Thú dữ nhận bằng tiến sĩ danh dự

 

Jessica Ryan * Người dịch: Hoàng Trúc – Hồi tháng 5, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã gọi ông Nguyễn Phú Trọng là con thú ăn thịt, đe dọa quyền tự do thông tin. Tuần trước, ông Trọng nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Thammasat ở Thái Lan.
 
Ngay khi cái tin này đến tai các blogger và nhà hoạt động ở cả Việt Nam lẫn các nước khác, một nhóm nhà hoạt động, đứng đầu là trang blog Dân Làm Báo, đã gửi một thư ngỏ tới Đại học Thammasat, chỉ ra rằng quyết định đó sai lầm tới mức nào. Mặc dù có tới 13 tổ chức khác nhau đứng tên trong thư, nhưng Thammasat vẫn quyết định trao bằng tiến sĩ danh dự về khoa học chính trị cho ông Nguyễn Phú Trọng.
 
Người ta có thể tự hỏi liệu đây có phải một cử chỉ mang nhiều tính chính trị hơn là một tấm bằng danh dự của trường đại học hay không, nhất là khi ông Trọng nhận bằng danh dự này trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Thái Lan. Trên thực tế, đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Việt Nam kể từ năm 1993 khi lãnh đạo đảng CSVN Đỗ Mười tới Thái Lan.
 
“Làm sao mà một người như ông Nguyễn Phú Trọng – người phải chịu trách nhiệm về số vụ đàn áp nhân quyền ngày càng tăng lên tại một quốc gia độc đảng cai tri, trong đó ông ta là lãnh đạo cao nhất của đảng đó – lại có thể được vinh danh bởi một trong những trường đại học lâu đời nhất của Thái Lan, vốn vẫn giáo dục và cổ xúy sinh viên “đề cao lợi ích của việc sống theo triết lý kinh tế no đủ với các giá trị dân chủ và công lý trong xã hội?” – giới hoạt động đặt câu hỏi như vậy trong bức thư ngỏ.
 
Người ta sẽ hiểu câu hỏi đó của họ khi đọc báo cáo tháng 5/2013 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, theo đó, Việt Nam bị xếp thứ 172 trên 179 quốc gia trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới. Cũng theo báo cáo này, Nguyễn Phú Trọng được mệnh danh là một trong 39 con thú dữ đối với Tự do Thông tin. Việt Nam bị xếp vào một trong 5 nước Kẻ thù của Internet trong cùng báo cáo.
 
Trong bản giới thiệu về đại học Thammasat, trường này tuyên bố rõ rằng một trong các sứ mệnh của họ là “đề cao lợi ích của việc sống theo triết lý kinh tế no đủ với các giá trị dân chủ và công lý trong xã hội”. Liệu các thành tích vừa nêu trên có phải là ví dụ tốt về các giá trị dân chủ và công lý xã hội không?
 
Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đảng cộng sản từ năm 2011, và ông đã gia nhập đảng này từ năm 1967. Theo nội dung bức thư ngỏ, ông Trọng vốn là một cán bộ tuyên truyền cực kỳ trung thành với đảng. Đảng của ông đấu tranh chỉ vì một điều thôi, đó là duy trì độc quyền lãnh đạo, nhằm bảo vệ lợi ích riêng của họ. Lá thư ngỏ còn nói thêm rằng ông Trọng là một trong những cái đầu bảo thủ nhất, bám khư khư lấy một ý thức hệ đã lỗi thời, coi chủ nghĩa cộng sản là thống trị ở phần lớn thế giới hiện đại. Bằng việc từ chối thay đổi và cải cách, Việt Nam đã mất cơ hội phát triển thành một xã hội có năng suất cao hơn và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ một thiểu số có chọn lọc.
 
Theo blogger Đoan Trang, thật khó để các blogger và nhà dân báo làm việc ở Việt Nam. Họ bị mất những quyền căn bản nhất để có thể làm báo. Một ví dụ là chuyện tấm thẻ nhà báo cho phép người cầm thẻ tiếp cận với thông tin chính thống và tham dự các sự kiện nhất định. Ở Việt Nam, nếu là blogger hay nhà dân báo thì bạn sẽ không thể được cấp thẻ này. Bạn phải là người của hệ thống báo chí quốc doanh kia. Thẻ nhà báo tỏ ra khá hiệu quả trong việc bịt các tiếng nói phê phán. Điều đó có nghĩa là những người phê phán (chính quyền) không được dự các sự kiện, hội nghị hội thảo và bất kỳ nguồn tài liệu nào mà họ có thể sử dụng làm bằng chứng cho các phân tích phê phán của họ.
 
Trong mấy năm qua, do xuất hiện thêm nhiều blog và nhà dân báo mới, chính quyền Việt Nam đã quyết định phải phản đòn mạnh hơn. Họ liên tục bắt giữ blogger và các nhà dân báo, rồi kết những bản án dài, đôi khi thậm chí không có tiến trình tố tụng và đại diện pháp lý phù hợp. Một vài người từng bị bắt đã khoe những vết sẹo do đòn tra tấn để lại, và họ chịu đựng chúng với một vẻ tự hào: Họ đã đứng lên vì sự nghiệp của mình và trả giá vì điều đó. Họ kể lại những điều kiện giam giữ kinh khủng – đói, liên tục bị đánh trong quá trình thẩm vấn, tra tấn tinh thần, nhục mạ. Với phụ nữ, đôi khi còn có cả quấy rồi tình dục ở một mức độ nào đó. Nếu Nguyễn Phú Trọng là một con người, một chính trị gia, có ưu tư về công lý xã hội, về tự do và dân chủ, thì chẳng phải việc đầu tiên ông ta cần làm là chấm dứt những hành vi tàn độc đó hay sao?
 
“Chúng tôi sợ rằng, với việc trao bằng tiến sĩ danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng, Đại học Thammasat sẽ bị coi là ủng hộ một chính trị gia mà lời nói và việc làm đều đã chứng tỏ sự đi ngược lại với nhân quyền và các giá trị dân chủ; và nhà trường có thể bị dư luận hiểu nhầm là đang cổ xúy cho những nhà cai trị và nhà độc tài tàn bạo” – lá thư ngỏ viết.
 
Thay vì sử dụng quyền của mình để chấm dứt các hành vi lạm quyền, ông Trọng trên thực tế lại bỏ qua chúng và thúc đẩy các hành vi đó khi cần; bởi vì, cách duy nhất để một chế độ như thế có thể tồn tại, là phụ thuộc vào việc tất cả các bí mật có được giữ kín không, nhất là đối với những người dân khát khao kiến thức và sự thay đổi. Vào tháng 5 năm nay, hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên (21 tuổi) và Đinh Nguyên Kha (25 tuổi) đã bị kết án 6 và 8 năm tù mỗi người do vi phạm điều 88 bộ luật hình sự. Họ bị buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
 
Nếu bạn tìm đọc Tuyên ngôn Nhân quyền, thì sẽ thấy hai sinh viên này chỉ thực thi quyền của họ, như đã được xác định trong điều 19 của tuyên ngôn: làm ra và phát tán tờ rơi, khẩu hiệu và cờ giấy.
 
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới. 
 
Nhưng chính quyền Việt Nam không tuân thủ điều này, vì vậy, thay vì được giáo dục và được đấu tranh vì quyền của mình, hai sinh viên nói trên giờ đây đang phải ngồi tù và bị quản thúc vài năm. Cả hai đều đại diện cho tiếng nói của người dân Việt Nam đòi hỏi sự thay đổi. Đó là tiếng nói mà ông Nguyễn Phú Trọng đã quyết định dập tắt đi, trong khi lẽ ra ông đã phải lắng nghe để trở thành một người được vinh danh như thế – người thúc đẩy triết lý kinh tế no đủ với các giá trị dân chủ và công lý trong xã hội.
 
Thay vì thế, ông lại vẫn còn là một đảng viên tận tụy, tổng bí thư của đảng cộng sản, và vừa được vinh danh với một tấm bằng tiến sĩ về khoa học chính trị.
 
 
Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt