Tôn Giáo và Chính Trị

Bài bình luận Tôn Giáo và Chính Trị của cựu đại tá Hoàng Đạo Thế Kiệt nêu rõ những vấn đế chính trị, tôn giáo và những sự liên quan ràng buộc của nó đối với con người trong xã hội. Bài này cũng phân tích sâu sắc về chính trị và tôn giáo trong xã hội Việt Nam cận đại và hiện nay.

Tôn Giáo Và Chính Trị

Hoàng Đạo Thế Kiệt

Tôn giáo và chính trị xưa nay vẫn là vấn đề vô cùng rộng lớn, phức tạp. Ðặt các vấn đề đó trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, phạm vi của nó lại càng khó khăn, phức tạp, và tế nhị hơn nhiều.

Ðể đóng góp phần nào vào nỗ lực chung của nhóm chủ biên Tuyển tập số 2, mà chủ đề là “Tôn giáo và Chính trị”, người viết sẽ chỉ đưa ra một vài ý kiến căn bản, rất tổng quát, về lý thuyết của các vấn đề này, và cũng sẽ không đào sâu vào vấn đề vô thần, hữu thần, nhưng sẽ nói nhiều hơn về tình hình thực tế của các vấn đề đó trong trường hợp Việt-Nam. Lý do là, trên phạm vi tư tưởng, cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” đã bị phá sản từ lâu rồi. Từ cái đầu, bây giờ nó đã biến thành cái đuôi, như cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường. Và ngay cái đuôi đó cũng đang rẫy chết trước các cuộc tấn công cuối cùng của phái tư bản hữu thần.

Ðiều đáng quan tâm bây giờ là nhìn vào cái thực tế Chính trị Tôn giáo hiện tại của đất nước để tìm ra con đường tốt nhất hầu chỉnh đốn lại cái xã hội mà bọn cộng sản vô thần đã làm cho rách nát đến cùng hiện nay.

1- Những nét tổng quát:

Khái niệm căn bản về tôn giáo và chính trị.

Trước hết xin có một khái niệm căn bản về tôn giáo và chính trị. Hai lãnh vực này đều được coi là những yếu tố cấu thành của một xã hội. Nói thế là bởi cả hai đều đã xuất hiện gần như đồng thời với xã hội loài người và sống liền với loài người từ đó đến nay.

–   Về Chính trị thì, hễ có hợp đoàn là có sinh hoạt xã hội; có sinh hoạt xã hội là có lãnh đạo; và có lãnh đạo là đương nhiên phải có chính trị, vì chính trị chính là hệ quả, là thể hiện của lãnh đạo. Rồi tiến xa hơn bước nữa, từ chính trị sẽ phải đi đến chính quyền, là cơ cấu quản trị xã hội.

Yếu tố chính trị do đó gắn liền với mọi sinh hoạt xã hội, đến độ trở nên một thành tố trong cấu trúc của mọi xã hội. Từ thuở sơ khai đến nền văn minh hiện đại, không một xã hội loài người nào không có lãnh đạo và chính trị. Ðôi khi cả xã hội loài vật cũng có lãnh đạo, tuy không có chính trị.

Thành tố đó ngày càng phức tạp và ảnh hưởng sâu đậm hơn đến các xã hội loài người, từ cục bộ đến toàn bộ, theo tiến trình trưởng thành của nhân loại. Mọi con người trong bất cứ xã hội nào, dù chấp nhận hay không, đều bị chi phối nặng nề bởi chính trị. Ai cũng bị ràng buộc trong cái khung Hiến pháp của một xã hội. Ai cũng phải tuân theo các luật lệ mà một chính quyền ban hành. Nếu không xã hội tất sẽ rối loạn.

Vì lẽ đó người ta một mặt coi chính trị là một yếu tố cấu thành của xã hội, mặt khác lại coi nó tự nhiên đến nỗi như không có, và có nhiều người đã thực sự không quan tâm đến nó.

–   Còn về Tôn giáo, tuy không phải là một thành tố cấu thành của các xã hội, song vì sự hiện hữu quá mật thiết của nó trong hầu như tất cả mọi xã hội, tôn giáo đã đương nhiên trở thành một yếu tố trọng đại trong quá trình sinh hoạt và phát triển của loài người. Từ sơ khai con người đã tìm đến thần linh để giải thích những hiện tượng siêu hình, siêu nhiên, đồng thời cũng để che chở, đem điều lành đến cho đời sống hiện tại và tương lai của mình. Thêm một bước nữa, những vĩ nhân trong xã hội đã đưa ra những học thuyết để chỉ đường, dạy đời, thường được gọi là đạo, như đạo Khổng, đạo Lão. Và lên một nấc cao hơn là sự xuất hiện của những giáo lý, giáo điều, bao trùm cả xã hội hiện tại lẫn xã hội mai hậu của con người, được gọi là tôn giáo. (Tác giả đưa ra sự phân định đạo/giáo là để chỉ sự khác biệt về tiến độ, nội dung, và tầm vóc của nó chứ không nhằm định nghĩa 2 chữ đạo/giáo, vì trong thực tế đạo/giáo thường đi liền nhau và nhiều khi lẫn lộn với nhau).  Như thế ngay từ sơ khai đã có một hình thức tôn giáo, và càng về sau thì đạo giáo càng phát triển, gắn bó với người dân/tín đồ, tuy có lúc thăng lúc giảm, dưới trạng thái nguyên thủy hay biến thái.

2- Sự liên hệ giữa tôn giáo và chính trị trong các cộng đồng xã hội

Vì xuất phát điểm của tôn giáo và chính trị đều là con người và đều sống chung trong một xã hội nên sự liên hệ giữa hai lãnh vực là điều tất yếu.

–  Trên phạm vi cá nhân, mỗi con người trước hết phải là người dân của một nước trước khi là tín đồ của một tôn giáo, trong khi ngược lại một người dân không bắt buộc phải là một tín đồ tôn giáo trước khi là một người dân. Nói cách khác, dù theo tôn giáo nào, một tín đồ vẫn phải chịu sự chi phối của guồng máy chính trị quốc gia, qua các bổn phận và quyền lợi của họ, như tất cả mọi người dân và mọi tín đồ khác trong cộng đồng xã hội. Ðó là sự khác biệt rất quan trọng giữa tư cách người dân và tư cách tín đồ.

–  Như thế trong mỗi con người tôn giáo đều có sự hòa lẫn 2 yếu tố tôn giáo và chính trị. Họ sống trong hai tư cách cùng một lúc, quấn quyện lấy nhau. Ðó cũng là tình trạng của cả các tổ chức tôn giáo trong một quốc gia, một thực thể vừa độc lập lại vừa phụ thuộc vào chính quyền. Trong tương quan chặt chẽ này -đôi khi không tách ra được, hiển nhiên yếu tố chính trị giữ phần trội bật. Tỉ dụ: người dân/tín đồ có bổn phận phải tòng quân giữ nước, trong khi tín đồ/ người dân không thể bị tôn giáo bắt tòng quân để bảo vệ tôn giáo.    Nhưng nếu tôn giáo chịu sự chi phối của chính trị thì chính trị cũng phải chịu sự chi phối của tôn giáo, giống như chịu sự chi phối của người dân đối với chính quyền. Ðây là sự ràng buộc tuy đương nhiên phải có nhưng cũng rất phức tạp và nhiều khi thật khó hài hòa. Nếu cán cân chi phối không cân bằng, giữa chính quyền với các tôn giáo và giữa các tôn giáo với nhau, sự va chạm ắt sẽ xẩy ra, kéo theo sự bất ổn cho cả quốc gia xã hội.

–   Không những thế, vì tương quan chính trị / người dân thường chỉ đóng khung trong phạm vi một quốc gia trong khi tôn giáo lại thường có tầm vóc quốc tế nên tương quan tôn giáo / tín đồ / chính trị càng trở nên phức tạp hơn nữa. Vì thế, quyền lợi và bổn phận của một người dân thông thường chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, nhưng nếu cũng những con người đó lại đồng thời là tin đồ của một tôn giáo, có một niềm tin riêng, thì họ cũng có những bổn phận và quyền lợi đối với tôn giáo của họ. Mà như vừa nói, tôn giáo hầu hết đều có tính cách quốc tế nên sự liên hệ giữa tôn giáo và chính trị ở đây vừa có tính cách quốc gia lại vừa có tính cách quốc tế. Ðiều này nhiều khi dẫn đến những sự tranh chấp giữa các quốc gia liên hệ, và tính cách quốc tế của tôn giáo bởi đó còn là nguyên do chính gây ra những cuộc xung đột, thánh chiến, trong lịch sử loài người.

3- Ðặc tính của chính trị và tôn giáo

Qua khái niệm căn bản về tôn giáo và chính trị vừa trình bày, chúng tôi đã nói đến phần nào sự bao la, phức tạp, và tế nhị của hai vấn đề. Bây giờ xin đề cập đến mấy đặc tính, đồng thời cũng là những ưu nhược điểm chủ yếu của hai vấn đề tối quan trọng này, thường là nguyên do đưa đến những xáo trộn, đối nghịch, và chiến tranh.

a – Về chính trị:

–    Ưu điểm: Ưu điểm của chính trị và chính quyền là nhu cầu bất khả kháng của nó đối với quốc gia. Như trên đã nói, quốc gia nào cũng phải có guồng máy chính quyền để quản trị đất nước, và phải có lãnh đạo để điều khiển quốc sự. Ðây là điều đương nhiên, không ai có thể phủ nhận, bàn cãi được. Ðiều cần bàn cãi là phải tổ chức quản trị quốc gia thế nào, và lãnh đạo đất nước ra sao, để quốc sự được êm đẹp, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Yên hay loạn chính là ở đây. Nếu đất nước có người tài đức lãnh đạo thì nước yên, dân hạnh phúc, quốc gia hưng thịnh. Ngược lại nước sẽ loạn, dân bị lầm than, quốc gia đi đến suy yếu, thậm chí diệt vong. Trong lịch sử loài người đã có biết bao nhiêu chế độ bị xụp đổ, bao nhiêu quốc gia hưng vong, chỉ vì chế độ không thích đáng, chính sách sai lầm, lãnh đạo tài đức hay bất tài bạc đức.

–    Nhược điểm: Nhược điểm sinh tử của chính trị là hầu như tất cả các chính quyền đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực, tạo ra những cá nhân hay thể chế độc tài. Hậu quả là người dân bị sách nhiễu, đàn áp, đất nước bị nhũng loạn suy vong. Tệ trạng này đã thường xuyên xẩy ra trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại.

Từ kinh nghiệm lịch sử đắt giá đó, các dân tộc đã dần dần tìm phương chế ngự sự lạm dụng này bằng mọi cách, mà cách hữu hiệu nhất là tạo ra những cơ chế chính quyền có khả năng bảo đảm được sự chọn lựa người lãnh đạo theo ý người dân, đồng thời kiềm chế được những phần tử lãnh đạo xấu, để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho đất nước. Tuy nhiên cho đến tận ngày nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Vẫn còn nhiều quốc gia có những chế độ độc tài, dưới hình thức này hay hình thức khác, mang đến bao nhiêu tai họa cho loài người.

b -Về tôn giáo:

–    Ưu điểm: Nếu chính trị và chính quyền thường có khuynh hướng lạm dụng, làm xấu, gây hại cho dân cho nước thì tôn giáo lại có ưu điểm là hướng thiện, làm tốt. Hầu như đạo nào, tôn giáo nào cũng đều có giáo lý răn dạy người dân/tín đồ làm điều lành, điều tốt, cho chính mình và cho tha nhân, không những cho đời nay mà cho cả đời sau, khi con người không còn ở trên dương thế. Chính vì hướng thiện, các đạo giáo đã tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử, làm vợi đi bao nhiêu đau khổ của con người. Nếu con người, các tổ chức tôn giáo và tín đồ, nhất là những nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, triệt để áp dụng đứng đắn những chủ trương từ bi, bác ái để phục vụ nhân quần xã hội và quốc gia dân tộc, thì loài người không những đã tránh được bao nhiêu thảm cảnh mà các quốc gia và cả thế giới còn luôn được sống trong thanh bình thịnh vượng.

–    Nhược điểm: Ðiểm mạnh và cũng là điểm yếu nhất của tôn giáo là “niềm tin”. Niềm tin là động cơ mạnh nhất để thúc đẩy con người tiến tới chân thiện mỹ. Nhưng vì lấy niềm tin làm gốc (duy tín thay vì duy lý) nên cách xử sự có nhiều khi sai lầm, cực đoan. Vì tin tưởng tuyệt đối, mù quáng, các tín đồ tôn giáo dễ bị những tu sĩ xấu dẫn dắt vào những sai lầm tai hại, từ những vụ nhỏ có tính cách cá nhân, đến những vụ lớn liên quan đến một tập thể hay một quốc gia, như chiến tranh. Thật ra các tu sĩ không phải là thần thánh mà chỉ là những con người bình thường, cũng sai lầm, cũng đam mê, nên nếu tuyệt đối tin tưởng ở họ thì nhiều khi một tín đồ lại phản lại chính niềm tin của mình. Chính vì đó mà đã có những vụ bức tử Galilée (có thuyết nói ông chỉ bị kết án chung thân) ở Ý hồi giữa thế kỷ 17, hàng loạt những cuộc chiến tranh giữa tín đồ Thiên Chúa giáo và Tin lành ở Âu châu hồi giữa thế kỷ 16 và 17, những cuộc thánh chiến đẫm máu giữa Thập tự quân Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, ở Trung đông, kéo dài từ cuối thế kỷ 11 đến cuối thế  kỷ 13. Ngay gần đây và cả trong hiện tại, cũng vẫn còn có những cuộc chém giết nhau cực kỳ tàn bạo giữa những tín đồ có cùng một gốc đạo, cùng một Giáo chủ, và cùng một giáo lý ban đầu, như giữa tín đồ Tin Lành và Công giáo ở Bắc Aí Nhĩ Lan, giưã tín đồ các giáo phái Shiite và Sunni ở Irak, vốn cùng gốc Hồi giáo và cùng thờ giáo chú Mahomet (Muhammad).

4- Sự tương sinh và tương khắc giữa chính trị và tôn giáo.

Ði vào thực tế xã hội, sự “chung sống” giữa chính trị và tôn giáo vừa có tính cách tương sinh vừa có tính cách tương khắc, tùy theo cơ chế tổ chức quản trị xã hội, nhân sự lãnh đạo quốc gia, chủ trương chính sách thực hiện, cũng như sự biến chuyển của tình hình. Nói chung có 3 hình thái về sự “sống chung” này.

–    Hình thái bình ổn, khi đất nước có được 3 yếu tố chính sau đây: có một cơ chế phân định minh bạch thế quyền và giáo quyền; có một chính quyền đứng đắn biết tôn trọng tự do tôn giáo, đối xử công bằng với mọi tôn giáo; và, các tôn giáo không kèn cựa, tranh giành ảnh hưởng với nhau.                                     Trong điều kiện này thì tôn giáo và chính trị “tương sinh”, cùng dựa vào nhau tiến bước, đưa đất nước đến chỗ an bình thịnh vượng. Các quốc gia tây phương hầu hết nằm trong trường hợp này. Xưa kia ở Việt-Nam dưới thời nhà Lý cũng đã có thời kỳ thịnh trị vì tam giáo đồng nguyên, vua tôi tài đức, cùng chung sức phục vụ quốc gia dân tộc. Ðó là thời kỳ vàng son của hình thái tương sinh giữa các tôn giáo với tôn giáo cũng như giữa chính trị và tôn giáo.

–    Hình thái tương khắc, khi đất nước không có được những cơ chế pháp định minh bạch giữa thế quyền và giáo quyền do đó tạo ra những sự tranh cãi giữa chính quyền và tôn giáo, và những sự giành giật giữa các tôn giáo với tôn giáo, nhất là trong trường hợp lãnh đạo chính quyền để bị một tôn giáo chi phối hoặc có ý thiên vị một tôn giáo (thường là của họ).

Khi đã không có những cơ sớ pháp lý chính xác, hơn nữa lại gặp những chính quyền không công minh và để xảy ra có sự bất công, kỳ thị tôn giáo, thì tất sẽ không tránh khỏi có sự va chạm, chống đối, và xáo trộn giữa chính trị và tôn giáo và giữa tôn giáo này với tôn giáo kia. Các quốc gia chậm tiến, thiếu văn minh, thường xảy ra trạng thái “tương khắc” này.

–    Hình thái bất thường, khi đất nước có một chế độ độc tài toàn trị, thu tóm tất cả quyền hành trong tay, kể cả giáo quyền, hoặc chủ trương tiêu diệt các tôn giáo. Trường hợp này đã từng xảy ra tại Pháp trong thời trung cổ, được diễn tả bằng câu: “Une foi, un loi, un roi”, có nghĩa là chỉ có một niềm tin (tôn giáo), một luật lệ, và một ông Vua. Nó cũng đã và đang xảy ra tại các nước cộng sản: chỉ có một đảng cộng sản, với luật lệ của đảng, với tín điều của giáo hội Mác-Lê (tiêu diệt hết các tôn giáo khác), và giành hết mọi quyền hành/quyền lợi cho đảng. Và hiện nay “hình thái bất thường” này cũng đang xảy ra ở những nước Hồi giáo cực đoan, như Iran: giáo chủ và tăng sĩ nắm mọi quyền hành trong nước, cai trị đất nước bằng luật lệ độc đoán Hồi giáo.

5- Tôn giáo và chính trị trong hoàn cảnh Việt Nam:

Tôn giáo là vấn đề có một lịch sử lâu dài ở Việt-Nam. Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, đã có mặt từ hàng ngàn năm trước. Những năm về sau có thêm Thiên Chúa giáo và một số đạo khác như Tin lành, Hòa Hảo, Cao-Ðài v.v.. Dĩ nhiên trong một quá trình truyền bá và hành đạo lâu dài ắt hẳn phải có nhiều điều xảy ra, liên quan đến cả chính trị, văn hóa v.v. của đất nước. Tuy nhiên trong phạm vi bài này người viết sẽ chỉ giới hạn các vấn đề này vào thời gian gần đây, giai đoạn mà các yếu tố tôn giáo chính trị nổi bật trên chính trường Việt-Nam, và cũng sẽ chỉ đề cập đến hai tôn giáo lớn thôi.

a – Những nét chính về chính trị/tôn giáo trong giai đoạn 1945-1954.

1945 là năm đánh dấu những chuyển biến lớn lao trên đất nước Việt-Nam. Trước nhất là Nhật đảo chính Pháp. Kế đến là Nhật đầu hàng Ðồng minh. Tiếp theo là cuộc Cách mạng tháng 8 của toàn dân, đưa đến việc Việt-Minh cướp chính quyền và tuyên bố độc lập. Rồi Tàu sang tước khí giới Nhật, thực dân Pháp trở lại, để đến cuối năm 1946 thì chiến tranh chống Pháp xảy ra. Lúc này vai trò của tôn giáo chưa có gì nổi bật. Phật giáo tuy nhiều tín đồ nhưng không có tổ chức chặt chẽ và thường có thái độ thầm lặng, ảnh hưởng chỉ bàng bạc bên trong, không đóng giữ một vai trò quan trọng trên chính trường. Thái độ không rõ nét này tồn tại mãi cho đến về sau, khi đất nước bị hiệp định Genève năm 1954 chia đôi, đặt miền Bắc dưới quyền quản trị của chính phủ Việt cộng, còn miền Nam đặt dưới quyền chính phủ Quốc gia. Ngược lại khối Thiên Chúa giáo tuy tín đồ ít hơn song có hệ thống tổ chức chặt chẽ, có nhiều phương tiện, lại hoạt động mạnh hơn, có thái độ chính trị rõ hơn, nên có vai trò nổi bật hơn. Có lẽ vì vậy nên sau khi lên nắm chính quyền, Hồ chí Minh, chủ tịch chính phủ, đã cố ve vãn phía Công giáo và đã tìm gặp Giám mục Lê Hữu Từ là vị giáo phẩm cao nhất của Công giáo Bắc Việt lúc đó, để mời làm Cố vấn Tối cao. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi cuộc chiến Việt/Pháp bùng nổ, khối Công giáo đã có thái độ dứt khoát chống Hồ chí Minh và Việt-Minh, có lẽ vì đã hiểu thấu chủ trương đường lối của đảng cộng sản. Khu Công giáo Phát Diệm của Giám mục Lê Hữu Từ đã trở thành một vùng tự trị, có cả dân vệ để phòng thủ. Họ đã giữ vững lập trường đó cho mãi đến sau này, khi đất nước bị chia đôi và người Quốc gia phải dồn về miền Nam.

b- Tình hình sôi động của chính trị/tôn giáo trong giai đoạn 1954-1975

Trong khoảng 1 triệu người di tản từ Bắc vào Nam năm 1954/1955, một số rất đông là tín đồ Thiên Chúa giáo (có tin là vị Giáo hoàng đương thời đã khuyến khích vụ di tản này). Họ từ khắp nơi trên miền Bắc, đặc biệt từ khu Phát Diệm Bùi Chu, tìm mọi cách trốn chạy cộng sản để vượt thoát vào Nam. Nhiều nơi người dân muốn đi nhưng không thoát nên bị cộng sản bao vây tiêu diệt cả làng, như các vụ thảm sát Quỳnh-lưu Ba-làng.

Chính quyền miền Nam lúc đó do Thủ tướng/Tổng thống Ngô Ðình Diệm lãnh đạo, với sự ủng hộ của dân chúng và sự sốt sắng tiếp tay của thế giới tự do, đã tận lực giúp đỡ dân tỵ nạn từ Bắc đổ vào. Uy tín của chính quyền mau chóng lên cao, cả trong lẫn ngoài nước.

Vì là chính quyền Quốc gia, chống Cộng, và ông Diệm lại là một tín đồ Công giáo rất ngoan đạo, khối Công giáo di cư hợp với khối Công giáo miền Nam đương nhiên đã trở thành nền tảng hậu thuẫn của ông. Vai trò của khối này ngày càng trội bật. Nhưng rất tiếc chỉ sau mấy năm đầu thành công tốt đẹp, chính quyền đã ngày càng phạm phải nhiều sai lầm, đưa đến các sự chống đối ngày càng mạnh hơn.                Khối Phật giáo thấy bị kỳ thị nên đã phản ứng mạnh mẽ. Cuộc tranh đấu trực tiếp của Phật giáo chống lại chính quyền, cùng với những mưu đồ của Việt cộng và các cuộc vận động của người Mỹ v.v. ngày càng trở nên sâu đậm, không lối thoát, cho đến khi Tổng thống Diệm bị lật đổ vào cuối năm 1963.

Trong giai đoạn 20 năm này của miền Nam Quốc-gia (1954-1975) tương quan tôn giáo/chính trị đã có những biến chuyển thật đột ngột. Từ sinh hoạt tương đối hài hòa giữa chính trị và tôn giáo và giữa tôn giáo với tôn giáo trong những nằm đầu của đệ nhất Cộng hòa, những năm về sau đã nẩy ra những xung khắc, rồi trở thành xung đột, gây ảnh hưởng sâu xa đến nội tình của miền nam Việt-Nam.

–    Về phiá Thiên Chúa giáo, lập trường chống cộng đã giảm cường độ từ mạnh mẽ trong những năm đầu của đệ nhất Cộng Hoà đến cầm chừng dưới thời đệ nhị Cộng Hoà. Ðây có lẽ là lúc giáo hội tập trung nỗ lực vào việc củng cố nội bộ và tạo dựng ảnh hưởng sau biến cố 1963. Nhưng đáng tiếc là sau đó, vào những năm cuối của đệ nhị Cộng Hòa đã có những tín đồ và cả một số giáo sĩ ra mặt chống chính quyền (mà Tổng thống là người Công giáo), gây rối loạn hậu phương, làm lợi cho cộng quân đang dồn mọi nỗ lực để đánh chiếm miền Nam.. Sau khi Việt-Nam Cộng-hòa mất người ta mới biết những tu sĩ đó chính là cộng sản, làm nội ứng cho chúng để lũng đoạn nội bộ bên Quốc-gia.

–    Về phiá Phật giáo, từ thái độ thầm lặng, tiêu cực lúc trước, các tăng sĩ và giáo đồ đã chuyển hẳn sang tích cực đấu tranh trực diện với chính quyền. Chính cuộc đấu tranh này đã là nguyên nhân chủ yếu làm xụp đổ nền đệ nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Nhưng sau khi thắng lợi, khối Phật giáo lại bị vỡ làm đôi. Một bên (Thượng tọa Thích Tâm Châu, Việt-Nam Quốc tự) vẫn giữ lập trường Quốc gia, chống Cộng; còn một bên (Thượng tọa Thích trí Quang, với khối Ấn quang) thì ngày càng ngả theo Việt cộng, khuấy phá quốc gia, gây trở ngại cho công cuộc chống cộng, do đó đã góp phần không ít vào sự xụp đổ của Việt-Nam Cộng Hòa.

Tình trạng xáo trộn này kéo dài cho đến khi miền Nam bị thất thủ vào tháng 4 năm 1975, nguyên do một phần vì nội bộ rối loạn, một phần vì cộng sản ra sức tấn công, và phần khác vì đồng minh Mỹ phản bội, bỏ chạy.

c- Tình hình chính trị/tôn giáo tại Việt-Nam sau năm 1975

Sự thất thủ của Việt-Nam Cộng-Hòa đã cho phép Việt cộng thống trị cả nước dưới chế độ cộng sản chuyên chính, thu tóm mọi quyền hành trong tay. Chính trị nắm vai trò tuyệt đối, đẩy lui tôn giáo vào bóng tối để dần dần tiêu diệt, đúng theo kinh điển Mác-Lê: vô tôn giáo, vô gia đình, và vô tổ quốc. Ðây là hình thái bất thường mà mọi nước cộng sản đều làm, giống như thời trung cổ bên Âu châu: “Une foi, un loi, un roi” tức là chỉ có một niềm tin (cs), một luật lệ (cs) và một nhà vua (cs)!

Trước hoàn cảnh đó, tất cả các tôn giáo đều phải có thái độ rõ rệt, hoặc chịu quy phục bạo quyền, hoặc chống đối, hoặc co rút lại và tan đi.

–    Giáo hội Công giáo miền Bắc thì đã im hơi lặng tiếng kể từ sau khi cộng sản chiếm lĩnh toàn bộ Bắc Việt vào năm 1955. Giáo hội miền Nam sau đó cũng theo gót miền Bắc kể từ tháng 4 năm 1975, mặc dầu cũng có một số hành động chống đối lẻ tẻ, có tính cách cục bộ. Từ đó đến nay, đã trên 30 năm, giáo hội Công giáo Việt-Nam hầu như nằm im, không động tĩnh. Hoạt động của giáo hội chịu sự chi phối nặng nề, nếu không nói là hoàn toàn, của ban Tôn giáo nhà nước cũng như của mặt trận Tổ quốc. Làm gì cũng phải xin phép chính quyền, không dám có ý kiến riêng, không dám lên tiếng trước các vấn nạn của dân tộc, không dám thực thi lời Chúa dạy, và có khi còn làm ngược lại cả lời Chúa. Thậm chí tuyển chọn chủng sinh, phong chức linh mục và giám mục cũng phải có sự chấp thuận của nhà nước cộng sản! Họ phải làm theo chỉ thị của chính quyền, a tòng với ác đảng. Không thiếu gì tài liệu đã vạch rõ, chứng minh các điều này cho mọi người thấy. Hình thức quy phục này đã làm cho giáo hội được mệnh danh là “giáo hội quốc doanh”. Khi Linh mục Nguyễn hữu Lễ lần đầu tiên tiết lộ lời trối trăng của vị Giám mục Nguyễn Quang Tuyến về sự “thuần hoá” này thì đã có phản ứng mạnh mẽ từ phiá giáo hội trong nước cũng như những phần tử quốc doanh hải ngoại. Nhưng chỉ ít lâu sau thì các dữ kiện về quốc doanh lộ dần, khiến cho mọi người, trừ những kẻ cố tình làm ngơ, cãi lấy được như cộng sản và tay sai, đều phải công nhận điều Linh mục Lễ tiết lộ là đúng.

Một điều cần nói là sau khi mất miền Nam, cũng có khoảng 1 triệu người đã bỏ nước ra đi. Trong số này cũng lại có một số đông tín đồ Thiên Chúa giáo mà nòng cốt vẫn là dân Công giáo gốc Bắc Việt (lần di tản này dường như không có sự khuyến khích của La Mã). Khối này vẫn có truyền thống chống cộng sản vô thần trong suốt bao nhiêu năm qua, và tuy càng về sau càng giảm cường độ, họ vẫn còn là hy vọng của giáo dân trong nước. Nhưng mới đây Công giáo hải ngoại lại có một vấn nạn lớn là trong số những tu sĩ cao cấp nhất của giáo hội, cụ thể là tại quận Cam nam Cali, đã có những người đang đi vào con đường quốc doanh. Chính các tín đồ Công giáo đã nêu đích danh Giám mục Mai thanh Lương và Linh mục Mai khải Hoàn, là những người đã có những lời nói và việc làm tiếp tay cho giáo hội Công giáo quốc doanh trong nước, bất chấp những thắc mắc, lo âu, và phản đối của tín đồ. Ðây là điều không thể hiểu nổi, tại sao những người có hiểu biết, đã bỏ chạy cộng sản và đang sống tự do, hơn nữa lại là những người có địa vị cao trọng trong hàng giáo sĩ, mà lại quay đầu đi vào con đường phản dân hại đạo như thế. Say mê chủ nghĩa xã hội hay là tham sân si?

–  Bên phiá Phật giáo tình hình cũng không kém bi thảm. Số phận của giáo hội mệnh danh là Giáo hội Phật giáo Việt-Nam (GHPGVN) do Việt cộng thành lập, không khác gì số phận đã bị thuần hóa của giáo hội quốc doanh Thiên Chúa giáo. Cũng nằm trong mặt trận Tổ quốc và cũng nhận sự điều khiển chặt chẽ của ban Tôn giáo Việt cộng.

Ðến khi cộng sản chiếm được miền Nam và giáo hội Quốc-tự phải bỏ nước ra đi thì chỉ còn lại có giáo hội Ấn quang. Nhưng khi giáo hội Phật giáo Việt-Nam miền Bắc vươn tay vào nắm giáo hội miền Nam thì phe Ấn quang đã bị vỡ vụn, một phần công khai theo và xáp nhập vào với Giáo hội Phật giáo Việt-Nam miền Bắc, một phần bất hợp tác, và một phần chống lại. Thành phần chống lại về sau đã thành lập được một giáo hội độc lập mệnh danh là Giáo hội Phật giáo Việt-Nam Thống nhất (GHPGVNTN), với nhiều giáo hội địa phương cấp tỉnh, do Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang làm Tăng Thống và Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ làm Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo. Hiện GHPGVNTN dân lập này đang kiên quyết chống lại sự áp chế khắc nghiệt của nhà nước Việt cộng và đang nỗ lực hoạt động, đòi hỏi phải có tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền.

Ðấy là điểm khác biệt giữa hai giáo hội: một bên (Phật giáo) có giáo hội quốc doanh, và giáo hội độc lập với bạo quyền; còn bên kia (Thiên Chúa giáo) thì chỉ có giáo hội quốc doanh, bị khuất phục bởi bạo quyền, không dám bênh vực cho các tu sĩ có cam đảm đòi hỏi tự do tôn giáo và nhân quyền, không màng gì đến người dân đang bị cộng sản độc tài đàn áp bóc lột.

Dĩ nhiên trên đây chỉ nói về các tổ chức giáo hội chứ không nói đến khối đông đảo tín đồ các tôn giáo. Chắc chắn là tuyệt đại đa số các tín đồ, và một số những giáo sĩ lành mạnh, vẫn có những nhận định riêng của họ chứ không phải chỉ nhắm mắt đi theo người lãnh đạo. Họ tin theo đạo chứ không tin người đi đạo, dù đó là các giáo sĩ cao cấp. Ngoài ra họ cũng còn có ý thức về trách nhiệm của một người dân đối với đất nước. Bằng cớ là hiện có một số khá đông tín đồ Phật giáo và Thiên Chúa giáo, cùng một số tu sĩ, đã can trường lên tiếng đòi tự do tôn giáo và nhân quyền chứ không chịu ngồi im như hàng lãnh đạo cao cấp các giáo hội quốc doanh. Chính họ mới là niềm hy vọng tương lai của các tôn giáo, và chính họ mới là tầng lớp sẽ phục hưng giáo hội, đẩy cho giáo hội ù lì tiến tới trong công cuộc đấu tranh cho một xã hội lành mạnh, tôn trọng tự do tôn giáo và các quyền tự do khác của người dân.

6- Giáo hội quốc doanh và giáo hội phi quốc doanh.

Các sự kiện vừa trình bày ở trên là chỉ dấu rõ ràng về một cuộc đấu tranh gay go đang xảy ra giữa một bên là bạo quyền cộng sản cùng các giáo hội quốc doanh và bên kia là giáo hội Phật giáo dân lập, độc lập, cùng với quần chúng tín đồ phi quốc doanh của các tôn giáo và một số giáo sĩ can trường.

–  Về GHPGVNTN, thì phải nói là nhị vị Ðại lão Hòa thượng Tăng thống Thích Huyền Quang và Viện Trưởng Viện Hóa đạo Thích Quảng Ðộ đã làm cho cả thế giới phải thán phục về lòng dũng cảm của hai Ngài trong quyết tâm tranh đấu cho tự do nhân quyền và phúc lợi của dân tộc Việt-Nam. Tuy gặp muôn vàn khó khăn do bạo quyền cộng sản gây ra, để buộc hai Ngài phải đi theo đám Phật giáo quốc doanh, và mặc dầu đã nhiều lần nhiều năm bị tù đầy quản thúc, nhị vị đã nhất quyết không chiụ khuất phục trước cộng sản. Không những thế Hòa thượng Quảng Ðộ còn nhiều lần công khai mạnh mẽ tố cáo sự độc tài của nhà nước cộng sản, đòi phải có tự do và nhân quyền, nhất là tự do tôn giáo. Khi dân oan biểu tình khiếu kiện Ngài đã tìm cách lẩn ra ngoài nơi bị quản thúc để đích thân đến thăm hỏi và tặng quà cho họ. Ðạo, Ðời, Ngài đã lo trọn vẹn nên Ngài hiện là gương sáng cho cả dân tộc Việt-Nam trong công cuộc đấu tranh cho tự do và nhân quyền của đồng bào. Trước uy thế ngày càng cao của GHPGVNTN, Việt cộng đã ra sức đánh phá, đặc biệt nhằm vào 2 vị lãnh đạo giáo hội. Ngoài sự tiếp tay đắc lực của thiền sư Nhất-hạnh, một tu xuất thiên cộng từ xưa, ban Tôn giáo nhà nước còn đang vận dụng 2 tu xuất, tu sĩ, khác trong giáo hội quốc doanh là Trí Siêu, Tuệ sĩ, đứng ra tổ chức đại hội Phật giáo thế giới tại Việt-Nam vào năm 2008, với mục đích: thứ nhất để đánh lưà dư luận thế giới rằng Việt-Nam có tự do tôn giáo, và thứ hai để khoa trương thanh thế cho giáo hội quốc doanh, hầu đè bẹp, xoá sổ, cả GHPGVNTH trong nước lẫn GHPGVNTN hải ngoại.

Riêng tại hải ngoại Việt cộng cũng đã ra lệnh cho các sư nằm vùng đồng loạt xuất đầu lộ diện để một mặt yểm trợ cho giáo hội quốc doanh trong nước, một mặt gây chia rẽ trong hàng ngũ GHPGVNTN hải ngoại, và mặt khác để mưu lập ra một GHPGVNTN/HN khác. Ðám này hiện đang hoạt động rất tích cực, theo đúng bài bản xưa nay của ban Tôn giáo nhà nước cũng như nghị quyết 36 của bộ chính trị Việt cộng.

Mới đây khi GHPGVNTN biết được âm mưu khuynh đảo của nhóm này và vị Tăng Thống phải ra Giáo chỉ số 9 để củng cố lại hàng ngũ, thì đã gặp phản ứng dữ dội của họ. Giáo hội bị bôi nhọ, giáo chỉ bị xuyên tạc, và đáng ngạc nhiên là có những ông sư mang danh tiến sĩ và có giáo phẩm thật cao như Hoà thượng Thích chơn Thành, đã lên giọng bảo là giáo chỉ sai, vì làm sao mà đòi giải tán các chùa chiền ở hải ngoại được, trong khi các chùa đó đều có giấy phép của địa phương! Không biết ông thật tình không hiểu vấn đề hay cố tình xuyên tạc để có lý do đả kích GHPGVNTN. Dù sao cái lối nói bừa bãi này chỉ làm trò cười cho thiên hạ và làm hạ phẩm cách của chính ông. Còn ông Thượng Tọa Thích quảng Thanh, nghe đâu cũng là một trí thức, thì lên đài phát thanh ăn nói hung hăng thế nào để đến nỗi có người nghe được phải viết lên Mạng rằng đây không phải là ngôn ngữ và tư cách cuả một nhà tu, chưa nói một Thượng tọa. Cuộc đọ sức hiện đang tiếp diễn, giữa quốc doanh với phi quốc doanh, giữa tà với chính.

–     Bên phiá Thiên Chúa giáo, khi gần đây xảy ra vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý, vì đòi hỏi tự do và nhân quyền mà bị Việt cộng đàn áp trắng trợn, do đó bị thế giới lên án dữ dội, thì sự tranh chấp giưã phe quốc doanh và những tín đồ chống đối đã bùng ra công khai. Khi bị chỉ trích sao không lên tiếng bênh vực Linh muc Lý thì giáo hội quốc doanh trong nước lại gián tiếp đồng tình với Việt cộng, bảo rằng vì Linh muc Lý “làm chính trị” (trái với giáo luật) nên mới bị bắt, do đó giáo hội không bênh vực. Nhưng khi bị vạch ra rằng trong nước có những Linh muc, và cả Giám mục, làm chính trị thật sự, tham gia hẳn vào các cơ quan ác quyền, và được Việt cộng ban khen, thì sao giáo hội không lên tiếng ngăn cản, thì giáo hội đã không trả lời được.

Rồi đến những vụ tranh đấu cuả chính giáo dân, như vụ các tín đồ ở Nha Trang đòi lại đất bị Việt cộng “mượn” để cho tư nhân dùng làm cơ sở kinh doanh, giáo hội đâu cũng không thấy lên tiếng bênh vực. Ðến cả vụ đập tượng Ðức Mẹ Sầu bi, giáo hội cũng nhắm mắt làm ngơ! Ngoài ra khi bị chỉ trích là sao trong suốt trên 30 năm ở miền Nam, và trong suốt trên 50 năm ở miền Bắc chưa bao giờ thấy giáo hội lên tiếng, dù chỉ để bênh vực cho quyền lợi của Công giáo thôi chứ không nói đến tranh đấu cho quyền lợi của người dân, kể cả những quyền lợi căn bản nhất của con người, thì câu trả lời là giáo hội có tranh đấu nhưng tranh đấu một cách kín đáo chứ không ồn ào. Nhưng dẫn chứng thì quá nghèo nàn. Chỉ năm thì mười họa mới có bức thư “xin cho”, và khi không được trả lời thì lại nằm im, chờ đợi gửi một lá thư khác, hay chờ đợi một thời cơ nào đó… Bởi bằng chứng về quốc doanh quá nhiều trong khi bằng chứng về phi quốc doanh quá ít nên ngay cả những tín đồ xưa nay vẫn tuân phục giáo hội, nhiều người cũng phải công khai hay riêng tư nhìn nhận rằng giáo hội đã bị thuần hoá thật, đúng như Giám mục Nguyễn Quang Tuyến đã trối trăng. Mà là thuần hoá nặng nên vị Giám mục này mới không công khai nói ra được vì sẽ bị đa số, hay tuyệt đại đa số, hội đồng Giám mục phản bác và có thể sẽ có biện pháp. Hệ quả tất nhiên của những điều đó là: giáo hội trong nước quả là một giáo hội quốc doanh! Giáo hội đã uốn mình quy phục bạo quyền để tồn tại trong ô nhục, xấu xa, không còn xứng đáng là lãnh đạo tinh thần một giáo hội lớn của một tôn giáo lớn nhất hoàn vũ!  Họ đã quên những gương tử vì đạo trước kia. Và họ cũng không nghe những gì vị lãnh đạo tối cao của họ, đức Giáo hoàng John Paul II nói. Chính Ngài đã phải lên tiếng xin lỗi mọi người vễ những sai lầm mà người tín đồ Thiên Chúa giáo đã phạm phải trong suốt lịch sử 2000 năm của giáo hội, trong đó có hàm ý xin lỗi cả về sự im lặng của Giáo hoàng Pio XII, vì đã không lên tiếng trước những tội ác khủng khiếp mà Ðức quốc xã gây ra cho nhân loại, đặc biệt cho dân Do Thái….   Còn về vị đương kim Giáo hoàng Benedicto 16 thì chính Ngài đã viết trong một bức Tâm thư gửi các tín đồ như sau (trích đoạn từ cuốn « Muối cho đời » của Ngài) :…”Giáo hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời đại; phải nhắc nhở lương tâm những kẻ có quyền, cả những người trí thức, và cả những kẻ thờ ơ hẹp hòi trước những nỗi thống khổ của thời đại…       Lời Chúa trong Thánh Kinh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn…    Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ một Giám Mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột “. Ðây thật là những lời vàng ngọc cho giới lãnh đạo Thiên Chúa giáo, đặc biệt là những giáo sĩ trong hàng giáo phẩm Công giáo quốc doanh Việt-Nam hiện tại!

7-Chính trị và Tôn giáo trong hiện tình xã hội Việt-Nam

Thống lĩnh chính trị ở Việt-Nam từ trên nửa thế kỷ nay vẫn là cộng sản chuyên chính. Ðây là một chế độ cực quyền, thực hiện hai chính sách song song. Một mặt dùng bạo lực để tiêu diệt, kìm kẹp tất cả các thành phần mà chúng cho là có thể gây khó khăn cho chúng, đặc biệt là các tôn giáo và đảng phái chính trị; một mặt thi hành chính sách ngu dân, bịt tai bịt mắt người dân, không cho biết gì đến thế giới bên ngoài, để dễ bề bịp bợm.  Vì chủ trương của cộng sản là vô gia đình, vô tôn giáo, và vô tổ quốc, nên tất cả các việc làm của chính quyền cộng sản đều nhằm hủy diệt từ cỗi rễ nền móng văn hóa của dân tộc. Mọi giá trị về gia đình, xã hội, tổ quốc, đều bị đảo lộn. Mọi giá trị về đạo lý nhân sinh, về lòng từ bi bác ái…là các căn cỗi của tôn giáo, đều bị thay thế bằng nhân sinh quan và đạo đức cách mạng cộng sản, mà cốt lõi là đấu tranh, là đấu tố, là chém giết, là cướp đoạt bất cứ cái gì có thể cướp được. Hậu quả là một sự băng hoại cùng cực của cả đất nước. Chúng dùng mọi thủ đoạn bịp bợm, lừa gạt trắng trợn, ghê tởm nhất, để đạt mục tiêu duy nhất là bám chặt chính quyền để thả cửa vơ vét. Do đó chúng đã dần dần biến người dân thành những kẻ tôi đòi, chỉ biết cúi đầu tuân theo nhà nước. Và để có thể sống còn, dù muốn dù không, người dân cũng đã phải trở thành gian dối, mánh mung…

Chính vì cái bản chất vô nhân vô thần đó nên chúng đã phải tìm hết cách để triệt tiêu tôn giáo, vì tôn giáo dạy điều hay, làm điều lành, reo rắc tình thương, bênh vực công lý, ngược hẳn lại với mục đích và chính sách của chủ nghĩa cộng sản và các đảng cộng sản.     Ðứng trước bạo quyền các giáo hội chỉ có 2 lựa chọn: quy phục hay chống lại (đối với cộng sản không có vấn đề đứng lưng chừng). Và cho đến nay thì trong 3 giáo hội, hai GHCG và PGVN đã chọn con đường quy phục (hay nói cho đẹp là hợp tác), còn GHPGVNTN thì chọn con đường bất hợp tác. Ðây quả là một thảm trạng cho các tôn giáo, đồng thời cũng cho cả đất nước, mà nguyên nhân vì 2 lý do chính :

–    Thứ nhất là về phía cộng sản. Như đã nói, và như ai cũng đã biết, cộng sản là một chủ nghĩa chủ trương tiêu diệt tôn giáo vì chúng bảo tôn giáo là thuốc phiện, làm mê muội con người. Ði vào thực tế thì đảng cộng sản chủ trương một chế độ độc tài toàn trị, không chấp nhận bất cứ thế lực nào ở ngoài vòng tay của chúng. Do đó bằng mọi giá chúng phải diệt trừ tôn giáo, với một khối tín đồ đầy niềm tin. Nếu chưa diệt được thì phải nắm lấy để biến thành công cụ cho chúng. Ðiều này giải thích tại sao cộng sản miệng thi nói là có tự do tôn giáo mà làm thì nhất định phải nắm chặt tôn giáo trong tay. Nói trắng ra là chúng rất sợ chất « thuốc phiện tôn giáo ». Sợ để cho tôn giáo tự do thì chúng sẽ bị tiêu diệt, nên sống chết cũng phải nắm cho kỳ được. Nói một cách tóm gọn thì cộng sản và tôn giáo là hai thái cực, có cộng sản thì không thể có tôn giáo, và ngược lại tôn giáo muốn sinh tồn thì phải chống lại cộng sản. Ðó là nguyên lý đã được chứng nghiệm ở tất cả các nước cộng sản.

–   Thứ hai là sự tự nguyện quy phục cộng sản của các giáo hội, đứng đầu là các giáo sĩ lãnh đạo. Lý do tại sao có sự quy phục thì nhiều, nhưng tựu chung có 3 điểm chính.

Một là bị khủng bố, nhất là trong những năm còn chiến tranh. Cộng sản có thể dùng những thủ đoạn thật hiểm độc để hãm hại những người chống chúng, nhất là những hàng giáo phẩm các tôn giáo, như vụ Linh mục Nguyễn Kim Ðiền bị đầu độc chết, vụ Thượng tọa Thích Thiện Minh bị đánh chết trong tù.

Hai là tham sân si. Con người, như đức Giáo hoàng John Paul II đã nói, không ai là toàn hảo không có nhược điểm. Ham hưởng thụ, mê sắc dục, thích chức vị v.v. là thường tình, nên bị cộng sản dùng để mua chuộc dụ dỗ, và khi kẹt rồi thì không thể thoát ra, chúng bảo gì cũng phải nghe. Bên Ba-lan trước đây cộng sản đã dụ dỗ, mua chuộc và gài bẫy khiến bao nhiêu giáo sĩ phải cam tâm làm tay sai cho chúng.

Và ba là cộng sản nằm vùng. Ai có kinh nghiệm thì đều biết là cộng sản thuộc loại siêu đẳng về cấy người vào hàng ngũ đối phương. Chính bọn này đối nội thì khuynh đảo các giáo hội, đối ngoại thì khuấy phá các chính quyền địa phương, điển hình như nhóm linh mục Phan khắc Từ, Nguyễn ngọc Lan… (khi còn VNCH).   Nói chung thì đạo nào cũng bị chúng lũng đoạn. Phật giáo thì vì tổ chức lỏng lẻo nên dễ bị chúng xâm nhập nhất. Thiên Chúa giáo tuy có tổ chức chặt chẽ hơn song cũng không thoát khỏi. « Quốc doanh » chính là chứng minh cụ thể về sự cấy người của cộng sản. Trước đây mấy ai dám nói là cộng sản đã tạo ra cả một lớp cán bộ tôn giáo, cho đi học làm chú tiểu hoặc chủng sinh để rồi sau leo dần lên đến hàng các giáo sĩ như Ðại đức, Thượng tọa hoặc Linh mục, Giám mục ? Dĩ nhiên là chúng đã phải làm việc này một cách vô cùng khéo léo và  kín đáo nên đến khi đối phương biết thì chuyện đã rồi.

Dù sao cũng phải nói phần lỗi chính vẫn là về các giáo hội. Ðã nguyện hiến thân cho Ðạo, đã nhân danh tôn giáo để mang lòng từ bi của Ðức Phật, đấng cứu nhân độ thế, và lòng bác ái của Thiên Chúa, đấng giáng sinh để cứu khổ nhân loại, đến cho mọi người, đặc biệt là những người dân đói rách, bị bóc lột cả về vật chất lẫn tinh thần, mà không làm tròn sứ mạng của mình, hơn thế còn a tòng với bạo quyền, thì làm sao tránh khỏi mang tội. Tội với con người. Tội phản đạo.

Nếu tôn giáo đã tự cho mình cái vai trò tiền phong trong sự truyền bá đạo lý từ bi, bác ái, bênh vực lẽ phải, tranh đấu chống mọi bất công áp bức, thì họ phải đóng trọn vai trò đó. Trách nhiệm của người giáo sĩ và của các giáo hội còn nặng gấp đôi trách nhiệm làm mất nước của người dân thường. Cho nên khi các tôn giáo thất bại trong việc thực thi giáo lý, bảo vệ tín đồ, khiến cho đất nước bị rơi vào tay bạo quyền, người dân/tín đồ bị tước đoạt quyền sống, thì trách nhiệm của các tôn giáo không phải là nhỏ. Rất tiếc điều này đã xảy ra trong suốt thời gian từ 1945 đến 1975 và kéo dài cho đến tận ngày nay.  Ðiều khó hiểu là cả một giáo hội bao nhiêu người mà sao lại sợ cộng sản? Mà sợ dai dẳng mãi đến nay, là lúc con mắt và áp lực của thế giới không còn cho phép Việt cộng muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Như nhị vị Ðại lão Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Ðộ, không những đã không chịu quy phục mà còn công khai chống lại chúng, lên án chúng, và liên tục đòi hỏi tự do nhân quyền, mà chúng cũng không thể làm gì hơn được là bắt giam và đầy đọa. Chỉ có mất nhà cao cửa rộng, mất miếng ăn ngon, mất cái huy chương của đảng, và mất những cái tham sân si khác thôi!

Là những người chăn dắt tín đồ, câu hỏi đặt ra cho hàng giáo sĩ, tu sĩ, để họ phải trả lời là: Cộng sản tốt hay xấu, làm lợi hay làm hại cho quốc gia dân tộc? Cộng sản có bóp nghẹt tự do và trà đạp nhân quyền không? Tại sao chiếm lĩnh và thống trị cả nước trên 30 năm trời rồi mà vẫn chưa dám tổ chức bàu cử tự do? Và tại sao cộng sản lại cứ phải nắm chặt lấy tất cả các tôn giáo, nắm chặt tất cả các tổ chức dân sự khác, dù chỉ là tổ chức chuyên nghiệp? Và tại sao lại cấm dân chúng bàn đến chính trị, đến tự do và nhân quyền?      Nếu cộng sản tốt; Nếu cộng sản tôn trọng tự do nhân quyền; Nếu cộng sản có lý do chính đáng để không tổ chức bàu cử tự do; Nếu cộng sản nắm các tôn giáo chỉ vì thiện ý v.v. thì các giáo hội phải có can đảm công khai khen ngợi cộng sản chứ không thể cứ ù ờ, lấp lửng. Còn ngược lại thì cũng phải có can đảm nói ra sự thật, hay ít ra cũng không được hợp tác với với bạo quyền, a tòng với tội ác, chứ không thể cứ cúi đầu im lặng, sống chết mặc bay!   Im lặng, dối trá, nói lấy được, biện minh vòng vo, và ngụy biện không làm chính trị…để trốn tránh trách nhiệm không phải là tư cách của một giáo sĩ, một giáo hội, chăn dắt giáo dân. Trong chế độ cộng sản, cái gì đảng nó cũng nắm hết, vậy thì còn chỗ nào cho các giáo sĩ tu sĩ lách vô để khỏi làm chính trị? Mà “đạo” không làm chính trị đã đành, nhưng còn “đời” sao cũng không làm? Chẳng lẽ tu sĩ là những người sống ngoài lề cộng đồng dân tộc? Nếu thế thì làm sao để mang tin mừng của Chúa đến cho mọi người? Hay chỉ cần đi xin tiền của bọn tha phương cầu thực về làm nhà thờ cho to, để ca tụng công ơn của đảng, xây chùa cho lớn để thờ tên tội đồ Hồ chí minh?

Tại sao trước kia có bao nhiêu tín đồ đã tử vì đạo mà nay lại chỉ thấy có các giáo hội quốc doanh chạy theo bạo quyền? Vinh hay nhục?

Ðiều lạ hơn nữa là ở hải ngoại, dù không bị chế độ cộng sản áp chế, một số tu sĩ, giáo sĩ cũng bị lôi cuốn vào con đường quốc doanh. Họ đón mừng, tiếp tay các tu sĩ quốc doanh trong nước ra hải ngoại làm “mục vụ xin tiền” và tuyên truyền cho đảng. Họ xúi các tín đồ ngụy biện là người con Phật chỉ biết đến chùa lễ Phật thôi, không cần biết đến gì khác cả, mặc cho bọn sư quốc doanh lấy tiền cúng bái của thập phương đem đi phục vụ cộng sản, đánh phá GHPHVNTN dân lập của người con Phật chân chính.                             Thảng hoặc có ai mạnh dạn thắc mắc hỏi gì thì họ thẳng tay bịt miệng người hỏi, như đã xẩy ra trong một bữa tiệc xin tiền của một Giám mục quốc doanh, ngay tại quận Cam. Họ bỏ ngoài tai những lời than phiền, trách móc của người dân hải ngoại về sự  “thuần hóa” và tính “quốc doanh” của các giáo hội trong nước. Họ cũng im lặng trước những tu sĩ tham gia bạo quyền Việt cộng trong khi lại lên án các tu sĩ xả thân tranh đấu cho nhân quyền và tự do của nhân dân -một cách ôn hòa. Hơn thế họ còn có những lời nói và việc làm không thể chấp nhận được trên cả phạm vi tôn giáo cũng như dân tộc.
Dĩ nhiên các tu sĩ quốc doanh không bao giờ chấp nhận sự lên án đó, cũng như các giáo hội trong nước đã nại ra bao nhiêu lý lẽ để bào chữa cho cách hành xử của mình. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Lý lẽ nào cũng không thể bào chữa, che đậy được nội dung sai lầm xâú xa thật sự của nó. Ðã có bao nhiêu bài viết vạch rõ, chứng thực các điều này. Bên phía Công giáo, ngay Giáo hoàng Pio XII cũng đã bị chê trách nặng nề vì đã im lặng trước những hành động cực kỳ dã man của Hitler, đến nỗi đã gây ra cả một mặc cảm tội lỗi trong giáo hội! Tôn giáo nào cũng chủ trương nhân ái, khuyên tín đồ phải bênh vực lẽ phải, phải bảo vệ niềm tin tôn giáo cuả mình, cho nên mới có những vị Thánh tử vì Ðạo. Chính vì nhận biết là con người và các tín đồ, ngay cả đến đức Giáo hoàng cũng không phải là Thánh, không bao giờ yếu đuối sai lầm, nên đức Giáo hoàng John Paul II đã phải lên tiếng xin lỗi nhân loại về những sai lầm mà người tín đồ Thiên Chúa giáo phạm phải trong suốt quá khứ 2000 năm. Vậy mà các con lạc đà tôn giáo Việt-Nam vẫn cứ rúc đầu vào cát.

8-Hòa đồng tôn giáo là giải pháp cứu vãn.

Từ nhiều năm qua những người hay tổ chức quan tâm đến tình hình đau thương của dân tộc đã cố tìm giải pháp để cứu vãn đất nước. Nhóm Hòa-đồng Tôn-giáo và Dân-tộc là một. Chủ trương của nhóm đã được trình bày trong hai lá Hải Ngoại Huyết Thư bởi nhà nghiên cứu chuyên khoa về Chính-trị-học Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Nhóm. Người viết chỉ xin được đóng góp thêm một vài ý kiến có tính cách thực tế vào mục đích này.  Thiết nghĩ Việt-Nam hiện nay cũng như một con bệnh. Muốn chữa trị thì đầu tiên là phải tìm hiểu xem bệnh đó từ đâu mà có, phải chữa trị cách nào cho tốt, và phải làm sao để có thể chữa trị được.

–  Vậy trước hết là phải chẩn bệnh. Người viết đồng quan điểm với Nhóm Hòa Ðồng Tôn Giáo về nguyên nhân gây ra đại thảm họa hiện nay của dân tộc, là cộng sản. Và công nhận rằng căn cốt của thảm trạng đó là chính sách vô thần, vô đạo lý của đảng này, một chủ nghĩa chính trị cực kỳ cực đoan, mù quáng, mà ngay người sáng lập ra nó cũng đã phải tự thú là sai lầm, và trên thực tế đã bị hầu hết thế giới, kể cả thế giới cộng sản, triệt tiêu. Sự băng hoại về mọi mặt của xã hội Việt-Nam đã quá lớn, quá sâu đậm đến nỗi không còn cách nào để phục hưng xứ sở hơn là trở về với tôn giáo, đúng hơn là trở về với tâm linh, với đạo lý, bằng con đường mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn anh Tuấn là “hòa đồng tôn giáo”.

–  Kế tiếp là tìm cách chữa bệnh. « Hòa đồng tôn giáo » thật ra mới chỉ là một ý niệm, một đường hướng tổng quát để chữa bệnh. Còn cần cho toa và cắt cho đúng các vị thuốc. Ðiều này theo thiển ý không đến nỗi khó vì kinh nghiệm kim cổ đông tây đã có đủ. Các tôn giáo đã có sẵn luân thường đạo lý để chữa chạy cho con bệnh Việt-Nam mau lành và chóng hồi phục. Quảng đại quần chúng tín đồ các tôn giáo chắc cũng ý thức được các vấn nạn của đất nước và tán thành công cuộc xây dựng lại nền đạo lý dân tộc. Chỉ cần lựa ra những tinh hoa, những chân lý thích hợp nhất từ các tôn giáo để vận dụng thực thi. Ðây là trách nhiệm đặc biệt của tổ chức “Hòa đồng tôn giáo”.

–  Sau nữa là xét về con bệnh. Vấn đề vô cùng quan trọng ở đây là làm sao để con bệnh Việt cộng chịu chữa trị. Cần nói rõ thêm đây là con bệnh đã bị điên kinh niên, rất trầm trọng. Hơn thế nó còn làm cho bao nhiêu người xung quanh sợ hãi, phát điên theo nó, và dĩ nhiên nó không chấp nhận cho ai chữa trị. Suốt ngày đêm năm tháng nó cứ cuồng dại ca lên rằng chủ nghĩa của nó là nhất, và chúng nó là số một.            Do đó phải có những biện pháp thích đáng ngoài sự chẩn bệnh giỏi, thuốc chữa hay. Vấn đề nan giải ở đây là: ai sẽ là vị bác sĩ có đủ tài đức để vừa bắt mạch vừa kê toa lại vừa điều trị được con bệnh này ? Ðây là vấn đề quá lớn lao, phải có nhiều người thật tài đức, thật nhiệt tâm cùng bắt tay vào việc, nghiên cứu cho kỹ, để tìm ra giải pháp hay nhất.

Sau cùng, để đặt nền tảng cho công cuộc thực hiện hòa đồng, thiết nghĩ cũng cần phải đưa ra một số các tiêu điểm cho có hệ thống rõ ràng, nhất là về điểm: sự hòa đồng cần đặt trên căn bản nào, và sẽ được thực hiện ra sao trong hiện tình đất nước? v.v.

–    Về căn bản hòa đồng, theo thiển ý, có 2 điểm cần cứu xét.

Thứ nhất là sự hòa đồng phải đặt căn bản trên một mẫu số chung mà mọi tôn giáo đều cùng có. Ðó là “ÐẠO LÝ”, tức là những giáo lý về đạo đức làm người, như về lòng từ bi, về đức công bằng bác ái v.v. Hiển nhiên không thể đặt sự hòa đồng trên căn bản giáo lý. Ðây là điều không thể xảy ra, vì giáo lý là niềm tin riêng biệt, tế nhị đến độ ngay trong cùng một tôn giáo mà chỉ giải thích khác nhau đã đưa đến chia rẽ, chống chọi, và có khi xung đột nhau. VXIN  GIU  KINậy giáo lý là vùng cấm địa của mỗi tôn giáo. Trên phương diện này nhiều lắm chỉ có thể có sự “sống chung hòa bình”, như tam giáo đồng nguyên là quý lắm rồi.

Thứ hai, và đây là căn bản quan trọng nhất, là sự hòa đồng phải đặt trên căn bản DÂN TỘC, là điều không cá nhân hay đoàn thể nào, kể cả tôn giáo, có thể phủ nhận được. Chính nó mới có hiệu lực kết nối kết mọi người trong một quốc gia lại với nhau. Xưa kia “tam giáo đồng nguyên” tương sinh với nhau để cùng tồn tại và phát triển chính yếu cũng là vì biết hòa đồng với dân tộc thay vì tìm cách chiếm đoạt ngôi vị độc tôn, áp đảo cả chính quyền.

Ở điểm này cần phải nói rõ là Dân Tộc không thể hòa đồng theo Tôn giáo mà ngược lại Tôn giáo cần phải hòa đồng với Dân tộc.

Sau chót là về biện pháp thực hiện sự hòa đồng: làm sao để có thể thực hiện được sự hòa đồng về tôn giáo để hướng mọi người về nội tâm, về tâm linh, nhằm đạt được mục đích xây dựng lại nền đạo lý dân tộc trong hiện tình chính trị của đất nước? Ðây chính là cái khó khăn về con bệnh đã nói ở trên. Vì « con bệnh » chính là đối thủ của ta và của chủ trương hòa đồng tôn giáo, là Việt cộng, thì vẫn đang nắm quyền, còn các tôn giáo quốc doanh thì chưa biết bao giờ mới thoát ra khỏi được cái vỏ ốc quy phục hiện nay, nên vấn đề là phải làm sao để thực hiện được sự hòa đồng tôn giáo đề ra? Ở đây rõ ràng chúng ta còn phải đi một bước thật dài, thật chông gai, nếu không có một thời cơ hãn hữu, như là một phép lạ.

9-Ðôi lời kết luận

Phương thức hòa đồng tôn giáo để cứu nguy dân tộc quả là một giải pháp không những rất đúng mà còn rất cao đẹp. Chỉ có đạo lý chân thiện mỹ của các tôn giáo mới có thể cứu vãn được xã hội Việt-Nam, hiện đang ở đáy cùng của vực thẳm, của sự băng hoại về mọi mặt: văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế, đặc biệt là đạo đức. Những tinh túy về đạo lý nhân sinh của tất cả các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Khổng giáo v.v. đều cần phải tận dụng để hướng con người trở về với nội tâm, nhằm nâng cao phần hồn, xa bớt phần xác, hầu loại bỏ hẳn cái chủ trương vô thần bất nhân của cộng sản. Chúng ta cần tâm niệm rằng không có đạo thì xã hội sẽ sa đọa, loạn lạc, đúng như những gì đã xảy ra trên đất nước ta, do bọn vô thần cộng sản gây ra và đã làm đảo điên dân tộc ta trong trên nửa thế kỷ nay.

Nhưng mục đích càng cao thì thực hiện càng khó và càng cần phải có sự góp sức thật tích cực của tất cả mọi người mọi giới.

Trước nhất là các công dân cũng như các tín đồ tôn giáo, cần thật tỉnh táo, sáng suốt. Ðừng để cho sa tăng quyến rũ. Ðừng để cho quỷ đỏ lừa bịp. Ðừng để bị lôi cuốn vào con đường phản dân phản đạo.Theo đạo chứ không nhắm mắt theo thầy tu. Mấy triệu người đã chết rồi. Trên nửa thế kỷ điêu linh đã quá đủ rồi.         Kế đến là các tu sĩ, giáo sĩ của các tôn giáo. Xin hãy can đảm noi gương nhị vị Hòa Thượng Huyền-Quang, Quảng Ðộ. Xin hãy sớm tỉnh thức, để tự cứu và cứu dân tộc. Xin hãy đứng lên để chăn dắt tín đồ của mình đi vào con đường từ bi bác ái. Ðừng nhắm mắt bịt tai, ngồi im, cho giặc tàn phá đất nước, dân tộc, và tôn giáo của mình. Xin hãy mau cùng nhau rửa sạch vết bùn nhơ để khỏi hổ thẹn với vai trò « thiên sứ » của mình.

Ngày 18 tháng 01 năm 2008

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt