Truyền thống lấy oán trả ân của người cộng sản

Kể từ khi thành lập ĐCSVN năm 1930 cho đến nay, việc các “đồng chí” trong đảng tranh giành quyền lực, đánh đấu nội bộ để giành giật địa vị và quyền lợi. Rồi đến việc họ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt lẫn nhau thì nhiều vô kể.
Không chỉ ở Việt Nam, mà các nước cộng sản khác cũng vậy. Đó là đặc tính cơ bản của những người cộng sản, là đạp lên xác “đồng chí” đồng đội của mình để tiến thân bằng mọi giá.
Những người cộng sản thường căm thù nhau đến tận xương tủy, coi nhau như kẻ thù không đội trời chung vậy. Nhưng bề ngoài họ vẫn gọi nhau một “đồng chí”, hai “đồng chí” ngọt xớt. Nếu không tiêu diệt được nhau, thì họ cũng tìm mọi cách hạ nhục nhau.

Trường hợp tướng Võ Nguyên Giáp là một ví dụ điển hình.

Từ chỗ là một trong những vị “khai cuốc công thần” của chế độ, nhân vật được cho là ‘huyền thoại’ của đảng CSVN. Một vị tướng lẫy lừng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc xâm chiếm VNCH sau này. Vậy mà đến năm 1980, ông bị gạt ra khỏi chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1982, được đảng ưu ái hơn, tuy vẫn làm Phó Thủ tướng, nhưng phụ trách “sinh đẻ có kế hoạch”. Vì vậy trong dân gian lan truyền câu ca: “Ngày xưa Đại tướng cầm quân/ Ngày nay đại tướng tụt quần chị em”… “Ngày xưa Đại tướng công đồn/ Ngày nay Đại tướng canh L..chị em”.

Mặc dù sau này tướng Giáp đã gần như mất hết quyền lực, nhưng họ vẫn không buông tha ông. Để hạ bệ nốt thần tượng của tướng Giáp, họ dựng lên vụ án ‘Năm Châu- Sáu Sứ” ngay trước thềm Đại hội khóa VII(1991). Họ tố cáo ông cùng với tướng Trần Văn Trà đang âm mưu đảo chính. Vì thế tại Đại hội này, tướng Giáp hoàn toàn bị gạt ra rìa, may mà không phải vào tù, và phải ngậm ngùi chấp nhận thua cuộc, để cho bọn đàn em Lê Duẩn, Lê Đức Thọ làm mưa làm gió, lũng đoạn chính trường VN những năm sau đó.

Lúc này không phải họ sợ tướng Giáp tranh quyền đoạt vị. Nhưng vì vòng hào quang của vị tướng này còn quá rực rỡ, đã làm họ lu mờ hình ảnh của họ, nên họ quyết tâm tận diệt thanh danh ông. .

Năm 2013, sau khi tướng Giáp qua đời, được đảng tổ chức Quốc tang (là nghi thức chỉ dành cho Tứ trụ), thì bà Bảy Vân, vợ hai của cựu TBT Lê Duẩn, đã làm đơn gửi đến 16 uỷ viên Bộ Chính trị. Bà Bảy Vân cáo buộc tướng Giáp với những tội danh nặng nề như “làm gián điệp cho nước ngoài, phản bội tổ quốc dân tộc”.
(Đơn kiện bà Nguyễn Thị Bạch vân vợ 2 của Lê Duẫn)

 

Đối với những vị “khai quốc công thần” của chế độ, còn được đảng ưu ái và dành cho những “đặc ân” như vậy.

Với những ân nhân của họ, việc những người cộng sản vong ân bội nghĩa, lấy oán trả ân, hay theo cách nói dân gian là ‘ăn cháo đái bát” thì cũng không hiếm.

Khi Đảng còn cơ cực bần hàn và chui rúc trong hang, biết bao nhiêu người đã nghe theo những lời dụ dỗ đường mật của Đảng, đã mang theo tiền bạc của cải hiến cho Đảng. Đến khi Đảng “cướp” được chính quyền, họ quay lại đền ơn đáp nghĩa những ân nhân của mình bằng cách đưa những người này ra đấu tố với những nhục hình hết sức rùng rợn. Cuối cùng là giết và cướp.

Thành tích vang dội cho chiến dịch “lấy oán trả ân” này là cuộc “Cải cách ruộng đất” (CCRĐ)1953-1955, đã tịch thu 810.000 hecta đất đai của nhân dân miền Bắc, và 172. 008 người bị đem ra đấu tố, và nhiều người bi bị tử hình. (vài link này xem tin tức)

Hầu hết những nạn nhân của CCRĐ đều là những người giàu có và có rất nhiều nhiều công trạng với Đảng. Vì chỉ có những nhà giàu mới có tiền của giúp Đảng. Nên Đảng đã bám vào những người này để tuyên truyền và lợi dụng lòng tốt của họ.

Hai trường hợp sau đây là những ví dụ điển hình cho bản chất gian manh độc ác, lọc lừa, bất nhân bất nghĩa, lấy oán báo ân của những người cộng sản.

Về nhà tư sản Trịnh Văn Bô (xem video này trước khi đọc tiếp để thấy sự ăn cướp vong ơn bội nghĩa của VC)

Sau cái chết của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ cụ ông Trịnh Văn Bô mới đây, thì báo chí lề đảng đồng loạt loan báo tin này.

Theo đó: “Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người hiến tặng Nhà nước 5.147 lượng vàng trong “Tuần Lễ Vàng” (năm 1945), qua đời hồi 23h20 đêm 5-11 tại nhà riêng 34 Hoàng Diệu, Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi”…

“Chỉ ít ngày sau khi Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, trong khi ngân khố trống rỗng. Ngoài ra cụ còn vận động những người khác ủng hộ cách mạng được 20 triệu đồng bạc Đông Dương(tương đương 700.000 lạng vàng), và 370kg vàng”. 

Hầu hết các báo lề đảng chỉ nói đến việc gia đình ông Trịnh Văn Bô đã hiến tặng cho nhà nước 5147 lạng vàng (gấp đôi số tiền ngân khố lúc bấy giờ)..
Chỉ có vài tờ báo dũng cảm, dám nói đến việc gia đình cụ, ngoài việc đã hiến ngôi nhà 48 Hàng Ngang cho Đảng, còn nói đến quá trình chăm sóc nuôi nấng toàn bộ Trung ương Đảng trong những ngày đầu cách mạng của gia đình cụ: “Trong số vàng gia đình cụ hiến ấy, có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của ông Hồ là ông Nguyễn Lương Bằng đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm (500 lượng), Lư Hán (300 lượng), Tiêu Văn (200 lượng) chỉ để mong hòa hoãn, khỏi đụng độ giữa hai lực lượng, quân Tưởng Giới Thạch và quân ta, với tâm nguyện là dân tộc bớt đổ máu là chúng tôi mừng”.

Chính tại ngôi nhà này, sau khi TƯ Đảng và ông Hồ về ở đây, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã cúc cung phục vụ tận tụy những người này, từ ăn uống cho đến quần áo mặc dự lễ.

Cụ bà kể: “Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, được gia đình cụ chăm lo chỗ ăn ngủ chu đáo”… “Chiếc giường ngủ của hai cụ được nhường lại cho “Ông Cụ” nằm nghỉ”… “Tại tầng 2, tôi đặt 6 giường vải cá nhân, sau tôi làm thêm 6 cái nữa. Các ông họp hành khuya thì ngả giường ngủ lại ở đó, mỗi người đều có màn, một gối và khăn bông to đắp bụng”…
“Ngày 27/8, cụ gặp người trong Trung ương Đảng và bảo: “Mùng 2 là ngày độc lập, phải trang bị quần áo cho các anh, chứ không các anh không có quần áo mặc đàng hoàng. Các “đồng chí” xúc động nói: “Tùy chị, chị làm như nào cũng được”. ..

“Cụ bảo “đồng chí” Nguyễn Lương Bằng lên xem tủ quần áo của ông Trịnh Văn Bô, có bộ mặc một hai lần, có bộ chưa mặc lần nào để mọi người ướm thử…Cả tủ quần áo, cụ chỉ bớt lại cho cụ Trịnh Văn Bô hai bộ, còn lại trang bị hết cho các đại biểu trong lễ ra mắt. Riêng quần áo của Bác Hồ, do Bác không hợp bộ nào trong tủ quần áo nên ông Trịnh Văn Bô chọn riêng vải kaki của Anh, và mời một chủ hiệu may ở phố Hàng Quạt đến may đo quần áo cho Bác. Đầu tiên cụ trang bị cho các đại biểu ngày Tuyên ngôn độc lập, sau đó, trang bị tiếp cho các “đồng chí” trong Trung ương Đảng, phải tới hơn 200 bộ”.
(https://thanhnien.vn/thoi-su/noi-buon-nhan-doi-cua-gia-dinh-ong-ba-trinh-van-bo-897820.html).

Nhân nói đến ngôi nhà 48-Hàng Ngang này, xin nói thêm về việc ai là tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập ấy. Hầu như tất cả các tài liệu của đảng, khi nói đến ngôi nhà này, đều gắn liền với sự kiện ông Hồ đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước VNDCCH tại đây.

Nhưng nhà văn Vũ Thư Hiên, trong bài: “ Tưởng nhớ Bà Trịnh Văn Bô:Một Nén Hương Xa Tiễn Bác”, kể rằng: “ Cũng nhân tiện nói đến ngôi nhà này, tôi xin góp vào một chút tư liệu lịch sử. Năm 1963, khi ngồi cùng xe với ông Trần Huy Liệu lên thăm nhà tù Sơn La, tôi có hỏi ông: “Kỷ niệm sâu sắc nhất của bác trong những ngày Tháng Tám là gì?”. Ông trả lời: “Là được phân công viết bản Tuyên ngôn Độc Lập”. Tôi hỏi: “Không phải bác Hồ?”. Ông nói: “Bác thảo, rồi bác ấy sửa sau cùng”. ( https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/tuong-nho-ba-trinh-van-bo/).

Về giá trị của ngôi nhà 48 Hàng Ngang:

Ngôi nhà hai mặt tiền nơi Phố Cổ này, có vị trí thuận lợi, nằm tại khu trung tâm buôn bán sầm uất và thông ra mặt phố Hàng Cân và phố hàng Ngang. Với tổng diện tích lô đất này là 420 m2. Ngôi nhà 4 tầng lầu này ngoài tầng trệt làm nơi buôn bán; tầng 2 và tầng 3 làm nơi sinh hoạt gia đình, làm phòng ngủ và phòng ăn. Tầng 4 làm nhà kho.Trên sân thượng làm nới phơi phóng.

“Ngôi nhà hình ống, mặt tiền ngôi nhà phố Hàng Ngang chừng 6m, mặt tiền phía sau phố Hàng Cân chừng 10m, tổng diện tích mặt sàn là hơn 400m2. Hiện tại, ngôi nhà đang lưu giữ nhiều hình ảnh và kỷ vật về Bác Hồ”. 

Theo Báo Vietnamnét ra ngày 16/7/2016, cho biết: “Nhà phố cổ Hà Nội 1,2 tỷ/m2”. Với diện tích hơn 400 m2, vậy ngôi nhà 48 Hàng ngang này có giá là 480 tỷ VNĐ. Giá vàng SJC (hôm 13/11/2017) tại Sài Gòn là 36,430 trệu đồng/lượng. Vậy ngôi nhà này có giá hơn 13.175 lượng vàng.

Vậy là gia đình cụ Trịnh Văn Bô hiến ngôi nhà này, quy ra vàng, gấp hơn 2.5 lần số vàng ông bà hiến tặng trong “Tuần Lễ Vàng” năm 1945.

Về ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu

Ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu mà gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã cho tướng Hoàng Văn Thái mượn từ năm 1954 với thời hạn 2 năm. Nhưng phải đến 50 năm miệt mài đi đòi, gia đình ông bà mới giành lại được ngôi nhà của chính mình, với một quyết định “Tặng”, do đã “có công lao to lớn đối với đất nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

Theo nhà báo Quốc Phong: “Hàng chục chữ ký của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đều ủng hộ hai cụ. Nếu tính ra thì có đến hơn chục chữ ký ủng hộ trả nhà là của các uỷ viên Bộ Chính trị lão thành và đương chức qua các thời kỳ. Từ Chủ tịch nước Trường Chinh đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng,… rồi sau này, phải đến thời kì ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư, ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, thì mới hoá giải được câu chuyện dài kỳ nói trên”. 

Ngôi nhà và lô đất này có diện tích 3000m2. Tuy nơi đây không thuộc khu Phố Cổ. Nhưng đây lại là khu trung tâm của quận Ba Đình, là “đầu não” của Thủ đô “Ngàn năm văn hiến”. Ngôi nhà này là một trong những biệt thự đẹp nhất, sang trọng nhất và lớn nhất, trên con phố đẹp nhất thủ đô. Ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp có ba tầng. Mỗi tầng diện tích 300 m2, sàn nhà được lát bằng gỗ lim đen nhánh, đến nay còn nguyên vẹn. Ngôi nhà này sát nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà tướng Giáp là 30-Hoàng Diệu. Nhà này là 34-Hoàng Diệu, không có số 32). Giá đất khu này sẽ cao hơn khu Phố Cổ.

Cứ tạm cho là giá bằng khu Phố Cổ, tính ta lô đất này có giá khoảng 3.600 tỷ. Với con số khủng như thế, nên người ta cố tình “quên” không trả là điều dễ hiểu.

Sau khi gia đình tướng Hoàng Văn Thái chuyển sang nhà khác, ngôi nhà này lại tiếp tục để cho con gái của tướng Hoàng Văn Thái, có chồng là Võ Điện Biên, con trai tướng Giáp tiếp tục ở.

Phải đến tối 9/10/2003, nhân lúc đêm tối, con cái cụ mới đưa cụ bà “nhảy dù” vào chiếm lại ngôi nhà của mình. Và cụ cũng không quên mang theo can xăng để khi cần thì “nói chuyện” với quân kẻ cướp.

Theo ông Trịnh Cần Chính, con cụ Trịnh Văn Bô, cho biết, vào năm 2013, nhân dịp mừng thọ 100 tuổi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ. Các doanh nhân là bạn bè ông đến dự, đã tính ra rằng, với số vàng gia đinh cụ Bô hiến là 5147 lượng vào năm 1945, nếu đem vào gửi ngân hàng, theo lãi suất ngân hàng, thì đến năm 2013, sau 68 năm, sẽ có tổng số tiền là 7 tỷ USD.

Nhân vật thứ hai của công cuộc “đền ơn đap nghĩa” của đảng là bà Cát Hanh Long- Nguyễn Thị Năm.

Bà Nguyễn Thị Năm (1906 – 1953), quê ở Làng Bưởi, Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám, gia đình bà từng ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng lúc bấy giờ).

Trong “Tuần Lễ Vàng”, bà đóng góp hơn 100 lạng vàng nữa. Sau đó bà còn giúp đỡ nhiều vật dụng, thóc gạo, y tế và nhà cửa cho đảng.

Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc, trong đó có 3 năm làm Chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Khi thực hiện lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, bà đã cho san bằng khu biệt thự của bà tại Đồng Bẩm, Thái Nguyên.
Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị.v.v.

Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của bà Nguyễn Thị Năm bị cho là “giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại.” và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra “xử lý”.

Trong bài viết “Địa chủ ác ghê” của C.B trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953, có kể tội bà đã “Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người…Giết chết 14 nông dân. Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân…”. Theo đó, Nguyễn Thị Năm đã “thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến”.

Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép, bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953, và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động “long trời lở đất”…

Theo ông Hoàng Văn Hoan, Ủy ban Cải cách ruộng đất tự cho phép các đội Cải cách ruộng đất được bắn vào địa chủ gian ác để nâng cao khí thế nông dân. Việc bắn địa chủ mở đầu từ Thái Nguyên (Nguyễn Thị Năm) sau lan tràn đi nhiều nơi, coi là một phương pháp tốt, để nâng cao uy thế của nông dân.
Theo Trần Đĩnh viết trong hồi ký Đèn cù thì lúc bấy giờ ông là phóng viên báo Nhân dân được Trường Chinh cử viết bài tường thuật về vụ đấu tố. Hồ Chí Minh đã bịt râu và Trường Chinh thì đeo kính râm bí mật tới dự vụ đấu tố bà Năm. Trần Đĩnh cũng cho rằng Hồ Chí Minh là tác giả bài báo ký tên C.B có nghĩa là “Của Bác” trên tờ Nhân dân kết tội bà Năm.

Theo tác giả Trần Đĩnh, qua lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu quốc trong đội cải cách: “Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van “các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh.” Du kích quát: “đưa đi chỗ giam khác thôi, im!.” Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?” Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy”.

Mặc dù hai người con trai của bà đi bộ đội và có công với lực lượng Việt Minh, năm 1953 hai người con này là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát bị triệu về và bắt giam đưa đi cải tạo đến cuối năm 1956 mới được thả về.

Sau nhiều năm cố gắng, đến năm 1990, gia đình mới tìm được xác của bà Năm tại Đồng Bẩm 

Trên đây chỉ là hai nhân vật điển hình trong hàng trăm ngàn nhân vật khác đã đem gia tài sản của mình hiến cho ĐCSVN, và được được đảng “đền ơn đáp nghĩa theo nhiều cách thức khác nhau. Nhưng cuối cùng, đa số phải đền mạng. Một số ít dù có thoát chết, thì suốt cuộc đời còn lại cũng phải mang cái án địa chủ phản động. Và đến con cháu họ cũng luôn luôn bị phân biệt đối xử như những công dân hạng 2.

Trước đây, khi mạng xã hội còn chưa được phổ biến, dưới ách cai trị độc tài và bưng bít, những người cộng sản đã hoàn toàn bưng bít những tội ác tày trời do họ gây ra.

Ngày nay, với sự bùng nổ của mạng xã hội, toàn bộ tội ác của họ đã bị vạch mặt và phơi bày trước thanh thiên bạch nhật.

Để vớt vát chút uy tín ít ỏi còn lại, nhằm tiếp tục lừa dối nhân dân, sau cái chết của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, họ định đưa cụ bà vào mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Nhưng gia đình cụ đã thẳng thừng bác bỏ ý định này. Không bao giờ những con người yêu nước chân chính và giàu lòng nhân ái như cụ, lại chịu nằm chung với loài rắn độc.

Trong dân gian đã có nhiều câu chuyện kể về một số loài vật, sau khi bị nạn, được con người cứu giúp thoát nạn, sau đó đã tìm cách trả ơn con người.

Riêng loài rắn độc thì không. Loài rắn độc, không những không biết trả ơn kẻ đã cứu mình. Dù nó được con người cứu giúp nó qua cơn hoạn nạn, nhưng nếu sơ ý, nó vẫn sẵn sàng đớp vào người đã cứu mình ngay tức khắc.

Cộng sản là loài rắn độc. Không bằng những con vật bình thường khác đã biết cách trả ơn những kẻ cứu giúp mình trong cơn hoạn nạn.

Trong lịch sử mấy ngàn năm tồn tại của xã hội loài người, không có một chế độ nào độc ác, gian manh vô đạo và tàn bạo như những người cộng sản.

Hàng trăm triệu người tại những nước đã bị cơn dịch hạch của chủ nghĩa cộng sản quét qua, đã phải chết tức tưởi dưới ách cai trị sắt máu của những người cộng sản.

Văn hào Pháp Victor Hugo từng nói: “ Chủ nghĩa cộng sản là giấc mơ của vài người, nhưng là cơn ác mộng của nhân loại”.

Vô sản gắn liền với vô học là ở chỗ đó!

Hương Khê

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt