị Tào Tháo đánh bại, cuối cùng dẫn đến cục diện Tam Quốc kéo dài 60 năm (220 – 280). Ba nước đó là: Ngụy (Do Tào Tháo mượn danh Thiên Tử để sai khiến chư hầu), Thục (Do Lưu Bị đứng đầu), Ngô (Do Tôn Quyền làm chủ).  Nước Ngô (Đông Ngô) vốn trước đây do Tôn Kiên khai phá đất đai và dựng nghiệp. Kế đó con trai của ông là Tôn Sách nối chí cha mà lập quốc an bang. Một lần Tôn Sách cùng các tướng đi trên đường, thấy một đạo sĩ ngồi trên kiệu đi đến đâu thì được dân chúng quỳ lạy tới đó. Đạo sĩ này vốn hay chữa bệnh cứu người, nên được người dân tôn sùng như thánh. Tôn Sách thấy mình là chủ Đông Ngô mà lại không được dân chúng coi trọng như vậy, liền nổi giận mà giết chết đạo sĩ. Lúc đó Tôn Sách đang bị thương, sau khi giết đạo sĩ rồi vết thương tự dưng tái phát mà mê man bất tỉnh. Tôn Sách biết mình không qua khỏi, trước khi chết truyền ngôi lại cho em trai là Tôn Quyền lúc đó còn nhỏ.

Câu chuyện trên cho thấy, từ xưa tôn giáo đã có vai trò và vị trí to lớn trong đời sống xã hội. Các tôn giáo cũng luôn nỗ lực tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng và tự do tôn giáo ở bất cứ nơi nào mà nó hiện diện.

Ở Việt Nam ta, trước đây nhà Nguyễn cũng có thời kỳ khủng bố và cấm đạo gắt gao. Nguyên do là lúc này đạo Ki tô mới du nhập vào, còn xa lạ trong nhận thức của người Việt Nam, vì tư tưởng truyền thống xưa nay vẫn là đạo Khổng Mạnh. Trong con mắt của triều đình, các nhà truyền đạo là những người làm gián điệp cho thực dân Pháp xâm lược. Triều đình vẫn quen đóng cửa với bên ngoài, mà không nghĩ rằng sự giao thoa giữa các nền nền văn hóa là một quy luật tất yếu. Trên thực tế, đạo Ki Tô đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển đất nước, mở mang dân trí, khai hóa phong tục. Như việc linh mục dòng Tên Alexandre de Rhodes  lập ra hệ chữ quốc ngữ thay thế chữ nôm chẳng hạn. Hoặc như nhà cải cách người Công Giáo Nguyễn Trường Tộ, ông đã có nhiều đóng góp vào tư tưởng canh tân. Qua đi những hiểu lầm ban đầu, đạo Ki Tô tiếp tục phát triển và sống hài hòa cùng dân tộc. Người công giáo hiền hòa, kính chúa yêu nước, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa.

Kể từ khi chế độ Cộng Sản xuất hiện đến nay, các tôn giáo bị kỳ thị và bài xích nặng nề. Những người Cộng Sản vô thần đã đập bỏ tượng chúa, tượng Phật, cơ sở tôn giáo bị thu hẹp và tịch thu. Nhiều chức sắc tôn giáo, vì bảo vệ tín ngưỡng mà bị tù đày và giết hại. Lý do là người Cộng Sản chỉ tôn thờ chủ nghĩa Marx, và cho rằng nó duy nhất đúng.

Giai đoạn sau này, tuy không bị đàn áp như trước nữa, nhưng người theo đạo vẫn bị giám sát và trói buộc. Người Công giáo chỉ được coi như những công dân hạng hai. Một số chức sắc tôn giáo thuộc giáo hội chưa được phép hoạt động, bị bắt với lý do vi phạm pháp luật dân sự hoặc hoạt động chính trị trái phép. Các cơ sở giáo hội không đăng ký trên vùng Tây Nguyên bị công an nhà nước san bằng và một số tín đồ bị buộc phải từ bỏ đạo.

Linh mục Nguyễn Văn Lý, một tu sĩ được ân xá ngày 31 tháng 1 năm 2005, vốn bị kết án 15 năm tù (và 2 lần giảm án 5 năm) sau khi gửi thư điều trần tới Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế. Ông bị khởi tố với hai tội danh: “Không chấp hành quyết định quản chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” và “Phá hoại chính sách đại đoàn kết.”. Tháng 2 năm 2006, linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị quản chế tại Bến Cũi, Thừa Thiên Huế, cũng với lý do nêu trên. Ngày 30/3/2007, linh mục Nguyễn Văn Lý lại bị tòa án nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế xét xử với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam”. Những lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, vốn không được nhà nước thừa nhận cũng đã bị cầm cố trong chùa của họ suốt nhiều năm. Một số vị lãnh đạo và tín đồ khác cũng đã bị giam giữ vì nỗ lực chống việc chính quyền đòi quyền tuyệt đối kiểm soát Giáo hội.

Từ ngày 21 đến 31 tháng 7 năm 2014, một phái đoàn Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo đã đến thăm Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo Heiner Bielefeldt than phiền trong buổi phỏng vấn với đài Deutsche Welle (DW) của Đức hôm 4 tháng 8, rằng ông bị cản trở trong chuyến đi Việt Nam và không thể tiếp cận một số nhà hoạt động trong nước: “Một số các cá nhân đã bị ngăn cản không cho gặp tôi, một số khác thì bị cảnh cáo, đe dọa hoặc sách nhiễu. Bên cạnh đó, phái đoàn của tôi còn bị công an hoặc an ninh ngầm theo dõi và tính bí mật của các cuộc gặp riêng cũng bị vi phạm”.

Về vấn đề vi phạm tự do tín ngưỡng, ông Bielefeldt cho biết: “Nhiều người bị gây áp lực phải từ bỏ các hoạt động tôn giáo để đi theo các kênh được nhà cầm quyền công nhận. Họ phải đối mặt với các đợt trấn áp mạnh tay của công an, bị liên tục mời làm việc với công an, các hoạt động tôn giáo bị giám sát chặt chẽ, các lễ hội tôn giáo bị quấy rối. Bên cạnh đó, họ còn bị giam lỏng tại gia, bị bắt giữ, đánh đập, tấn công, bị đuổi việc, mất phúc lợi xã hội, các thành viên trong gia đình bị gây áp lực, nơi cầu nguyện bị phá hủy…”.

Tự do tôn giáo là quyền được thực hiện các hành vi tôn giáo, theo đuổi tín ngưỡng của cá nhân một cách tự do. Ngày nay, nó được coi là một trong những quyền tự do căn bản của con người. Mặc dù nhà nước Cộng Sản Việt Nam có thừa nhận quyền tự do tôn giáo trong Hiếp pháp, nhưng những hạn chế của nhà cầm quyền với các tôn giáo vẫn còn gay gắt và đáng quan ngại. Đặc biệt là việc nhà nước cố tình thâu tóm và kiểm soát tôn giáo.

Viết từ Việt Nam

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt